Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Hồ sơ / Mao Trạch Đông - Ngàn năm công tội / Mao Trạch Đông - Ngàn năm công tội (20)

Mao Trạch Đông - Ngàn năm công tội (20)

- Tân Tử Lăng — published 03/06/2010 07:04, cập nhật lần cuối 03/06/2010 07:04
Chương 32. Mao - Lâm quyết đấu ở Lư Sơn.


Mao Trạch Đông ngàn năm công tội



Tác giả: Tân Tử Lăng
Thông Tấn Xã Việt Nam dịch và in 2009
Người gõ: Mõ Hà Nội



Về xem phần: (1) (2) (3) (4) (5) (6) (7) (8) (9) (10) (11) (12) (13) (14) (15) (16) (17) (18) (19)


Chương 32. Mao - Lâm quyết đấu ở Lư Sơn.

Hạ tuần tháng 8-1970, Hội nghị Trung ương 2 khoá 9 họp tại Lư Sơn, có 253 người dự. Ngày 19-8 Mao lên núi, ông có 3 ngày đọc sách, nghỉ ngơi trước khi vào việc.

Ngày 20, Lâm Bưu và những người thân cận lên núi. Sáu đường truyền tin quân dụng được đặt tại nơi ở để Lâm chỉ huy quân đội trong cả nước, ngoài ra còn hai máy bay lên thẳng Skylark đậu trên núi chờ lệnh.

Chiều 22, Thường vụ Bộ Chính trị thảo luận vấn đề chức danh Chủ tịch nước. Lâm Bưu, Chu Ân Lai, Trần Bá Đạt, Khang Sinh chủ trương Chủ tịch Đảng kiêm Chủ tịch nước, tức là về hình thức, có nguyên thủ quốc gia. Như vậy là ngoài Mao, các uỷ viên Thường vụ đều tán thành ông làm Chủ tịch nước. Sở dĩ xuất hiện cục diện trên vì Mao đã 4 lần, công khai nói không đặt chức danh Chủ tịch nước, bản thân không làm Chủ tịch nước, nhưng mặt khác lại gợi ý Lâm Bưu giới thiệu ông ta làm Chủ tịch nước. Mọi người không biết chắc ý đồ thật sự của Mao là gì.

Cái Mao coi trọng là Chủ tịch Đảng và gắn với nó là Chủ tịch Quân uỷ Trung ương đầy quyền lực, chứ không phải Chủ tịch nước chỉ có quyền hờ. Mao đã hứa riêng sẽ nhường Lâm Bưu chức Chủ tịch Đảng, còn mình sang làm Chủ tịch nước, một khi Lâm kiên trì kiến nghị Mao làm Chủ tịch nước, có nghĩa là Lâm ép Mao nhường chức Chủ tịch Đảng cho mình. Trong mắt Mao, việc làm đó đã hoàn toàn phơi trần dã tâm cá nhân của Lâm Bưu. Cùng một đề nghị Mao làm Chủ tịch nước, Chu Ân Lai và Khang Sinh nêu ra thì được Mao coi là thiện, song Lâm Bưu nêu ra lại bị coi là ác ý, là mưu toan chiếm quyền. Cơn giận lôi đình của Mao khởi nguồn từ đây.

Lâm Bưu cho rằng: Mao chân thành muốn chuyển giao quyền lực cho mình. Sau khi mắc tội ác tày trời làm chết đói 37,55 triệu người trong Đại tiến vọt và quay lưng lại với toàn Đảng trong Đại cách mạng văn hoá, Mao phải hiểu rõ hơn ai hết rằng sau khi ông ta qua đời, chỉ có Lâm Bưu có thể giữ vững cục diện. Tách khỏi sự ủng hộ của Lâm Bưu thì không thể có vị trí lịch sử “luôn luôn đúng đắn” của Mao Trạch Đông. Lâm không tin rằng Mao có thể đùa cợt, giăng bẫy hại Lâm. Đến khi nhận ra âm mưu quỷ kế của Mao, Lâm phẫn nộ nói với vợ con:

- Mọi người không thấy hắn giống một tên lưu manh sao? Giống lắm! Nếu sau này ta thua hắn, thì chỉ thua ở chỗ không đủ lưu manh bằng hắn mà thôi.

