Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 162 - 05.2006 / Phật Triết người Lâm Ấp thế kỷ VII

Phật Triết người Lâm Ấp thế kỷ VII

- Vĩnh Sính — published 19/05/2012 16:05, cập nhật lần cuối 22/11/2012 21:11
Phật Triết là nhân vật sống vào một thời đại xa xưa trên một đất nước không còn tồn tại nữa. Những trang viết về tiểu sử của Phật Triết chính là những trang sử cổ nhất về Lâm Ấp mà Nhật Bản còn có hiện nay.
 

Số 162 - tháng 05. 2006

PHẬT TRIẾT NGƯỜI LÂM ẤP

THẾ KỶ VII

Vĩnh Sính

Phật Triết sinh trưởng ở Lâm Ấp và qua Nhật từ năm 736 với Bồ Đề Tiên Na (Bodhisena), cao tăng người Ấn Độ. Phật Triết ở Nhật ít nhất cho đến năm 752 vì ông đã dự lễ Pháp hội và nghe tấu vũ nhạc trong buổi đại lễ âm nhạc lịch sử tại chùa Đông Đại với Bồ Đề Tiên Na là kaiganshi (Master-of-ceremonies). Có lẽ Phật Triết đã chứng kiến sự mất nước Lâm Ấp vào những năm sau đó trên đất nước Nhật Bản.

Nước Lâm Ấp từ năm 192 là vùng đất miền Quảng Nam, Huế, và Quảng Trị của nước ta bây giờ. Từ khoảng năm 758 cho đến những năm 850, nước Lâm Ấp đổi thành Hoàn Vương, một cái tên mới rất đỗi xa lạ có nghĩa là Panduranga (tức Phan Rang ngày nay), nằm về phía nam ; sau những năm 850, Hoàn Vương lại đổi thành Chiêm Thành. Vì những bia mộ sau thế kỷ IV thường đươc viết bằng chữ Phạn (Sanskrit), chúng ta có thể phỏng đoán tiếng Lâm Ấp bắt đầu Ấn hoá từ lúc đó. Tuy nhiên, không ai biết cách phát âm tiếng Lâm Ấp ra làm sao.

Phật Triết là nhân vật sống vào một thời đại xa xưa trên một đất nước không còn tồn tại nữa. Những trang viết về tiểu sử của Phật Triết chính là những trang sử cổ nhất về Lâm Ấp mà Nhật Bản còn có hiện nay. Trong bài này, chúng ta thử dựa vào tiểu sử của Phật Triết do Mochizuki Bukkyô Daijiten (Mochizuki Phật giáo Đại từ điển) và Bukkyô Daijiten (Phật giáo Đại từ điển) cung cấp, rồi dùng những tư liệu góp nhặt đó đây để xây dựng lại một vài hình ảnh về nhân vật này.

1. Mochizuki Bukkyô Daijiten đã ghi lại về Phật Triết như sau :

“ Phật Triết người nước Lâm Ấp (An Nam). Tên ông có thể viết là Phật Triệt. Từ nhỏ theo học Phật giáo, đọc được chú. Thấy chúng sinh nghèo khổ, ông muốn phát chẩn, bơi thuyền ra Nam Hải, đọc chú để Long Vương đem ngọc Như Ý ra. Long Vương nói dối, giải chú, rồi đem ngọc trốn xuống biển. Sóng lúc đó rất lớn, thuyền phải chìm. Gặp lúc Bồ Đề Tiên Na đi Trung Quốc, ông tháp tùng qua Ngũ Đài Sơn. Đến tháng 12 năm Khai Nguyên thứ 18, ông cùng Tiên Na đến Nhật Bản. Tháng 7 (có sách nói tháng 8), Thiên Bình năm thứ 8, Thiên hoàng Thanh Võ (Shômu) thiên hoàng ngự giá đến Setsu, các quan đón ông rất sùng kính. Ông thường ngụ ở chùa Đại An. Tháng 4 đời Thiên Bình Thắng Bửu (Tempyô Shôhô) thứ 4, lúc có lễ cúng dường Khai nhãn Đại Phật ở chùa Đông Đại (Tôdaiji), ông thừa lệnh cùng Tiên Na dự lễ Pháp hội và nghe tấu vũ nhạc. Ông được tôn làm sư của các điệu múa Bồ Đề, Bạt Đầu và nhạc Lâm Ấp do công phu của ông mà có. Không biết ông mất và hưởng thọ bao nhiêu. Ông viết Tất Đàm Chương thứ nhất.

