Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Ghi chép về Campuchia (1975-1991)

Ghi chép về Campuchia (1975-1991)

- Huỳnh Anh Dũng — published 30/11/2012 19:20, cập nhật lần cuối 25/09/2013 00:57
TÀI LIỆU ĐẶC BIỆT


Tài liệu đặc biệt


GHI CHÉP VỀ CAMPUCHIA
1975-1991


Huỳnh Anh Dũng



LỜI TÒA SOẠN



Campuchia một lần nữa lại trở thành vấn đề thời sự nóng hổi trong mối quan hệ phức tạp giữa Việt Nam, ASEAN và Trung Quốc. Tài liệu mà Diễn Đàn giới thiệu với bạn đọc là một chứng từ soi sáng quá khứ gần trong quan hệ tay ba Việt Nam - Campuchia - Trung Quốc. Đó là hồi ký của ông Huỳnh Anh Dũng, một nhà ngoại giao (cựu đại sứ Việt Nam ở Lào) và chuyên gia về các vấn đề Campuchia nay đã về hưu. Theo một thông lệ, các nhà ngoại giao cấp cao của Việt Nam được Bộ ngoại giao yêu cầu viết hồi ký, lưu trữ trong văn khố để tham khảo nội bộ.


Vì hồi ký của ông Huỳnh Anh Dũng đã ghi lại cẩn trọng những sự kiện xảy ra cách đây 1/4 thế kỉ, và trích dẫn nhiều tài liệu nội bộ quan trọng, chúng tôi quyết định công bố tài liệu này. Nói khác đi, đây là một ngoại lệ của đường lối biên tập của Diễn Đàn là chỉ đăng những văn bản có sự đồng ý của tác giả hay những văn bản có nguồn gốc công khai. Chúng tôi tin rằng tác giả và độc giả hiểu rõ động cơ của sự "phá rào" này. Sự thật, đây không phải là lần đầu tiên chúng tôi phá lệ : trước đây, Diễn Đàn đã lấy trách nhiệm công bố hồi ký của ông Trần Quang Cơ -- cũng không phải ngẫu nhiên nếu tài liệu này liên quan tới cùng vấn đề : quan hệ Việt Nam - Trung Quốc - Campuchia.


Để tôn trọng nguyên tác, chúng tôi công bố tài liệu đã nhận được dưới dạng .pdf, độc giả có thể đọc hay truy nạp bằng cách bấm vào ô hình ở cuối trang.


Diễn Đàn



LỜI NÓI ĐẦU


Giai đoạn 1975-1991 là một thời kì lịch sử đặc biệt về công tác đối ngoại của Việt Nam (VN) mà trong thời gian đó, vì vấn đề Campuchia (CPC) liên quan đến quan hệ Việt-Trung, nước Việt Nam một lần nữa lại bị chảy máu. Về đối ngoại, VN bị cô lập về chính trị, bị bao vây về kinh tế, trong khi đó, chúng ta phải đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng ở trong nước. Từ 1978 đến 1989, lần thứ ba, VN đưa quân vào CPC (chưa kể thời gian ngắn quân ta trở lại từ tháng 10/1989 đến đầu 1991), trong 3939 ngày có mặt giúp CPC, hơn mười vạn chiến sĩ VN đã ngã xuống và bị thương (con số hi sinh được công bố là 60 000), 200 000 chiến sĩ quân tình nguyện, 10 000 chuyên gia quân, dân, chính, đảng, các ngành trong đó có 4 ủy viên Bộ chính trị (BCT) và Ban bí thư (Lê Đức Thọ, Lê Đức Anh, Đoàn Khuê, Trần Xuân Bách), 9 ủy viên Trung ương Đảng (Nguyễn Côn, Vũ Oanh, Bùi San, Đỗ Chính, Trần Trọng Tân, Phạm Bái...), 2 phó thủ tướng (Nguyễn Côn, Phan Trọng Tuệ), 30 thứ trưởng, 54 thường vụ Tỉnh ủy đã từng có mặt và trực tiếp làm nhiệm vụ ở CPC.


Với việc ta đưa quân vào CPC, ta đã lật đổ bè lũ Pol Pot ; giữ yên bờ cõi phía tây-nam Tổ quốc ; giúp CPC xây dựng Đảng, chính quyền, quân đội ; xây dựng được một bước quan hệ hữu nghị VN-CPC, nhưng cái giá mà VN phải trả là vô cùng to lớn với những hậu quả lâu dài, chưa lường hết được. Vấn dề CPC càng đi sâu vào giải pháp chính trị càng rất phức tạp, nhiều lúc đã làm cho nội bộ ta có ý kiến rất khác nhau.


Với những hiểu biết và tư liệu vốn có của mình, tôi cố nhớ, ghi lại và mô tả thật khách quan, trung thực những diễn biến trong giai đoạn lịch sử đặc biệt này.


Trong quá trình viết, có những lúc tôi không muốn tiếp tục viết nữa vì hơn mười năm đó, vì vấn đề quan hệ với Trung Quốc (TQ) và vấn đề CPC mà trong nội bộ Đảng ta có sự bất hòa, điều này cũng dễ hiểu vì vấn đề quá cực kì phức tạp, diễn biến vô cùng quanh co, lại phát triển trong tình hình có sự đảo lộn cực kì to lớn ở Liên Xô và Đông Âu sau gần nửa thế kỉ, cho nên việc nhận thức tình hình không đơn giản, có những vấn đề cấn có thời gian mới có thể nhận thức đúng được.


Chính vì vậy những trích dẫn của tôi trong tài liệu này là nhằm phản ánh thật khách quan những suy nghĩ của lãnh đạo ta lúc đó, không nhằm phê phán cá nhân bất cứ đồng chí nào. Tôi cố gắng trình bày lại thật trung thực sự hiểu biết của mình do điều kiện công tác mà tôi được biết để khi có điều kiện, Đảng ta nhìn lại, đánh giá thật khách quan diễn biến của hơn mười năm vô cùng khó khăn đó nhằm rút ra những bài học cho công việc hiện nay và sau này, nhất là trong công tác đối ngoại.


Tài liệu lịch sử này, tôi cố viết lại trong thời điểm này vì rằng sợ để lâu không thể nhớ lại được nữa và tư liệu có thể mất mát đi. Điều tôi mong muốn là những tư liệu lịch sử này sẽ được sử dụng để ta đánh giá đúng diễn biến phức tạp của thời kì lịch sử đó, không để vì những tư liệu này mà lại một lần nữa, khơi lại hoặc gây bất hòa trong nội bộ Đảng ta. Đó là điều tâm huyết của tôi.


Hà Nội, mùa hè năm 1995


HUỲNH ANH DŨNG



Attachments

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us