Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Hồ sơ / Hồi ức tuổi thơ - Văn Ngọc / Hồi ức tuổi thơ: Ăn Tết làng dừa

Hồi ức tuổi thơ: Ăn Tết làng dừa

- Văn Ngọc — published 01/01/2011 16:00, cập nhật lần cuối 27/02/2011 16:12
Nếu ở làng Vẽ trong có một hai ngày, chúng tôi đã được ăn nhiều món thịt chó bao nhiêu, thì ở đây, trong hơn mười hôm, chúng tôi đã được thưởng thức nhiều món nấu... dừa bấy nhiêu !

- Chương 07 -

Ăn Tết ở làng dừa


Văn Ngọc


Ra khỏi trạm kiểm soát phố Yên Ninh, chúng tôi tiếp tục đi lẫn vào đám người tản cư, tiến dần ra phía bờ sông.
Hôm đó là ngày 15-1-1947, một ngày đầy những hồi hộp, xúc động, mà chúng tôi sẽ không bao giờ quên được, 3500 tự vệ thành được lệnh trà trộn với 2500 đồng bào tản cư, công khai rút ra khỏi Hà Nội.
Địa điểm hẹn nhau của chúng tôi là ở trên Chèm, Vẽ. Từ đây lên Chèm, Vẽ, phải đi qua bãi Phúc Xá, rồi cứ dọc theo bờ sông mà đi, chúng tôi đã dặn nhau như thế từ trước khi khởi hành ở đình Hàng Bạc.
Giờ đây còn ở trong địa phận phố Yên Ninh, dưới tầm mắt của địch, chúng tôi còn phải cảnh giác, không ai nói với ai một lời, làm như không quen biết nhau. Thanh niên tự vệ, trước khi ra tới đây, đã phải bỏ lại hết cả những bộ đồ kaki và vũ khí, để chỉ ăn mặc như thường dân. Tôi đóng chiếc quần dài xám và cái áo vét xanh thẫm đã cũ của thời kỳ còn học ở Trường Mỹ thuật, vai đeo balô, ngoài ra không mang theo một cái gì hết. Tên ngồi ở chiếc bàn kiểm soát hỏi tôi trước đây làm gì, tôi bảo tôi là học trò, thế là đi thoát.
Hồi nãy, ở bên đình Hàng Than, tôi còn xách theo cả một bị lựu đạn quả na, có đến gần hai chục quả. Từ lúc rút đi khỏi phố nhà, qua phố Hàng Vải thâm để lên tập hợp ở đình Hàng Bạc, tôi vẫn tiếc rẻ vác theo, mãi đến đình Hàng Than mới chịu bỏ lại.
Kể ra ngày đó, mới 14 tuổi đầu, mình cũng ngây thơ, cứ tưởng rằng có thể đem theo ra cả một bị lựu đạn mà không bị khám xét ! Số tiền 7000 đồng bạc lẻ mà tôi vơ vét được trong két của thày tôi, toàn là giấy bạc nhỏ, cứ vướng cồm cộm ở trong người, cũng may mà không bị lấy mất. Số tiền này, tôi phải đem ra cho gia đình ở ngoài hậu phương. Mọi người đều trông chờ vào đó để sống tạm vài tháng, một năm, nếu không có kế sinh nhai nào khác.
Kỷ niệm về chặng đường từ đình Hàng Bạc ra tới phố Yên Ninh lâu ngày cũng đã mờ nhạt. Tôi chỉ còn nhớ có mỗi một hình ảnh. Đó là hình ảnh anh tự vệ đứng gác trên một ụ đất ở đầu đằng này phố Yên Ninh. Lúc đi đến gần, tôi mới nhận ra được khuôn mặt quen thuộc của anh. Đây chẳng phải ai xa lạ, mà chính là anh Tăng, một sinh viên Trường Mỹ thuật, học trên tôi hai, ba lớp. Tôi nhìn nét mặt bình thản và cương quyết của anh mà trong lòng không khỏi khâm phục. Thì ra anh Tăng cũng ở trong số " những người ở lại ". Tôi vừa bước đi theo dòng người, vừa tiếc rẻ vì phải rút ra ngoài, nhưng cũng vừa lo lắng hộ cho các anh ấy còn ở lại trong này.

