Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 148 / Diễn Đàn Phỏng vấn Ngô Bảo Châu

Diễn Đàn Phỏng vấn Ngô Bảo Châu

- Ngô Bảo Châu -- Diễn Đàn (pv) — published 11/12/2009 17:35, cập nhật lần cuối 13/10/2021 22:47
Nhân tin vui nhà toán học Ngô Bảo Châu được tuần báo Time bình chọn là người đã thực hiện một trong 10 khám phá khoa học lớn nhất của thế giới năm 2009; mời bạn đọc đọc lại cuộc phỏng vấn Ngô Bảo Châu do Diễn Đàn thực hiện trong số 148, tháng 02.2005; nhân dịp ông vừa nhận giải Clay.


Diễn Đàn Phỏng vấn



Ngô Bảo Châu, Nhà toán học
vừa được giải Clay
(*)



bc-clay



Diễn Đàn (D.Đ.) : Xin anh cho biết quá trình học tập của anh trước khi sang Pháp ? Theo anh những điểm gì đã giúp cho việc học tập của anh ở Pháp, những điểm gì anh cảm thấy thiếu ?

Theo anh, việc đào tạo học sinh giỏi ở các lớp chuyên toán có những ưu, nhược điểm gì, liệu việc bồi dưỡng học sinh giỏi từ phổ thông có là một phương pháp tốt giúp phát triển tư duy toán học ?


Ngô Bảo Châu (N.B.C.) : Đội tuyển đi thi toán quốc tế của Việt Nam vẫn thường xuyên được xếp hạng cao, nhiều khi xếp trên các nước tiên tiến như Mỹ, Anh, Pháp … Đây là thành tích không nhỏ của ngạch đào tạo chuyên toán của ta. Công nghệ luyện thi học sinh giỏi toán không chỉ có cái hay, cũng có một số cái dở. Cái dở trong việc luyện thi chuyên toán là nó đánh lạc hướng học sinh khỏi những vấn đề có tính cốt lõi của toán. Nó đặt cái tố chất thông minh, nhanh nhạy lên trước, mà gạt ra ngoài cái khả năng thấu hiểu vấn đề một cách sâu sắc. Ngược lại cách rèn luyện chuyên toán đào tạo cho học sinh một bản lĩnh nhất định khi phải đối mặt với một bài toán khó. Tôi nhớ dạo còn bé, mỗi lúc phải mở cuối quyển sách để xem lời giải của một bài toán không tự giải được, là tôi cảm thấy dằn vặt khổ sở, cảm giác pha lẫn bực tức và xấu hổ giống như đá bóng bị thua. Cái tố chất thể thao của chuyên toán giúp tôi nhiều sau này, và tôi nghĩ là nó cũng giúp nhiều người khác trong những lĩnh vực không liên quan gì đến toán. Theo tôi cái đáng quí nhất là qua hệ thống đào tạo chuyên toán, các anh đi trước trao lại ngọn lửa say mê toán học cho các em theo sau. Cá nhân tôi, tôi biết yêu toán học từ ngày đi theo học anh Phạm Ngọc Hùng, rồi sau đó là anh Lê Tuấn Hoa, anh Vũ Đình Hoà. Tôi không quên được thầy Tôn Thân ở trường Trưng Vương dạy chúng tôi là không cần chạy theo các bài toán hóc búa, cái đẹp có khi lại ở trong những bài toán đơn giản nhất. Những ngày học chuyên toán tổng hợp với thày Hùng, thày Việt, cô Hoa cũng là những ngày tháng đáng nhớ.


D.Đ. : Anh đã theo học khối chuyên toán trong nhiều năm và đã luôn đạt những kết quả xuất sắc, phải chăng niềm say mê Toán học đã theo anh từ nhỏ ? Đã bao giờ anh có ý nghĩ về một lựa chọn khác ?


