Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Hồi Ký T. V. Giàu / HỒI KÝ TRẦN VĂN GIÀU (VI)

HỒI KÝ TRẦN VĂN GIÀU (VI)

- Trần Văn Giàu — published 05/01/2011 15:12, cập nhật lần cuối 07/01/2011 20:25
Chống lại "Huyền thoại Đông Dương" của đô đốc Decoux và "chủ nghĩa Đại Đông Á" của phát xít Nhật


HỒI KÝ
TRẦN VĂN GIÀU
(VI)



Phần thứ ba

TỔ CHỨC LẠI XỨ UỶ

(tiếp theo kỳ V)



Về lại Sài Gòn : Chỉ thị của Xứ ủy cho Ban cán sự thành


Về Sài Gòn lần này, lần cuối năm 1943, tôi đi thẳng lên Gò Vấp. Gò Vấp là một quận ngoại ô kế cận của Sài Gòn. Trong ý thức của tôi, Gò Vấp của Sài Gòn là Saint-Denis của Paris ; sát với Paris, thị xã Saint-Denis nổi tiếng là thị xã “đỏ”, ở đây Đảng Cộng sản luôn luôn toàn thắng trong các lần bầu cử hội đồng thị xã. Đa số nhân dân Gò Vấp có cảm tình với Đảng Cộng sản Đông Dương, không phải mới đây thôi mà từ 1930 kìa. Những năm 1933, 1934, 1935, khi Xứ uỷ Nam Kỳ lập lại và hoạt động, thì vùng Xóm Thuốc - Bào Lăng - Hàng Điệp từng là căn cứ, là một nơi an toàn của Xứ uỷ chúng tôi. Năm 1942, khi tôi từ Đà Lạt về Phú Lạc, tôi đã nhờ Bảy Trân lên Gò Vấp, lại nhà Sáu Sáng để xem nơi đó còn là nơi an toàn không ? Kỳ này về Sài Gòn, định “cắm sào” hơi lâu, thì ngoài Phú Lạc, tôi chọn Gò Vấp làm một nơi căn cứ, căn cứ thứ hai, căn cứ thứ ba sẽ là Chợ Đệm sau khi tôi gặp Bảy Trân.


Xóm Thuốc, Bàu Lăng, Hàng Điệp là một vùng tiểu công nghiệp : nhuộm vải, sắc thuốc. Đa số dân làm nghề nhuộm, sắc thuốc. Ở đây gần con sông thường được gọi là sông “Miếu nổi” (có một cù lao trên đó dựng lên một cái miễu không biết từ bao giờ, tiếng đồn linh thiêng lắm), dưới sông này có một thứ bùn gì mà, hễ vải dệt xong, đem chôn dưới bùn đó một thời gian, vải trắng trở thành vải đen, đem vải phơi ở miếng đất trống xung quanh cái đồn Tây bỏ hoang gần đó khô rồi cuốn lại thành cây vải, đem về đập nện mấy ngày thì vải trở nên láng lẫy. Tiếng vồ đập vải cộp cộp cả ngày đêm, tháng này qua tháng nọ. Vùng này lại là vùng trồng thứ thuốc lá ngon nhất Nam Kỳ, thuốc Gò Vấp, hút say mê tơi ; tới mùa thì cây thuốc đầy đồng bao nhiêu chục, có khi cả trăm mẫu, cao lút đầu người. Họp hội nghị trong đám ruộng thuốc lá thì có trời mới phát hiện nổi và có trời mới vây bắt được. Dân chúng ở cái vùng ngoại ô này làm nghề nhuộm, nghề sản xuất thuốc lá, rồi cả ngàn người làm thợ, làm thầy trong thành phố, chiều năm giờ, sáu giờ thì cỡi xe đạp về nhà để sáng sớm lại vào thành. Các tiểu chủ xe thổ mộ, những người trồng, sắc thuốc, dệt nhuộm và công nhân lao động của vùng này đã từng đi biểu tình vào Sài Gòn nhiều lần từ những năm 1936-1937, từng tham gia tổng bãi công để ủng hộ Tạo 1, Ninh 2, Thâu 3 khi các anh này bị Thống đốc Nam Kỳ bắt giam hồi thời Mặt trận bình dân.


fm
Trần Văn Giàu gặp F. Mitterrand tại TP. HCM trong chuyến đi thăm Việt Nam của tổng thống Pháp (1993). François Mitterrand thua ông 5 tuổi, thuở trẻ thuộc phe hữu (thậm chí cực hữu). Khi TVG bị giam ở Tà Lài, FM bi bắt làm tù binh ở Đức. Cả hai vượt ngục thành công. Năm 1943, TVG làm bí thư xứ ủy Nam Kì, FM mới bắt đầu tham gia kháng chiến.

Trong số hàng trăm gia đình cảm tình cách mạng, tôi tin cậy nhất là gia đình anh Sáu Sáng, tôi đã ở đó trong những năm 1933-1935 và luôn luôn được an toàn. Những khi tôi bị bắt, căn cứ Xóm Thuốc, Bào Lăng, Hàng Điệp vẫn không hề hấn gì. Anh em nhà Sáu Sáng làm việc ở bệnh viện Đồn Đất 4 và ở tổng kho súng đạn Pyrotechnie, gần cầu Thị Nghè, Sài Gòn. Anh Sáu Sáng, trước là học sinh trung học, thạo tiếng Pháp, người cao lòng khòng, gầy nhom ; chị Sáu thì lùn, giỏi bếp núc, đóng vai hậu cần và bảo vệ tin cậy được. Vợ chồng Sáu Sáng gặp lại tôi, tôi trở lại thăm vợ chồng Sáu Sáng, mừng mừng tủi tủi, chỉ có nhà văn trữ tình mới tả được nỗi lòng. Anh chị đọc báo biết tôi là tù vượt ngục mà anh chị vẫn tiếp tôi không có vẻ sợ sệt gì hết, chỉ sợ bà con hàng xóm nhận ra tôi, nên phải đề phòng kỹ lưỡng ; vả lại nhà Sáu Sáng cũng trồng thuốc như xưa, vườn không rộng mà nhà đủ kín đáo ; ngõ vào có một, ngõ ra thì nhiều. Được sự đồng ý của anh Sáu Sáng, tôi triệu tập ở nhà anh một cuộc hội nghị mở rộng của ban cán sự thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn. Ban cán sự lúc đó mới có ba đồng chí : anh Oanh (cũng có tên là Bạch Đằng lớn), anh Tư Chí và anh Mười Thức, cả ba là công nhân kỳ cựu của thành phố, mời thêm hai đồng chí nữa là Hảo, nguyên học sinh tốt nghiệp trường Kỹ nghệ thực hành và chú thanh niên Hoàng, cháu tôi, học sinh lớp Tú tài trường trung học Pétrus Ký. Oanh, trạc tuổi với tôi, người Bắc Ninh, làm thợ giỏi, giao thiệp rộng, siêng công tác, chỉ có một cái dở là thỉnh thoảng ghé tiệm “làm vài điếu” 5 nhưng không ghiền. Anh sống ở Chợ Cũ, đường Guynemer 6, hồi đó có thể xem là khu phố đóng giày ; anh hoạt động đâu từ 1935, 1936, cũng đã sẵn sàng khởi nghĩa hồi tháng 11 năm 1940 mà giờ chót không được lệnh. Thức, rể ông hương trưởng Hoài, chồng đồng chí Mười, cũng thợ giày, cùng người Bắc, từ chiến tranh về ở Tân Thuận Bình, tôi mời anh trở lại Sài Gòn, nơi anh từng hoạt động những năm Mặt trận bình dân. Từ Chí, người Quảng Nam, làm bồi bếp cho Tây ở bót mật thám Bô-Lô, Chợ Lớn, đã dám mở còng cho Hà Huy Giáp chạy trốn, bấy lâu nay về vùng Phú Lạc mở tiệm bán cá khô không xa nhà Bảy Trân, là người trong nhóm cộng sản Phú Lạc.


Cuộc họp Ban cán sự lần này quan trọng nhiều cho công tác Đảng ở Sài Gòn vì một mặt Ban cán sự thành lập chưa đầy nửa năm, đã bắt đầu tập hợp được cả chục đảng viên “nằm chờ” từ sau 1940, mặt khác, và đây mới là điều quyết định nhất, một phương châm được vạch ra cho Thành bộ theo đó mà hoạt động. Những chỉ thị của Thường vụ Xứ ủy cho ban cán sự thành có thể được xem như một bộ phận của đường lối chung của Xứ ủy (đã được trình bày trên kia). Hãy nói lại rằng : nếu người phụ trách Sài Gòn là anh Phúc thì anh ấy đã lập Thành uỷ lâm thời rồi. Tôi tổ chức hơi khác anh Phúc một chút ; tôi lập Ban cán sự để rồi sau đó xây dựng lại được một số cơ sở, một Đại hội đại biểu sẽ bầu ra Thành ủy. Hai cách làm không chắc cách nào hơn cách nào.


