Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Các bài trong Đoàn Kết / Về bài Nhớ lại Hội Truyền bá quốc ngữ

Về bài Nhớ lại Hội Truyền bá quốc ngữ

- Ngô Nhật Quang - Trần Lê Nghĩa — published 13/05/2008 23:35, cập nhật lần cuối 14/05/2008 09:04


Về bài Nhớ lại
Hội Truyền bá quốc ngữ,
nhân kỷ niệm 50 năm

của ông Hoàng Xuân Hãn



Ngô Nhật Quang – Trần Lê Nghĩa



Bài này đã được đăng trong báo Đại Đoàn Kết (Hà Nội) số 31, ngày 6-8-1988, với một số chỗ lược bỏ. Báo Đoàn Kết (Paris), trong số 405-406 tháng 9 và 10 năm 1988, đã đăng toàn văn bài này với lời tòa soạn có nhận xét như sau '' ... Khi đăng bài này, báo Đại Đoàn Kết đã đục đoạn chót. Nghiêm trọng và đáng tiếc hơn cả, báo Đại đoàn Kết còn xóa cả tên ông Nguyễn Hữu Đang, lúc đó được Đảng Cộng Sản phân công liên lạc với nhân sĩ trí thức để vận động truyền bá quốc ngữ... '' và phê bình viết lại lịch sử bằng cách '' hốt cắt đục ''.

Cùng bài của ông Hoàng Xuân Hãn, báo Đoàn Kết đã đăng " một vài kỷ niệm về phong trào bình dân học vụ " của ông Nguyên Thanh.

Trong khi nhắc lại hai câu cuối của bài vè được dẫn trong bài của ông Hoàng Xuân Hãn, đã bị cắt bỏ khi đăng trên báo Đại Đoàn Kết '' Bình dân ! Khổ lắm ai ơi ! Không đi thì dốt, đi thời bụng to '' ông đánh giá rằng : '' Vị nào cầm bút gạch hai câu đó là thiếu óc trào lộng. Không có hai câu cuối có phần tiếu lâm này, thì bài vè kia làm sao có thể sống lâu cùng đất nước ! ''

Chu cha ! Lời phê bình và trách móc quá nghiêm chỉnh và thân tình khiến không thể không trình bày trở lại.

Cuối năm 1987, một số anh em hoạt động trong Hội truyền bá quốc ngữ trước đây bàn việc tổ chức kỷ niệm 50 năm thành lập Hội (1938-1988) và xuất bản một tập sách vào dịp đó. Một nhóm biên tập đã được cử ra để tổ chức bản thảo. Trong số bài viết, chúng tôi rất mong có một bài của ông Hoàng Xuân Hãn, lúc thành lập Hội là trưởng ban tu thư, người đã sáng tạo ra phương pháp '' i tờ '' nổi tiếng. Đầu tháng 5 năm 1988, Ban tổ chức kỷ niệm đã nhờ ông Nguyễn Xiển đề nghị với ông Hoàng Xuân Hãn viết bài.

Chúng tôi đã nhận được bài ngày 25 tháng 7. Tiếc rằng, lúc đó, cuốn sách đã vừa in xong để kịp phát hành đầu tháng 8 vào dịp tổ chức kỷ niệm. Để bài viết của ông Hoàng Xuân Hãn kịp ra mắt cùng vào dịp đó, chúng tôi đã đề nghị báo Đại Đoàn Kết đăng cho. Nhóm biên tập chúng tôi đã biên tập bài báo như đã đăng trên báo. Chúng tôi không thể có thời gian trao đổi với tác giả về hai chỗ lược bớt.

Trách nhiệm lược bỏ đó không thuộc về báo Đại đoàn Kết mà về chúng tôi, nhân danh Ban tổ chức kỷ niệm, đưa đăng, và nay xin trình bày như sau :

Bài viết của ông Hoàng Xuân Hãn bắt đầu bằng câu '' Bấy giờ vào khoảng cuối năm 1937... '' và nhắc đến tên ông Nguyễn Hữu Đang ở ba chỗ khi thuật lại lời của ông Trần Văn Giáp : 1) '' ông ấy nhờ tôi hỏi ông có nhận giúp không''. 2 ) '' Anh cho tôi hay rằng cụ Nguyễn n Tố ( được bầu làm hội trưởng, và Nguyễn Hữu Đang, Trần Văn Giáp và tôi (được bầu vào ban tu thư )'' . 3) '' Trần Văn giáp và Nguyễn Hữu Đang giao cho tôi hoàn toàn trách nhiệm soạn sách tập đọc.'' .

