Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Hơn 2000 thợ lò gốm đình công

Hơn 2000 thợ lò gốm đình công

- Trần Văn Thạch — published 11/06/2014 10:45, cập nhật lần cuối 11/06/2014 16:23
Bài viết của Trần Văn Thạch trên báo La Lutte 1935

Trần Văn Thạch, cây bút chống bạo quyền áp bức



Trong vùng Lái Thiêu - Thủ Dầu Một

Hơn 2000 thợ lò gốm đình công


Phản đối việc giảm 20% lương

tiếp sau nhiều đợt giảm đồng lương chết đói.

Giới chủ nhân đáp lại bằng lệnh đóng cửa lò.

Cuộc đình công được điều hành bằng

áp phích, truyền đơn, và các toán kiểm tra bãi công.



Tiếp theo bài phóng sự điều tra "Tại Rạch Giá, ruộng đất của hơn 1500 nông dân bị tịch thu vì không trả được nợ", trích trong cuốn sách Trần Văn Thạch (1905-1945) Cây bút chống bạo quyền áp bức (sẽ ra mắt bạn đọc vào thứ bảy 14.6 tới đây tại Sceaux, ngoại ô Paris), Diễn Đàn trân trọng giới thiệu với bạn đọc bài báo dưới đây của Trần Văn Thạch về một cuộc đình công lớn của công nhân các lò gốm tại Lái Thiêu, đã được đăng trên La Lutte số 55, ngày 5.10.1935. Và một lần nữa, xin chân thành cảm ơn các chị Trần Mỹ Châu và Phan Thị Trọng Tuyến đã cho phép đăng lại tư liệu lịch sử này.



Một cuộc đình công lớn chưa từng thấy!

Thứ Hai vừa qua một bạn ở Lái Thiêu báo cho chúng tôi hay tin một cuộc đình công thật lớn xảy ra ba hôm trước, nối tiếp cuộc đình công của các thợ làm đồ gốm Thủ Dầu Một, bắt đầu từ ngày 23 tháng 9. Anh ta trao cho chúng tôi tấm áp phích nhỏ nhầu nhò phai mực vì nước mưa.

Nhưng rủi thay, ngay lúc đó các biên tập viên của báo La Lutte đều bận việc, không ai có thể rời Sài Gòn được.

Qua thứ ba, các tờ nhật báo tư sản đều đăng tin đình công ở trang nhất. Phải công nhận là họ không che giấu tầm quan trọng của phong trào này. Cơ quan ngôn luận của thực dân, do Lachevrotière chủ trương, công bố: “Đây là lần đầu tiên có một cuộc đình công lớn như thế ở Đông Dương.” Và, để kết luận, là những dòng chữ chứng tỏ một nỗi lo sớm bộc lộ: “Cuộc đình công nầy là một báo hiệu của thời cuộc và điều đáng sợ là các công nhân ngành khác sẽ theo gương của những người thợ gốm.”

Báo La Lutte gởi phóng viên đi

Sau cùng thì vào chiều thứ ba, rảnh việc được vài giờ, ba anh em chúng tôi nhảy lên xe một người bạn chạy thẳng về Lái Thiêu, cách Sài Gòn 21cây số. Qua địa điểm nầy, chúng tôi hướng về Búng. Xe vào những hương lộ trải đá ong bị bánh xe bò cày sâu thành rảnh, cho thấy rõ là cả chục năm mới có xe hủ lô đến đó ban đường.

Trong vùng nầy, người ta chỉ thấy những chiếc xe bò nặng trĩu chở đầy đất sét lăn bánh theo nhịp bước chậm chạp của các chú bò. Hai bên đường toàn là cây xanh, nhất là cây ăn trái: măng cụt, chuối, sầu riêng.

Không một tấc đất bỏ hoang. Bởi vì vùng này thật đông dân và nghèo. Ở đây không có đồng ruộng bao la. Người giàu nhất cũng chỉ có chừng vài mẫu vườn. Nhìn chung nhà nào cũng xập xệ, mái phủ rơm, vách trét đất. Chỉ có hai nguồn lợi là làm gốm và trồng trọt lặt vặt, không đủ nuôi thân. Mọi người đều vất vả: anh chồng công nhân hay nông dân, chị vợ, các con trai gái. Cuộc sống vô cùng khốn khổ. Nếu dáng vẻ túp lều tranh chưa đủ nói lên, thì người ta thấy hiển hiện cảnh bần cùng khi nhìn lũ trẻ đi qua, áo quần rách rưới bẩn thỉu, tóc tai bù xù, thân hình teo tóp.

