Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Điều tra về nông dân Rạch Giá

Điều tra về nông dân Rạch Giá

- Trần Văn Thạch — published 09/06/2014 23:15, cập nhật lần cuối 11/06/2014 16:24
Bài của Trần Văn Thạch trên báo La Lutte 1937

Trần Văn Thạch, cây bút chống bạo quyền áp bức



Tại Rạch Giá, ruộng đất của hơn 1500 nông dân bị tịch thu
vì không trả được nợ


Ông Brasey đi điều tra với sự giúp sức mạnh mẽ của cảnh sát



Như Diễn Đàn đã đưa tin trong trang sinh hoạt, cuốn sách Trần Văn Thạch (1905-1945) Cây bút chống bạo quyền áp bức sẽ ra mắt bạn đọc vào thứ bảy 14.6 tới đây tại Sceaux (ngoại ô Paris). Nhân dịp này, các tác giả cuốn sách, Trần Mỹ Châu và Phan Thị Trọng Tuyến, đã có nhã ý gửi cho chúng tôi một số trích đoạn những bài viết của Trần Văn Thạch trên báo La Lutte. Dưới đây là bài điều tra của ông về nông dân Rạch Giá đã được đăng trên hai số báo cuối tháng 6 và đầu tháng 7.1937. Diễn Đàn chân thành cảm ơn các chị Trần Mỹ Châu và Phan Thị Trọng Tuyến, và trân trọng giới thiệu tư liệu quý báu này với bạn đọc.


Cuộc điều tra nhà báo bắt đầu

Tuần rồi, một người dân Rạch Giá tới tòa soạn gặp tôi. Anh nói:

Tất cả báo chí đều nói tới vụ Thạnh-Quới. Đây là một vụ cưỡng đoạt tài sản bằng bạo lực,và cũng không phải là kiểu cướp đoạt duy nhất ở Rạch Giá nầy. Còn có một loại ăn cướp hợp pháp khác, đó là kiểu trưng dụng có giấy tờ với đầy đủ tem mộc chữ ký hội đồng xã đàng hoàng.

Hàng ngàn nông dân đã liều mạng canh tác khai khẩn biết bao nhiêu là đất đai để rồi 7 năm, 10 năm sau thấy mình lại đói rách nghèo khó như thuở nào.

Họ đã xông pha vào rừng hoang, đốn hạ từng cây một, đẩy lưỡi cày đầu tiên xuống mảnh đất tạo được bằng mồ hôi và máu xương của họ, vậy mà giờ nầy họ không còn một hạt lúa trong vựa, và buộc lòng phải đi xin xỏ việc làm mà chưa chắc được.

Chuyện đáng nói tới nữa là ông Brasey, Thanh tra Dân vụ, hiện đang ở đó. Khoảng chừng 1.700 nông dân thuộc các xã Thạnh Hòa, Mông Thọ, Mỹ Lâm, Sóc Sơn, đang chờ ông ta. Vậy xin ông lợi dụng cơ hội nầy đến đó mà xem.

Ông biết rõ hơn tôi: sở dĩ dư luận không xôn xao vì một chuyện bất công chỉ vì ở cái xứ nầy, cuộc điều tra chánh thức nào cũng luôn luôn là một cuộc dàn cảnh để dập tắt tai tiếng. Tất nhiên khi công luận thờ ơ thì các viên chức điều tra sơ sịa cho qua, thâu góp lời kêu ca xong là họ dẹp hồ sơ lại cho tới khi nào có thêm vụ khác xảy ra.

Rắc rối đầu tiên trong chuyến đi

Hai giờ sáng, quanh khu Chợ Bến Thành bắt đầu náo nhiệt. Trái cây và rau cải chở tới chất đống, hành khách đổ xô về chuyến xe đầu ngày, rồi vang rân tiếng máy nổ. Trong các tiệm cà phê đông nghẹt người, mấy anh bồi bàn cũng la hét vang rân, lấy c̣m măng khách ăn, từ nửa đêm, từ chiều tối tới giờ, họ la om sòm cả ngày…

Trên xe đò đi Rạch Giá, tôi nhận ra vài bạn đồng nghiệp, họ cũng đi điều tra như tôi. Mọi người ngồi chen chúc chật chội trong cái hộp cá mòi có bánh xe nầy. Rồi, xe chạy...

Tới Chợ Lớn, xe ngừng. Hành khách lên thêm, được anh lơ xét vé người Tàu nhét vào xe bất chấp sự phản đối của đám hành khách đang ngồi trên xe. Những người quen chịu đựng đành ngồi yên, tay chân không sao nhúc nhích được. Tôi cũng cố gắng thu mình thật nhỏ để hai be sườn bớt bị bào tới bào lui vì hai cái cùi chỏ ở hai bên.

