Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Hồ sơ / Hồi ức tuổi thơ - Văn Ngọc / Hồi ức tuổi thơ: Cái chất lãng mạn tuyệt vời

Hồi ức tuổi thơ: Cái chất lãng mạn tuyệt vời

- Văn Ngọc — published 18/02/2011 21:53, cập nhật lần cuối 27/02/2011 16:02
Tôi vẫn nhớ đến giọng hát và cách luyến láy rất "lẳng", nhưng cũng rất đúng mức của Phạm Duy. Bài hát lãng mạn cũng phải có giọng hát, cách hát thích hợp, thì mới hay được.

- Chương 14 -

Cái chất lãng mạn tuyệt vời


Văn Ngọc


Hồi tôi còn nhỏ, vào khoảng những năm 40-43, gia đình nhà tôi lúc đó còn đông đúc, có Trắt, là cháu con anh cả tôi, hát rất hay, giọng trầm, ấm (ngày đó, chúng tôi gọi là giọng ồ). Lúc đó Trắt cũng đến gần 20 tuổi rồi, biết rất nhiều bài hát, còn chúng tôi thì hãy còn nhỏ lắm, chưa biết gì mấy. Trắt hay hát một bài hát, mà cả nhà tôi, từ các chị lớn cho đến tụi trẻ chúng tôi đều ưa thích, đó là bài Một ngày xanh, mà mãi sau này tôi mới biết là của Lê Thương.
Cứ mỗi lần, vào buổi chiều tối, lên gác sân thượng hóng mát, được nghe Trắt hát bài đó, là mọi người lại thấy xúc động, không hiểu tại sao:
          [...] Khi bên bờ bên má anh hôn
          Anh thề cùng em bể cạn sơn mòn
          Cuộc tình duyên
          ...Một ngày xanh
          Đã ghi vào đời anh
          Cuộc tình duyên
          Có khi nào anh quên
          Ngày nay trăng chiếu trên dòng Đà giang
          Lòng anh thấy thiếu mối tình mơ màng...
                             (Lê Thương, Một ngày xanh, 1940-41)

Lời bài hát khá "táo bạo" đối với cái thời ấy, hơi "cải lương" một chút, nhưng đã gợi lên được một hình ảnh "lãng mạn", khơi dậy trong chúng tôi, những đứa trẻ thành thị ngày đó, một niềm khao khát mơ hồ về những miền sông nước mà chưa bao giờ mình được đặt chân tới.
Ngày ấy, chúng tôi cũng hay được Trắt hát cho nghe những bài hát của Đặng Thế Phong, nhạc điệu và lời ca cũng rất là lãng mạn, nhưng một thứ lãng mạn thật là thuần khiết ! Tôi không nhớ là trong cả ba bài hát của Đặng Thế Phong, có bài nào nói đến tình yêu đôi lứa không, nhưng cái chất trữ tình thì rõ ràng là man mác, từ Con thuyền không bến, đến Đêm thu, rồi Giọt mưa thu. Bài Con thuyền không bến đẹp như một cảnh trăng nước mùa thu trải ra trước mắt ta, chậm giãi như lời một người kể chuyện, nhẹ nhàng, khoan thai, như một khúc dạo mở đầu cho một bản nhạc cổ điển:
          Đêm nay thu sang cùng heo may
          Đêm nay sương lam mờ chân mây
          Thuyền ai lờ lững xuôi theo dòng
          Như nhớ thương ai chùng tơ lòng

          Trong cây hơi thu cùng hơi may
          Vi vu qua muôn cành mơ say
          Miền xa lời gió vang thông ngàn
          Ai oán thương ai tàn mơ vàng

          ... Lướt theo chiều gió
          Một con thuyền trôi theo trăng
          Trên con sông Thương nước chảy đôi dòng
          Biết đâu bờ bến
          Thuyền ơi thuyền trôi nơi đâu
          Trên sông bao la nào ai biết nông sâu [...]

