Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Hồ sơ / Hồi ức tuổi thơ - Văn Ngọc / Hồi ức tuổi thơ: Giấc mơ xưa

Hồi ức tuổi thơ: Giấc mơ xưa

- Văn Ngọc — published 06/02/2011 23:55, cập nhật lần cuối 27/02/2011 16:04
Giấc mơ xưa, đã lâu không thấy quay trở lại. Không phải vì lòng tôi đã thanh thản. Có ai ra đi mà lòng còn được thanh thản ?

- Chương 12 -

Giấc mơ xưa


Văn Ngọc


Có một dạo, tôi hay mơ thấy mình trở về phố cũ, và gặp lại thầy mẹ tôi lúc hai người còn sống.
Từ ngày bước chân ra đi, tôi đã mơ đi mơ lại giấc mơ này không biết bao nhiêu lần, mà lạ thay, mỗi lần, tôi vẫn thấy mình hồi hộp, cảm động.
Bao giờ tôi cũng mơ thấy trở về cái "phố cũ ngày xưa", lúc mình còn bé, lúc phố còn đông vui, và bao giờ cái mục đích cuối cùng của cuộc hành trình cũng là để gặp lại thầy mẹ tôi, mặc dầu hai người đã qua đời từ trước khi tôi đi du học.
Tôi hồi hộp như một đứa trẻ nhỏ. Tim tôi đập mạnh. Thật ra, trong khi mơ, tôi không nhìn thấy được khuôn mặt của tôi, cũng như tôi không để ý đến cái tuổi thật của mình. Có thể tôi chỉ bằng trạc tuổi cậu bé ngày xưa đã từng ở phố này. Cũng có thể tôi đã là một người đứng tuổi. Nhiều dấu hiệu cho thấy rằng tôi không còn trẻ trung nữa. Dáng đi của tôi không còn cái nhanh nhẹn, vui tươi của thời tuổi trẻ. Có một cái gì mệt mỏi trong bước chân tôi đi trên hè phố cũ, như thể tôi là một người đi vắng xa từ lâu lắm, nay mới trở về. Một lớp "bụi thời gian" đã phủ dày trên tất cả những gì tôi nhìn thấy.

Mỗi lần nhớ lại những cái Tết Trung Thu ngày xưa, tôi lại nhớ đến những vầng trăng màu ngà, to một cách kỳ lạ, với những dải mây giăng ngang, xuất hiện bất chợt ở đằng cuối phố Hàng Bồ, Hàng Bạc, phía bờ sông Cái, và lên từ từ trên bầu trời chưa tối hẳn. Tôi lại nhớ đến những chiếc đèn hình ngôi sao thắp bằng nến, ánh nến lung linh trong đêm tối, những chiếc đầu sư tử màu sắc dữ dội, những phố Hàng Gai, Hàng Thiếc, đầy đồ chơi và đầy bóng người qua lại tấp nập…
Tim tôi vẫn đập mạnh. Giấc mơ như đẩy tôi đi về phía trước với một dụng ý rõ rệt.
Tôi không nhớ là đã đi vào giấc mơ từ lúc nào, và sau đó, đã ra khỏi lúc nào. Có một điều tôi nhận thấy, là trong diễn biến chừng mức nào có tính cách "vũ đoán" của giấc mơ, bao giờ cũng có sự can thiệp kín đáo của trí nhớ, hoặc của một bộ phận còn thức nào đó của trí khôn. Nếu không thì tại sao, trong khi mơ, có lúc tôi vẫn chợt nhớ ra rằng mình đã nhiều lần trở về phố cũ như thế này ?
Lần nào tôi cũng mơ đi từ phía phố Hàng Bát Sứ về phố nhà mình. Hình như có như vậy, tôi mới nhìn thấy ngay được nhà tôi từ đằng xa, để "nhận diện" cho rõ, cũng như khi tôi hình dung ngôi nhà mình trong tưởng tượng, nhìn từ phía phố Hàng Bát Sứ về, với tấm biển gỗ sơn xanh hồ thuỷ đã bạc màu treo dưới hiên, trên còn đề cả chữ Pháp "Maroquinerie - Articles de voyage", v.v.
Hồi nhỏ, bao giờ đi đâu về, tôi cũng đi sát bờ tường, men theo những cửa hàng bên dãy nhà mình, cốt để cho thầy tôi ngồi ở cửa hàng không thể nhìn thấy được! Ngày ấy, mỗi lần về phố là tôi vẫn đi qua những cửa hàng quen thuộc, nào nhà dầu Nhị thiên Đường, có chị Thiều, mà tôi vẫn có cảm tình, hay đứng ở cửa; nhà Tiến Long, với các chị Quế, Lộc, Yến ; nhà Đồng Đức, với chị Đoan, anh Hợi, anh Nhượng ; nhà Long thịnh, với Kiểm , Đăng, những thằng bạn đá cầu, đánh khăn, đánh đáo, của tôi…
Thỉnh thoảng lắm tôi mới đi từ phía phố Hàng Bát Sứ về, đó là sau khi chơi đá bóng xong với trẻ hàng phố ở chỗ có bức tường trống góc phố Hàng Bát Sứ và phố Hàng Phèn. Quãng phố này, không hiểu tại sao ngày ấy vẫn được bà con hàng phố gọi là phố Hàng Chiếu, mặc dầu từ lúc có tôi, không thấy một cửa hàng bán chiếu nào ở đây, và phố Hàng Chiếu chính thức vẫn là ở chỗ Ô Quan Chưởng, gần bờ sông. Ngày ấy, ở góc phố Hàng Bát Sứ và phố Hàng Bát Đàn, còn có một cửa hiệu làm và bán đàn, mà chúng tôi vẫn mê thích.
Tôi đi chéo qua đường, theo cái lối tắt của giấc mơ. Hình như ngoài cái mục tiêu trước mắt là ngôi nhà số 13-15 ra, tôi không để ý đến một cái gì khác ở xung quanh. Nhưng mọi sự xảy ra không đơn giản như tôi tưởng.

