Bi thương và Quật khởi
« Chúng ta đều là Charlie »
BI THƯƠNG VÀ QUẬT KHỞI
Nguyễn Quang
Năm
2015 ở Pháp đã mở đầu trong âm thanh và cuồng nộ.
Tuần báo Charlie
lẽ ra có thể
dành bìa trang nhất cho chủ
đề « một chút
màu sắc cho mùa
đông xám xịt ».
Nhưng phải nói là bọn « thánh
chiến Hồi giáo »
đã « chúc Tết » hơi nặng tay : 17 nạn
nhân, trong đó có 5 họa sĩ biếm họa xuất sắc nhất
trong cả thế hệ (Cabu, Charb, Honoré, Tignous, Wolinski), ba
cảnh sát viên (trong đó có một Ahmed, một Mustapha, hai
cái tên đọc lên là thấy màu sắc người Hồi giáo), và
bốn người Do Thái. Danh sách này không ngẫu nhiên tình
cờ chút nào : có thể nói nó rất trúng với mục
tiêu của kẻ chủ mưu – Al-Qaeda, đang chạy đua với
Daech « Quốc gia islam » – mà ý đồ không che
đậy là triển khai « thánh
chiến
(jihad) toàn cầu »
sang các nước phương Tây. Đối với các chuyên gia về
nạn khủng bố nhân danh đạo Hồi, thì sau London (2005),
Toulouse (2012), Boston (2013), đây có lẽ là một bước thực
hiện Lời kêu gọi kháng
chiến Islam
toàn thế giới của
một người Syria, Abou Moussab al-Souri (mấy nghìn trang đã
được đưa lên mạng internet từ 2004) để trả thù sự
« đàn áp » và « làm nhục » người
Hồi giáo trên toàn thế giới.
Trái : Bọn sát nhân điên cuồng : Một chút màu sắc trong mùa đông xám xịt.
Phải : Vẫn chưa xảy ra vụ thảm sát nào -- Khoan đã, tụi tao còn đến cuối tháng giêng
để chúc tết mà.
Sách
lược « jihad
con
nhà nghèo » mà al-Souri đề xướng là tiến hành
những cuộc tấn công phân tán bằng những « tổ »
ít người, ở tản mạn khắp phương Tây (tức là những
nhóm nhỏ « nằm
vùng » chứ
không phải là những
« con sói đơn
độc »),
nhắm vào « bọn
Do
Thái và bọn Thập tự quân Thiên chúa giáo », và cả
những « tên
phản đạo »
(tức là những quân
nhân và công an gốc Hồi giáo).
Về mặt chiến lược, ý đồ của al-Souri là gây ra không khí kinh sợ, bất an thường trực, làm suy yếu tinh thần bao dung, kích thích xu hướng bài Hồi giáo trong xã hội các nước dân chủ, tạo ra tình trạng mất ổn định, dẫn tới nội chiến. Đối tượng hàng đầu của cuộc « jihad » này là nước Pháp, không chỉ vì sự can thiệp của Pháp ở Mali chống lại Aqmi và ở Irak chống lại Daech, mà còn vì chế độ thế tục (laïcité, tách biệt « đạo » và « đời ») của Pháp (cho nên đánh vào tuần báo « báng bổ » Charlie Hebdo là một công đôi việc). Trong ý nghĩa ấy, tuy về quy mô không so sánh với sự kiện 11-9-2001 ở Mỹ, đây là sự tuyên chiến của « chủ nghĩa Islam » cực đoan đối với đất nước của Tuyên ngôn Nhân quyền.