N.B.C. : Đúng ra là tôi vào học chuyên toán muộn hơn nhiều người khác. Cấp một, tôi theo học một trường với phương pháp giáo dục rất cấp tiến, tên là Trường thực nghiệm, do ông Hồ Ngọc Đại khởi xướng. Hết cấp một bố tôi không cho tôi học Thực nghiệm nữa vì thấy tôi chưa biết nhân số có hai chữ số. Tôi không muốn bàn về phương pháp giáo dục của thầy Đại nhưng tôi giữ được nhiều hồi ức đẹp và nhiều bạn bè từ trường Thực nghiệm. Học sinh thực nghiệm chúng tôi dạo ấy bị học sinh trường khác gọi là gà công nghiệp. Cái phong cách gà công nghiệp, hơi ngây ngô, cũng có cái hay. Con gà ta khôn quá, giỏi né tránh cái khó khăn, nhưng có khi không biết đối mặt với cái khó khăn.


D.Đ. : Xin anh kể lại vắn tắt quá trình học tập ở trường ENS (**), từ khi mới sang cho đến khi bảo vệ luận án. Anh có những kỷ niệm nào đáng nhớ (môn học nào anh thấy thích nhất, môn nào làm cho anh cảm thấy vất vả nhất, vì sao anh chọn học với thầy Gérard Laumon ? Những kỷ niệm vui buồn trong quá trình làm luận án ?)


N.B.C. : Tôi nhớ là dạo học ở ENS và học DEA ở Orsay tương đối chật vật. Tuy điểm thi vẫn tạm ổn, nhưng tôi không cảm thấy học toán nhẹ nhàng như trước nữa. Sau này nhìn lại, tôi mới hiểu đây là giai đoạn chuyển tiểp khó khăn từ đầu óc chuyên toán sang phương pháp tư duy của toán học hiện đại. Có cái, ví dụ như tính đối ngẫu, theo cách nhìn chuyên toán thì chỉ trò lập luận vòng vo, thì từ quan điểm toán cao cấp lại là cái mấu chốt. Ngược lại, cái ta hay thích trong toán sơ cấp lại chỉ còn là những bài toán râu ria, làm cho vui. Tôi có cái rất may được theo học ông Laumon để học được phần nào cái phong cách làm toán của ông. Tôi học được cách đánh giá cái hay, cái đẹp trong toán học hiện đại, sau nhiều năm theo học ông Laumon.

Tôi làm luận án cũng khá là chật vật. Vấn đề ông Laumon giao cho tôi dạo đó thuộc loại mạo hiểm, theo nghĩa là hoặc là làm được hoặc là không, không có lối thoát khác. Không thể thêm giả thiết, hoặc sửa định nghĩa để cho có định lý. Sau ba năm làm việc, tôi vẫn không có một tí kết quả nào. Cho đến đầu năm thứ tư tôi cũng tìm được cái chứng minh hóc hiểm kia, nhưng thật ra lúc đó thì chưa yên tâm lắm. Tôi còn nhớ, khi đang viết luận án một buổi tối, tôi phát hiện ra hình như có một chỗ sai trong chứng minh. Đêm hôm ấy là một đêm khủng khiếp. Buổi sáng hôm sau tỉnh dậy thì mọi chuyện lại tươi đẹp trở lại. Nhưng quả thật là hoàn thành cái luận án tiến sĩ đã là một thử thách lớn đối với tôi.


D.Đ. : Anh đến với « lemme fondamental » (bổ đề cơ bản) như thế nào ? những thời điểm đáng nhớ ?


N.B.C. : Vấn đề ông Laumon giao cho tôi làm cho luận án tiến sĩ đã khá gần với « lemme fondamental » rồi cho nên tôi đã rất gắn bó với cái « lemme » này ngay từ đầu. Sau luận án, tôi có làm một số vấn đề khác, cũng có chút thành công, tôi không tìm lại được cái cảm giác phải đối mặt với một bài toán thật sự hóc búa như dạo làm luận án.

Thời gian này, từ 1997 đến 2001, tôi đi nhiều, cộng tác với nhiều người, viết một số bài báo nhưng có lẽ điểm tích cực nhất là giai đoạn này giúp tôi cải thiện một chút cái culture générale hơi (có tính chất) hoàn cảnh trước đó. Từ năm 2001, tôi cảm thấy cần tập trung làm việc lại với cái « lemme fondamental ».


