Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Hồ sơ / Mao Trạch Đông - Ngàn năm công tội / Mao Trạch Đông - Ngàn năm công tội (5)

Mao Trạch Đông - Ngàn năm công tội (5)

- Tân Tử Lăng — published 19/05/2010 07:51, cập nhật lần cuối 19/05/2010 07:51
Chương 7. Các nhà tư bản gióng trống, khua chiêng đi lên chủ nghĩa cộng sản - Chương 8. Đường lối Đại hội 8 sát thực tế - Chương 9. Địa ngục văn chương lớn nhất trong lịch sử loài người


Mao Trạch Đông ngàn năm công tội


Tác giả: Tân Tử Lăng
Thông Tấn Xã Việt Nam dịch và in 2009
Người gõ: Mõ Hà Nội


Về xem phần: (1) (2) (3) (4)



Chương 7. Các nhà tư bản gióng trống, khua chiêng đi lên chủ nghĩa cộng sản

Sau mùa mùa hè năm 1955, “cao trào” hợp tác hoá nông nghiệp ảnh hưởng mạnh mẽ đến cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa trong ngành thủ công nghiệp và công thương nghiệp tư bản tư doanh. Đến cuối năm 1956, ngành này đã cơ bản hoàn thành việc chuyển sang kinh tế tập thể, 92% số người làm nghề thủ công đã được tổ chức trong gần 10.000 hợp tác xã. Từ cuối năm 1955, Thượng Hải, tiếp đó là Bắc Kinh, Thiên Tân, cùng nhiều tỉnh và thành phố khác đã xuất hiện cao trào công ty hợp doanh trong toàn ngành công thương. Đến tháng 6-1956, đã hoàn thành toàn diện công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nông nghiệp, thủ công nghiệp và công thương nghiệp tư bản trong cả nước.

Xoá bỏ chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất ở nước Trung Hoa 600 triệu dân, một biến đổi xã hội long trời lở đất như vậy mà Mao Trạch Đông đã làm xong trong thời gian ngắn ngủi. Sức hấp dẫn chính trị của ông ta quả đáng thán phục. Tạo ra được một tình thế chính trị đặc biệt, trào lưu xã hội đặc biệt, để các nhà tư sản “gióng trống, khua chiêng” đi lên chủ nghĩa cộng sản, Mao Trạch Đông quả là một cao thủ trong đấu tranh chính trị.

Xét về chính trị, công cuộc cải tạo XHCN đối với công thương nghiệp tư bản chủ nghĩa và cải tạo các nhà tư sản của ĐCSTQ rất thành công: không đổ máu; không “tước đoạt”, mà thực hiện chính sách “trưng mua”, đều là việc chưa từng có trong lịch sử. ĐCSTQ tự hào về điều đó. Nhưng người ta nghi ngờ tính tất yếu và tiến bộ của biện pháp này, xét về kinh tế về giải phóng và phát triển lực lượng sản xuất về sáng tạo văn minh vật chất và thúc đẩy tiến bộ xã hội…

Kinh điển để Mao cải tạo xã hội chủ yếu là “Tuyên ngôn Đảng Cộng sản”. Tư tưởng chủ nghĩa xã hội không tưởng của “Tuyên ngôn Đảng Cộng sản” kết hợp với quan điểm “đại đồng” của Trung Quốc hình thành mô hình chủ nghĩa xã hội không tưởng Mao Trạch Đông. Sự phát triển của nó là Mác + Tần Thuỷ Hoàng, thêm thắt nhiều thứ mang tính chất phong kiến, cuối cùng biến chất thành chủ nghĩa xã hội phong kiến.

Vừa cầm quyền liền tính chuyện tiêu diệt chế độ tư hữu, tiêu diệt giai cấp tư sản, tiêu diệt phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, vội vã tiến hành ba cuộc cải tạo, dựa vào chính quyền nhà nước lấy bạo lực làm hậu thuẫn, không sợ giai cấp tư sản dân tộc chống lại, không sợ nông dân không nghe lời. Một số ý kiến và quan điểm của Mao về cải tạo xã hội chủ nghĩa và cách mạng xã hội chủ nghĩa có vẻ đúng đắn, song khảo sát tổng hợp thì đây là hệ thống tư tưởng chủ nghĩa xã hội không tưởng. Sai lầm cơ bản là nghiêm trọng xa rời thực tế, đi ngược lại quy luật kinh tế, chủ quan muốn đẩy mạnh phát triển lực lượng sản xuất, trên thực tế đã phá hoại và huỷ diệt hàng loạt lực lượng sản xuất, bóp nghẹt, cản trở lực lượng sản xuất ra đời và phát triển. Tuy chế độ tư bản chủ nghĩa có hàng ngàn, hàng vạn tội ác, đáng bị lật đổ hàng trăm lần, nhưng nó có cái hay như đã nêu trong “Tuyên ngôn Đảng cộng sản” là sáng tạo ra lực lượng sản xuất cao hơn tổng lực lượng sản xuất của mọi thời đại trước đây. Mao muốn làm tuyệt chủng chủ nghĩa tư bản và sản xuất nhỏ, nhưng không làm nổi. Mao có thể tổ chức quân tình nguyện đánh bại người Mỹ trên chiến trường Triều Tiên, có thể dùng chính quyền trong tay tước đoạt tài sản của các nhà tư sản và những người sản xuất nhỏ, nhưng ông ta không tạo ra được lực lượng sản xuất cao hơn chủ nghĩa tư bản. Thậm chí không tạo ra được lực lượng sản xuất cao hơn sản xuất nhỏ ở nông thôn, nên không thể làm tuyệt chủng chủ nghĩa tư bản và sản xuất nhỏ. Bất cứ nhân vật vĩ đại nào cũng bất lực trước qui luật kinh tế, chỉ có thể thuận theo, không thể chống lại.