Thay mặt cho Xứ ủy, tôi truyền đạt và giải thích tỉ mỉ cho ban cán sự thành những điểm sau đây của một đường lối cách mạng trong thành phố một phương hướng hoạt động nhằm làm cho Sài Gòn và ngoại ô thật sự trở thành một pháo đài của chủ nghĩa cộng sản.


Thứ nhất : trong tương lai, chắc là không xa mấy, Sài Gòn sẽ phải trở thành trung tâm điểm của một phong trào đấu tranh cách mạng nổi lên khắp Nam Kỳ lục tỉnh nhằm thực hiện thành công nhiệm vụ vinh quang nhất, cũng là khó khăn nhất là khởi nghĩa vũ trang giành độc lập dân tộc. Có khởi nghĩa vũ trang mới có độc lập dân tộc ; không có cách nào khác giành độc lập cho nên mọi hoạt động của chúng ta bây giờ đâu phải nhằm vào cái mục tiêu khởi nghĩa cách mạng. Và cần phải khẳng định rằng một cuộc khởi nghĩa ở Nam Kỳ, muốn thành công, muốn tránh khỏi thất bại đau đớn như hồi 1940, thì nó phải là bộ phận không tách rời của một cuộc khởi nghĩa trên toàn quốc. Khởi nghĩa địa phương, cô độc, không thể thành công dù là ở trong một địa phương lớn như là Nam Kỳ. Một cuộc tổng khởi nghĩa, tất nhiên là cuộc tổng khởi nghĩa trên toàn quốc, chắc không thể nổ ra cùng ngày mà sẽ nổ ra chỗ trước chỗ sau, nhưng trước sau phải không cách nhau bao lâu. Kinh nghiệm khởi nghĩa tháng Mười năm 1917 ở Nga do Lenin chỉ đạo, đã cho ta biết như vậy. Xứ ta, Bắc, Trung, Nam cách bức, phương tiện liên lạc của ta còn thô sơ thì càng không có khởi nghĩa đồng thời được. Xưa nay, trên thế giới, ở nước nào cũng vậy, phong trào cách mạng phát triển bất đồng. Vấn đề lớn được đặt ra trước mắt của chúng ta là, mặc dù hậu quả những cuộc đàn áp thực dân hồi 1939, 1940, 1941 rất nghiêm trọng cho phong trào cách mạng ở Nam Kỳ, đương nhiên Nam Kỳ không được phép vắng mặt, cũng không được phép đến quá trễ trong một cuộc tổng khởi nghĩa cách mạng nhất định sẽ phải nổ ra trong thời gian chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ. Điều đáng lo nhất là, nếu hồi đầu chiến tranh (1939, 1940), Đảng bộ Nam Kỳ có đông đảo đảng viên, đông đảo quần chúng (được Trung ương nhận xét là xứ bộ mạnh nhất nước), thì sang 1941, 1942, cơ sở của ta còn lại hết sức thưa thớt, hệ thống của chúng ta tan vỡ, quần chúng của chúng ta phần thì mất phương hướng, mất lòng tin, phần thì chưa tập hợp lại được. Sắp tới, nếu tình hình chiến tranh thế giới chuyển biến mau có lợi về phe ta (thời điểm này đã bắt đầu trông thấy rõ) thì liệu ta, ở Nam Kỳ có kịp xây dựng lại cơ sở và hệ thống Đảng, tập hợp đủ lực lượng nhân dân hợp lực với Trung, Bắc làm tổng khởi nghĩa cùng một lúc, hoặc gần cùng một lúc, hay là, đến khi có điều kiện khách quan, có thời cơ lịch sử, thì ở Nam Kỳ và ở Sài Gòn ta lại bất lực đứng nhìn thời cuộc trước những lực lượng kình địch to lớn hơn ta nhiều ? Nam Kỳ mà không khởi nghĩa kịp với Bắc, Trung, thì tình hình đó sẽ gây ra vô cùng khó khăn cho cách mạng Việt Nam, cách mạng Đông Dương. Ta mà không giành được chính quyền ở Nam thì kẻ địch ngoại bang hoặc tay sai bản xứ của đế quốc sẽ giành lấy và các đế quốc sẽ dựa vào Nam Kỳ chưa làm nổi cách mạng để mà chống phá cách mạng thành công ở Bắc, Trung tựa như một trăm năm trước Pháp căn cứ vào Nam Kỳ lục tỉnh để đánh lấy Bắc Kỳ. Bởi vậy cho nên chúng ta ở Nam Kỳ phải nỗ lực “chạy đua với thời gian”, khẩn trương, không để mất thời giờ, cũng hết sức thận trọng không để tổn thất lớn về lực lượng nòng cốt – cán bộ đảng viên nay còn lại không bao nhiêu. Vấn đề lớn được đặt ra là mấy năm nay, ở Nam Kỳ, chúng ta không được biết là Trung ương Đảng còn hay không (sau khi Thường vụ bị bắt đầu 1940 ở Sài Gòn), nếu còn thì đã có những nghị quyết, chỉ thị gì ? Chúng ta cho tới bây giờ chưa có liên lạc được với Đảng bộ Bắc, Trung. Đọc nghị quyết Trung ương cuối 1939, thấy ghi rằng Đảng phải “tìm cách khôi phục hệ thống Trung, Nam, Bắc” ; như vậy có nghĩa là hệ thống Trung, Nam, Bắc của Đảng ngay từ chiến tranh thế giới bắt đầu đã bị trục trặc, đứt đoạn như thế nào đó chớ không đợi đến sau khởi nghĩa Nam Kỳ thất bại. Cho nên để đảm bảo cho tổng khởi nghĩa sắp tới mang tính chất toàn quốc, chúng ta phải “tìm cách khôi phục hệ thống Trung, Nam, Bắc”.


Thứ hai : Trong tương lai, một cuộc khởi nghĩa ở Nam Kỳ phải lấy thành phố Sài Gòn làm nơi quyết định sự thành bại. Chúng ta hoàn toàn không xem nhẹ nông thôn; ở đảng bộ Nam Kỳ từ những năm 1930, đã có truyền thống nông vận mạnh, truyền thống tổ chức và lãnh đạo nông dân đấu tranh. Nay ta tiếp tục truyền thống đó. Nhưng ngày nay là lúc vấn đề chuẩn bị tổng khởi nghĩa cách mạng đã được đặt ra thì chúng ta cần có ý thức rất rõ rằng đầu não của địch, yết hầu của địch tại Nam Kỳ đều tập trung ở Sài Gòn. Muốn đánh địch cho chết tươi, chết không kịp ngáp, thì phải đánh mạnh nhất vào đầu não, vào yết hầu của chúng. Ví như ta lấy được năm, mười quận, ba, bốn tỉnh mà chưa làm chủ được Sài Gòn thì cách mạng ở Nam Kỳ chưa thể xem là thắng lợi. Đốn cành mà chưa chặt bứt gốc thì cây chưa đổ. Gốc còn thì cành lá sẽ mọc lại. Chúng ta tin rằng cuộc “chạy đua với thời gian” ở Nam Kỳ sẽ kết thúc thắng lợi cho ta mặc dầu rằng nơi đây năm 1940, chúng ta đã bị địch giáng cho những đòn tối tăm mày mặt. Nhưng trong Sài Gòn hồi 1940 không có khởi nghĩa nên tổn thất của ta tương đối ít vì lực lượng không phải đã bộc lộ hết, cán bộ còn khá nhiều các hội ái hữu (làm nhiệm vụ công đoàn) cũng còn khá nhiều, có thể móc nối lại và dựa vào đó mà phát triển mau. Nội thành Sài Gòn, nhân dân, không chỉ nhân dân lao động, có truyền thống đấu tranh mạnh nhất Đông Dương, không có thành phố nào hơn, không có thành phố nào bằng. Và, đặc biệt là chung quanh Sài Gòn, ta có một “vành đai đỏ” nổi tiếng mà sức chiến đấu phối hợp với nội thành đã từng được chứng minh nhất là ở những năm 1936-1937, hay trở về trước, ở những năm 1930-1931. Ta sẽ “nắm sừng con trâu để vật ngã nó” ; ta phải đánh quỵ địch ngay tại chỗ nó mạnh nhất là Sài Gòn. Giành được chính quyền ở Sài Gòn là tạo điều kiện thuận lợi để mau chóng giành chính quyền ở các tỉnh, các quận, dễ như trở bàn tay. Bởi vậy cho nên các tỉnh đảng bộ sẽ có lợi mà đóng góp cho Sài Gòn những cán bộ biết công tác thành thị. Xứ ủy Nam Kỳ sẽ tập trung nhiều trí tuệ, nhiều lực lượng về Sài Gòn, các tỉnh lân cận và ngoại ô thành phố, nhằm có ngày phải đánh một đòn quyết định, một đòn chí tử vào đầu não, vào yết hầu của địch. Khởi nghĩa sắp tới sẽ được thực hiện khác hẳn với hồi tháng 11 năm 1940.


