Hồi ức tuổi thơ - Tuổi vỡ lòng
Tuổi vỡ lòng
Văn Ngọc
Một
trong những kỷ niệm xa xưa nhất mà tôi còn nhớ được về thời thơ ấu ở Hà
Nội, là
lúc tôi bắt đầu đi học lớp vỡ lòng ở trường Nguyễn Văn Tòng, phố Hàng
Cót.
Thời bấy giờ, vào khoảng những năm 39-40, “trường mẫu giáo" chưa có,
hoặc
có
dưới một dạng hiếm hoi và hơi đặc biệt, là "trường bà xơ". Từ
"mẫu giáo" lúc đó có lẽ cũng chưa ai dùng. Trong các gia đình cổ ở
Hà Nội, không có thói quen cho con đi học sớm, một phần cũng vì trong
cái nề nếp
giáo dục của nhà nước bảo hộ, không có lớp "mẫu giáo", cũng như không
có "nhà trẻ", ít ra cho dân bản xứ.
Trường Nguyễn Văn Tòng là một trường tư, và rất có thể thuộc loại có
chức năng
như trường
mẫu giáo, hay ngay sau mẫu giáo, để chuẩn bị cho những trẻ em vào học
lớp đồng ấu
ở các trường công. Mặc dầu không nhớ được mình đã "học" cái gì ở đây,
nhưng tôi vẫn nhớ rõ gương mặt tươi cười của ông giáo Thứ, với mái tóc
lúc nào
cũng chải bóng mượt và ông đốc trường người to béo như tây.
Ngày ấy, có thể tôi cũng đã có một chiếc cặp sách nhỏ đeo vai, nhưng
chỉ là đeo cho oai, chứ trong cặp nào đã có sách vở gì đâu !
Thật ra, lớp mẫu giáo của bọn trẻ chúng tôi đã có sẵn ở trong nhà từ
lâu rồi
!
Quả là như vậy, cho đến năm lên 5 tuổi, suốt ngày, tôi chỉ quanh quẩn ở
trong nhà với mẹ, với chị và vú em. Nhất là tôi lại hay thích xuống bếp
để xem làm
bếp, và hay lần mò vào các xưởng làm đồ da, đồ gỗ của thầy tôi để xem
các bác
thợ làm việc. Những người thợ da, thợ mộc này quí chúng tôi lắm, vì họ
là người
cùng quê, cùng làng với thầy tôi và do thầy tôi đào tạo từ hồi trẻ. Họ
cho
tôi tha hồ mó máy đến những cái tràng, cái đục, cái đinh, cái búa, dạy
tôi cách
bào, cách đóng đinh, cách gắn xi để trám các mắt gỗ, cách làm hồ, làm
keo bằng
bột gạo tẻ, gạo nếp... Các bác thợ mộc người Bắc Ninh thỉnh thoảng lại
còn hát cho
tôi nghe những câu hát ả đào, trống quân. Trong nhà lại đầy trẻ con, do
cái cơ
cấu đại gia đình của nhà tôi : nào là gia đình vợ cả, vợ lẽ, con ruột,
con
nuôi, cháu nuôi, v.v. Năm sáu chục người, kể cả thợ, sống chung dưới
một mái nhà
(thực ra là hai ngôi nhà ống ăn thông với nhau, mỗi nhà trung bình có
hai tầng).
Mỗi gia đình nhỏ ở một buồng, hay một khu buồng riêng. Thợ ở chung một
nơi gọi
là “gác thợ”. Đến bữa cơm phải chia làm bốn, năm mâm.
Đúng là bọn nhỏ chúng tôi đã được học khôn một phần lớn là ở ngay trong
nhà,
không cần
phải đi đâu cả. Hơn nữa, cũng còn có cả bầy trẻ hàng phố và cái cửa
hiệu mỗi
ngày có đủ mọi hạng người lui tới mua hàng, kể cả người ngoại quốc nói
đủ mọi
thứ tiếng.
Nhưng "đi học" vẫn là một bổn phận thiêng liêng, được đặt lên trên hết
cả,
và quả thật, đây là một cái gì rất mới mẻ đối với thế hệ các bậc cha mẹ
của chúng
tôi lúc bấy giờ.
Các bậc cha mẹ ngày ấy thường nghĩ : "Đời mình đã như thế, con cái phải
cho chúng nó đi học cho đến nơi đến chốn, cho nên người, sau này mới
hòng
mở mày mở mặt với người ta". Vì vậy, suốt dọc phố tôi, thế hệ trẻ, từ
các anh chị
lớn hơn tôi vài tuổi trở xuống, cho đến các em bé, đều được ăn học cả.
Còn các anh chị lớn con bà cả của thầy tôi thì không có cái may mắn ấy,
họ
chỉ được học đến cấp sơ học yếu lược, rồi dừng lại ở đó, và ở nhà giúp
gia đình
coi cửa hàng cho đến khi lấy vợ lấy chồng. Tại sao thế, sau này tôi vẫn
tự hỏi
? Không lẽ vào thời các anh chị tôi, thầy tôi lại không có điều kiện để
cho họ
theo học cho đến cùng ? Nhưng cũng có thể chỉ vì khả năng tiếp thu của
các anh
chị bị hạn chế, không cho phép họ tiếp tục học lên cao ?
Gia đình nhà tôi không phải là một gia đình có truyền thống khoa cử,
cho
nên một khi các bậc cha mẹ đã không được trang bị tri thức để kèm dạy
cho con
cái học, thì chúng phải tự học lấy thôi, và cha mẹ cũng đành chỉ biết
vùi đầu
làm ăn, buôn bán, phó mặc việc dạy dỗ con cái cho nhà trường.