Khi bị Mao từng bước dồn ép sau, Lâm cha nói với Lâm con:

- Lão Hổ, con hãy nhớ, ta không cai trị nổi đất nước này. Ngay trong tình hình bình thường, ta cũng không biết quản lý đất nước ra sao. Một nước lớn như thế này, kinh tế, chính trị, văn hoá… đều rất phức tạp. Ta không thích công việc hành chính, không thích giao lưu, sức khỏe cũng không tốt, không thể quản lý đất nước. Ta tự biết mình, chưa bao giờ muốn làm Chủ tịch nước. Ta chỉ biết chút ít về quân sự, rất nhiệt tình đối với thống nhất đất nước, phát triển sản xuất và cải thiện đời sống nhân dân, nhưng năng lực có hạn. Ta muốn giữ vững quyền lực tham gia đời sống chính trị, đảm bảo quân đội phát huy vai trò bình thường, thế là đủ.

Đoạn trên Lâm nói rõ không làm Chủ tịch nước, đoạn dưới thể hiện muốn giữ vững cục diện, cầm lái, làm Chủ tịch Đảng kiêm Chủ tịch Quân uỷ Trung ương.

Phát biểu tại Thành Đô, Mao nói phe Lâm Bưu muốn Mao làm Chủ tịch nước là động tác giả, muốn Lâm làm Chủ tịch Đảng là thật.

Nhưng đó là chuyện về sau, xin độc giả trở lại Hội nghị Lư Sơn tháng 8-1970. Trước cuộc họp chính thức, Lâm đã có cuộc nói chuyện riêng rất dài với Mao. Lâm báo cáo cuộc tranh luận giữa Trương Xuân Kiều và Ngô Pháp Hiến khi thảo luận dự thảo hiến pháp, và ngỏ ý muốn nói vài lời về vấn đề này trước Hội nghị. Mao trả lời: có thể nói, nhưng không nêu tên. Đến lúc này, Lâm vẫn cho rằng Giang Thanh giới thiệu Trương Xuân Kiều làm Thủ tướng, để Giang làm Chủ tịch Đảng là dã tâm của bà ta, chứ không phải ý đồ của Mao.

Chiều 23-8, Hội nghị khai mạc dưới sự điều khiển của Mao Trạch Đông. Mở đầu, Lâm Bưu nói:

- Tôi vẫn kiên trì quan điểm Chủ tịch Mao Trạch Đông là thiên tài. Đồng chí Mao Trạch Đông là người Mácxít-Leninnít vĩ đại nhất thời đại ngày nay. Đồng chí đã kế thừa, bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác-Lenin một cách thiên tài, sáng tạo và toàn diện.

Về chức Chủ tịch nước, Lâm Bưu nói khá mập mờ:

- Dự thảo hiến pháp lần này thể hiện một đặc điểm là khẳng định vị trí lãnh tụ vĩ đại, nguyên thủ quốc gia và thống soái tối cao của Mao Chủ tịch, không định tư tưởng Mao Trạch Đông là tư tưởng chỉ đạo nhân dân cả nước, điều này rất quan trọng, là linh hồn của hiến pháp.

Khang Sinh “hoàn toàn tán thành và ủng hộ” phát biểu của Lâm Bưu. Khang nói mọi ý kiến đều tán thành Mao làm Chủ tịch, Lâm làm Phó Chủ tịch nước, nếu Mao không nhận thì Lâm mới làm Chủ tịch nước, nếu cả hai đều không nhận, thì bãi bỏ chương này trong hiến pháp. Mao lặng im, theo dõi tình hình, tìm đối sách.