Tiểu truyện có đăng ở Shichidaiji nenpyô, Tôdaiji yôroku dai 2, Fusô ryakki batsui, Wamei ruijushô dai 4, Nihon kôsô den yobunshô dai 1, Genkyô yakusho dai 15, Nanto kôsô den, Honchô kôsô den dai 2, Minami Tenjiku Baramon-sô seihi ” (1).

2. Bukkyô Daijiten viết về Phật Triết :

“ [Phật Triết là ] Tăng ở chùa Đại An, Yamato. Có người viết là Phật Triệt. Người nước Lâm Ấp. Đi chơi ở Ấn Độ gặp Bồ Đề Tiên Na, tôn làm thầy, học Phật pháp và thông mật chú. Thấy chúng sinh nghèo khổ, ông ra biển đọc chú gọi Long Vương đem ngọc Như Ý ra. Long Vương nhanh tay, chạy trốn khỏi chú và khỏi nộp ngọc. Phật Triết thất vọng quay về. Giữa năm Khai Nguyên, cùng đi với Bồ Đề Tiên Na qua nước Đường, rồi cùng sang Nhật Bản. Đó là năm Thiên Bình thứ 8. Ông ngụ ở chùa Đại An và được các quan rất sùng kính. Đời Thiên Bình Thắng Bửu thứ 4, lúc có lễ cúng dường Khai nhãn Đại Phật ở chùa Đông Đại (Tôdai), ông thừa lệnh cùng Bồ Đề Tiên Na dự lễ Pháp hội và nghe tấu vũ nhạc. Ông được tôn làm sư của các điệu múa Bồ Đề, Bạt Đầu và nhạc Lâm Ấp do công phu của ông. Không biết ông mất và hưởng thọ bao nhiêu. Ông viết Tất Đàm Chương thứ nhất.

Tiểu truyện có đăng ở Tôdaiji yôroku dai 2, Wamei ruijushô dai 4, Genkyô yakusho dai 15 ” (2).

3. Phật Triết – Người là ai ?

3.1 Ở Đông Á, nhã nhạc là âm nhạc có lịch sử từ thời cổ đại. Nhã nhạc ra đời ở Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam. Vì Lâm Ấp đã biến dạng sau khoảng năm 758, lịch sử nhã nhạc của Lâm Ấp thưng được nghiên cứu với nhã nhạc Việt Nam.

Khác với “ tục nhạc ” (nhạc thông thường), “ nhã chính ” là âm nhạc mang tư tưởng lễ nhạc của Nho giáo. Nói một cách khác, nhã nhạc là âm nhạc truyền bá ý thức quốc gia, nghi thức cung đình và yến tiệc. Nhã nhạc Nhật Bản thường dùng các nhạc khí không giống các nước Đông Á khác. Phật Triết đã góp phần vào việc khai thông những bước đầu của nhã nhạc Nhật Bản và đúng là nhân vật đáng kể trong lúc âm nhạc giữ vai trò quan trọng trong việc giao thiệp giữa Nhật Bản với các nước khác.

Chúng ta thử lần lượt đi qua từng từ.

3.2 Phật Triết : Phật là tên dịch tiếng Hán của chữ Buddha. Vì sao người ta lại viết câu “ Có người viết là Phật Triệt ” ? Chữ “ triệt ” cùng âm nhưng khác “ thanh ” với âm chữ “ triết ” trong tiếng Việt, nhưng đối với những ngôn ngữ không phân biệt “ thanh ”, âm của “ triết ” với “ triệt ” đều giống nhau. Nói một cách khác, khác với tiếng Việt, trong tiếng Lâm Ấp “ triết ” và “ triệt ” đọc giống nhau, vậy chắc hẳn vì tiếng Lâm Ấp không phân biệt “ thanh ” ?

Sách của Mochizuki trong ngoặc đơn ghi là “ An Nam ”. Trong tiếng Nhật, An Nam là tên gọi Việt Nam dưới thời Pháp thuộc, vậy này ta có thể đoán sách này biên soạn dưới thời ấy và trong khi in lại nhà xuất bản đã để y như cũ.