Xe chúng tôi đi liều vào những con đường gần như không thể đi được. Mặt đường lồi lõm. A, đây rồi, chỗ nầy có khói bay lên; đó là một cụm lò gốm. Vậy mà không có lấy một ống khói. Thì ra các chủ lò nầy khéo biết dùng những gò đất. Dọc theo các gò dốc đất, họ xây lò nung hình ống bán trụ. Nhờ thế dốc, lò cũng là ống khói luôn. Dốc càng đứng thì sự thông gió càng tốt. Bên trong lò có lủ khủ nào hũ, vại, tách, chén, chất đống bên cạnh các đống lửa. Trong lò nung, cách khoảng, người ta trổ những lò đốt. Người ta đốt củi lên, đóng tất cả các lỗ gió, rồi thì chỉ ngồi chờ.

Các chi tiết đó giúp chúng ta hiểu được vì sao các lò gốm thường được làm chùm nhum lại thành từng nhóm năm, sáu lò, tạo ra những khu dân cư thực sự. Chủ lò, ai cũng như nấy, đều tìm cách sử dụng thế dốc của địa hình. Không có sự cạnh tranh giữa các chủ lò với nhau, vì họ độc quyền cung cấp cho toàn xứ Nam Kỳ đồ dùng bằng sành đủ loại: tách, chén, tô, bình, đủ phẩm chất. Chủ đồn điền cao su, cần vô số chén hứng mủ (cao su) đều đến Lái Thiêu, Thủ Dầu Một để mua. Tại đây có khoảng 60 lò gốm với 10.000 công nhân. Trừ ba lò, tất cả đều của người Tàu.

Bóc lột công nhân

Chúng tôi tới Cây Sao, nơi có 400 thợ làm gốm, cách Búng một cây số, thì không đi được nữa vì tới đường cùng. Chúng tôi vào nhà một anh thợ đình công. Anh ở trong một cái chòi xơ xác, bàn ghế không đáng giá 15 đồng: hai tấm ván kê làm giường ngủ, một bàn nhỏ, một bàn thờ. Không có ghế ngồi. Anh thợ trình bày cho chúng tôi câu chuyện của anh và đồng bạn.

Từ lúc thành lập những lò gốm năm 1888 đến năm 1927, mỗi người làm gốm được trả công 1 đồng cho 15 miếng ván (vỉ) đựng gốm (ván/vỉ gốm là đơn vị do lường tương đương với 30 tô/tách lớn hay 40 chén/tách nhỏ. Ta biết rằng khi làm tách bằng đất sét, tách được xếp trên những miếng ván hẹp dài hai thước để phơi nắng cho khô.)

Với lương căn bản trả như thế, một người thợ giỏi kiếm được 15 đồng mỗi tháng. Nhưng tới năm 1927, mấy người chủ hội ý với nhau bắt công nhân làm nhiều hơn mà không tăng lương. Nghĩa là họ phải làm 18 vỉ gốm mới được trả 1 đồng. Vì không có nghiệp đoàn binh vực nên thợ đành phải chịu. Rồi bây giờ giới chủ nhân muốn giảm lương lần nữa không lý do chính đáng, bởi vì việc buôn bán gốm vẫn chạy mạnh. Họ chỉ trả 8 cắc cho 18 vỉ gốm. Công nhân càng thêm đói vì bị cắt 20% lương, dù họ có làm giỏi cách mấy cũng chỉ được mười mấy đồng mỗi tháng. Thử hỏi làm sao vừa nuôi gia đình, vừa trả thuế thân với 3 cắc bạc mỗi ngày?

Tình trạng mấy công nhân gốc Tàu còn thê thảm hơn nữa. Họ phải trả tiền thuế thân rất cao. Năm ngoái 32 đồng, năm nay ba chục. Một thứ thuế bằng 4, 5 tháng làm việc cực nhọc. Họ chiếm một phần ba tổng số công nhân và cũng hăng hái đình công như các đồng nghiệp người Việt. Điều này chứng tỏ cho các bạn thân mến theo lập trường quốc gia của chúng ta thấy rằng vô sản quốc tế không có tổ quốc riêng và đoàn kết nhau để bảo vệ miếng cơm trước sự tham lam vô bờ bến của chủ nhân đủ mọi chủng tộc.