Sớm 24-8, Diệp Quần gặp Ngô Pháp Hiến, Lý Tác Bằng, Khưu Hội Tác truyền đạt ý kiến của Lâm Bưu:

1. Phải ủng hộ phát biểu của Lâm Bưu, kiên trì quan điểm thiên tài;

2. Kiên trì đặt chức Chủ tịch nước, để Mao giữ chức vụ này;

3. Có thể móc nối một số uỷ viên trung ương trong Không quân, Hải quân, Tổng cục chính trị để họ phát biểu, chú ý không nêu tên;

4. Chĩa mũi nhọn chủ yếu vào Trương Xuân Kiều, sau Trương là Giang Thanh, nhưng không được đụng đến Giang nửa chữ.

Sáng 24, theo đề nghị của Ngô Pháp Hiến, những người dự hội nghị lên hội trường nghe băng ghi âm phát biểu của Lâm Bưu. Buổi chiều, các tổ thảo luận, Diệp Quần đi khắp nơi tung tin bài nói của Lâm đã được Mao đồng ý.

Tại Tổ Hoa Bắc, Trần Bá Đạt ca ngợi phát biểu của Lâm Bưu về việc dự thảo hiến pháp khẳng định vị trí của Mao, Trần nói viết được như vậy là “trải qua nhiều cuộc đấu tranh và là kết quả đấu tranh”; có người đang lợi dụng sự khiêm tốn của Mao, mưu toan hạ thấp tư tưởng Mao.

Tổ trưởng Lý Tuyết Phong mời Uông Đông Hưng phát biểu. Uông nói:

- Tôi hoàn toàn ủng hộ bài nói quan trọng của Phó Chủ tịch Lâm Bưu, hoàn toàn tán thành phát biểu vừa rồi của đồng chí Trần Bá Đạt. Tôi thay mặt Văn phòng Trung ương và Bộ đội 8341, kiên quyết yêu cầu đặt chức chủ tịch nước, kiến nghị lãnh tụ vĩ đại Mao Chủ tịch làm Chủ tịch nước. Tình hình đồng chí Bá Đạt vừa nói là vô cùng nghiêm trọng. Trong Đảng ta còn một số kẻ có dã tâm, khôn khéo phản đối lãnh tụ vĩ đại Mao Chủ tịch, đó là đường lối Lưu Thiếu Kỳ không có Lưu Thiếu Kỳ, đại diện cho đường lối phản động của Lưu. Chúng tôi rất mong muốn Phó Chủ tịch Lâm Bưu làm Phó Chủ tịch nước.

Do thân phận đặc biệt của Uông, mọi người cho rằng ý kiến của ông ta có thể biểu hiện ý hướng chân thực của Mao, nên đều lắng tai nghe. Họ cảm thấy đã nắm được “long mạch” của Mao. Thì ra mấy lần Mao nói không làm Chủ tịch nước chỉ là “sự khiêm tốn vĩ đại”. Về sau xuất hiện tin ngắn số 2 của Tổ Hoa Bắc, phần cuối viết:

Mọi người nhiệt liệt hoan nghênh phát biểu hôm qua của Phó Chủ tịch Lâm, cho rằng bài nói này có ý nghĩa chỉ đạo cực lớn đối với Hội nghị Trung ương 2 khoá 9. Nghe phát biểu của các đồng chí Bá Đạt, Đông Hưng tại tổ, cảm thấy càng hiểu sâu hơn phát biểu của Phó Chủ tịch Lâm. Nhất là khi được biết trong Đảng ta còn có người mưu toan phủ nhận lãnh tụ vĩ đại Mao Chủ tịch là thiên tài vĩ đại nhất của thời đại ngày nay, mọi người tỏ ra cảm phẫn mạnh mẽ nhất, cho rằng ngày nay đã trải qua 4 năm Đại cách mạng văn hoá mà trong Đảng còn có kẻ tư tưởng phản động như vậy, tình hình thật nghiêm trọng. Loại người này là những kẻ có dã tâm, có âm mưu, những phần tử phản động cực đoan, phần tử phản cách mạng một trăm phần trăm, là những kẻ đại diện cho đường lối phản động Lưu Thiếu Kỳ không có Lưu Thiếu Kỳ, làm tay sai của đế quốc, xét lại và phản động, làm những kẻ xấu, phải lôi cổ chúng ra cho mọi người biết, phải đưa chúng ra khỏi đảng, đấu cho chúng đổ sụp, thối rữa ra, phải băm vằm chúng ra, toàn Đảng lên án chúng, cả nước hỏi tội chúng. Tự đáy lòng mình, mọi người tán thành khôi phục chương Chủ tịch nước trong hiến pháp, điều 2 hiến pháp tăng thêm Mao Chủ tịch là Chủ tịch nước, Lâm Phó Chủ tịch là Phó Chủ tịch nước…

