Tiếng Pháp và nền Học chính tại Đông Dương
Tiếng Pháp
và
nền Học chính tại Đông Dương1
Tác giả : E. Aymonier
Giám đốc
Trường Thuộc Địa, Thành viên
của
Hội Đồng quản trị Hội Pháp
Văn Liên hiệp
(Directeur de l'Ecole
Coloniale, Membre
du Conseil
d'Administration de l'Alliance Française)
Dịch và chú giải: Lại Như Bằng
(Xin xem hai văn bản pdf đính kèm ở cuối trang)
Lời giới thiệu :
Chữ "quốc ngữ" hay chữ Việt viết với chữ cái la-tinh đã được các giáo sĩ truyền giáo sáng tạo ra để dùng như một công cụ truyền đạo. Vào cuối thế kỷ thứ 19, ngay từ khi bắt đầu cai trị các vùng mới chiếm đóng, nhà cầm quyền Pháp tại Việt Nam muốn dùng thứ chữ này thay thế chữ nôm, làm phương tiện giao lưu với dân bản xứ. Thời đó, mọi người đều công nhận thứ chữ này là một công cụ thuận lợi để dạy tiếng Việt cho các viên chức cai trị Pháp. Nhưng việc phổ biến chữ "quốc ngữ" cho toàn xứ , xem chữ quốc ngữ là chữ chính thức trong mọi công văn hành chính, đã không được sự đồng thuận nhất trí của giới thẩm quyền Pháp. Cuộc tranh luận xảy ra rất sôi nổi.
Sau đây là quan điểm của Aymonier , cũng là đường hướng tiêu biểu của phe chống đối chủ trương phổ biến chữ "quốc ngữ".
Bài phát biểu của Aymonier đặt ra hai vấn đề: 1. Khả năng phát triển của tiếng Việt. 2. Vì quyền lợi lâu dài của nước Pháp, nên phổ biến "chữ quốc ngữ" hay nên "Pháp hóa" người Việt ?
Aymonier là một trong những người Pháp thuộc địa, dù đứng trên lập trường bảo vệ quyền lợi của nước Pháp, tìm cách củng cố nền thống trị của người Pháp, đã dùng những từ "Phe kháng chiến quốc gia" ( Le parti de la résistance nationale), "người An Nam yêu nước" (patriotes annamites), để chỉ những người chống lại Pháp (thời đó là phong trào Cần vương), đã dự đoán ngay từ đầu thời Pháp thuộc là về lâu dài Pháp sẽ bắt buộc phải trả lại quyền tự chủ cho người Việt. Do đó, mục tiêu ông thấy cần phải đạt tới là làm sao biến người Việt thành người Pháp-Á-Đông. Nếu tất cả người Việt, nhất là giới bình dân vốn là đại đa số, nói tiếng Pháp (dù là thứ tiếng Pháp "biến thể" , thô sơ, "tiếng bồi"), suy nghĩ như Pháp, thì một khi được trả chủ quyền, vẫn sẽ gắn bó với "mẫu quốc" như với đất nước mình, mua hàng của Pháp và quyền lợi của nước Pháp tại đất Việt sẽ được bảo tồn.
Aymonier chấp nhận những người Việt chống lại Pháp là người yêu nước. Aymonier cũng tự nhận mình là người yêu nước. Nhưng ông là người Pháp, dĩ nhiên yêu nước Pháp, bảo vệ quyền lợi của nước Pháp.
Những đề nghị của Aymonier đã không thể hiện được, cuối cùng chính sách "Pháp hóa" không thành, người Việt vẫn nói tiếng Việt, lại dùng chữ "quốc ngữ" làm phương tiện trao đổi ghi nhận tư duy ở mọi cấp độ, bình dân cũng như đại học.
***
Nhưng, vấn đề chính ở đây không phải là Aymonier đúng hay sai, dù sao ngày nay chúng ta đã biết kết quả. Cái nhìn của Aymonier về vấn đề chữ quốc ngữ là cái nhìn của một nhà chính trị. Dù trong bài có bàn nhiều về ngôn ngữ nhưng rốt cục cũng chỉ để thuyết phục người nghe chấp nhận một giải pháp mà yếu tố tiên quyết cũng là yếu tố chính trị: làm sao bảo vệ quyền lợi lâu dài của đế quốc Pháp. 2
Do đó, đứng về mặt lịch sử, khi nới rộng tầm nhìn , cuộc tranh cãi này giúp ta tìm hiểu thêm
- về lịch sử phát triển chữ quốc ngữ tại xứ ta, đã đành
- về những suy tư tính toán của người Pháp trong thời kỳ bắt đầu tìm đường củng cố nền thống trị của họ lên xứ ta, họ muốn gì, dựa lên lực lượng nào ?