Trong mọi cuộc xung đột, cần đánh giá tương quan lực lượng. Trong « cuộc chiến không cân xứng » hiện nay, lực lượng đây không phải là quân sự mà là sức chịu đựng, là sức đề kháng của xã hội. Về mặt này, dường như nước Pháp không được trang bị gì cho lắm. Người ta vẫn thường nói Lịch sử là thảm kịch, song 55 năm hòa bình ở Châu Âu, với điểm nhấn là sự sụp đổ của Bức tường Berlin, tưởng như đã bào mòn kích thước bi thảm của nó, nhường chỗ cho cái gọi là « sự cáo chung của Lịch sử », hay nói cho chính xác, cho sự toàn thắng của chế độ dân chủ, theo lời quảng cáo của những người rao bán món hàng dỏm đó. Cho đến ngày Tháp Đôi sụp đổ, chủ nghĩa « tự do » kinh tế sập tiệm, rồi tiếp theo đó là những cuộc khủng hoảng liên chi hồ điệp của chủ nghĩa tư bản. Riêng tại Pháp, thời kỳ « Ba mươi năm vinh hiển » kết thúc, nạn thất nghiệp tràn lan như một thứ ung thư, các thứ bệnh ích kỷ trồi lên cùng với nạn phường hội, mị dân, đối ngoại thì chùn bước trước những thách thức, đối nội thì âm thầm từ bỏ những giá trị của nền cộng hòa, tất cả những yếu tố ấy hợp lại để đưa đẩy nước « Đại Pháp » vào cái thế khoanh tay gậm nhấm thời vận suy mạt của mình. Ở đây, chúng tôi ít muốn nói tới chiều kích kinh tế – thậm chí quan niệm « kinh tế chủ nghĩa » – của sự suy tàn như các nhà « tuyên giáo » của « chủ nghĩa suy tàn » vẫn thường rao giảng, mà muốn nhấn mạnh tới chiều kích « văn minh văn hóa » của vấn đề : thiếu vắng một « dự phóng tập thể », làm cho cái « tính công dân » mất hẳn ý nghĩa. Bọn khủng bố chắc mẩm đánh trúng vào một quốc gia đang bị chia rẽ sâu sắc và trở thành « dễ vỡ ». Thế mà nhân dân Pháp đã ứng phó bằng sự đoàn kết dân tộc được biểu lộ hết sức ấn tượng. Ngay từ đầu bằng những cuộc biểu tình đứng, tự phát, tập hợp hàng trăm nghìn người ở khắp các nơi suốt mấy buổi tối sau khi xảy ra vụ tàn sát. Sau đó là cuộc « tuần hành cộng hòa » ngày 11 tháng 1, một cuộc biểu tình chưa từng có từ ngày giải phóng nước Pháp (tháng 8 năm 1944), và xa hơn nữa, từ ngày lễ tang văn hào Victor Hugo (năm 1885), tập hợp gần bốn triệu người. « Đất nước của Voltaire và của Cabu đã đứng lên với khí thế công dân ngút trời, nói không với bạo lực, với chủ nghĩa ngu dân, với sự chia rẽ giữa các cộng đồng », nhà báo Laurent Joffrin đã phải thốt lên như vậy (báo Libération, 12/01/15). Tại Paris, gần hai triệu « Charlie » đã xuống đường, đi bộ từ quảng trường Cộng Hòa tới quảng trường Dân Tộc, dọc theo đại lộ Voltaire, ba danh từ nhập lại thành một biểu tượng độc nhất vô nhị. Không xảy ra một sự cố nào, cũng chẳng cần lực lượng giữ trật tự. Họ đã tuần hành trong im lặng, không chỉ thị, không khẩu hiệu, không yêu sách nào khác hơn là lời khẳng định « Tôi là Charlie », viết nguệch ngoạc trên những tấm bìa, với thi thoảng những biến tấu mới lạ : « Tôi là người Do Thái, tôi là tín đồ Hồi giáo, tôi là cớm, tôi là Charlie ». Đôi chỗ, lá cờ xanh trắng đỏ phất phới, hành khúc La Marseillaise nổi lên, rồi nhanh chóng tắt tiếng, dường như ngượng ngập vì ca từ hơi bị hiếu chiến trong ngày hội này của tình huynh đệ. Nhà sử học Michel Winock nhận xét : « Những ngày tang tóc, chúng ta đều đã trải qua. Những ngày phẫn nộ cũng thế. Còn những ngày của tình anh em, thì hiếm lắm. Nhất là như ngày chủ nhật này, khi những người khác hẳn nhau về đảng phái, về tôn giáo, lại sát cánh bên nhau như vậy ». Thêm vào đó, ông nhận xét, với khoảng năm chục nhà lãnh đạo toàn thế giới 1 đến Paris để cùng đi tuần hành, và nhất là những cuộc biểu tình tương tợ tại các đô thị Châu Âu và ngoài Châu Âu, thì 11 tháng 1 năm 2015 dúng là « ngày của chủ nghĩa quốc tế dân chủ » đầu tiên trong lịch sử (Le Monde, 13/01).
