Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Làm cách mạng XHCN hay cách mạng dân chủ theo hướng xã hội chủ nghĩa

Làm cách mạng XHCN hay cách mạng dân chủ theo hướng xã hội chủ nghĩa

- Trần Văn Tý — published 17/05/2014 23:57, cập nhật lần cuối 17/05/2014 23:57
Di cảo của nhà nghiên cứu Trần Văn Tý (anh ruột nhà thơ Trần Dần). Công bố lần đầu tiên nhân ngày giỗ lần thứ ba (31.5)


Di cảo


LÀM CÁCH MẠNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
hay

CÁCH MẠNG DÂN CHỦ THEO HƯỚNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA


Trần Văn Tý

GHI CHÚ VỀ TÁC GIẢ :

tvt

Ông Trần Văn Tý (sinh 10-1-1925 tại Nam Định – mất ngày 31-5-2011 tại TPHCM) là anh ruột nhà thơ Trần Dần (1927-1997, một trong những nhà thơ trụ cột của phong trào Nhân văn Giai Phẩm thập niên 50 của thế kỷ trước). Ông Trần Văn Tý với hơn 60 năm tuổi Đảng, đã tham gia hoạt động Việt Minh từ trước Cách mạng Tháng Tám, tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở thành phố Nam Định, trong kháng chiến chống Pháp ông đã kinh qua các chức vụ chủ yếu như : Trưởng Phòng thuế tỉnh Nam Định,  Phó Chủ tịch Ủy ban kháng chiến huyện Xuân Trường, Trưởng Ban nghiên cứu phá hoại các đô thị địch chiếm (Cục tình báo Bộ quốc phòng), Trưởng Ban tổng hợp tình hình địch (Nha công an Việt Nam), Chủ tịch Hội đồng giáo viên Trường thiếu sinh quân Việt Nam tại Quế Lâm,  Trưởng phòng Giáo vụ Khu học xá Trung ương tại Nam Ninh, Trung Quốc ; sau hòa bình lập lại, ông đã học Khoá 1 (1957-1959) Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc Trung ương và đảm nhận một số nhiệm vụ cho đến khi nghỉ hưu như Giám đốc Nhà xuất bản Văn-Sử-Địa, Giám đốc Nhà xuất bản Sử học, Trưởng Phòng biên tập - trong Ban Phụ trách Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Ủy viên Hội đồng khoa học Viện Sử học, Nghiên cứu viên cao cấp, Chủ nhiệm Đề tài cấp Nhà nước Nghiên cứu xã hội học về vấn đề ở của Việt Nam…

Về chuyên môn, ông đã tổ chức biên soạn, nghiên cứu hàng trăm đề tài của các cộng tác viên, thuộc nhiều bộ môn khoa học ; bao quát mọi khâu từ lựa chọn đề tài, thông qua đề cương, tới đọc nhận xét bản thảo để cho in (ví dụ các bản thảo : Mác thời trẻ và chủ nghĩa Mác, Đất nước Việt Nam qua các đời, Tản Đà, Khối mâu thuẫn lớn, Khởi nghĩa Lam sơn, Kinh nghiệm bước đầu về phân vùng kinh tế nông nghiệp, Định mức lao động trong xí nghiệp công nghiệp, Xác định hiệu quả kinh tế của cơ khí hóa, Kinh tế thương nghiệp, Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông, Thống kê toán, Trang bị cơ khí nhỏ ở hợp tác xã nông nghiệp, v.v…)

Ông đã tổ chức dịch từ Pháp văn, Nga văn nhiều chục cuốn sách có nội dung lý luận kinh điển cao về khoa học xã hội, bao quát các khâu chọn đề tài, duyệt nội dung nguyên bản, duyệt và hiệu đính bản dịch (ví dụ: Lịch sử tư tưởng kinh tế, Nguyên lý nhân bản trong triết học, Triết học hiện đại Pháp, Cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội, Vị trí cuốn “ Học thuyết giá trị thặng dư  ” trong di cảo kinh tế Mác, Tóm tắt “Tư bản luận”, v.v…)

Ông cũng đã cùng ông Hồng Phong làm tuyển tập Chủ nghĩa Mác-Lênin bàn về lịch sử, đã dịch nhiều đoạn trích của Mác-Enghen đưa vào tuyển tập đó (NXB Sử học, 1962-1963), và đã dịch một nửa tác phẩm kinh điển: Mác-Enghen-Lênin bàn về các xã hội tiền tư bản (NXB KHXH, 1972).