Aymonier, với vị trí của mình, có thể được xem như một chứng nhân quan trọng vì những lý do sau:
- Aymonier là giám đốc Trường thuộc địa (Ecole coloniale) từ 1889 đến khi về hưu năm 1905, trường đào tạo nhân viên cai trị thuộc địa.
- Những buổi hội nghị, trong đó bài của Aymonier được đọc, quy tụ những người tham gia trực tiếp vào việc cai trị các thuộc địa của Pháp thời bấy giờ, như Le Myre de Vilers , chủ tọa tiểu ban Đông Dương của Hội nghị thuộc địa tháng 11-1889 3. Ta có thể nói theo ngôn ngữ ngày nay, đây là cuộc thảo luận giữa những "chuyên gia thuộc địa".
- Aymonier lại là một người am hiểu tình hình Đông Dương thời đó, ông biết nói tiếng khmer, tiếng Việt, lấy vợ Chăm , từng tham gia trực tiếp cai trị các vùng Trà Vinh, Hà Tiên, Bình Thuận. Ông đã sống diễn biến lịch sử ngày 4-7-1885 khi vua Hàm Nghi đứng lên chống Pháp và phong trào Cần vương tiếp theo đó. Là công sứ tỉnh Bình Thuận, ông đã "bình định" vùng đất này, tiêu diệt "phe kháng chiến" Việt Nam (1886), chia để trị, dùng người Việt đánh người Việt. Đây là chiến thuật thường dùng xưa nay của các thế lực ngoại bang muốn thống trị dân Việt. Rồi một ngày kia, người ngoại bang khăn gói ra đi, còn lại người Việt với nhau và những mối oan khiên ân oán tương quan tương duyên kéo dài qua nhiều thế hệ ... Là một nhà chính trị, ông ý thức được rằng người Pháp đã thắng trận đầu, nhưng về lâu dài tình thế sẽ thay đổi.
***
- Tập "Tiếng Pháp và nền Học chính tại Đông Dương", do Aymonier soạn, gồm 3 phần, dùng làm tài liệu tranh luận về chính sách giáo dục tại Đông Dương.
. Phần I là bài thông tri đọc tại Hội nghị thuộc địa quốc tế, ngày 31 tháng 7 năm 1889.
. Phần II là bài thông tri đọc tại Hội nghị thuộc địa quốc tế, ngày 11 tháng 12 năm 1889.
. Phần III được viết để bổ túc hai phần trên, khi ra tập tài liệu gom góp tất cả các bài , ngày 15 Tháng tư năm 1890.
- Xin đọc tiếp "Tiếng Pháp, quốc ngữ và nền Học chính tại Đông Dương-Trả lời ông Aymonier" ("Le français, le quốc-ngữ et l'Enseignement public en indochine-Réponse à M.Aymonier ")4 là bài phản bác lại Aymonier của Emile Roucoules, hiệu trưởng trường Chasseloup Laubat tại Sài Gòn vào thời đó, thuộc phe chủ chương phổ biến chữ quốc ngữ.
- Cám ơn bạn Nguyễn Dư đã đọc lại bản thảo và góp ý sửa chữa những vụng về, thiếu sót.
***
Về tác giả :
Etienne François Aymonier (1844-1929), Tốt nghiệp Trường võ bị Saint Cyr tháng 10 năm 1868 với cấp bậc thiếu úy Thủy quân lục chiến (infanterie de marine), được gửi tới Sài Gòn vào tháng 10 năm 1869. Ông đã tự học , tìm hiểu văn hóa dân tộc bản xứ và được xem như là chuyên gia tại vùng đất mà người Pháp vừa mới chiếm được.
Do đó, năm 1870, ông được biệt phái sang chức vụ tham biện hậu bổ (inspecteur stagiaire des affaires indigènes) và năm 1871 được cử tới địa hạt tham biện Trà Vinh. Tại đây, ông đã gặp nhiều nhóm dân tộc gốc Khmer và nhờ vậy có dịp học tiếng nói khmer.
Năm 1872, ông được thăng chức chánh tham biện và trở thành phụ tá công sứ Pháp tại Cambodge, năm 1874, giữ chức chánh tham biện Hà Tiên, 1878, giám đốc trường tham biện hậu bổ tại Sài Gòn (collège des administrateurs stagiaires de Saigon), 1879 , đại diện chính quyền bảo hộ tại Cambodge cho đến năm 1881.