Trời mưa dầm dề, nhưng cũng chỉ là mưa phùn. Tôi không còn nhớ rõ là đã đi qua những đâu, và trong bao nhiêu lâu nữa. Chỉ nhớ rằng chúng tôi đã "đêm đi ngày nghỉ", để đề phòng địch khám phá ra được là đại bộ phận lực lượng chiến đấu của ta ở trong Hà Nội đã rút ra ngoài, và sẽ tìm cách truy kích.
Lúc này, lũ bạn bè cùng phố đã gặp lại nhau đông đủ. Trong bọn, ngoài anh Hợi và anh Thém thợ da ra, còn tám chín đứa chúng tôi đều thuộc hạng nhàng nhàng, từ 16 đến 18 tuổi.
Quả thật, tôi cũng không còn nhớ có những ai trong đám này nữa, chỉ nhớ chắc chắn là có anh Hợi, anh Thém, có Nhượng, thằng bạn thân nhất của tôi ở phố, Quang, Chấn, Đại và tôi. Đại là một cậu bé liên lạc ở phố Hàng Bút, vừa mới nhập bọn với chúng tôi. Cậu bé này lúc đầu không ai để ý đến lắm, nhưng sau này, trên đường đi lên Sơn Tây, bỗng nhiên trở thành một nhân vật quan trọng, một cứu tinh đối với chúng tôi. Chính y đã dẫn chúng tôi đến "làng dừa".
Đoàn người khá đông, mà lạ sao đi qua các làng không thấy có tiếng chó sủa và cũng không thấy bóng một con chó nào ở trên đường. Thì ra ở các làng xung quanh đây, người ta đã được lệnh giết chó để bảo vệ bí mật, tránh không cho địch biết được mình đi qua những đâu và tới đâu, vì chỉ nội ngày hôm nay, hay ngày mai thôi, bọn chúng sẽ biết.
Có lẽ cũng nhờ vụ giết chó này, mà đến làng Vẽ, một làng ở ngay cạnh Hà Nội, xưa nay vẫn nổi tiếng về món thịt chó, mà chúng tôi đã được thả cửa đi ăn thịt chó ở các hàng quán : nào là thịt chó nấu rựa mận, nào là thịt chó luộc, nào là dồi chó, chả chó, v.v. Lần đầu tiên trên đời, tôi được nếm những món, mà từ trước tới nay ở Hà Nội bọn trẻ chúng tôi chưa bao giờ được ăn, mà trên thực tế lại là những món ngon bất hủ, mặc dầu lúc đó, chúng tôi chưa ai biết uống rượu để thưởng thức món thịt cầy này !

ngay tại làng Vẽ, ban chỉ huy cho tập hợp tất cả các thanh niên tự vệ lại để phổ biến chỉ thị : ai muốn tòng quân và ai không có gia đình, nhà cửa ở hậu phương thì ở lại, còn ai phải về với gia đình, hoặc có nhà ở nhà quê, thì cứ việc về tạm quê mình.
Trong bọn tôi, chỉ có mình anh Hợi là dứt khoát xung vào bộ đội ngay từ đầu. Anh Hợi năm ấy vừa học xong PCB và vừa bắt đầu học năm thứ nhất Trường thuốc, thì đánh nhau. Ở phố, anh là người chỉ huy chúng tôi về quân sự. Nhượng, em ruột của anh, sau đó ít lâu cũng đi bộ đội, và sau ngày hoà bình lập lại ở miền Bắc, Nhượng vẫn ở lại trong quân đội và sau này làm đến chức đại tá.
Quang sau này được giao nhiệm vụ trở về thành làm công tác vận động trong giới học sinh.
Còn anh Thém, người thợ da, làm việc cho thày tôi trước đây, đến lúc này mới "xin phép" tôi về quê với vợ con. Anh xin phép tôi, vì tôi là con ông chủ, theo như cách đối xử ngày xưa giữa người nhà, người ở, với chủ.
Tôi thấy ái ngại cho con người hiền lành, trung thực ấy. Bị điếc từ hồi còn nhỏ, anh sống giữa gia đình chúng tôi, làm việc rất đắc lực cho thày tôi và được thày tôi đặt làm thợ cả, coi cả một xưởng làm đồ da, nhưng không bao giờ tôi đoán biết được những ý nghĩ sâu kín, cũng như những tâm trạng vui, hay buồn của anh. Không biết anh có cảm thấy rằng xung quanh anh lúc này mọi sự đương đổi thay, và cái thời người nhà, người ở, phải giữ khuôn phép với chủ như những người nô lệ, bây giờ cũng đương đi vào quá khứ ?
Đúng là lúc bấy giờ phải chọn lựa, mà chúng tôi lại đang tuổi bay nhảy, chưa biết nghĩ gì đến tương lai. Đến ngay cả việc về với gia đình lúc ấy, cũng chẳng ai thèm nghĩ tới vội. Cuộc chiến đấu ở trong thành trong suốt một tháng trời rõ ràng đã làm cho tình bạn của chúng tôi, những đứa trẻ đã cùng lớn lên trong một khu phố càng thêm thắm thiết. Trên đường rút ra hậu phương, chúng tôi lại càng quấn quít lấy nhau hơn. hình như chúng tôi đã linh cảm thấy những sự chia ly không thể tránh được của ngày mai.
Nhưng bây giờ, không đi vào bộ đội thì biết đi đâu ? Còn có mấy ngày nữa đã đến Tết rồi. Đã không được ăn Tết ở trong thành, ít ra chúng tôi cũng phải ăn Tết chung với nhau một chuyến ở ngoài này. Đương tính toán để tìm ra một giải pháp, chợt cậu bé ở phố Hàng Bút đi theo chúng tôi đưa ra một ý kiến : hay tất cả kéo nhau lên nhà chị ruột cậu ở trên Sơn Tây ? Mọi người đều tán thành ngay.
Thế là bọn chúng tôi mấy đứa từ biệt anh Hợi, từ biệt đồng đội, từ biệt làng Vẽ, lên đường đi Sơn Tây.

