Hồi ký Trần Quang Cơ - Chương 11.
11. BỘ CHÍNH TRỊ ĐÁNH GIÁ CUỘC ĐÀM PHÁN THÁNG 6.90
Ngày 19.6.90, BCT đã họp để đánh giá cuộc đàm phán. Rất tiếc không hiểu vì sao ngay sáng hôm họp BCT, anh Linh lại đi vào thành phố Hồ Chí Minh và nhắn qua anh Nguyễn Thanh Bình đề nghị BCT cứ họp nhưng chưa bàn về phương hướng tới.
Là người trực tiếp đàm phán với Trung Quốc, tôi đã trình bày trước BCT bản báo cáo của Bộ Ngoại Giao trong đó có nhận định về ý đồ của Trung Quốc qua cuộc đàm phán này:
* Ý đồ Trung Quốc về vấn đề quan hệ với Việt Nam và về vấn đề Campuchia, qua cuộc gặp này đã bộc lộ rõ. Chiến lược của Trung Quốc là đặt ưu tiên cao nhất vào việc tranh thủ Mỹ, phương Tây, ASEAN để phục vụ mục tiêu “4 hiện đại hoá”. Chính sách đối với Việt Nam, cũng như với Liên Xô và các nước khác đều phải phục tùng lợi ích tối cao này, không được gây nên bất kỳ ảnh hưởng xấu nào cho quan hệ của Trung Quốc với Mỹ, phương Tây, ASEAN. Chính vì vậy Trung Quốc đã không đáp ứng những đề nghị mà TBT Nguyễn Văn Linh và39 Lê Đức Anh nói với Đại sứ Trung Quốc trước cuộc đàm phán này:
a. Về việc ta đề nghị gặp cấp cao nhất của 2 nước càng sớm càng tốt, Trung Quốc trả lời chỉ sau khi giải quyết xong vấn đề Campuchia thì lãnh đạo Trung Quốc mới suy nghĩ đến việc này, cũng như mới có thể bàn vấn đề bình thường hoá quan hệ hai nước.
b. Về việc ta đề nghị hai nước đoàn kết để bảo vệ chế độ XHCN, họ nói rõ họ coi quan hệ với Việt Nam sau này cũng chỉ nằm trong phạm vi quan hệ giữa hai nước láng giềng, trên cơ sở 5 nguyên tắc cùng tồn tại hoà bình. Họ còn nói quan hệ Việt Nam – Trung Quốc không thể làm cho Mỹ và ASEAN lo ngại.
c. Về việc ta đề nghị hai nước cùng thúc đẩy 2 phái cộng sản Khmer hoà giải với nhau, họ cũng chỉ trả lời là phải giải quyết xong vấn đề Campuchia thì lãnh đạo Trung Quốc sẽ tính về việc này. Thực chất phương án giải quyết vấn đề Campuchia của Trung Quốc là nhằm xoá đi chính quyền và lực lượng quân sự của Nhà nước Campuchia để giao thực quyền cho SNC do Sihanouk chủ trì. Hai chính quyền hiện nay – Nhà nước Campuchia và Campuchia Dân Chủ - đều do hai lực lượng cộng sản kiểm soát là chính, và các lực lượng quân sự Campuchia mạnh nhất cũng là của hai nhóm cộng sản Khmer. Trung Quốc đòi cho Sihanouk và lực lượng thân phương Tây vị trí ưu thế bao trùm ở Campuchia, được lực lượng quân sự của LHQ hỗ trợ hoặc đòi để LHQ cai trị hoàn toàn Campuchia. Để thực hiện tính toán chiến lược của họ, Trung Quốc sẵn sàng ngả theo phương án của Mỹ và phương Tây, trái với suy tính của ta.
