Những tiêu cực « bóng đá... mở rộng »
Những
tiêu cực
« bóng đá... mở rộng »
Hoà Vân
Vụ xì-căng-đan bóng đá ở SEA Games 23 (xem Diễn Đàn số trước), như nhiều người dự đoán trước, đã bắt đầu lan ra ngoài sân cỏ !
Không chỉ còn là những vụ tiêu cực khác liên quan tới ngành thể thao này đang dần dần được lôi ra ánh sáng. Như vụ mua bán, dàn xếp tỷ số có liên quan đến một số trọng tài và huấn luyện viên (HLV) ở câu lạc bộ (CLB) Đông Á – Thép Pomina mấy tháng trước, mà 19 bị can đã bị khởi tố, trong đó 5 người đang nằm trong trại tạm giam chờ xét xử. Hay vụ « đưa, nhận hối lộ và tham ô tài sản » tại CLB Sông Lam – Nghệ An trong mùa giải 2000-2001 đang bị xới lại, với việc khởi tố 3 bị can và bắt giam đối với các cựu HLV Hữu Thắng, Xuân Vinh...
Những « ngóc ngách dây mơ rễ má » của vụ xì-căng-đan (theo cách nói của cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt), đang bước đầu được lần ra với vụ « cá độ hàng triệu đô la » mà nhân vật chính là một tổng giám đốc « lừng lẫy » của Ban quản lý các dự án 18 (viết tắt theo tiếng Anh là PMU 18) thuộc bộ Giao thông – Vận tải.
Sự việc bắt đầu với việc « bắt quả tang » ngày 13.12.2005 một số « cán bộ, chiến sĩ công an » đang chơi trong một chiếu bạc di động ở công viên Bách Thảo (Hà Nội), giữa thanh thiên bạch nhật. Thực ra, cơ quan điều tra (CQĐT) đã biết từ mấy tháng trước, một người trong nhóm đó, cảnh sát giao thông Bùi Quang Hưng, chính là một tay trùm của một đường dây cá độ quốc tế, và việc « bắt quả tang chiếu bạc » tại Bách Thảo chỉ là lý do để áp dụng biện pháp tố tụng hình sự đối với anh ta.
Khám xét khẩn cấp nhà Hưng ngay trong đêm ấy, CQĐT đã kê biên một khối tài sản lớn (một ngôi nhà cao tầng trị giá khoảng 3 tỉ đồng, một ô tô con Mazda, 4 xe máy, 2 ti vi 100 inches...) dĩ nhiên vượt quá xa thu nhập của một cán bộ phòng Cảnh sát giao thông, công an Hà Nội, nguyên là lái xe cho trưởng phòng này. Và nhất là, nhiều giấy tờ, tài liệu, máy vi tính liên quan đến việc tổ chức cá độ bóng đá quốc tế...
Những dữ liệu (được mã hoá) trong máy tính của Bùi Quang Hưng cho thấy đây là đường dây cá độ bóng đá quốc tế lớn nhất từ trước tới nay bị phát hiện ở Việt Nam - với một mạng lưới chân rết gồm không dưới 50 đầu mối vệ tinh chuyên thu gom tiền cá độ ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, với số tiền cá độ lên tới hàng triệu USD mỗi trận. Và với không ít khách hàng chủ là những « đại gia » trong xã hội đen, hoặc những doanh nghiệp giàu có và một số tổng giám đốc, giám đốc các công ty của nhà nước. Một danh sách ban đầu gần 40 người khách xịn trở thành đầu mối cho một cuộc điều tra hiển nhiên không còn có thể được giam trong vành đai của các sân bóng. Ngay cả những cầu thủ nổi tiếng trong vụ SEA Games 23 – mà nhiều dấu hiệu cho thấy không phải không liên quan tới đường dây của BQH – cũng tự nhiên lui về phía sau, nhường sân khấu cho những người chơi khác... Song, hẳn cũng chính vì tính cách « xịn » của các đương sự mà một tháng sau CQĐT mới có thể nộp hồ sơ vụ việc lên thủ tướng, và vài ngày sau đó báo chí mới biết được một phần những thông tin liên quan.
Các bản tin đầu tiên về vụ « bắt quả tang chiếu bạc công an » nói trên chỉ xuất hiện trên báo chí từ ngày 17.1.2006. Báo Thanh Niên hôm ấy hé lộ danh tính của nhân vật hàng đầu trong bản danh sách : ông Bùi Tiến Dũng, tổng giám đốc (TGĐ) PMU 18, và con số 1,8 triệu USD mà ngài tổng giám đốc đã tung ra chỉ trong mấy lần cá độ cách nhau không đầy một tháng. Con số 1,8 triệu đô la – chưa phải là tất cả ! – và tên tuổi ngài tổng giám đốc (47 tuổi, con một vị tướng trong quân đội) mau chóng lan rộng trên khắp các phương tiện truyền thông, với một vài chi tiết về mức sống của ông ta (như một chiếc mercedes « xịn » nhất Hà Thành, mua với tiền công ty, vừa được « nhường » cho ông phó... khi vụ việc vừa ló). Cũng may, phần lớn các nhà báo không rơi vào các chi tiết « people » (tuy không phải không có tầm quan trọng !) ấy, và những câu hỏi thực chất hơn được đặt ra : từ đâu mà ngài tổng có tiền tiêu xài ở mức đó ?, ban PMU 18 – và rộng ra, những công ty, ban bệ khác của bộ GT-VT hoặc của các bộ khác – làm ăn ra sao (các vụ « rút ruột công trình » còn chưa xa) ?, ai là ô dù của ông ta ?, và còn những ai khác cùng cỡ « tổng » hay cao hơn sẽ phải lộ diện ? v.v.
