Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Hồ sơ / Hồi ký Trần Quang Cơ / Hồi ký Trần Quang Cơ - Chương 2.

Hồi ký Trần Quang Cơ - Chương 2.

- Trần Quang Cơ — published 12/07/2007 16:50, cập nhật lần cuối 12/07/2008 17:23

2. MỘT NHIỆM KỲ ĐẠI SỨ KHÔNG TẺ NHẠT


Tháng 10.82, tôi được bổ nhiệm đi làm đại sứ tại Vương quốc Thái Lan – một điểm tiền tiêu của mặt trận đối ngoại thời kỳ ấy vì chính quyền Thái Lan lúc đó gắn bó rất chặt với Trung Quốc trong việc nuôi dưỡng bè lũ diệt chủng Polpot chống Việt Nam. Không thể nói nhiệm kỳ đại sứ của tôi ở Thái Lan khi đó là bình lặng hay tẻ nhạt. Hầu như không có tháng nào là không có những đám đông biểu tình trước sứ quán hò hét phản đối Việt Nam “xâm lược” Campuchia, xâm phạm lãnh thổ Thái. Thông thường những hoạt động này trở nên náo nhiệt vào đầu mùa khô hàng năm, cùng lúc với các hoạt động quân sự bắt đầu trên biên giới Campuchia – Thái. Đám “biểu tình” – có khi là dân “xám-lô16, có khi là tổ chức dân vệ Thái, có khi là đám người Việt phản động ở mấy tỉnh Đông Bắc – thường tụ tập trong Công viên Lum-pi-ni ở gần đại sứ quán ta trên đường Oai-rơ-lét17, để nhận tiền “biểu tình phí”.

Báo chí Thái Lan hồi đó hình như rất khoái theo dõi phản ánh các hoạt động của đại sứ Việt Nam, đặc biệt là những khi có cuộc gặp gỡ không lấy gì làm vui vẻ giữa Bộ Ngoại giao Thái Lan và đại sứ Việt Nam. Phải nói rằng nhiệt độ không khí “chuyện trò” giữa tôi với các vị quan chức ngoại giao Thái phản ánh khá trung thành cường độ chiến sự ở vùng biên giới Campuchia Thái Lan. Tôi không thể nào quên lời phát biểu đầy phẫn nộ của ngài Tư lệnh lục quân đầy quyền uy Ac-thit Kham-lang-ec với báo chí: “Chẳng cần có đại sứ Việt Nam ở Thái Lan nữa”, sau khi tôi đã lịch sự nhưng kiên quyết từ chối nhận hai bức công hàm phản đối của ngoại trưởng Thái. Bức công hàm ngày 17.4.83 của Thái phản đối quân đội Việt Nam đã bắn rơi chiếc máy bay trinh sát L19 làm chết viên phi công lái máy bay đó, và sau đó lại bắn hỏng một chiếc trực thăng của quân đội Thái. Còn công hàm ngày 1.5.84 phản đối quân đội Việt Nam “pháo kích vào lãnh thổ Thái” thuộc tỉnh Surin làm chết và bị thương một số dân làng. Tuyên bố giận dữ của tướng Ac-thit đã được phụ hoạ bởi một số báo Thái, trong đó tờ nhật báo tiếng Anh “Daily News18 có xã luận viết: “Chính phủ (Thái Lan) cần yêu cầu Việt Nam thay ngay đại sứ của họ ở Bangkok để phản đối việc ông này đã từ chối nhận công hàm phản kháng của Thái”. Sự việc đó xảy ra vào thời gian đầu mùa khô 1984-1985, lúc quân tình nguyện Việt Nam mở chiến dịch đánh thẳng vào vùng “đất thánh” và xoá sạch các căn cứ của 3 phái Khmer phản động nằm trên đường biên giới Campuchia - Thái Lan và cắm sâu vào đất Thái Lan. Cũng thời gian đó đã xảy ra những vụ tập kích và pháo kích của quân Trung Quốc vào mấy tỉnh biên giới phía Bắc nước ta để phối hợp cứu nguy cho bọn diệt chủng Polpot ở mặt trận phía Tây nước ta.