Phát biểu tại các tổ Trung Nam, Tây Nam, Tây Bắc… Diệp Quần, Ngô Pháp Hiến, Lý Tác Bằng, Khưu Hội Tác đều tập trung ủng hộ bài nói của Lâm Bưu. Bản tin ngắn số 2 của Tổ Hoa Bắc vừa phát ra, mọi người phấn khích, đòi lôi ra những kẻ phản đối Mao là thiên tài.

Trần Bá Đạt đang ngắm cảnh núi rừng thì Uông Đông Hưng chạy đến lo lắng nói:

- Tôi vừa gặp Giang Thanh. Bà ta nói phát biểu của chúng ta đi chệch hướng. Thế là thế nào?

Trần bình tĩnh:

- Kiến nghị Mao Chủ tịch làm Chủ tịch nước là thiên kinh địa nghĩa, đừng sợ. Trương Xuân Kiều dựa vào Giang Thanh ủng hộ nên mới dám coi thường Lâm Phó Chủ tịch. Hắn là kẻ có dã tâm, có âm mưu. Ông yên tâm đi, Mao Chủ tịch không thể chỉ cần bà xã mà không cần bạn chiến đấu thân thiết và người kế tục.

Đến lúc này, Trần và Uông vẫn cho rằng Mao và Lâm không thể tách rời, vị trí người kế tục của Lâm Bưu không thể, lung lay, Mao thà từ bỏ vợ, chứ không từ bỏ người kế tục; sau Mao, chỉ có Lâm Bưu khống chế được tình hình rối loạn sau Đại cách mạng văn hoá; một nhà chính trị lớn mưu lược sâu xa như Mao sẽ không mắc sai lầm hồ đồ trong những vấn đề lớn. Mọi người đâu có ngờ rằng trong nội tâm sâu thẳm, Mao chỉ muốn truyền ngôi cho Giang Thanh, Lâm chỉ đóng vai “chuyền 2”, nhiệm vụ của Lâm là đoạt quyền từ tay Lưu Thiếu Kỳ, chuyển cho Giang Thanh. Khi Lâm giữ rịt lấy không chịu trao, Mao phải đích thân đứng ra buộc Lâm trao quyền. Đương nhiên, Mao sẽ không trực tiếp trao quyền cho Giang Thanh, mà cần chọn vai “chuyền 2” khác, một người mà Mao cho rằng sẽ tự nguyện, tự giác trao quyền cho Giang Thanh, đưa Giang vào, ghế Chủ tịch Đảng sau khi Mao về chầu trời. Đó là một chính khách loại hai, loại ba, yếu kém một chút, xem đi, xét lại, Mao chọn được Hoa Quốc Phong. Mao muốn thực hiện gia đình trị, lại không muốn chịu tiếng xấu gia đình trị. Vấn đề này sẽ nói tiếp ở phần sau.

Thấy phe Lâm Bưu muốn bắt Trương Xuân Kiều, Giang Thanh cuống lên, sáng 25 cùng Trương đến cầu cứu Mao.

Chiều 25, Mao hẹn Lâm đến gặp. Lâm đưa vợ đi cùng, nhưng, vừa vào cửa, cảnh vệ chặn Diệp Quần lại, chỉ cho một mình Lâm Bưu vào. Mao vẻ mặt nghiêm túc, nói thẳng:

- Đồng chí Lâm Bưu, vừa lên Lư Sơn tôi đã nói Hội nghị này phải là hội nghị đoàn kết, thắng lợi, đừng làm cho nó biến thành hội nghị chia rẽ, thất bại. Không khí hội nghị hai ngày qua không bình thường!

Lâm cố ý tỏ ra kinh ngạc:

- Có vấn đề gì vậy, thưa Chủ tịch?