Tới Sơn Tây, cậu bé dẫn chúng tôi đến làng chị cậu ở. Tên làng đó là làng gì, lâu ngày tôi cũng không còn nhớ nữa, nên cứ tạm gọi là "làng dừa". tôi vẫn hy vọng tìm lại được địa điểm của làng này trên bản đồ, hoặc bao giờ có dịp về, đi qua Sơn Tây, ghé lại thăm.
Đó là một làng khá trù phú, đường đi trong làng lát gạch sạch sẽ, giống như làng Bông, quê ngoại tôi ở Hưng Yên, mà sau này tôi được biết. Trong làng có khá nhiều nhà gạch, nhưng hình ảnh đập vào mắt chúng tôi mạnh nhất lúc ấy, là những cây dừa. Làng này sao mà trồng nhiều dừa thế, và đi chỗ nào cũng gặp hồ ao ! Thời đó, chúng tôi chưa đứa nào biết đến miền Nam, nên trông thấy dừa nhiều thế, lấy làm lạ lắm.
Nhà của bà chị cậu bé là một ngôi nhà gạch, không to nhưng xinh xắn và hình như vừa mới cất cách đây không bao lâu. Người chị trạc 30 tuổi, nét mặt hiền hậu, vui vẻ. Hình như chị chỉ sống một mình ở đây. Tôi còn nhớ, khi bọn chúng tôi vừa mới chân ướt chân ráo đến đây, chị đã nói ngay : " Thôi bây giờ năm cùng tháng tận, mời các anh ở lại ăn Tết cho vui...".
Nếu ở làng Vẽ trong có một hai ngày, chúng tôi đã được ăn nhiều món thịt chó bao nhiêu, thì ở đây, trong hơn mười hôm, chúng tôi đã được thưởng thức nhiều món nấu... dừa bấy nhiêu !
Tôi còn nhớ mãi món cá rô kho với dừa. Cá được kho trong nồi đất, bên dưới trải một lớp cùi dừa thái mỏng. Trong tiết trời hơi lành lạnh của những ngày giáp Tết, ăn món ấy với cơm trắng, rắc thêm hạt tiêu vào, thì thôi, tuyệt ! Món " đặc sản " này làm tôi nghĩ đến món thịt trâu, thịt bò, kho với quế, mà họ bên ngoại nhà tôi thường hay làm vào dịp Tết.
Ngày có phiên chợ, chị đem dừa ra chợ bán, hay đổi lấy gạo, lấy thịt. Những người ở trong làng ai cũng đều làm như thế cả.
Không được ăn Tết ở trong thủ đô, chúng tôi đã ăn Tết ở "làng dừa", tiếp tục những ngày được sống chung với nhau ở trong thành, trong cái hăng say của tuổi trẻ và của những ngày đầu tác chiến.
Ngày ấy không đứa nào trong chúng tôi hình dung được tương lai sẽ ra sao, cuộc kháng chiến rồi ra sẽ kéo dài như thế nào, và không ai có thể nghĩ được rằng sau cái Tết đó, chúng tôi sẽ không bao giờ còn gặp lại nhau nữa.
Trong những ngày ở lại ăn Tết ở đây, chúng tôi không đứa nào thích đi chơi đâu xa cả, suốt ngày chỉ quanh quẩn ở trong nhà. Hình như những ngày được sống chung với nhau trong thành đã quá ngắn ngủi, để cho chúng tôi có thể kể hết cho nhau nghe những câu chuyện mình đã sống trong những ngày vừa qua, cũng như để thổ lộ với nhau những câu chuyện tâm sự ở cái tuổi 17, 18 lúc ấy, hoặc cùng nhau gợi lại những kỷ niệm gần xa : kỷ niệm Cách mạng tháng Tám, kỷ niệm Tuần lễ vàng, và những bước đầu làm quen với những người con gái. Đương tuổi mới lớn, chuyện gì rồi cuối cùng cũng dẫn đến chuyện yêu đương, đến các " bỉ ", các " em ", đến những cuộc tình duyên rất đáng yêu nhưng chưa đi đến đâu cả.
Hết chuyện gẫu, chúng tôi lại ca hát, hay đọc cho nhau nghe những bài thơ học lỏm được của các bà chị. Có những bài thơ thật vớ vẩn, mà sao ngày ấy chúng tôi thích thế ! Tôi còn nhớ những câu thơ rất lãng mạn, mà chúng tôi đã học thuộc lòng, và mãi sau này tôi mới biết là của ai:

Một mùa thu trước mỗi hoàng hôn
Nhặt cánh hoa rơi chẳng thấy buồn
Nhuộm ánh nắng tà qua mái tóc
Tôi chờ người đến với yêu đương...

                         (T.T.KH, Hai sắc hoa ti-gôn, 1937)

Hình như ở cái tuổi đang thèm khát yêu đương, người ta vẫn hay thích những câu thơ "vớ vẩn" như thế, những câu thơ chẳng ra đâu vào với đâu, nhưng cũng đủ làm cho người ta mơ mộng... Sau này, tôi lại càng nghiệm thấy rằng, đôi khi văn chương, nghệ thuật là như thế: có những cái "xuất thần", bất ngờ, "không tiền khoáng hậu", thậm chí "siêu thực", có khi lại làm cho ta xúc động ! Văn chương, nghệ thuật, xét cho cùng, vẫn chỉ là một tiếng nói rất riêng tư...

SanDinhDungKimĐêm giao thừa, lần đầu tiên xa nhà, chúng tôi thức không phải để coi nồi bánh chưng, hay để đánh bài nữa, mà để cùng nhớ đến Hà Nội còn đang trong vòng khói lửa, để kể chuyện Hà Nội. Chị chủ nhà người phố Hàng Bút, cạnh ngay phố nhà tôi, thích nghe những chuyện của chúng tôi lắm. Tám chín mái đầu chụm lại bên bếp lửa, cùng nhau gợi lại, sống lại những kỷ niệm chung.
Trong ánh lửa, tôi nhìn những khuôn mặt quen thuộc từ hồi nhỏ của lũ bạn, mà càng nhớ đến phố. Ai có thể ngờ rằng giao thừa năm ấy cũng là lần cuối cùng chúng tôi còn được ở bên nhau ?
Hôm sau, chúng tôi được mời ở lại thêm một ngày nữa. Mồng hai Tết, chúng tôi từ biệt chị chủ nhà và câu em, để mỗi người đi một ngả. Một vài đứa đi về phía Đồng Quan, Vân Đình. Riêng tôi, phải về ngay với gia đình ở Dũng Kim, Hà Nam.
Từ Sơn Tây, tôi đi bộ sang Hà Đông. Qua cầu sông Nhuệ, tình cờ gặp cô Ti, em của Cầu, một thằng bạn học cùng khoá ở Trường Mỹ thuật. Cô Ti bây giờ làm cứu thương, đang đi ngược trở lên phía Sơn Tây. Hồi học ở Trường Mỹ thuật, tôi hay đến nhà Cầu ở phố Đấu Xảo chơi, một phần để vẽ và nói chuyện hội hoạ, một phần cũng là để gặp cô em.
Từ Hà Đông, lấy đò dọc về Phủ Lý mất hai ngày. Trong hai ngày này, cũng đầy chuyện thú vị. Ở trên đò, tôi gặp hai cô bằng trạc tuổi mình, cứ mời ăn trứng luộc, và rồi cứ quấn quít lấy mình !
Tôi về tới Dũng Kim sau Tết đúng một tuần, vào một buổi trưa, cả nhà đang ăn cơm, và không ai chờ đợi tôi về vào lúc đó cả. Nỗi vui mừng và ngạc nhiên thật không sao tả xiết. Những ngày trước đó, trong suốt một tháng trời, cứ chiều chiều, thày tôi lại ra đứng ở trên con đường đê nhỏ ở đầu làng, chỗ có cây gạo, ngóng về phía huyện Lý Nhân xem có thấy tôi về không. Nhiều khi cụ cứ đứng im như vậy cho đến lúc trời sẩm tối, bóng cụ chống cây gậy trúc in lên nền trời như một pho tượng màu thẫm. Sau này, chị tôi và em tôi hay gợi lại hình ảnh này để nói về thày tôi, về cái tình rất kín đáo ở nơi thày tôi đối với các con.