Có thể xác định thời điểm của những sự kiện được nhắc lại trong bài hồi ký của ông Hoàng Xuân Hãn là từ cuối năm 1937 đến khoảng giữa năm 1938, nghĩa là trong thời gian vận động thành lập Hội và khi tiến hành việc viết cuốn ''Vần quốc ngữ " theo sáng kiến của ông Hoàng Xuân Hãn.

voianhdendau

Nhưng trong cả thời gian đó, ông Nguyễn Hữu Đang không có mặt ở Hà Nội, mà đang dạy học ở Ninh Bình. Theo lời ông Nguyễn Hữu Đang nói với chúng tôi, thì ông biết tin thành lập Hội là qua bài tường thuật trên báo Trung Bắc Tân Văn về buổi ra mắt của Hội truyền bá quốc ngữ tối hôm 25-5-1938 ở sân quần vợt " Hội quán thể thao An-nam " (CSA). Tin đó gây cho ông một ấn tượng sâu sắc, một niềm vui lớn, và ông có ý định về Hà Nội hoạt động cho Hội, góp sức vào công cuộc có ý nghĩa. Và buổi đầu đến với Hội, vẫn theo lời ông nói với chúng tôi, là một ngày cuối thu, đến hội quán Trí Tri, phố Hàng Quạt, nơi đang mở những lớp truyền bá quốc ngữ đầu tiên, gặp ở đó ông Quản Xuân Nam, phó thư ký của Hội, và ông Vũ Hy Trác, trong ban tu thư và ban dạy học, một bạn học cùng trường Sư Phạm cũ. Lúc đó các lớp truyền bá quốc ngữ đã đang dạy theo phương pháp mới do ông Hoàng Xuân Hãn đề xướng.

Trong lời tựa cuốn '' Vần quốc ngữ dạy theo phương pháp mới '' in lần thứ nhất, có ghi rõ : ''Phương pháp dạy trong sách này chúng tôi đã đem thực hành ở mấy chục lớp học thứ nhất của Hội truyền bá học quốc ngữ tại Hà Nội từ tháng septembre năm 1938, đã thấy kết quả tốt đẹp. Nhờ các ông bà giáo dạy giúp Hội trong những lớp ấy chỉ bảo cho những khuyết điểm ở bản sơ thảo, chúng tôi cân nhắc sủa chữa, mới đem xuất bản. ''

Trang 2 bìa có ghi : « Ban soạn sách : Trần Văn Giáp, Hoàng Xuân Hãn, Vũ Hy Trác » .

Như vậy ba chỗ nhắc đến tên ông Nguyễn Hữu Đang ở ba thời điểm đó, là không chính xác. Hoặc giả ra có sự nhớ lẫn với ông Vũ Hy Trác, cũng là một nhà sư phạm, cùng trạc tuổi, có tên trong ban soạn sách.

Chúng tôi đã lược bỏ tên ông Nguyễn Hữu Đang ở những đoạn đó vì sự chân xác lịch sử.

Tuy không tham gia Hội truyền bá quốc ngữ ngay từ đầu, nhưng ông Nguyễn Hữu Đang sớm có những đóng góp quan trọng, đặc biệt trong việc rút kinh nghiệm cải tiến phương pháp dạy học, trong việc tu chỉnh cuốn Vần quốc ngữ để dạy trong những khóa học sau. Hẳn rằng, trong việc này, có sự trao đổi ý kiến, cộng tác giữa ông và ông Hoàng xuân Hãn, nên trong bài hồi ký của mình, và một sự kiện cách đây đã gần 50 năm, đã có đôi chút thiếu chính xác, rất dễ hiểu, về thời gian.

Bài vè '' Ai về Chợ Viễn, Khánh Vân... '' dẫn ở cuối bài của ông Hãn là một bản khảo dị bài '' Ai về chợ huyện Thanh Vân '' do Ngọc Tỉnh trong ban tuyên truyền cổ động Bình dân học vụ sáng tác cuối năm 1945. Bài này gồm ba câu lục bát, hai câu đầu nói đùa cô Tú đã quên chữ và câu cuối khuyến khích đến lớp Bình dân Học vụ học thêm. Kết cấu và nội dung như vậy là hoàn chỉnh. Bài có âm hưởng ca dao, được quần chúng yêu thích và đã được phổ nhạc nên càng được biết rất rộng rãi. Nơi này nơi khác đổi tên địa danh '' Thanh Vân '' cho thêm địa phương tính. Như trên đã nói, ba câu lục bát trong bài '' Ai về chợ huyện Thanh Vân... '' đã là một thể hoàn chỉnh, câu thứ tư đưa vào là thêm một ý khác, vả lại chỉ nêu lên một sự kiện cá biệt (ở các lớp Bình dân học vụ đa số là phụ nữ, khá đông ở tuổi nữ thanh niên, có mấy cô vì đi học mà bụng to ?). Nghĩ như vậy, chúng tôi đã lược bỏ câu lục bát thứ tư trong bài vè. Ông Nguyên Thanh có quan điểm khác, chúng tôi tôn trọng. Ai cũng biết về " phán đoán giá trị " không thể và có lẽ không cần sự thống nhất. Nhưng có điều chắc chắn là đi vào lịch sử và văn học là bài '' Ai về chợ huyện Thanh Vân...'' được biết và yêu thích rộng rãi.