- Bá Đạt dẫn đầu, một là kiên trì đặt chức Chủ tịch nước, hai là kiên trì thuyết thiên tài. Cổ động một số người, lừa dối một số người khác gây rối, với thế san bằng Lư Sơn, cho trái đất ngừng quay, Họ san bằng Lư Sơn tôi cũng không làm Chủ tịch nước, tôi khuyên ông cũng đừng giữ chức vụ này.

- Tôi vốn muốn đặt chức Chủ tịch nước là để Chủ tịch đảm đương, chứ không phải tôi muốn ngồi vào vị trí này. Có lẽ trong phát biểu của tôi tại buổi khai mạc có gì không thoả đáng?

- Tôi biết ông và Trần Bá Đạt có quan điểm nhất trí về vấn đề thiên tài. Nhưng tình hình hai người khác nhau. Bá Đạt là phần tử chống cộng chui vào Đảng cộng sản, hôm nay tôi nhắc nhở ông phải giữ khoảng cách, vạch rõ ranh giới với hắn”.

- Vâng, tôi sẽ lưu ý mấy uỷ viên Trung ương trong quân đội.

Mao cố ý nói đây là cuộc đấu tranh giữa Trần Bá Đạt và Trương Xuân Kiều. Mao nói tiếp:

- Còn Trương Xuân Kiều tiếp tục xem xét hai năm. Hai năm sau tôi nghỉ rồi, giao ông xử lý!

Lời hứa hai năm nữa sẽ chuyển giao quyền lực tạm làm Lâm Bưu yên lòng.

Mao lại gặp Chu Ân Lai, Trần Bá Đạt, Khang Sinh, một phiếu phủ định bốn phiếu, các uỷ viên Thường vụ Bộ chính trị đều tán thành không đặt chức Chủ tịch nước.

Sau đó, Mao triệu tập Hội nghị Thường vụ Bộ chính trị mở rộng, nghiêm túc tuyên bố ba điều:

1. Ngừng họp ngay, chấm dứt thảo luận về phát biểu của Lâm Bưu tại buổi khai mạc.

2. Thu hồi bản tin ngắn số 2 của Tổ Hoa Bắc.

3. Không được bắt người, phải đoàn kết theo tinh thần Đại hội 9. Phát biểu của Trần Bá Đạt tại Tổ Hoa Bắc trái với tinh thần Đại hội 9.

Tuy biết rõ người đứng đầu gây chuyện là Lâm Bưu, nhưng Mao lôi Trần Bá Đạt ra trị, làm yên lòng Lâm Bưu, vì Trần vốn là công cụ của Mao, nay con thuyền của Mao chưa bục, mà Trần đã thay thay đổi chủ, một mực ngả theo ý Lâm. Mặt khác, Lâm đã đặt 6 đường truyền tin chuyên dụng tại nơi ở để chỉ huy quân đội trong cả nước, lại có 2 máy bay lên thẳng Skylark sẵn sàng chờ lệnh trên núi, không thể ép Lâm quá mức. Đề phòng ngừa bất trắc, Mao lại gọi Hứa Thế Hữu, uỷ viên Bộ Chính trị, Tư lệnh Đại quân khu Nam Kinh đến dặn dò…

Trong hai ngày 26 và 27, Chu Ân Lai, Khang Sinh liên tục gặp Ngô Pháp Hiến, Lý Tác Bằng, Khưu Hội Tác, buộc họ viết kiểm điểm. Ngày 29, Mao chỉ thị Lâm chủ trì Hội nghị Thường vụ Bộ chính trị mở rộng, Trần Bá Đạt và Ngô Pháp Hiến kiểm điểm lần đầu. Trần nhận khuyết điểm phát ngôn mang tính kích động, không nghe theo lời Mao, kiên trì đòi đặt chức Chủ tịch nước, xuyên tạc phát biểu của Lâm, làm rối loạn tư tưởng mọi người, nói lung tung về thiên tài. Ngô Pháp Hiến nhấn mạnh đã mắc lừa Trần Bá Đạt, đổ mọi lỗi cho Trần, bảo vệ Lâm Bưu-Diệp Quần.