Đại lộ Voltaire
Góc trên bên phải : Voltaire là thằng cha nào vậy ?
Chúng ta sang Afghanistan để làm gì ? Rồi tính sang Syria để làm gì ? Hít thở là một động tác tự nhiên đến độ người ta chỉ ý thức khi thiếu không khí. Cũng như thế, xã hội các nước Châu Âu đã nhận thức một cách muộn màng về cuộc « jihad » toàn cầu do chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan tiến hành chống lại các quyền tự do cá nhân mà trong đó, quyền tự do phát biểu có lẽ là hình thái cụ thể nhất (thí dụ như quyền tự do tư tưởng : tự do tư tưởng mà để làm gì nếu không có quyền tự do phát biểu ý nghĩ của mình ?). Theo thiển ý chúng tôi, ý nghĩa câu nói « Tôi là Charlie » không nằm ở sự đồng nhất hóa với các nạn nhân của cuộc thảm sát mà ở sự nhận thức rằng bảo vệ quyền tự do phát biểu – mà các xã hội dân chủ đã mất hàng thế kỷ mới kiến tạo được – là một điều tuyệt đối cần thiết. Quyền tự do phát biểu dựa trên những tiền đề triết lý mà không phải mọi người đều chia sẻ, và có lẽ cũng vì thế nó đang gây ra tranh luận ở nơi này nơi kia. Tốt hơn cả là chúng ta đọc lại văn bản tiểu luận kinh điển Bàn về tự do (1859) của Stuart Mill – cho đến ngày nay, chưa có tác phẩm nào vượt qua – trong đó đã đặt ra một cách minh bạch vấn đề thời sự này. Ghi nhận giá trị cơ bản của quyền tự do ý kiến : « Điều đặc biệt nguy hại khi người ta muốn khóa miệng không cho phát biểu ý kiến, là ở chỗ làm như vậy, người ta đã lấy trộm của nhân loại : ăn cắp không chỉ thế hệ hiện tại mà cả hậu thế, ăn cắp những người chống lại ý kiến đó nhiều hơn là ăn cắp những người có ý kiến đó. Nếu ý kiến đó đúng, thì làm như thế là họ mất đi cơ hội từ bỏ sai lầm để tiếp nhận chân lý ; nếu ý kiến đó sai, thì họ cũng mất đi một điều lợi quan trọng không kém : một cơ hội để nhận thức sáng rõ hơn, cảm nhận sâu sắc hơn khi chân lý được đem ra cọ xát với sai lầm », Mill đi tới kết luận về sự tất yếu của quyền tự do phát biểu tuyệt đối : « Nếu tất cả mọi người, trừ một người, đều có cùng một ý kiến, thì họ cũng không có quyền khóa miệng người ấy, cũng như người ấy, nếu có quyền, cũng không được bắt buộc họ phải im lặng ». Song trên thực tế, không một xã hội nào có thể vận hành trên nền tảng những nguyên tắc trần trụi đó, quyền tự do phát biểu phải được quy định bằng những đạo luật, chẳng hạn như ở Pháp (là nước đặt ra nhiều hạn chế hơn phần đông các nước dân chủ khác) thì pháp luật nghiêm cấm một số diễn ngôn trong không gian công cộng : những phát biểu phủ nhận cuộc diệt chủng (của Hitler), miệt thị người đồng tính, kỳ thị chủng tộc hoặc bài ngoại, kích thích căm thù chủng tộc hay tôn giáo, ca ngợi chủ nghĩa khủng bố vân vân.