Các cụ phần đông không có chữ nghĩa gì mấy, đến cái bằng tiểu học cũng
không có. Nhu cầu văn hoá vẻn vẹn chỉ là thỉnh thoảng vào giờ nghỉ trưa
nhàn hạ,
giở một cuốn truyện nôm ra đọc : khi thì Truyện Kiều, khi thì truyện
Phan Trần,
Cúc Hoa. Nhưng không phải vì thế mà các cụ không có khả năng suy luận,
xét
đoán, và nhất là khả năng diễn đạt bằng cái ngôn ngữ dân gian rất nôm
na, nhưng
cũng đầy hình tượng của mình.
Và như thế là thầy mẹ tôi đặt tất cả hy vọng vào ba đứa con cuối cùng,
là
ba chị em chúng tôi, con của bà vợ thứ ba, để học cho nên người.
Bản thân các cụ trước kia có được ăn học gì đâu. Thầy tôi rời đất Hà
Nam,
Phủ Ly, lên Hà Nội làm ăn từ khi mới lên 10 tuổi. Lúc đầu, phải đi bán
nước
chè, nước vối để kiếm ăn, sau phải đi khuân vác thuê ở ngoài bờ sông,
chỗ Cột Đồng
Hồ. Sau, học được nghề làm giày da, rồi nhờ khéo tay và có đầu óc kinh
doanh, cụ mới
bắt chước những mẫu sản phẩm trên các "catalôgơ" của hãng chế tạo các
hàng
thông dụng ở bên Pháp (Manufacture de Saint-Etienne) gửi sang chào
hàng, mà làm ra những đồ da, đồ gỗ và đồ du lịch nội hoá đầu tiên, rồi
cụ kéo cả
làng lên làm nghề này ở phố Hàng Bát Đàn, vào những năm đầu thế kỷ XX.
Sau này, vào những năm 30, một bộ phận những người làng này, trong đó
có
mấy người là con nuôi của thày tôi, kéo nhau vào Nam lập nghiệp, và mở
ra nhiều
cửa hiệu đồ da ở phố Lý Thánh Tôn. Trong một cửa hiệu ở phố này, người
ta vẫn để
bài vị của thầy tôi và thờ cụ như người thuỷ tổ của nghề làm đồ da ở
Việt Nam.
Thầy
tôi quả là đã có một thời kỳ “oanh liệt”, nhưng tiếc thay, tôi đã không
được mục kích những sự kiện xảy ra vào cái thời kỳ ấy, bởi một lẽ đơn
giản là
tôi “sinh sau đẻ muộn”. Mãi đến năm 60 tuổi cụ mới có tôi. Cụ vẫn
thường hãnh
diện khoe với các bạn già đến chơi nhà như thế.
Tôi là con út của bà vợ thứ ba của thầy tôi.
Hai bà vợ cả và vợ hai là hai chị em ruột, một người được gọi là bà
Hàng Giấy vì có cửa hàng bán giấy bản ở đầu phố Hàng Bút, như mẹ tôi
sau này. Một bà được gọi là bà Hàng Hòm, luôn luôn ở với thầy tôi ở cửa
hàng làm và bán đồ da ở số nhà 13-15 phố Hàng Bát Đàn. Còn mẹ chúng tôi
được gọi là bà
Ba.
Thoạt đầu, mẹ tôi được thừa hưởng cái cửa hàng bán giấy bản nhỏ xíu của
đẻ Hàng
Giấy sau khi đẻ mất. Sau này, vào những năm 40, mẹ tôi bỏ nghề hàng
giấy, chuyển sang mở cửa
hàng bán đinh khoá ở ngay số 7 phố Hàng Bát Đàn, cũng là để cung cấp
luôn
đinh khoá cho xưởng làm đồ da của thầy tôi và những người họ hàng làm
đồ da ở
trong Nam ra mua hàng.
Lai lịch của hai chị em đẻ Hàng Giấy và đẻ Hàng Hòm cũng khá ly kỳ. Đẻ
Hàng
Hòm lúc trước là vợ của một ông Án sát, nhà ở ngay trước mặt nhà thầy
tôi, lúc
đó chưa phải là ngôi nhà số 13-15 Hàng Bát Đàn. Thầy tôi lúc trẻ chắc
tráng
kiện lắm, cụ cao đến 1m84, đối với người Việt Nam, thời ấy thế là cao
lắm rồi. Cụ
đang sức trai tráng, lại ăn nói có duyên, thế là đẻ Hàng Hòm mê thầy
tôi luôn,
rồi một hôm bỏ ông án sát kia, sang ở hẳn nhà thầy tôi. Lúc bấy giờ
thầy tôi
còn nghèo lắm, trong nhà chỉ có độc một chiếc trõng tre dành cho bố
già. Thế mà
rồi thầy tôi đã làm nên nhanh chóng.
Đó là vào khoảng những năm 1910-20. Có lúc cụ đã có cả đồn điền ở trong
Chi Nê (Hoà Bình), rồi ở trên Đa Phúc (Vĩnh Yên). Kịp đến khi xảy ra vụ
khủng hoảng kinh tế vào
những năm 29-30, thầy tôi phải bán hết tất cả ruộng nương cho cụ đô
thống Đỗ Đình Thuật, rồi
rút về Hà Nội tập trung vào nghề làm đồ da.
Thầy tôi đã làm đủ mọi thứ nghề, đã từng khai thác phân dơi trong các
hang
động ở Chi Nê, đã từng khử đất, trồng thử cam Bố Hạ ở
một vùng đồng bằng nhưng không thành công, đã từng thử sản xuất miến
tầu, theo
kỹ thuật của người Trung Hoa, nhưng cũng không đạt, v.v. Song ít ra,
thầy tôi
cũng đã thành công trong nghề làm đồ da. Những sản phẩm bằng da cụ chế
tạo ra
đã được đưa đi sang các hội chợ đấu xảo ở bên Pháp vào những năm 20-30
và cụ đã
đoạt được huy chương vàng và huy chương bạc.
