Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Hồ sơ / Mao Trạch Đông - Ngàn năm công tội / Mao Trạch Đông - Ngàn năm công tội (4)

Mao Trạch Đông - Ngàn năm công tội (4)

- Tân Tử Lăng — published 18/05/2010 00:07, cập nhật lần cuối 18/05/2010 00:07
Chương 5. Thiết lập thể chế chính trị chuyên chế một đảng - Chương 6. Ba cuộc họp, một cuốn sách làm bùng lên cao trào hợp tác hoá nông nghiệp


Mao Trạch Đông ngàn năm công tội


Tác giả: Tân Tử Lăng
Thông Tấn Xã Việt Nam dịch và in 2009
Người gõ: Mõ Hà Nội



Về xem phần: (1) (2)(3)



Chương 5. Thiết lập thể chế chính trị chuyên chế một đảng

Thắng lợi trong cuộc chiến tranh Triều Tiên và việc Stalin qua đời khiến Mao cảm thấy mình là người hùng số một trên thế giới ngày nay, chỉ cần ông ta quyết tâm, vung tay lên là chẳng có việc gì không làm nổi trên đời này. Mao phải dựa vào vũ đài lịch sử là Trung Quốc, chỉ huy 600 triệu dân tiến hành sự nghiệp lớn long trời lở đất, ai bàn ra tán vào, ai kiềm chế, cản trở, phản đối Mao, ông ta sẽ đoạn tuyệt với người đó, bất kể là bạn cũ, chiến hữu cũ, bất kể nhân sĩ ngoài đảng hay đồng chí trong đảng. Mao cho rằng ông là người hiểu nông dân nhất, song người mà ông ta hiểu là nông dân thời đại “báo cáo khảo sát phong trào nông dân Hồ Nam”, ông ta không thật sự hiểu lý tưởng, ước mơ, những ưu tư và lo ngại của nông dân được chia ruộng sau cải cách ruộng đất. Địa vị chí tôn đã ngăn cách ông khỏi nông dân rất xa. Mấy năm sau, Mao đã ngã bật ngửa ngay trên địa bàn nông dân, nông nghiệp và nông thôn, lĩnh vực ông cho rằng mình hiểu nhất, thông thạo nhất.

Trung ương ĐCSTQ vốn định xây dựng xong chủ nghĩa xã hội mới định ra hiến pháp. Stalin cho rằng nếu “Chính phủ liên hiệp” tồn tại lâu dài, Trung Quốc có thể phát triển theo hướng dân tộc chủ nghĩa, nên ông kiên trì đòi Trung Quốc sớm định ra hiến pháp. Liên Xô đã thiết kế cho Trung Quốc mô hình chuyển đổi thể chế theo kinh nghiệm các nước Đông Âu.

Tháng 9-1954, Kỳ họp thứ nhất Quốc hội Trung Quốc khoá 1 đã thông qua hiến pháp do Mao Trạch Đông khởi thảo. Tại kỳ họp này, chính phủ liên hợp đổi thành chính phủ một đảng, các nhân sĩ dân chủ cơ bản bị gạt khỏi cơ cấu quyền lực. Hội nghị hiệp thương chính trị vốn có chức năng Quốc hội nay biến thành cơ quan tư vấn; Hội đồng Chính vụ và Hội đồng Chính phủ nhân dân trung ương thành phần chủ yếu là các nhân sĩ dân chủ bị xoá bỏ, thay vào đó là Hội nghị Quốc vụ tối cao; Chính Vụ Viện đổi thành Quốc vụ Viện (Chính phủ), quyền hạn tăng thêm, nhưng trong hàng Phó thủ tướng không có một nhân sĩ dân chủ nào. Tháng 9-1954, tái lập Quân uỷ Trung ương, quyền thống soái và chỉ huy quân đội nằm trong tay một mình Mao Trạch Đông.

Cơ cấu quyền lực mà Mao thiết kế về bản chất giống thể chế độc tài của Tưởng Giới Thạch. Đảng đứng trên Quốc hội, lãnh tụ đứng trên Đảng. Về lý luận nói sự lãnh đạo của Đảng nhất trí với nhân dân làm chủ. Vấn đề là khi nảy sinh tình trạng không nhất trí thì quyền quyết định cuối cùng thuộc về ai? Nói Đảng quyết định cũng không phải Ban chấp hành trung ương thảo luận, biểu quyết, mà do lãnh tụ độc đoán quyết định. Đây là một thể chế dân chủ giả, chuyên chế thật. Nó đã không ngăn cản nổi 50 vạn tri thức bị qui thành phái hữu và bị đàn áp, không ngăn chặn được việc điên cuồng phát động phong trào Công xã hoá và Đại tiến vọt, cũng không có phản ứng nào khi cuộc Đại cách mạng văn hoá kiểu phát xít xoá bỏ hiến pháp, đình chỉ hoạt động của Quốc hội.

Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất phát triển kinh tế quốc dân đã được soạn thảo khá nghiêm túc. Tháng 8-1952, dự thảo khung kế hoạch đã được Chu Ân Lai, Trần Vân, mang sang xin ý kiến Stalin và Chính phủ Liên Xô. Tháng 10-1954, Mao Trạch Đông, Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai đã dành một tháng cùng nhau thảo luận, sửa đổi bản thảo kế hoạch chi tiết, tháng 11 Bộ Chính trị thảo luận trong 11 ngày. Tháng 3-1955, Hội nghị toàn quốc của Đảng thảo luận, tháng 7 Quốc hội chính thức thông qua, tháng 11 và 12, Chính phủ ban bố lệnh thực hiện trong cả nước. Nhưng kế hoạch thực hiện được hơn 2 năm thì Mao Trạch Đông gạt Thủ tướng và Chính phủ sang một bên, với tư cách Chủ tịch đảng cầm quyền, đích thân đứng ra chỉ huy công cuộc xây dựng kinh tế. Thế là vừa ngủ dậy, Mao đã có một chủ ý mới, đang bơi hứng lên liền quyết định tăng sản lượng gang thép lên gấp 2 lần, chỉ tiêu kế hoạch thay đổi từng ngày, làm rối loạn cả nông nghiệp và công nghiệp, cuối cùng làm rối loạn kinh tế cả nước.


Chương 6. Ba cuộc họp, một cuốn sách làm bùng lên cao trào hợp tác hoá nông nghiệp

Công cuộc hợp tác hoá, cộng thêm việc thu mua lương thực và cải tạo tư thương khiến tình hình nông thôn rất căng thẳng.

Trong cuộc họp Ban Bí thư ngày 20-4-1955, Mao và các nhà lãnh đạo Trung Quốc cho rằng cả nước đã có 67 vạn hợp tác xã lực lượng chủ quan kiểm soát không nổi, cần ngừng phát triển một năm rưỡi, để củng cố. Mao đưa ra mục tiêu cả nước hợp tác hoá xong trong 15 năm mỗi kế hoạch 5 năm hoàn thành 1/3. Nhưng chỉ hơn mười ngày sau, Mao lại hoàn toàn thay đổi ý kiến, yêu cầu tăng gấp rưỡi số hợp tác xã hiện có vào cuối năm 1957, và hơn một tháng sau lại đưa ra mục tiêu mới: tăng gấp đôi (lên 130 vạn) vào mùa xuân năm 1956. Ông chỉ thị 5 tháng cuối năm 1955, lãnh đạo các cấp từ tỉnh đến xã phải tập trung vào vấn đề hợp tác hoá. Cơ sở để Mao đưa ra quyết định trên là “cao trào xã hội chủ nghĩa đang xuất hiện ở nông thôn Trung Quốc”.

Tổng kết Hội nghị Trung ương 6 khoá 7 ĐCSTQ bàn về hợp tác hoá nông nghiệp tháng 10-1955, Mao kêu gọi làm cho phong kiến, đế quốc, tư bản và sản xuất nhỏ “tuyệt chủng” trên trái đất. Qua đó người ta thấy Mao coi đế quốc tư bản và sản xuất nhỏ đều là khái niệm chính trị, biện pháp tiêu diệt những thứ đó cũng là thủ đoạn chính trị, thể hiện ông không hiểu biết lý luận kinh tế đến mức ngạc nhiên.

Sau hội nghị trên, những ai dám nói thẳng, nói thật, nêu lên hiện trạng sản xuất và đời sống ở nông thôn đều bị phê phán, bị qui là hữu khuynh, nhiều người bị cách chức. Những ai biết lựa ý cấp trên, báo cáo dối trá bịa đặt, không cần biết đến “nhân từ, lương tâm”, được coi là đã “theo kịp tư tưởng, đường lối” của Mao. Lãnh đạo nhiều tỉnh gửi báo cáo lên Trung ương phản ánh tình hình “rất tốt đẹp”, chứng minh “cao trào xã hội chủ nghĩa ở nông thôn” mà Mao dự báo quả thật đã đến rồi!

Tạo ra cao trào hợp tác hoá nông nghiệp không phải do “tính tích cực xã hội chủ nghĩa” của đông đảo nông dân, mà do mệnh lệnh, cưỡng bức. Bi kịch của Mao là khác với thời kỳ chiến tranh, ông không có cách nào tiếp cận quần chúng, cũng có một số cuộc tiếp xúc, nhưng gặp ai, ở đâu, người được gặp ăn mặc ra sao, nói gì, đều được thao diễn trước, và sẽ diễn ra trong hàng rào bảo vệ dày đặc của lực lượng an ninh từ cơ sở tới trung ương ông rất khó biết được quần chúng nghe gì, cũng như nỗi lo âu và khát vọng của nông dân. Ông chỉ có thể dựa vào báo cáo của các tỉnh gửi lên. Trong tình trạng “báo tin vui được vui, báo tin buồn phải chịu buồn”, các Bí thư thứ nhất Tỉnh uỷ phải lần mò mẫm được ý hướng của Mao, rồi mới dám gửi tài liệu lên Trung Nam Hải. Họ lựa theo thuyết “cao trào” của Mao, phản ánh nông thôn đã xuất hiện cao trào xã hội chủ nghĩa, nông dân quả thật tích cực đi theo con đường XHCN.