Trở lại thời sự hôm nay -- nhưng xin loại trừ ra khỏi cuộc thảo luận những phần tử khủng bố Hồi giáo cực đoan vì họ không thừa nhận một luật pháp nào khác hơn là « luật của Thượng đế », và đối với họ, cuộc thảo luận này hoàn toàn vô nghĩa – thì không thể không thấy rằng những bức tranh biếm họa của Charlie Hebdo có thể làm tổn thương các « căn cước tín ngưỡng » (không riêng gì tín ngưỡng Hồi giáo) trong bộ phận công luận « không phải là Charlie ». Nhiều thắc mắc đã được nêu lên, chẳng hạn : tại sao sự báng bổ (blasphème) – của tuần báo Charlie – lại được coi là hợp pháp trong khi kích động hận thù chủng tộc hay tôn giáo (trường hợp Dieudonné) lại bị đặt ra ngoài vòng pháp luật ? Nếu chúng ta định nghĩa báng bổ là lời nói xúc phạm tới điều mà một tôn giáo coi là thiêng liêng, thì Mill đã trả lời câu hỏi này rồi – và nhà triết học Ruwen Ogien cũng đã nhắc lại trên báo Libération (14/01) : cần phân biệt rạch ròi làm hại với xúc phạm, nghĩa là cần xét xem có những nạn nhân cụ thể nào bị tổn hại cụ thể hay không, cho nên ý tưởng soạn ra một đạo luật về báng bổ là chuyện vô duyên, bởi vì, như Tacite đã nói « những sự báng bổ đối với thánh thần là chuyện của thánh thần ». Vả lại, bảo vệ tôn giáo chống lại sự báng bổ tự nó là một ý tưởng vô lý : nếu Thượng đế không tồn tại, thì còn đâu là vấn đề ? Còn nếu Thượng đế tồn tại, thì chẳng lẽ Thượng đế không đủ uy lực để tự vệ hay sao ? Nói riêng với các giáo sĩ (linh mục, ulema, các nhà giảng đạo), những người mà một triết gia Đức thế kỷ 18 gọi là « những người thay trời nói bằng bụng », Mill thường mỉa mai : « Cũng cần phải chứng minh rằng xã hội, hay một viên công chức nào của xã hội, đã nhận được sự ủy quyền từ trên trời ban xuống để trả thù mọi sự xúc phạm tới đức Toàn Năng mà không gây tổn hại nào đến người đồng loại ». Kết luận rút ra là : trong một xã hội dân chủ, không có không gian nào là thiêng liêng (thứ không gian dành riêng của tín đồ, loại trừ người ngoại đạo), và đối với pháp luật, báng bổ không phải là một cái tội 2. Xuất phát từ giá trị không gì thay thế được của tự do ý kiến, Mill còn bảo vệ cả quyền báng bổ về mặt triết lý bằng cách lật ngược ý nghĩa của danh từ này. Socrate đã bị đồng bào của ông ép phải uống thuốc độc sau khi bị tòa kết án là bất kính với Thượng đế và vô luân. Một thí dụ khác, cũng tương tự, nhưng nổi tiếng hơn : các đây hai nghìn năm, Chúa Giêsu bị đóng đinh trên thập tự giá cũng vì tội báng bổ xét theo tiêu chuẩn tín ngưỡng và giáo luật đương thời.
Phải : Allah đủ vĩ đại để bảo vệ lấy Mahomet, hiểu chưa ? Chúng ta hãy tiếp tục chiến đấu !
Nói
vậy, nhưng giữa một bên là đầy đủ quyền tự do bổ
báng, bên kia là cấm đoán không được làm hại, đường
ranh giới đôi khi khá mờ nhạt, phải để cho tòa án xác
quyết, và bộ máy Nhà nước pháp quyền còn được trang
bị bằng các tiền lệ pháp lý. Xin đơn cử hai ví dụ.
Đốt cuốn kinh Quran, đái lên đó, rồi phát cuốn phim
lên mạng internet : năm 2011, tác giả vụ này đã bị
kết án ba tháng tù treo và 1 000 € tiền phạt vì
tội kích động căm thù đối với người theo đạo Hồi.