Ngày xưa, nhà và phố cũng như thể cái nôi của tôi. Tất cả cái khung cảnh quen thuộc này là cái môi trường dinh dưỡng của tôi, ngay cả sự ồn ào và cái không khí đầy bụi bặm mà tôi thở. Người hàng phố tuy không phải là họ hàng nhưng cũng như thể thân thuộc. Ngày xưa, có bao giờ tôi lại có những mặc cảm như bây giờ !
Một cảm giác nhức nhối đột nhiên xâm chiếm lấy tôi như một "niềm ân hận sâu xa", một trở ngại không thể vượt qua được, buộc tôi phải đứng dừng lại trong đà đương đi tới. Tôi không đi thẳng vào nhà, mà lại tiếp tục đi ngang qua trước cửa hàng, rồi lại đi quay trở lại, cứ thế đến mấy lần. Mỗi lần tôi lại nhìn sâu vào tận trong nhà, cũng may mà không có ai nhận ra tôi cả ! Cửa hàng vẫn là cửa hàng bán đồ da ngày xưa, nhưng sao tất cả đều mờ nhạt, gần như vô hình, vô sắc. Ai như anh Cả tôi, hay cậu Trưởng, cháu nuôi của thầy tôi, vẫn đứng coi ở cửa hàng. Thầy tôi vẫn ngồi ở cạnh chiếc bàn gỗ có ngăn kéo để tiền ở ngay giữa nhà. Đẻ Hàng Hòm, vợ cả của thầy tôi, vẫn ngồi trên chiếc phản ở cửa hàng về phía bên phải, với chiếc tráp giầu ở bên cạnh. Mẹ tôi không có mặt ở đây. Có lẽ mẹ tôi ở bên nhà số 7 cùng dãy. Từ vài năm nay, mẹ tôi không còn bán giấy bản ở trên cửa hàng đầu phố Hàng Bút nữa, mà có một cửa hiệu mới chuyên bán đinh, khoá ở nhà số 7 Hàng Bát Đàn. Nhưng rõ ràng là mẹ tôi không có ở đây. Nỗi băn khoăn, day dứt lại một lần nữa xâm chiếm lấy tôi, bao trùm lấy cả cái không gian của giấc mơ. Hay là mẹ tôi đang đau ốm ? Hay là mẹ tôi đã mất rồi ? Nhiều ý nghĩ quay cuồng, rối loạn trong đầu tôi, dường như không làm sao gỡ ra nổi. Một sức cản vô hình ngăn không cho tôi bước qua cái ngưỡng cửa quen thuộc để chạy vào ôm chầm lấy thầy tôi để nói lên nỗi vui mừng, xót xa của mình.
Trong cái khoảnh khắc dài vô tận ấy, không biết bao nhiêu cảm xúc, ý nghĩ đã quay lộn trong đầu tôi. Dường như tất cả những mặc cảm, phức tâm, những nỗi ân hận xa xôi đã dồn cả về cùng một lúc để đè nặng lên lương tâm tôi, cho đến lúc không khí trong giấc mơ trở nên căng thẳng đến cực độ, không thể chịu đựng được nữa, thì y như rằng tôi tỉnh dậy và giấc mơ không bao giờ kết thúc được một cách rõ ràng…