Thứ ba : Một cuộc khởi nghĩa cách mạng muốn được thành công thì không thể làm theo kiểu Blanqui 7 ở Pháp, hoặc theo kiểu Thiên Địa Hội ở Nam Kỳ những năm 1911, 1916, hoặc theo kiểu Việt Nam Quốc dân đảng ở Bắc Kỳ năm 1930, chỉ tập trung ra trận một số chiến sĩ kiên quyết mà đồng thời chưa có phong trào đấu tranh của nhân dân lên cao đến tột đỉnh. Một cuộc khởi nghĩa cách mạng không thể là một cuộc “âm mưu” ; đảng cách mạng, đảng mác-xít, đảng cộng sản tuy là đảng bí mật “bất hợp pháp” nhưng không phải là một “hội kín”. Ta sẽ làm cuộc khởi nghĩa theo những chỉ thị của chủ nghĩa Marx và Lenin ; theo Marx và Lenin thì khởi nghĩa là một khoa học, một nghệ thuật, ta phải nắm chắc. Các đồng chí lãnh đạo Xứ uỷ và Thành bộ phải thuộc lòng những lời dạy của Lenin về khởi nghĩa, chớ không phải của ai khác, thì mới tránh được những sai lầm tai hại của xứ ủy năm 1940.


Cụ thể trước mắt, chúng ta ở Sài Gòn phải nỗ lực đến mức cao nhất làm cho được năm công tác lớn sau đây :


Một là : Xây dựng lại cơ sở và hệ thống Thành bộ Sài Gòn của Đảng cho hoàn chỉnh, cho vững chắc, nhanh chóng, đủ số lượng tối thiểu cho việc thực hiện quyền lãnh đạo của giai cấp công nhân trong cái thành phố lớn nhất Đông Dương (với số dân non già 800.000 người) và trong đó có nhiều đảng phái chính trị và nhiều tổ chức tôn giáo có lực lượng lớn và ảnh hưởng sâu. Vực dậy các đồng chí ẩn náu, đưa thêm đồng chí ở các tỉnh lên.


Hai là : Mạnh dạn thâm nhập vào đội ngũ công nhân, đi vào xí nghiệp, thu phục đa số giai cấp công nhân, khắc phục cho kỳ được cái nhược điểm lớn từ trước tới nay của ta là mạnh ở công nhân lao động lẻ tẻ, ở khu phố và xí nghiệp nhỏ mà yếu ở công nhân lao động tập trung, ở các công sở và tư sở. Nói đi vào công nhân lao động cũng là nói đi vào tầng lớp công chức và tư chức (tầng lớp các “thầy”). Ở Sài Gòn lâu nay hai chữ thầy thợ, đi liền nhau. Xem trọng thợ mà không được xem nhẹ thầy. “Biến các công sở và tư sở thành pháo đài của chủ nghĩa cộng sản” điều này ta nói mãi mà từ khi lập đảng tới nay, ít nhất là ở Sài Gòn ta chưa làm được; bây giờ, để đi đến tổng khởi nghĩa thì điều chủ yếu là phải khởi nghĩa thành công ở Sài Gòn trước hết; Sài Gòn khởi nghĩa phải thành công thì khởi nghĩa mới thành công ở khắp Nam Kỳ. Muốn được như vậy phải tổ chức công đoàn và nhiều hội biến tướng như hồi thời kỳ Mặt trận dân chủ ; ta phải chú trọng đặc biệt vào việc cấp tốc đào tạo cán bộ công đoàn, có như vậy mới đáp ứng được yêu cầu nhảy vọt một khi tình thế cách mạng xảy ra. Tình thế cách mạng sẽ xảy ra, nếu ta không có đủ cán bộ thì không lãnh đạo nổi quần chúng, quần chúng không được lãnh đạo thì đã không thành sức mạnh thật sự mà lại còn có thể bị đảng này, phái nọ lôi kéo đi vào hướng sai lệch nguy hiểm. Hãy nhớ rằng một thời, phái La Lutte tờ-rốt-kýt có ảnh hưởng trong một số không nhỏ công nhân viên chức Sài Gòn. Ta phải làm thế nào để cho đa số, cho tất cả công nhân viên chức nhất trí đứng dưới cờ lãnh đạo của Đảng cộng sản để cho ta có thể chiếm lấy các cơ quan của địch chủ yếu bằng lực lượng của công nhân viên chức trong các cơ quan đó, chớ không phải chủ yếu bằng dân làng được đưa lên “ém” trước trong nội thành như kế hoạch hồi 1940, lực lượng nông dân quanh thành sẽ hỗ trợ đắc lực cho nội thành là khi nào bản thân dân nội thành là chủ lực.


Ba là : Chú trọng vận động thanh niên thành phố. Ở thành phố Sài Gòn, nếu công nhân được xem là tay mặt của đảng thì thanh niên phải được xem là tay trái. Ở đây, nói thanh niên là chẳng những nói thanh niên lao động, mà còn nói cả thanh niên học sinh, sinh viên, tiểu tư sản, trí thức nữa. Họ là tầng lớp tuổi trẻ đầy nhiệt huyết, có nhiều khả năng đấu tranh cho cách mạng giải phóng dân tộc, dám hy sinh, nếu ta biết đem lại cho họ một lý tưởng cách mạng tốt đẹp và khoa học. Ở Sài Gòn, lâu nay, người ta thấy thanh niên học sinh và sinh viên từ Hà Nội về nghỉ hè sáng tạo nhiều hình thức hoạt động yêu nước đáng được khuyến khích như diễn những vở kịch lịch sử dân tộc, hát những bài hát yêu nước hùng tráng, cắm trại hè rầm rộ ở Thủ Đức, họ không theo phong trào của “Tổng ủy Thể dục và thanh niên” 8 của chính quyền thực dân Pháp. Triệu chứng rất tốt. Ta có thể tìm cách chuyển về hướng cách mạng các phong trào đang phát triển đó. Nếu ta không làm được công việc quan trọng này thì sẽ có những chính đảng tư sản, hay tiểu tư sản, hay tờ-rốt-kýt, lôi cuốn thanh niên đi chệch con đường yêu nước chân chính. Điều mà ta thấy quá rõ là cả Nhật lẫn Pháp đều ra sức hoạt động để lôi kéo thanh niên, trước hết là thanh niên có học thức. Ta phải gấp gáp tìm cho những hình thức tổ chức thích hợp và có hiệu quả (hiện tại ta chưa tìm ra) để thu hút thanh niên về phía cách mạng giải phóng dân tộc. Các cuộc xung kích chiến đấu sau này phải cậy nhiều ở thanh niên và công nhân. Tin cậy thanh niên thì cầm chắc là không thất vọng.


Bốn là : Đi vào nông dân các quận huyện, các tỉnh xung quanh Sài Gòn trong vòng ba, bốn mươi cây số. Lịch sử các cuộc khởi nghĩa 1885, 1911, 1916, 1940, rồi các cuộc tổng bãi công, tổng biểu tình trong thời kỳ giữa hai cuộc chiến tranh thế giới, đều nói lên rằng nội và ngoại thành Sài Gòn, nhân dân vì được thống nhất nên rất mạnh, nội thành, ngoại thành tương tuỳ mật thiết. Vả lại, hơn nửa số công nhân viên chức Sài Gòn, Chợ Lớn có nhà cửa ở ngoại thành, sớm đi tối về ; công nhân nông dân thực tế là sát cánh. Những điều ấy cho phép chúng ta thấy trước rằng một cuộc khởi nghĩa ở Sài Gòn sẽ phải do hàng chục vạn công nhân lao động, thanh niên và nhân dân thành phố thực hiện, những cuộc nổi dậy đó nhất thiết phải được sự yểm trợ tích cực của cả triệu nông dân ở ngoại thành và ở các tỉnh kế cận. Bởi vậy cho nên Xứ ủy và Thành ủy cần giúp sức cho hai Tỉnh đảng bộ Gia Định và Chợ Lớn xây dựng lực lượng nông dân cho vững vàng, nhanh chóng để cho việc phối hợp được thực hiện thành công tốt đẹp nhất trong những ngày tổng khởi nghĩa.