Long Vương, Nam Hải và ngọc Như Ý là dựa theo truyền thuyết của Đông phương (Trung Quốc) chứ không phải của Ấn Độ. Chúng ta có thể đoán chừng là Phật Triết phần lớn dùng theo văn hoá Đông phương, mặc dù ảnh hưởng văn hoá Ấn Độ chúng ta không hề phủ nhận qua việc ông cùng với Bồ Đề Tiên Na giao tiếp hằng ngày.

3.3 Sách Daijiten nói rõ Phật Triết có sang Ấn Độ và gặp Bồ Đề Tiên Na ở đó : “ đi chơi Ấn Độ gặp Bồ Đề Tiên Na ”. Mặt khác, cả hai sách MochizukiDaijiten ghi rõ là Phật Triết sang Nhật Bản với Bồ Đề Tiên Na sau khi sang Trung Quốc. Bồ Đề Tiên Na là người như thế nào ?

Bồ Đề Tiên Na là một vị cao tăng người Nam Ấn Độ. Tư liệu về Tiên Na có nhiều so với Phật Triết. Tên của Tiên Na có thể viết chữ Hán là Bà La Môn Tăng Chính (3), Bồ Đề Tăng Chính, Bồ Đề Noãn Na, hoặc nhiều cách viết khác nữa. Ông sang Trung Quốc vào Ngũ Đài Sơn để “ thu thập kinh nghiệm mầu nhiệm của Văn Thù Bồ Tát ”. Đáp lời mời của Tajihino Mabito Hironari, người tháp tùng chuyến thứ 9 của những phái đoàn Nhật gửi sang nhà Đường, cùng học giả Lý Cảnh, ông cùng Phật Triết và Đạo Nhược (người Trung Quốc) sang Nhật năm 736. Trong lần sang Nhật, thuyền của Tiên Na và Phật Triết đến Dazaifu (Kyushu) tháng 5 năm 736, sau đó đến Tsu, Nanba (Osaka) vào tháng 8, được Gyôki cùng các tăng lữ khác đón đến ở chùa Đại An ở Sakyô, Heijô (Kyoto) và dạy tăng lữ ở đó. Bồ Đề Tiên Na thường đọc kinh Hoa Nghiêm và rất giỏi về mật chú. Tháng 4 năm 751 ông được phong làm Tăng Chính, và năm sau (752) ông được làm Kaigan dôshi (Khai nhãn Hướng sư hay gọi tắt là Khai nhãn sư, tức là master-of-ceremonies), phụ trách cúng dường khi “ khai nhãn ” cho Đại Phật ở chùa Minh Đại. Ông là vị tăng lcó chức quan lớn nhất. Bồ Đề Tiên Na mất ngày 25 tháng 2 năm 760, lễ hoả táng được tổ chức long trọng.

Chúng ta cần nói thêm về đại lễ tại chùa Minh Đại vào năm 752 vì ý nghĩa của lễ này vô cùng quan trọng. Vào thế kỷ VII, VIII, IX, dưới đời Đường, Trung Quốc có đủ loại hàng hóa cần thiết : từ âm nhạc, đồ sứ đến thuốc men hay hương liệu. Ngoài chữ Hán trong “ thế giới Đông Á ”, tiếng Phạn đang chiếm địa vị độc tôn ở các nơi thuộc văn minh Ấn Độ. Ấn Độ có nhiều vương quốc và sắc tộc khác nhau. Tuy Ấn Độ giáo (Hinduism) đang ở trên đà đi lên, chùa chiền Phật giáo hãy còn chiếm phần lớn. Đối với người Đông Á, âm nhạc và các vũ điệu là những gì hấp dẫn nhất. Những phòng trà nổi danh ở Trường An (Tây An hiện nay) thường có những dàn nhạc “ người ngoại quốc ” hay những vũ nữ “ Tây dương ”. “ Nam Ấn Độ ”, “ Vó ngựa Thổ Nhĩ Kỳ ”, “ Trăng vùng Brahman ”, v.v. là những bài hát ở các phòng trà. Người ta tính có đến 171 mặt nạ để nhảy múa. Trung Quốc có thể mời đến 25 000 nguời tăng lữ người ngoại quốc, chủ yếu là Ấn Độ hay Java.