Giấc mơ "không tiền khoáng hậu" ấy thực ra cũng chỉ là một giấc mơ hiền lành, điều kỳ diệu là nó đã lặp đi lặp lại nhiều lần, như một thứ leimotiv, khiến cho tôi nhớ được. Xét cho cùng, giấc mơ chỉ có thể là sự phản ánh những cái gì mà trí óc tôi đã ghi nhận được trong đời thường : những kỷ niệm, hình ảnh vụn vặt, chắp nối, không sắp xếp theo trình tự thời gian, nhưng nhiều khi được bố trí một cách hợp tình, hợp lý trong tiềm thức, nhiều khi như thể đã được "tổng hợp" lại ! Việc "sắp xếp" cho tôi về thăm "phố cũ ngày xưa" cũng cốt là để cho tôi được gặp lại thầy mẹ tôi lúc còn sống, vì chỉ có trong cái khung cảnh phố Hàng Bát Đàn thời trước năm 1946, tôi mới có thể gặp lại được thầy mẹ tôi một cách lôgích nhất, vì năm 1946 là năm mẹ tôi mất, và cũng là năm cuối cùng chúng tôi còn được ở phố Hàng Bát Đàn.
Nhiều khi tôi tự hỏi, không biết có phải tôi hay mơ lại giấc mơ này, chỉ vì cuối cùng, mỗi lần, cái "nguyện vọng sâu kín" của tôi vẫn không bao giờ được thoả mãn ? Nhưng cái nguyện vọng sâu kín đó thực sự là gì ? Có phải chỉ là lòng khao khát được gặp lại thầy mẹ tôi không ? Tôi chắc không phải thế, bởi vì nếu chỉ là thế, thì tôi đã không đến nỗi phải băn khoăn, ân hận.
Tôi cho rằng, vấn đề không phải là tôi có gặp được thầy mẹ tôi trong giấc mơ hay không, bởi dẫu sao trong thực tế, tôi cũng còn có trí nhớ. Có bao giờ tôi quên một nét nào, hay một kỷ nệm nào về thầy mẹ tôi đâu ? Do đó, theo tôi, điều này không phải là động cơ quan trọng nhất.
Hay có phải giấc mơ là một dịp để cho tôi bộc lộ, hay cảm thấy được, mối "ân hận sâu xa" vẫn chất chứa ở trong lòng mình ? Tất cả bầu không khí trong giấc mơ nói lên điều đó. Nhưng tôi "ân hận" cái gì ? Có phải tôi ân hận vì thầy mẹ tôi đã mất sớm, và do đó cảm thấy thiếu cái tình thương yêu của hai người từ những ngày tôi còn nhỏ ? Điều bất hạnh này, không phải đã không ảnh hưởng đến cuộc đời của tôi, nhưng thật ra, nếu có ân hận, hay nói cho đúng hơn, nếu có oán hận, tôi chỉ oán hận những tệ tục của cái xã hội cũ, trong đó chính bản thân thầy mẹ tôi, cũng như bao nhiêu người khác, đều là những nạn nhân.