Năm là : Đi vào binh vận một cách mạnh dạn và có kế hoạch, trước hết là vận động số lính người Việt Nam trong quân đội Pháp, số này đông cả mấy vạn người. Một vạn người tay trắng là ít ; một vạn người có súng đạn trong tay là lớn. Chắc rằng lực lượng chính trị nào cũng ra sức tranh thủ số binh lính đó. Nhưng cũng chắc chắn rằng số binh lính đó sẽ ngả về phía chính đảng nào có nhiều quần chúng công nông dưới cờ. Từ chiến tranh thế giới lần thứ hai, Pháp tăng nhiều số lính người Việt Nam ; chúng đào tạo ra một lớp sĩ quan người Việt Nam ; chúng đưa số lính các binh chủng ở Nam Kỳ lên tới 40.000 người ; riêng ở Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định có khoảng 10.000 quân. Vài năm nay, Nhật tổ chức quân “Hai Hô” , một thứ lính thủy đánh bộ. Nhật cũng tổ chức một lực lượng bán vũ trang của Cao Đài phái Trần Quang Vinh. Trọng tâm binh vận của ta là binh đoàn bảo an lưu động Gia Định Chí Hoà (brigade mobile) và binh đoàn phụ thuộc sở Sen đầm Chợ Lớn (brigade auxiliare de la gendarmerie de Cholon). Phải làm tất cả để cho các binh đoàn đó ngả về phía cách mạng. Chúng ta chưa đủ cán bộ để làm binh vận đối với lính Pháp, lính Nhật ; việc binh vận trong số lính người Việt mà thành công sẽ giải quyết được một phần vấn đề vũ trang quần chúng trong khởi nghĩa cách mạng sắp tới. Pháp đã bị Đức đánh bại, Nhật sẽ bị Mỹ, Anh, Trung Quốc đánh bại, thì việc binh vận của ta hiện nay và từ nay về sau khắc có điều kiện thuận lợi. Vấn đề còn lại là phải đưa một số cán bộ giỏi làm việc binh vận.


Đó là năm nhiệm vụ, năm phương hướng công tác chủ yếu mà tôi, nhân danh Xứ ủy đã đề ra cho ban cán sự thành Sài Gòn những ngày cuối năm 1943. Dĩ nhiên là tôi đã dành đủ thời gian để giải thích luôn đường lối cách mạng mà Xứ ủy đề ra.


Lúc này Xứ ủy ra quyết định ra báo Tiền phong làm cơ quan tuyên truyền của mình. Báo Tiền Phong, cơ quan của Xứ uỷ Nam Kỳ đặc biệt chú trọng vào hai đề tài lớn trong nước: đấu tranh chống “Chủ nghĩ liên Á” ( Đại Đông Á) của Nhật và đấu tranh chống chủ nghĩa “Pháp-Việt phục hưng” của gã thực dân Pháp Decoux. Từ năm 1943 việc giải thích tình hình chiến tranh thế giới không còn khó khăn lớn như trước nữa, nhưng báo Tiền Phong cũng ra sức cung cấp cho các đồng chí những lập luận cần thiết đã nói lên rằng Liên Xô, Trung Quốc và phe Đồng minh nhất định thắng, phe Đức, Ý, Nhật nhất định thua, phe phát xít quân phiệt thua thì càng có điều kiện thuận lợi, càng mau thắng, song phải rõ, Đồng minh thắng thì không phải tự nhiên Việt Nam ta được giải phóng đâu, ta phải nỗ lực hết sức, thừa cơ để làm khởi nghĩa cách mạng, tự mình giải phóng cho mình, bằng không làm nổi cách mạng thì nước ta sẽ bị thống trị nữa dưới ách một vài trong số các nước Pháp, Anh, Trung Quốc, Mỹ.


Bước sang năm 1944, tôi gần như là túc trực ở vùng Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định thỉnh thoảng mới đi Tân An, Mỹ Tho, Bến Tre.




Đấu tranh chống “Huyền thoại Đông Dương”
(mythe de l’Indochine) của Pháp
và chống “Chủ nghĩa Đại Đông Á” của Nhật



Trong suốt năm 1942 và phần lớn năm 1943, mọi hoạt động của bọn tôi đều nhằm dựng dậy một số đồng chí còn sót lại sau khởi nghĩa 1940, đang ẩn náu, đang nằm nhà và tránh mọi công tác Đảng. Nói các đồng chí ấy là “mất tinh thần” thì không đúng lắm. Gọi họ là “Chờ xem” thì đúng hơn. Quả tình thời thế lúc ấy buộc phần lớn các đồng chí ấy “chờ xem”, chờ xem coi sau 1940 các nhà lãnh đạo Đảng rút ra những bài học gì, chẳng lẽ cứ theo dấu xe đã đổ thì theo sao được ? Nhưng lãnh đạo ở miền Nam thì đã bị bắt hết rồi còn ai đâu mà rút kinh nghiệm ? Còn ai đâu mà vạch đường lối ? Làm cách mạng không phải ai cũng có sức và có chí tự động. Phần thì khi ấy tình hình chiến tranh thế giới đen tối quá, triển vọng cách mạng thế giới chưa sáng sủa chút nào. Vậy thì, trong hoàn cảnh đó, “nằm chờ” có một mặt ý nghĩa tích cực là bảo tồn những cán bộ đã được đào tạo từ hàng chục năm, phòng có ngày xây dựng lại sự nghiệp. Những anh Khiêm (Ung Văn Khiêm), anh Tây (Nguyễn Văn Tây), v.v… miễn là các anh ấy còn sống, thì sẽ có ngày đắc dụng hết sức. Nhưng cần phải biết rõ trong số đồng chí 1939, 1940 còn sống thì ai ở đâu, ai “rót” 9 hẳn, ai còn có thể dựng dậy, muốn dựng họ dậy thì cần giải quyết những vấn đề tư tưởng gì ? Bởi vậy cho nên trong lúc đầu, vào 1942 đầu 1943, tôi để hết tâm trí làm một cuộc tuyên truyền hẹp chủ yếu là trong số đồng chí còn sống sót sau cuộc khủng bố 1939 và 1940, và ngay trong số đó cũng chỉ chọn một ít mà thôi. Không có báo, không có sách, không có hội nghị học tập. Chỉ tuyên truyền miệng, giải thích cho từng cá nhân, từ nhóm nhỏ là chính ; đến không tiếng, đi không dấu, bảo đảm bí mật an toàn.


Nhưng từ khi ban cán sự Sài Gòn, miền Đông, và Xứ uỷ Nam Kỳ được thành lập lại rồi thì sự tuyên truyền cách mạng phải rộng ra để vũ trang lý luận cho đồng chí, để trong chừng mực có thể, truyền bá rộng đường lối của đảng bộ và đấu tranh chống các tư tưởng địch đang tuyên truyền lúc bấy giờ. Lúc bấy giờ tư tưởng địch, chính trị địch đang quảng bá rộn ràng nhất là “chủ nghĩa liên bang” của Decoux, còn gọi là “Huyền thoại Đông Dương” và chủ nghĩa Đại Đông Á, cũng gọi là “Liên Á” của Nhật. Cả Pháp lẫn Nhật đều dùng tất cả các phương tiện để cổ vũ cho “ chủ nghĩa” của chúng bằng những nha, những hãng thông tin, bằng những đoàn thể thân Pháp, thân Nhật, và chúng tuyên truyền cổ động trên các mặt báo chí, bằng thể dục thể thao, văn hoá, nghệ thuật, giáo dục v.v… Tử giữa 1943 tụi tôi có kế hoạch tuyên truyền cách mạng ở Nam Kỳ, chủ yếu là chống chủ nghĩa Đại Đông Á và chống chủ nghĩa Pháp-Việt đề huề mới, và bằng cách đó, khẳng định đường lối chủ trương của Đảng Cộng sản.


may

Máy in roneo của hãng Gestetner, mẫu 1913 (quay tay).