Thời kỳ công tác ở Viện xã hội học, ông đã phụ trách việc nghiên cứu về Xã hội học đô thị và phương pháp nghiên cứu xã hội học, đã tổ chức triển khai thực hiện 20 Đề tài điều tra xã hội học cụ thể và được Ban chủ nhiệm “Chương trình khoa học kỹ thuật trọng điểm của Nhà nước về vấn đề ở” đánh giá tốt và đề nghị cấp Nhà nước khen thưởng.

Sau khi ông mất những người thân trong gia đình đã tìm thấy một tài liệu chưa bao giờ được công bố, mà ông có thể đã viết vào những năm giữa thập kỷ 80 của thế kỷ 20, ngay trước thời kỳ “Đổi mới”. Tài liệu này - dựa trên sự nghiên cứu những luận điểm lý luận cơ bản của chủ nghĩa Mac-Lênin để phân tích một số sai lầm về đường lối chính sách đã áp dụng vào thời kỳ quá độ xây dựng CNXH của Việt Nam thời kỳ đó v.v... Khi còn sống, ông cũng chưa bao giờ chia sẻ với bất cứ ai, trong và ngoài gia đình, về những suy nghĩ thầm kín này.

Nay chúng tôi xin giới thiệu nguyên văn tài liệu để bạn đọc tham khảo.

Chúng ta đã biết khủng hoảng kinh tế xã hội kéo dài những năm qua có nguyên nhân chủ yếu là do vội xóa bỏ các hình thức kinh tế dựa trên chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất, phát triển tràn lan kinh tế quốc dân nặng về hình thức thúc ép toàn thể nông dân ào ạt vào hợp tác xã kém hiệu quả kinh tế, phủ nhận kinh tế hàng hóa và cơ chế thị trường.


Những sai lầm về quan điểm, lý luận :


Theo ý kiến chúng tôi, sở dĩ có tình trạng trên là do, về quan điểm lý luận, chưa quán triệt quy luật khách quan về biến chuyển phương thức sản xuất, chưa quan niệm đúng nội dung xã hội xã hội chủ nghĩa.

Mác đã viết : “ Một hình thái xã hội không bao giờ mất đi trước khi đã phát triển tất các lực lượng sản xuất mà nó còn đủ sức chứa đựng ; các quan hệ sản xuất mới và cao hơn không bao giờ đến thay thế ở đây trước khi những điều kiện tồn tại vật chất của những quan hệ đó đã nảy nở ngay trong bản thân xã hội cũ1 (tôi nhấn đậm).

Theo luận điểm trên của Mác, cần có quan điểm lịch sử cụ thể đối với sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, cần xem xét kỹ, trong những điều kiện nhất định, nó đã hết hay còn tiềm năng phát triển sức sản xuất ; nếu còn tiềm năng phát triển thì mặc dù có làm nảy sinh những mặt tiêu cực này khác, và do đó, bị xã hội lên án, thì nó vẫn là “ bình thường về mặt xã hội ” (lời của En-ghen) và “ không bao giờ mất đi ”.

Từ luận điểm trên của Mác, cũng rút ra quan điểm là chỉ có thể đem quan hệ sở hữu công cộng thay thế cho quan hệ sở hữu tư nhân, khi đã hình thành những cơ sở vật chất kỹ thuật đã xã hội hóa làm nền tảng cho quan hệ sở hữu công cộng đó, và hơn nữa, khi đã chứng minh được rằng quan hệ sở hữu công cộng “ mới ” đó đem lại một hiệu quả kinh tế “ cao ” hơn, nếu không, xã hội hóa quan hệ sở hữu chỉ là về hình thức, quan hệ sở hữu công cộng “ không bao giờ đến thay thế được ”.