                            (Đặng Thế Phong, Con thuyền không bến, 1943)

Khi Cách mạng tháng Tám lên, cũng là lúc mà bầy trẻ chúng tôi đang ưa hát những bài ca lịch sử, hùng tráng, của Hoàng Quý (Bóng cờ lau, Nước non Lam Sơn), Lưu Hữu Phước (Bạch Đằng Giang, Lên đàng), Văn Cao (Thăng Long hành khúc ca), v.v., rồi sau đó là những bài hát cách mạng của Văn Cao, Nguyễn Đình Thi, Đỗ Nhuận, v.v. Những bài hát cách mạng này phần lớn cũng rất là lãng mạn, nếu hiểu chữ lãng mạn theo cái nghĩa " lãng mạn cách mạng ", như loạt bài về người chiến sĩ của Văn Cao: Chiến sĩ Việt Nam, Không quân Việt Nam, Hải quân Việt Nam, Bắc Sơn, Đàn chim Việt, v.v.
Tuy nhiên, bàn về khái niệm "lãng mạn cách mạng" không phải là mục đích thật sự của tôi. Tôi chỉ muốn nêu lên ở đây một hiện tượng đáng chú ý là: khía cạnh "lãng mạn" đã tồn tại ngay trong những bài hát, bài thơ, ở thời kỳ trước và sau Cách mạng tháng Tám, thậm chí trong cả những ngày đầu kháng chiến, và cho đến mãi sau này. Khái niệm "lãng mạn" được dùng ở đây trong cái nội dung thông thường nhất của nó, là ít nhiều thiên về sự mơ mộng, về những mơ ước, đôi khi viển vông, thậm chí đến mức lý tưởng hoá thực tế.
Tôi không có tham vọng giải thích hiện tượng, bởi chỉ riêng việc định nghĩa "tính chất lãng mạn" thôi, cũng đã khó rồi. Mặc dầu vậy, tôi vẫn linh cảm rằng, trong cuộc sống, cũng như trong nghệ thuật, đôi khi người ta cũng cần có nó, và hẳn là trong cách mạng cũng thế thôi.
Ngay sau ngày 19-8-1946, một loạt bài hát rất lãng mạn, mà chúng tôi chưa bao giờ được nghe thấy, đã được phổ biến ở trên đài, đặc biệt là những bài hát của Văn Cao, sáng tác đã từ mấy năm trước. Sự kiện đã diễn ra một cách tự nhiên, và những bài hát tuyệt vời của Văn Cao đã như một sự gì đến đúng lúc, hợp với cái tâm tư và khát vọng của giới trẻ lúc đó: Thiên Thai, Trương Chi, Suối mơ, Buồn tàn thu, v.v.
Tôi còn nhớ lần đầu tiên được nghe Phạm Duy hát bài Suối Mơ trên đài phát thanh, tiếng hát có sức quyến rũ đặc biệt của Phạm Duy ngày ấy, vang lên trong phố trưa im nắng, đã chinh phục được ngay chúng tôi, vốn vẫn là những thính giả mặc dầu tuổi còn non nớt, nhưng đã rất nghiêm khắc với chính mình và người khác. Bài Suối mơ, theo như trong Hồi ký của Phạm Duy, thì lời là của Văn Cao và Đỗ Hữu Ích, một người đã cộng tác với Văn Cao để làm lời cho một vài bài hát khác nữa, trong đó có bài Thiên Thai.
Bài Suối Mơ như một lời thủ thỉ, mà cũng như lời của một con suối :
          Suối mơ bên rừng thu vắng
          Dòng nước trôi lững lờ ngoài nắng
          Người chưa đi sao gió vương
          Bờ xanh ngắt bóng đôi cây thuỳ dương
          Suối ơi ! Ôi nguồn yêu mến
          Còn ghi khi bóng ai tìm đến
          Đàn ai nắn buông lưu luyến
          Suối hát theo đôi chim quyên
          Từng hẹn mùa xưa cùng xây nhà bên suối
          Nghe suối róc rách trôi hoa lừng hương gió ngát
          Đàn nai đùa trong khóm lá vàng tươi
          Tơ đàn chùng theo với tháng năm
          Rừng còn nhớ tới người
          Trong chiều nào giữa chốn đây
          Hồn cầm lắng tiếng đời [...]