Tôi bàn với các đồng chí là phải xuất bản một loạt sách tuyên truyền “bỏ túi”, giống như lời “cộng sản tùng thơ” hồi 1933, 1934, 1935; mỗi quyển dài bằng một bài tạp chí gọn giải quyết một vấn đề. Các vấn đề nối tiếp nhau có hệ thống. Sách “bỏ túi” phải ra đều kỳ nhất có thể được, một vài tháng một lần. Có hai cái khó ; thứ nhất là Văn (Kiệt) chết rồi, lúc ấy chỉ còn có một mình tôi viết được sách dù là sách “bỏ túi” để cho các đồng chí căn cứ vào đó mà có nội dung tuyên truyền thống nhất ; thứ hai là, nếu hồi 1933, 1934, tôi có một cái máy Gestetner 10 của Đảng Cộng sản Pháp mua dùm, thì, bây giờ phương tiện in ấn của tôi hết sức lạc hậu : xu xoa 11. Tụi tôi có cải tiến nghề in của chúng tôi : cắt kiếng, đổ xu xoa mấy lớp một lần nấu, mỗi tấm kiếng cho phép in hai mặt, mỗi mặt in được mấy chục trang lớn bằng giấy học sinh. Tạm được. Kế bên bộ “tùng thơ” còn có tờ báo Tiền phong phát hành không đều kỳ để thông tin về tình hình lớn trong nước và trên thế giới. Sách tuyên truyền bỏ túi và báo Tiền Phong đều do tôi làm cả ! Bao biện quá ; mà làm thế nào khác được ? Do “biên tập” có một mình tôi và phương tiện in ấn hết sức đơn giản, cho nên “trụ sở” biên tập lúc thì như đi theo tôi lúc ở Phú Lạc, lúc thì ở Gò Vấp, lúc thì ở Chợ Gạo. Ở mỗi “trụ sở” thì chọn một chú hay một cô học khá văn không cần hay nhưng chữ viết thì phải đẹp. Quả là tôi bao biện, bao biện thì không nên, nhưng bây giờ làm sao khác được ? Các tay “bỉnh bút” còn ở trong tù.




Chống chủ nghĩa Pháp-Việt đề huề mới

Hồi 1942, 1943, cái “Huyền thoại Đông Dương” (mythe de l’Indochine), còn gọi là “Pháp-Việt đề huề mới” của Decoux, được Pháp và đám tay sai của Pháp tuyên truyền mạnh lắm. Còn lúc ấy, ở cả Việt Nam nói chung và Nam Kỳ nói riêng, cái hy vọng mà bọn thân Nhật đặt vào Nhật (lật đổ Pháp) ban đầu (1942) rất mạnh, đến sau 1943, yếu dần, suy dần cho đến đỗi chủ tịch Hội Liên Á là tướng Tòng Tỉnh phải bay sang Sài Gòn, Hà Nội để “lên dây cót” cho bè đảng người bản xứ, rồi Nhật phải gởi một số lãnh tụ tay sai (người Việt Nam, nghe đâu trong số đó có Diệm, Ân, Sâm 12)) sang lánh mặt ở Singapore. Tụi thân Pháp lên chân một chút. Thì chính trong lúc ấy tôi viết một loạt sách “bỏ túi” để công kích chủ trương chính sách “Liên bang Đông Dương” của Decoux. Mấy mũi nhọn tôi chĩa vào chính sách của Decoux là :


Thứ nhất : Cái “Liên bang Đông Dương” ngày nay của Decoux, cũng như cái “nước Pháp Á châu” (la France d’Asie) của Sarraut hồi chiến tranh thế giới thứ nhất, cũng như cái “chính sách đề huề hợp tác” (politique de collaboration) của Varenne hồi 1925 khi ảnh hưởng của cách mạng Trung Quốc dội mạnh vào Việt Nam, đều là những cách của thực dân đối phó với một tình thế khó khăn, đều là những lừa phỉnh, đều là những bánh vẽ chỉ có nghe nhãn hiệu mà chưa hề thấy đường bột, hễ khó khăn qua thì Pháp không nói tới nữa. Decoux, Varenne, Sarraut giống nhau. Mà kỳ này thì Decoux chắc sẽ không có thì giờ để mà ca ngợi lâu cái bánh vẽ của mình, chó sói Pháp sẽ bị chó sói Nhật giật mất miếng mồi ngon trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương. Vấn đề tư tưởng cần giải quyết ở đây là làm cho đồng chí, đồng bào không bi quan ở chỗ Việt Nam một cổ hai ách khó bề giải thoát.


Thứ nhì : cái “Liên bang Đông Dương” của Decoux đề nghị sẽ chỉ là cái “nhà tù trong nhà tù” thôi, không có gì mới. Decoux tính sẽ lập ra “năm nước” : nước Lào, nước Miên, nước Bắc Kỳ, nước Trung Kỳ, nước Nam Kỳ. “Năm nước” hợp lại thành Liên bang Đông Dương do Pháp nắm các đòn bẩy chỉ huy. Liên bang Đông Dương đó ở trong Liên hiệp Pháp ; dân mỗi nước có quyền lập chế độ cộng hoà hay giữ chế độ quân chủ, có quyền nói lên lòng yêu đất nước mình nhưng có nghĩa vụ phải yêu nước Pháp là nước “cha đỡ đầu” cho Liên bang Đông Dương. Dân mỗi nước được phép tuyên dương những sự kiện lịch sử anh hùng của dân tộc mình miễn là không chống đối lại Pháp. Như vậy, Pháp vẫn giữ chính sách chia cắt Việt Nam làm ba ; cái “nước Nam Kỳ” phải ở trong Liên bang Đông Dương, Liên bang phải ở trong Liên hiệp Pháp ; tất cả phải trung thành với Pháp. Nhà tù ở trong tù vừa, tù vừa ở trong tù lớn. Cái “Huyền thoại Đông Dương” của Decoux chỉ là thế thôi. Rốt cuộc lại thì Decoux chỉ đề nghị là sẽ thay chữ “Đông Dương thuộc Pháp” bằng chữ “Liên bang Đông Dương”, sẽ thay những chữ “xứ thuộc địa”, “xứ bảo hộ”, bằng cái chữ “bang”, chữ “nước”; sẽ không còn “Trung Kỳ xứ bảo hộ”, “Nam Kỳ xứ thuộc địa” mà thành ra “nước Trung Kỳ”, “nước Nam Kỳ”, “nước Bắc Kỳ”, cả ba ở trong “Liên bang Đông Dương” do nước Pháp làm “cha đỡ đầu”.


Ai muốn theo thì theo ! Cái bánh thời Decoux hơn là cái bánh thời Sarraut, Varenne ở chỗ nó có hình vẽ, nội việc xem hình vẽ thôi thì đã ớn rồi ! Nhưng nếu không kịp thời vạch trần thực chất của chủ trương “Liên bang Đông Dương” thì chủ trương này có thể đánh lừa nhiều người, nhiều người tưởng đâu bây giờ để cạnh tranh với Nhật, Pháp chịu một số nhượng bộ nào đó cho chủ nghĩa dân tộc Việt Nam, tưởng đâu Pháp dọn đường cho một chủ trương Đông Dương tự trị sau chiến tranh.


Nếu chỉ có thế thôi thì chủ trương đường lối của Decoux sẽ không lấy gì làm nguy hiểm, không lừa dối được số đông dân. Decoux trong những năm 1942, 1943, 1944 còn làm làm nhiều chuyện mị dân có ít nhiều kết quả. Tôi chú ý đến hai việc nổi bật sau đây :


1. Pháp bỏ ra nhiều công sức, tài chính để gây nên và phát triển khá rầm rộ một phong trào thể dục, thể thao lớn thu hút nhiều vạn thanh niên và uốn nắn thanh niên theo khẩu hiệu “Thống chế Pétain muôn năm !” của chính phủ Vichy tay sai Đức Hitler. Tuyên cáo của Xứ uỷ Nam Kỳ nhận định và tuyên bố rộng rãi rằng đó là cách của Pháp chuẩn bị chiến tranh vì quyền lợi của Pháp, đó là Pháp giành thanh niên Việt Nam với Nhật. Tuy vậy, Xứ uỷ Nam kỳ không yêu cầu thanh niên tẩy chay phong trào thể dục thể thao do Ducoroy đứng đầu. Trái lại “ở đâu có quần chúng thì Đảng Cộng sản phải có mặt”, tuy rằng khi ấy Đảng bộ Nam Kỳ còn rất yếu, chúng tôi cũng cố gắng đưa người vào trường Phan Thiết xem họ làm gì và xem ta có thể làm gì được để tranh thủ tuổi trẻ với địch. Một trong những người đó sau này là Ngô Thất Sơn, đến tháng 8 năm 1945, là cận vệ của tôi, sau làm đến cấp tá của quân đội và được tuyên dương “anh hùng”.