Nhóm biên tập chúng tôi đã làm một việc lược bỏ (mà báo Đoàn Kết đã nêu) thấy là cần thiết. Chỉ xin kết luận bằng một câu chính của báo Đoàn Kết, cùng trong số 405-406 trang 3 trả lời độc giả N.T.T. (Paris) :

''Ban biên tập nào cũng có sự lựa chọn (và lược bớt nêu xét cần thiết - chúng tôi thêm) đó, chúng tôi không nghĩ rằng đánh giá của mình là chân lý đâu ! ''

Nhân đây cũng xin góp một ý về điểm cuối trong bài của Nguyên Thanh, nêu lên như một nghi vấn : « " O tròn như quả trứng gà, Ô thì đội mũ, Ơ thêm râu " (theo thoại của bác Hãn), ở vùng Quảng Nam người ta thay chữ là bằng chữ già. Không biết vì bác Hãn nhớ lầm (sau gần 50 năm) hay một người nào đó đã " hiệu đính " bài vè của Bác ? ». Xin thưa : là đúng theo câu nguyên tác, in ở bài 3 trong cuốn Vần quốc ngữ dạy theo phương pháp mới ", in lần thứ nhất (sách dã dẫn, trang 3). *

Thay Mặt Nhóm Biên Tập

Ngô Nhật Quang – Trần Lê Nghĩa

(Đại Đoàn Kết. 24-2-89)

(bài đã đăng Đoàn Kết tháng 6/7-1989 số 414-415)


Trả lời của Nguyên Thanh và ban biên tập


Một lối xử sự đáng ca ngợi


Nguyên Thanh


Trong bài " Một vài kỷ niệm về phong trào bình dân học vụ '' , (Đoàn Kết số 405-406), tôi có trách vị trách nhiệm nào đó trong báo Đại Đoàn Kết là '' thiếu óc trào lộng '' khi cầm bút gạch hai câu cuối của bài " vè " sau đây (khá phổ biến ở một số tỉnh miền Trung), khi đăng bài hồi ký của bác Hãn :

- Ai về Chợ Viễn, Khánh Vân
Hỏi thăm cô Tú đánh vần được chưa.

- Đánh vần năm ngoái, năm xưa
Năm nay quên hết như chưa học vần.

- Bây giờ có lớp bình dân
1 tờ
ghép lại đánh vần như chơi !

- Bình dân ! Khổ lắm anh ơi !
Không đi thì dốt, đi thời
bụng to.

Trong báo Đại Đoàn Kết số 8 (18/24-2-89), hai ông Ngô Nhật Quang và Trần Lê Nghĩa, thay mặt nhóm biên tập cuốn sách về Hội truyền bá quốc ngữ, đã cho biết là trách nhiệm lược bỏ đó không thuộc về báo Đại Đoàn Kết mà là về nhóm biên tập nói trên. Sở dĩ có sự lược bỏ như vậy là vì bài " vè " trên đây thực ra là một bài hát do Ngọc Tỉnh trong ban tuyên truyền cổ động Bình dân học vụ sáng tác vào cuối năm 1945 và chỉ gồm ba câu lục bát đầu mà thôi.

Về hai câu « O tròn như quả trứng gà, Ô thì đội mũ, Ơ là thêm râu » hai ông cũng cho biết rằng là đúng theo nguyên tắc của " Vần quốc ngữ dạy theo phương pháp mới " (trang 3). Chữ già như vậy rõ ràng là do quần chúng hiệu đính cho thêm sinh động và, nhờ thế, làm cho người đọc dễ nhớ.

Tục ngữ ta có câu : « Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe. ". Rõ ràng là đáng ra tôi chỉ nên dựa cột, hoặc dựa tường nếu không có cột... Nhưng nếu thế, thì làm sao được nghe những lời chỉ giáo vừa chính xác, rạch ròi, vừa hòa nhã, mực thước của hai ông Ngô Nhật Quang và Trần Lê Nghĩa ? Điều quan trọng phải chăng là tạo điều kiện để mọi người có thể nói lên với tất cả sự trung thực những đều suy nghĩ, thắc mắc, băn khoăn của mình, và sẵn sàng lắng nghe ý kiền của người khác, sẵn sàng thảo luận, tranh luận để cùng tìm ra lẽ phải ? Và đó chính là tinh thần đối thoại hoàn toàn xa lạ với thái độ trịch thượng " cả vú lấp miệng em ", của những người luôn luôn muốn độc quyền chân lý.