* Trung Quốc không đáp ứng các đề nghị của lãnh đạo ta, đồng thời họ lại đánh giá sai lầm là Việt Nam yếu, có nhiều khó khăn do tình hình bản thân Việt Nam và do tác động của tình hình Liên Xô, Đông Âu nên quá lo sợ bị đế quốc diễn biến hoà bình như đối với các nước Đông Âu, do đó Việt Nam rất cần Trung Quốc. Vì vậy họ đã lợi dụng lòng khát khao hợp tác với Trung Quốc của lãnh đạo ta để gây sức ép mạnh với ta trong đàm phán. Đồng thời, từ khi có cuộc gặp không chính thức với ta ở Bắc Kinh cho đến nay, Trung Quốc không ngừng đưa tin về các hoạt động của Trung Quốc ở Trường Sa và Hoàng Sa với lý do vừa gây sức ép với ta vừa làm cho Mỹ, ASEAN yên tâm là quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam chẳng phải có sự ưu ái gì hơn mối quan hệ của Trung Quốc với các nước Đông Nam Á khác.
* Trung Quốc ép ta chấp nhận lập trường của họ về 2 vấn đề thuộc phạm vi nội bộ Campuchia còn nhằm mục đích chia rẽ ta với bạn Campuchia, sau khi Trung Quốc đã cố gắng tranh thủ Lào nhằm tách Lào khỏi Việt Nam và Liên Xô.
* Trung Quốc không hài lòng về Thông cáo chung Tokyo vì nó đề cao vai trò Nhật ở châu Á đồng thời xoá bỏ vai trò Khmer đỏ, con chủ bài của Trung Quốc trong vấn đề Campuchia... Ngày 4 và 5.6.90 ở Tokyo đã có cuộc họp giữa các bên Campuchia và đã ra được Thông cáo chung Hunxen–Sihanouk thoả thuận một cuộc ngừng bắn tự nguyện đồng thời với việc lập ra SNC gồm số người của 2 bên ngang nhau (6+6), nhưng Trung Quốc không dám công khai phản đối nên cố kéo ta cùng có lập trường khác với Thông cáo Tokyo.
* Trung Quốc đưa ra dự kiến giải quyết vấn đề Campuchia theo 5 bước nhằm giành cho Trung Quốc vai trò trung tâm và chủ động trong cả quá trình giải quyết vấn đề Campuchia, qua đó khẳng định các vấn đề châu Á không thể chỉ Mỹ và Liên Xô giải quyết mà không có Trung Quốc. Trung Quốc xem đàm phán với ta là bước mở đầu có tính quyết định của “kế hoạch 5 bước” để giải quyết vấn đề Campuchia, vì Trung Quốc cho rằng Liên Xô không ép được Việt Nam, chỉ có Trung Quốc dùng đòn bẩy về bình thường hoá quan hệ với Việt Nam mới ép được Việt Nam xoá bỏ hoặc hạn chế đến mức thấp nhất chính quyền PhnomPenh.
* Trong quan hệ với ta, Trung Quốc luôn có hai giới hạn: một đàng là Trung Quốc muốn không làm gì với Việt Nam gây ảnh hưởng bất lợi đến quan hệ với Mỹ, phương Tây, ASEAN; một đàng là Trung Quốc cũng không muốn tỏ ra quá căng với Việt Nam làm cho vấn đề Campuchia không thể sớm giải quyết được, đồng thời duy trì quan hệ căng thẳng với Việt Nam không phù hợp với lợi ích của Trung Quốc lúc này là tạo hoàn cảnh quốc tế thuận lợi cho việc ổn định nội bộ thực hiện “4 hiện đại”.