Điều mà cụ hãnh diện nhất, là đã làm được nhiều việc có ích cho làng
quê của
mình,
làng Dũng Kim. Cụ đã xây đình, xây miếu, xây chùa, đào ao, đào giếng ở
đây cho
làng nước, đã đào tạo cả mấy thế hệ trai tráng trong làng để trở thành
thợ da ở
trên Hà Nội. Sau này một số người đã vào trong Nam lập nghiệp và thành
đạt vào
những năm 30.
Chuyện
về đẻ Hàng Hòm ly kỳ ở chỗ, là bà có một người con với ông án sát, là
anh phán Huấn anh họ tôi, nhưng đến khi ở với thầy tôi thì bà lại không
có con,
nên mới đem người chị ruột mình giới thiệu cho thầy tôi. Thế là, hai
chị em lấy
chung một chồng, nhưng chị lại là vợ thứ ! Đẻ Hàng Giấy được ba mụn con
gái với
thầy tôi. Nhưng khi bà mất đi, thì đẻ Hàng Hòm lại giới thiệu mẹ tôi
cho thầy tôi
!
Khi tôi sinh ra, thì đẻ Hàng Giấy đã mất. Đẻ Hàng Hòm cũng đã bắt đầu
có
tuổi, và đẻ gần như chỉ còn thiết tha với đạo Phật thôi, mọi việc khác
mẹ không
phải lo, vì ở nhà đã có đủ đàn bà để lo mọi việc khác rồi. Đẻ gần như
tu tại gia,
nên thầy tôi xây cho đẻ một căn gác gọi là “gác thờ” ăn thông với buồng
của đẻ ở tầng thứ nhất. Mỗi sáng, đẻ lên đấy
ngồi tụng kinh, niệm Phật từ rất sớm. Nhiều khi tôi được lên ngồi với
đẻ, xem đẻ
tụng kinh và lần tràng hạt. Tôi được đẻ cưng chiều lắm, chắc hẳn vì tôi
cũng
làm cho đẻ đỡ buồn vì bà không có con với thầy tôi.
Đẻ Hàng Hòm quê ở làng Cói bên Bắc Ninh. Đẻ còn có một người em gái
nữa,
là dì Bát, có trang trại ở trên Bắc Giang. Dì có dáng vóc khoẻ mạnh,
tính
tình xởi lởi, mạnh bạo, hay thích đùa giỡn, nói chuyên rất ăn ý với
thầy tôi. Mỗi lần
dì Bát về qua Hà Nội lại đem cho chúng tôi những đặc sản của vùng dì ở,
đặc
biệt là mật ong. Ôi, cái loại mật ong đặc biệt của núi rừng, ăn vào cứ
thấy khe khé
ở cổ, nhưng sao mà ngon thế !
Các đẻ già tôi còn có hai người em trai, cậu Trương và cậu Vỹ. Cậu
Trương, chính là nhà văn
Lê Văn Trương, còn cậu Vỹ thì tôi chưa bao giờ được gặp. Người ta chỉ
biết Lê
Văn Trương là người Hà Nội ở phố Chùa Vua, nhưng có lẽ ít người biết
được
gốc gác làng Cói của cậu ở bên Bắc Ninh.
Bọn trẻ con trong nhà tôi thích cậu Trương lắm, nhất là chị tôi, lúc đó
đã
biết đọc sách, đọc truyện nhiều. Chúng tôi chỉ thích nhất là khi được
nghe cậu
kể chuyện. Cậu ít khi đến nhà chúng tôi lắm, không phải chỉ vì thầy tôi
dữ, mà
chắc vì cậu cũng bận. Đời nhà văn cái thời ấy chắc hẳn phải khá bận
rộn, vất vả. Vả
lại, đến nhà tôi, chắc cậu cũng thấy hơi bị lạc lõng. Mỗi lần đến nhà,
là cậu lên ngay buồng đẻ thăm bà chị trước, chúng tôi lần
lên theo, vây lấy cậu, thế là cậu lại thao thao bất tuyệt kể chuyện núi
rừng cho tụi tôi nghe.
Sau này, tôi hiểu được phần nào tại sao cậu Trương lại ít đến nhà tôi.
Có
lẽ vì cậu cũng không muốn mang tiếng là lại thăm chị, chỉ là để chị dúi
cho ít
tiền tiêu xài. Mặt khác, thầy tôi vốn không thích những mẫu người lãng
tử, bạt
mạng, nói nhiều, như cậu, hoàn toàn trái ngược với cái bản chất phần
nào rất
“thực dụng” của cụ. Cậu Trương, dù thế nào cũng là một người cấp tiến
đối với thời
đại của cậu, cái quan niệm về con người, về xã hội của cậu
dù sao cũng khác xa với cái quan niệm rất hạn hẹp là chỉ biết “làm ăn”
của thầy tôi, một quan niệm đã dẫn cụ đến chỗ
không theo kịp được thời thế, để cuối cùng đã hoàn toàn thụ động khi
chiến
tranh bùng nổ.
Tết
năm ấy, tôi đang ngồi xem mẹ tôi sửa soạn làm cỗ, thấy tôi ngoan, mẹ
tôi lựa lời
hỏi ướm : " Thế sang năm, con lớn lắm rồi, mẹ cho con đi học
nhé ? Đi học
có nhiều bạn bè, vui lắm cơ ! ". Nghe nói đến đi học, là tôi
lại khóc
lóc, không chịu. Mẹ tôi dỗ dành mãi, hứa cho tôi hết thứ này đến thứ
nọ, cuối
cùng tôi đành phải nhận lời là sang năm lên 6 tôi sẽ đi học.