Từ năm 1882 đến 1885, ông tổ chức nhiều cuộc tham quan nghiên cứu văn minh Khmer và Chăm. Tháng 7 năm 1885, ông bắt đầu khởi hành một cuộc tham quan nghiên cứu văn minh Chăm thì xảy ra biến cố 4-7-1885, vua Hàm Nghi tấn công Pháp để dành lại chủ quyền nhưng thất bại. Tình hình bất an sau đó khiến ông phải hủy bỏ cuộc tham quan.
Năm 1886, Aymonier được cử làm công sứ tỉnh Bình Thuận, lấy vợ người Chăm. Năm 1886 ông cùng Tổng đốc Emmanuel Trần Bá Lộc 5 (Tổng đốc Lộc đặt dưới quyền ông / chức Tổng đốc do người Pháp phong) dẹp tan quân Cần vương vùng Bình Thuận - Khánh Hòa.
Năm 1889 Aymonier về hẳn Pháp và được cử làm giám đốc trường Thuộc địa (Ecole coloniale) vừa được thành lập với sự hỗ trợ tích cực của Thứ trưởng Bộ Thuộc Địa Eugène Étienne.
Năm 1905, Aymonier về hưu.
Năm 1929, qua đời.
***
Tiếng
Pháp ,
Quốc-ngữ
và nền Học
chính tại Đông Dương6
Trả lời Ông Aymonier
Tác giả: E. Roucoules
Dịch và chú giải: Lại Như Bằng
Lời giới
thiệu :
Vào cuối thế kỷ thứ 19, ngay từ khi bắt đầu cai trị các vùng mới chiếm đóng, nhà cầm quyền Pháp tại Việt Nam muốn dùng chữ quốc ngữ thay thế chữ nôm, làm phương tiện giao lưu với dân bản xứ. Thời đó, mọi người đều công nhận thứ chữ này là một công cụ thuận lợi để dạy tiếng Việt cho các viên chức cai trị Pháp. Nhưng việc phổ biến chữ "quốc ngữ" cho toàn xứ , xem chữ quốc ngữ là chữ chính thức trong mọi công văn hành chính, đã không được sự đồng thuận nhất trí của giới thẩm quyền Pháp. Cuộc tranh luận xảy ra rất sôi nổi.
Tại Pháp, Trong hai buổi Hội nghị thuộc địa quốc tế, ngày 31 tháng 7 năm 1889 và 11 tháng 12 năm 1889, Aymonier, Hiệu trưởng trường Thuộc địa, đã phát biểu chống lại chủ trương phổ biến chữ quốc ngữ.
Aymonier dự đoán là về lâu dài Pháp sẽ bắt buộc phải trả lại quyền tự chủ cho người Việt. Do đó, mục tiêu ông thấy cần phải đạt tới là làm sao biến người Việt thành người Pháp-Á-Đông. Nếu tất cả người Việt, nhất là giới bình dân vốn là đại đa số, nói tiếng Pháp (dù là thứ tiếng Pháp "biến thể" , thô sơ, "tiếng bồi"), suy nghĩ như Pháp, thì một khi được trả chủ quyền, vẫn sẽ gắn bó với "mẫu quốc" như với đất nước mình, mua hàng của Pháp và quyền lợi của nước Pháp tại đất Việt sẽ được bảo tồn.
E.Roucoules, thuộc phe ủng hộ chữ quốc ngữ, đã lên tiếng phản bác E. Aymonier qua bài 'Tiếng Pháp, quốc ngữ và nền Học chính tại Đông Dương - Trả lời Ông Aymonier" ("Le français, le quốc-ngữ et l'Enseignement public en indochine - Réponse à M. Aymonier")
E. Roucoules là Giáo sư Cố vấn ( Professeur-conseil ), hiệu trưởng trường Trung học Chasseloup-Laubat ở Sài Gòn, phó chủ tịch của Hội nghiên cứu Đông Dương (Société des Etudes Indo-Chinoises de Saigon) và của Ủy ban địa phương Hội Pháp-văn Liên-hiệp (Alliance Française).
1 La langue française et l'enseignement en Indo-chine, par E. Aymonier, Directeur de l'Ecole Coloniale, Membre du Conseil d'Administration de l'Alliance Française, Paris, Armand Colin et Cie Editeurs, 1- 3- 5 rue de Mézières, 1890
Xin đọc thêm : "Việt Nam, Chữ viết, Ngôn ngữ và Xã hội , Chương 3 - Tranh luận về việc áp dụng chữ quốc ngữ" của GS Nguyễn Phú Phong.
http://chimviet.free.fr/baivo/nguyenphuphong/vnchuviet/npph04_phan1ch03.htm
2 Trong bài thông tri đầu tiên (31-07-1889) , tác giả viết : "Nhưng liệu ta có nên đưa yếu tố ngữ văn học này vào một vấn đề thực ra chủ yếu là chính trị ? Cho dù tiếng An Nam thực sự đã trưởng thành đi nữa, vì quyền lợi cơ bản của kẻ đi chinh phục, có lẽ ta vẫn phải dứt khoát thay thế tiếng nói của kẻ bị trị bằng tiếng nói của chúng ta."