Cùng năm 2011, thành phố Avignon có triển lãm tấm ảnh
mang tên Piss Christ,
chụp hình một cây thập tự đã được nhúng trong nước
tiểu và máu. Cuộc triển lãm, được sự bảo trợ tinh
thần và tài chính của công quyền, đã gây nên các cuộc
biểu tình và kiến nghị, trong đó có vai trò chủ động
của Civitas,
một phong trào
Công giáo toàn thủ. Tổ chức
bảo thủ Agrif
(của Bernard
Antony) khởi kiện « hành
vi kỳ thị chủng tộc nhắm bắn vào tâm điểm niềm tin
của người Ki-tô giáo », nhưng đã bị tòa án bác
đơn. Hai ví dụ trên minh họa đầy đủ sự nhất quán
trong lập luận của Stuart Mill. Song người ta có thể phản
biện rằng hai vụ này, mặc dầu tính chất đối kháng
cực kỳ về tinh thần cũng như trong lời lẽ, vẫn nằm
trong khuôn khổ một Nhà nước pháp quyền, không liên
quan tới xu hướng toàn thủ Hồi giáo vì phái này chủ
trương bạo lực và phủ nhận Nhà nước pháp quyền. Sự
thật là báo Charlie đã
thắng
kiện trong mọi cuộc kiện
tụng vì « tội » báng bổ của các phe toàn
thủ của mọi tôn giáo, song điều này không ngăn cản
bọn khủng bố Hồi giáo cực đoan triệt hạ ban biên tập
Charlie vì
« tội »
báng bổ đó.
Vậy phải bàn tới Hồi giáo. Bạn đọc cũng thấy cho đến dòng này, chúng tôi vẫn chưa dùng chữ Islam là tên gọi tôn giáo (đạo Hồi), chớ nhầm với islamisme để chỉ xu hướng cuồng tín Islam. Dư luận và các media thường lẫn lộn hai danh từ này, cũng như họ đồng nhất khái niệm jihad với cuộc Thánh chiến đảo ngược (trước đây các cuộc Thánh chiến là do các thập tự quân Thiên chúa giáo tiến hành chống lại người Hồi giáo, nay cuộc Thánh chiến là do người Hồi giáo tấn công Thiên chúa giáo). Thực ra jihad là một danh từ đa dạng. Đối với phần lớn các nhà thần học Hồi giáo (ulema), jihad là phấn đấu về mặt cá nhân (để tu dưỡng đạo lý) cũng như về mặt tập thể (để cái Thiện đăng quang). Cũng trên tinh thần ấy, cụm từ « thế giới Hồi giáo » (ummah/oumma, cộng đồng tín đồ) thường được sử dụng mà không phân biệt giới Hồi giáo ở Pháp với giới Hồi giáo ở các nước khác.
Về những người Pháp theo Hồi giáo, tổng thống Hollande trong bài diễn văn đọc tại Học viện Thế giới Arap đã nói họ là những nạn nhân đầu tiên của nạn khủng bố. Điều đó hoàn toàn chính xác, mỗi cuộc tàn sát do bọn khủng bố gây ra là họ bị tuyên án hai lần : lần thứ nhất vì họ là tín đồ Hồi giáo, lần thứ nhì với tư cách là người công dân Pháp. Mỗi lần xảy ra một vụ giết người (không chỉ ở nước Pháp) là một lần họ bị triệu ra tòa án công luận, bị buộc phải tuyên bố không liên đới gì với hành động dã man (hàm ý có sự liên đới tiềm ẩn nào đó) – nghĩa là người ta lẫn lộn chủ nghĩa islamisme với đạo Islam ; họ còn bị buộc phải công khai lên tiếng, làm như sự lên tiếng không cần tới cơ cấu đại diện chính trị hay tôn giáo, mà hiện nay cộng đồng của họ không có đại diện về chính trị ; họ bị buộc phải lên tiếng với tư cách là « người Hồi giáo Pháp » trong khi mà sự hội nhập của họ vào chế độ cộng hòa lại đòi hỏi họ phải xóa đi mọi dấu hiệu biểu kiến về cộng đồng của mình. Yêu cầu của tình hình khẩn trương hiện nay là phải tránh mọi sự chia rẽ và đánh đồng, nhưng sự ép buộc nói trên giam hãm họ trong cộng đồng, khác nào đổ dầu vào