Nghe xong bản báo cáo và kiến nghị của Bộ Ngoại giao, BCT chưa có ý kiến ngay mà bàn tới diễn biến của cuộc đàm phán vừa qua. Về vụ to tiếng giữa anh Thạch và Từ Đôn Tín chiều 13/6, anh Đào Duy Tùng nói “Cần phải nói lại mạnh mới được”. Còn anh Đồng Sĩ Nguyên nói “Nếu anh không phản ứng mạnh thì chúng tôi không thể hiểu nổi”. Về việc [anh Linh và Lê Đức Anh]40 gặp Trương Đức Duy trước khi ta và Trung Quốc đàm phán, anh Tô phát biểu: “Trong cuộc họp BCT bàn về đàm phán với Trung Quốc, tôi đã nói 3 lần là không được hớ, phải rất thận trọng với Trung Quốc. Đằng này anh lại ngửa bài trước để họ biết hết và kết quả là cái gì đã xảy ra. Trung Quốc họ nghĩ theo kiểu Đại hán của họ và kết quả là họ ép mình. Ngoại giao là một vũ đài, phải giữ thế, không phải lúc nào cũng lật hết lá bài ra. Không thể đưa ngực ra cho nó đấm”. Khi anh Lê Đức Anh nói có ý thanh minh sở dĩ anh nói “giải pháp Đỏ” với đại sứ Trung Quốc là vì BCT Campuchia nhờ ta thăm dò Trung Quốc, anh Võ Văn Kiệt nói: “Nhưng ta thăm dò thật thà quá”. Anh Võ Chí Công nói: “Trung Quốc lấy lợi ích dân tộc của họ là chính, không phải theo lợi ích chung của CNXH. Họ khác ta. Dù ta có muốn hợp tác họ cũng không chịu đâu. Không nên ảo tưởng”. Anh Lê Đức Thọ, ngày 12.6, khi nghe báo cáo nội dung trả lời của Trung Quốc về các đề nghị của anh Nguyễn Văn Linh và anh Lê Đức Anh, đã có ý kiến: “Việc anh Nguyễn Văn Linh và anh Lê Đức Anh gặp đại sứ Trung Quốc đã làm cho Trung Quốc cứng lên. Đáng lẽ không nên gặp” (Anh Lê Đức Thọ lúc này đang ốm nặng, nằm ở nhà).
Ngày 22.6, khi dặn dò anh Đặng Ngiêm Hoành, đại sứ ta ở Trung Quốc, anh Lê Đức Anh lại nói: “Anh Linh nói chuyện với Trương Đức Duy cũng có đôi chỗ thật lòng quá. Nhưng cũng không phải vì thế mà nó cho là mình yếu”41.
Tôi nghĩ, xét cho cùng nội bộ ta lúc này đã có hai cách đánh giá về Trung Quốc, cũng như có hai cách đánh gía về cuộc khủng hoảng chính trị ở Đông Âu và Liên Xô nên đã có hai cách xử sự khác nhau. Từ Đôn Tín nói ta có “hai tiếng nói trái ngược”, “không biết cái nào giả, cái nào thật” và khuyên “Bộ Ngoại Giao nên nhất trí với ý kiến của lãnh đạo cấp cao”, như thế có nghĩa là Trung Quốc đã biết nội bộ ta đã có kẽ hở mà họ không dại gì bỏ qua không lợi dụng để giành lợi cho họ.
Ngày 25.6.90 TBT Nguyễn Văn Linh từ thành phố Hồ Chí Minh điện ra cho BCT nói đã đọc biên bản cuộc họp BCT ngày 19.6.90, có một số ý kiến sẽ phát biểu sau. Anh không đồng ý thông báo cho Trung ương và các cấp uỷ về điều tối mật (tức là những điều Lê Đức Anh đã nói với Trương Đức Duy ngày 6.6.90) mà chỉ thông báo rằng cuộc họp Việt – Trung vừa qua không kết quả là do Trung Quốc phá. Ngoại giao cần có cách giải thích cho dư luận theo hướng trên. Đề nghị anh Sáu Nam (Lê Đức Anh) đi ngay Campuchia thông báo cho Bạn. Ngoại giao theo dõi bên Trung Quốc lộ ra những điều mà ta đã lấy tình bạn nói với họ thì phủ nhận ngay, không để chậm 2-3 ngày.
Đợt đàm phán tháng 6.90 không kết quả, nhưng Trung Quốc không cắt cầu như các lần trước mà đề nghị ta trao đổi với họ qua con đường đại sứ. Như vậy, sau khi đàm phán thất bại đã có hai loại hoạt động tiến hành song song: hai bên vừa tiếp tục nói chuyện với nhau, vừa công kích nhau trên mặt trận dư luận.