Đi học ở trường Nguyễn Văn Tòng phố Hàng Cót, mỗi sáng tôi được đi cùng
với chị
tôi. Lúc đó chị tôi đương học ở trường Hàng Cót, hai trường ở ngay
trước mặt
nhau. Trường Hàng cót ngày ấy dành riêng cho con gái. Trường này có từ
xưa lắm
rồi, vì các chị lớn của tôi cũng đã từng học ở đây. Trước kia, bà đốc
trường là
một mụ đầm nổi tiếng là khinh người và ác. Đến thời “chị bé" của tôi
học ở
đây, thì bà đốc đã là người Việt, tên bà là bà Thục Viên, xem ra có vẻ
bà được
các chị quý mến lắm.
Mỗi sáng chị tôi đưa tôi đến tận cổng trường. Buổi chiều, tan học ra,
tôi
chạy ngay
sang bên trường chị để về cùng với chị. Đúng hơn là để được về cùng với
"các chị", bởi vì chị tôi không bao giờ về một mình cả, bao giờ cũng có
ba chị khác đi kèm.
Chị tôi thuộc bộ "Tứ tử" của trường Hàng Cót lúc bấy giờ. Sau này, cả
bốn
chị lên học trường Đồng Khánh và nổi tiếng "hoa khôi" Hà Nội một
thời.
Các chị không những chỉ nổi tiếng về sắc đẹp, mà còn nổi tiếng là chua
ngoa và đanh đá ! Các anh con trai dù bạo đến đâu cũng chỉ dám "chiêm
ngưỡng" từ xa. Các chị có những cái tên rất mới và cũng rất lãng mạn :
Tố
Loan,
Lệ Xuân, Ích Ngân, Nguyệt Thi… Thời ấy, ngoài cái tên khai sinh do bố
mẹ đặt
ra, nhiều khi rất nôm na, vì các cụ phần đông xuất thân từ nông dân,
không phải
cụ nào cũng dòng dõi nhà nho, nên nhiều khi các cô gái tân thời, các cô
nữ
sinh, cứ phải lấy tên hiệu cho thanh nhã hơn, để ra trường chúng bạn
khỏi cười.
Giây phút sung sướng nhất đối với tôi mỗi ngày vẫn là lúc tan học ra,
được
về cùng với
chị tôi và các cô bạn tinh nghịch của chị. Hình ảnh cậu bé mặc chiếc
quần tây cộc,
với đôi cẳng gầy khẳng khiu, vừa đi vừa nhảy nhót tung tăng như một con
chim sẻ
suốt dọc đường phố Hàng Cót vẫn còn nắng, qua bao niêu năm vẫn hiện rõ
nét
trong trí óc tôi như mới ngày hôm qua. Đằng sau cậu bé là bộ "Tứ tử",
bốn chị bước đi hàng ngang, chiếm gần hết cả hè phố, vừa đi vừa cười
đùa, nghịch ngợm như một lũ quỉ sứ, đôi khi lại còn lấy thằng em ra để
giễu cợt,
gọi đùa tôi là "ông tây gỗ" ! Chắc điệu bộ của tôi ở vào cái tuổi ấy
trông cũng cứng nhắc thật ! Song vì "mê" các chị, nên dù bị chế giễu,
tôi cũng không biết giận. Tuổi ấy cũng là tuổi tôi gần với người chị
ruột của
tôi nhất. Sau này, lớn lên, chúng tôi sẽ ngày càng xa nhau, không phải
chỉ vì
hoàn cảnh đưa đẩy mỗi người phải sống một nơi, trong những môi trường
khác
nhau, mà vì cái con người trong chúng tôi đã thay đổi, mỗi người có một
cách
nhìn cuộc sống, một lối suy nghĩ khác hẳn nhau, điều mà trước kia tôi
không bao
giờ ngờ đến.
Ngày ấy, nhìn các chị vui vẻ, yêu đời, tôi cũng thấy vui lây. Thật ra,
lúc
bấy giờ
tôi mới chỉ biết suy nghĩ theo bản năng trẻ thơ của mình mà thôi. Đến
ngay cả
người lớn, cũng đã có mấy ai biết nghĩ gì xa xôi đâu, huống hồ các chị
lúc đó
chỉ mới 14, 15 tuổi đầu, và tôi thì mới chỉ lên 6, lên 7. Sau này nghĩ
lại, tôi
thấy ở cái tuổi ấy, vào cái thời ấy, các chị đã tỏ ra khá già dặn rồi.
Tuổi trẻ
ngày ấy, nói chung, chỉ biết học hành và đùa nghịch, nhưng ngay cả
trong việc học
hành, cũng chưa mấy ai có được một chút ý thức gì về cái lợi ích thật
sự của
nó. Các bậc cha mẹ lo cho con cái ăn học để "nên người", nhưng thực
ra các cụ cũng không hình dung được một cách rõ ràng cái ý niệm "nên
người" là như thế nào. Có lẽ, thời đó "nên người" là làm nên ông
tham, ông phán, bà đốc, bà giáo, v.v.
Thời kỳ kinh tế khủng hoảng đã qua, từ những năm 30 trở đi, các ngành
buôn
bán đã
làm ăn phát đạt trở lại. Các chị phần đông thuộc vào các tầng lớp khá
giả, nên
những lo âu về mặt vật chất gần như xa lạ đối với các chị. Những chuyện
buồn bực
thường chỉ là những chuyện xích mích giữa người lớn trong nhà, do cái
cơ cấu đại
gia đình phức tạp và cổ hủ từ xưa để lại.