Giới chủ nhân viện lý do là họ bị tăng thuế môn bài. Nhưng họ không lừa được công nhân đâu. Trong mấy tờ áp phích viết tay, công nhân tố cáo sự giàu có mau chóng và quá đáng của giới chủ nhân. Đa số chủ nhân xây nhà cửa sang trọng và mua nhiều xe hơi đời mới nhất.

Bóc lột phụ nữ và trẻ em

Nếu công nhân Tàu, Việt bị khai thác không thương tiếc thì vợ con họ làm việc trong lò gốm còn bị bóc lột tệ hại ngoài sức tưởng tượng. Vừa bước vào lò gốm, chúng tôi thấy một bé gái chừng chín mười tuổi đang chăm chú viền, vẽ mấy cái chén vừa khô trước khi đem tráng men. Với bàn tay thành thạo, cử chỉ thoăn thoắt, chứng tỏ rằng cháu đã quen việc từ lâu, cháu nhúng cọ vào lon sơn kẹp dưới chân rồi vẽ lên chén các hình cây, cỏ rất hiện thực và xinh xắn. Một mình cháu có thể vẽ được 80 cái chén mỗi ngày. Và với công việc như vậy cháu chỉ lãnh sáu xu!

Còn việc nghiền, tán nhỏ cao lin (kaolin, đất sét trắng) thì dành cho phụ nữ. Chúng tôi đi vào một xưởng có năm nữ công nhân trong đó có bốn cô còn trẻ, đang mệt nhọc giã đất sét trắng trong cái cối thật lớn bằng cây. Cái chày tựa như đòn bẫy. Bốn cô phải hết sức đè lên trên cán cần ngắn, trong khi cô thứ năm dùng một cái xẻng nhỏ quậy đất sét trong cối. Bốn cô phải đu người trên những sợi dây cột vào kèo nhà để giữ thăng bằng. Coi dáng họ như đã kiệt sức. Mồ hôi ướt đẫm áo. Và mỗi người chỉ được trả 20 xu cho 9 tiếng làm việc, sáng từ 6 tới 11 giờ, chiều từ 1 tới 5 giờ. Nếu chủ áp dụng việc giảm lương thì họ chỉ còn 16 xu. Và dĩ nhiên với điều kiện là đất sét phải được tán thật nát, đổ ra khỏi cối phải nhuyễn không còn một hột đất nào, nhuyễn nhừ không chê vào đâu được. Nếu không thì phải làm lại, chủ không trả đồng xu nào. Nữ công nhân phải chịu nhiều điều chủ o ép hơn nam công nhân. Nhưng mỗi ngày kiếm thêm được 10 hay 20 xu thì cũng thêm ít nhiều cơm gạo cho gia đình. Có ai binh vực họ đâu? Ở nước này, thợ bản xứ nằm trong tay chủ. Khi bệnh tật hay tai nạn nghề nghiệp, công nhân chỉ có nước tự mình tìm cách chữa, ngoài ra chỉ còn nước chịu chết mà thôi. Về phần những người học nghề, theo chúng tôi thấy thì họ làm có vẻ đã thành thạo lắm rồi mà vẫn phải làm không lương.

Tổ chức đình công

Có hai ngàn người đình công trên tổng số mười ngàn. Phân nửa trong số sáu chục chủ nhân chưa giảm lương hai mươi phần trăm. Những người chủ này còn giữ được công nhân họ. Nhưng họ chỉ chờ công nhân các lò gốm kia nhượng bộ để cương quyết giảm lương sau đó.

Ngày thứ Sáu, 27 tháng chín, khi các chủ lò gốm quyết định giảm lương, các tờ áp phích viết tay dán trên cây dọc đường thợ đi làm. Tác giả những tờ áp phích này hình như không có ý thức chính trị gì. Họ chỉ nói giảm lương là bất công, nhấn mạnh rằng việc buôn bán đồ gốm rất thịnh vượng; nhưng họ rụt rè nói đến đình công chớ không đưa ra khẩu hiệu đình công một cách chính xác.

