Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Hồ sơ / Hồi ức tuổi thơ - Văn Ngọc / Hồi ức tuổi thơ: Những ngôi nhà xưa

Hồi ức tuổi thơ: Những ngôi nhà xưa

- Văn Ngọc — published 16/01/2011 23:26, cập nhật lần cuối 27/02/2011 16:09
Nhà cửa ở các phố buôn bán cổ phần lớn là loại nhà ống, hẹp ngang và rất sâu, thường là nhà hai tầng.
- Chương 09 -

Những ngôi nhà xưa


Văn Ngọc


Người Hà Nội ít người gốc gác ngay tại đất cố đô, phần đông là người ở các vùng quê lân cận kéo nhau lên đây làm ăn được vài ba đời nay là cùng. Đó là dân các vùng Hà Đông, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên, Hải dưong, Bắc Ninh, Sơn Tây, v.v.
Lịch sử phố phường Hà Nội cũng là lịch sử những con người từ nông thôn lên thành thị làm ăn, rồi sinh cơ lập nghiệp ở đây, để rồi một ngày nào đó thấy mình nghiễm nhiên trở thành người Hà Nội.
Năm bố tôi rời quê từ dưới Hà Nam lên đây, cũng là lúc Pháp vừa đánh chiếm xong thành Hà Nội. Ông nội tôi lúc trước là lính của cụ Hoàng Diệu. Sau khi Hà thành thất thủ, ông bỏ về quê làm ruộng, sau lại phải lần mò lên đây vì sinh kế, mang theo bố tôi lên. Bố tôi lúc đó mới có mười tuổi..
Người làng kể lại rằng, lúc đó ông tôi không ở lại quê được vì đói khổ quá. Có lần đói quá, ông tôi trèo vào vườn một nhà ở trong xóm để ăn trộm chuối, rồi ăn ngay tại chỗ. Ăn xong, mệt quá nằm lăn ra ngủ ở ngay gốc chuối. Vốn mắc bệnh xuyễn, lại ngáy to, nên người trong nhà nghe tiếng ngáy, đổ ra xem. Thế rồi cũng không ai trách mắng gì ông tôi cả vì mấy quả chuối đó. Người ta lại còn thương hại nữa.
Ông tôi và bố tôi dắt díu nhau lên Hà Nội để kiếm sống. Năm đó là cái năm đau đớn của lịch sử dân tộc : Pháp vừa đánh chiếm xong được thành Hà Nội và đặt nền bảo hộ lên cả ba miền đất nước.

Vào thời kỳ đó, Hà Nội còn hoang dã lắm. Bố tôi thường kể lại rằng, thời đó xung quanh Hồ Hoàn Kiếm chỉ toàn là ao chuôm, lầy lội. Khu " phố tây ", mãi đến năm 1888, sau khi bắt ép được triều đình Huế phải nhượng bộ cho họ quyền sở hữu đất đai trong thành phố, lúc đó viên Toàn quyền Paul Bert mới cho đuổi dân các làng ở đây đi và phá huỷ hàng loạt đình chùa để xây cất lên khu phố này. Những phố lớn đầu tiên được mở là phố Gia Long (tức phố Bà Triệu ngày nay), phố Nhà Thờ Lớn, phố Paul Bert (tức phố Tràng Tiền), phố Tràng Thi, rồi đến các phố Hai Bà Trưng, Lý thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Ngô Quyền, v.v.
Còn những phố cũ như Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Bạc, Hàng Bồ, Hàng Bát đàn, Hàng Bút, Hàng Thiếc, v.v. thì không biết có từ bao giờ, song những tên phường , tên phố, thì có thể có từ thời nhà Đinh, khi kinh đô còn ở Hoa Lư. Khi nhà Lý dời đô về Thăng long, chắc hẳn đã dời hết cả về đây. Nhưng còn kiến trúc của các ngôi nhà cổ và đình chùa miếu mạo, thì không biết có từ thời nào ?
Qua những cuộc binh biến, hoả hoạn ở Thăng Long, nhất là dưới thời vua Lê chúa Trịnh và Nam Bắc phân tranh, chắc hẳn những dấu tích xưa nhất còn lại rất ít ?
Tuy nhiên, cứ nhìn những tấm ảnh do Hocquard, Salles, Escande, chụp vào những năm cuối thế kỷ XIX, cũng có thể thấy được rằng kiến trúc gạch ngói của những khu phố cổ ở Hà Nội, hay Nam Định, có cùng một kiểu dáng, cùng một số yếu tố vật liệu và trang trí có thể thấy được trên những ngôi đình, miếu cổ còn lại cho tới ngày nay : mái ngói liệt (dẹp), tường gạch trát vữa quét vôi trắng, đầu hồi đôi khi xây theo bậc thang, v.v.
Ở Hà nội, mỗi phố cổ đều có một hay hai ngôi đình. Mỗi khu có khi còn có cả đền, chùa. Như ở phố Hàng Bạc, có đình Hàng Bạc, Hàng Gai có đình Hàng Gai, Hàng Bồ có đền Hàng Bồ, phố Nhà hoả có đình Nhà Hoả, Hàng Nón có đình Hàng Nón, v.v. Những ngôi đình, ngôi đền này đều được xây theo lối kiến trúc cổ truyền.