Đến cuối tháng 11-1955, nông thôn cả nước đã thực hiện hợp tác hoá, 116,74 triệu hộ nông dân tham gia hợp tác xã, chiếm 96,1 số hộ nông dân trong cả nước, trong đó có 488.500 hợp tác xã cấp cao với 83% số hộ nông dân. Thế là kỳ tích xuất hiện: chỉ 4 năm đã hoàn thành kế hoạch cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nông nghiệp, vốn dự định làm trong 15 năm: Giữa lúc đang trông đợi hợp tác hoá nông nghiệp đưa đến sản xuất đại phát triển, thì Mao nhận được nhiều thông tin xấu: nông dân nhiều nơi xin ra khỏi hợp tác xã vì thu nhập quá thấp. Mao cho rằng đây là cuộc đấu tranh giữa hai con đường xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa ở nông thôn. Cần có một cuộc đọ sức giai cấp quyết liệt, phải đẩy lùi “cuộc tấn công điên cuồng của các thế lực tư bản chủ nghĩa ở nông thôn”. Mao không có cách nào nâng cao năng suất lao động cho các hợp tác xã, tăng thu nhập cho xã viên, nhưng ông lại có cách hạ thấp năng suất lao động, giảm thu nhập của trung nông giàu. Số liệu phát triển kinh tế có thể bịa ra, nhưng bình quân lương thực, dầu ăn, phiếu vải đến tay mấy trăm triệu người thì không thể bịa ra được. Qua 20 năm vật vả trong nghèo nàn, sau khi Mao chết, hoàn bộ Công xã nhân dân đã sụp đổ, quay lại khoán sản tới hộ, khôi phục làm ăn riêng lẻ. Đó là sự lựa chọn của lịch sử.

Nay lại có người la lối khoán sản tới hộ là sai lầm, muốn nông nghiệp phát triển, nông dân giàu lên, vẫn phải tập thể hoá và hợp tác hoá. Khoán sản tới hộ là khởi đầu, không phải kết thúc tiếp sau bước khởi đầu, đó là tư hữu về ruộng đất (nông dân có thể mua, bán, thuê ruộng đất), hợp nhất, phân hoá, ruộng đất tập trung vào tay những người sản xuất giỏi, tư nhân, hình thành những hộ nông dân lớn, cuối cùng là nông trang tư nhân, đó là nội dung của chính sách nông nghiệp, đương nhiên không thể khoán sản tới hộ rồi kết thúc. Vấn đề hiện nay là không ai dám làm tiếp bài thơ mà Đặng Tiểu Bình đã phá đề. Lãnh đạo cấp cao sợ phải gánh trách nhiệm phục hồi chủ nghĩa tư bản ở nông thôn; ở cấp dưới thì chính quyền nắm trong tay quyền sở hữu ruộng đất, có thể tùy tiện khai thác, lợi dụng tài nguyên đất đai, tước đoạt ruộng đất vốn phải thuộc về nông dân (chỉ bồi thường chút ít mang tính tượng trưng).

Thế là “vấn đề tam nông” ngày càng nghiêm trọng. Nguồn gốc vấn đề “tam nông” ở Trung Quốc hơn 50 năm qua là nông dân bị tước quyền sở hữu ruộng đất trong phong trào hợp tác hoá, “Toàn bộ đất đai thuộc sở hữu nhà nước” đã treo cơ sở của “tam nông” lơ lửng trên không. Từ khi cải cách mở cửa đến nay đã ra 8 văn kiện số l của Trung ương vẫn chưa giải quyết được, bởi trong tư tưởng chỉ đạo vẫn lảng tránh vấn đề bản chất là “người cày có ruộng”. Trên cơ sở khoán sản tới hộ, phải thực hiện chính sách lớn người cày có ruộng, tư hữu hoá ruộng đất với 2 tiêu chí chủ yếu: một là quyền sở hữu không thời hạn có thể thừa kế, hai là có thể mua, bán, cho thuê.

Khi thức tỉnh về những sai lầm trong quá khứ, ĐCSTQ mưu toan lấy cuộc Đại tiến vọt năm 1958 làm ranh giới, cho rằng hợp tác hoá cơ bản đúng đắn, công xã hoá mới làm hỏng mọi chuyện. Như vậy là không đúng. Các nước trong tập đoàn Liên Xô tìm cách thông qua hợp tác hoá nông nghiệp để nông dân thoát khỏi nghèo nàn, cũng chẳng có nước nào thành công.


Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Mao Trạch Đông
Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us