Xe vừa bắt đầu lăn bánh thì có tiếng còi thổi vang. Hộp cá mòi xôn xao lên. Một anh cảnh sát chạy xe đạp tớitay tới tay cầm sổ phạt, làm biên bản phạt xe chở quá tải. Chắc tại quá nhiều hành lý và đồ đạc trên xe.

Lát sau, anh lơ xe nói với tôi "Xe có chở gì hơn thường lệ đâu, ảnh muốn nhắc chúng tôi là lâu rồi chúng tôi không cho ảnh gì hết đó thôi. Hồi nãy ở Sài Gòn một anh đã xin tôi một đồng bạc rồi. Tôi không cho. Họ đòi tiền chúng tôi thường lắm."

Sau đó xe ra tới vùng đồng trống, trời còn tối đen.Tài xế tắt hết đèn trong xe, chắc để tiết kiệm điện. Cho nên hoạt cảnh bây giờ là ở trong xe, bóng người nghiêng ngả qua lại như đèn kéo quân. Các hành khách đều ngủ, đầu họ gật gù ngã tới ngã lui theo chuyển động của xe càng lúc càng rõ. Người nầy gác đầu lên vai người bên cạnh mà hình như không ai hay biết gì hết. Họ vẫn ngủ. Say sưa ngủ!

Xe tới Thạnh Hòa

Chúng tôi xuống bắc Vàm Cống qua sông Hậu khoảng 8 giờ sáng. Xe chạy một tiếng nữa là chúng tôi đến xã Thạnh Hòa, nằm trên đường Long Xuyên - Rạch Giá. Niềm vui đầu tiên cho tôi trong chuyến đi này là: được tự do khi nhào ra khỏi xe! Một nông dân hiếu khách cho chúng tôi (tôi và ba đồng nghiệp báo Đuốc Nhà Nam, báo Sài Gòn và báo Nữ Lưu), cư trú ngay tại nhà anh. Tờ Đuốc Nhà Nam đang tiến hành đợt phóng sự về vụ cướp đất ở làng Thạnh Quới bên cạnh, nên những người nông dân ở xã Thạnh Hòa hết sức lưu tâm. Bởi vậy họ không lạ khi thấy chúng tôi đến đây.

Với nét mặt rất lo âu, họ nói với tôi: ông Brasey đang thanh tra cách đây vài cây số thôi, ông ấy sẽ đi ngang qua nơi nầy. Tin đó làm cho hàng trăm nông dân có đất bị xiết nợ rất vui mừng. Tất cả đều có sẵn đơn thỉnh cầu trong túi. Nhưng hơn một chục mật thám và một số lính mã tà có mặt tại đây khiến họ nghi rằng mọi chuyện sẽ không xuôi rót.

Trên đường lộ cách đây trăm thước có một chiếc xe hơi đời mới đang đậu.

Tôi hỏi ngay:

- Xe ai vậy?

- Của ông sếp mật thám.

- Sao lại ngừng ở đó?

- Đó là trạm cảnh sát.

Thật ra, "ông sếp" không tới. Ông ta cho mấy phụ tá người bản xứ đến thôi. Lúc nãy, khi chúng tôi đem hành lý vào nhà anh nông dân trẻ - anh ở với mẹ - thì một người chỉ huy cảnh sát lập tức mời chúng tôi đến gặp. Anh ta cẩn thận vô sổ tấm thẻ báo chí của chúng tôi. Nhưng rồi thấy chưa đủ, anh chạy theo chúng tôi đòi xét thêm thẻ thuế thân từng người nữa.

Ông Lovischy hăng việc quá sức

Chúng tôi muốn tố giác lập tức cái áp lực gay gắt cảnh sát đang bao trùm đám nông dân nghèo ở các xã nơi ông Brasey sẽ đến.

Tại sao chuyện các anh nhà báo đi điều tra lại có thể gây phiền hà cho Nhà nước Thuộc địa? Nhà nước có gì phải giấu giếm? Tại sao nhà nước bày ra nhiều biện pháp hăm dọa nông dân, không cho họ tiếp xúc nói chuyện với chúng tôi?

Quả thật vậy, từ lúc đó cho tới khi chúng tôi về lại Sài Gòn, đám lính kín không rời chúng tôi một bước. Trưa ngày 19 tháng 6, khi tôi và ba đồng nghiệp lên xe đò Long Xuyên - Rạch Giá về Rạch Giá, thì chiếc xe CX 152 sang trọng tiện nghi của ông Lovischy tò tò chạy theo như một con chó trung thành.