Nhà nào nhà nấy sống gần như khép kín, thu mình lại, với những thành
kiến
và mặc cảm
khác nhau. Sự giao du giữa các con cái và chúng bạn bị các cụ cấm đoán
nghiêm
khắc. Các anh, các chị tôi không bao giờ được tiếp bạn bè ở nhà, dù
thân đến đâu. Hoạ
hoằn, một đôi khi,
chị tôi mời một bạn gái đến chơi và rủ lên buồng mình, nhưng ra vào vẫn
cứ phải
lén lút như đi ăn trộm. Rủi mà "cụ bô" nhìn thấy thì thôi lại được
vài ba cái lườm ! Con gái rời khỏi nhà để đi đâu, làm công việc gì,
cũng là cả
một chuyện. Chị tôi chỉ đi mượn sách ở phố Hàng Nón thôi, nghĩa là ở
ngay một
phố đằng sau nhà, thế mà cũng phải kéo thằng em nhỏ đi kèm !
Chính
trong những điều kiện khó khăn đó, mà bọn trẻ chúng tôi lại học hỏi
được nhiều
nhất ! Cái khung cảnh đại gia đình phức tạp kia, nơi diễn ra thường
xuyên những
tấn bi hài kịch, thực ra là cả một trường học khôn. "Những điều trông
thấy" bó buộc chúng tôi phải suy nghĩ. Ngoài ra, cũng còn nào là chúng
bạn
ở trường, ở phố, nào là sách báo, phim ảnh, v.v... Những gì không làm
được ở
trong
nhà, chúng tôi làm lén lút ở ngoài, chẳng hạn như học đàn, học hát, một
điều vẫn bị coi như là "vô tích sự".
Tôi còn nhớ, chị tôi thích đọc sách lắm, nhất là tiểu thuyết. Chị cứ
vừa
đan áo vừa
đọc, và đọc rất nhanh. Chị đọc đủ cả truyện ta, truyện tây. Cứ vài ngày
lại thấy
chị đi mượn về hàng chồng sách, hoặc ngồi rọc những trang sách vừa mới
mua còn
mới tinh ra để đọc. Khi nào có câu chuyện nào hay, chị lại kể cho tôi
nghe.Tôi
học được của chị cách "đọc chéo", nên sau này dùng để đọc truyện
cũng đỡ, nhất là truyện kiếm hiệp !
Thời bấy giờ, ở
phố Hàng Nón, ngay bên cạnh đình Hàng Nón, có một hiệu cho thuê sách,
có tủ
kính đàng hoàng. Phố Nhà Hoả (Hàng Điếu) cũng có một hàng cho thuê
sách, nhưng
ông hàng sách này không có quầy hàng gì cả, mà bày thẳng sách lên hè,
hoặc kẹp
sách thành nhiều tầng trên những sợi giây gai chăng ngang, dựa vào một
cửa hiệu
không mấy khi thấy mở cửa. Nhưng nổi tiếng nhất, và đông khách nhất, là
hiệu
Trường Xuân cho thuê truyện ở cửa chợ Đồng Xuân, vì ở đây chuyên cho
thuê truyện
kiếm hiệp ! Truyện kiếm hiệp thời đó không phải như truyện chưởng của
Kim Dung
sau này, mà có những cái tên rất khêu gợi như : Bồng Lai hiệp
khách, Huyền
Không Động, Nhất Chi Mai đại hiệp sĩ, v.v. và luôn luôn là do
Thanh Đình dịch,
lại có nhiều hình minh hoạ rất hấp dẫn. Sau này, lúc bắt đầu biết đọc
kiếm hiệp,
chúng tôi cũng bắt chước vẽ theo những hình minh hoạ đó, cho đến khi
thuộc lòng
cách vẽ các nhân vật nam, nữ, biết múa kiếm, múa chuỳ, biết phi thân,
phun kiếm, v.v....
Hồi đó, ở ngay
phố tôi cũng có một cửa hiệu bán sách báo. Người coi cửa hiệu là một
chị người
trạc độ 30 tuổi, có một cái tên rất ngộ, vào cái thời ấy chúng tôi nghe
mãi rồi
cũng quen đi, không thấy có gì là lố lăng cả. Người hàng phố gọi chị là
cô Sâm
"đơ" (deux = 2), vì trong phố có hai chị tên Sâm, một người là Sâm
"oong" (un = 1). Tôi còn nhớ, trong tủ kính của hiệu sách này có bày
bán
tất cả
những tạp chí mà
các anh các chị tôi
thích đọc thời ấy. Sau này, vào những năm 42-43, hiệu sách đó tự nhiên
dọn đi
đâu mất, có lẽ vì ít khách quá chăng ? Kể cũng lạ, từ khi tôi sinh ra
và lớn
lên ở phố này, cứ thấy cửa hiệu này thay đổi chủ đến ba bốn bận. Tôi
tiếc hồi
đó mình còn nhỏ quá, nên chưa biết "đọc" gì hết, chỉ biết "nhìn" và
"quan sát" mà thôi. Đến bây giờ, tôi vẫn còn nhớ cả
đến những hình ảnh trên các trang bìa của những tờ tập san mang những
cái tên
đượm màu dĩ vãng : Phong Hoá, Ngày Nay, Trung Bắc chủ Nhật,
Tiểu thuyết Thứ
Bảy, Tiểu thuyết Thứ Năm, v.v... Giá mà được nhìn lại những
tờ
tập san ấy bây
giờ trong một thư viện nào, thì thích thú biết bao !