Thông qua báo chí Thái, tôi cũng đã có dịp làm cho nhân dân Thái Lan rõ sự thật về vấn đề Campuchia trong khi trả lời phỏng vấn của tờ Kledlap19 ngày 15.4.84:


Hỏi: Ngài có tán thành ý kiến cho rằng chiến tranh Campuchia là cuộc xung đột giữa Liên Xô - Việt Nam một bên với Trung Quốc – Khmer Đỏ một bên, còn ASEAN và các bên khác chỉ đóng vai trò phụ ? Nếu đúng như vậy, Ngài có ý kiến thế nào về sáng kiến của ông Adam Malik về đàm phán Liên Xô - Việt Nam - Trung Quốc để giải quyết vấn đề Campuchia ?

Trả lời: Thực chất của cái gọi là vấn đề Campuchia hiện nay là việc Trung Quốc sử dụng một trong những công cụ đắc lực nhất và cũng là thô bạo nhất của họ để can thiệp và đe doạ an ninh của các nước Đông Dương, trước hết là Campuchia. Nếu cho rằng đây là xung đột giữa Liên Xô - Việt Nam với Trung Quốc – Khmer Đỏ thì là mắc bẫy Trung Quốc cả, đều là sai lầm nguy hiểm. Vì như thế sẽ không thấy được mối đe doạ lớn đối với an ninh của tất cả các nước khu vực này là chủ nghĩa bành trướng và bá quyền Trung Quốc, Liên Xô từ trước đến nay chỉ giúp nhân dân ba nước Đông Dương bảo vệ độc lập và xây dựng hoà bình đất nước mình, không đe doạ ai cả. Vì vậy, xin miễn phát biểu về ý kiến của ông Adam Malik ở đây.


Hỏi: Chiến tranh ở Campuchia kéo dài sẽ ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam và ASEAN, không rõ ai sẽ chịu đựng được lâu hơn ai ?

Trả lời: Tôi nghĩ rằng không nên đặt vấn đề như vậy, vì sẽ trúng hiểm kế của Bắc Kinh. Thủ đoạn lớn của họ trong chính trị quốc tế xưa nay vẫn là “ngồi trên núi xem hổ đánh nhau20. Nước chúng ta không lớn như họ, vì vậy ta cần phải thông minh hơn họ, ít nhất cũng không mắc mưu họ. Lợi ích của nhân dân các nước Đông Nam Á không cho phép chúng ta kéo dài tình hình đối đầu hiện nay để cho các nước khác đứng ngoài hưởng lợi.

Trong chuyến đi Inđônêxia tháng 3 vừa qua của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch, Việt Nam và Inđônêxia đã nhất trí nhận định là để tình hình tiếp tục như hiện nay là có hại cho các nước trong khu vực trong cố gắng xây dựng nền kinh tế và cải thiện đời sống nhân dân mình. Hai bên đã thừa nhận là giải quyết được tình hình này sẽ có lợi cho tất cả các nước Đông Nam Á. Nếu không sẽ chỉ có lợi cho các bên thứ ba.


Hỏi: Không rõ Ngài có thể khẳng định được hay không rằng trong tình hình hiện nay quân Việt Nam sẽ không tràn qua biên giới Thái Lan.

Trả lời: Về điều này chúng tôi có thể đảm bảo chắc chắn rằng chúng tôi không xâm phạm lãnh thổ của Thái Lan.


Hỏi: Nhưng chính quyền và quân đội Thái Lan đã vạch rõ điều đã xảy ra. Một số phóng viên nước ngoài cũng đưa tin này.

