Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Hồ sơ / Hồi ức tuổi thơ - Văn Ngọc / Hồi ức tuổi thơ: Tết Trung Thu

Hồi ức tuổi thơ: Tết Trung Thu

- Văn Ngọc — published 28/01/2011 21:32, cập nhật lần cuối 27/02/2011 16:05
Tết Trung thu ! Rằm tháng Tám !… Mấy tiếng ấy gợi lên cho ta biết bao nhiêu kỷ niệm thời thơ ấu !

- Chương 11 -

Tết Trung Thu


Văn Ngọc


Hồi xưa ở Hà nội, trẻ con thường hay nói Rằm tháng Tám, chứ không mấy khi nói Tết Trung Thu, không hiểu tại sao, và nếu tôi nhớ không lầm, thì hình như cả người lớn cũng vậy. Lý do nào đã làm cho người ta thích dùng ba chữ này hơn ? Quả thật cho đến bây giờ tôi vẫn chưa tự giải thích cho mình được. Không biết có phải vì tiếng Rằm tháng Tám nghe nôm na hơn, dễ hiểu hơn, đồng thời gợi lên trong trí tưởng tượng của người ta hình ảnh cụ thể của trăng rằm ? Thật ra, nói Trung Thu là giữa mùa thu cũng đúng, mà nói Rằm tháng Tám, giữa tháng tám ta, cũng đâu có khác gì ? Có khác chăng chỉ là, một đằng dùng chữ "Tết", và một đằng không. Hay là người ta cố ý tránh không dùng chữ "Tết", vì không muốn lẫn lộn Tết Trung thu với "Tết" (Nguyên Đán) ? Chỉ biết rằng, mãi đến năm 1945, với cái "Tết Trung Thu độc lập" đầu tiên, Cách mạng tháng Tám mới như "chính thức hoá" ngày hội lớn này của các trẻ em, và ở Hà nội người ta mới bắt đầu dùng tiếng Tết Trung Thu một cách rộng rãi hơn.
Tết Trung thu ! Rằm tháng Tám !…
Mấy tiếng ấy gợi lên cho ta biết bao nhiêu kỷ niệm thời thơ ấu !
Mỗi lần nhớ lại những cái Tết Trung Thu ngày xưa, tôi lại nhớ đến những vầng trăng màu ngà, to một cách kỳ lạ, với những dải mây giăng ngang, xuất hiện bất chợt ở đằng cuối phố Hàng Bồ, Hàng Bạc, phía bờ sông Cái, và lên từ từ trên bầu trời chưa tối hẳn. Tôi lại nhớ đến những chiếc đèn hình ngôi sao thắp bằng nến, ánh nến lung linh trong đêm tối, những chiếc đầu sư tử màu sắc dữ dội, những phố Hàng Gai, Hàng Thiếc, đầy đồ chơi và đầy bóng người qua lại tấp nập…
Ngày ấy, hàng năm chúng tôi vẫn thường hay than thở với nhau ngay từ mấy tháng trước, và thường xuýt xoa với nhau: "Bao giờ mới đến Rằm tháng Tám nhỉ ?” Ôi, bao giờ mới đến Rằm tháng Tám, để cho chúng tôi được "chơi con giống", chơi rước đèn, làm đèn, và làm những con thỏ xinh xinh bằng vỏ trứng, cho chúng tôi đi xem đồ chơi ở các phố Hàng Gai, Hàng Thiếc, đi xem làm sư tử ở phố Hàng Mành, đi xem làm những ông tiến sĩ giấy ở phố Hàng Mã, làm bánh dẻo ở phố Hàng Đường, hay phố Nhà Hoả, và nhất là để được múa sư tử, và đi xem những đám rước sư tử "của người lớn".
Cái truyền thống đầy màu sắc tươi vui, đầy đồ chơi, bánh trái, đầy vật tượng trưng và đầy cả… trăng rằm ấy, không biết đã có từ thời nào ? Chỉ biết rằng, ở Hà Nội, có những phố rất xưa, chuyên sống về nghề làm đồ chơi cho Tết Trung Thu, và nghe đâu, những phố phường này đã có ngay từ lúc kinh đô nước ta còn ở Hoa Lư (Ninh Bình)!
Phố Hàng Gai, với cây đa già và ngôi đình cổ ở ngay giữa phố, từ bao giờ vẫn là dãy phố đầy những sự bí mật - mà ngày đó bầy trẻ chúng tôi chưa biết tìm hiểu - và đầy những thứ để xem, nhất là vào dịp này. Tôi thích nhất là những chiếc đèn con thiền thừ, với cái đầu, cái đuôi lắc lư, in bóng lên tường vách của các cửa hàng, những chiếc đèn kéo quân với đầy sự tích và nhân vật quen thuộc, những hình ảnh người, ngựa, cử động nhịp nhàng, nhìn thật là vui mắt ! Lẽ dĩ nhiên, mỗi lần chúng tôi lại không quên đi lùng xem có chiếc đầu sư tử nào mới lạ, dữ dội, hợp với cái gu mỗi năm một đổi khác đi của mình không.