Điều làm cho tôi ân hận, có phải vì tôi đã không biết khóc khi mẹ tôi mất vào năm 46, sau một thời gian ốm năng ? Mẹ tôi mất vào giữa lúc chúng tôi đang sống những ngày sôi nổi của Cách mạng tháng Tám. Lúc đó, tôi là nhi đồng phố Hàng Bát Đàn. Chúng tôi đang hăng say chuẩn bị kỷ niệm một năm Cách mạng thành công. Tôi đi theo chiếc xe tang đưa mẹ tôi xuống nghĩa địa mà nước mắt ráo khô, không làm sao khóc được, bởi vì ở cái tuổi tôi lúc đó, cũng như nhiều năm về sau, tôi chưa thấy hết được tất cả sự mất mát lớn lao đã xảy đến cho ba chị em chúng tôi, trên con đường đời còn dài thăm thẳm và đầy những sự bí mật.
Làm sao mà tôi hiểu được cái điều phức tạp đó ở cái tuổi 11, 12 ? Có bài học nào ở trường, hay ở ngoài xã hội, dạy được cho tôi những điều ấy ? Tôi chưa biết khóc, nhưng thật ra lúc đó tôi đã hiểu được một phần nào về nguyên nhân cái chết của mẹ tôi. Tôi đã hiểu được rằng cuộc đấu tranh chống nghèo đói, dốt nát, tật bệnh, chỉ có thể thông qua con đường cách mạng.
Tôi còn nhớ vài ngày sau khi mẹ tôi mất, người hàng phố, nhất là các bà quen mẹ tôi, thương hại, thường hay hỏi tôi : "Thế có nhớ u không ?" (tôi thường gọi mẹ tôi bằng "u", từ này hay được dùng ở nông thôn). Tôi ngượng nghịu trả lời : "Có", nhưng trong lòng quả thật không mảy may xúc động. Người hàng phố bảo tôi rằng mẹ tôi chết vì "lao lực", lúc đó quả là tôi chưa hiểu hết ý nghĩa của hai từ này.
Thật ra, điều làm cho tôi ân hận nhất, chính là đã không sớm hiểu cái tình thương yêu giữa thầy mẹ tôi và chúng tôi, trong những ngày hai người còn sống.
Thầy mẹ tôi mất đi giữa lúc tôi chưa biết gì hết về những giá trị thật của cuộc đời. Khoảng cách giữa tuổi thơ và cái tuổi biết suy nghĩ, nhất là cái tuổi biết nghĩ lại, quả là xa lắc. Bao nhiêu thời gian, bao nhiêu đau khổ, mất mát, bao nhiêu suy nghĩ, mới dẫn được con người ta đến những giá trị ấy. Nếu quả cái tình thương yêu kia là một trong những cái gì quý báu nhất ở trên đời ; nếu nó là cái hương, cái hoa, cái ý nghĩa sâu xa của sự sống, thì tôi chỉ mong rằng nó sẽ được vun trồng thế hệ này qua thế hệ khác để ngày một thêm đẹp đẽ.
Giấc mơ xưa, đã lâu không thấy quay trở lại. Không phải vì lòng tôi đã thanh thản. Có ai ra đi mà lòng còn được thanh thản ? Phải chăng vì kỷ niệm đã lắng sâu như một đáy gương trong, cho tôi nhìn thấy rõ hơn bóng mình và bóng những người thân ?
Cảm ơn giấc mơ đã khơi dậy trong tôi nhiều thương nhớ !…


Quay về:

Lời giới thiệu: Văn Ngọc - Một người Hà Nội rất Hà Nội
Chương 01: Tuổi vỡ lòng
Chương 02: Khu phố thời thơ ấu
Chương 03: Phố tôi ngày ấy
Chương 04: Những năm tháng không thể nào quên
Chương 05: Những ngày tháng chạp 1946
Chương 06: Hà Nội những ngày khói lửa
Chương 07: Ăn Tết làng dừa
Chương 08: Hà Nội mến yêu
Chương 09: Những ngôi nhà xưa
Chương 10: Ăn tết bên ngoại
Chương 11: Tết Trung Thu

Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Văn Ngọc
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Yda: Un court-métrage Hanoi - Warszawa 29/11/2024 19:00 - 21:00 — Médiathèque Jean-Pierre Melville, 79 rue Nationale, Paris 75013, M° Olympiades
Les Accords de Genève, espoirs et désillusions au cœur de la guerre froide. De l’indépendance à la division du Vietnam 11/12/2024 16:30 - 18:00 — Bibliothèque François-Mitterrand, Quai François Mauriac - 75706 Paris Cedex 13
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us