Bạn đang ở: Trang chủ / Thế giới / Bầu cử tổng thống Mĩ : Số 44 bis

Bầu cử tổng thống Mĩ : Số 44 bis

- Nguyễn Quang — published 17/11/2012 00:05, cập nhật lần cuối 18/11/2012 20:27


Bầu cử tổng thống Hoa Kì



     

SỐ 44 BIS


Nguyễn Quang


nguyên tác tiếng Pháp : ở đây

 

"Thêm bốn năm nữa". Sau một năm rưỡi tranh cử gay go, kết quả thùng phiếu ở Mỹ khiến do toàn thế giới thở phào vì ai nấy chỉ lo thấy lại bóng ma của tám năm thời “W” Bush. Thở phào, mặc dầu phải nói là phe đối lập là Đảng cộng hòa hơi bị xoàng : các ứng viên ra tranh cử (vòng tuyển chọn) người thì không biết ở Libya có chuyện gì xảy ra ; kẻ thì quên cả tên gọi của cái bộ mà ông ta muốn bãi bỏ ; ngài thứ ba, mệnh danh là thuộc xu hướng “libertarian”, thì đòi dẹp luôn tuốt tuột cả Ngân khố, Ngân hàng Trung ương lẫn Bộ giáo dục ; đại diện của phái hữu Kitô giáo, mặc dầu đã đưa ra những chủ trương kệch cỡm về các vấn đề liên quan tới xã hội, vẫn ở trong nhóm dẫn đầu cuộc chạy đua tranh cử, cho đến khi ngân sách cạn kiệt ; cuối cùng là Mitt Romney, người được chọn mang cờ của Đảng cộng hòa ra tranh cử tổng thống, thì vị này đã bị đánh nhừ đòn trong cuộc tranh cử vòng đầu, và đã thay đổi lập trường tư tưởng không biết bao nhiêu lần, đến mức Bill Clinton đã đặt tên ông ta là “ diễn viên uốn vặn mình mẩy của Gánh xiếc Mặt Trời ”. Vậy mà trong đoạn chạy thẳng 100 mét cuối cùng, ông “Mít Ròm Ni” này cũng gần như sát nút tổng thống đương nhiệm. Tất nhiên, thắng lợi của Obama là không thể tranh cãi : về số phiếu cử tri (khoảng 51%) cũng như trong Đoàn Đại cử tri (hơn 330 phiếu, mà chỉ cần 270 phiếu đại cử tri là đủ để thắng cử). Nhưng so với những ước vọng bốn năm về trước, thì thắng lợi này hơi cụt ngủn.



Viết văn xuôi và làm thơ

 

Năm 2008, ngọn gió của Lịch sử đã đưa vào Nhà Trắng một vị tổng thống tuổi trẻ, tràn trề « hấp lực », « hậu chủng tộc » 1, có vẻ như muốn và đủ sức làm thay đổi thế giới. Mọi người còn nhớ bài diễn văn năm 2008 khi ông được chỉ định làm ứng cử viên Đảng Dân chủ : « Sau này chúng ta sẽ nhớ lại ngày này tháng này, sẽ kể lại cho con cháu rằng hồi đó chúng ta đã bắt đầu chăm sóc cho người đau ốm, cung cấp công ăn việc làm cho người thất nghiệp ; rằng hồi đó nước biển đã ngừng dâng cao, trái đất đã bắt đầu lành bệnh ; rằng hồi đó chúng ta đã kết thúc một cuộc chiến tranh, đã bảo đảm an ninh cho quốc gia và khôi phục lại hình ảnh chúng ta là niềm hi vọng cuối cùng trên Trái Đất ». Vẫn biết các nhà chính khách « khi tranh cử thì làm thơ, khi cầm quyền thì viết văn xuôi », song không có gì ngăn cấm chúng ta xem xét thành tích nhiệm kỳ 4 năm vừa qua và so sánh thơ ca và văn xuôi của tổng thống Obama.