MuaSuTuTết Trung Thu ở Hà Nội ngày ấy có nhiều trò chơi cho trẻ em ở những lứa tuổi khác nhau. Những em bé nhất thường chơi con giống, chơi thỏ, chơi đèn, v.v. Còn đối với lũ trẻ từ 7, 8 tuổi đến 11, 12 tuổi, thì cái thú vui lớn nhất và hấp dẫn nhất vẫn là múa sư tử, đánh trống, và làm đèn. Sung sướng nhất đối với chúng tôi, là lúc được đội chiếc đầu sư tử vào để múa theo nhịp trống, và nhất là múa cho người khác xem để lấy giải.
Tết Trung Thu năm ấy, lần đầu tiên, bầy trẻ phố tôi kéo nhau đi múa sư tử lấy tiền. Sự kiện này đã đến một cách tự nhiên, và không một lúc nào chúng tôi cảm thấy lo sợ, hoặc bối rối.
Trước kia, chúng tôi chỉ múa chơi quanh quẩn với nhau ở phố nhà thôi, với những chiêc đầu sư tử làm cho trẻ con, màu đỏ loẹt và nhẹ tếch, vì bên trong không có khung, mà chỉ toàn là giấy bồi. Bây giờ, chúng tôi đã có một chiếc đầu sư tử lớn hơn, trông ra vẻ lắm rồi, và nhất là chúng tôi thấy mình đã khôn lớn đủ để làm cái việc mà các anh lớn vẫn từng làm những năm trước.
Trên thực tế, từ nhừng năm 42-43 trở đi, các anh lớn ở phố tôi đã thôi không còn chơi những trò chơi ở ngoài phố nữa, kể cả đi múa sư tử. Đối với các anh, cái thời đánh khăng, đánh đáo, chơi cướp cờ, đá cầu, đá bóng, ở ngoài đường đã qua rồi. Bây giờ các anh đã có những thú say mê khác: tập thể dục, thể thao, đi bơi, tập đàn, tập hát, v.v. Bây giờ, mỗi lần đến Tết Trung Thu chỉ còn có chúng tôi, bầy trẻ mới lớn lên, là còn tiếp tục cái truyền thống của trẻ con hàng phố. Từ một hai năm nay, cứ mỗi dịp Rằm tháng Tám, là chúng tôi đã biết đi ra tận Bến Nứa mua nứa về để làm đèn. Trước kia, việc đó chỉ có các anh lớn mới làm được, và cái tên Bến Nứa nghe sao mà xa xôi, bí mật thế, mặc dầu nó cũng chỉ là một địa điểm nằm ngay ngoài bờ sông Cái, không xa khu phố chúng tôi mấy !
Trung Thu năm ấy, lần đầu tiên đi xa phố nhà, chúng tôi như thể những con chim non vừa mới biết bay, chưa dám đi xa, chưa dám vượt ra khỏi cái khu vườn quen thuộc là khu phố nhà mình. Hà Nội ngày ấy còn hoang dại lắm, và trong đầu óc chúng tôi, thì nó vẫn được chia ra thành từng khu phố, từng "vùng ảnh hưởng". Trẻ con ở khu phố này muốn sang khu phố khác chơi cũng không phải là chuyện dễ dàng, và luôn luôn đã xảy ra những cuộc sinh sự đánh nhau.
Thực ra, bầy trẻ chúng tôi cũng như các anh lớn trước kia, có đi múa sư tử cũng chỉ để lấy vui mà thôi, chứ không phải để kiếm tiền. Chúng tôi phần đông đều là những con nhà buôn bán khá giả cả. Tuy nhiên, cái giải thưởng, dù chỉ là tượng trưng kia, đã góp một phần không nhỏ vào sự háo hức của lũ trẻ.
