Biển Đông : ASEAN kiên quyết hơn dưới tác động của Việt Nam ?
Thấy trên mạng
Biển Đông : ASEAN kiên quyết hơn
dưới tác động của Việt Nam ?
Dưới tựa đề nói trên, Đài
RFI đưa tin về Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 47 (AMM 47) tại
thủ đô Miến Điện Naypyidaw (Myanmar) với bản thông cáo công bố hôm nay
10/08/2014 trong đó 8 điểm nói về Biển Đông :
"Điều được giới quan sát chú ý là các Ngoại trưởng ASEAN đã có lập trường chung kiên quyết hơn về tình hình Biển Đông. Hãng tin Nhật Kyodo đặc biệt ghi nhận nỗ lực của Việt Nam trong vấn đề này."
"Bản
Thông cáo chung của các Ngoại trưởng ASEAN - họp lại hôm 08/08/2014 vừa
qua – ghi rõ là ASEAN « tiếp tục quan ngại sâu sắc về những diễn biến
gần đây làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông và khẳng định lại tầm quan
trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh trên biển cũng như
quyền tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông. »
Theo hãng tin Kyodo, từ « sâu sắc » -
tiếng Anh là « serious » - đã được các Ngoại trưởng ASEAN đồng ý thêm
vào theo đề nghị của Việt Nam. Trong dự thảo văn kiện này được tiết lộ
trước cuộc họp, không có từ « serious »."
Bản tin trích dẫn hàng thông tấn AFP theo đó "các nước Đông Nam Á cũng đã tán đồng lời kêu gọi của Washington, thúc giục mọi bên tranh chấp « tự kiềm chế » và « đóng băng » các hành vi khiêu khích tại Biển Đông. một yêu cầu cũng được cho là nhắm vào Bắc" và "Hoa Kỳ dĩ nhiên đã hết sức hoan nghênh lập trường cứng rắn của ASEAN. Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ đã công nhận rằng như vậy là đối với các nước ASEAN, Hoa Kỳ đã thành công trong việc « động viên tinh thần, và đóng vai trò chất xúc tác » giúp ASEAN thống nhất được lập trường".
Đài RFA so sánh cuộc họp này với cuộc họp trước ở Phnom Penh :
"Thông
tin còn cho biết ngay trước khi hội nghị diễn ra, ngoại trưởng của ba
nước Việt Nam, Philippines và Malaysia đã có cuộc họp riêng hội ý để
thống nhất lập trường về Biển Đông.
Nhiều người còn nhớ hội nghị bộ
trưởng ngoại giao ASEAN lần thứ 45 tại thủ đô Phnom Penh vào năm 2012,
lúc đó lần đầu tiên trong lịch sử của khối ASEAN, một hội nghị bộ
trưởng không thể đưa ra thông cáo chung khi kết thúc hội nghị mà phải
chừng một tuần sau mới có thể thống nhất được những điểm tuyên bố công
khai.
Với thông cáo chung lần này dù không
nêu đích danh Trung Quốc là thủ phạm gây ra những căng thẳng tại khu
vực biển đang có tranh chấp giữa 6 quốc gia như vừa nêu, bộ trưởng các
quốc gia ASEAN cũng đã kêu gọi cần phải kiềm chế không nên có những
hành vi gây căng thẳng làm tình hình trở nên phức tạp thêm, gây mất ổn
định và an ninh trong khu vực."