Bởi vậy, việc Tajihino Mabito Hironari mời Tiên Na và Phật Triết sang Nhật từ năm 736 chính là để chuẩn bị ngày lễ lịch sử theo mô hình Trung Quốc. Cần nói thêm rằng vào thời Nara (710-794), trước sự lớn mnh của Trung Quốc thuộc nhà Đường, những tác phẩm về lịch sử (Kojiki hay Cổ sự ký, 712, Nihon shoki hay Nhật Bản thư kỷ, 720) hoặc thơ (Man’yôshu hay Vạn diệp tập, 760) đã lần lượt ra đời trong trong hoàn cảnh tương tự. Vì vậy, Shoku-Nihongi đã ghi lại sau khi xong “ đại lễ âm nhạc Á châu vĩ đại ” (great Asian music festival) vào năm 752 như sau : “ Ngày 9 tháng 4, tượng Đại Phật đã hoàn thành và sẵn sàng để chiêm bái. Thiên hoàng đến chùa Đông Đại, ban huấn lệnh cho một số quan chức rồi bắt đầu đại lễ. Thứ tự chương trình và vị trí của người tham dự buổi lễ giống như trong lễ Tết. Quan chức trên ngũ phẩm bận triều phục, quan lục phẩm hay thấp hơn mặc đồng phục và màu sắc định thứ bậc. Mười ngàn tăng lữ Utaryo (ban nhạc chính thức, có nhiều người ngoại quốc) và nhạc công của mỗi chùa đứng sắp hàng. Quý tộc và quan chức của mỗi vùng sắp hàng chỉnh tề. Vũ công và nhạc công trình diễn, gồm có Gosechi (5 nữ nhạc công múa theo nhạc của cung đình Nhật), Kumemai (múa kiếm trần theo âm nhạc), Tatefushi (múa đội mũ sắt, mang kiếm và mộc), Arare-hashiri (còn gọi là Toka, vừa chạy vừa la “ Muôn năm ”), và Hoko (vũ điệu múa bởi thiếu nữ Trung Quốc, mặc hakama). Ngôi vườn [chùa Đông Đại] chia làm hai, Đông và Tây, và tiếng hát vọng qua vọng lại khu vườn. Thật khó mà tả lại cho chính xác. Từ ngày Phật giáo được truyền vào nước ta, không có cảnh nào to lớn cho bằng” (4). Trong Nihon Sandai Jitsuroku có ghi là “ 107 người tập nhạc Lâm Ấp ở vườn chùa Đại An ” (trong 883 bảng chỉ dẫn).

3.4 “ Múa Bồ Đề (Bosatsu), Bạt Đầu (Batô) và nhạc Lâm Ấp (Rin’yu) ” : Múa Bồ Đề là một điệu múa trong nhã nhạc của Đông Nam Á. Bồ Đề là dịch âm chữ Hán của chữ Bodhi, tức là đạo, giác, tri để bỏ hết phiền não và có được trí tuệ đúng đắn. Múa Bồ Đề và nhạc Lâm Ấp có thể hiểu là những điệu múa Phật giáo mang tính cách Lâm Ấp. Nhạc Lâm Ấp do Phật Triết mang sang Nhật cùng với Tiên Na, chúng ta biết đó là những điệu múa mang mặt nạ có dáng vẻ kỳ cục, dị thường. Vì Phật Triết và Tiên Na được xem là cha đẻ của nhạc Lâm Ấp, năm 736 được xem là năm bắt đầu nhạc Lâm Ấp ở Nhật. Ngày nay, múa Lâm Ấp và múa Bồ Đề không còn lại tất cả những chi tiết, chỉ có múa Bạt Đầu là còn lại khá đầy đủ.

Múa Bạt Đầu là một điệu múa Thái Thực (Taishiki) trong Đường nhạc. Múa một người (hitori-mai) có 2 loại : múa bên trái và múa bên phải, như vừa múa vừa chạy (hashiri-mai), hoặc đôi khi như múa trẻ con (đồng vũ). Mặt nạ có mũi màu đỏ và màu đen, đầu tóc hình dạng ghê rợn, tay mặt đánh trống, tay trái vừa múa vừa nắm tay. Tương truyền điệu múa này được Phật Triết và Tiên Na đưa vào Nhật Bản từ nhà Đường. Điệu múa đi từ “ Lâm Ấp loạn thanh ” (Rin’yu ranjô), đó là những thanh âm “ đánh loạn lên ” nên còn gọi là “ cổ nhạc loạn thanh ” (kogaku ranjô). Sáo là nhạc cụ chính yếu.