Để giành chủ động trong việc tranh thủ dư luận quốc tế, ngày 21.6.90, dưới hình thức trả lời phỏng vấn của Việt Nam Thông tấn xã, tôi đã nêu rõ nguyên nhân khiến cuộc nói chuyện với Trung Quốc không tiến triển được chỉ vì Việt Nam kiên quyết tuân thủ nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ Campuchia; cản trở chính cho giải pháp Campuchia là việc Trung Quốc vẫn cố bám giữ bọn diệt chủng Polpot. Song điều khiến Trung Quốc cay cú nhất là tôi đã vạch “Trung Quốc không tán thành Thông cáo chung Tokyo nhưng không muốn đơn phương một mình chống lại. Họ muốn Việt Nam và Trung Quốc cùng có một lập trường trái với Thông cáo chung Tokyo”. Vì vậy ngay sau đó, tờ Nhân dân Nhật báo Bắc Kinh ngày 5.7.90 đã có ngay bài “Kế hoạch một hòn đá ném hai đích của Hà Nội” của Thái Tích Mai, Tân Hoa Xã phản ứng ngay về bài đó, nói Trần Quang Cơ định “dụ dẫn nhân dân thế giới vào cái bẫy của họ bằng hàng loạt sách lược một hòn đá nhằm hai cái đích”. “Ý đồ thứ nhất của Hà Nội thông qua việc ngừng bắn tại chỗ để che đậy về việc quân đội Việt Nam vẫn có mặt ở Campuchia. Ý đồ thứ hai của Hà Nội là thành lập SNC trong khuôn khổ PhnomPenh. Ý đồ thứ ba là lấy cuộc đối thoại giữa hai chính quyền thay thế nguyên tắc 4 bên”.
Hiểm độc nhất là Trung Quốc đã thông báo khá rộng rãi với các nước những điều Nguyễn Văn Linh và Lê Đức Anh nói riêng với Trương Đức Duy về “giải pháp Đỏ” và đoàn kết XHCN, nhằm gây ấn tượng xấu về ta đối với các nước quan tâm đến vấn đề Campuchia, kể cả Liên Xô và các nước bạn khác của ta.
Ngày 22.6.90, tại Bắc Kinh, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã thông báo cho Đại sứ các nước EEC (Khối thị trường chung châu Âu) về cuộc đàm phán Trung-Việt ở Hà Nội, và nhận xét là Việt Nam hết sức nóng lòng bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc vì lo sợ sự suy yếu của Liên Xô và tình hình hỗn loạn ở Đông Âu. Nói là Việt Nam rất xảo trá, rất cứng rắn. Sáng 26.6.90, đại sứ CHLB Đức khi gặp Vụ Châu Âu II Bộ Ngoại giao ta, cũng cho biết là ngày 22/6 Trung Quốc đã thông báo cho đại sứ các nước Thị trường chung châu Âu ở Bắc Kinh nội dung cuộc hội đàm giữa Từ Đôn Tín và tôi và đưa ra kết luận: “Việt Nam là những người rất xảo trá, rất xấu xa và rất cứng rắn. Họ chỉ muốn Hunxen độc quyền. Họ không chịu nhân nhượng bất cứ điều gì... Ông Nguyễn Cơ Thạch là người xảo quyệt, rất cứng rắn và căm thù Trung Quốc cao độ”. Ngày 26.6.90, Đại sứ Úc tại Hà Nội nói với Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch: “Trung Quốc đã thông báo cho Thủ tướng Thái Lan là Việt Nam đề nghị Trung Quốc và Việt Nam hợp tác với nhau về vấn đề Campuchia. Việt Nam đề nghị Trung Quốc cùng Việt Nam tham gia một giải pháp XHCN về Campuchia”
Tuy nhiên, theo chủ trương kiên trì thúc đẩy bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc vì lợi ích chiến lược của ta, trong thời gian này hàng tuần tôi vẫn gặp trao đổi ý kiến với đại sứ Trung Quốc để giữ cầu.
[mục lục] [chương sau]
39 bản 01 thêm: [anh]
40 Phần [ ], bản 01 viết: [anh Lê Đức Anh và anh Linh]
41 bản 01 thêm: (?)
Các thao tác trên Tài liệu