Một điều hiếm có đối với các nhà lãnh đạo Mĩ : tổng thống mới được bầu đã khai mạc nhiệm kì của mình trên sân khấu chính trị quốc tế, như mọi người còn nhớ, bằng bài diễn văn « khai sáng » ở Cairo về mối quan hệ mới mà Hoa Kì muốn thiết lập với thế giới Hồi giáo. Sau đó là giải Nobel hòa bình, rồi thì… Rồi thì chẳng có gì đáng kể nữa. Tại Cận Đông, quá trình hòa bình ở Palestin đã bị chính phủ Israel chặn đứng, thậm chí còn liên tục khiêu khích, ví dụ như loan báo xây thêm nhà ở cho « thực dân » trong khu vực mà Israel đã thôn tính ở Jerusalem vào đúng ngày phó tổng thống Joe Biden đến thăm. Khi « mùa Xuân Ả rập » diễn ra, rất phù hợp với tinh thần bài diễn văn Cairo, thì Washington tỏ ra dè dặt, rõ ràng vì lo ngại cho số phận những liên minh cố hữu của Hoa Kì với những chế độ độc tài. Tại Trung Đông, bàn tay mở rộng mà Obama chìa ra với Tehran đã bị gạt phắt, đến mức bây giờ lại đặt ra vấn đề gay go nên hay không nên can thiệp quân sự đối với những cơ sở làm giàu Uranium của Iran, mà lịch trình lại do Israel áp đặt. Sau rốt là cái vũng lầy Irak-Afghanistan thừa hưởng từ Bush con : cuộc rút quân ra khỏi Irak diễn ra suôn sẻ, nhưng ở Afghanistan, dường như nó đang biến thành một cuộc rút lui. Thành ra ở khu vực này của phương Đông, thành tựu duy nhất của Obama là việc trừ khử Bin Laden, nhưng sự kiện này diễn ra vào đúng lúc mà cuộc cách mạng ở những nước Ả rập đã gạt Al Quaeda ra rìa, tuy nó vẫn còn khả năng tác hại ở mức độ nào đó.


Như mọi người đều biết, người Mĩ vốn chẳng mấy quan tâm đến chính trị đối ngoại. Vậy ta hãy xem xét về mặt chính trị đối nội. Thành tích của chính quyền Obama có thể chia làm ba phần :


* cứu vãn nền kinh tế : ứng cử viên Obama đã tán thành kế hoạch Paulson (mang tên bộ trưởng tài chính của chính quyền Bush) 700 tỉ đô la nhằm ngăn chận sự sụp đổ thị trường tài chính ; đến năm 2009, tổng thống Obama đã thêm kế hoạch 2000 tỉ đô la nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tín dụng và làm nhẹ gánh « nợ độc » cho các ngân hàng, sau đó là kế hoạch tái khởi động kinh tế 787 tỉ đô la, trong đó 1/3 nhằm bớt thuế để khuyến khích tiêu thụ, tiếp đó là quỹ ổn định 75 tỉ để ngăn chặn các vụ tịch thu bất động sản và chuyển đổi lịch trả nợ của các gia đình gặp khó khăn, cuối cùng là kế hoạch công-tư Geithner (bộ trưởng tài chính) từ 500 đến 1000 tỉ nhằm thanh tẩy những « tài sản rủi ro » của khu vực ngân hàng. Cộng vào những số tiền khổng lồ kể trên, còn thêm kế hoạch cứu vãn công nghiệp chế tạo xe hơi, với những biện pháp thuế khóa khuyến khích các loại xe « sạch » và khoản tài trợ cho việc tái cấu trúc hai công ti Chrysler và General Motors. Cuối tháng năm 2009, Chrysler xin được đặt dưới sự bảo hộ của đạo luật về phá sản. Đến phiên General Motors tuyên bố phá sản thì Nhà nước vội tiêm vào đó 30 tỉ, nói cách khác, đã quốc hữu hóa ở mức 61% -- đây là lần đầu tiên việc quốc hữu hóa được tiến hành ở xứ sở Chú Sam. Đúng là các biện pháp cấp bách nói trên đã tránh khủng hoảng cho nền kinh tế Mĩ, nhưng không ngăn cản được tình trạng suy thoái : vào cuối năm 2009, tỉ số thất nghiệp đã đạt đỉnh điểm 9,8%, tỉ số cao nhất tính từ năm 1983 (là năm nó lên tới 10,1%) ; tháng tám 2011, tổng số nợ của Hoa Kì lên tới mức 100% GDP, và công ti Standard & Poor’s đã cho điểm nợ chủ quyền của Mĩ từ AAA xuống AA+. Cái giá mà Obama phải trả về phương diện chính trị còn cao hơn thế nữa : những người « liberal » chính thống đã lên giọng (Mitt Romney kêu gào « Cứ để cho Detroit phá sản »), thành phần « Main Street » nổi loạn chống Wall Street, ngay từ tháng tư 2009 tạo ra phong trào « Đảng Trà » (xem phần dưới).