Không làm như trên mà lại dùng biện pháp hành chính, bạo lực chính trị, thì cũng chỉ vô hiệu mà thôi. En-ghen đã viết : “ Nếu theo học thuyết của ông Duy-rinh, tình trạng kinh tế và, cùng với nó, tổ chức kinh tế một nước nào đó, chỉ tùy thuộc đơn thuần vào bạo lực chính trị, thì người ta sẽ không hề biết tại sao, sau năm 1848, Phơ-rê-đê-rich Guy-Ôm Đệ tứ, mặc dù có một “ quân đội tuyệt vời ”, đã không thể lồng trên đất nước của ông, các nghiệp đoàn trung cổ và nhiều ý thích riêng lãng mạn khác, vào đường xe lửa, máy chạy bằng hơi nước và nền Đại công nghiệp đang phát triển hồi đó ” 2.

Và không được đơn giản hóa quá mức chủ nghĩa xã hội, chỉ tính đến đặc trưng “ sở hữu xã hội ” của nó rồi đi đến vội vã phủ nhận kinh tế hàng hóa, cơ chế thị trường.

Đúng là En-ghen đã viết : “ Cùng với việc xã hội chiếm giữ các phương tiện xã hội, nền sản xuất hàng hóa bị loại bỏ, và do đó, cả sự thống trị của sản phẩm đối với người sản xuất ” 3. Ngay sau cách mạng tháng Mười, nhiều người bôn-sê-vich Nga tưởng đã tới lúc thực hiện ngay nguyên lý đó, tưởng xã hội đã chuyển từ “ vương quốc của tất yếu ” sang “ vương quốc của tự do ” (lời của Mác), nên họ đã kêu gọi vứt bỏ tức khắc thị trường, giá cả, tiền tệ. Nhưng có một nhà mac-xit thiên tài, Lênin, đã hiểu rằng xã hội mà En-ghen và Mác nghĩ đến không phải như xã hội Nga thấp kém đương thời, rằng “ vương quốc của tự do chỉ bắt đầu ở nơi nào người ta không còn làm việc vì bó buộc và lý do áp đặt từ bên ngoài ” 4. Cho nên Lênin đã đề ra “ Chính sách kinh tế mới ” (NEP) có thừa nhận sản xuất hàng hóa, cơ chế thị trường, trái ngược với những người mắc bệnh ấu trĩ tả khuynh.


Sai lầm về chỉ đạo chiến lược hay về chiến lược :


Căn cứ vào những luận điểm trên vận dụng vào hoàn cảnh nước ta sau kháng chiến chống Pháp và kháng chiến chống Mỹ, chúng tôi có một số suy nghĩ như sau :

Nước ta từ một nền kinh tế chủ yếu là tiểu sản xuất nông nghiệp lạc hậu, sở hữu nhỏ chiếm tỉ trọng tuyệt đối, lại tiến lên xã hội xã hội chủ nghĩa, một xã hội, theo chủ nghĩa Mác-Lênin, có hiệu suất lao động cao hơn cả ở những nước tư bản tiền tiến ; như vậy là phải chuyển từ đáy rất sâu lên đỉnh thật cao. Về bản chất, đó là cuộc thi đua giữa sở hữu công cộng và sở hữu tư nhân ; trong cuộc thi đua này, sở hữu công cộng chỉ có thể thắng được (đến thay thế được) bằng việc đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn, trong khi sở hữu tư nhân, có quan hệ ngày càng mật thiết với sở hữu tư nhân quốc tế, vẫn còn tiềm năng phát triển sức sản xuất rất lớn. Để đạt tới thắng lợi cuối cùng, sở hữu công cộng phải phấn đấu vô cùng gian khổ và cũng cần đến thời gian rất lâu dài để cơ sở vật chất kỹ thuật tương ứng được hình thành.

Trong thời gian rất lâu dài tiến lên chủ nghĩa xã hội đó có một thời kỳ, cũng lâu dài, quan hệ sở hữu tư nhân lúc đầu chiếm tỉ trong tuyệt đối rồi có tỉ trọng giảm dần dần (do quan hệ sở hữu công cộng phát triển và thay thế được tuần tự) nhưng vẫn còn tương đối lớn. Trong thời kỳ lâu dài này, khu vực tư nhân tồn tại và vẫn cần được phát triển, người chủ sở hữu tư nhân, người tư sản vẫn là động lực phát triển kinh tế rất quan trọng.