ngọn lửa mà bọn khủng bố đã đốt lên. Ghaleb Bencheikh, người dẫn chương trình Islam trên đài tuyền hình France 2 đã phải nói lên phức tâm của mình « đứng giữa hai làn đạn, cái này như tăng thêm hỏa lực cho cái kia : bên trong, chúng tôi phải đối mặt với những kẻ cuồng tín đang làm biến dạng thông điệp và lí tưởng tôn giáo ; bên ngoài, thì những nhà trí thức và cây bút luận chiến ra rả suốt ngày rằng tín đồ Hồi giáo là nhũng kẻ « lạ » xâm nhập Tây phương » 3. Nhân dịp báo đài theo dõi các biến cố mới xảy ra nên các tổ chức tôn giáo (Hội đồng phụng vụ Hồi giáo của Pháp, Liên minh các tổ chức Islam của Pháp, vân vân) và người Hồi giáo trên đường phố có dịp cao giọng tái khẳng định là họ tuân phục chế độ cộng hòa, tán thành các nguyên tắc của nền cộng hòa, nhưng không ăn thua gì cả, thành kiến cho rằng Islam xung khắc với các giá trị của xã hội Pháp đã ăn sâu trong não trạng của nhiều người. Cuộc thăm dò ý kiến mà viện Ipsos tiến hành (năm 2013) theo yêu cầu của nhật báo Le Monde, Trung tâm nghiên cứu khoa học chính trị (Cevipof) và Quỹ Jean-Jaurès về « những rạn nứt trong xã hội Pháp », cho thấy rõ nhận thức của người Pháp về Islam. 74 % người được thăm dò cho rằng Islam là một tôn giáo « không bao dung ». Nghiêm trọng hơn nữa 8/10 những người được hỏi cho rằng đạo Hồi muốn « áp đặt phương thức vận hành của mình cho những người khác ». Và cuối cùng, một nửa số người được thăm dò cho rằng « đa số » (10 %) hay « một bộ phận » (44 %) người Hồi giáo có xu hướng « toàn thủ », có trời biết « toàn thủ » là thế nào đối với họ. Một bước tiến nhỏ : sau vụ tàn sát ở tòa báo Charlie Hebdo, trong cuộc thăm dò dư luận của Ifop, 66 % người Pháp tuyên bố không bỏ bọn Islamist cực đoan và người Hồi giáo « vào cùng một rọ ».
Vậy Islam có « hòa tan » trong dân chủ không ? Xin miễn trích dẫn ra đây những đoạn kinh Quran trong đó mỗi lời dạy của đấng Tiên Tri là một thông điệp hòa bình và khoan dung bởi vì ở những trang khác, thế nào cũng sẽ tìm ra những đoạn kinh nói ngược lại. Điều này đúng cho mọi cuốn thánh kinh, mà về mặt lịch sử (ít nhất đối với những người không tin ngưỡng), đã chứng minh được rằng đó chỉ là tập hợp những bài viết và lời nói thuộc những thời kỳ sau « mạc khải » của các vị tiên tri sáng lập tôn giáo, và thường là những điều về sau người ta thêm thắt vào thông điệp nguyên khai. Chẳng hạn những khẳng định về sự thua kém của phụ nữ trong cả ba tôn giáo phái sinh từ Kinh cựu ước (đạo Do Thái, đạo Ki tô và đạo Hồi) đều là do các vị « thay trời nói từ bụng » về sau thêm vào. Thí dụ thời sự hơn là việc nghiêm cấm vẽ hình các Tiên tri 4. Về tính chất bất dung và toàn thủ, xin lưu ý rằng đấng « Thượng Đế đố kỵ » của Kinh cựu ước (Exode 20 :5, Deutéronome 6 :15) là đấng đã liên minh với dân tộc Do Thái (« dân tộc được lựa chọn ») chống lại các thứ thần thánh khác và bọn thờ thần thánh ngoại đạo, cũng chẳng thua gì đấng Tiên Tri tiến hành « jihad bằng lưỡi gươm ». Và thông điệp nhân bản của Jesus – đặc điểm nổi bật của Tân ước so với các tôn giáo trước đó – cũng sẽ không ngăn cản các tín đồ về sau tiến hành các cuộc thập tự chinh, tàn