Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Hồ sơ / Mao Trạch Đông - Ngàn năm công tội / Mao Trạch Đông - Ngàn năm công tội (13)

Mao Trạch Đông - Ngàn năm công tội (13)

- Tân Tử Lăng — published 27/05/2010 07:37, cập nhật lần cuối 27/05/2010 07:37
Chương 20. Cuộc đọ sức tại đại hội 7.000 người.


Mao Trạch Đông ngàn năm công tội



Tác giả: Tân Tử Lăng
Thông Tấn Xã Việt Nam dịch và in 2009
Người gõ: Mõ Hà Nội



Về xem phần: (1) (2) (3) (4) (5) (6) (7) (8) (9) (10) (11) (12)


Chương 20. Cuộc đọ sức tại đại hội 7.000 người.

Sau khi xảy ra sự kiện hàng loạt người chết đói, lãnh đạo các tỉnh lấy ổn định lòng dân làm chính, không nghe theo sự chỉ huy mù quáng của Trung ương. Một vấn đề nổi bật là không huy động được lương thực, đến trung tuần tháng 11-1961, các địa phương mới hoàn thành 20% chỉ tiêu. Cung ứng lương thực ở ba thành phố lớn Bắc Kinh, Thượng Hải, Thiên Tân cấp báo toàn diện. Lãnh đạo Trung ương lòng như lửa đốt, quyết định triệu tập Hội nghị công tác trung ương mở rộng, với sự tham gia của những người phụ trách chủ yếu các tỉnh uỷ, thành uỷ, khu uỷ, huyện uỷ, các nhà máy, hầm mỏ quan trọng, và một số cán bộ lãnh đạo quân đội. Do có hơn 7.000 người dự, nên gọi là Đại hội 7.000 người. Chủ đề của Hội nghị là “chống chủ nghĩa phân tán”.

Đại hội khởi đầu ngày 11-1-1962, không có lễ khai mạc trọng thể, theo ý kiến của Mao, ngày đầu các đại biểu tự đọc tài liệu từ ngày 12 đến 14-1 thảo luận ở tổ. Các tổ phản ứng dữ, tập trung vào một điểm là không tán thành dự thảo báo cáo nêu vấn đề “chống chủ nghĩa phân tán”, đổ mọi trách nhiệm về sai lầm thất bại trong mấy năm qua lên đầu cán bộ cấp tỉnh trở xuống. Mao thấy không ổn: liền thay đổi sách lược, cho tổ chức lại Uỷ ban khởi thảo báo cáo gồm 21 người, trong đó có Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai. Trần Vân, Đặng Tiểu Bình, Bành Chân…

Ngày 18-1, Bành Chân nói:

- Uy tín của Mao Chủ tịch nếu không cao như ngọn Chumulungma thì cũng cao tựa Thái Sơn, bớt đi vài tấn đất vẫn cao như thế. Cũng chẳng phải Mao Chủ tịch không có khuyết điểm gì, nếu một phần trăm, một phần nghìn sai lầm của Mao cũng không kiểm điểm, thì sẽ để lại ảnh hưởng xấu trong Đảng ta.

Chu Ân Lai và Đặng Tiểu Bình đều nhận trách nhiệm về mình, làm nhẹ sai lầm, tội lỗi của Mao. Thành quả quan trọng nhất của Uỷ ban khởi thảo dự thảo báo cáo sau 4 ngày làm việc là đoạn sau đây:

Nếu nhiều đồng chí chúng ta lĩnh hội tốt hơn Tư tưởng Mao Trạch Đông, biết vận dụng phương pháp thực sự cầu thị, điều tra nghiên cứu mà đồng chí Mao Trạch Đông vẫn đề xướng, nghiêm túc chấp hành những ý kiến chỉ đạo đồng chí đưa ra trong mỗi giờ phút then chốt, thì có thể tránh được, hoặc giảm nhẹ đi rất nhiều những sai lầm trong công tác mấy năm qua, hoặc có thể uốn nắn nhanh hơn sau khi những sai lầm đó nảy sinh”.

Phát biểu trong phiên họp toàn thể đầu tiên 27-1, Lưu Thiếu Kỳ nói thật: Tình hình rất khó khăn, lương thực, quần áo và đồ dùng đều thiếu, ba năm 1959-1961 sản lượng lương thực giảm khá nhiều, sản xuất công nghiệp năm 1961 giảm 40%. Nguyên nhân là “ba phần thiên tai, bảy phần nhân hoạ”.