Nhưng vì tiến theo hướng xã hội chủ nghĩa nên trong thời kỳ này, cách mạng cần có những biện pháp phòng ngừa cho kinh tế tư bản không thể trở thành thống trị về kinh tế và chính trị, phải nắm lấy và sử dụng thật có hiệu quả các đòn bẩy kinh tế, chính trị.

Và trong thời kỳ lâu dài đó, cách mạng xây dựng những tiền đề của chủ nghĩa xã hội : những cơ sở kinh tế của nhà nước, của tư bản nhà nước, của tập thể, có hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với kinh tế tư nhân. Việc này chỉ có thể làm dần dần.

Làm như trên sẽ mở rộng đường cho mọi động lực phát triển, mỗi bước tiến của sở hữu công cộng đồng thời là một bước tiến vững chắc của sức sản xuất, không để xảy ra sụt giảm về kinh tế, đời sống nhân dân sẽ được cải thiện không ngừng làm cho họ luôn phấn khởi, yên tâm đi theo con đường xã hội chủ nghĩa.

Cách mạng xã hội trong thời kỳ lâu dài này với đặc trưng phức hợp như trên không phải là cách mạng tư sản đơn thuần, cũng chưa là cách mạng xã hội chủ nghĩa có nội dung xóa bỏ sở hữu tư nhân, xác lập sở hữu xã hội. Đó là một kiểu cách mạng đặc thù, đã được gọi trong phong trào các nước phát triển phi tư bản chủ nghĩa, là cách mạng dân chủ kiểu mới hay cách mạng dân chủ nhân dân.

Cách mạng dân chủ nhân dân sẽ chuyển sang cách mạng xã hội chủ nghĩa. Nhưng hai cuộc cách mạng vẫn khác biệt theo một đặc điểm quan trọng : sở hữu tư nhân vẫn còn hay đã hết tiềm năng phát triển sức sản xuất, vẫn cần được tồn tại và phát triển hay không ? Cho nên cần xác định ranh giới cho rõ ràng để tránh sai lầm tả khuynh làm ngưng trệ, sút giảm sản xuất.

Cách mạng dân chủ nhân dân ở ta sẽ diễn ra bao lâu ? Chúng tôi thiết nghĩ : cho tới khi tạo được cơ sở vật chất kỹ thuật vững chắc cho quan hệ sở hữu công cộng hình thành rộng rãi, chiếm tỉ trọng tuyệt đối, có đủ sức tiến lên chiếm lĩnh toàn bộ nền kinh tế quốc dân. Thời kỳ đó chắc không thể bó gọn trong vài thập kỷ.

Tình hình nước ta sau kháng chiến chống Pháp và kháng chiến chống Mỹ đã không diễn ra như trên. Ta đã vội vã thực hiện một loạt chủ trương (vội vã xóa bỏ kinh tế tư nhân, phát triển tràn lan kinh tế quốc doanh kém hiệu quả kinh tế, vội vã thúc ép nông dân vào hợp tác xã) ; những vội vã đó, theo chúng tôi nghĩ, chung quy lại, thể hiện sự vội vã đốt cháy giai đoạn cách mạng, vội vã thực hiện ngay cách mạng xã hội chủ nghĩa, trong khi tình hình cụ thể đất nước lại đòi hỏi tiến hành cách mạng dân chủ kiểu mới, hay cách mạng dân chủ nhân dân. Chúng tôi nghĩ đó không phải là sai lầm về chỉ đạo chiến lược mà là sai lầm về chiến lược. Và hậu quả là đã gạt bỏ nhiều động lực phát triển kinh tế, lãng phí nhiều của cải, công sức, sản xuất ngưng trệ, giờ đây hầu như lại phải làm lại từ đầu về hợp tác hóa.