Trong bài thông tri thứ hai (11-12-1889) , tác giả viết thêm: "Chữ quốc-ngữ, dịch theo nghĩa là "chữ viết của vương quốc, chữ viết của quốc gia", sẽ xứng đáng với danh xưng và đi ngược lại quyền lợi của chúng ta, nếu nó có thể giúp kiến tạo ra tại xứ An Nam, một ngôn ngữ quốc gia hoàn chỉnh, hiện nay chưa có, ngoài tiếng Pháp. Với khả năng đó, nó sẽ là một công cụ rất nguy hiểm trong tay những người An Nam yêu nước (patriotes annamites), kẻ thù của nước Pháp. Ta có thể đoán rằng, ngay từ bây giờ, tại Nam Kỳ thuộc Pháp, những tư tưởng đó đã bắt đầu nhen nhúm nẩy mầm dù chưa rõ nét, trong tâm tư một vài người dân bản xứ ít nhiều thông thạo chữ quốc-ngữ. "
3 Le Myre de Vilers (1833-1918): Thống đốc Nam Kỳ từ tháng 7-7-1879 đến tháng 11-1882, Thống sứ Madagascar năm 1886, Nghị viên Nam Kỳ thuộc Pháp từ 1889 đến 1902. Ông cũng là Thống đốc dân sự đầu tiên, trực thuộc Bộ Thuộc Địa. Các Thống đốc trước đó là sĩ quan Hải quân.
Ngày 30-1-1882, thống đốc Nam kỳ Le Myre de Vilers công bố nghị định : "Kể từ ngày hôm nay, trên toàn cõi Nam Kỳ thuộc Pháp, bắt buộc chỉ dùng chữ cái Pháp trong các văn kiện chính thức viết bằng tiếng An Nam". (Bulletin Officiel de la Cochinchine Française, Année 1882, No 1, page 55)
4 "Le français, Le Quốc-ngữ et l'Enseignement public en Indo-chine - Réponse à M. Aymonier" , bài đăng trong Bulletin de la Société des Etudes Indo-chinoises de Saigon.Année 1890-1er Semestr, 2e Fascicule
5 Antoine Brebion viết về Emmanuel Trần Bá Lộc :
"... Le 1er juillet 1886, il est promu Tong-doc du Thuan-Khanh et placé sous les ordres d'Aymonier (...) pacifie en trois mois le Binh Thuan et le Khanh Hoa soulevé par les émissaires de Hué ..."
"... ngày 1 tháng 7 năm 1886, ông được thăng chức Tổng Đốc Thuận Khánh và đặt dưới quyền của Aymonier, trong ba tháng bình định xong loạn Bình Thuận và Khánh Hòa do mật viên của triều đình Huế khuấy động ..."
Theo Brébion, Trần Bá Lộc có một đội quân 1000 người do chính ông chiêu mộ, tiếp tay quân đội Pháp tàn sát không nương tay quân Cần vương chống Pháp.
Brebion viết tiếp: "... Ce furent des scènes sauvages, sur lesquelles en haut lieu on dut se taire et fermer les yeux ..." "... Cảnh tượng dẹp loạn thật là dã man tàn bạo, nhưng các cấp lãnh đạo phải kín miệng, nhắm mắt làm ngơ..."
Trích : Dictionnaire de Bio-bibliographie générale, ancienne et moderne de l'Indochine Française, Annales Tomes VIII, par Antoine Brébion / publié par Antoine Cabaton, Académie des Sciences coloniales ,1935, p 411
A. Brébion sinh ngày 27/7/1857. Sống tại Nam Kỳ từ 1884 đến 1912, là nhân viên quan thuế năm 1884, giáo viên từ năm 1885 , về hưu năm 1912 với cấp bậc Giáo sư chính ngạch hạng nhất (Professeur principal de 1ere classe).
6 "Le français, Le Quốc-ngữ et l'Enseignement public en Indo-chine - Réponse à M. Aymonier" , bài đăng trong Bulletin de la Société des Etudes Indo-chinoises de Saigon.Année 1890-1er Semestr, 2e Fascicule
Các thao tác trên Tài liệu