                                  (Văn Cao, Suối mơ, 1943-44).

Khi Cách mạng lên, tựa này được đổi thành Bài Thơ Bên Suối, nhưng mọi người vẫn quen gọi là Suối Mơ.
Sau này, ngay cả khi Mai Khanh và Thương Huyền hát bài này, tôi vẫn nhớ đến giọng hát và cách luyến láy rất "lẳng", nhưng cũng rất đúng mức của Phạm Duy. Bài hát lãng mạn cũng phải có giọng hát, cách hát thích hợp, thì mới hay được.
Cũng như sau này, những bài hát của Trịnh Công Sơn, hay của Phạm Duy, cũng phải có giọng hát của Khánh Ly thì mới lột tả được hết cái hay của chúng. Nhưng đó lại là một chuyện khác, và đây cũng là một điều bí ẩn của nghệ thuật. Bởi vì giọng của Khánh Ly không lãng mạn chút nào hết, mà gần như là "vô cảm"! Song chính cái giọng "vô cảm" đó lại có một ma lực mê hoặc, cuốn hút người nghe, bởi nhạc Trịnh Công Sơn và một vài bài hát của Phạm Duy, mà Khánh Ly hát thời đó, như một dòng chảy, bản thân nét nhạc và câu chữ của chúng đã lãng mạn rồi, không cho phép thêm vào đó một cách hát, một giọng hát ẽo ợt, cải lương nữa.
Một giọng ca khác mà ngày ấy cũng đã chinh phục được chúng tôi, rồi sau cũng đột nhiên biến mất ở trên đài, đó là Kim Tiêu, nghe nói người Hải Phòng, cùng thành phố với Văn Cao. Kim Tiêu khi nào lên Hà Nội, thường hay đi qua phố tôi vào lúc đêm khuya, vừa đi vừa huýt sáo miệng, nghe các anh lớn trong phố nói Kim Tiêu thổi sáo miệng hay lắm, tôi tiếc chưa bao giờ được tận tai nghe thấy. Kim Tiêu và Mai Khanh hát những bài hát như Thiên Thai, Trương chi, thì tuyệt vời:
          Tiếng ai hát chiều nay vang lừng trên sóng
          Nhớ Lưu Nguyễn ngày xưa lạc tới Đào Nguyên
          Kìa đường lên tiên, kìa nguồn hương duyên
          Theo gió tiếng đàn xao xuyến...

                                  (Văn Cao, Thiên Thai,1943-44)

Lời bài hát này ký tên Văn Cao và Hoàng Thoái. Nhưng theo như trong Hồi ký của Phạm Duy, thì Hoàng Thoái là tên hiệu của Đỗ Hữu Ích.
          Một chiều xưa trăng nước chưa thành thơ
          Trầm trầm không gian mới rung thành tơ
          Vương vất hơi may hoa yến mong chờ
          Ôi tiếng cầm ca thu tới bao giờ
          Lòng chiều bơ vơ lúc thu vừa sang...

                                (Văn Cao, Trương Chi, 1943-44)

