Một âm mưu bị lật tẩy
Lạm dụng khoa học để hợp lí hóa bản đồ đường lưỡi bò
Một âm mưu bị lật tẩy
H.V.
Gần đây, song song với những hành động gây hấn trên Biển Đông, Trung Quốc có một động thái hết sức quỷ quyệt : ra lệnh cho các nhà khoa học phải đưa vào bài viết của mình trên các tạp chí quốc tế một bản đồ Trung Quốc với hầu như toàn bộ Biển "Nam Trung Hoa" (đây là tên quốc tế "South China Sea" hoàn toàn không có ý nghĩa gì về chủ quyền, ta gọi là Biển Đông) nằm gọn trong một đường "lưỡi bò" (hay đường "chữ U") được coi là thuộc chủ quyền của nước này. Tất nhiên, điều này được thực hiện trong chừng mực bài viết nói tới Trung Quốc, nhưng cũng nhiều khi tấm bản đồ hoàn toàn ra ngoài đề, hoàn toàn không có chỗ trong bài viết, hay nói cách khác là "phi khoa học", ví dụ như trong bài Lịch sử dân số Trung Quốc và những thách thức trong tương lai (China’s Demographic History and Future Challenges) trên tạp chí Science số ra ngày 9.7.2011.
Mục tiêu của động thái này dĩ nhiên được che giấu kỹ, song lại quá hiển nhiên đối với bất kỳ ai theo dõi cuộc tranh chấp chủ quyền biển, đảo giữa Việt Nam và một số nước ASEAN với Trung Quốc : đó là chiêu thức "Tăng Sâm giết người" mà nhà báo Đỗ Hùng đã nhắc lại trong một bài viết tổng quan về âm mưu này trên báo Thanh Niên ngày 20.9.2011 ("Đường lưỡi bò" núp bóng khoa học). Người khác nhắc lại chiến thuật tuyên truyền của Joseph Goebbels, thời Đức quốc xã : lời nói dối nhắc mãi cũng thành sự thật.
Ngay từ đầu hè, sau bài nói trên của Science, nhiều nhà khoa học Việt Nam ở trong và ngoài nước (tiến sĩ Nguyễn Hùng, các giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, Phạm Quang Tuấn ở Úc, TS Lê Văn Út ở Phần Lan, TS Dương Danh Huy ở Anh v.v.) đã viết thư gửi các tạp chí liên quan, nêu rõ âm mưu này và sự sai trái của "đường lưỡi bò", và yêu cầu các tạp chí tỏ thái độ thích đáng. Song song, một lá thư trình bày sự kiện và đề nghị các tạp chí cảnh giác trước âm mưu nham hiểm của Trung Quốc, đã được gửi tới hơn 100 tờ tạp chí, với chữ ký của các nhà khoa học Việt Nam trên khắp thế giới. Bức thư và danh sách chữ ký được đăng trên blog của giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, tại đây.
Thắng lợi nhỏ đầu tiên là phản hồi của tờ Science trên số báo ra ngày 30.9, với một bài viết của chủ bút (Editor's Note) nêu rõ việc đăng bài viết có bản đồ kèm đường lưỡi bò không có nghĩa là tạp chí thừa nhận nó như một đường ranh giới, đồng thời khẳng định tạp chí sẽ xem xét lại quy trình nhận đăng bài có bản đồ để trong tương lai Science không tỏ ra ủng hộ hay có quan điểm trong các vụ tranh chấp chủ quyền lãnh thổ/tài phán”. Xem bài viết của báo Tuổi Trẻ về việc này tại đây.
Tuy nhiên, thái độ dứt khoát hơn nhiều của tờ Nature, tạp chí khoa học số 1 trên thế giới, mới là đòn quyết định lật tẩy âm mưu lạm dụng khoa học để hợp lí hóa bản đồ đường lưỡi bò của nhà cầm quyền Trung Quốc. Nature số ra ngày 20.10.2011 đã đăng hai bài về việc này.
Bài thứ nhất, một xã luận (Editorial) nhan đề "Uncharted Territory" nêu rõ "Các bản đồ chính trị có mục đích mưu cầu lãnh thổ không có vị trí trong các bài báo khoa học" và lên án "Một xu hướng đáng ngại đang xuất hiện, đó là các nhà khoa học Trung Quốc lồng bản đồ đường lưỡi bò vào những bài báo khoa học của họ, với hàm ý nói rằng vùng biển bao bọc bởi 9 đường đứt đoạn là lãnh hải của Trung Quốc", "Việc lồng bản đồ đường lưỡi bò vào bài báo không phải là một phát biểu khoa học — đó là một phát biểu chính trị, và hình như các nhà khoa học Trung Quốc làm việc này theo chỉ thị của Chính phủ Trung Quốc. Đó là một yêu sách về chủ quyền lãnh thổ, và yêu sách này xuất hiện không đúng chỗ."
Bài thứ hai, "Angry words over East Asia Seas" của David Cyranoski, biên tập viên phụ trách vùng châu Á-Thái Bình Dương của Nature, mở đầu với câu "Của tôi, tất cả là của tôi: sự hấp tấp trong việc đi tìm nguồn khoáng sản và dầu là động cơ dẫn dắt lòng tham vọng biển của Trung Quốc", trình bày rõ tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông và phản ứng của các nước ven biển khác là lý do khiến "cuộc chiến lan tràn sang những trang giấy của các tập san khoa học", do việc chính phủ Trung Quốc buộc các nhà khoa học Trung Quốc phải lồng bản đồ đó vào bài báo của họ. Điều này được David Cyranoski minh chứng bằng cách viện dẫn hai thư trả lời của hai nhà khoa học Trung Quốc, tác giả các bài báo đăng trên Science và Nature, khi được các báo này hỏi tại sao đưa đường lưỡi bò vào bảo đồ của họ.
Bạn đọc có thể xem bản dịch ra tiếng Việt của hai bài báo nói trên của Nature trên blog của GS Nguyễn Văn Tuấn, tại đây.
H.V.
Các thao tác trên Tài liệu