Tại Rạch Giá chúng tôi thuê phòng số 10 ở khách sạn Khưu Vân thì mấy anh mật thám đó thuê phòng số 9.

Hai ngày sau, khi về đến Sài Gòn tôi mới biết chuyện xui xẻo đã xảy ra cho các ông Duong-Thanh- Phong1Trọng Liêm. Họ bị giữ trong bót Mật thám từ 3 giờ trưa cho tới 11 giờ khuya ngày 21 tháng 6. Qua ngày hôm sau, họ bị đưa tới Sở Đo Nhân dạng thuộc nhà giam tỉnh để bị cân đo và lấy dấu tay như tội phạm mặc dầu một người là nhà báo còn người kia có giấy đi đường hợp pháp.

Hơn vậy nữa, thấy trước thế nào tôi cũng trở lại hoặc còn nhiều nhà báo khác sẽ đến nên ngày 22 và 23 ông Lovischy gởi bộ hạ đến trấn tuyến đường Long Xuyên - Rạch Giá. Xe đò nào cũng bị kêu ngừng lại và tất cả hành khách phải xuất trình thẻ thuế thân. Muốn vô tỉnh Rạch Giá ai cũng phải cho lính kín coi giò coi cẳng. Hoá ra ông Brasey điều tra không giống ai vì ông vô cùng thận trọng và cấm tiệt kẻ tò mò léo hánh.

Những cố gắng phi thường của nông dân nghèo

Các xã Thạnh Quới, Thạnh Hòa, Mộng Thọ nằm hai bên con kinh Cái Sắn (Long Xuyên - Rạch Giá ) xưa kia là những vùng đất hoang vu.

Trước khi có con kinh đào năm 1923, rừng tràm chạy dài trên hàng chục cây số. Đất rộng mênh mông mà chỉ có một nguồn tài nguyên duy nhất là tràm, thứ cây xấu chỉ xài được làm củi chụm. Xông pha vào vùng rừng rậm đầy thú dữ nầy thì thật là quá dễ ngươi.

Khi nông dân nói với tôi về cọp, tôi hỏi:

- Ai trong các anh thấy được cọp ở đây rồi?

Một người chừng 40 tuổi trả lời:

- Thiệt tình tôi không thấy nhưng tôi thường nghe tiếng gầm của mấy mẹ con cọp. Thành ra khu rừng nầy không an toàn ban đêm. Hồi người ta đào kinh, anh chuyên viên kỹ thuật phải giăng võng ngủ tòn teng giữa hai cây cao mấy thước.

- Mấy anh lấy nước ngọt ở đâu mà uống?

- Chúng tôi đào lỗ lấy nước nhưng nước dơ lắm. Phải đành chịu vậy. Nhưng muỗi mới là ghê gớm! Đêm đến người ta chỉ nghe tiếng muỗi kêu. Quơ tay ra là hốt được cả nắm! Không sao ngồi ăn được dưới cây đèn dầu mù khói nên cả nhà phải chun vô mùng ăn cơm.

Anh nông dân Lương Văn Mi - da đen thui vì cháy nắng - nói với tôi:

- Ông biết tôi cất cái nhà đầu tiên bằng cách nào không? Cột và kèo nhà là thân tràm, còn vỏ tràm phơi khô làm mái.

Những người khẩn hoang này đã đi dài theo con kinh, tay cầm rìu, lưng đeo nóp đựng mùng, mấy cuộn dây, và cái nồi nấu cơm. Uống thì uống nước phèn, vừa run cầm cập vì sốt rét rừng, vừa đốn hết cây hoang, đốt sạch lùm bụi để rồi sau những cố gắng kinh thiên đó họ có được mảnh đất thật mầu mỡ.

Lúa mọc lên tưởng thưởng công lao những kẻ phá rừng nầy.

Nhưng giờ đây nhìn suốt tầm mắt, người ta chỉ thấy đất đai xám ngắt… Từ chỗ tôi đang đứng cho đến vài cây số xung quanh, chỉ rải rác đây đó vài hàng cây thưa thớt. Mà trước đó, cỡ chừng tháng giêng, tới mùa lúa chín, ruộng vàng óng uốn lượn, đẹp vô cùng!

Như vậy đó, những người đã từng hy sinh sức lực, vất vả năm nầy qua năm khác hầu có được một mảnh đất nhỏ, rồi tiếp tục khai khẩn thêm nữa… nhưng bây giờ họ bị lột sạch, hoàn toàn trắng tay như hồi mới tới, cả tài sản nằm gọn trong một cái rương nhỏ.