Về Dũng Kim chưa được mấy hôm, thì thày tôi bảo tôi phải đi "nghe ngóng tình hình". Ở đây khuất nẻo, không có tin tức đi về, nên cụ nóng ruột, muốn biết tình hình ở bên ngoài ra sao, liệu đến bao giờ mới yên ? v.v. Cụ như đã nhìn thấy trước tất cả mọi người trong gia đình rằng, rồi ra sẽ chẳng có một kế sinh nhai nào cho phép gia đình nhà tôi tiếp tục sống ở đây.
Tôi đi ngược trở lên Đồng quan, Vân Đình, gặp lại những gia đình người quen ở trên Hà Nội tản cư về đây, nhưng ngay cả họ cũng lo lắng, không biết rồi ra sinh sống bằng cách nào.

Bao nhiêu năm sau, gợi lại những kỷ niệm cũ, cũng là để nhớ lại những khuôn mặt, những giọng nói, những tên làng, tên sông, đã ghi khắc vào một quãng đời của mình.
Trong số những đứa bạn đã cùng nhau ăn Tết ở "làng dừa" ngày ấy, Nhượng, thằng bạn thân nhất cùng phố, sau này làm đến chức đại tá trong quân đội, nay đã mất. Quang bị bắt ở trong thành vào đầu năm 48, rồi biệt tích. Chấn bây giờ cũng lưu lạc như tôi ở xứ người. Anh Hợi, người anh cả của chúng tôi ngày ấy, một dạo được gửi sang làm chuyên gia ở một nước bên Phi châu. Còn cậu em phố Hàng Bút và bà chị ở "làng dừa" bây giờ ở đâu, và làm gì, tôi cũng không biết nữa.
Trong kỷ niệm mà tôi còn giữ được cho tới ngày nay, "làng dừa" vẫn hiện ra trong sáng, trong cái không khí lành lạnh của những ngày giáp Tết ở miền Bắc, với hình ảnh người đàn bà trẻ hiền hậu đã cho chúng tôi ăn một cái Tết xa nhà đầu tiên đầy tình cảm và thi vị.


Quay về:

Lời giới thiệu: Văn Ngọc - Một người Hà Nội rất Hà Nội
Chương 01: Tuổi vỡ lòng
Chương 02: Khu phố thời thơ ấu
Chương 03: Phố tôi ngày ấy
Chương 04: Những năm tháng không thể nào quên
Chương 05: Những ngày tháng chạp 1946
Chương 06: Hà Nội những ngày khói lửa

Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Văn Ngọc
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Yda: Un court-métrage Hanoi - Warszawa 29/11/2024 19:00 - 21:00 — Médiathèque Jean-Pierre Melville, 79 rue Nationale, Paris 75013, M° Olympiades
Les Accords de Genève, espoirs et désillusions au cœur de la guerre froide. De l’indépendance à la division du Vietnam 11/12/2024 16:30 - 18:00 — Bibliothèque François-Mitterrand, Quai François Mauriac - 75706 Paris Cedex 13
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us