Trở
lại ngôi trường nhỏ bé của tôi ở phố Hàng Cót. Sở dĩ sau này tôi chỉ
nhớ nhất
có cái sân trường, mặc dầu nó không có một đặc điểm gì hết, chỉ vì một
hôm, tan
học ra, tôi chờ mãi chẳng thấy có ai đến đón cả. Hình như dạo ấy chị
tôi đương
bị ốm, phải nghỉ học, nên mỗi ngày tôi đi học đều có người nhà đưa,
đón. Hôm đó
tôi bị bỏ quên một mình trong cái sân trường vắng tanh, vắng ngắt ấy
cho mãi đến
sẩm tối, sợ ơi là sợ !
Lớn lên đến năm lên 8, lên 9, tôi còn bị một mẻ sợ thứ hai nữa cũng
tương
tự. Thực ra, cái cảm giác mà đứa trẻ có ở những lúc đó không chỉ là sợ
hay lo mà
thôi, mà còn là một cảm giác "bị bỏ quên", bơ vơ, hoang mang, trống
rỗng,
khó tả !
Năm
đó, vào khoảng năm 42, hay 43, trường Đồng Khánh chạy xuống Hưng Yên
tránh bom
Mỹ-Nhật. Chị tôi cũng đi theo trường và ăn ở ngay trong trường. Một
hôm, nhân
có hai mợ, mợ Năm và mợ Tám, vợ
của hai
cậu ruột tôi, rủ nhau đi lễ cầu tự ở đền Lảnh, gần thị xã Hưng Yên, mẹ
tôi muốn
cho tôi đi theo hai mợ xuống thăm chị tôi luôn thể. Mẹ tôi dặn dò cẩn
thận và
giao phó tôi cho hai mợ. Thế mà đến nơi, hai mợ quẳng vội tôi cho ông
chủ quán
trọ, rồi cứ tỉnh như không, lấy xe đi ngay vào đền Lảnh. Hai mợ bảo
trưa hôm
sau sẽ về, nghĩa là tôi phải ngủ lại một mình ở quán trọ ! Cả buổi
chiều hôm ấy,
tôi đành tha thẩn đi chơi một mình, chờ đến hôm sau vào trường thăm
chị. Năm đó
chắc tôi chỉ độ lên chín tuổi là cùng. Tôi đi quanh quẩn trong thị xã
Hưng Yên,
đếm được vẻn vẹn có 7 phố tất cả. Quen với Hà Nội rồi, xuống đây tôi
thấy phố
xá sao mà buồn tẻ thế. Lần đầu tiên tôi được đặt chân đến một tỉnh nhỏ.
Đêm đến,
ở quán trọ, người ta kê phản ra ngủ cả ở ngoài hiên, vì trời tháng 5
bắt đầu
nóng bức. Tôi cũng chỉ được ngủ trên một chiếc phản gỗ, có manh chiếu
đắp, vì về
sáng có sương xuống lạnh, người ta bảo thế. Mà quả là lạnh thật. Càng
về khuya,
tôi càng cảm thấy cái hiu quạnh của tỉnh lỵ này và nỗi cô đơn của mình
giữa một
nơi xa lạ. Không có những tiếng động quen thuộc như ở một thành phố
lớn. Nửa
đêm, chuột kéo nhau ra rúc rích ở dưới chân. Tôi sợ cứng người, không
dám động
đậy, không dám gọi ai cả, cứ nằm thức như vậy cho đến gần sáng mới chợp
đi được
một giấc.
Cũng may, là cả
ngày hôm sau Chủ nhật, tôi được vào chơi trong trường với chị tôi và
các bạn của
chị. Gặp ngày cả trường các chị được đi ra ngoài dạo chơi, tôi được
phép đi
theo đến một nơi có di tích lịch sử, bây giờ tôi không còn nhớ rõ là từ
thời
nào. Các chị ngồi rải rác từng đám trên bãi cỏ và trên những bực đá.
Một vòng
đông xúm lại xung quanh tôi, các chị bắt tôi hát những bài mà tuổi trẻ
thời ấy
đang thích hát, như "Lục đầu giang", "Hận Ô giang",
"Tráng khí ca", v.v. Sau đó, một hai chị cũng hát cho tôi
nghe.
Trong đám các chị, có chị Châu giọng thật là ấm, một hai chị khác hát
cũng rất
hay. Sau này, vào khoảng năm 43-44, chị Châu đã được tuyển lựa để đóng
vai Nhã
Tiên trong vở ca kịch “Tục Luỵ" của Thế Lữ và Lưu
Hữu Phước.
Kịch "Tục Luỵ" ra mắt công chúng ngày ấy là cả một
sự kiện văn hoá
quan trọng.
Chị tôi mỗi ngày đi học về lại dạy tôi hát một đoạn. Toàn bộ vở kịch,
mà lời là
của Khái Hưng và Thế Lữ (nhưng chủ yếu là của Thế Lữ) đã được nhạc sĩ
Lưu Hữu
Phước, lúc đó còn là sinh viên trường thuốc, phổ nhạc. Hàng ngày các
chị được tập
hát với ông Hiếu, lúc đó là cây đàn piano số 1 ở Hà Nội đệm đàn. Khi vở
kịch
"Tục Luỵ" được đưa ra diễn chính thức ở Nhà Hát
Lớn, vào khoảng
giữa năm 44, có cả một giàn nhạc đệm do nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát điều
khiển.
Về
Hà Nội, tôi kể lại chuyện ngủ đêm một mình ở nhà trọ cho mẹ tôi nghe,
cả nhà ai
nấy đều vừa buồn cười, vừa thương hại, và cứ trách mãi hai mợ. Tội
nghiệp cho
hai bà mợ yêu quý của tôi !
Kỷ
niệm cuối cùng liên quan đến thời kỳ tôi học ở trường Nguyễn Văn Tòng
và chị
tôi ở trường Hàng Cót, là kỷ niệm về một món quà của học trò, mà bây
giờ chắc
không còn ai có dịp thưởng thức nữa
!