Trường hợp bị cưỡng đoạt thứ nhất

Anh Nguyen-van-Giao, 45 tuổi, trình bày trường hợp anh như sau.

Hai vợ chồng anh khai khẩn 20 mẫu đất ở làng Tân-Hiệp, phía bên kia con kinh. Chánh quyền đã cho họ 20 mẫu đất này.

Sau đó qua bên làng Thạnh Hòa, đất trù phú hơn, họ khai hoang thêm 32 mẫu. Với 32 mẫu đất nầy, anh được gọi lên 2 lần - năm 1936 và ngày 10/6/1937 - để thoả thuận giá cả với nhà cầm quyền. Anh phải trả 304,23 quan pháp, cộng với 169,13 quan pháp mới có được giấy tờ là chủ đất.

Về mặt nhà nước, anh là sở hữu chủ hợp pháp những mẫu đất này. Nhưng trên thực tế, bây giờ những mẫu đất đó không còn thuộc về anh nữa.

Thật vậy, năm 1931, anh Nguyen-van-Giao có mượn anh Chau-van-Duc, con ông hương cả năm trăm đồng ($500). Anh làm giấy mượn tiền hồi tháng chín. Tới tháng ba năm sau, tiền vốn cộng tiền lời lên tới bảy trăm năm chục đồng ($750). Anh không trả được đồng nào cả. Vào tháng 11/1932, nghĩa là 13 tháng sau khi ký giấy nợ, chủ nợ đòi anh phải trả vốn lời tổng cộng một ngàn năm trăm đồng ($1.500 ). Tiền lời lên quá 100 %.

Bị dồn tới đường cùng, vào năm 1932, có miếng ruộng mà không trả tiền mượn được, anh Nguyen-van-Giao bị bắt buộc phải ký tờ giấy nợ thứ hai, trong đó, anh giao hết lợi tức mấy miếng ruộng cho Chau-van-Duc trong một thời gian vô hạn định, "cho tới khi nào chủ nợ lấy lại đủ hết tiền vốn lẫn lời thì thôi".

- Tại sao trong một thời gian vô hạn định?

Tôi hỏi anh Giao.

- Anh không biết đó là điều quá nguy hiểm hay sao?

- Dạ biết chớ! Nhưng tôi không làm gì được. Giá lúa sụt thật thảm hại. Và chủ nợ không chấp nhận giải pháp nào khác. Anh ta hưởng lợi tức miếng ruộng của tôi trong 6 năm liền. Tôi đề nghị với anh ta bây giờ cho tôi trả phần còn lại và lấy ruộng về. Nhưng anh ta không chịu.

- Trong sáu năm qua, anh ta thâu được bao nhiêu?

- Anh ta cho mướn ruộng với giá mỗi mẫu là 40 giạ. Như vậy, với mười chín mẫu mỗi năm anh ta thu vào bảy trăm sáu chục giạ (760 giạ). Ông cứ làm toán nhơn lên cho sáu là ông thấy liền.

Với 32 mẫu ruộng tốt ở Thạnh Quới, anh Nguyen-van-Giao đã trao cho Chau-van-Duc 19 mẫu và cho bà Luong-thi-Huu 13 mẫu. Anh chỉ còn 20 mẫu đất xấu ở Tân-Hiệp không làm sao nuôi nổi cả gia đình và 7 đứa con được.

Anh Giao moi đâu ra đủ tiền trả 32 mẫu đất như đã thoả thuận với nhà nước trước đó. Còn hy vọng gì trở thành chủ ruộng khi mấy chục mẫu ruộng đó đã bị đem ra làm thế chưn vĩnh viễn cho chủ nợ rồi?

Trường hợp bị cưỡng đoạt thứ hai

Một bà lão, tóc bạc trắng, đầy vẻ thiệt thà, nhút nhát và nhỏ nhẹ trình bày với tôi trường hợp bà như sau.

Con trai bà là anh Trinh-van-Tro, đến đây từ năm 1924, khai khẩn được một mảnh đất là 3 mẫu 80. Kế hoạch khai khẩn miếng đất khiêm tốn nầy được chánh thức đề ra từ năm 1927.

Nhưng đến 1934, hết vốn nên mẹ con anh Trinh-van-Tro vay bà Luong-thi-Huu một trăm tám chục đồng ($180). Bà chủ nợ chuyên môn cho vay nặng lời nầy bằng lòng với điều kiện làm chủ miếng đất 3 mẫu 80 đó trong thời hạn là 3 năm.