Ngay từ đầu, Chu Ân Lai đã chỉ định Hoàng Vĩnh Thắng ở lại Bắc Kinh “trông nhà”, nên 31-8, Hoàng mới lên Lư Sơn. Vừa gặp Hoàng, Diệp Quần ứa nước mắt:

- Mấy ngày qua gay quá, may mà ông lên muộn, không dính vâo.

Diệp quay sang Ngô Pháp Hiến:

- Ông mắc sai lầm, nhưng không sao, còn có Lâm Bưu và Hoàng Vĩnh Thắng. Chỉ cần không liên luỵ đến hai vị này, thì mọi chuyện dễ giải quyết, chức vụ của ông không thay đổi.

Ngày 6-9-1970, Hội nghị bế mạc. Trần Bá Đạt bị cách ly thẩm tra.

Sau khi rời Lư Sơn, Mao Trạch Đông nêu Uông Đông Hưng thành tấm gương sau khi kiểm điểm vẫn được trọng trụng, để ép và dụ Diệp, Ngô, Lý, Khưu kiểm điểm, tiến tới ép và dụ Lâm Bưu kiểm điểm. Một ngày cuối tháng 9, Mao cử Uông tới thuyết phục Lâm Bưu, với lời dặn dò:

- Cố gắng để Lâm Bưu viết kiểm điểm. Chỉ cần Lâm nhận thức được sai lầm của mình, tôi vẫn hoan nghênh ông ta. Bản kiểm điểm này phải gắn với những sai lầm trong lịch sử.

Gặp Uông, Lâm phàn nàn:

- Hiện nay tôi không còn cách nào liên hệ với Hoàng Vĩnh Thắng và một số người, kể cả ông, vì sợ Giang Thanh, Trương Xuân Kiều lại kể tội trước mặt Chủ tịch. Tôi không hình dung nổi vì sao Chủ tịch lại tin vào những lời lẽ xằng bậy, gây ly gián của họ!

Uông nói:

- Tôi cũng không sao giải thích nổi vấn đề trên. Song tôi nghĩ trong tình hình này, để chủ động, Lâm Phó Chủ tịch nên viết kiểm điểm gửi Chủ tịch có lẽ tốt hơn.

Đôi mất Lâm Bưu toé ra những tia sáng lạnh, nhìn thẳng Uông Đông Hưng:

- Ông muốn tôi để người ta nắm gáy hay sao? Đây là cá nhân ông quan tâm tôi, hay có người cử ông tới đây làm thuyết khách?

Uông cứng họng, im lặng.

Lâm nói tiếp:

- Nếu tôi viết kiểm điểm, Chủ tịch sẽ công bố trong toàn đảng, như vậy chẳng khác gì tôi thừa nhận “sai lầm” trước toàn đảng, toàn quân và toàn dân. Không! Tôi không thể mắc lừa mấy kẻ cầm bút ấy. Tôi chẳng có sai lầm gì cả, tôi cũng không viết kiểm điểm trái với lòng mình.

- Vậy chúng ta kết thúc vụ này như thế nào? Cứ căng thẳng thế này không phải là biện pháp.

- Tôi không thể trả lời vấn đề này. Tôi, Diệp Quần và các đồng chí trong Tổ làm việc Quân uỷ Trung ương đều đang bị thẩm tra. Lịch sử của chúng tôi không thể nghi ngờ. Mọi việc để Chủ tịch quyết định, tôi xưa nay vẫn tin vào sự lãnh đạo và quyết đoán sáng suốt của Người.

Như hạ quyết tâm cuối cùng khi lâm trận, Lâm Bưu ngả người trên xa lông, không nói gì nữa. Uông Đông Hưng gượng gạo ra về.