Xin chân thành cảm tạ Ban biên tập báo Đại Đoàn Kết và hai ông Ngô Nhật Quang, Trần Lê Nghĩa.

Nguyên Thanh

(cùng số báo)



Đôi lời của Ban Biên tập



Chúng tôi hoan nghênh nội dung và hình thức trả lời của hai tác giả Ngô Nhật Quang, Trần Lê Nghĩa, cũng như thái độ trân trọng của Ban biên tập Đại Đoàn Kết đã đăng bài này trên trang nhất.

Chúng tôi đã chuyển bài này tới giáo sư Hoàng Xuân Hãn và được bác Hãn cho biết thêm như sau :

Bác đã viết bài " Nhớ lại... " hoàn toàn dựa theo trí nhớ, nên rất có thể có sự nhầm lẫn về vai trò của hai ông Vũ Hy Trác và Nguyễn Hữu Đang.

- Bác không nhớ tên ông Vũ Hy Trác, chỉ nhớ tên ông Nguyễn Hữu Đang, và trong trí nhớ, tên tuổi ông Đang gắn liền với thời kỳ cách đây 50 năm, chứ cũng không biết rằng ông Đang tham gia phong trào Nhân Văn-giai phẩm cách đây hơn 30 năm.

Để chấm dứt cuộc trao đổi nghiêm túc và bổ ích này chúng tôi xin nêu hai nhận xét :

- Về nguyên tắc biên tập, báo Đoàn Kết không sửa đổi bản thảo nào nếu không được sự đồng ý của tác giả. Trong trường hợp không liên lạc được với tác giả, hoặc tác giả giữ vững ý kiến của mình, thì chúng tôi đăng nguyên bài văn của tác giả và kèm theo, có thể đăng ý kiến của một biên tập viên hay của ban biên tập.

- Chúng tôi rất hoan nghênh hai tác giả Ngô Nhật Quang và Trần Lê Nghĩa đã nói rõ đóng góp của ông Nguyễn Hữu Đang vào phong trào truyền bá quốc ngữ.

Với những thông tin hạn hẹp mà chúng tôi có được, thì đây là lần đầu từ 32 năm nay, một tờ báo trong nước nói tới ông Nguyễn Hữu Đang một cách đàng hoàng, nghiêm chỉnh. Cũng chính vì vậy mà khi thấy báo Đại Đoàn Kết đăng bài Hoàng Xuân Hãn mà không có đoạn nói tới Nguyễn Hữu Đang, chúng tôi đã phải kết luận là có sự hốt cắt đục. Bài trả lời chứng tỏ rằng kết luận như vậy có phần hàm hồ. Nhưng có lẽ cũng nhờ sự hàm hồ đó mà chúng tôi được đọc một bài trả lời nghiêm túc.

(cùng số báo)

Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Hoàng Xuân Hãn
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
Odéon Théâtre de l'Europe - En janvier à l'Odéon 09/01/2025 - 07/02/2025 — Berthier 17e, Odéon 6e
Black Movie - Festival international de films indépendants Genève 17/01/2025 - 26/01/2025 — Maison des arts du Grütli | 16, rue du Général-Dufour | 1204 Genève
LES LARMES D'ASTYANAX - Olivier Dhénin Hữu 31/01/2025 - 02/02/2025 — Théâtre du lycée Jacques Decour | 12 Avenue Trudaine | 75009 Paris
Festival cinéma - Si loin si proche 2025 06/02/2025 - 09/02/2025 — La Ferme du Buisson, allée de la ferme, 77186 Noisiel - (RER A - Noisiel)
France-Vietnam : un portail entre les cultures - La mémoire vietnamienne en filigrane. Étude de Paris, qu’as-tu fait de nous ? de Pham Van Ky 06/02/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
Inalco : L'économie vietnamienne en 2024 et ses perspectives 06/02/2025 18:00 - 20:00 — 65 Rue des Grands Moulins, 75013 Paris | Amphi 2
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Le développement d’une culture de contestation anti-coloniale publique à Saigon par le moyen d’une presse autonome (1900-1930) 13/03/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - La génération des néologismes sino-vietnamiens dans la circulation culturelle de la sphère sino-graphique sous l’influence de l’Occident au tournant du XXe siècle 03/04/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Sujets et séjournants. Une nouvelle histoire des indochinois en France 15/05/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Transferts du modèle français à la description de la grammaire vietnamienne 05/06/2025 16:30 - 18:00 — BnF site François-Mitterrand | Salle 70 ou via ZOOM
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us