2. Lúc ấy, có một ngành hoạt động của bọn Decoux ở ngoài tầm tay của Xứ uỷ chúng tôi ; ấy là hoạt động của chúng trên mặt trận văn hoá. Tôi thấy rằng bọn Decoux sớm nhận ra tầm quan trọng chính trị của vận động văn hoá, trước bọn tôi ; trong lúc đó thì ở Nam Kỳ bọn tôi gần như mù tịt về vấn đề này, và thực tế không có chút phương tiện nào để hoạt động cả. Mắt tôi sáng ra khi thấy nhà cầm quyền thực dân dùng đến những từ “chấn hưng văn hoá dân tộc”, lập một số trường học nhằm khôi phục nghệ thuật Lào, Khmer, nghệ thuật Việt Nam. Decoux cổ vũ rất nhiều cho việc y tổ chức những giải thưởng văn học, những cuộc triển lãm nghệ thuật. Việc ấy không phải không gây nhiều ảnh hưởng có lợi cho Pháp. Decoux còn mở rộng đại học, lập thêm trường phổ thông. Ảnh hưởng ngó thấy trong các giới tư sản trí thức. Mà ở Nam Kỳ chúng tôi không có phản ứng kịp thời, chúng tôi bị động ; chúng tôi chỉ biết nói rằng đó là cách thực dân Pháp xoa dịu tinh thần dân tộc đang lên trong thời cuộc chiến tranh thế giới. Mãi cho đến khi sinh viên Hà Nội về nghỉ hè ở Nam Kỳ, ở Sài Gòn với học sinh Sài Gòn lục tỉnh họp nhau lại để tổ chức diễn những vở kịch yêu nước, hát những bài hát yêu nước được đồng bào hoan nghênh nhiệt liệt, thì chúng tôi ở Sài Gòn mới sáng mắt thêm rằng văn nghệ có tác dụng chính trị lớn, rằng nếu không kịp có chính sách đối phó thì thanh niên có thể bị kẻ khác lôi kéo đi chệch đường cách mạng giải phóng dân tộc. Và bản thân tôi mới nhận ra rằng cái chính sách gọi là “chấn hưng văn hoá dân tộc” có chỗ mạnh và chỗ yếu của nó, mạnh là dưới hình thức giả vờ dân tộc, Pháp có thể lôi kéo thanh niên, có thể làm cho dân tin lầm rằng chúng không còn khắc nghiệt áp bức dân tộc như trước nữa. Nhưng đảng cách mạng, người yêu nước, có thể dùng “gậy ông đập lưng ông”, ngày nọ cũng nói chơi là “giáo Tàu đâm Chệt”, ta có thể lợi dụng cái mức chủ nghĩa dân tộc được cho phép ấy để công khai hợp pháp tuyên truyền sâu rộng cho chủ nghĩa yêu nước. (Việc này tôi sẽ có dịp nói lại khi nói tới vấn đề thanh vận và Thanh niên Tiền phong ở Sài Gòn).


Trước những ngày tàn tạ, chết yểu của “Huyền thoại Đông Dương” (le mythe de l’Indochine) của Decoux, thì De Gaulle ở Brazzaville đề nghị cho Đông Dương một thứ “tự trị sau một thời gian”. Cái bả De Gaulle và cái huyền thoại Decoux đều trở thành mảnh giấy lộn.


Vấn đề là tuyệt đối không được trông mong ở bất cứ phái nào của đế quốc dù Pháp Pétain hay Pháp De Gaulle, sẽ ban bố tự trị cho Việt Nam, cho Đông Dương. Vấn đề là phải tính toán, phải hoạt động sao cho chính quyền Pháp bị đánh đổ, các dân tộc Đông Dương, trước hết là dân tộc Việt Nam được giải phóng bằng một cuộc cách mạng nổ ra ngay trong lúc tàn cuộc chiến tranh thế giới hiện nay. Pháp vẫn cứ là đế quốc thực dân dù là tàn cuộc chiến tranh thế giới Pháp thoát khỏi ách của Đức Hitler, cái hứa hẹn “tự trị sau một thời gian” chỉ có thể là một thứ mặt nạ Pháp đeo vào để tranh giành ảnh hưởng của Nhật, để cố giữ Đông Dương dưới ách của nó.


Vấn đề là tuyệt đối không phải lựa chọn giữa Nhật và Pháp ; chúng đều là đế quốc thực dân cả ; không thằng nào hơn thằng nào. Mà kẻ thù số một trong thời thế bấy giờ là Pháp, đế quốc Nhật ; Nhật cho Pháp sống sót một thời gian và chỉ một thời gian thôi, để làm việc hậu cần cho Nhật, để giữ an ninh cho quân Nhật trên một đất nước có truyền thống cách mạng giải phóng dân tộc. Tới ngày nào đó, trong cuộc chiến tranh, Nhật sẽ lật đổ Pháp để gạt bỏ một lưỡi gươm bên hông, điều ấy hoàn toàn sẽ không có ý nghĩa rằng Nhật giải phóng Việt Nam, mà chỉ có ý nghĩa rằng Nhật giành quyền độc chiếm Đông Dương ; một sự thay thầy đổi chủ, không hơn không kém.


Chống chủ nghĩa Đại Đông Á

“Chủ nghĩa Đại Đông Á” hay là “chủ nghĩa Liên Á” của Nhật thực tế chỉ là một ngọn cờ xâm lược thực dân. Nhưng không phải ai cũng biết như thế. Và có nhiều người biết song lại cho rằng có thể “tương kế tựu kế” lợi dụng Nhật được. Tư tưởng này đã có từ đầu thế kỷ XX lận kìa chớ đâu phải bây giờ mới có.


phapnhat

Xe tuyên truyền cho "chủ nghĩa Đại Đông Á" của Nhật ở Sài Gòn. Bên trái là áp-phích ca ngợi thống chế Pétain của Pháp. (nguồn : J. M. Pedrazzani, La France en Indochine de Catroux à Sainteny, Flammarion).


Trong số sách của tôi viết ra hồi thời kỳ khôi phục cơ sở và hệ thống Đảng ở Nam Kỳ trong chiến tranh thế giới thứ hai, tôi xem quyển “Việt Nam trên đường độc lập” chống “chủ nghĩa Pháp-Việt đề huề mới” và quyển “Rạng đông của một dân tộc”- chống “chủ nghĩa Đại Đông Á”, chống Nhật xâm lược, là tài liệu tuyên truyền chính trị và tư tưởng có tác dụng thiết thực nhất. Hồi đó (1942, 1943), ảnh hưởng tai hại của “chủ nghĩa Đại Đông Á” ở Nam Kỳ rất lớn, có thể nói là đến mức cao nhất. Tôi nói ở Nam Kỳ là nơi tôi đang hoạt động lúc bấy giờ. Chắc là khắp Nam, Trung, Bắc không nơi nào mà bè đảng thân Nhật nhiều và mạnh như ở Nam Kỳ. Ở Nam Kỳ thì một phần số đạo Cao Đài chủ yếu là phái Cao Đài Tây Ninh mà người đứng đầu lúc này là Trần Quang Vinh, ra mặt thân Nhật ; Cao Đài có vài triệu tín đồ khắp lục tỉnh. Còn Phật giáo Hoà Hảo thì phát triển rộng ở Hậu Giang, và từ khi quân Nhật đưa thầy Hoà Hảo (bị Pháp an trí ở Bạc Liêu) về Sài Gòn, ở đường Miche 13, và được sở Sen đầm Nhật bảo vệ, thì Phật giáo Hoà Hảo cũng hướng mạnh về phía Nhật. Tín đồ của Phật giáo Hoà Hảo cũng đông có tới hàng chục vạn. Ngoài ra, Nhật còn làm chỗ dựa cho phái chính trị gọi là Phục quốc do Trần Văn Ân đứng đầu, cựu chủ tịch hội nhà báo là Nguyễn Văn Sâm cũng ở trong đó. Họ suy tôn Cường Để lâu nay ở bên Nhật (tôi không rõ ông Cường Để có đồng ý hay không) và tiếng đồn khắp xứ là Nhật sẽ hạ Pháp, sẽ đem Cường Để về làm vua của nước Việt Nam được trao trả độc lập. Tất cả chúng đều đi theo cờ “chủ nghĩa Đại Đông Á” cũng gọi là “chủ nghĩa Liên Á”. Từ 1941 cho đến giữa năm 1943, quân Nhật luôn luôn chiến thắng ở tây và nam Thái Bình Dương đánh bại Mỹ, Anh, Hà Lan, thế như chẻ tre, đến đâu Nhật cũng phất cờ chủ nghĩa Đại Đông Á, khua môi múa mép rằng Nhật là người anh cả da vàng quyết tâm và có đủ sức giải phóng các nước Á châu khỏi ách các đế quốc thực dân da trắng. Ảnh hưởng lớn, rộng, không dễ gỡ.


