Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Hồ sơ / Hồi ức tuổi thơ - Văn Ngọc / Hồi ức tuổi thơ: Những ngày tháng chạp 1946

Hồi ức tuổi thơ: Những ngày tháng chạp 1946

- Văn Ngọc — published 18/12/2010 20:47, cập nhật lần cuối 27/02/2011 16:14
Chúng tôi vừa kỷ niệm tưng bừng ngày Cách mạng tháng Tám được tròn một tuổi xong, thì mối đe doạ của chiến tranh đã như một đám mây đen kéo đến trên bầu trời đang trong sáng.

- Chương 05 -

Những ngày tháng chạp 1946


Văn Ngọc


Sau vụ lính Pháp khủng bố ở phố Hàng Bún ngày 17-12-1946, tình hình trở nên căng thẳng nghiêm trọng. Đánh nhau to đến nơi rồi, ai cũng nghĩ thế. Từ cuối tháng mười một đến nay, bọn lính mũ đỏ như được lệnh, thả cửa đi khiêu khích ở trong thành phố.
Vào những ngày tháng này, thời gian như ngừng lại, mà sao mỗi ngày vẫn xảy ra nhiều sự cố. Không còn những ngày vui tươi của mùa thu năm trước, nhưng dường như những ngày giờ nghiêm trọng này đã làm cho thanh thiếu niên phố tôi sớm dày dạn thêm, những bộ mặt " lính cậu " bỗng trở nên đanh thép, nét đăm chiêu cũng xuất hiện trên những khuôn mặt non trẻ của các em thiếu nhi chưa kịp đi tản cư với gia đình.

Một đêm, vào khoảng thượng tuần tháng chạp, lần đầu tiên bọn lính đóng ở trong thành cho xe tăng ra tới đầu phố tôi, chỗ có cái lô cốt làm bằng bao cát, có tự vệ phố luân phiên nhau canh gác. Tôi không còn nhớ rõ lúc đó phố tôi đã đào cái giao thông hào nằm chắn ngang ở đầu phố, phía thành Cửa Đông chưa. Chỉ biết rằng chúng bắt anh tự vệ đứng gác đi gọi trưởng phố ra để hoạnh hoẹ, đòi phải bỏ chiếc lô cốt đi.
Anh trưởng phố ra nói chuyện với chúng, thái độ hoà nhã. Đầu tiên chúng tưởng có thể bắt nạt được, nhưng khi chúng quét đèn pha xuống hai bên hè phố và lên các cửa sổ "thượng song hạ bản" (trên song, dưới ván) ở trên cao, thì chúng đã phải giật mình vì bắt gặp trong ánh đèn pha nào là mã tấu, nào là giáo mác, nào súng trường, nào súng ngắn, nào lưu đạn, đủ cả, và nhất là chúng đã thấy những cặp mắt căm hờn, nảy lửa, nhìn chúng với một quyết tâm làm cho chúng dù hung dữ đến đâu cũng phải chùn bước.
Ngày hôm sau, nghe các anh lớn kể lại diễn biến, tôi hình dung ông Đồng Đức, bố của anh Hợi và anh Nhượng, vốn là một nhà nho có cặp mắt lúc nào cũng sáng quắc, nghiêm khắc, với chiếc mã tấu sáng loáng, nhìn thấy ông thì đến bố tây cũng phải sợ !