Trả lời: Xin khẳng định lại rằng trong đợt tấn công bọn Khmer Đỏ vừa qua, bọn này đã chạm vào lãnh thổ Thái Lan. Lực lượng của chúng tôi đã dừng lại ở biên giới chứ không xâm phạm lãnh thổ Thái Lan, mặc dù phía Thái Lan đã tạo điều kiện cho bọn này chạy sang. Về tin nói rằng bắt được tù binh Việt Nam, có xác binh sĩ và xe tăng Việt Nam trong đất Thái Lan là hoàn toàn bịa đặt.


Hỏi: Ngài Tư lệnh tối cao kiêm Tư lệnh Lục quân (Ac-thit Khăm-lang-ẹc) đã đưa ra tin này.

Trả lời: Chính Ngài Tư lệnh tối cao quân đội khẳng định tin nói rằng quân đội Thái Lan đã sử dụng máy bay A.37 ném bom phá huỷ kho vũ khí của Khmer Đỏ, cũng chưa rõ kho này nằm trên đất Thái Lan hay trên đất Campuchia. Trong khi chiến sự đang xảy ra ở biên giới, quân đội Thái Lan đã không tạo điều kiện cho phóng viên nước ngoài vào làm tin ở khu vực đó. Nhiều phóng viên nước ngoài rất bất bình về việc này và nói rằng quân đội Thái Lan đưa tin rất lộn xộn, hôm nay nói thế này, ngày mai lại nói thế kia, không thống nhất. Ví dụ như lúc đầu nói bắt được 40 tù binh Việt Nam, sau đó nói là bắt được 41 người, tiếp đó nói chỉ bắt được 6 người, còn là người Khmer.


Hỏi: Không rõ Việt Nam sẽ có biện pháp sớm chấm dứt chiến sự như thế nào?

Trả lời: Theo ý kiến riêng tôi, nếu chiến sự lần này chấm dứt càng sớm sẽ càng có lợi cho các bên. Trước hết chúng tôi muốn giữ gìn mối quan hệ, muốn làm cho biên giới Thái Lan – Campuchia có hoà bình ổn định và muốn cho Việt Nam và Thái Lan sớm có quan hệ hữu nghị. Chúng tôi không muốn chiến tranh kéo dài, nhưng cũng không sợ chiến tranh kéo dài.


Hỏi: Vấn đề không an toàn hiện nay là quân đội Việt Nam đã áp sát biên giới Thái Lan. Nếu ở vào cương vị Thái Lan thì Việt Nam cũng sẽ cảm thấy mình không an toàn nếu như có lực lượng nước ngoài xâm phạm như vậy. Đây là điều suy nghĩ hiện nay của Thái Lan.

Trả lời: Nếu như các ông theo dõi kỹ vấn đề thì các ông sẽ thấy không phải là vấn đề gì mới mẻ cả. Chúng tôi đã nhiều lần đưa ra nhiều sáng kiến: từ năm 1980 chúng tôi đã đề nghị xây dựng khu an toàn dọc biên giới Thái Lan – Campuchia nhằm bảo đảm an ninh ở khu vực này, để làm cho phía Thái Lan khỏi lo ngại việc quân đội Việt Nam có mặt ở Campuchia. Nhiệm vụ của quân đội Việt Nam ở Campuchia chỉ nhằm tiêu diệt lực lượng Polpot. Chúng tôi đã nhiều lần tuyên bố quân đội Việt Nam sẽ rút ngay khi nguy cơ đe doạ từ Trung Quốc đã chấm dứt.

- - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - -

Khi cho in bài phỏng vấn này, Ban biên tập đã tự ý cắt bỏ không đăng trả lời của tôi nói về bằng chứng là quân đội Thái đã giúp quân Polpot và đã xâm phạm lãnh thổ Campuchia.