* cải cách hệ thống ngân hàng : cuộc khủng hoảng do chính các hoạt động đầu tư của ngân hàng gây ra, nhưng ngân hàng lại là khu vực đầu tiên được Nhà nước cứu giúp (bởi vì đó là những ngân hàng « quá lớn không thể để cho phá sản »), nên ngay từ đầu năm 2010, các ngân hàng đã phục hồi sức khỏe và bắt đầu lại lao vào vòng xoáy lợi nhuận, tiền thưởng, bonus… như không có chuyện gì xảy ra cả. Đúng là chính quyền Obama đã bỏ lỡ thời cơ chỉ có trong một thời gian ngắn : nhân lúc khu vực ngân hàng và tài chính chao đảo, bắt đầu điều chỉnh bằng luật lệ. Chẳng hạn như tái lập đạo luật Glass-Steagall Act năm 1993 (mà Clinton đã bãi bỏ năm 1999) bắt buộc phải tách bạch các hoạt động ký gửi tiền (ngân hàng thương mại) với các hoạt động đầu tư (ngân hàng kinh doanh). Thay vì dựa vào những nguyên tắc trách nhiệm và minh bạch hết sức đơn giản, thì tháng mười 2010, Quốc hội Hoa Kì lại bày ra đạo luật Dodd-Frank dày 848 trang, phức tạp rối rắm tới mức chắc không thể nào thi hành được. Chính Obama sau này đã thú nhận rằng ông đã chú tâm vào đạo luật « Obama care » (về bảo hộ y tế) mà ông coi là sự nghiệp số một, nên đã lơi là tiến hành cuộc cải cách cần thiết về ngân hàng và tài chính, phó mặc cho các « kĩ phiệt » trong chính phủ -- từ Tim Geithner đến Larry Summers, đều từ cái lò Goldman-Sachs mà ra.