D.Đ. : Được biết anh đã nhiều lần về nước giảng dạy, anh có những nhận xét nào về trình độ, phương pháp học tập, nghiên cứu của sinh viên Việt Nam ?


N.B.C. : Tôi có tham gia dạy một nhóm sinh viên trường Sư phạm Hà nội. Cái khuyến khích tôi rất nhiều là các em rất ham học, bất chấp mọi điều kiện vật chất không dễ dàng lắm. Trong thành công của các khoá học này có công lao rât lớn của GS Đỗ Đức Thái, giảng viên trường Đại học Sư phạm.

Theo chủ quan của tôi, sinh viên ở Việt Nam không được trang bị đầy đủ kiến thức như sinh viên các trường lớn ở Pháp hay ở Mỹ. Tuy vậy, khoảng cách phải chạy đuổi không phải là xa lắm và nếu có điều kiện đi học tiếp ở nước ngoài, với sự say mê học tập nghiên cứu, với sự chịu thương chịu khó của người mình, các em sinh viên ta có thể hoàn thành tốt luận án tiến sĩ, và rồi trở thành những nhà khoa học chân chính.


D.Đ. : Giáo dục đại học đang là một vấn đề nổi cộm ở nước ta, anh nhận thấy nó có những điểm gì bất cập ? Anh có thể cho một số đề xuất để việc nghiên cứu của sinh viên có hiệu quả hơn.


N.B.C. : Giáo dục đại học ở nước ta có nhiều vấn đề và tôi thấy người ta bàn nhiều về làm thế nào để cải tiến nó. Con số thống kê và sức ép của kỳ thi đại học cho thấy là nhu cầu giáo dục đại học ở nước ta là rất lớn. Như vậy việc mở rộng giáo dục đại học là một việc cần thiết. Mặt khác ai cũng biết trong khoa học, cái quan trọng lại là cái chất lượng chứ không phải là số lượng. Lẽ ra khi nâng cấp các trường trung cấp lên cao đẳng, cao đẳng lên đại học, tức là nhà nước phải bỏ ra nhiều chi phí hơn, thì ta nên đòi hỏi ở các trường nhiều hơn về chất lượng khoa học. Tuy xu hương tất yếu là trung cấp sẽ thành cao đẳng, cao đẳng thành đại học để thoả mãn yêu cầu chung về giáo dục đại học, nhưng giá ta làm chậm hơn, đòi hỏi nhiều hơn về mặt chất lượng thì về lâu dài chắc là tốt hơn.

Cũng vẫn là chuyện chất lượng khoa học. Trên giấy tờ thì ở nước ta, chuyện thi master rồi bảo vệ tiến sĩ rất chặt chẽ. Muốn có bằng master ở Việt Nam phải thi đến 15 hay 20 môn, nhưng nội dung những ở chỗ tôi biết, thì còn sơ sài lắm. Hội đồng chấm thi nghiên cứu sinh cũng có tới mười mấy người, nhưng thường thì bao gồm những người có chuyên môn khác. Như vậy tôi có cảm giác là ta đem lấy cái phức tạp hành chính để bù đắp cho cái chất lượng khoa học. Nếu ta thật sự tin tưởng ở các nhà khoa học thì ta nên tháo bớt các ràng buộc hành chính vì rõ ràng nó chỉ gây lãng phí cho nhà nước và cho học sinh, chứ hoàn toàn không đảm bảo gì thêm về chất lượng.

Người ta bàn nhiều đến chuyện phong giáo sư, phó giáo sư, nhưng theo tôi nghĩ, cái sẽ ảnh hưởng nhiều hơn đến bộ mặt ngành đại học nước ta trong 10 năm, không phải là chuyện phong giáo sư mà là chuyện tuyển chọn giảng viên các trường đại học như thế nào. Tôi cứ nghiệm từ khoa toán trường đại học Paris 13 nơi tôi làm việc cho đến năm ngoái. Trường đại học Paris 13 nằm ở một khu vực ngoại ô nghèo theo mức trung bình ở Pháp, đáng lý phải thuộc loại nhàng nhàng. Trong thực tế, khoa toán ở đó có tiếng tăm rất tốt không chỉ ở Pháp. Bộ mặt của khoa đã thay đổi hẳn từ 10 năm trở lại đây những lý do chính của thành công này là lãnh đạo khoa từ 20 năm có các quyết định đúng trong chính sách tuyển người.