MatBangNhà cửa ở các phố buôn bán cổ phần lớn là loại nhà ống, hẹp ngang và rất sâu, thường là nhà hai tầng. Tầng dưới (tầng trệt) là cửa hiệu buôn bán, nên để cửa lùa. Tầng trên là các phòng sinh hoạt và phòng ngủ. Mặt tiền trông ra phố, thường mở rộng, để chấn song gỗ, đôi khi có chạm khắc, theo kiểu " thượng song, hạ bản ", và buông mành mành cho vừa kín đáo, vừa thoáng mát. Không có nhà nào có cửa kính, mà chỉ có cửa chớp. Cũng có nhà làm cửa sổ nhỏ, tuỳ theo hướng của dãy phố.
Ở bên trong, gần như nhà nào cũng có ít ra một, hai cái sân lộ thiên. Sân thứ nhất, là chỗ có bể nước, hòn non bộ, cây kiểng. Sân thứ hai ở tít tận trong cùng là chỗ bếp núc và nhà tiêu. Những nhà to và có bề sâu năm sáu chục mét, có tới hai, ba sân trong, và còn có cả những gác sân ở mỗi tầng. Ở phố tôi, có nhà ở bên trong xây lên tới ba bốn tầng, mỗi tầng đều có ít nhất một cái gác sân nhỏ, lát gạch lá nem, làm chỗ tắm giặt, phơi phóng, và cũng là nơi để cây kiểng. Gác sân của tầng trên cùng được gọi là gác sân thượng. Vào mùa hè nóng nực, chiều chiều bọn trẻ chúng tôi thường rủ nhau lên gác sân thượng hóng mát. Đây là nơi lý tưởng để chiêm ngưỡng cái đẹp của bầu trời và chân trời Hà Nội, thường có những màu sắc tuyệt vời, và để ngắm trăng sao.
Những chiếc gác sân thượng xinh xinh này thường nằm chụm vào với nhau ở phía giữa mỗi khối phố. Do đó, đây cũng còn là nơi bọn trẻ trong cùng một khối phố có thể lên đây nói chuyện với nhau từ gác sân thượng này sang gác sân thượng khác, đôi khi còn đùa nghịch, leo lên cả những nóc mái, để đi từ nhà này sang nhà khác.
Sân trong quan trọng nhất là nơi có bể nước, có hòn non bộ và chậu cảnh. Về mặt kiến trúc, có thể so sánh chiếc sân lộ thiên của ta với cái atrium của người La Mã và của những dân tộc vùng Địa Trung Hải, nói chung. Nhà cửa ở thành phố Pompei, mà xưa kia bị núi lửa vùi lấp hoá thạch, đều có những chiếc sân trong lộ thiên giống y hệt.
Sân trong là chỗ mát mẻ nhất nhà, vì ở chỗ đó luôn luôn có nước ướt át và có gió lùa. Ở Hà Nội, với cái nóng như thiêu vào tháng sáu, tháng bảy, không có một nơi mát mẻ ở trong nhà, thì không thể nào chịu nổi. Sân trong có cái " lỗ thông thiên ", sau này gọI là cái " giếng trời ", đứng ở đó nhìn lên thấy được một mảnh trời. Đây là một cách thông hơi cổ truyền, làm cho ngôi nhà ống luôn luôn thoáng mát. Không khí được hút vào nhà qua cái nơi mát mẻ này, rồi bị lùa ra những nơi nóng hơn như phía ngoài đường nắng, hay phía sân sau có nắng, tuỳ theo hướng của ngôi nhà.
Do có " giếng trời " cắt ngang, nên cũng có những " gác nhà cầu " để nối liền, ở tầng lầu, phần nhà phía trước trông ra đường với phần phía sau trông ra các sân sau.