Trong những ngày tháng rất sôi nổi của Cách mạng tháng Tám, tôi không còn nhớ vào khoảng tháng nào năm 1946, trước khi kỷ niệm 1 năm Cách mạng thành công, bỗng nhiên có một bài hát mới, của một tác giả mà cho đến lúc bấy giờ chúng tôi chưa hề nghe tiếng, vừa được tung ra giữa Hà Nội. Bài hát rất "lãng mạn", cả lời lẫn nhạc. Cái tên cũng "lãng mạn" không kém: "Trào lòng", tác giả là Nguyễn Văn Khánh, có người lại bảo là của Anh Châu (?).
Ngày ấy, cả người lớn trẻ con đều thích bài hát này, không hiểu tại sao. Trên đài Tiếng Nói Việt Nam, Thương Huyền là người đầu tiên đã trình diễn bài này. Hôm Kỷ niệm 1 năm cách mạng tháng Tám ở Ấu Trĩ viên, tôi được phố gửi đi hát (nguyên trước đó ít lâu, tôi có được giải trong một cuộc thi hát mở cho thiếu nhi toàn thành), các anh lớn lại đề nghị tôi hát đúng bài này, không hiểu có phải vì nó nói đến mùa thu chăng ? Nhưng bài hát Việt Nam nào mà chẳng hay nói đến mùa thu !
Lần đầu tiên tôi được hát trước cả mấy ngàn người ở ngoài trời, mà lại hát trước nữ ca sĩ số một lúc đó là Thương Huyền, cũng đến tham dự buổi dạ hội hôm đó. Tôi ngượng ngùng xiết bao khi đi ra trước micro, ngó vào chỗ phòng đợi ở kế bên thấy chị Thương Huyền, nên lại càng lúng túng. Nghe cậu bé mới 12 tuổi đầu, mặt hãy còn búng ra sữa này, mà đã dám hát một bài hát "của người lớn", như bài "Trào lòng", chắc người ta phải buồn cười lắm. Hôm đó tôi đã hát rất cao. Tiếng hát cất cao trong đêm tối, đã làm cử toạ phải ngạc nhiên, và đã vỗ tay ran, nhất là những người ở phố tôi, đi nghe về khen lấy khen để. Bài hát đó như sau :
          Lá vàng bay theo gióHoa tàn rụng bên sông
          Ôi một chiều thu buồn
          Ôi một trời nhớ mong
          Hương tình vương bóng mây
          Đàn tình dạo đắm say
          Hồn mơ lạc bến tình
          Tìm Thái Bạch, Lưu Linh
          Men nồng say ngây ngất Khiến trời đất cùng quay
          Nước dâng lên sóng in màu trời hồng tươi
          Cây xanh xanh xen núi tím tím cánh buồm lảo đảo uốn cong
          Đây trắng trắng khói mờ [chân mây] lướt bay
          Dăm cô tiên xiêm áo trắng toát cánh vàng dập dìu rẽ mây
          Say, say buồn, say mơ, say quên, cố say, nhưng nào hề say
          Thôi im đi tơ lòng
          Thôi quên đi tâm hồn
          Bầu chàng Lưu dốc luôn, dốc luôn cho đời cùng quay ta thêm say
          Nước dâng lên sóng in màu trời hồng tươi
          Cây xanh xanh xen núi tím tím cánh buồm lảo đảo uốn cong
          Đây trắng trắng khói mờ [chân mây] lướt bay
          Dăm cô tiên xiêm áo trắng toát xách bầu rượu đào theo chàng Lưu đi đó đây.

                                    (Nguyễn Văn Khánh, Trào lòng, 1946)

Trong lãnh vực bài ca, bài hát, nói đến tính chất lãng mạn, dù chỉ là "lãng mạn thuần tuý", hay "lãng mạn cách mạng", tương đối còn dễ dàng, bởi vì thực ra bài hát của ta kể từ khi có phong trào Tân nhạc (Nhạc cải cách) đến nay, đã có bao nhiêu tác phẩm đâu ?
Nhưng nếu nói về tính chất lãng mạn trong thơ, thì thật là vô cùng. Thơ trước cách mạng, cũng như thơ sau cách mạng, thơ trong hai cuộc kháng chiến, cũng như sau ngày hoà bình, đều có rất nhiều bài thơ lãng mạn. Đây là một đề tài lớn, dành cho các nhà nghiên cứu, tôi không dám mạo muội bàn đến ở đây.
Tuy nhiên, có một bài thơ, đã từng làm cho tôi xúc động, và là một kỷ niệm luôn nhắc nhở tôi đến cả một thời kỳ lãng mạn của cách mạng, và cả một thế hệ các anh tôi.Đó là bài thơ "Ngày về" của Chính Hữu. Bài này có một lúc đã bị coi là "lãng mạn", và người ta thường chỉ đề cao bài "Đồng chí" của cùng tác giả, và cho đó mới là một bài thơ đạt, và mới đúng là mẫu mực của phong cách "hiện thực". Nhưng thật ra, bài Đồng chí có gì là xuất sắc đâu, và câu kết "đầu súng trăng treo", xét cho cùng, cũng chỉ là một hình ảnh lãng mạn !
Vào khoảng cuối năm1947, đang tản cư ở hậu phương, thì tôi được đọc bài thơ "Ngày về". Vì đã được anh tôi kể cho nghe chuyện các anh tự vệ và bộ đội trong Trung đoàn thủ đô ở lại trong thành chiến đấu ra sao, và đến mãi sau Tết mới rút ra ngoài ra sao, nên khi đọc bài thơ lên, tôi vô cùng cảm động. Bài thơ ấy như sau (có vài từ, lâu ngày tôi đã quên, nên để tạm trong hai dấu ngoặc) :
          Có đoàn người lên đóng trên rừng sâu
          Đêm nay mơ thấy trở về Hà Nội