Tôi còn nhớ năm ấy, cái mục tiêu đầu tiên mà chúng tôi tự đặt cho mình, là làm sao đem về được thật nhiều giải. Có lẽ vào những năm đó, chúng tôi đã bắt đầu thấy được sự cần thiết phải kiếm ra tiền để thực hiện một số dự kiến nhỏ bé của mình ở trong phố rồi chăng ? Chỉ biết rằng năm ấy đi múa về, ngoài một số tiền không đến nỗi quá tượng trưng ra, chúng tôi còn được vô số giải thưởng khác, nào là những bao nến để rước đèn, những bánh pháo để đốt chơi, và cả những cân bánh nướng, bánh dẻo nữa ! Ở khu phố tôi, người ta buôn bán thứ gì, thì hay cho thứ nấy. Hơn nữa, ai cũng biết mặt mũi chúng tôi là con em khu phố cả, nên cũng có phần nào hơi chiếu cố.
Tôi còn nhớ, trong bọn trẻ hàng phố, có một cậu bé người Minh hương ở phố Hàng Thiếc, tên là A Húi, nhập bọn với chúng tôi để đi múa sư tử năm ấy. Thằng này có tài ăn nói, mặt mũi lại sáng sủa, nên được chúng tôi cử đi làm "ngoại giao". Y không phải làm gì nặng nhọc hết, chỉ phải đi vào mỗi nhà chào chủ nhà, và xin phép cho chúng tôi múa. Y hay bắt đầu bằng câu : "Một năm mới có một lần…", không biết của ai mớm cho, rồi nhanh nhẩu xin người ta "vui lòng" đặt giải, v.v. Có nhà vẫn còn giữ được truyền thống treo giải bằng một sợi dây buộc lơ lửng ở đầu một cái sào dài như cái cần câu. Nhiều khi họ buộc cao đến nỗi chúng tôi phải công kênh nhau lên đến hai ba tầng người mới lấy được giải. Có nhà có cửa sổ thượng song, hạ bản còn treo từ trên gác treo xuống. Cũng có nhà chỉ đưa thẳng tiền, hoặc một món hàng nào có sẵn trong cửa hiệu của họ. Mỗi lần được một cái gì, A Húi lại giơ cao lên ở ngay ngưỡng cửa cho mọi ngườI đều nhìn thấy, rồi xướng to lên với vẻ mặt rạng rỡ và điệu bộ hóm hỉnh : "Một bao nến !..", "Một bánh pháo !...", "Một cái bánh dẻo !...", làm cho mọi người lại không nhịn được cười.
Chiếc đầu sư tử năm ấy là của các anh lớn để lại cho chúng tôi. Lúc đầu nó rách bươm, rách nát, chúng tôi phải hì hục trong mấy ngày liền bồi lại bằng giấy báo, rồi sơn phết, gắn bông làm lông mày, lông cổ, gắn râu cước, may đuôi lại đàng hoàng. Cuối cùng nó cũng khá nặng, mà chúng tôi thì hãy còn nhỏ quá, nên cứ phải thay phiên nhau múa, mỗi đứa độ vài phút rồi lại đổi người. Vậy mà đứa nào đứa nấy mồ hôi vã ra như tắm.
Cái trống năm ấy cũng là một cái trống khá lớn, mà chúng tôi mượn được của một nhà ở trong phố, phải buộc hai cái gậy ở hai bên thành trống để khiêng đi. Năm sau, chúng tôi có cả một chiếc xe bò kết lá để chở trống. Tiếng trống sư tử đánh ở trong chiếc xe bò kết lá cũng có một âm thanh đặc biệt, và trông cũng oai hơn, giống như những đám rước sư tử của ngườI lớn.
Có một điều mà tôi không bao giờ hiểu được là tại sao người ta lại gọi cái đầu con kỳ lân là đầu sư tử, vì đã là đầu sư tử thì làm gì có sừng? Người miền Nam gọi múa sư tử là múa lân, tôi thấy như vậy đúng hơn, nhưng nghe lại không "dữ dội" và không cụ thể bằng, vì dù sao con kỳ lân cũng chỉ là một con vật tưởng tượng !
Tôi cũng không hiểu tại sao, cứ đến Rằm tháng Tám, là bọn trẻ chúng tôi lại hay thích đi nhặt hột bưởi, đem bóc vỏ, rồi lấy que xâu lại để đốt ! Thú thực là đốt hột bưởi lên chỉ thấy khét lẹt, còn cái lửa đó không biêt dùng để làm gì được ? Không biết ai đã bày cho bọn trẻ chúng tôi lấy hột bưởi đốt để tiết kiệm đèn nến ? Có lẽ tại Rằm tháng Tám nhằm đúng vào mùa bưởi chăng, và có lẽ cũng chỉ vì chúng tôi thích ngồi tỉ mẩn xâu hột bưởi để đốt…chơi ? Ngày còn bé, quả thật thời gian đối với chúng ta chẳng có nghĩa lý gì cả !