Động cơ cá nhân khiến Mao Trạch Đông vội vã từ bỏ lý luận đúng đắn của chủ nghĩa dân chủ mới và đường lối đúng đắn của Hội nghị Trung ương 2 khoá 7 là ông ta nôn nóng muốn làm lãnh tụ của Phong trào Cộng sản quốc tế. Sau khi Stalin từ trần, Mao cho rằng Trời sẽ trao nhiệm vụ lớn cho ông ta, chỉ có Mao đủ tư cách lấp chỗ trống do Stalin để lại. Muốn lãnh đạo Phong trào cộng sản và phe xã hội chủ nghĩa, mà nước mình lại thực hiện chủ nghĩa dân chủ mới, hình thái xã hội lạc hậu một thời đại so với các nước xã hội chủ nghĩa, thì không đủ tư cách lãnh tụ, do đó, phải nhanh chóng trở thành một nước XHCN hùng mạnh. Đó là nguồn gốc tư tưởng khiến Mao mắc phải chứng bệnh nóng vội trong vấn đề xây dựng.

“Ba cuộc cải tạo lớn” là việc làm rất sai lầm và ngu xuẩn của Mao với động cơ cao cả và lý luận thiêng liêng.

Cả đời Mao chưa hề đến thế giới tư bản chủ nghĩa chưa nhìn thấy phương thức sản xuất qui mô lớn và nền văn minh vật chất của chủ nghĩa tư bản. Khái niệm của ông về chủ nghĩa tư bản cố định ở mỏ than An Nguyên năm 1921. Ông chưa chuẩn bị đầy đủ về lý luận cho xây dựng kinh tế. Là những người tham gia quyết sách tối cao, Lưu Thiếu Kỳ và Chu Ân Lai cũng có phần trách nhiệm về những sai lầm của Mao làm cho đất nước rối tung lên.


Chương 8. Đường lối Đại hội 8 sát thực tế

Đại hội 8 ĐCSTQ họp tháng 9-1956 trong tình hình quốc tế và trong nước phức tạp. Đại hội 20 Đảng Cộng sản Liên Xô phê phán Stalin làm cho Mao Trạch Đông rất vui vì Stalin từng ủng hộ Vương Minh chống lại Mao, nhưng cũng khiến ông ta lo ngại làn sóng chống tệ sùng bái cá nhân trên thế giới sẽ ảnh hưởng đến vị trí của mình trong ĐCSTQ. Mao cho rằng sau khi Stalin qua đời, không ai đáng ngồi vào chiếc ghế lãnh tụ Phong trào cộng sản quốc tế hơn ông ta, Nhưng với sự kiện trên, một số cách nghĩ và cách làm của ông ta phải chậm lại.

Muốn làm lãnh tụ thế giới, làm người cầm cờ của Phong trào cộng sản, phải làm tốt mọi việc của Trung Quốc, tạo ra kỳ tích chấn động thế giới trong thời gian ngắn.

Đại hội đã đề ra đường lối thực tế xây dựng chủ nghĩa xã hội gồm 10 chính sách lớn với đặc điểm lấy mô hình phát triển kế hoạch 5 năm của Liên Xô làm mẫu, lấy xây dựng kinh tế làm trung tâm.

Theo chỉ thị của Mao, Điều lệ đảng không nêu “Tư tưởng Mao Trạch Đông” nữa, bởi nội dung của nó đồng nhất với chủ nghĩa Mác-Lenin. Mao làm như vậy không phải do khiêm tốn, mà vì ông sợ bên ngoài hiểu lầm, cản trở ông ta trở thành lãnh tụ thế giới bởi sau thế chiến II, danh tiếng của Stalin lớn hơn Mao nhiều, mà Stalin chỉ nêu chủ nghĩa Mác-Lenin, không nêu chủ nghĩa hoặc “tư tưởng Stalin”.