Từ con mắt người nước ngoài thì thật là khó hiểu khi việc tuyển người ở nhiều trường đại học lớn của ta đôi khi lại nằm trong tay phòng tổ chức cán bộ. Tôi không bàn đến chuyện đôi khi còn xảy ra là tuyển chọn con em trong trường vì cái này rõ ràng là vô cùng tệ hại. Một thói quen khác cần bàn là việc giữ sinh viên giỏi ở lại trường. Tuy không có gì đáng chê trách về mặt đạo đức, nhưng về lâu về dài, nó có ảnh hưởng xấu, nó làm cho các trường các khoa được xây dựng như những pháo đài, rất bền vững về mặt tổ chức, nhưng dần dần thoái hoá về mặt khoa học giống như trong những giòng họ có phong tục lấy chồng lấy vợ nội tộc. Việc các trường, các viện, chọn người của nhau chính là một động cơ cho sự đổi mới liên tục và sự cạnh tranh lành mạnh trong khoa học.

Các bạn hỏi về việc nghiên cứu của sinh viên ở trường đại học. Có lẽ tôi có quan điểm hơi bảo thủ, nhưng tôi nghĩ là trong hoàn cảnh nước ta hiện nay, không nên đặt ra vấn đề nghiên cứu khoa học cho sinh viên. Ta nên đặt ra vấn đề làm sao để nhà khoa học có điều kiện nghiên cứu tốt hơn, và sinh viên có điều kiện học tập tốt hơn. Nhà nước đã đầu tư khá nhiều tiền cho việc xây dựng cơ sở vật chất tại các trường đại học, nhưng tôi cảm thấy những cái tối cần thiết thì chưa có. Để học tập, sinh viên cần có một thư viện cho ra một cái thư viện. Phương tiện điện tử có thể giúp một phần, nhưng hiện tại, google không thay thế được sách vở. Tôi nghe một ông trưởng khoa toán một trường đại học lớn than phiền xin tiền đi mua máy tính thì dễ mà tiền để mua sách thì khó. Sách vở hình như chưa được xếp vào mục trang bị khoa học. Ngoài ra, muốn ngồi nghiên cứu, ít nhất các giáo sư cũng cần có phòng làm việc. Ở các trường tôi có dịp đến thăm, tôi có nhận xét hình như không có phòng làm việc cho các giáo sư. Việc cải thiện điều kiện nghiên cứu khoa học là việc rất cần thiết. Ở Liên Xô cũ, hay ở một số viện nghiên cứu trọng điểm ở Ấn Độ, người ta duy trì được một trình độ khoa học cao, tránh được chảy máu chất xám, mặc dù là lương giáo sư ở Ấn Độ chắc thấp hơn lương ở Mỹ rất nhiều. Theo tôi, lý do đơn giản là bên cạnh một đồng lương đủ sống với mức trung lưu so với Ấn Độ, họ được đầu tư điều kiện làm việc với tiêu chuẩn quốc tế. Tôi nhận xét là thư viện của viện Tata ở Mumbai còn tốt hơn thư viện viện IHES ở Bures-sur-Yvettes hay là viện IAS ở Princeton.


D.Đ. : Anh đã theo học ở ENS, một mô hình giáo dục đặc biệt, rất hiệu quả và nổi tiếng của Pháp. Theo anh, liệu ở nước ta có nên xây dựng những mô hình như vậy ở đại học không ?