Lâm Bưu mang tính cách một nhà quân sự, chỉ có thắng bại, không có thoả hiệp, chiết trung. Nhớ lại thời chiến tranh giải phóng, Lâm và Bành Chân bất đồng về phương châm chiến lược. Bành Chân khi ấy là uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Cục Đông Bắc, Chính uỷ Liên quân Dân chủ Đông Bắc, sau lưng có Lưu Thiếu Kỳ ủng hộ. Lâm tuy là Tư lệnh Đông Bắc, nhưng trong Đảng chỉ là uỷ viên Trung ương. Cuối cùng báo cáo Mao Trạch Đông, Mao quyết định cử Lâm Bưu làm Bí thư Cục Đông Bắc, Tư lệnh kiêm Chính uỷ Liên quân Dân chủ Đông Bắc, Bành Chân bị giáng xuống làm Phó Bí thư kiêm Phó Chính uỷ. Sau giải phóng, từ Đàm Chính đến La Thuỵ Khánh, ai trái ý Lâm Bưu, người đó gặp vận đen. Giang Thanh. Trương Xuân Kiều là cái thá gì? Dựa vào mụ đàn bà và mấy gã cầm bút liệu có ngăn nổi dòng thác toàn đảng, toàn quân và toàn dân phản đối Đại cách mạng văn hoá không? Liệu cố bịt nổi miệng thế gian, không cho người ta tính sổ nợ làm chết đói mấy chục triệu người không? Chỉ có dựa vào Lâm Bưu này, dựa vào Dã chiến quân thứ 4 của ta, không được Lâm Bưu ủng hộ thì không có Đại cách mạng văn hoá, không có vị trí tối cao của Mao Trạch Đông ngày nay. Trần Bá Đạt nói đúng: Mao không thể chỉ cần vợ, không cần người kế tục.

Ngày 8-10, Mao gửi thư ngắn thăm hỏi, nhắc Lâm giữ gìn sức khỏe. Trong thư trả lời ngày 10, Lâm lùi để tiến:

“Tôi cảm thấy sâu sắc không theo kịp lời dạy của Chủ tịch về đường lối và tư tưởng, không thích ứng được sự phát triển của tình hình cách mạng, không thích hợp làm người kế tục, xin Chủ tịch định liệu, tôi hoàn toàn ủng hộ quyết định của Chủ tịch”.

Mao xem xong, viết thư trả lời:

“Tôi không thể làm trái với qui định trong Điều lệ Đảng và quyết định của Đảng. Hai ta vẫn cơ bản nhất trí về đường lối và những vấn đề nguyên tắc lớn”

Sách lược của Mao là làm yên lòng Lâm Bưu, rồi vặt dần lông cánh của Lâm.

Ngày 6-11, Mao cho công bố quyết định thành lập Tổ Tuyên truyền-tổ chức Trung ương do Khang Sinh làm Tổ trưởng, và năm tổ viên: Giang Thanh, Trương Xuân Kiều, Diêu Văn Nguyên, Kỷ Đăng Khuê, Lý Đức Sinh. Tổ này phụ trách công tác của Ban Tổ chức Trung ương, Trường Đảng Trung ương, Nhân dân nhật báo, Tạp chí Hồng Kỳ, Tân Hoa Xã, Cục Phát thanh-truyền hình, Quang minh nhật báo, Cục Biên dịch Trung ương. Chức Tổ trưởng của Khang Sinh chỉ là danh nghĩa, Kỷ Đăng Khuê và Lý Đức Sinh bận quá nhiều việc quân đội và chính quyền, chỉ là hai dải áo, thực quyền của bộ máy này nằm trong tay Giang Thanh. Nó chính là “Tổ cách mạng văn hoá” đã xoá bỏ sau Đại hội 9 nay sống lại dưới tên gọi khác, là biến dạng của Ban Bí thư, là “Tổ làm việc Trung ương” đối kháng “Tổ làm việc Quân uỷ Trung ương”. Mười ngày sau, Tổ ra chỉ thị triển khai cuộc vận động phê phán Trần Bá Đạt, chỉnh phong.

Mao tổng kết 3 chiêu trong cuộc đấu tranh với tập đoàn Lâm Bưu là:

1. Ném đá (phê vào các bản kiểm điểm của Diệp Quần, Ngô Pháp Hiến… rồi công bố trong toàn Đảng);

2. Trộn cát (cử những người không thuộc Dã chiến quân thứ 4 như Kỷ Đăng Khuê, Trương Tài Thiên vào Tổ làm việc Quân uỷ Trung ương);

3. Khoét chân tường (cải tổ Ban lãnh đạo Đại quân khu Bắc Kinh).

Mao Trạch Đông phê bình Tổ làm việc Quân uỷ Trung ương không phê phán Trần Bá Đạt. Ngày 20-2-1971, Tổ viết báo cáo kiểm điểm về vấn đề này. Mao phê vào báo cáo trên: “Vì sao mấy đồng chí cứ bị động mãi về vấn đề phê phán Trần Bá Đạt? Phải suy nghĩ kỹ vấn đề này, biến bị động thành chủ động”.