* cải tổ hệ thống y tế : muốn hiểu thấu tầm quan trọng của dự án « Obama care », cũng cần nhắc lại là hệ thống y tế hiện tại ở Hoa Kì là hệ thống vừa đắt vừa kém hiệu quả nhất thế giới. Tổng số chi phí về y tế của Mĩ lên tới 15% GDP (gấp đôi tỉ số ở Pháp), nhưng Mĩ đứng hạng chót về mặt bảo hiểm bệnh tật trong số các nước giàu. Chỉ những người trên 65 tuổi và những người nghèo khó nhất mới được hưởng các chế độ công (Medicare cho người già, Medicaid cho người khèo khó), tiền đóng bảo hiểm tăng vọt (tăng 78% từ 2001 đến 2008) cùng với thù lao của những người hành nghề y tế (thu nhập một bác sĩ đa khoa Mĩ gấp 4,1 lần thu nhập bình quân của người dân Mĩ, một bác sĩ chuyên khoa gấp 6,5 lần ; trong khi bình quân ở các nước OECD, hai hệ số tương ứng là 2,8 và 3,9, sự cách biệt về thu nhập này tương đương với 2% GDP) ; theo điều tra 2010 của (Quỹ) Kaiser Family Foundation, có 50 triệu người Mĩ (1/6 dân số) không được hưởng bất cứ một khoản bảo hộ y tế nào. Ai trong chúng ta cũng đã trông thấy những phóng sự truyền hình, cho thấy người ta sắp hàng dài dằng dặc để các bác sĩ thiện nguyện miễn phí đi lưu động khám bệnh, một cảnh tượng lẽ ra chỉ có ở những nước thế giới thứ ba, không thể có ở quốc gia giầu mạnh nhất thế giới. Chỉ đứng về mặt năng lực sản xuất thôi, cũng thấy là một xã hội kém sức khỏe tất phải trả giá cao về kinh tế, nhất thiết phải cải tổ một hệ thống y tế chỉ nuôi béo bác sĩ và các công ti bảo hiểm. Năm 1994, bà Hillary Clinton đã tìm cách cải tổ mà không thành. Barack Obama đã lao tâm khổ tứ từ năm 2009 cho đến cuối nhiệm kì tổng thống. Được thông qua năm 2010, đạo luật này đã vấp phải sự chỉ trích và đủ trò ma giáo trì hoãn (về mặt lập pháp cũng như về mặt tư pháp), cho mãi tới tháng bảy 2012, khi Tối cao Pháp viện bỏ phiếu (xuýt xoát 5-4) thừa nhận tính hợp hiến của nó. Nội dung chủ yếu của Obama care là « phủ sóng » y tế một cách « phổ quát » và cưỡng bách (nếu không thi hành sẽ bị phạt tiền) cho 32 triệu người Mĩ cho đến nay không được bảo trợ y tế (chúng tôi để chữ « phổ quát » trong ngoặc kép, vì đạo luật đã bỏ quên 5% người dân không có quốc tịch Hoa Kì). Doanh nghiệp dưới 50 nhân viên (trung và tiểu doanh nghiệp và các cửa tiệm buôn) nào không cung cấp bảo trợ y tế cho nhân viên cũng sẽ bị phạt. Quỹ liên bang sẽ tài trợ cho những gia đình thu nhập thấp để họ có thể đóng tiền bảo trợ y tế. Cấm các công ti bảo hiểm từ chối bảo hiểm cho người nào với lí do họ có « tiền án y tế ». Điều hết sức trớ trêu là kế hoạch y tế này lấy nguồn cảm hứng từ chương trình MassHealth của bang Massachusetts... của chính Mitt Romney khi ông làm thống đốc bang này. Nhưng nhóm lợi ích của các công ti bảo hiểm mất chì thì cũng còn chài : đạo luật này không lập ra chế độ công phổ quát, cũng không lập ra bảo hiểm công, trái với ý muốn ban đầu của nhà cải cách. Tóm lại, Obama care chỉ là một chế độ bảo hộ tối thiểu, người dân châu Âu quen được hưởng sự bảo hộ của « Nhà nước ban phát » có thể cười mũi, nhưng đứng về mặt đối nội của chính trường Mĩ, đây phải nói là một thắng lợi tốt đẹp của Obama. Cũng là thắng lợi duy nhất, bởi vì sau khi Đảng cộng hòa thắng phiếu trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kì (năm 2010), tổng thống Mĩ bị phe đối lập làm cho tê liệt, không giành thêm được sự thỏa hiệp nào nữa.



Một quốc gia mất phương hướng

 

Vậy mà năm 2008, khi Đảng Cộng hòa mất cùng một lúc Nhà Trắng, Thượng viện và Hạ viện, ít ai tin vào tiền đồ của « Đại Lão Đảng » (Grand Old Party) trong trung hạn. Đa số các nhà phân tích đều cho rằng, cũng như sau cuộc Đại khủng hoảng năm 2009, cuộc Đại suy thoái năm 2008 sẽ mở đầu một « thời kì dài » Đảng Dân chủ chiếm ưu thế trong thùng phiếu cũng như trong tâm tư (« doxa ») người Mĩ 2. Thế mà chỉ hai năm sau, không những Đảng Cộng hòa đã giành lại được đa số ở Hạ viện, mà nó còn khăng khăng từ chối mọi thỏa hiệp có tính chất « ý thức hệ », khư khư giữ lấy những nguyên tắc « tân liberal » đã đưa Hoa Kì – và thế giới – đến bờ vực thẳm. Người ta có thể trách ông Obama đã chọn nhầm vấn đề ưu tiên, đã chú tâm vào việc cải cách hệ thống y tế hơn là chấn chỉnh hệ thống tài chính và đẩy lùi nạn thất nghiệp. Nhưng nguyên chính của tình trạng này, chúng tôi có cảm tưởng phải đào sâu hơn, nó liên quan tới khía cạnh « căn cước », « bản sắc » của dân tộc Mĩ.