Nhưng nói đến múa sư tử, hay múa lân, mà không nói đến những đội múa sư tử "chuyên nghiệp", thì thật cũng là một thiếu sót lớn. Mà đã nói đến những đội múa sư tử này, thì không thể nào không nói đến những chiếc đầu sư tử của họ. Đây thật là những tác phẩm nghệ thuật dân gian quý báu, mà có lẽ bây giờ khó tìm lại được dấu tích ở đâu, ngay cả trong các viện bảo tàng ! Tôi đã có dịp nói đến những chiếc đầu sư tử được làm ở phố Hàng Mành này. (Xem Khu phố thời thơ ấu)
TetTrungThuPhoHangGai Hồi đó, ở Hà Nội, chỉ có độ vài ba đội múa sư tử chuyên nghiệp mà thôi. Thoạt trông cứ tưởng họ toàn là dân anh chị cả. Nhất là họ lại ăn mặc theo kiểu dân mãi võ, như trong truyện kiếm hiệp : quần đen bó gấu, áo đen có khuy vải cài dọc từ trên xuống dưới ở giữa ngực, khăn bịt đầu cũng đen, bên tai có khi cài một bông hoa đỏ, tay cầm đao, côn, v.v. Thật ra, họ chỉ là những người làm ăn lương thiện và thuộc vào tầng lớp lao động cùng khổ nhất trong xã hội thờI ấy : họ là những người phu xe kéo, phu khuân vác, v.v. Đội múa sư tử nổi tiếng nhất ở Hà Nội thời ấy, là đội "phu đòn đám ma" của nhà Louis Chức. Đội này không những có chiếc đầu sư tử vĩ đại nhất, trông dữ dội nhất, mà còn có nhiều người biết đánh quyền, đánh côn, múa kiếm giỏi, lại biết trèo rất cao để lấy giải.
Hàng năm, váo đúng tối mười bốn, hoặc tối hôm rằm, các đội này mới đi múa. Họ đi qua phố nào là trẻ con phố nấy kéo nhau đi theo để xem. Có đám rước sư tử nào ở đâu là ở đấy đông nghịt người, xe cộ không đi lại được. Thường họ chỉ chọn những nhà giàu mới vào múa. Những nhà này, để giữ tiếng với dân hàng phố, thường cũng chuẩn bị sẵn giải để treo. Giải càng to, càng được treo cao, có khi từ trên tầng gác ba xuống. Những đội múa sư tử chuyên nghiệp thường mang theo cả thang đi. Đây không phải là thang thường, mà là một chiếc cột gỗ, như côt cờ, trên đóng những chiếc cọc ngang để làm bậc. Bốn năm người lực lưỡng xúm lại, giữ chiếc thang cho thẳng đứng để cho người múa trèo lên, vừa trèo vừa múa, cho đến tít trên cao để giật giải. Nhưng chỉ khi nào giải treo thật cao, người ta mới dùng đến thang, còn không thì công kênh vẫn là cách làm nhẹ nhàng và đẹp mắt hơn cả. Đã có lần tôi được mục kích một đội múa sư tử chuyên nghiệp bỏ đi không thèm múa nữa vì giải thưởng quá ít mà lạI treo ở tít tận trên cao.
Các đội múa sư tử chuyên nghiệp đều có mỗi đội một khu vực riêng. Họ tránh không tranh giành đất đai của nhau, và chọn ngày giờ khác nhau để đi múa. Đã có lần hai đội múa sư tử cùng vào tranh giải ở một nhà giàu nọ ở phố Hàng Bồ, và rồi suýt nữa thì xảy ra đánh nhau to. Có một lần tôi mải vui, đi theo đội múa sư tử của phu đòn đám ma nhà Louis Chức về tới "sào huyệt" của họ ở gần chỗ ngã ba phố sông Tô Lịch cũ và phố Hàng Cót, sát ngay gầm cầu xe lửa, và gần nhà ông Louis Chức, chủ hãng cho thuê xe đòn đám ma lớn nhất ở Hà Nội. Tình cờ lạc vào đây, tôi mới thấy được cái cảnh nghèo khổ của những người phu này.