Trong khi Việt Nam đã tiếp tục sa lầy vào Campuchia thì ba nước lớn trong tam giác chiến lược Mỹ – Xô - Trung lại có sự điều chỉnh chiến lược để tập trung vào phát triển kinh tế, đi vào xu thế hoà hoãn nhằm vừa tranh thủ vừa đấu tranh, kiềm chế lẫn nhau. Vấn đề Campuchia bắt đầu được đưa vào chương trình nghị sự của các cuộc đàm phán từng cặp một giữa ba nước lớn. Ngay từ khi Trung – Xô khởi đầu quá trình đàm phán bình thường hoá quan hệ giữa hai bên, tháng 10.82 ở Bắc Kinh, Trung Quốc đã nêu “trở ngại” cho việc bình thường hoá quan hệ Trung – Xô là xung đột biên giới Trung – Xô, vấn đề Campuchia, vấn đề Afghanistan, và trao bản yêu sách 5 điểm về vấn đề Campuchia cho Liên Xô.

  1. Liên Xô chấm dứt ủng hộ Việt Nam xâm lược Campuchia.

  2. Việt Nam tuyên bố rút hết quân khỏi Campuchia. Đàm phán bình thường hoá quan hệ Trung-Việt sẽ bắt đầu sau khi những đơn vị quân Việt Nam đầu tiên rút.

  3. Trung Quốc có những biện phạm cải thiện quan hệ với Liên Xô.

  4. Lập chính phủ liên hiệp Campuchia đại diện cho tất cả các phe phái ở Campuchia (điều này có nghĩa là hợp pháp hoá phái Polpot diệt chủng).

  5. Bảo đảm quốc tế cho một nước Campuchia độc lập và không liên kết.

Đến ngày 1.3.83, Trung Quốc đưa ra công khai 5 điểm trên. Thực ra lúc đó Trung Quốc đưa ra lập trường 5 điểm giải quyết vấn đề Campuchia chủ yếu để làm con bài mặc cả với Liên Xô, và gây sức ép với Mỹ và ASEAN chứ chưa định giải quyết vì Trung Quốc cho rằng ghìm chân Việt Nam ở Campuchia càng lâu càng có lợi cho họ. Thời gian tôi làm đại sứ Việt Nam ở Thái Lan thì đại sứ Trung Quốc ở Thái Lan là Trương Đức Duy, với Trương Thanh là tham tán. Những nhân vật này tôi lại gặp lại sau này khi đàm phán với Trung Quốc về bình thường hoá quan hệ giữa hai nước. Thời gian làm đại sứ ở Bangkok cũng đã giúp tôi tìm hiểu được thêm về ý đồ lâu dài của Trung Quốc ở Đông Nam Á và trong vấn đề Campuchia.

Vấn đề Hoa kiều cũng là một đặc điểm mà Trung Quốc muốn khai thác để hòng giành thêm lợi thế chính trị và kinh tế ở Đông Nam Á. Số lượng người Hoa ở Thái Lan cũng như các nước Đông Nam Á khác đều khá lớn và nắm vai trò quan trọng trong nền kinh tế địa phương. Nhưng ở các nơi khác cộng đồng người Hoa thường tách biệt ra, còn ở Thái họ hầu như đã đồng hoá với dân địa phương. Rất khó phân biệt người Thái gốc Hoa với người bản địa, nhất là trong tầng lớp trung lưu trở lên, kể cả trong hoàng tộc.