Cụ thể là, các lực lượng bảo thủ đã cắt cụt « thời kì dài » mà Đảng Dân chủ mong đợi nhân một thời cơ tình huống mà họ đã nhạy bén nắm bắt : đó là cuộc biểu tình trên toàn quốc của « Main Street » chống lại Wall Street, tháng hai 2009 (một tháng sau ngày nhậm chức tổng thống của Obama), phản đối việc các chủ ngân hàng không bị trừng phạt, phản đối kế hoạch tái khởi động quá thiên vị đối với giới ngân hàng. Cũng xin nói ngay : không nên lẫn lộn « Main Street » với phong trào chống tư bản chủ nghĩa « Occupy Wall Street » (tháng chín 2011) nằm trong phong trào quốc tế của « những người phẫn nộ ». Những ai quen thuộc với điện ảnh Mĩ đều biết Main Street tượng trưng cho Lối sống Mĩ (American Way of Life), là đường phố chính của mọi thành phố vừa hay nhỏ ở Mĩ, nơi tập trung mọi sinh hoạt và trao đổi của cộng đồng cư dân : « Main Street là thế giới của các tiểu và trung doanh nghiệp, của những con người lao động để sản xuất và trao đổi của cải và dịch vụ -- một thế giới trong đó tài nguyên là một cái gì rất cụ thể. Wall Street, như bản lai diện mạo ngày nay của nó, là một thế giới của tiền bạc thuần túy, tại đó mục đích duy nhất là dùng đồng tiền để kiếm ra nhiều tiền hơn nữa cho những con người vốn đã có nhiều tiền – một thế giới của sự đầu cơ trục lợi, kiêu ngạo huênh hoang, đối nghịch với sự giàu có cụ thể của Main Street » 3. Những người yêu điện ảnh cũng biết rằng cái vốn quý của Main Street chính là sự minh triết của những người bản địa, cái lương tri pha chút ngây thơ nhưng lại có thể hóa giải những trò ma giáo của những chính khách lão luyện nhất của Washington. Những mẫu người sinh động ấy, có thể thấy trong các tuyệt tác của Frank Capra : từ « Mr Deeds goes to town » do Gary Cooper thủ vai chính (1936), đến « Mr Smith goes to Washington », với James Stewart (1939). Năm 2009, vào ngày 15 tháng tư (kì hạn chót để khai thuế), Tea Party (Đảng Trà) chính thức ra đời. Về danh nghĩa, đây không phải là một chính đảng, mà là một phong trào « dân túy » (populist) chuyên chở những đề tài cố hữu của Main Street : bài thượng lưu, phản đối thuế, chống Nhà nước… Ba chữ cái TEA là viết tắt « Taxed Enough Already » (Thuế Quá Lắm), nhưng nó lại gợi lên huyền thoại lập quốc của Hoa Kì, khi những người dân Bắc Mĩ khởi nghĩa quăng xuống biển những kiện TRÀ để phản đối thứ thuế mới của Hoàng gia Anh. Chẳng bao lâu, Tea Party tỏ ra rất gần phái cực hữu của Đảng Cộng hòa (với nhân vật tiêu biểu là ả Sarah Palin), quyết liệt chống lại ba kẻ thù chính là : Nhà nước liên bang (kẻ thù truyền kiếp), Obama (mà họ gọi « xã hội chủ nghĩa » hay « phát-xít » cũng rứa) và chương trình y tế ; bọn « chính khách » ngồi ở Washington, trong đó phải kể cả những « rhinos » (chơi chữ : con tê giác, đồng thời là viết tắt « Republican In Name Only » nghĩa là đảng viên cộng hòa dỏm, chỉ mang tên thôi), cả ba kẻ thù ấy nên bắn bỏ không thương tiếc. Ban đầu bị các đảng phái chính thức coi thường, nhưng cuộc « đại tuần hành của người đóng thuế » từ các nơi đổ về thủ đô Washington ngày 12 tháng chín 2009, Đảng TEA đã trở thành « lực lượng không thể không tính tới ». Được những nhà chuyên nghiệp về hoạt động chính trị (như tổ chức Freedom Works) giúp về cơ cấu tổ chức, một số đại gia phái hữu (như tỉ phú Richard Scaife hay anh em gia đình Koch) tài trợ, giới toàn thủ Ki tô giáo (thông qua hội American Family Association) ủng hộ, chẳng mấy lúc, Đảng Trà có thể khoe là họ được sự ủng hộ của 25%-30% người Mĩ. Bằng chứng là trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kì (2010), họ đã giành được 3 ghế thượng nghị sĩ và 60 ghế hạ nghị sĩ (tức là ¾ số ghế mà Đảng cộng hòa mới giành thêm). Cho nên, không có gì ngạc nhiên khi ta thấy cuộc tranh cử vòng đầu của Đảng cộng hòa, sau đó là cuộc tranh cử của Mitt Romney, đã « quay ngoặt sang phía hữu » (mặc dầu, khởi thủy Romney được coi là thuộc xu hướng ôn hòa của ĐCH).