Quà ở Hà Nội thì thời nào cũng có quà ngon, nhưng cứ mỗi dạo lại có
thêm dăm ba
món mới. Đối với bọn trẻ con học trò, thì những quà bán ở trong các sân
trường
có một giá trị và một thi vị đặc biệt. Đó là một cái gì không thể thiếu
được
vào giờ ra chơi, cũng như thể những hòn bi để chơi, quả bóng để đá,
những đồng
"xèng" (nút chai bia đập dẹp) để đánh đáo, hay gốc đa để lấy nhựa
!
Ngày
ấy, trong giới học trò ở Hà Nội, vừa mới có cái mốt ăn "bánh tây cặp
chả cốm", một món quà không biết đã được ai bày đặt ra, mà sao ngon thế
!
Nhưng nghĩ lại, thấy nó cũng hơi đài các ! Chả lợn đã là một món ăn
sang rồi, lại
còn cho cốm vào trong, mà cốm thì như chúng ta biết, chỉ đến mùa mới có
thôi,
và đâu phải là rẻ. Nhưng hồi đó bọn trẻ chúng tôi cứ thấy lạ miệng là
thích
thôi, và thấy cái món "đặc sản" ấy rất hợp với khẩu vị của mình ! Cũng
như món "bánh mì
cặp bánh
tôm nóng, rưới nước mắm tỏi", một "đặc sản" khác của hàng
bánh tôm vẫn hay đến đỗ ở phố tôi vào buổi sáng.
Ở
bên trường chị tôi, trường Hàng Cót, vợ chồng người cai trường có một
quầy bán
hàng quà, gồm có độc một chiếc tủ kính và một cái phản gỗ, đặt ở dưới
hiên
chơi. Sau này, vào những năm 48-49, khi trường Chu Văn An đến “đóng đô”
tạm ở
đây trước khi chuyển đến phố Hàng Bài (trường Đồng Khánh cũ), thì chiếc
quầy
bán quà vẫn y hệt như thế. Giờ ra chơi, học trò cũng xúm vào đây để mua
quà.
Trở
lại ngôi trường Hàng Cót của các chị, lúc đó vợ chồng người cai trường
chế ra
món "bánh tây cặp chả cốm", nên rất ăn khách, tiếng đồn lan sang cả
trường Nguyễn Văn Tòng. Bên trường này, hoặc vì người gác trường ít vốn
hơn, hoặc
vì ông ta nghĩ rằng chúng tôi còn nhỏ quá, nên không làm cái món quà
cầu kỳ ấy
làm gì. Cũng có thể là ông ta không muốn tranh với bên trường bên kia.
Và như
thế, là cứ đến giờ ra chơi, tôi lại chạy sang bên trường chị tôi, thập
thò ở
ngoài hàng rào, để đưa tiền nhờ chị mua hộ cho mấy xu "bánh tây cặp
chả cốm". Ăn quà vào giờ ra chơi, lúc bụng đã hơi đoi đói, sao mà thấy
ngon
thế !
1941,
lên 7 tuổi, tôi vào học lớp đồng ấu ở trường Cửa Đông, tức trường Bùi
Xuân
Phái. Năm đó cũng là năm thời cuộc có nhiều chuyển biến quan trọng.
Nhật bắt đầu
tràn vào Đông Dương. Phố phường bắt đầu đầy lính Nhật. Tuy vậy, Pháp
vẫn còn hống
hách đối với dân bản xứ và lính Pháp vẫn còn đóng ở trong thành Cửa
Đông, cho đến
ngày Nhật đảo chính, mồng 9-03-1945.
Thời
kỳ này, từ lúc tôi học lớp đồng ấu lên đến lớp Moyen 1, mỗi sáng trước
khi vào
lớp, học trò phải xếp hàng để chào cờ, một bên là "cờ tam tài", một
bên là "cờ Bảo Đại". Ngày đó, chúng tôi thỉnh thoảng lại còn phải
hát bài ca xưng tụng thống chế Pétain nữa !
Thời
kỳ này cũng là thời kỳ Việt Minh hoạt động mạnh. Tuần nào cũng thấy
truyền đơn
dán đầy trên bức tường rào quanh trường. Đám tang ông Phan Thanh, một
trí thức
yêu nước thời ấy, giáo sư trường Thăng Long, là một sự kiện chính trị
đầu tiên
đập mạnh vào trí tưởng tượng non nớt của tôi và làm cho tôi xúc động.
Kỷ
niệm của tôi về trường Cửa Đông gần như còn nguyên vẹn, không một chi
tiết nào
bị phai mờ. Trước hết, là cái khung cảnh quen thuộc của nó, với cây đa
cổ thụ nằm
ngay ở giữa sân. Những hôm trời mưa to, cả khu phố bị lụt lội, trong
sân trường,
nước ngập đến tận đầu gối, chúng tôi đứa thì leo lên cây đa, đứa thì
bơi nghịch
trong nước bẩn, đương nhiên là có lẫn cả nước cống. Cả các lớp học cũng
bị ngập
nước, chỉ trừ có mỗi lớp "élémentaire" của thầy Thu ở trên tầng gác
thì không bị. Tan học, chúng tôi phải lội về đến hết phố Cửa Đông, tới
đầu phố
Hàng Bát Đàn mới hết bị lụt.
Ngoài
ra, tôi nhớ nhất là những món đòn của các thầy giáo, còn chuyện học
hành, quả
thật không nhớ đã học những gì, học như thế nào, và với ai ! Ai đã từng
học qua
cái trường tiểu học Bùi Xuân Phái hồi nhỏ, hẳn còn nhớ ông giáo Quảng
dạy lớp đồng
ấu, ông Lợi dạy lớp dự bị, ông Thu dạy lớp "élémentaire" và ông Thiện
"chột" dạy lớp Moyen 1.