Phê Trần là cái cớ, thật ra Mao muốn họ tố cáo và phê phán Lâm Bưu.

Hội nghị phê Trần, chỉnh phong tổ chức tại Bắc Kinh từ 15 đến 29-4, chủ yếu giải quyết vấn đề Hoàng Vĩnh Thắng, Ngô Pháp Hiến, Diệp Quần, Lý Tác Bằng, Khưu Hội Tác.

Ngày 19, Lâm Bưu về Bắc Kinh nhằm ổn định tinh thần họ.

Ngày 29, Mao uỷ quyền Chu Ân Lai kết luận hội nghị, nội dung chính là: “Trước, trong và sau Hội nghị Lư Sơn, năm đồng chí trong Tổ làm việc Quân uỷ Trung ương về chính trị mắc sai lầm phương hướng, đường lối, về tổ chức mắc sai lầm bè phái, nhưng tính chất sai lầm vẫn là vấn đề nội bộ nhân dân, hoàn toàn khác với tính chất của phần tử chống cộng Trần Bá Đạt”.

Mao vẫn chưa đạt mục đích ép Lâm kiểm điểm. Lâm có gửi cho Mao một lá thư, nhưng không phải kiểm điểm, mà là đặt điều kiện. Trong thư, Lâm cho rằng giữa hai người vẫn có lợi ích chung, là củng cố thành quả Đại cách mạng văn hoá. Lâm khuyên Mao trong 10 năm, không cách chức, không chặt đầu người của Lâm, thì có thể đảm bảo 10 năm không loạn. Diệp Quần cho rằng Mao không thể chấp nhận điều kiện trên, nên không cho chuyển thư đi. Lâm thấy mình có lý vì đã “phụng mệnh hành sự” (đề nghị đặt chức Chủ tịch nước theo ý Mao) nên nhiều lần đề nghị gặp Mao, trực tiếp nói rõ mọi chuyện, nhưng Mao biết mình đuối lý, dứt khoát không gặp, cũng như đối với Cao Cương trước đây.

Để yên lòng Lâm Bưu, Mao bảo Giang Thanh chụp cho Lâm bức ảnh đầu trần, đang chăm chú đọc tác phẩm của Mao. Ảnh chụp 6-9, ký tên Tuấn Lĩnh, đăng trên bìa đầu “Báo ảnh Nhân dân” và “Báo ảnh Quân Giải phóng”. Mao muốn nói với Lâm rằng: dù phong trào “phê Trần, chỉnh phong” diễn ra sôi động, Hoàng, Ngô, Diệp, Lý, Khưu đã kiểm điểm, nhưng đến lúc này, vị trí người kế tục của Lâm không lung lay. Đồng thời. Mao cũng muốn chứng tỏ với toàn đảng, toàn quân, toàn dân rằng quan hệ Mao-Lâm rất thân thiết, che đậy cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc ở tầng lớp cao.

Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Mao Trạch Đông
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Indochine: 70 ans après les Accords de Genève 21/11/2024 16:00 - 18:00 — BnF site François-Mitterrand, Quai François Mauriac, 75706 Paris Cedex 13 | Zoom
Yda: Un court-métrage Hanoi - Warszawa 29/11/2024 19:00 - 21:00 — Médiathèque Jean-Pierre Melville, 79 rue Nationale, Paris 75013, M° Olympiades
Les Accords de Genève, espoirs et désillusions au cœur de la guerre froide. De l’indépendance à la division du Vietnam 11/12/2024 16:30 - 18:00 — Bibliothèque François-Mitterrand, Quai François Mauriac - 75706 Paris Cedex 13
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us