Phái hữu của Đảng cộng hòa và Tea Party đại diện cho cái gì ? 

Nhìn trên bản đồ bầu cử, thì từ nhiều năm nay, vùng xanh (đa số bỏ phiếu cho Đảng Dân chủ) và vùng đỏ (đa số Cộng hòa) đã chia cắt nước Mĩ làm hai. Đại để, nước Mĩ Xanh bao gồm bờ biển miền Tây (ven bờ Thái Bình Dương) và miền Đông Bắc, tức là vùng đô thị hóa cao, đông dân, « tứ chiếng » (cosmopolite) ; nước Mỹ Đỏ là nội địa và miền Nam, là những vùng nông thôn, thưa dân nhưng thuần nhất (về chủng tộc và văn hóa). Các cuộc thăm dò bên ngoài phòng bỏ phiếu đều xác nhận sự lưỡng cực hóa này : 69% các thành phố lớn bỏ phiếu cho Đảng Dân chủ, 56% các thành phố nhỏ cho Đảng Cộng hòa. Về mặt xã hội học, nói một cách giản lược, thì thanh niên, phụ nữ, dân thành thị, người nghèo, người không tôn giáo và các dân thiểu số (93% người da đen, 71% người gốc Châu Mĩ Latinh) bỏ phiếu cho Obama. Về phía người da trắng, 59% cử tri đã bỏ phiếu cho Romney (hơn John McCain năm 2008 tới 4 điểm). Như vậy là hình ảnh một « nước Mỹ hậu – chủng tộc », như ông Obama mong ước, vẫn chỉ là một huyền thoại : đại bộ phận « nước Mỹ trắng » không soi thấy hình dáng của mình trong con người của vị tổng thống lai da đen đầu tiên trong lịch sử quốc gia – dù cho, nói như một nhà báo của đài truyền hình Fox News, nó phải thừa nhận rằng « nước Mỹ truyền thống không còn nữa, (và) establishment da trắng nay đã trở thành thiểu số ».


Trên đây là toàn cảnh tương quan lực lượng giữa Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa cổ truyền.