Lệnh đục các lỗ tường xuyên từ nhà này sang nhà khác ở khu phố tôi đã được ban ra, nhưng nhiều nhà còn chưa kịp làm. Cho đến một hôm xảy ra một câu chuyện khá nguy hiểm và cũng khá hài hước. Sau đó mọi người mới thấy rõ sự cần thiết phải đục gấp những lỗ tường này.
Nguyên một tối, có mấy thằng lính mũ đỏ mạo hiểm vào phố tôi để kiếm chác. Lúc đó ở đầu phố đã có cái giao thông hào chắn ngang đường rồi, do đó xe của bọn chúng không vào được đến bên trong phố. Thấy một nhà còn ánh đèn và để cửa ngỏ, chúng ập ngay vào. Không may cho chúng, đó lại là một cửa hiệu buôn bán giấy - cửa hiệu của anh Thu con bà Lai Hưng, ngay cạnh nhà tôi - nên không có hàng hoá, thức ăn gì mà chúng có thể lấy đi được, ngoài một chiếc xe đạp cuốc mới tinh của anh Thu để ở ngay phía đằng trước cửa hàng.
Nực cười, là khi chúng ập vào, thì ở tít bên trong nhà (phố tôi toàn nhà ống kiểu cổ, thường rất sâu), một nhóm anh em tự vệ phố đang ngồi họp ! Biết là có biến, các anh vội rút ngay ra đằng sau và nhảy qua tường sang nhà tôi. Trong đám ấy có anh Văn, trưởng phố, là người cao lớn và thể thao nhất phố, ngày trước anh vẫn hay đánh quần vợt, hôm trước đi tập ở ngoài bãi bị trật khuỷu tay, phải băng bó lại và không được cử động. Khi phải vượt qua tường, anh chạy sau, vậy mà với độc một cánh tay anh đã leo qua được bức tường cao đến hơn hai mét!
Ngay ngày hôm sau, các anh tự vệ phố phải vội chia nhau đi đục nốt những lỗ tường chưa làm xong, để cho thông suốt từ đầu đến cuối phố và từ phố này sang phố khác.
Câu chuyện giữa nhà Lai Hưng và nhà tôi, đến gần sát những ngày đánh nhau mà vẫn chưa đục lỗ tường, cũng có cái sự tích " bí ẩn ", đáng yêucủa nó. Nguyên trước đó không lâu, anh Thu con bà Lai Hưng có ý hỏi chị tôi, nhưng chị tôi cũng chưa dứt khoát gì, thành thử cái việc đục tường sang nhà tôi đối với anh Thu lúc ấy cũng hơi tế nhị !

Chúng tôi vừa kỷ niệm tưng bừng ngày Cách mạng tháng Tám được tròn một tuổi xong, thì mối đe doạ của chiến tranh đã như một đám mây đen kéo đến trên bầu trời đang trong sáng.
Từ mấy tháng nay, việc học hành của chúng tôi đã bị gián đoạn. Tôi còn nhớ, một buổi sáng, chúng tôi đang ngồi học ở giờ giảng văn với ông Hoài Thanh ở trường Phan Chu Trinh, thì ông Đặng Thai Mai, hiệu trưởng, bước vào lớp. Ông người trầm tĩnh, ít nói. Đây là lần thứ hai ông đến lớp tôi. Lần đầu tiên là để nói về ý nghĩa và mục đích của việc lập ra trường mới này. Hôm nay tiếng nói của ông lại một lần nữa làm cho chúng tôi xúc động. Bằng một giọng rất hiền từ, ông gọi chúng tôi bằng "em", tiếng "em" lúc đó nghe sao mà cảm động ! Ông giải thích cho chúng tôi nghe về tình hình, và đề nghị từ hôm sau trở đi chúng tôi ở nhà, không đến trường nữa, để phòng trường hợp chiến tranh xảy ra bất ngờ, không về kịp được với gia đình.
Chúng tôi từ giã trường Phan Chu Trinh ngày ấy mà lòng buồn vô hạn. Trường được lập ra ngay sau ngày 19-8. Các thầy cô giáo đều nhiệt tình, phần lớn đều là những người đã tham gia cách mạng, hoặc có cảm tình với cách mạng.
Đây là lần đâu tiên, các thầy, các cô, cảm thấy mình có trách nhiệm thực sự trong việc đào tạo thế hệ trẻ trong một đất nước Việt Nam độc lập. Về phần học sinh, chúng tôi cũng có cảm tưởng, đây là lần đầu tiên mình không còn học như con vẹt nữa, mà học để hiểu biết thực sự, để biết yêu mến thêm tổ quốc.
Nhưng ngày đó, chúng tôi cũng thấy mình sao mà dốt nát thế ! Kể ra cũng dễ hiểu, vì chỉ mấy tháng trước đây thôi, còn là thời nô lệ ! Trước kia, chúng tôi tuy học trường "ta", nhưng chương trình học chẳng ra ta, mà cũng không ra tây ! Hán học lại càng không biết một tí gì. Khi vào giờ giảng văn, đọc một đoạn truyện Lục Vân Tiên, tưởng là hiểu, nhưng khi đi vào từng chữ, thì cả lớp chẳng ai hiểu được nghĩa chính xác của mỗi từ là gì cả ! Ông Hoài Thanh, tính tình hiền lành, nên không chê trách gì học trò nhiều, nhưng có những thày giáo khác, nghiêm khắc hơn, như bà Nguyễn Khoa Diệu Hồng, chẳng hạn, lúc đó dạy chúng tôi Pháp văn, có lúc đã thẳng thắn phê bình chúng tôi là "quá dốt". Mà quả thật là thế, nhưng đó thực ra cũng không phải lỗi ở chúng tôi, mà là ở cái chương trình dạy tiếng Pháp trong các trường "ta" dưới thời Pháp thuộc, ít ra là ở miền Bắc. Bà chê với một tinh thần xây dựng, cốt ý kích thích cho chúng tôi chịu khó học, chứ không có ý khinh miệt, nên chúng tôi cũng không lấy làm xấu hổ cho lắm...
Thời gian chúng tôi được theo học ở ngôi trường mới chưa được bao lâu, thì trường đã bó buộc phải đóng cửa.