Một đội khác trông cũng "yên hùng" lắm và múa cũng giỏi, tuy rằng phong cách múa hơi khác. Đâu như họ là những người gốc Hoa ở ngõ Sầm Công, một ngõ hẹp cạnh phố Hàng Buồm. Ngày đó bọn trẻ chúng tôi ít có khi nào đi vào ngõ này, hoạ hoằn một hai lần trong năm mới đi mua lạc rang ở đây, vì ở đây người ta bán buôn, giá rẻ hẳn so với giá mua lẻ, nhưng vì đi vào buổi tối nên cũng không nhìn thấy gì hết. Tôi chỉ còn nhớ có mỗi chiếc chảo rang to tướng và vợ chồng người Hoa đã có tuổi, làm nghề rang lạc này để bán buôn cho các đứa trẻ đi bán rong trên đường phố.
Rằm tháng Tám là cái dịp để cho những đội múa sư tử chuyên nghiệp đi múa ở các phố để kiếm tiền, đồng thời cũng là một dịp vui chơi thật sự của họ, cho phép họ quên đi, trong đôi ba ngày, cái cuộc sống lầm than của mình.
Không biết do một bản năng nào, mà ngày ấy, tuy còn bé, nhưng chúng tôi cũng đã biết quý trọng những đội múa sư tử chuyên nghiệp này, cũng như chúng tôi đã biết yêu thích những chiếc đầu sư tử làm ở phố Hàng Mành và kính phục những nghệ nhân làm ra chúng.
Nhiều năm sau nghĩ lại, tôi càng thấy rằng chính những đội múa sư tử này đã có công làm cho cái truyền thống múa sư tử không những không bị quên đi, mà còn giữ được một chất lượng nghệ thuật cao. Chính nhờ họ mà đã lưu truyền lại được những kiểu múa đẹp, những cách đánh trống, múa côn, múa kiếm, phất đuôi, công kênh nhau lên để lấy giải, đúng quy tắc. Cũng nhờ họ mới có được những chiếc đầu sư tử độc đáo ở phố Hàng Mành, ước ao cao nhất của bầy trẻ chúng tôi !
Thật vậy, nếu không có họ là những người đặt hàng gần như duy nhất, cùng với những làng có truyền thống hội hè đình đám lớn, thì chưa chắc các nghệ nhân ở phố Hàng Mành có còn tiếp tục sản xuất được những chiếc đầu sư tử ấy nữa không.

Quay về:

Lời giới thiệu: Văn Ngọc - Một người Hà Nội rất Hà Nội
Chương 01: Tuổi vỡ lòng
Chương 02: Khu phố thời thơ ấu
Chương 03: Phố tôi ngày ấy
Chương 04: Những năm tháng không thể nào quên
Chương 05: Những ngày tháng chạp 1946
Chương 06: Hà Nội những ngày khói lửa
Chương 07: Ăn Tết làng dừa
Chương 08: Hà Nội mến yêu
Chương 09: Những ngôi nhà xưa
Chương 10: Ăn tết bên ngoại

Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Văn Ngọc
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Yda: Un court-métrage Hanoi - Warszawa 29/11/2024 19:00 - 21:00 — Médiathèque Jean-Pierre Melville, 79 rue Nationale, Paris 75013, M° Olympiades
Les Accords de Genève, espoirs et désillusions au cœur de la guerre froide. De l’indépendance à la division du Vietnam 11/12/2024 16:30 - 18:00 — Bibliothèque François-Mitterrand, Quai François Mauriac - 75706 Paris Cedex 13
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us