Dĩ nhiên trong 3 năm đó bà chủ đất cho con nợ mướn lại miếng ruộng với giá là 300 giạ mỗi năm. Thành ra cho vay $180 , bà ta đã thâu và bán ra được tới 900 giạ lúa. Tiền lời như vậy là nhiều lắm rồi. Vậy mà bây giờ khi Trinh-van-Tro tới đòi ruộng lại thì bà Luong-thi-Huu nói gì? Bà ta nói: "Tôi chưa thâu được $180 của tôi mà. Chờ vài năm nữa rồi tính".

Hai mẹ con anh Tro thấy mình bị bóc lột quá nên xin thưa ra toà.

Trường hợp bị cưỡng đoạt thứ ba

Anh Nguyên-van-Kheo 41 tuổi, định cư tại Tân Hiệp từ năm 1924, khai khẩn được một miếng đất gần 10 mẫu.

Đến năm 1932, liên tiếp bị thất mùa, anh bắt buộc phải mượn bà chủ nợ Duong-thi-Tho một trăm đồng ($100). Bà nầy đồng ý nhưng miếng đất bị thế chấp cho bà 4 năm.

Nên biết rằng bà cho mướn miếng đất với giá 200 giạ mỗi năm, sau 4 năm 800 giạ lúa bà ta bán được ít nhứt 300$. Vậy mà vẫn chưa thoả mãn, bà ta nói với Nguyen-van-Kheo rằng: "Anh muốn lấy lại miếng ruộng hả? Anh thiếu tôi 400 $, trả đi đã."

Tiền mượn 100 $, giấy nợ làm năm 1932, mà đến nay lên tới 400 $! Tiền lời tính cách nào mà ghê gớm quá vậy!

Năm nay anh Kheo đem trả 200 $ cho bà chủ nợ thuộc họ nhà kên kên nầy. Dĩ nhiên không vì thế mà bà ta vừa ý, "Còn thiếu 200 nữa, kiếm cho ra rồi hãy trở lại đây."

Chỉ một hai năm nữa thôi, khi mà anh Kheo đói khó khốn cùng, anh sẽ bỏ xứ ra đi. Bà Duong-thi-Tho sẽ vĩnh viễn trở thành chủ nhân chín mẫu rưỡi ruộng tốt mà anh đã nhọc nhằn khai phá từ đám rừng.

Tôi nói anh Kheo cho tôi coi bản sao giấy nợ. Anh trả lời:

Tôi không có giấy gì hết, bả cất liền tờ giấy đó rồi. Mà thông thường không chủ nợ nào đưa giấy tờ gì cho con nợ hết.

Hơn nữa giấy nợ cũng do người phe họ thảo ra. Cho nên trong giấy ghi rõ tất cả những điều kiện họ muốn. Thêm vào đó dầu muốn chúng tôi cũng không đọc được vì mù chữ. Chúng tôi ký tên bằng chữ Nho hoặc lăn tay trên giấy thôi. Ông hiểu mà. Cùng đường rồi, chúng tôi đành phải xuôi tay. Chưa nói thêm là chồng bà Duong-thi-Tho xưa kia làm quan lớn trong đám lính làng. Ổng dư sức đè bẹp đám con nợ như tụi tôi.

Trường hợp bị cưỡng đoạt thứ tư

Ông già Khuu-van-Co, 64 tuổi khẩn hoang được chừng 10 mẫu, về mặt luật pháp ông là chủ đất. Năm 1931, ông mượn bà Luong-thi-Huu năm chục đồng ($50). Đến năm 1937 ông nợ tổng cộng là năm trăm đồng ($500). Bà chủ nợ này múa con dao lời thiệt bén ngót !

Bà ta lợi dụng ruộng đất con nợ trong sáu năm. Mười mẫu ruộng đem về hằng năm bốn trăm giạ lúa (400 giạ), nghĩa là bà đã bán được 2.400 giạ lúa rồi. Ông Co nói:

Chưa hết, bả không phải đóng thuế đất, chỉ có tôi bị hội đồng xã rượt đòi (tiền thuế). Mỗi lần họ tới kiếm là tôi phải trốn.

Một nạn nhân bị cướp đất bốn lần!

Tại làng Thạnh Hòa, ai cũng bàn tán chuyện anh nông dân Luong-van-Mi, nạn nhân bị cướp đất 4 lần liên tiếp.

Lần đầu tiên, một mảnh đất đã được anh ta dọn thật bằng phẳng bị xiết nợ. Anh phải dọn nhà đến một khu rừng khác và lại bắt đầu ra sức khai khẩn. Vài năm sau, anh xoa tay mừng rỡ: "Ruộng của mình đây rồi."

Nhưng hỡi ôi niềm vui như gió thoảng! Một chủ nợ khác lại lập tức đến tước đi miếng ruộng anh.