NhaHatLon221246Vào buổi trưa ngày 17 tháng chạp, tôi được các anh lớn cho tham gia vào những công việc chuẩn bị ở ngoài phố. Nhi đồng phố tôi đã theo gia đình đi tản cư hết từ mấy tuần nay. Còn lại có H. và tôi. Hai đứa từ trước tới nay vẫn được các anh lớn tin cậy và yêu mến. H. và tôi, từ ngày cách mạng lên, có nhiệm vụ rất là oai so với các trẻ con khác, là chuyên đóng kịch và ca hát. H. từ mấy hôm nay đi đâu biệt tích. Hôm trước, tôi có ngỏ ý xin tình nguyện ở lại làm liên lạc, nhưng các anh lớn nhất định không cho, bảo là phải đi tản cư ngay với gia đình.
Thực ra, quyết định này chủ yếu là do anh ruột tôi lúc đó có mặt ở đấy. Anh tôi vẫn cho rằng tôi còn nhỏ quá.
Thế mới biết, nhiều khi chỉ một quyết định tưởng là nhỏ, chỉ một cái gật đầu, hay lắc đầu, là đủ để thay đổi số phận của một con người !
H. lớn hơn tôi một tuổi, được ở lại làm liên lạc, nhưng lý do chính là vì H. mồ côi cha mẹ và làm con nuôi cho một gia đình lúc đó đã đi tản cư. Sau này H. đi theo Trung đoàn Thủ đô, và hy sinh trong kháng chiến.
Ngoài đường phố lúc đó, một quang cảnh thật là kỳ lạ bày ra trước mắt tôi. Từ đầu phố đến giữa phố, trên mặt đường, đầy những chiếc bát nằm úp. Tôi hỏi, các anh bảo đấy là để làm giả bãi mìn chống xe tăng. Trong khi các anh chia nhau làm mấy tốp hì hục đào lỗ ở các chân cột đèn để đặt mìn, tôi được giao nhiệm vụ tiếp tục đi úp bát. Công việc không có gì là khó, nhưng trên thực tế đã là cả một sự thử thách tinh thần đối với tôi, vì lúc này địch có thể đã đặt súng ở phía cầu Cửa Đông và đang chĩa súng xuống phố tôi.
Tôi vừa bò, vừa kéo lê theo từng chồng bát còn mới tinh, lấy ở các cửa hàng bát ở phố mình ra để rải lên mặt đường, lòng tràn đầy tự hào, nhưng thật ra cũng hơi nơm nớp lo sợ. Thú vị nhất là lúc tôi được cầm trong tay những chiếc bát múi, bát chiết yêu, bát ô-tô, bát kiểu đẹp đẽ, mà thường ngày mọi người vẫn yêu thích, giờ đây được đem xuống đường để đánh giặc ! Giờ phút này, những chiếc bát bỗng nhiên trở thành những vật tượng trưng vô giá. Tôi chợt nghĩ đến những ngày yên vui, phố tôi mới ngày nào còn rộn vang tiếng hát.