Trong khi đó, người Việt ở Thái Lan lại chịu một số phận hẩm hiu hơn nhiều. Ta quen gọi là Việt kiều Thái Lan, nhưng chính quyền Thái Lan chỉ coi họ là những người “tị nạn bất hợp pháp” của nước Việt Nam cộng sản, không coi là ngoại kiều (không được cấp “tàng-đạo” – giấy chứng nhận là ngoại kiều) cũng không được nhập quốc tịch Thái. Vì vậy nên hàng chục vạn người Việt mặc dù đã làm an sinh sống trên đất Thái hàng chục năm vẫn bị “quản thúc” ở mấy tỉnh miền Đông Bắc Thái Lan. Phải xin giấy phép của chính quyền Thái nếu muốn ra khỏi nơi mình cư trú cũng như nếu muốn đến sứ quán ở Bangkok những dịp Tết Nguyên đán hay ngày Quốc khánh. Ngược lại đại sứ ta cũng không thể tới những tỉnh có đông người Việt ở Đông Bắc để thăm hỏi bà con kiều bào mình. Người tiền nhiệm tôi, anh Hoàng Bảo Sơn, trước khi kết thúc nhiệm kỳ đại sứ đã đặt vấn đề với Bộ Ngoại Giao Thái Lan xin được đi Đông Bắc thăm và chào từ biệt kiều bào và đã nhận được câu trả lời rất chi là “ngoại giao”: không đảm bảo an toàn trên đường đi. Để vượt qua sự ngăn cản đó đến với kiều bào, vào trung tuần tháng 6 năm 1985, không báo trước cho Bộ Ngoại giao Thái nhưng có thông báo với ban đại diện Việt kiều tỉnh, tôi cùng mấy anh em trong bộ phận lãnh sự đáp máy bay nội địa đi thẳng đến Ubon Thani, tỉnh có đông Việt Kiều nhất vùng Đông Bắc. Đến nơi bà con Việt kiều ở Ubon và các tỉnh lân cận tổ chức đón tiếp cực kỳ nhiệt tình, bộc lộ tình cảm khát khao với quê hương đất nước. Nhưng đồng thời, chính quyền và công an tỉnh cũng không kém phần quan tâm đến chúng tôi. Họ chất vấn tôi ngay khi vào phòng khách sạn: “Vì sao ngài đại sứ đi không báo cho Bộ Ngoại Giao ? Ngài đến Ubon có việc gì ?” Đã dự kiến trước tình huống này, tôi thản nhiên đáp: “Tôi nhận được thiếp báo cưới con cháu gái hơi chậm nên vội đi. Hơn nữa đây là chuyện riêng tư gia đình nên không muốn các ngài bận tâm đến.” Đại khái câu chuyện trao đi đổi lại lúc đầu có vẻ căng thẳng nhưng đã kết thúc khá êm thấm. Cuối cùng họ chỉ yêu cầu mỗi khi đại sứ đi đâu xin cho hai xe mô tô đi trước và một xe ô tô công an đi sau hộ tống. Và buổi lễ cưới hôm sau được biến thành một cuộc mít-tinh lớn tổ chức ở ngoài trời chiếm cả một đường phố lớn để đông đảo Việt kiều được tham dự. Sự kiện này là một kỷ niệm khó quên của tôi ở Thái Lan.

Tháng 10 năm 1986, vừa tròn 4 năm ở Thái, tôi kết thúc nhiệm kỳ đại sứ, rời Bangkok về Hà Nội. Ngay sau khi về nước, tôi được giao nhiệm vụ nghiên cứu giúp bạn Lào trong cuộc đàm phán với Trung Quốc vào cuối năm 1986 theo yêu cầu của Bộ Ngoại Giao Lào. Tôi đã sang Vientiane 3 lần trong mấy tháng 10, 11 và 12.86 để trao đổi ý kiến với bạn trong việc chuẩn bị nội dung chính trị và kế hoạch tiến hành cuộc đàm phán. Việc Trung Quốc đáp ứng khá nhanh lời tuyên bố của ngoại trưởng Lào – trong bản tuyên bố của Hội nghị bộ trưởng ngoại giao 3 nước Đông Dương lần thứ 13 (tháng 8.86) – trong khi họ vẫn từ chối đàm phán bình thường hoá quan hệ với Việt Nam, nhằm chia rẽ ba nước Đông Dương, âm mưu bình thường hoá quan hệ riêng rẽ với Lào, cải thiện quan hệ với Liên Xô và Đông Âu để gây sức ép với ta trong vấn đề Campuchia. Vì vậy, trong đàm phán, Trung Quốc muốn kéo Lào đi vào bàn các vấn đề cụ thể thuộc quan hệ song phương hai nước. Cụ thể Trung Quốc nêu 4 vấn đề: lập lại quan hệ ngoại giao cấp đại sứ, quan hệ mậu dịch, thoả thuận những điểm tồn tại về biên giới, nhân dân vùng biên hai bên qua lại tự do. Còn phía Lào nêu lại 3 vấn đề: tình hình căng thẳng ở biên giới Lào - Trung Quốc, Trung Quốc nuôi dưỡng bọn Lào lưu vong, giải quyết với cả 3 nước Đông Dương. Theo chủ trương đã nhất trí với ta là “không giải quyết gì, chủ yếu để thăm dò đối phương và giữ cầu để tiếp tục đàm phán”, Lào kéo Trung Quốc phải đi vào bàn những vấn đề có tính chất nguyên tắc và phải đề cập đến những vấn đề mà Bắc Kinh muốn lẩn tránh như vấn đề Campuchia, vấn đề quan hệ Trung Quốc - Việt Nam. Qua đàm phán chính thức cũng như qua những cuộc trao đổi riêng, ta đã hiểu rõ thêm được về ý đồ của Trung Quốc đối với khu vực này. Lúc này Trung Quốc tuy chưa thay đổi chính sách đối với Đông Dương - Đông Nam Á, song có khó khăn thúc bách về thời gian. Trước mắt họ còn muốn nắn gân cốt ta, muốn thăm dò mức độ đoàn kết nhất trí giữa Việt Nam – Lào – Campuchia, nhất là về vấn đề Campuchia. Thứ trưởng ngoại giao Lưu Thuật Khanh, trưởng đoàn đàm phán Trung Quốc, coi vấn đề Campuchia không liên quan gì tới Lào cũng như tới quan hệ Trung Quốc – Lào, nhưng đồng thời lại có ý qua Lào thăm dò ý đồ của ta trong vấn đề Campuchia.