Một số kiến nghị :


1. Ở phần trên, dựa trên phân tích lý luận có liên hệ với thực tế, chúng tôi đã đi tới kết luận ở nước ta nên tiến hành cách mạng dân chủ nhân dân thay vì làm cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Các văn kiện Đại hội đã chủ trương để kinh tế tư nhân tồn tại và phát triển lâu dài ; thừa nhận sản xuất hàng hóa, cơ chế thị trường, phát triển kinh tế công cộng. Chúng tôi hiểu đó là cơ sở hạ tầng của chế độ dân chủ của nhân dân (kiểu mới).

Nhưng lại có chủ trương “ chống tư tưởng tư sản ”, xây dựng “ pháp luật xã hội chủ nghĩa ”, văn hóa “ xã hội chủ nghĩa ”. Như vậy, thượng tầng kiến trúc lại là thượng tầng kiến trúc xã hội chủ nghĩa. Đã động viên khuyến khích người tư sản phát triển kinh tế, lại đồng thời chống tư tưởng của họ và hơn nữa, họ không còn được kể đích danh trong lực lượng nhân dân, thì họ yên tâm, mạnh dạn bỏ vốn ra sao được ? Kinh tế tư nhân còn chiếm tỉ trọng tuyệt đối và chỉ giảm dần dần sẽ còn tồn tại, phát triển lâu dài, sao có thể được chế định sát hợp bởi nền pháp chế xã hội chủ nghĩa ?… Thượng tầng kiến trúc không phù hợp như thế sao có thể mở đường cho hạ tầng cơ sở phát triển, mà chắc chắn chỉ có tác dụng ngược lại.

Cho nên chúng tôi kiến nghị nên dứt khoát sửa lại cho thượng tầng kiến trúc cũng là của xã hội dân chủ nhân dân, và gọi tên cách mạng nước ta là Cách mạng dân chủ nhân dân.

Như vậy có thể nghĩ ngay là thụt lùi, là làm chậm bước tiến lên chủ nghĩa xã hội, nhưng thực ra, sẽ là tiến nhanh hơn, tiến vững chắc hơn. Bởi lẽ : một mặt, không hề gây trở ngại gì cho việc xây dựng các tiền đề của chủ nghĩa xã hội, mặt khác không cản trở khu vực tư nhân phát triển, nâng cao thêm sức sản xuất, và như vậy, cũng có nghĩa là tạo thêm điều kiện vật chất - kỹ thuật khách quan cho việc hình thành quan hệ sở hữu công cộng ; ngoài ra còn giúp tránh được tư tưởng nôn nóng, hành động vội vã làm sút giảm kinh tế.

Qua tổng kết tình hình phát triển cá nước Châu Á, Châu Phi tiến theo con đường phi tư bản chủ nghĩa, chỉ có mỗi một nước ở châu Phi, Cabo Verde, mặc dù gặp phải nhiều khó khăn khách quan, đã ổn định phát triển được kinh tế, tránh được khủng hoảng. Từ khi đất nước giành được độc lập cuối những năm 1960, Đảng lãnh đạo chủ trương tập hợp huy động rộng rãi nhân dân thực hiện các mục tiêu trực tiếp về dân tộc, dân chủ, dân sinh. Trong khi đó, có những biện pháp phòng ngừa những người tư sản trở thành giai cấp thống trị, xây dựng dần dần những cơ sở kinh tế quốc doanh có hiệu quả kinh tế khá, đảm bảo cân bằng xã hội, và tiến theo mục tiêu xã hội không còn bóc lột.

Nếu đổi lại là làm cách mạng dân chủ nhân dân thì vấn đề tên gọi của quốc gia cũng nên đặt ra xem xét. Vẫn giữ tên “ xã hội chủ nghĩa ” thì tên gọi không phù hợp với nội dung kinh tế, chính trị của xã hội, trở thành một tên gọi rỗng và có thể làm nảy sinh những tư tưởng, hành động tả khuynh. Bỏ đi thì có thể gây thắc mắc. Đảng đã từ bỏ con đường xã hội chủ nghĩa chăng ? Những thắc mắc này dễ giải thích thôi.