N.B.C. : Trường ENS ở Paris đúng là một mô hình giáo dục đặc biệt. Cuộc tuyển sinh vào trường rất gắt gao để đảm bảo tuyển chọn được những đầu óc ưu tú nhất sau này làm nòng cốt cho cả hệ thống giáo dục đại học ở Pháp. Sinh viên của trường được hưởng ưu đãi đặc biệt. Một trong những thế mạnh của ENS là do các giáo sư đầu đàn ở các trường đại học khác phần nhiều là học sinh cũ của trường, nên ENS có thể gửi học sinh của mình đến các trường đại học để làm luận án tiến sĩ. Bản thân ENS đào tạo rất ít tiến sĩ. Tuy quy mô hạn chế, nhưng trường ENS Paris giữ một vị trí trung tâm và có quan hệ rất tốt với các trường đại học. Cái mô hình quy mô nhỏ, nhưng chất lượng tốt có vẻ như hơi thiếu ở nước ta vào thời điểm hiện tại. Nó có điểm hơi giống với hệ cử nhân tài năng nhưng có cái khác cơ bản là nó nằm ngoài các trường đại học.

Cách đây vài năm tôi có nghe nói đến dự định mở một cơ sở tương tự như vậy ở nước ta. Cứ nhìn thành công của trường ENS Paris thì đây là một dự định tốt về lâu dài. Nhưng xây dựng dự án này chắc sẽ rất chông gai. Lý do là nó nó đòi hỏi một sự hy sinh lớn từ phía trường Đại học Quốc gia Hà nội và trường Sư Phạm Hà nội. Phương án đơn giản là hai hệ cử nhân tài năng của hai trường này cần thống nhất thành một cơ sở đào tạo ưu tú. Cơ sở này có thể phụ thuộc vào các trường và các viện khoa học, đơn giản vì các giáo sư cũng sẽ chỉ có thể mượn từ các trường hoặc các viện, nhưng nó cần giữ được sự độc lập nhất định về tuyển sinh và giảng dạy. Ở ENS Paris, các giáo sư cũng được mượn từ các trường đại học khác.


D.Đ. : Anh cũng đã giúp đỡ, tạo điều kiện cho một số bạn sinh viên Việt nam sang Pháp học Toán, anh có thể giới thiệu về các hoạt động này, cũng như về tổ chức ForMath được không ?


N.B.C. : Formath là chương trình hợp tác đào tạo và nghiên cứu toán học do các giáo sư Frédéric Pham, Nguyễn Thanh Vân, J .-P. Ramis bên phía Pháp và các giáo sư Hà Huy Khoái và Đinh Dũng phía Việt Nam sáng lập. Formath tổ chức cho các giáo sư Pháp sang Việt Nam dạy toán, giúp sinh viên Việt Nam sang Pháp học toán, và hỗ trợ các nhà khoa học việt nam qua cộng tác nghiên cứu ở châu Âu.

Về phần cá nhân tôi, tôi có giúp đỡ một nhóm sinh viên ở trường Sư Phạm Hà nội qua trường đại học Orsay để tiếp tục đào tạo cử nhân và tiến sĩ. Tôi đã bắt đầu làm việc ở trường Sư phạm với cả nhóm từ trước đó hai ba năm. Muốn làm được những việc như vậy, ngoài sự nhiệt tình cá nhân, chúng tôi cần sự ủng hộ của cả phía Việt Nam và phía Pháp.


D.Đ. : Trong thời đại ngày nay, việc học và làm Toán là một thách thức lớn (khi xin việc, đảm bảo cuộc sống, …), không ít bạn trẻ đã từng say mê toán học, nhưng phải phân vân lựa chọn giữa một bên là niềm say mê toán, một bên là một công việc ổn định trong một ngành nghề khác. Theo anh những bạn trẻ muốn dấn thân vào con đường đầy chông gai này, cần phải có những phẩm chất, ý chí như thế nào ? Anh có thể cho một vài lời khuyên ?