Cuộc đàm phán không đem lại kết quả. Lưu mời Lào sang Bắc Kinh bàn tiếp. Đối với tôi, đây cũng là một dịp bản thân tôi được bổ sung thêm hiểu biết về chính sách của Trung Quốc đối với Đông Dương và dụng ý sâu sa của họ khi tiếp tục tung ra luận điệu “Việt Nam mưu đồ thiết lập Liên bang Đông Dương”.

 

[mục lục] [chương sau]

 
 

16 loại xe xích-lô máy của Thái

17 Wireless Road

18 Tin tức hàng ngày

19 Bí quyết

20 Toạ sơn quan Hổ đấu (BT)

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
Odéon Théâtre de l'Europe - En janvier à l'Odéon 09/01/2025 - 07/02/2025 — Berthier 17e, Odéon 6e
Black Movie - Festival international de films indépendants Genève 17/01/2025 - 26/01/2025 — Maison des arts du Grütli | 16, rue du Général-Dufour | 1204 Genève
LES LARMES D'ASTYANAX - Olivier Dhénin Hữu 31/01/2025 - 02/02/2025 — Théâtre du lycée Jacques Decour | 12 Avenue Trudaine | 75009 Paris
Festival cinéma - Si loin si proche 2025 06/02/2025 - 09/02/2025 — La Ferme du Buisson, allée de la ferme, 77186 Noisiel - (RER A - Noisiel)
France-Vietnam : un portail entre les cultures - La mémoire vietnamienne en filigrane. Étude de Paris, qu’as-tu fait de nous ? de Pham Van Ky 06/02/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
Inalco : L'économie vietnamienne en 2024 et ses perspectives 06/02/2025 18:00 - 20:00 — 65 Rue des Grands Moulins, 75013 Paris | Amphi 2
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Le développement d’une culture de contestation anti-coloniale publique à Saigon par le moyen d’une presse autonome (1900-1930) 13/03/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - La génération des néologismes sino-vietnamiens dans la circulation culturelle de la sphère sino-graphique sous l’influence de l’Occident au tournant du XXe siècle 03/04/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Sujets et séjournants. Une nouvelle histoire des indochinois en France 15/05/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Transferts du modèle français à la description de la grammaire vietnamienne 05/06/2025 16:30 - 18:00 — BnF site François-Mitterrand | Salle 70 ou via ZOOM
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us