3.5  Không biết ông mất và hưởng thọ bao nhiêu  : Vì Nhật Bản là quần đảo, di chuyển từ Nhật đến các nước khác rất mực khó khăn, đặc biệt vào thời cổ đại. Bởi vậy, sau đại lễ ở chùa Đông Đại, khó hình dung Phật Triết tìm đường về Lâm Ấp (cho dù ông ta có về được) mặc dù ông biết quê ông đang có chiến tranh. Tuy nhiên, vì sao người ta lại không biết ông mất khi nào, đặc biệt ông là người có địa vị ở Nhật lúc bấy giờ ? Cái chết của ông là một nghi vấn lớn.

“ Ông viết Tất Đàm Chương thứ nhất ” : Phật Triết có lẽ viết sách này bằng chữ Hán. Dịch từ tiếng Phạn là Siddham, “ Tất ” là “ biết hết ” ; “ Tất Đàm ” là “ thành tựu ” hoặc “ hoàn thành ”. Có thể dịch là “ Tất Đàn ” (“ đàn ” như trong cây bạch đàn), hay “ Tất Đàm ” (“ đàm ” như chữ “ đàm thoại ”). Việc tác giả qua đời khi cuốn sách vừa mới viết chương “ thứ nhất ” của Chương một dĩ nhiên là một điều đáng đánh dấu hỏi lớn.

Hè năm 1988, tình cờ tôi được mời nói chuyện ở trường Vạn Hạnh. Trời hôm ấy mưa tầm tã. Giảng phòng chứa độ 150 người, người đứng cũng nhiều. Trước khi chia tay, thầy T.M.C nói : “ Có cái ông mô đó người Lâm Ấp, đóng góp chi về âm nhạc ở Nhật. Khi mô có tài liệu chi thì coi dùm hí ”. Năm ngoái [2005], tôi tình cờ tìm ra Phật Triết. Tôi vừa viết vừa nghĩ đến thầy.

Tháng 4, 2006

Vĩnh Sính


[1] Mochizuki Bukkyô Daijiten, Dai 5 kan. Hensan Daihyô: Tsukamoto Yoshitaka. Tokyo: Sekai Seiten Kankôka, Shôwa 63 nen [1988].

[2] Ryukoku Daigaku, Bukkyô Daijiten, vol. 6. Tokyo: Tôsanbô, Shôwa 60 nen [1985].

[3] Tăng Chính là chức quan lớn nhất trong tăng lữ. Tăng Chính có 3 bực: Đại Tăng Chính, Tăng Chính, và Quyền Tăng Chính.   

[4] Shoku-Nihongi, vol. 18, 752 A.D.

 

© http://www.diendan.org

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
Odéon Théâtre de l'Europe - En janvier à l'Odéon 09/01/2025 - 07/02/2025 — Berthier 17e, Odéon 6e
Black Movie - Festival international de films indépendants Genève 17/01/2025 - 26/01/2025 — Maison des arts du Grütli | 16, rue du Général-Dufour | 1204 Genève
LES LARMES D'ASTYANAX - Olivier Dhénin Hữu 31/01/2025 - 02/02/2025 — Théâtre du lycée Jacques Decour | 12 Avenue Trudaine | 75009 Paris
Festival cinéma - Si loin si proche 2025 06/02/2025 - 09/02/2025 — La Ferme du Buisson, allée de la ferme, 77186 Noisiel - (RER A - Noisiel)
France-Vietnam : un portail entre les cultures - La mémoire vietnamienne en filigrane. Étude de Paris, qu’as-tu fait de nous ? de Pham Van Ky 06/02/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
Inalco : L'économie vietnamienne en 2024 et ses perspectives 06/02/2025 18:00 - 20:00 — 65 Rue des Grands Moulins, 75013 Paris | Amphi 2
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Le développement d’une culture de contestation anti-coloniale publique à Saigon par le moyen d’une presse autonome (1900-1930) 13/03/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - La génération des néologismes sino-vietnamiens dans la circulation culturelle de la sphère sino-graphique sous l’influence de l’Occident au tournant du XXe siècle 03/04/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Sujets et séjournants. Une nouvelle histoire des indochinois en France 15/05/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Transferts du modèle français à la description de la grammaire vietnamienne 05/06/2025 16:30 - 18:00 — BnF site François-Mitterrand | Salle 70 ou via ZOOM
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us