          Bao giờ trở lại
          [... ...] xưa [... ...] huy hoàng ?
          Ôi hôm nay họ nhớ mái nhà hoang
          Bức tường đổ âm thầm ngày xưa trấn ngự.

          Nhớ đêm ra đi đất trời bốc lửa
          Cả đô thành nghi ngút cháy sau lưng
          Những chàng trai chưa trắng nợ anh hùng
          Hơn mười phương phất phơ cờ đỏ thắm.

          Rách tả tơi rồi đôi giầy vạn dặm
          Bụi trường chinh phai bạc áo hài hoa.
          Mái đầu xanh thề mãi đến khi già
          Phơi nằng gió hoa ngàn và cỏ dại

          Nghe tiếng gọi của những người Hà Nội :
          "Trở về, trở về, chiếm lại quê hương !"
          Nguy nga sao cái buổi sẽ lên đường
          Tay chuốt gươm [...] mắt ngời sáng quắc

          A ha nhà siêu mái sập
          Xác oan cừu ngập lối chân đi
          Gạch ngói xưa mừng đón gót lưu ly
          Bước căm giận xéo quân thù lớp lớp.

          Mịt mùng khói ngập
          Cờ máu huy hoàng
          Ôi bài chiến thắng reo vang !

                                             (Chính Hữu , 1947)

Cái chất lãng mạn và nhịp điệu của bài thơ nhiều năm sau vẫn còn ám ảnh tôi.
Thời kỳ trước và sau Cách mạng tháng Tám, cũng như thời kỳ đầu Kháng chiến, quả là một thời kỳ lãng mạn.
Còn gì lãng mạn hơn hình ảnh những đội "nhi đồng trống ếch" ?
Rồi cái không khí hồ hởi ở Hà Nội vào dịp "Tuần Lễ Vàng" ?
Rồi hình ảnh đêm "Trung thu Độc lập đầu tiên" xung quanh Hồ Gươm ?
Và rồi, hình ảnh những anh tự vệ thành, những chàng "lính cậu" xúng xính trong những bộ kaki mới ?
Vậy mà, nếu không có mấy ngàn anh lính cậu ấy, thì làm sao mà có được Trung đoàn Liên khu I, để rồi có Trung đoàn Thủ đô và những người "quyết tử để cho tổ quốc quyết sinh" ?

Xem tiếp: Chương 15

Quay về:

Lời giới thiệu: Văn Ngọc - Một người Hà Nội rất Hà Nội
Chương 01: Tuổi vỡ lòng
Chương 02: Khu phố thời thơ ấu
Chương 03: Phố tôi ngày ấy
Chương 04: Những năm tháng không thể nào quên
Chương 05: Những ngày tháng chạp 1946
Chương 06: Hà Nội những ngày khói lửa
Chương 07: Ăn Tết làng dừa
Chương 08: Hà Nội mến yêu
Chương 09: Những ngôi nhà xưa
Chương 10: Ăn tết bên ngoại
Chương 11: Tết Trung Thu
Chương 12: Giấc mơ xưa
Chương 13: Những nhớ thương ngày cũ

Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Văn Ngọc
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
Sân khấu Hồng Hạc - Diễn viên hạng ba 03/01/2025 19:30 - 22:00 — Hoạ Sĩ Cà phê | 15 Phan Kế Bính, Quận 1, TPHCM
Sân khấu Hồng Hạc - Nếu anh còn được sống 07/01/2025 19:30 - 22:25 — Nhà Hát Thanh Niên
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us