Vẫn tràn đầy can đảm anh Luong-van-Mi bỏ đi tới một chỗ khác và lại bắt đầu đốn cây rừng như điên. Anh lại làm việc cho người khác ăn nữa rồi!

Và sau lần cuối cùng bị chủ nợ khác xiết mất miếng đất, anh nhứt định tìm gặp cho được Quan Lớn để xin đèn trời soi xét.

Anh chở trên chiếc ghe nhỏ của mình nào là gạo, cá khô, nước ngọt, trong túi thì có sẵn một cái đơn nhờ một em học sinh viết giùm, anh chèo trong 4 ngày liền trước khi tới được Sài Gòn.

Thế rồi suốt 19 ngày anh lang thang khắp các nẻo đường thủ đô mong đón đầu ông Thống đốc Nam Kỳ để trao cho được lá đơn khiếu nại. Qua tuồng cải lương Việt Nam và truyện Tàu xưa anh biết rằng các ông quan thường hay dừng kiệu đón nghe và nhận đơn khiếu nại của những người cùng khổ.

Nhưng thời nay đám dân nhỏ bé chẳng còn được cái may mắn đó nữa. Và anh Mi lại bơi xuồng buồn bã trở về làng.

Những người giựt đất đó là ai?

Rất tiếc là tôi không thể đến điều tra tại các làng Mỹ Lâm và Sóc Sơn được. Tôi đã kể tên vài con kên kên đáng sợ ở Thạnh Hòa: Chau-van-Duc, Luong-thi-Huu, Duong-thi-Tho.

Tại làng Mông Thọ, những tay chủ nợ lớn nhứt là 2 ông "dân cử": Luong-hung-Thanh, hội đồng tỉnh Rạch Giá, và Nguyen-khac-Dac hội đồng tỉnh Trà Vinh. Các ông các bà chủ nợ nầy đều có mối quan hệ rất mật thiết với các ông chánh tổng, các quan chủ tỉnh, quận, và thanh tra huyện, phủ. Nhờ vậy nên họ cướp giựt ngang nhiên mà không một ai lên tiếng.

Báo La Lutte chúng tôi đã tường thuật rõ cách nào đồng chí Tạ Thu Thâu đã giúp can thiệp giùm cho những nông dân bị bóc lột nói trên. Đồng chí Thâu đã chuyển hết đơn của họ lên ngài Thống đốc Nam Kỳ để ông nầy thông đạt xuống cho ông tỉnh trưởng Rạch Giá. Nhưng một ông chủ quận đã kêu hết các người khiếu nại lên để giận dữ mắng mỏ rằng sao họ dám liên lạc với một ông "cố vấn cộng sản" rồi đuổi họ về.

Các nông dân nói với tôi rằng họ đã cố gắng xin gặp ông tỉnh trưởng Dufour. Nhưng tại tòa hành chánh, trước tiên là họ đụng đầu với những anh loong toong chạy giấy và lính gác. Muốn nói chuyện với thư ký phải tỏ ra "biết điều" với những anh chạy giấy. Và đi từ người thư ký nầy đến được ông huyện hay ông phủ là cả một vấn đề. Thường thường thì quan lớn ta mặc áo tây này nghe dân bằng cái lỗ tai rất hờ hững rồi cũng hững hờ xác định là quan sẽ cứu xét. Thật ra đúng vào lúc đó, nên nài nỉ quan giúp bằng cách hứa đưa quan mấy tờ giấy bạc ngân hàng.

Không một ai trong họ gặp được quan tây chủ tỉnh. Kẻ cầm đèn trời đã tránh mặt những người tay lấm chân bùn này. Mà quan chủ tỉnh thật ra chẳng lưu tâm làm chi. Chỉ cần coi lão Maillard ở Long Xuyên đã "dàn xếp"chuyện Thạnh Quới như thế nào thì rõ. Thêm hay bớt đi vài cuộc đời thật chẳng có nghĩa lý gì, không đủ để kẻ chuyên làm ra ngân sách như lão phải mất ngủ.

Điều bận tâm duy nhất của các ngài Dufour và Maillard là thu thuế vào. Người nào không đóng được thuế thì phải vào tù! Họ không quan tâm đến chuyện còn lại, ai tàn bạo cướp giựt ruộng đất, hàng ngàn nông dân đói khổ ngặt nghèo, hay chính xác hơn, họ chỉ quan tâm đến những người giàu có, biết cách ưu đãi họ và những tôi tớ của bọn có quyền lực.