Đại hội đã bầu ra Ban chấp hành trung ương mới gồm 97 uỷ viên chính thức, 73 uỷ viên dự khuyết. Ban chấp hành trung ương đã bầu ra Bộ Chính trị gồm 37 uỷ viên chính thức, 6 uỷ viên dự khuyết. Thường vụ Bộ Chính trị gồm Chủ tịch Đảng Mao Trạch Đông, 4 phó Chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai, Chu Đức, Trần Vân. Tống Bí thư Đặng Tiểu Bình.

Khi bầu Chủ tịch Đảng, Mao không được 100% số phiếu, kiểm tra nét chữ trên các lá phiếu, phát hiện Mao không bầu mình, mà bỏ phiếu cho Lâm Bưu, dẫn đến nhiều phỏng đoán. 20 tháng sau, tại Hội nghị Trung ương 5 khoá 8, Lâm Bưu được bầu làm Phó Chủ tịch Đảng và Thường vụ Bộ chính trị.

Điều đáng tiếc nhất là Mao đã quay lưng lại với đường lối thực tế của Đại hội 8. Trong mấy năm sau đó, Mao lần lượt lật đổ 10 chính sách lớn, thay bằng 10 chính sách tương phản, hình thành đường lối chủ nghĩa xã hội không tưởng của ông ta.


Chương 9. Địa ngục văn chương lớn nhất trong lịch sử loài người

Tháng 11-1956, Mao Trạch Đông tuyên bố chuẩn bị chỉnh phong, chống các bệnh chủ quan, bè phái, quan liêu.

Ngày 27-4-1957, Trung ương ĐCSTQ chính thức ra chỉ thị tiến hành chỉnh phong. Ngày 30-4, Mao gặp gỡ các nhà lãnh đạo các đảng phái dân chủ và đại diện giới trí thức, động viên họ góp ý kiến với ĐCSTQ, giúp chỉnh phong, sửa chữa khuyết điểm, sai lầm. Nhiều cuộc họp đã được tổ chức để lấy ý kiến phê bình. Đông đảo trí thức ngoài đảng từ giáo viên tiểu học tới giáo sư đại học, nhiều nhân vật có tên tuổi không những ở Trung Quốc mà cả trên thế giới đã thẳng thắn, chân thành, thiện chí vạch ra những yếu kém, sai lầm của ĐCSTQ từ trung ương đến địa phương. Thông tin về các cuộc họp này được đăng tải trên báo chí hàng ngày. Trưởng ban Mặt trận thống nhất trung ương Lý Duy Hán ba ngày một lần báo cáo Mao và Thường vụ Bộ Chinh trị. Tình hình diễn biến xem ra không như Mao mong đợi. Đến khi Lý phản ánh ý kiến của La Long Cơ rằng ở Trung Quốc hiện nay “tiểu trí thức của chủ nghĩa Mác-Lenin lãnh đạo đại trí thức của giai cấp tiểu tư sản, người mù chỉ đường người sáng mắt”, thì Mao nổi giận dữ dội. Mao vốn định thông qua cuộc vận động này để từng bước xác lập vị trí lãnh đạo tư tưởng của mình trong giới trí thức, nay thấy họ khác công nông, trong khi các nhà lãnh đạo cấp cao đều coi Mao là nhà lý luận và nhà tư tưởng vĩ đại, thì họ lại coi ông là “tiểu trí thức”. Xem ra không thể làm cho những người này sùng bái mình. Thế là Mao quyết tâm đánh đổ “những phần tử đại trí thức của giai cấp tư sản”, dùng quyền lực tạo dựng quyền uy của bản thân. Ông ta tiếp tục cho tổ chức các cuộc hội đàm nhằm “dụ rắn ra khỏi hang”, khiến phong trào chỉnh phong nửa đường biến chất, không còn là thành tâm phát động quần chúng góp ý kiến cho đảng cầm quyền, mà là trị những quần chúng góp ý kiến, lùng bắt phái hữu trong số đó. Mao dựng lên “vụ án chống đảng Chương-La”, (Chương Bá Quân, Chủ tịch Đảng Dân chủ Công Nông, Bộ trưởng Giao thông; và La Long Cơ, Phó Chủ tịch Đồng minh Dân chủ, Bộ trưởng Lâm nghiệp, lãnh tụ tinh thần của giới trí thức từ Âu Mỹ về). Theo thống kê chính thức, trong cuộc đấu tranh này, có 552.877 trí thức bị qui là phái hữu, bị đầy đoạ trong 20 năm trời. Đến khi sửa sai (1980), chỉ có 96 người thật sự là phái hữu, chiếm 1,8 phần vạn, nghĩa là trong 1 vạn người chưa đến 2 người.


Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Mao Trạch Đông
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Yda: Un court-métrage Hanoi - Warszawa 29/11/2024 19:00 - 21:00 — Médiathèque Jean-Pierre Melville, 79 rue Nationale, Paris 75013, M° Olympiades
Les Accords de Genève, espoirs et désillusions au cœur de la guerre froide. De l’indépendance à la division du Vietnam 11/12/2024 16:30 - 18:00 — Bibliothèque François-Mitterrand, Quai François Mauriac - 75706 Paris Cedex 13
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us