Để làm cho đồng bào trước hết là cán bộ, đảng viên hiểu sự thật, hiểu các chính sách của Nhật, tôi viết một loạt sách tuyên truyền “bỏ túi” về những vấn đề như :


- Mấy nét về cuôc duy tân của Nhật. Nhật đã trở thành một cường quốc tư bản chủ nghĩa. Các cuộc xâm chiếm thuộc địa của Nhật hồi đầu thế kỷ XX.


- Tham vọng bá chủ của Nhật ; chương trình Điền Trung (Tanaka) và sự khởi đầu thực hiện chương trình đó trong thời gian trước chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Nhật đánh Trung Quốc.


- “Chủ nghĩa Đại Đông Á” chỉ là kế hoạch của Nhật làm bá chủ ở châu Á, là kế hoạch chiếm lấy thị trường lớn nhất thế giới.


Tôi nhắc lại chuyện Phan Bội Châu và các chí sĩ Đông Du, hồi 1908 bị chính phủ Nhật trục xuất theo lời yêu cầu của Pháp ; đế quốc Nhật, đế quốc Pháp cũng đồng một phường, khác nhau là nước Nhật và nước ta gần nhau, sớm đi tối về được, nếu Việt Nam bị Nhật thống trị thì càng khó giải phóng và khác nhau là Pháp ít dân đất rộng, còn Nhật đất hẹp người đông, nước ta về tay Nhật có thể trở thành một thuộc địa di dân, nếu ngày nào đó ở trong nước ta và ở Miên, Lào có năm mười triệu người Nhật định cư, thì khi ấy cuộc giải phóng sẽ khó khăn đến chừng nào ? Tai hoạ của một chủ nghĩa Đại Đông Á thành công sẽ là tai hoạ vô biên. Sách “Rạng đông của một dân tộc” được in lại nhiều lần, quay roneo nữa.


Vào 1943 thì Nhật dẫm chân và bắt đầu thối lui ở tất cả các chiến trường, uy tín Nhật bắt đầu xuống, tướng Tòng Tỉnh, chủ tịch hội Liên Á được phái qua Sài Gòn, Hà Nội để “lên dây cót” cho đám tay sai thân Nhật, mà chỉ “lên” được một lúc nào, một phần nào thôi. Hẳn rằng chủ nghĩa Đại Đông Á mất đà từ 1943 trở đi, tất nhiên là không phải nhờ các sách tuyên truyền bỏ túi chống Nhật của tôi… Vài tuần một tập sách dày không quá 32 trang, in không quá một trăm bản làm thế nào ảnh hưởng đáng kể đến thời cuộc, nhưng hoạt động tư tưởng chính trị đó của toàn Đảng bộ Nam Kỳ ít nhất cũng nói lên được rằng, ở Nam Kỳ, Đảng Cộng sản không chết mất sau cuộc đại tàn sát 1940, mà đã hồi sinh rồi và sẽ tới ngày đứng lên phất cờ giải phóng dân tộc.


Đó, hình như cái “nghiệp” của tôi là vừa làm công tác thực tiễn vừa làm công tác tư tưởng, mà công tác tư tưởng, có những lúc là chính. Tôi nhận thấy rằng khi nào và ở đâu mà công tác tư tưởng hoặc bị xem nhẹ hoặc bị quên lửng thì không thể làm việc tổ chức và lãnh đạo đấu tranh được. Cho nên sau khi từ trại giam Tà Lài về tới Phú Lạc là tôi lo giải quyết các vấn đề tư tưởng cho các đồng chí còn sống sót sau những cuộc khủng bố trắng 1940, 1941. Cho nên, khi Xứ ủy được thành lập lại, tôi đã nghĩ đến các vấn đề tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Và để giành nhân dân với các tổ chức thân Nhật, thân Pháp tôi có ý thức dành nhiều thời giờ viết sách, mở lớp huấn luyện chính trị nhằm giải thích đường lối cách mạng, củng cố lòng tin, đả phá nguy cơ của chủ nghĩa Đại Đông Á, của chủ nghĩa Pháp – Việt phục hưng. Bọn tôi làm được việc, một phần do nỗ lực chủ quan, một người làm việc bằng năm, bằng mười, phần nữa là do tình hình thế giới từ 1943,1944 mới thêm thuận lợi lạc quan, có “tận lực” mà trước hết là có “thời thế”. Không phải nói như thế để ra vẻ “khiêm tốn” đâu, sự thật quả như thế.


Về sau, kiểm điểm lại, tôi thấy Xứ ủy Nam Kỳ đã “dám” tự mình vạch ra một đường lối để tiến tới trong thời kỳ tiền cách mạng. Thực tế là dám nhận lãnh trách nhiệm trước lịch sử và nhìn chung, đường lối tự vạch ra đó là đúng, bằng cớ của cái đúng ấy là cách mạng tháng Tám ở Nam Bộ đã thành công gần cùng một lúc với cách mạng tháng Tám ở Bắc, Trung. Tuy vậy, truy nguyên thì không phải là cái “dám lãnh trách nhiệm” ấy nó khai đường cho chiến thắng. Khai đường mở lối cho chiến thắng là chủ trương của Lenin: rằng những người cách mạng phải ra sức thừa cơ hội chiến tranh thế giới để làm cách mạng thành công, chủ trương đó được Đảng Cộng sản Đông Dương khẳng định lại trong Luận cương chính trị 1930, và một lần nữa trong Nghị quyết Trung ương lần thứ VI cuối năm 1939, mà chủ yếu, hơn hết, là chủ nghĩa Lenin về vấn đề chiến tranh đế quốc và cách mạng vô sản mà người cộng sản nào cũng thấm nhuần ngay từ khi mới vào Đảng. Ngay từ khi gặp Đảng thì không người yêu nước nào mà không đặt câu hỏi chính, câu hỏi này được trả lời thông suốt thì người yêu nước đó mới vào Đảng. Đó là hai câu hỏi :


- Đế quốc thực dân Pháp mạnh như thế, lại có sự tương trợ của các đề quốc Anh, Hà Lan - như lời Nguyễn An Ninh đã nói nhiều lần - thì làm sao ta có thể đánh đuổi nó được ?


Trả lời :


- Để quốc có lúc thịnh, lúc suy, lúc mạnh, lúc yếu ; nhưng suy yếu nhất là lúc nổ ra chiến tranh giữa các đế quốc, như cuộc chiến tranh 1914-1918, khi ấy chúng như cọp bị mắc bẫy một chân, nếu ta đồng lòng nổi dậy thì ta có thể tiêu diệt được chúng và ta phải tiêu diệt chúng trong thời cơ chúng bị kẹt, bị mắc bẫy một chân đó, nhất thiết không để cho thời cơ trôi qua mà không làm việc giải phóng.


Cho nên, năm 1939, khi chiến tranh thế giới nổ ra thì các đồng chí cộng sản bất kỳ ở đâu cũng đều nói : “Thời cơ tới rồi !”. Vấn đề chỉ là : ta có đủ sức hay không ? Những người đã thuộc chủ nghĩa Marx-Lenin như Văn, như tôi không có quyền ngồi chờ nghị quyết, chỉ thị cấp trên, ngồi chờ sẽ là một hình thức ta bỏ trách nhiệm trước khó khăn. Phải dám chủ động, tự vạch đường đi tới, nếu sai lệch chút ít chắc lịch sử sẽ hiểu cho mình.










1 Tạo : Nguyễn Văn Tạo (1908-1970), ủy viên trung ương Đảng cộng sản Pháp, phụ trách các vấn đề thuộc địa (1929), bị trục xuất về nước cùng với Tạ Thu Thâu, Trần Văn Giàu… năm 1930 sau cuộc biểu tình ở trước phủ tổng thống Pháp, một trong những người lãnh đạo cộng sản ở Nam Bộ, cùng Dương Bạch Mai làm báo La Lutte (do Nguyễn An Ninh chủ trương) cùng với những người tờ-rốt-kýt như Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm…, bộ trưởng Bộ lao động trong chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa (1946-1965).