Những chồng bát còn buộc lạt và dính đầy bụi rơm làm tôi nghĩ đến những kho đồ sứ ở nhà cụ Trưởng Đào, nhà ông Quảng Tiến, nhà cô Thịnh, hay nhà bà Hai Đăng...Bây giờ các gia đình ấy đều đã đi tản cư hết rồi, nhưng con cháu họ đều còn ở lại để chiến đấu. Anh Văn, trưởng phố, và đồng thời là trưởng đội tự vệ, cũng chính là con cụ trưởng Đào. Các con ông Quảng Tiến, con cả cụ trưởng Đào, cũng đều là tự vệ phố. Các cửa hiệu ở phố tôi, nói chung, còn đầy ắp hàng ở trong nhà. Bên dãy hàng bát đã như thế, bên hàng đồ da còn tệ hơn. Nhiều nhà, hàng hoá còn nguyên ở cửa hiệu. Những chiếc vali, những chiếc cập da, những chiếc hòm da, hòm kẽm, v.v. trông mà sót ruột. Ở nhà tôi, những cuộn da đủ loại còn nằm đầy cả một tầng gác !
Sau này, không biết tất cả những kho của cải này có bị thổ phỉ vào lấy hôi đi không, hay đã bị đốt phá khi Pháp đánh vào khu phố tôi, cùng một ngày với các phố Hàng Thiếc, Hàng Nón (từ 7-02 đến 9-02-1947) ?
Chỉ biết rằng khi tôi hồi cư vào năm 1948, thì thấy cảnh phố tôi bị tàn phá khá ác liệt, không còn nhận ra được gì nữa : gần nửa dãy phố bên số lẻ bị đốt phá trụi hết, hai ngôi nhà số 13 và 15 của nhà tôi, cao mỗi nhà 3 tầng, bị san bằng địa, chỉ còn lại một đống tro, gạch vụn cao không quá 1m. Bên số chẵn cũng bị, nhưng ít hơn.
Các bậc cha mẹ ở phố tôi thời ấy, không hiểu biết gì mấy về tình hình, nên không tin rằng sẽ có chiến tranh. Các cụ cứ tưởng như hồi nào "đảo chính Nhật Pháp" hay "Mỹ Nhật ném bom", xong rồi đâu lại vào đấy thôi.
Nội trong phố tôi, chỉ có độc một cửa hàng giấy của anh Thu nhà Lai Hưng là đã chạy được kho giấy đi từ mấy hôm trước. Anh Thu là một người đến nhập cư phố tôi chưa được một năm. Trước kia, anh có cửa hiệu ở phố Hàng Gà (nối với phố Hàng cót). Anh thuộc hạng thanh niên tay không làm nên, không có bằng cấp cao, nhưng có đầu óc kinh doanh, thích thể thao, người điềm đạm, vui vẻ. Có một lúc anh đã nhờ người đánh tiếng hỏi chị tôi, nhưng rồi chuyện chưa đi đến đâu thì chiến tranh bùng nổ.
Sau này, tôi được anh tôi cho biết, là kho giấy, anh Thu đã cho chở về làng Đình Bảng, quê của mẹ anh, và sau đó đã biếu cả cho chính phủ kháng chiến.
Người ta kể lại rằng, những kho hàng bát và hàng da ở phố tôi về sau bị bọn thổ phỉ lấy hết, trước khi cả một nửa dãy phố bị đốt trụi. Ngày đó, giá các cụ ở phố tôi ai cũng thức thời và làm được như anh Thu, thì không những đã tránh được biết bao nhiêu mất mát, mà còn làm được nhiều việc ích lợi khác.