Nhưng ý chí tranh đấu của công nhân trở nên rõ ràng hơn sau khi cuộc đình công bắt đầu. Họ nhất quyết theo đuổi tới cùng. Xe chúng tôi ngừng trước một trong những lò gốm giàu có nhất trong vùng. Trước cổng lò có ba người thợ chỉ mặc quần đùi.

“Các anh đừng sợ, chúng tôi không phải Mật thám mà là phóng viên của một tờ báo lao động. Sao, các anh tự vệ chống những kẻ ‘phản bội’  hả?”

Ba người thợ của tốp kiểm tra đình công mỉm cười.

“Có phải ở đây ai cũng đình công?”

“Không, chủ đem bà con người nhà vô làm thế.”

Trên cây cột ở cổng vào, chúng tôi đọc được một tờ áp phích chủ viết bằng chữ Tàu và chữ Việt, báo cho thợ biết là họ phải chịu trách nhiệm những gì xảy ra nếu họ còn qua lại trong xưởng sau 6 giờ chiều.

Một số chủ khác công bố lệnh giới nghiêm trên đất của họ; chỉ những ai cầm đèn lồng và mang giày guốc mới được phép đi lại. Vài người chủ còn buộc tội công nhân đã phá hoại dụng cụ - tin này được báo chí tư sản đưa ra để làm vừa lòng các chủ nhân, đây là điều dễ hiểu - nhưng chúng tôi không hề thấy bằng cớ.

Có những chủ nhân dựa vào sự ủng hộ của chính quyền tỉnh để không trả lương cho những việc đã xong trước đó. Đây là điều hoàn toàn trái luật, nhưng ở đất nước này luật pháp không luôn đứng về phía công nhân nên họ phải tự bảo vệ quyền lợi mình.

Đến giờ phút này, tình trạng vẫn không thay đổi. Nhưng những người đình công không nao núng. Và giới chủ được hậu thuẫn của chính quyền, cũng nhất quyết làm cho thợ đói bằng mọi cách. Họ khẳng định với ký giả báo tư sản là cuối cùng rồi thợ thuyền cũng sẽ chịu thua khi họ chẳng còn gì để ăn.

Ai cũng lo rằng chính quyền sẽ đàn áp người đình công bằng đủ thứ chuyện bó buộc. Trong chuyến đi, chúng tôi đã thấy ông Hiến binh1 Thủ Dầu Một, và quan Tây chủ quận Lái Thiêu đang đi kinh lý các làng công nhân. Họ lấy cớ giữ gìn trật tự công cộng, mà nào có ai nghĩ tới chuyện quấy rầy trật tự đâu; hoá ra họ chỉ nhằm ngăn cản không cho đình công lan ra và thúc ép thợ đình công phải đầu hàng.

Một ông Thống đốc gọi là yêu tự do sẽ không ngần ngại gởi một thanh tra lao động đến điều tra về điều kiện làm việc và về lương bổng, nhất là lương đàn bà và trẻ em. Ông ta sẽ bắt buộc những người chủ trả lương đói kém cho công nhân này phải rút lại quyết định giảm lương, và áp dụng biện pháp phạt vạ do pháp luật quy định về việc mướn trẻ em 9, 10, 11, 12 tuổi2.

Dù thế nào đi nữa, giới vô sản Đông Dương theo dõi tiến trình vụ đình công thợ lò gốm với nhiều thiện cảm. Họ khuyến khích công nhân chống lại sự bóc lột vô nhân đạo của giới chủ nhân tham lam; những người chủ này thấy mình được chính quyền thực dân trợ lực nên càng hoành hành.


Trần Văn Thạch


Nguồn: Báo La Lutte, số 55, ngày 5-10-1935, nguyên bản bằng tiếng Pháp,
bản dịch Dương Hiếu Nghĩa và Phan Thị Trọng Tuyến.



1 Xem “Lính thời thuộc địa” trong Bản chú thích tên người.

2 Luật nước Pháp từ năm 1874 qui định không được mướn trẻ em dưới 12 tuổi, trên nguyên tắc phải được áp dụng ở Nam Kỳ (thuộc địa, tức là một phần của lãnh thổ Pháp).

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us