N.B.C. : Con đường toán học là con đường vô cùng chông gai. Tìm được một công việc ổn định ở các nước phương tây, sau khi làm xong luận án tiến sĩ là rất khó, khó đối với người bản xứ, còn khó hơn đối với ngưòi mình. Ngay trong việc làm toán, khi chưa làm xong một vấn đề thì nó làm ta ăn không ngon ngủ không yên. Khi làm xong rồi thì hình như ta lại không gắn bó với nó như trước nữa. Vậy thì ta dấn thân vào con đường chông gai này làm gì ? Toán học cho ta cái niềm vui vô giá của khám phá, tìm được một đinh lý mới cũng vui như nhà thơ viết được một bài thơ hay. Không phải chỉ trong nghiên cứu thuần tuý, mà đọc được một cuốn sách hay, hay là đem giảng giải lại cái mình hiểu cho người khác đem lại cho ta một niềm vui hiếm có. Tôi nói về thú vui trong làm toán là một cách để diễn đạt, cá nhân tôi, tôi tin một cách nghiêm túc là học toán, nghiên cứu toán là duy trì và phát triển cái công cụ hữu hiệu nhất mà bộ óc con ngưòi có được để giải mã những hệ thống phức tạp trong thiên nhiên. Vậy nên con đường toán học tuy chông gai nhưng xứng đáng để ta dấn thân nếu ta say mê với toán.


D.Đ. : Toán học đã là niềm say mê, niềm vui của anh, nhưng có bao giờ anh cảm thấy bị quá căng thẳng trong công việc ? Ngoài những lúc làm việc, anh thường thích thư giãn thế nào ? Gia đình chắc hẳn là niềm vui và là chỗ dựa vững chắc để anh yên tâm làm việc, anh có thể tâm sự chút ít về tổ ấm nhỏ bé của mình được không ?


N.B.C. : Tôi rất biết ơn vợ tôi hiểu cho tôi cái khó nhọc trong nghề làm toán. Có lúc ngồi ăn cơm với vợ con mà đầu óc vẫn mải tính toán cái gì đó, may mà không phải lúc nào cũng vậy. Nhưng không có những giây phút thảnh thơi, ngồi trò chuyện với bé Thanh Hiên và Thanh Nguyên, chúng tôi chắc khó giữ được cái cân bằng tâm lý, rất cần thiết cho cuộc sống của người xa xứ. Tôi còn có thêm một cái may mắn là có thêm chỗ dựa tinh thần chắc chắn ở bố mẹ tôi, và một số bạn bè ở Pháp và ở Việt Nam.


D.Đ. : Nghe nói anh Châu ngâm thơ rất hay, xin anh bật mí cho biết nhà thơ nào có ấn tượng nhất với anh ? Anh thích đọc văn thơ của tác giả Việt Nam nào, tác giả thế giới nào ? Nhiều người nghĩ rằng người làm toán khô khan, nhiều người khác lại thấy toán học mang chất thơ, anh nghĩ sao ?


N.B.C. : Trong các nhà thơ Việt Nam, tôi thích nhất thơ Quang Dũng và tiếc là sẽ không bao giờ có dịp được gặp ông để biết thêm về con người ông. Khi ông ngoại tôi còn sống, lúc tôi đọc cho ông nghe « Sông Mã xa rồi Tây tiến ơi … », ông tôi rất thích. Nhưng lâu nay quả thật là tôi chỉ có thời gian đọc các loại chuyện cổ tích thôi.

Toán tuy là một môn khoa học chính xác nhưng có nhiều điểm gần với một hoạt động nghệ thuật. Khi tìm một lời giải cho một bài toán, ta đứng trước bao nhiêu con đường, không biết là con đường nào sẽ dẫn đến đích. Đối với nhà toán học, sự lựa chọn dựa vào yếu tố thẩm mỹ. Trong toán học, lời giải đẹp thường cũng là lời giải đúng. Đáng tiếc là điều này không áp dụng được vào cuộc sống.


 

(*) Xem thêm Diễn Đàn số 146, 12.2004, tr.19.

(**) Ecole Normale Supérieure ; Trường Cao Đẳng Sư Phạm Paris.



Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Indochine: 70 ans après les Accords de Genève 21/11/2024 16:00 - 18:00 — BnF site François-Mitterrand, Quai François Mauriac, 75706 Paris Cedex 13
Les Accords de Genève, espoirs et désillusions au cœur de la guerre froide. De l’indépendance à la division du Vietnam 11/12/2024 16:30 - 18:00 — Bibliothèque François-Mitterrand, Quai François Mauriac - 75706 Paris Cedex 13
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us