10 giờ sáng ngày 18 tháng chạp, trong sự im lặng nặng nề của khu phố, có tiếng xe tăng nghe to dần từ phía thành Cửa Đông tiến ra. Từ ở trong nhà, tôi hình dung thấy chiếc xe tăng dừng lại ở ngã ba đầu phố, chỗ có cái giao thông hào chắn ngang, chiếc xe lồng lộn như một con thú dữ, rồi im bặt. Linh tính như báo cho tôi biết rằng sắp có chuyện xảy ra.
Một lát sau, không thấy động tĩnh gì, tôi đánh bạo bắc ghế lên ghé mắt nhìn qua khe cửa lùa ra ngoài phố. Tầm mắt của tôi rọi đúng vào cái lưng để trần của một tên lính tây. Hai bên hè đường, bọn lính mũ đỏ đứng ngồi rải rác, đứa mặc áo, đứa cởi trần, tay lăm lăm súng. Trên mặt đường, những chiếc bát úp ngày hôm qua vẫn còn y nguyên.
Tôi vội vàng nhảy nhẹ nhàng xuống ghế, lẳng lặng chạy vào báo cho thầy và chị tôi biết.
Ngay lúc đó, anh Văn, trưởng phố cũng vừa chui lỗ tường đi ngang qua. Anh ghé nói khẽ với thày tôi đôi câu, giọng kính cẩn nhưng cương quyết, anh yêu cầu gia đình nhà tôi phải tản cư ngay, không có không kịp, lệnh của Uỷ ban tản cư khu phố.
Thày tôi từ trước tới nay vẫn đinh ninh rằng không thể nào xảy ra chiến tranh được, bây giờ mới ngã ngửa người ra. Thế là không kịp mở ngăn kéo để lấy số tiền mặt, thực ra cũng chẳng có được bao nhiêu lúc đó, vì bao nhiêu của nổi, của chìm, của thày tôi đều bị mắc nghẽn ở những con nợ, những bát họ, mà bây giờ người ta đã đi phân tán hết, còn làm sao mà đòi lại được ! Chị tôi vơ vội mấy chiếc áo sống cho vào một cái bọc vải, và cứ như vậy, chúng tôi lếch thếch chui qua những lỗ tường đi về phố Hàng Thiếc.
Chẳng mấy chốc, chúng tôi đã đến một chỗ trống như thể một cái đình, hay một nhà tư nhân kiểu cổ, kiến trúc bên trong trông rất cổ kính. Ở giữa là một chiếc sân lát gạch Bát Tràng, có bể nước, có hòn non bộ và nhiều cây kiểng. Đông người đứng xếp hàng chờ đợi ở đây. Đó là chỗ trụ sở đóng tạm của Uỷ ban tản cư. Ai rời Hà Nội về địa phương nào đều phải được cấp giấy mới được phép đi.
Lần đầu tiên, đi qua những gian nhà bỏ trống, tôi cứ ngỡ như mình đang đi trong một giấc mơ. Nếu không có chiến tranh và không có những lỗ tường cho phép đi xuyên từ nhà nọ sang nhà kia như thế này, có lẽ tôi sẽ không bao giờ có được một cái nhìn cụ thể, từ bên trong, về cái cảnh giàu nghèo khác nhau giữa những gia đình bấy lâu cùng chung sống trong một khu phố ! Nhiều hình ảnh lướt qua nhanh, nhưng kỳ lạ thay, bao nhiêu năm qua rồi mà tôi vẫn còn nhớ mãi.
Tôi nhớ, có một lúc đi qua một căn nhà ở ngay cách nhà tôi độ mươi nhà thôi, nhưng đã thuộc phố Hàng Thiếc, đồ đạc, hàng hoá, còn đầy cả, có chiếc tủ lạnh mở toang, bên trong còn cả thịt thà, rau cỏ, điều làm tôi hết sức ngạc nhiên. Tôi chợt thấy mình như một anh nhà quê ra tỉnh, hay nói cho đúng hơn, như một người từ trước tới nay ở trong một cơn mê hoặc, bỗng nhiên thức tỉnh. Vào cái thời đó, không phải nhà nào cũng có được một cái tủ lạnh. Ngay cả những nhà khá giả mà sống theo lối cũ, thì cũng không bao giờ biết, hay dám mua một cái tủ lạnh để dùng. Nội phố tôi, chỉ có độc một nhà có tủ lạnh, là nhà ông Quảng Tiến, và tôi đã để ý thấy trẻ con nhà này đứa nào cũng phốp pháp, to lớn, có lẽ một phần cũng nhờ cái tủ lạnh !
Vào giờ phút này, những cái lỗ tường đục xuyên nhà này sang nhà nọ, trông thật xấu xí, nhưng sao mà thuận tiện ! Vậy mà cách đây chỉ độ một tháng, người ta vẫn chưa hình dung được những lợi ích của chúng.
Lần theo những lỗ tường, chúng tôi dần dần mất hết ý niệm về nơi chốn mình đang đi qua. Nhưng rồi không bao lâu đã đến phố Hàng Hòm. Ở đây, chúng tôi đã được ra đường đi tự do. Gặp đứa cháu họ làm tự vệ phố Hàng Hòm đương đứng ở đó, cả nhà mừng quá, vội đưa chùm chìa khoá cho nó, dặn đưa lại cho anh tôi.
Qua Cửa Nam, một chiếc xe Jeep trên chở đầy lính mũ đỏ phóng nhanh qua ngã ba. Không khí rất là căng thẳng. Ra tới ga Hang Cỏ, chúng tôi may mắn vừa kịp đáp chuyến tàu cuối cùng về Nam. Tàu tới ga Đồng Văn vào lúc chập tối, chúng tôi ngủ lại ở đây một đêm, sáng sớm hôm sau mới lấy đò về Dũng Kim.