(Nói “ba phần thiên tai” cũng oan cho ông Trời, bởi ba năm đó ở Trung Quốc nhìn chung, mưa hoà, gió thuận). Buộc Mao chịu trách nhiệm tới 70% là điều Mao không chịu nổi. Phát biểu trên của Lưu khiến Mao thù ghét, ghi thêm món nợ với ông, nhưng lại được đông đảo những người dự hội nghị nhiệt liệt hoan nghênh. Họ thấy Trung ương đã nói thật, không đeo mặt nạ dạy người nữa. Hàng ngày, Lưu đến thảo luận ở các tổ, phát biểu một số ý kiến quan trọng, như đã đến lúc phải phục hồi danh dự cho Bành Đức Hoài. Ông còn dặn Bí thư tỉnh uỷ Hồ Nam cần trả lại tự do cho Lưu Quế Dương (cô gái bị kết án 5 năm tù vì tội mang biểu ngữ “đả đảo Mao Trạch Đông” đến Trung Nam Hải). Chỉ có Lâm Bưu hiểu được nỗi cô độc, bị động và lo ngại của Mao ở hội nghị này, hiểu được giới hạn lớn nhất Mao có thể nhượng bộ, và phòng tuyến cuối cùng Mao phải giữ vững.

Vào lúc Mao cần được ủng hộ nhất, Lâm Bưu bước lên diễn đàn, mang đến cho Mao vòng hào quang mới. Lâm Bưu tiếp tục khẳng định đường lối chung, Đại tiến vọt và công xã nhân dân là đúng đắn. sáng tạo, những khó khăn vấp phải là do không làm theo chỉ thị của Mao. Lâm Bưu nhấn mạnh lịch sử mấy chục năm qua là khi nào tư tưởng của Mao không được tôn trọng, là khi ấy sinh chuyện; do đó, trong thời kỳ khó khăn càng phải đoàn kết đi theo Mao, chỉ có như vậy, Đảng mới có thể đi từ thắng lợi này tới thắng lợi khác… Lâm Bưu đã ủng hộ mạnh mẽ vị trí thống trị đang lung lay dữ của Mao. Lâm nói xong, Mao đứng dậy vỗ tay, Lưu Thiếu Kỳ và các uỷ viên Thường vụ Bộ Chính trị chần chừ một lát rồi đứng lên theo, họ không có dũng khí để cho quan hệ với Mao đổ vỡ. Tuy vỗ tay hoan hô, nhưng đại đa số những người dự hội nghị rất phản cảm trước phát biểu của Lâm Bưu. Ngay hôm đó trên hội trường xuất hiện biểu ngữ “Đả đảo Mao Trạch Đông”. Mao không cho điều tra vụ việc, và nghiêm cấm để lọt thông tin này ra ngoài.

Được phát biểu của Lâm Bưu dọn đường, ngày 30-1, Mao đã có bài nói dài, nhấn mạnh tập trung thống nhất, khôi phục và tăng cường chế độ tập trung dân chủ, chống chủ nghĩa phân tán. Mao nói: Đại tiến vọt do toàn Đảng ra tay làm, nảy sinh một số vấn đề phải do toàn Đảng chịu trách nhiệm, chứ không đùn đẩy cho người khác. Có thể phục hồi đảng tịch và công tác cho những người bị quy sai là cơ hội hữu khuynh, song đối với những kẻ trùm cơ hội hữu khuynh, chẳng những không phục hồi, mà còn phải lập tổ chuyên án tiếp tục thẩm tra vấn đề “câu lạc bộ quân sự” và tư thông với nước ngoài.

Sau đó, bài nói trên của Mao qua 7 lần sửa chữa, lược bỏ những câu thoái thác trách nhiệm quá rõ, rồi mới phát cho cán bộ từ cấp huyện và trung đoàn trở lên.

Trong phát biểu, Đặng Tiểu Bình đã khéo léo lẩn tránh việc đánh giá ba ngọn cờ hồng và trách nhiệm về mấy chục triệu người chết đói. Tự đáy lòng, ông mong trong tình hình giữ được thể diện, Mao chủ động rút khỏi vũ đài lịch sử, để Lưu Thiếu Kỳ lãnh đạo toàn đảng toàn dân vượt qua thời kỳ không bình thường này. Lên tiếng tại buổi họp cuối cùng, Chu Ân Lai bám sát định hướng do Mao vạch ra, và nhận hết trách nhiệm về mình.

Qua Đại hội 7.000 người, Mao thấy đại đa số cốt cán không còn ủng hộ ông ta nữa. Sau Đại hội, vấn đề trung tâm Mao ngày đêm suy nghĩ là dùng hình thức và phương pháp nào để đánh bại các lực lượng chống đối mình. Còn điều Lưu, Chu, Trần, Đặng trăn trở là làm thế nào khôi phục sản xuất, vượt qua khó khăn, để nhân dân ăn no, đất nước thoát khỏi khủng hoảng. Mao tính toán: hãy để các người khôi phục sản xuất, đợi khi khó khăn trước mắt qua đi, không để các người kịp thanh toán ba ngọn cờ hồng, ta sẽ ra tay trước, phát minh lý luận mới, tổ chức lực lượng mới, phê phán các người hữu khuynh, đi con đường tư bản chủ nghĩa, khiến các người rơi vào thế bị động, trở tay không kịp.