Trả lời phỏng vấn của đài này, ông Đinh Hoàng Thắng, nguyên đại sứ Việt Nam tại Hà Lan, nhận định :
"Điều thuận mà tôi cho là quan trọng nhất đó là các ngoại trưởng ASEAN và các đối tác kêu gọi phải kiềm chế trên Biển Đông mà lời kêu gọi phải kiềm chế trên Biển Đông nhằm gửi đến Trung Quốc, mặc dù ông Vương Nghị nói rằng Biển Đông vẫn bình yên. Nhưng nếu nhìn Biển Đông trong hai tháng qua thì không ai có thể tin rằng Biển Đông bình yên được. Cho nên tôi cho rằng điều mà các ngoại trưởng ASEAN nói khác ông Vương Nghị là điều thuận chỉ rõ tình hình. Điểm nhỏ trong điều thuận này là ASEAN gắn Biển Đông với hòa bình, ổn định và an ninh hàng hải trong khu vực cũng quan trọng vì điều này muốn gửi đến cho Trung Quốc thông điệp rõ ràng không những không ai tin rằng Biển Đông trong hai tháng qua là yên ổn như Trung Quốc nói, mà từ nay nếu Trung Quốc tiếp tục gây hấn trên Biển Đông, Trung Quốc sẽ vi phạm vào hòa bình, ổn định và an ninh hàng hải; tức Trung Quốc không chỉ gây hấn với Việt Nam mà gây hấn với toàn khu vực. Thông điệp đó rất rõ và qua thông điệp đó cũng thấy rằng nhờ giàn khoan mà ASEAN đoàn kết hơn. Phải nói là hiếm hoi ASEAN mới đưa ra được một tuyên bố như thế nếu như chúng ta nhớ lại năm 2012 ASEAN không ra được tuyên bố chung vì vấn đề Biển Đông bị gạt ra khỏi chương trình nghị sự."
Ghi nhận "chuyển biến rất tích cực" trong
quan hệ Việt-Mỹ tại Hội nghị giữa ASEAN và các nước đối tác, ông Đinh
Hoàng Thắng còn bình luận cái bắt tay John Kerry - Phạm Bình Minh như
sau :
"Về nội dung thì trong tuyên bố nói hết rồi, tôi chỉ muốn bình luận một động tác về cái bắt tay của hai ông ngoại trưởng Việt Nam và Mỹ thôi. Chúng ta thấy đây là cái bắt tay rất hiếm hoi trong ngoại giao, có thể nói là một cái bắt tay trong ngoại giao không thông thường. Ông Kerry với ông Minh bắt tay một kiểu rất lạ: ông Minh vẫn ngồi (mắt chớp chớp) giơ tay phải, còn ông Kerry giơ tay trái, không phải bắt mà hai tay nhập vào nhau như hai tuổi teen gặp nhau ngoài đường" (sic).
Về cuộc gặp ngày 9-8-2014 giữa hai ngoại trưởng Phạm Bình Minh và Vương Nghị (Trung Quốc), các đưa tin của hai phía khác hẳn nhau. Đài quốc tế CRI của Trung Quốc tường thuật lời Vương Nghị :
"Về những khó khăn tạm thời mà hai nước phải đối mặt, hai nước cần thiết thực thực hiện nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, luôn chú trọng tới toàn cục quan hệ hai nước, kiên trì giải quyết ổn thỏa vấn đề hữu quan thông qua tiếp xúc giữa hai nước, khiến quan hệ hai nước sớm trở lại quỹ đạo đúng đắn. Bộ trưởng Vương Nghị đã trình bày lập trường nguyên tắc của Trung Quốc về vấn đề trên biển, bày tỏ Trung Quốc sẽ áp dụng mọi biện pháp cần thiết giữ gìn chủ quyền Nhà nước và quyền lợi biển."
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng ngoại giao Việt Nam thì nói, theo Vietnam+ (Thông tấn xã Việt Nam) :
"Việt Nam coi trọng quan hệ láng giềng, đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc, tuy nhiên, thời gian qua, mối quan hệ này đã bị ảnh hưởng bởi tình hình căng thẳng trên biển do Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam (...) Phó Thủ tướng khẳng định tình hình phức tạp, căng thẳng ở Biển Đông cho thấy sự cần thiết phải nghiêm chỉnh thực hiện DOC và sớm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông COC."
Một ngày sau, 10-8, Vương Nghị phủ nhận tình hình Biển Đông "căng thẳng". Theo BBC :
"Ông
Vương tuyên bố một số nước đã “bán rao cái gọi là tình hình căng thẳng
trên Nam Hải”.
Tân Hoa Xã dẫn lời ông Vương nói tình
hình trên Biển Đông, mà Trung Quốc gọi là Nam Hải, “nhìn chung ổn định,
tự do hàng hải cũng không hề có bất cứ vấn đề gì”."
Ngày 11-8, "Một giới chức cao cấp của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ngày 11/8 cho hay Mỹ sẽ giám sát các hành động ở Biển Đông để theo dõi xem các bước giảm căng thẳng có được thực hiện hay không." (VOA : Mỹ sẽ giám sát Biển Đông).
K.V.
Các thao tác trên Tài liệu