MatCatKết cấu sàn của những ngôi nhà cổ này thường là bằng gỗ. Vấn đề cách âm thường không được đặt ra để giải quyết. Nhà cửa ở Hà Nội, nhất là nhà cổ, không có lò sưởi. Nói chung, dân ta không có khái niệm về sưởi ấm nhà cửa. Ở nông thôn miền bắc trước kia, mùa rét đến, người ta cũng chỉ biết sưởi bằng lửa bếp, và nằm ổ rơm cho ấm.
Trong khi đó, ở Trung Quốc, nước láng giềng của chúng ta, trước kia cũng là một nước nông nghiệp lạc hậu, người dân ở nông thôn đã sớm biết một kỹ thuật sưởi ấm về mùa rét rất là khoa học và đơn giản. Giường ngủ của họ, trông giống như một cái sập, gọi là cái kang, được xây bằng gạch trên vòm cuốn, như một cái lò, có ống thông khói lên đến tận mái, chỗ hầm trống ở bên dưới được dùng để đốt củi sưởi ấm cho cái gường và cho cả căn nhà.
Trong ngôi nhà cổ của ta ở thành phố, vấn đề ánh sáng cũng chưa được chú ý đúng mức cho lắm. Những căn buồng ở trong nhà chưa được bố trí một cách chặt chẽ. Có buồng hoàn toàn thiếu ánh sáng, vì không những bị mái hiên của giếng trời che mất ánh sáng, mà lại còn phải để mành mành cho kín đáo. Chỉ có những buồng trông ra gác sân là có đủ ánh sáng.
Về căn bản, những ngôi nhà ống cổ ở Hà Nội được xây theo quan niệm nhà phố cổ truyền của người Á Đông nói riêng, và của những xứ nóng ẩm, nói chung, với sân trong, hay vườn trong, khác với quan niệm của phần lớn các dân xứ lạnh, là vườn nằm ở đằng trước, đằng sau, hay ở xung quanh, vì ngôi nhà ở những xứ này cần được xây gọn lại thành một khối để chống lạnh.
Trường hợp những ngôi nhà ống cổ ở Hà Nội là một trường hợp khá điển hình về óc sáng tạo của các cụ ta ngày xưa. Ngôi vườn cảnh, hay chiếc sân trong, với giếng trời, đã đáp ứng được cả ba nhu cầu cần thiết của con người : thiên nhiên (thu nhỏ, với cây kiểng và hòn non bộ, bể nước), không khí và ánh sáng.
Nực cười là từ khi người Pháp sang cai trị Đông Dương, ở Hà Nội có nhiều nhà quan lại, hay nhà giàu có, sính ở nhà tây, điều đó hoàn toàn có lý, vì ở nhà tây mới có được những không gian sáng sủa, rộng rãi. Nhưng ở đây, họ thích ở nhà tây trước hết vì cái mã " hiện đại " ở bên ngoài. Có điều là, nhiều chủ nhân của những ngôi nhà này đã không biết tận hưởng những tiện nghi của chúng : nhà xây theo kiểu biệt thự tây, nghĩa là có lò sưởi, ống khói hẳn hoi, song vì không quen dùng lò sưởi, không biết bảo quản ống khói, nên đến mùa rét họ vẫn không dám đốt củi để sưởi, và nhà vẫn lạnh như băng, có khi lại còn lạnh hơn cả nhà ống !



Quay về:

Lời giới thiệu: Văn Ngọc - Một người Hà Nội rất Hà Nội
Chương 01: Tuổi vỡ lòng
Chương 02: Khu phố thời thơ ấu
Chương 03: Phố tôi ngày ấy
Chương 04: Những năm tháng không thể nào quên
Chương 05: Những ngày tháng chạp 1946
Chương 06: Hà Nội những ngày khói lửa
Chương 07: Ăn Tết làng dừa
Chương 08: Hà Nội mến yêu

Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Văn Ngọc
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
Sân khấu Hồng Hạc - Diễn viên hạng ba 03/01/2025 19:30 - 22:00 — Hoạ Sĩ Cà phê | 15 Phan Kế Bính, Quận 1, TPHCM
Sân khấu Hồng Hạc - Nếu anh còn được sống 07/01/2025 19:30 - 22:25 — Nhà Hát Thanh Niên
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us