Cuộc đấu tranh mới đã bắt đầu dưới cái vỏ bề ngoài “nhất trí”. Theo nhật ký của Đặng Dĩnh Siêu, tại Đại hội trên, nhiều người yêu cầu Mao rút lui. Ngày 10-2, Mao họp Thường vụ Bộ Chính trị để làm rõ điều này. Chu Đức, Trần Vân, Đặng Tiểu Bình hoan nghênh Mao thôi chức Chủ tịch Đảng. Chu Ân Lai kiên trì: “Chủ tịch tạm lui về tuyến 2, Chủ tịch vẫn là Chủ tịch”. Với vị trí và ảnh hường của Chu Ân Lai trong đảng, lá phiếu của ông mang tính quyết định, Lưu Thiếu Kỳ không nói nổi một câu ép Mao rút lui.

Trong những năm tháng nhân dân cả nước đói kém, để tỏ ra cùng nhân dân chung hoạn nạn, Mao tuyên bố không ăn thịt lợn, thịt gà từ 1-1-1961. Việc này kéo dài được 7 tháng.

Nhưng trên thực tế, trong những ngày nhân dân cả nước đói rét, Mao sống rất sa đoạ. Nguyên soái Bành Đức Hoài can ngăn Mao tuyển phi tần, đã bị giam lỏng, chẳng ai còn dám bàn tán về đời tư của Mao. Phòng Bắc Kinh trong Nhà Quốc hội được đổi thành “Phòng họp 11-8”, bên trong trang hoàng còn lộng lẫy hơn cả điện Kremlin, thật ra đây là hành cung để Mao chuyên bí mật vui thú với các nữ nhân viên phục vụ. Thư Ngẫu Trai trong Trung Nam Hải được sửa sang lại, trở thành sàn nhảy riêng, mỗi tuần tổ chức hai lần vũ hội, các nhân viên nữ trong Trung Nam Hải và nữ diễn viên Đoàn văn công quân đội được tuyển lựa làm bạn nhảy của Mao, họ đồng thời là đối tượng để Mao chọn gái qua đêm. Mao làm như vậy để tiêu khiển, cũng để Lưu Thiếu Kỳ tưởng rằng Mao đã chìm đắm trong nữ sắc, không quan tâm công việc triều chính nữa.

Do Mao gợi ý, nhiều nơi đua nhau xây dựng hành cung cho ông ta. Khu biệt thự tựa lưng vào phần mộ họ Mao ở Thiều Sơn (Hồ Nam) diện tích xây dựng 3.638 m2, có hầm ngầm dài hàng trăm mét có thể chống động đất, chống bom nguyên tử, phòng độc, một đại đội thường xuyên bảo vệ. Khu nhà được xây dựng từ nửa cuối năm 196l đến cuối năm 1962, vào lúc tỉnh Hồ Nam có 2,48 triệu người chết đói, phí tổn xây dựng 120 triệu NDT, đủ để nuối sống 2,48 triệu người trong một năm. Khách sạn Tây Giao xây riêng cho Mao ở Thượng Hải cả khuôn viên xung quanh rộng hơn 60 héc ta, trên 100 nhân viên túc trực ngày đêm. Cả hai “hành cung” trên, trong suốt mười mấy năm, Mao chỉ đến ở mỗi nơi có vài ngày. Việc phung phí tiền bạc như trên khiến sự tích Mao mấy tháng không ăn thịt, mặc chiếc áo ngủ vá víu… trở nên mờ nhạt.

Suốt đời Mao chú trọng quyền lực, coi thường của cải. Việc Mao ra lệnh hoặc ngầm cho phép các nơi trong những năm tháng khó khăn nhất vung tiền như rác xây dựng các công trình xa hoa phục vụ ông ta mang ý nghĩa chính trị nhiều hơn ý nghĩa hưởng thụ, chiếm hữu. Mao biết rõ chẳng dùng được mấy ngày, cũng không thể để lại cho con cháu. Mao muốn dùng phương thức đó để củng cố vị trí của mình, cho toàn đảng biết rằng tuy lui về tuyến 2, nhưng ông ta vẫn nắm chắc quyền lực, vẫn là vị thần số một, toàn đảng tôn thờ.

Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Mao Trạch Đông
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Yda: Un court-métrage Hanoi - Warszawa 29/11/2024 19:00 - 21:00 — Médiathèque Jean-Pierre Melville, 79 rue Nationale, Paris 75013, M° Olympiades
Les Accords de Genève, espoirs et désillusions au cœur de la guerre froide. De l’indépendance à la division du Vietnam 11/12/2024 16:30 - 18:00 — Bibliothèque François-Mitterrand, Quai François Mauriac - 75706 Paris Cedex 13
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us