2 Ninh : Nguyễn An Ninh (1900-1943), sang Pháp học luật năm 1918, một trong nhóm “Ngũ Long” (Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn Thế Truyền), hợp tác với Nguyễn Ái Quốc làm báo Le Paria, về nước năm 1922, diễn thuyết kêu gọi thanh niên học hành đàng hoàng : “ Bằng cứ theo nẻo hoạn đồ, lấy việc làm quan là mục đích của việc học thì hỡi ơi ! Sau này giòng giống sẽ yếu ớt, ắt có ngày kia rút vô rừng mà ở ! ” (hoạn đồ, làm quan, nghĩa hiện đại là vào đảng, làm cán bộ). Từ đó đến ngày mất trong tù (14.8.1943), ông trở lại Pháp ba lần (trong những thời gian ngắn), ngồi tù bốn lần, ra báo (La cloche fêlée, La Lutte), lập đảng (Thanh niên cao vọng). Ông là người Việt Nam đầu tiên dịch Khế ước xã hội của J.-J. Rousseau và Tuyên ngôn cộng sản của K. Marx và F. Engels.


3 Thâu : Tạ Thu Thâu (1906-1945), sang Pháp năm 1927, học khoa học ở Đại học Paris, gia nhập nhóm “Đối lập phái tả” (tờ-rốt-kýt). Tháng năm 1930, tổ chức cuộc biểu tình trước phủ tổng thống Pháp, phản đối đàn áp cuộc khởi nghĩa Yên Bái, bị trục xuất về nước (cùng với Nguyễn Văn Tạo, Huỳnh Văn Phương…). Về nước, thành lập nhóm tờ-rốt-kýt Đông Dương cộng sản (cơ quan ngôn luận là báo Vô sản), một trong ba, bốn nhóm tờ-rốt-kýt ở Việt Nam (khác với các nhóm cộng sản trước năm 1930, các tổ chức tờ-rốt-kýt ở Việt Nam – cũng như trên thế giới – chưa bao giờ hợp nhất được). Tuy nhiên, được sự thôi thúc của Nguyễn An Ninh, Tạ Thu Thâu và các đồng chí đã hợp tác với các đảng viên cộng sản Nguyễn Văn Tạo, Dương Bạch Mai, ra báo La Lutte, ứng cử (và thắng cử) trong cùng một danh sách “Sổ lao động”. Từ năm 1932 đến 1944, ông bị bắt 6 lần, kết án 6 lần (tổng cộng các bản án là 13 năm tù, 10 năm biệt xứ). Cuối năm 1944, được phóng thích từ Côn Đảo về, ông đi vận động thành lập đảng Xã hội Thợ thuyền từ nam ra bắc (theo Hồ Hữu Tường kể với D. Marr, Tạ Thu Thâu ra bắc cùng với Komatsu Kiyoshi, một nhân vật Nhật Bản khó định vị). Nhật đầu hàng, triển vọng tổ chức ở Bắc Bộ không mấy sáng sủa, ông lên đường về nam, tháng 9-1945 ông bị bắt ở Quảng Ngãi và bị thủ tiêu tại đây. Quảng Ngãi là nơi nhiều người hoạt động chính trị đi qua đã bị bắt, có người bị giết, có người thoát chết, đủ mọi xu hướng : Lê Văn Hiến (cộng sản), Ngô Đình Diệm, Hồ Tá Khanh… Ai, cấp nào đã ra lệnh thủ tiêu Tạ Thu Thâu ? Câu hỏi này chưa được trả lời dứt khoát. Một số người tờ-rốt-kýt quy trách nhiệm vào Hồ Chí Minh (viện dẫn ba bức thư năm 1939 của Nguyễn Ái Quốc lên án chủ nghĩa trốt-kít) hay Trần Văn Giàu (mà người ta cho rằng có trách nhiệm trong việc thủ tiêu các lãnh tụ tờ-rốt-kýt ở Nam Bộ năm 1946). Các nhà sử học có uy tín như D. Hémery, D. Marr đều cho rằng đây là trách nhiệm của một nhóm Việt Minh ở địa phương.


4 Tức là bệnh viện Grall, nay là bệnh viện Nhi đồng 2.


5 Làm vài điếu : thuốc phiện.


6 Guynemer : nay là đường Hồ Tùng Mậu.


7 Auguste Blanqui, nhà cách mạng Pháp (thế kỉ XIX), chủ trương cách mạng là bạo động của một nhóm nhỏ, rồi quần chúng sẽ “tự động” hưởng ứng.


8 Cơ quan do toàn quyền Decoux thành lập, đặt dưới quyền của “tổng ủy” Maurice Ducoroy, đại úy hải quân, chủ trương tập hợp thanh niên, chạy đua ảnh hưởng với Nhật. Ducoroy cho rằng thanh niên bản xứ, giữa hai con đường “Nhật hoàng, chúng con đây” và “Thống chế (Pétain), chúng con đó” (!), nhất thiết phải chọn một. Thanh niên phong trào Ducoroy hát bài “Maréchal, nous voilà !” và đi đều bước sau ngọn cờ… Jeanne d’Arc (đoàn thanh nữ mang tên là “Jeannettes”). Đầu óc Ducoroy không mường tượng ra khả năng thứ ba : thanh niên Việt Nam chọn con đường giải phóng đất nước (xem Maurice Ducoroy, Ma trahison en Indochine, Paris 1949).


9 rót : phương ngữ Nam Bộ, nghĩa là bỏ cuộc, rút lui hay đầu hàng.


10 Gestetner : Máy in roneo thường dùng trong văn phòng, thông dụng từ đầu thế kỉ 20 cho đến thập niên 1970, khi được thay thế bằng máy photocopy và máy tính & máy in điện tử. Máy in roneo mang tên người sáng chế, gốc Hung : David Gestetner (1854-1939). Máy Gestetner đã đóng một vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền của Đảng cộng sản, nên khi nắm toàn bộ chính quyền ở miền Bắc (1954-1975), ĐCSVN đã trưng thu tất cả các máy in -- máy chữ, kể cả máy chữ xách tay Hermès Baby cũng phải đăng kí.


11 Xu xoa : thạch trắng (agar agar). Đây là lối in thủ công. Đoạn văn sau đây, do Nguyễn Ngu Í ghi lại lời kể của Hồ Hữu Tường, mô tả khá chính xác cách in xu xoa : “Úp bản cái lên mặt khuôn xu xoa, vuốt cho đều tờ giấy, để đó mười lăm phút cho mực thấm vô xu xoa, vuốt cho giấy sát. Rồi gỡ bản cái ấy lên, mình có bản chánh "in" ngược lên xu xoa. Giờ chỉ còn lấy giấy để lên mặt xu xoa, vuốt giấy cho sát, để chừng một phút, gỡ ra. "In" độ năm mươi bản thì chữ mờ. Tôi có nghĩ ra một cách có lợi cho việc "in xu xoa" này. Thói thường là nấu xu xoa, đổ vô một cái khuôn, và chỉ dùng được có mặt xu xoa ở trên mà thôi. Tôi cho cắt những tấm kiếng bằng nhau để trong khuôn, tấm này cách tấm kia độ một phân (giữa hai tấm kiếng ở hai đầu, có cây cạnh cao chừng một phân), đổ xu xoa vô, thì mỗi lớp xu xoa có hai mặt, mặt trên in cũng được, mà lật lại mặt dưới, in cũng được. Ví như ta có năm tấm kiếng thì ta có sáu miếng xu xoa, tức là mười một mặt xu xoa in được.


12 Diệm, Ân, Sâm : tức là Ngô Đình Diệm, Trần Văn Ân, Nguyễn Văn Sâm.


13 Rue Miche : nay là đường Phùng Khắc Khoan.




Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
Dang Thai Son en concert 08/01/2025 - 17/01/2025 — Paris, Nantes, Lyon, Aix-en-Provence, Genève
Odéon Théâtre de l'Europe - En janvier à l'Odéon 09/01/2025 - 07/02/2025 — Berthier 17e, Odéon 6e
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Histoire des employés vietnamiens et indochinois de la BnF à travers les archives (1942-1965) 16/01/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
YDA: Si loin si proche 2025 06/02/2025 - 09/02/2025 — La Ferme du Buisson, allée de la ferme, 77186 Noisiel - (RER A - Noisiel)
France-Vietnam : un portail entre les cultures - La mémoire vietnamienne en filigrane. Étude de Paris, qu’as-tu fait de nous ? de Pham Van Ky 06/02/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Le développement d’une culture de contestation anti-coloniale publique à Saigon par le moyen d’une presse autonome (1900-1930) 13/03/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - La génération des néologismes sino-vietnamiens dans la circulation culturelle de la sphère sino-graphique sous l’influence de l’Occident au tournant du XXe siècle 03/04/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Sujets et séjournants. Une nouvelle histoire des indochinois en France 15/05/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Transferts du modèle français à la description de la grammaire vietnamienne 05/06/2025 16:30 - 18:00 — BnF site François-Mitterrand | Salle 70 ou via ZOOM
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us