Tình trạng hiện tại của những người bị mất ruộng đất

Hơn một ngàn năm trăm người (1.500) trong 4 làng Thạnh Hòa, Mông Thọ, Mỹ Lâm, Sóc Sơn coi như bị những chủ nợ ác ôn giựt sạch hết ruộng đất. Ngoại trừ một vài trường hợp đặc biệt, thường thường nông dân bị cướp theo kiểu như thế nầy:

Cuộc khủng khoảng kinh tế (thế giới) trong những năm 1930, 1931, 1932 khiến giới nông dân, nhất là các tiểu điền chủ đều bị thiệt hại nặng nề. Tiền bán lúa không đủ cho họ đóng thuế, không đủ sống, không đủ trang trải cho phí tổn vụ mùa sau. Những người có 30 mẫu, 20 mẫu hay ít hơn thì chỉ có một cách duy nhất là vay tiền. Người ta vay $50, $100, $200 hay $500 là nhiều.

Những năm kế tiếp, họ hoàn toàn không có khả năng trả, giá lúa lúc đó bị hạ thấp đến mức độ tuyệt vọng! Các chủ nợ la hét, chửi mắng, hành hạ con nợ tơi bời. Và càng chửi họ càng tăng mức lời lên; họ toàn quyền định đoạt mức phân lời cho nên chỉ mấy chốc tiền nợ lên cao đến mức không con nợ nào trả nổi. Người ta mượn vào chỉ có 100 đồng mà bây giờ họ phải thiếu đến 500 hay 600 đồng. Lấy tiền đâu ra trả khi mà ruộng đất lại nằm trong tay chủ nợ (những ruộng đất mà nguồn lợi duy nhất chỉ là trồng lúa.)

Và thái độ của chủ nợ nào cũng như nhau:

Anh muốn lấy lại ruộng đất hả? Dễ lắm, anh thiếu tôi bao nhiêu đó đó... hãy mang đủ tới trả cho tôi đã."

Thế là những nông dân bị mất ruộng đất phải đi thuê ruộng của chính mình vì ruộng mình đã bị đem thế chưn mất rồi. Nhưng từ khi nghe tin những đơn thưa đến tận tay chính phủ, thì các chủ nợ đâm ra nghi ngại đám nạn nhân của mình và dần dà từ chối không cho họ thuê lại ruộng đất "của mình" nữa.

Cuộc điều tra của ông Brasey

Ông Thanh tra Dân vụ Brasey đã đi đến Tân Hiệp và Thạnh Hòa sáng ngày 22 tháng 6.

Như chúng tôi nói ở trên, trước khi ông đến đã có cảnh sát gây áp lực nặng nề cho dân chúng ở đây. Các viên chức nhà nước này đã thực thi quyền lực vào bữa 19 tháng 6 khi bà nông dân Nguyen-Thi-Dinh cho tôi và 3 bạn đồng nghiệp tạm trú 4 tiếng đồng hồ; chuyện đó đã khiến ông chủ quận Giồng Riềng nổi giận và cho đòi bà lên quận để hăm dọa.

Ông Brasey đến Tân Hiệp ngày 22 tháng 6 rất sớm. Đúng vào lúc nông dân ra đồng làm việc; họ phân tán khắp nơi trên đồng ruộng mênh mông nên không hay ông đã tới rồi. Ông Brasey hỏi đôi ba câu các chức việc trong làng xã vốn dĩ là đồng minh của chủ nợ, và hỏi đôi câu vài anh nông dân vừa chạy đến kịp lúc rồi ông bỏ đi ngay. Dĩ nhiên khi ông Brasey người trách nhiệm điều tra chánh thức, đi qua làng Thanh Hòa, lúc nào cũng kè kè bên ông là quan Chủ tỉnh Dufour, ông Chánh sở Mật thám tỉnh là ông Lovischy, kèm thêm ông Chủ quận Giồng Riềng và ông thông ngôn quận.

Còn đám nông dân tại chỗ không được ai báo trước nên không biết hôm đó có cuộc viếng thăm nầy. Như vậy chỉ có chừng ba chục người bị mất ruộng đất có mặt mà thôi. Và phần đông phải hứng lãnh những lời mắng chửi phủ đầu của ông Chủ quận Giồng Riềng và ông huyện Dang, khiến họ không dám tự do phát biểu.

Cuộc điều tra của ông Brasey ở Thạnh Hòa kéo dài một giờ rưỡi.

Tới trưa ông vô làng Mỹ Lâm, vẫn không kèn không trống. Đây là những câu ông hỏi anh Nguyen-Tan-Buu:

- Anh cầm đầu mấy người phản kháng nầy phải không?

- Thưa ông không, tôi không phải là người cầm đầu.