2. Do rất nghèo nàn về vốn và thiếu kinh nghiệm quản lý, cần trước hết thu hút vốn tư nhân để phát triển mạnh, nhưng cũng phải vững chắc, khu vực kinh tế tư bản nhà nước, vì lẽ :

a) có được thêm vốn, thêm hiểu biết quản lý của tư bản tư nhân ;

b) có được sự giám sát chặt chẽ của những người “ của đau con xót ”, hạn chế được tham ô lãng phí.

c) và chính quyền, do có trực tiếp bỏ vốn, trực tiếp tham gia quản lý, cũng dễ kiểm tra, điều tiết được khu vực này. Trong chính sách kinh tế mới, Lênin cũng đã coi trọng như vậy khu vực tư bản nhà nước.

3. Trong những kế hoạch ngắn hạn đầu tiên, khi đã có bộ máy nhà nước, thực hiện chức năng quản lý, hướng dẫn, điều tiết về kinh tế, và đã nắm xương sống của nền kinh tế, thì chưa nên vội để ra riêng cho kinh tế quốc doanh vai trò chủ đạo, nhiệm vụ giành ưu thế đối với các thành phần kinh tế khác, vì có thể dẫn đến những hậu quả :

a) phát triển tràn lan cơ sở kinh tế quốc doanh kém, thậm chí không có hiệu quả kinh tế.

b) làm giảm vốn cần thiết cho lĩnh vực sự nghiệp, tiêu dùng, khó cải thiện được đời sống nhân dân.

c) tạo ra xu hướng dành ưu thế bằng việc hạn chế sự phát triển của các thành phần khác.

4. Định nghĩa về xã hội chủ nghĩa trong cương lĩnh còn quá chung chung, có thể dẫn tới sự hạ thấp nội dung của chủ nghĩa xã hội, và từ đó dẫn tới những tư tưởng, hành động hoặc hữu, hoặc tả, như đã từng xảy ra trên quốc tế.

Chủ nghĩa Mác đã luôn nói có thể đặc trưng chất lượng đầu tiên của chủ nghĩa xã hội khoa học là đảm bảo một hiệu quả lao động cao hơn so với chủ nghĩa tư bản. Lênin lại còn nói rõ cao hơn các nước tư bản tiên tiến nhất. Chúng tôi nghĩ đó không hề là nói cho hay, cho đẹp. Đặc trưng đó chỉ là hệ quả tất yếu của việc quan hệ sở hữu công cộng đến thay thế được sở hữu tư nhân bằng việc đem lại một hiệu quả kinh tế cao hơn. Và không nên nghĩ rằng chủ nghĩa xã hội ở nước ta thì không cần đến như thế ; khu vực kinh tế tư nhân đang hàng ngày tiếp nhận công nghệ tiên tiến của những nước tư bản phát triển nhất.

Chủ nghĩa xã hội còn bao hàm sự vượt qua phương thức phân công lao động xã hội chật hẹp dưới chủ nghĩa tư bản, một phương thức làm cho con người thành dị dạng về thể chất và tinh thần. Sự vượt qua đó là một biểu hiện cụ thể về con người được phát triển toàn diện như thế nào trên cơ sở một thu nhập quốc dân rất cao. En-ghen đã gọi Duy-rinh – người không hiểu đặc trưng đó – là “ một tên lùn tự phụ ”.

En-ghen còn nói chủ nghĩa xã hội khoa học bao hàm việc xóa bỏ sự cách biệt giữa thành thị và nông thôn. Đó là chỉ số cụ thể về mức sống rất cao mọi người dân trên đất nước.

Những đặc trưng cụ thể trên cho thấy cần biết bao công sức và thời gian mới có thể đạt tới chủ nghĩa xã hội khoa học. Kinh nghiệm quốc tế đã cho thấy hạ thấp chủ nghĩa xã hội thì cũng không thể có được chủ nghĩa xã hội .

Trần Văn Tý



1 Karl Marx, Contribution à la critique de l’économie politique, Editions Sociales, Paris, 1972. Có thể đọc bản điện tử miễn phí trên mạng :
http://classiques.uqac.ca/classiques/Marx_karl/contribution_critique_eco_pol/contribution_critique.html

2 Friedrich Engels, Anti-Dühring, Editions Sociale, Paris, 1973, tr. 187.

3 Friedrich Engels, sđd., tr. 319.

4 Karl Marx, Le Capital, Livre 3, t. 3, Editions Sociales, Paris, 1974, tr.198.

5

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us