Còn phái cực hữu và Tea Party, thành phần xã hội học của đảng viên và cảm tình viên còn rõ nét hơn : đa số là da trắng (89%), tương đối già (3/4 trên 45 tuổi), học vấn cao hơn trung bình toàn quốc, tài chính cũng khấm khá hơn (thu nhập hàng năm trên 50 000$), thành phần trung lưu hay cao trung lưu da trắng hơn là nạn nhân của khủng hoảng. Chất keo dính kết họ với nhau là tất cả đều lo rơi vào hàng ngũ những người thua cuộc : 92% trong họ cho rằng nước Mĩ đang đi lầm đường – cao hơn trung bình toàn quốc là 65%. Lo sợ cho tương lai và bi quan đậm nét : đó là điểm rất mới tại xứ sở của « giấc mơ Mĩ ». Xuống dốc là đề tài phổ biến trong văn chương chính trị gần đây ở Hoa Kì, từ Arianna Huffington (Third World America, 2010) tới Morris Berman (Why America failed : The roots of imperial decline, 2011). Không đi vào những luận điểm xã hội học có thể tranh cãi (xã hội học là thế), có thể lí giải một cách khách quan là ưu tư của các thành phần trung lưu bắt nguồn từ tình trạng phi công nghiệp hóa của nước Mĩ – điều này cũng đúng cho cả Châu Âu nữa. Toàn cầu hóa, di chuyển cơ sở sản xuất, nhập khẩu ồ ạt sản phẩm công nghiệp rẻ tiền từ các nước đang trỗi lên, tất cả những yếu tố đó đã từng bước làm cho nhãn hiệu made in America dần dần biến mất. Ngoại trừ các lãnh vực mũi nhọn như tin học, công nghiệp hàng không và sản xuất vũ khí, xu hướng chung là quá trình biến hóa một xã hội công nghiệp thành một xã hội dịch vụ, cái mà các chuyên gia gọi là cuộc « wal-mart hóa » kinh tế. Từ đâu đẻ ra tân từ này ? Từ thương hiệu Wal-Mart, tất nhiên rồi. Đó là một công ti đại siêu thị khổng lồ. Điều người ta ít biết, là với doanh số 446 tỉ $, Wal-Mart chiếm một vị trí thống trị trong hệ thống chủ nghĩa tư bản. Đứng trên Exxon (liên kết với Mobil). Vượt xa tập đoàn dầu hỏa Chevron (gấp đôi). Càng vượt xa Apple (108 tỉ), Microsoft (70 tỉ), Coca-Cola (46 tỉ) hay Nike (20 tỉ)... Nhà sử học kinh tế Nelson Lichtensein ghi nhận rằng « ở mỗi thời kì, lại nổi lên một công ti hiện thân cho một kiểu mẫu mới về cơ cấu kinh tế - xã hội. Vào cuối thế kỉ 19, công ti hỏa xa Pennsylvania Railroad tự phong mình là « mẫu mực phổ quát ». Giữa thế kỉ 20, General Motors tượng trưng cho thời kì đại sản xuất, xoay quanh sự quản trị tập trung và nắm vững công nghệ. Sang thập niên 1990, dường như Microsoft đã trở thành biểu tượng cho một thế giới mới, thế giới của thời kì hậu-côngnghiệp, của nền kinh tế tri thức. Tuy nhiên, mô hình thực sự của thế kí mới lại ở đây : Wal-Mart, với cả một hệ thống toàn cầu về sản xuất, phân phối và cả về sử dụng nhân lực » 4. Phương châm tín điều của Wal-Mart là gì ? Giá thấp, nên lương thấp, không có quyền lợi xã hội, turn over (quay vòng nhân viên) nhanh để tránh (như thế là hết đòi) quyền lợi xã hội. Xưa kia, Henry Ford trả lương cao cho công nhân để họ có tiền mua xe hơi do Ford sản xuất. Ngày nay, với Wal-Mart, nước Mĩ chuyển sang thời kì low-cost, nghĩa là không còn giai cấp trung lưu nữa, chỉ còn những working poor (người nghèo, có công ăn việc làm, nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo).


Trong bối cảnh ấy, vị tổng thống Hoa Kì thứ 44 bắt đầu một nhiệm kì bốn năm mới. « Thêm bốn năm nữa », nhạt nhẽo biết bao so với khẩu hiệu hào hùng « Yes, We Can » của bốn năm về trước. Nhưng ai chả muốn tin nhân vật 44 bis khi ông hứa hẹn rằng « điều tốt đẹp hơn còn ở phía trước ». Thì vưỡn.

Nguyễn Quang

bản dịch của Nguyễn Ngọc Giao


 


1 Trong bài diễn văn tranh cử 18.3.2008 tại Philadelphia, Barack Obama kêu gọi vượt qua sự phân biệt chủng tộc, kêu gọi nhân dân Mỹ hãy « sát cánh cùng nhau, chúng ta sẽ hàn gắn được những vết thương chủng tộc từ xưa của chúng ta ; và sự thật là chúng ta không có sự chọn lựa nào khác hơn là đi tới trên con đường hoàn thiện khối đoàn kết ». Xem bài Số 44.

2 Xem bài Số 44.

3 D. Korten, Main Street before Wall Street, trong Yes !, 24 septembre 2008

4 Trích dẫn theo L. J. Baudu & G. Biassette, Travailler plus pour gagner moins : La menace Wal-mart, Buchet-Chastel, 2008.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us