- Vậy chớ ai viết đơn cho anh?

- Dạ chính tôi.

Ông hỏi anh Luong-Van-Mi:

- Anh cầm đầu phải không?

- Dạ thưa ông không, tôi không cầm đầu ai hết.

- Anh có chịu bỏ đất của anh cho người khác để nhận lấy một miếng khác không?

- Tôi không thể từ bỏ quyền làm chủ miếng đất mà tôi đã bỏ ra bao nhiêu năm công sức. Miếng đất đó là của tôi, hoàn toàn là của tôi.

Ông Chủ quận Giồng Riềng bước tới kéo anh ra cho hai người lính lệ còng nhưng ông Brasey cản không cho.


Một cuộc điều tra chỉ có bề ngoài
và một cuộc điều tra nghiêm chỉnh


Ông Brasey tốn chỉ một ngày để điều tra bốn xã. Bốn xã rộng trên cả mấy chục ngàn mẫu. Một cuộc điều tra nghiêm túc đòi hỏi nhiều ngày, một tuần lễ hay nhiều tuần lễ chớ không phải chỉ một ngày xẹt ngang như cơn gió vậy đâu.

Thay vì đi như đi du ngoạn, lẽ ra ông phải cho người báo trước nhiều ngày cho dân chúng và cho lệnh dứt khoát là chánh quyền tỉnh không được có bất cứ hành động nào nhằm ngăn cấm các nạn nhân mất ruộng đất được tự do phát biểu.

Người đi điều tra chánh thức có quyền và cần phải gạt ra ngoài những ai gây trở ngại, từ chủ quận cho đến cảnh sát trưởng, lịnh nghiêm nhặt đưa ra cho họ là không được gây sự.

Ông ta có quyền và cần phải kiên nhẫn nghe những người đứng đơn khiếu nại. Ông ta có quyền và cần phải cho vời những chủ nợ, xem xét văn tự ghi nợ. Ông ta có quyền và cần phải đe dọa rằng ông sẽ thẳng tay áp dụng luật pháp đối với những con kên kên này.

Nếu ông ta biết áp dụng luật pháp tại chỗ, trong khả năng làm được, bất luận là bao nhiêu trường hợp phải xét - ông ta được dân đóng thuế trả lương để làm chuyện này mà - thì có phải ông đã trấn an được lòng dân rồi hay không?

Công việc điều tra của ông ta lẽ ra tiến hành dễ dàng bởi vì rõ ràng là việc coi thường luật lệ này đã đưa tới chuyện vay lãi khát máu. Bọn chủ nợ đã ăn cướp trên mức có thể tưởng tượng được, lẽ ra bọn họ không dám làm tới mức đó nếu người ta biết đem luật pháp ra hăm dọa họ.

Hoá ra chuyến du lịch của ông Brasey chỉ đem lại niềm vui cho đám chủ nợ giựt ruộng đất nông dân mà thôi. Dường như ông có hứa với nông dân bị cướp đất là năm tới ông sẽ xét xử công bằng cho họ. Một năm, thời gian vừa đủ để hồ sơ bị "xếp xó"!

Chúng tôi cương quyết đòi hỏi một cuộc điều tra khác, một cuộc điều tra thật sự nghiêm túc với ý chí thật sự mong muốn chấm dứt một vụ tai tiếng không ai chịu nổi được.

Hơn một ngàn gia đình đang đói khổ. Bằng cách im lặng làm ngơ, bằng kiểu điều tra lấy lệ không ra gì, nhà nước bảo hộ sẽ tự biến mình thành đồng loã cho một tổ chức cướp giựt, chuyện này rồi đây sẽ nằm trong thành tích chế độ thuộc địa.


Trần Văn Thạch


Nguồn: Báo La Lutte, số 160-161, ngày 27-6-1937 và 1-7-1937, nguyên bản bằng tiếng Pháp,
bản dịch Dương Hiếu Nghĩa và Phan Thị Trọng Tuyến.



1 Họ và tên được ghi lại như trong nguyên văn bài tiếng Pháp, không bỏ dấu, trừ trường hợp tên, họ được biết chính xác.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Yda: Un court-métrage Hanoi - Warszawa 29/11/2024 19:00 - 21:00 — Médiathèque Jean-Pierre Melville, 79 rue Nationale, Paris 75013, M° Olympiades
Les Accords de Genève, espoirs et désillusions au cœur de la guerre froide. De l’indépendance à la division du Vietnam 11/12/2024 16:30 - 18:00 — Bibliothèque François-Mitterrand, Quai François Mauriac - 75706 Paris Cedex 13
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us