Hai chiếc xe kéo, bánh đặc đã mòn gần hết cao-su, chạy lọc cọc cách quãng nhau trên con đường đê từ Đồng Văn về đến bến đò. Gió sớm vào mùa này hơi lành lạnh.
Hình ảnh hai chiếc xe kéo nửa tỉnh, nửa quê lúc này ở đây, như một cái gì lạc lõng, lỗi thời, cũng như cái cảnh bơ vơ của gia đình nhà tôi đang " chạy loạn " về một miền quê mà mình đã bỏ đi từ lâu, không biết rồi ra sinh sống ra sao !
Nỗi lo lắng mỗi lúc một hiện rõ trên nét mặt của thày tôi và chị tôi. Thực ra, mỗi người chúng tôi mang trong lòng một nỗi lo riêng. Thày tôi lo, không phải vì không chạy được một món tiền nào để về sống ở nhà quê, mà chỉ vì anh tôi còn ở lại trong thành, không biết sống chết ra sao. Chị tôi lo vì những chuyện khác. Chị lo về chuyện đời riêng của chị, cũng như lo cho cái tương lai của chúng tôi. Đẻ già tôi (vợ cả của thày tôi) ngồi lần tràng hạt.
Riêng phần tôi từ nãy vẫn mải miết ngắm những cánh đồng và những luỹ tre ở hai bên đường. Tôi như vừa khám phá ra một thế giới mới lạ đang đem đến cho mình những cảm giác thoải mái. Ở cái tuổi mười hai, có lẽ tôi cũng chưa biết lo buồn gì thật. Vả chăng, có những việc chưa phải là phận sự của tôi ở tuổi này. Tôi chỉ thầm tiếc là đã không được ở lại Hà Nội với anh tôi và các anh tự vệ phố để tiếp tục làm những việc mà tôi cho là có ích lúc ấy.
Sau này, ròng rã gần hai năm trời, chúng tôi ở vào một vùng hậu địch, ngay bên cạnh đường số một, nên chỉ lo chạy càn và chạy gạo là hết ngày, hết buổi. Riêng tôi, không học hành, không làm được gì cả trong suốt hai năm ấy. Có chăng là được gần gũi hơn với đồng ruộng và hiểu biết thêm về quê hương, đất nước mình.
Vào khoảng 8, 9 giờ tối ngày hôm ấy, chúng tôi lên gác sân thượng nhà tôi ở Dũng Kim để nhìn về phía chân trời Hà Nội đang rực lên một ánh hồng. Nghe những người vừa đi về nói ở trên ấy đã đánh nhau.
Thày tôi nước mắt rưng rưng không nói gì cả. Mọi người im lặng. Trong đêm tối, tôi bỗng liên tưởng tới từng khuôn mặt của những người phố tôi hiện đương chiến đấu.
Hình ảnh dãy phố quen thuộc bỗng hiện lên rõ nét, với những ụ cát, với hố giao thông hào, với những chiếc bát úp, những cây cột đèn giờ đây đã đổ, và tít đằng xa, trên bức tường đá phía cầu Cửa Đông, nơi mặt trời lặn, khẩu hiệu " VIETNAM TO THE VIETNAMESE" viết bằng vôi trắng ngày nào vẫn nhìn về phố tôi như nhắc nhở.


Quay về:

Lời giới thiệu: Văn Ngọc - Một người Hà Nội rất Hà Nội
Chương 01: Tuổi vỡ lòng
Chương 02: Khu phố thời thơ ấu
Chương 03: Phố tôi ngày ấy
Chương 04: Những năm tháng không thể nào quên

Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Văn Ngọc
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
Sân khấu Hồng Hạc - Diễn viên hạng ba 03/01/2025 19:30 - 22:00 — Hoạ Sĩ Cà phê | 15 Phan Kế Bính, Quận 1, TPHCM
Sân khấu Hồng Hạc - Nếu anh còn được sống 07/01/2025 19:30 - 22:25 — Nhà Hát Thanh Niên
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us