Các
thầy mỗi người có một cách phạt, cách đánh riêng. Thầy Quảng có lẽ là
người hiền
lành, dễ dãi hơn cả, tôi không nhớ đã bị thầy phạt lần nào. Thầy Lợi
thì suốt từ
sáng đến chiều sừng sộ, quát tháo, bạt tai, đá đít học trò như chơi, có
khi còn
đuổi theo học trò ra đến tận ngoài sân để đánh tiếp ! Thầy Thu có cái
thước kẻ
bằng gỗ lim nổi tiêng từ thế hệ các anh tôi. Thầy chuyên đánh theo lối
cổ điển,
"chân truyền", bắt học trò phải giơ thẳng cánh tay, bàn tay để ngửa
và đếm từng roi một. Đánh như vậy, vừa đau, lại vừa không để lại thương
tích.
Thầy Thiện "chột" không hay đánh, nhưng hay phạt, và thầy rất đáng
sợ, vì mình không biết thầy nhìn về phía nào, vào đứa nào, thành thử
bao giờ thầy
cũng nhìn thấy mình trước khi mình còn đương ngó nghiêng, toan tính,
định làm một
chuyện gì !
Tôi
bị đánh lên đánh xuống, hết lớp này sang lớp khác, đau quá, mỗi lần bị
đòn về lại
kể cho mẹ nghe. Mẹ tôi thương con, có lần đến tận cửa trường gặp thầy
giáo và cứ
hàng năm, đến ngày Tết nhất, tôi lại phải theo mẹ đi lễ Tết thầy giáo !
Các
ông giáo, ở trường thì oai lắm, hét ra lửa với đám học trò đấy, nhưng
thực ra,
khi nhìn vào đời tư của các ông thì lại chẳng thấy có cái gì là oai vệ
cả. Ông
nào ông nấy nghèo xác xơ.
Tôi
còn nhớ, vào ngày trước Tết, mẹ tôi cứ phải lần mò đi vào những ngõ phố
hiểm
hóc để lễ thầy. Các thầy thường sống trong những xóm lao động nghèo khổ
: ngõ
Yên Thái, dốc Hàng than, khu bờ sông, khu Yên Phụ, v.v. nhà cửa thường
là những
căn gác chật chội, đồ đạc giường tủ lôi thôi, vợ con nheo nhóc.
Hình
ảnh còn khắc sâu trong trí nhớ của tôi về thời kỳ này và về người mẹ
đáng
thương của tôi, là một ngày cuối năm, trời tối, gió lạnh hun hút, hai
mẹ con cuốc
bộ leo lên một con đường dốc, đâu như về cuối phố Hàng Than, mé gần bờ
sông
Cái. Mẹ tôi đội ở trên đầu một cái tráp quả lớn, trong có cả một con cá
chép
to, bác tôi vừa đánh được và mang từ dưới Thái Hà Ấp lên. Những năm
khác, mẹ
tôi thường có những lễ vật đơn giản hơn. Năm đó, mẹ tôi bảo đây là của
hiếm, chẳng
mấy khi có, để đem biếu thầy giáo.
Thế
là sau Tết vào học lại, tôi cũng đỡ bị "trù" trong một thời gian
khá lâu, và năm ấy tôi toàn được điểm tốt !
Bao
nhiêu năm đã trôi qua, kể từ những ngày thơ dại ấy ! Biết bao nhiêu đổi
thay,
bao nhiêu quãng đời chồng chất, không làm phai mờ những kỷ niệm xưa.
Thời gian
và không gian dường như chỉ càng làm cho người ta thêm nhớ day dứt. Một
câu, một
chữ, chợt nhớ lại, đôi khi cũng là cả một kỷ niệm.
Tôi
còn nhớ mẹ tôi ngày ấy hay dùng hai tiếng “Ngày sau…" để nói lên những
điều
mà mẹ tôi mong ước cho tôi, vào những buổi trưa im ắng, hai mẹ con ngồi
với
nhau ở cửa hàng của mẹ, mẹ tôi kéo tôi vào lòng, âu yếm vuốt tóc, và
thủ thỉ với
tôi những lời mà ngày ấy tôi chưa hiểu hết ý nghĩa.
Ngày
sau… Ôi cái ngày xa xôi ấy có lẽ đã đến với tôi từ lâu rồi, và nhiều
khi tôi vẫn
tự hỏi mình đã làm được gì xứng đáng để đền đáp lại tấm lòng của mẹ ?
Ngày
sau… Không biết thế hệ những đứa con của chúng ta sẽ có những kỷ niệm
gì, một
khi mà chúng chưa từng được sống trên mảnh đất của tổ tiên, chưa từng
có những
kỷ niệm mà chúng ta đã có ? Điều làm tôi băn khoăn nhất vẫn là : chúng
sẽ trở
nên những con người như thế nào, biết yêu, biết ghét ra sao ?
Nhưng tôi vẫn tin rằng kỷ niệm của mỗi cá nhân, mỗi thế hệ, có thể khác
nhau,
vì cuộc đời có bao giờ lặp lại, nhưng con người không thể sống không
trí nhớ,
cũng như không thể không có tình thương, là cái gạch nối giữa con người
với đồng
loại, vượt qua không gian và thời gian.
Chương 03
Chương 04
Chương 05
Chương 06
Chương 07
Chương 08
Chương 09
Chương 10
Chương 11
Chương 12
Chương 13
Chương 14
Chương 15
Quay về:
Lời giới thiệu: Văn Ngọc - Một người Hà Nội rất Hà NộiCác thao tác trên Tài liệu