Hai câu hỏi đầu dĩ nhiên có liên hệ chặt chẽ, vì chẳng còn ai ngây thơ tới mức tin là nếu không « ăn » cách này hay cách khác vào những món tiền đầu tư khổng lồ của nhà nước vào các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng của đất nước, một quan chức dù cao cấp có thể tiêu pha rộng rãi như thế. Một nhà báo cho biết số tiền 1,8 triệu đô la (30 tỉ đồng VN) này tương ứng với một phần ba ngân sách của một tỉnh miền núi trong một năm, với 30 căn hộ chung cư hạng sang ở Hà Nội... Trong khung kế bên, chúng tôi xin tóm tắt một số « thành tích » của PMU 18. Nhưng bạn có thể nhìn sang một góc khác của sân khấu, nơi đèn vừa bật sáng : cùng ngày khi ông Dũng bị công an bắt giữ (20.1.2005), tại hội nghị triển khai công tác giao thông, bộ trưởng GT-VT Đào Đình Bình đang kêu gọi « triển khai ngay tuyên truyền trong cán bộ công nhân viên về Luật phòng, chống tham nhũng », để « đối mặt với nguy cơ tham nhũng, thất thoát rất lớn »... Năm 2006, Bộ GTVT được giao tới 1,5 tỷ USD xây dựng các công trình hạ tầng trên toàn quốc. Ông bộ trưởng hình như không cảm thấy mình có trách nhiệm gì đến việc đã bổ nhiệm một tổng giám đốc như ông Bùi Tiến Dũng !
Trở lại mấy câu hỏi nêu trên. Câu cuối cùng, cho đến nay (23.1.2006), người ta mới chỉ được biết tên tuổi của 3 “chiến hữu” thân thiết của ông Dũng : các ông Nguyễn Việt Bắc, phó tổng giám đốc Công ty phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), Vũ Mạnh Tiên, “phó chánh văn phòng” PMU 18, và Dương Mạnh Hoa, chỉ là lái xe cho ông Dũng nhưng hình như cũng đủ sức để nướng những món tiền lớn vào các cuộc cá độ... Ông Tiên vừa bị bắt tạm giam. Ông Bắc cũng bị khởi tố nhưng được cho tại ngoại vì đã “ thành khẩn khai báo ” và “ nộp lại số tiền cá độ ” (nhưng không được công an cho biết bao nhiêu).
Câu hỏi về ô dù của ông Dũng cũng chưa được báo chí trong nước trả lời. Đọc kỹ những bài viết khác nhau, người ta chỉ được biết là cả hai ông Dũng và Bắc đều từng là “quân” của thứ trưởng bộ GT-VT Nguyễn Việt Tiến, và (theo VietnamNet 23.1.2006) đều là “ đàn em thủ túc ” của một “ thứ trưởng nhiều quyền uy ” tại bộ GT-VT. Tờ báo không viết rõ hai ông thứ trưởng có là một hay không, nhưng trước đó ba ngày ông Tiến đã trả lời báo chí như sau về câu hỏi có phải ông là người phụ trách trên của hai ông Dũng, Bắc : « lĩnh vực thuộc về tội phạm xã hội thì không nên chú trọng, nhấn mạnh vào việc lãnh đạo bộ ai phụ trách các cá nhân, đơn vị này (sic)... Và vấn đề quản lý cán bộ đảng viên trước hết phải từ cấp ủy, chi bộ, đảng bộ cơ sở của địa phương, phường, khối ». Ông cũng từ chối trả lời có phải mình đã giới thiệu ông Dũng vào thường vụ đảng uỷ bộ GT-VT. Chuyện còn chưa ngã ngũ, xin đợi hồi sau phân giải vậy.
Hoà Vân
"Siêu ban" PMU 18
Thành lập năm 1993, nhiệm vụ của Ban quản lý các dự án 18 (PMU 18) là thay mặt chủ đầu tư quản lý quá trình đầu tư và xây dựng các công trình giao thông ; giao dịch, tiếp xúc với các tổ chức trong - từ trái phiếu Chính phủ - và ngoài nước - viện trợ của WB và các tổ chức tín dụng nước ngoài... - để tìm nguồn vốn cho các dự án do Ban quản lý.
Mỗi dự án đều có vốn đầu tư từ vài chục tới hàng trăm triệu USD. Vì thế mà PMU 18 được coi là một "siêu ban" của bộ GT-VT, và tổng giám đốc PMU 18 được coi là một người có thế lực chỉ thua... bộ trưởng !
Trong số những dự án do PMU 18 triển khai, có nhiều dự án mang tai tiếng nhưng vẫn không bị xử lý, như :
Dự án nông thôn 2 ở nhiều tỉnh, thất thoát hơn 13 tỉ đồng, với những đoạn đường xây xong đã bị xói lở, lầy lún do nền yếu, vật liệu xây dựng bị trôi giạt, thậm chí hoàn toàn không sử dụng được vì bị ngập sâu trong lòng hồ ;
Cầu Hoàng Long (thay cầu Hàm Rồng – Thanh Hoá), chi phí đầu tư tăng lên 2,7 lần so với ban đầu (từ 83,5 tỉ lên 227 tỉ đồng) nhưng vẫn sụt lún, 10 năm nay chưa được bộ xử lý !
Quốc lộ 2, từ Đoan Hùng (Phú Thọ) tới Vị Xuyên (Hà Giang), vốn đầu tư gần 500 tỉ đồng, sau ba tháng sử dụng đã xuống cấp, sạt lở, nhiều đoạn bị rạn nứt, bong nhựa...
Tổng giám đốc Bùi Tiến Dũng trực tiếp “nắm” một số dự án quan trọng của PMU 18.
(tổng hợp tin báo chí trong
nước từ 17 đến 23.1.2006)
Các thao tác trên Tài liệu