sát người Do Thái, diệt chủng đối với các nền văn minh tiền Colombo, các tòa án Công giáo tra tấn và giết người như ngoé, các giàn hỏa thiêu, các cuộc đốt sách… Điều cốt lõi là tất cả các tôn giáo « mạc khải » đều bất dung và toàn thủ từ bản chất, bởi vì chúng tự cho mình nắm giữ Chân Lý, duy nhất và độc nhất, mà Thượng Đế đã ban cho. Điều ấy hoàn toàn mâu thuẫn với quan niệm thảo luận ý tưởng (như Mill đã nêu ra ở trên), cho nên, về bản chất, các tôn giáo mạc khải đều đối nghịch với lý trí, với triết học, với khoa học, với tiến bộ, và tất nhiên, với dân chủ 5. Nói thế không có nghĩa chúng không thể hòa nhập trong xã hội dân chủ, bằng chứng là ở Châu Âu, Thế kỷ Ánh sáng (cuộc cách mạng Khai Minh) đã đặt Giáo hội vào một vị trí không còn cho phép nó (về mặt nguyên tắc) mang giáo điều áp đặt lên tư duy, mang giáo lệnh áp đặt lên xã hội. Cho nên câu hỏi đặt ra là : bao giờ thế giới Hồi giáo mới tiến hành cuộc cách mạng Khai Minh ? Công cuộc « cập nhật hóa » chỉ có thể thực hiện từ bên trong mỗi xã hôi. Những người ở bên ngoài nôn nóng ruột chờ đợi có lẽ không nhận thức đầy đủ những chướng ngại hiện tồn :
-
Trong ba tôn giáo độc thần phái sinh từ Kinh Cựu ước, Islam là tôn giáo non trẻ nhất, ngày nay mới được 15 thế kỷ tuổi đời. Để tiện bề so sánh, xin nhắc lại lịch sử Công giáo : các cuộc chiến tranh tôn giáo và cuộc thảm sát Saint-Barthélémy diễn ra ở Pháp vào thế kỷ 16 (công nguyên). Trong lịch sử thế giới Hồi giáo, còn phải tính thêm một thế kỷ thống trị của đế chế Thổ và của quan lại thực dân Tây Âu. Lịch sử không diễn ra với tốc độ tuyến tính mà không ngừng gia tốc, nên giữa thế giới Hồi giáo và thế giới hiện đại, khoảng cách vô cùng lớn.
-
Hiện nay, đầu thế kỷ 21, hầu hết các nước Hồi giáo ở Cận Đông và Trung Đông sống dưới những chế độ độc tài quân sự hay thần quyền, hoặc là những vương quốc (có dầu hay không có dầu) mệnh danh là dòng dõi đấng tiên tri Mahomet để lấy « chính danh » cầm quyền. Hầu hết đều là những chính thể tham tàn, hoàn toàn xa lạ với khái niệm quốc gia dân tộc, coi Nhà nước là tài sản riêng của một gia tộc hay bộ tộc. Không có gì đáng ngạc nhiên khi các nhà thần học « nói bằng bụng » thay trời đã bê « giáo luật » charia để trừng trị « tội » báng bổ, phục vụ chính sách ngu dân của các chế độ cường quyền. Lập luận của họ cách xa cuộc đối thoại triết lý của Stuart Mill cả mấy thiên hà. Các đạo luật về báng bổ ở các nước này trừng trị không những mọi lời nói đụng chạm đến tôn giáo hay biểu trưng tôn giáo, mà còn nhắm cả tới những cách diễn giải giáo lý không « đúng lập trường » với cách diễn giải của Nhà nước. Hình phạt có thể lên tới tử hình (như ở Pakistan và Iran), bắt bớ và giam cầm một cách độc đoán (Ai Cập, Arabia Saudi, Indonesia). Hai ví dụ gần đây nhất : ở Arabia Saudi, Faif Badawi bị tuyên án 1000 roi vọt và 10 năm tù, ở Iran, Soheil Arabi bị tử hình. Ai muốn dấn thân đòi quyền tự do phát biểu cũng nên suy nghĩ kỹ. Luật trừng phạt báng bổ cũng áp dụng cho người nước ngoài : năm 2011, một tòa án Jordania đã xử án vắng mặt Kurt Westergaard, một trong những họa sĩ Đan Mạch vã tranh biếm họa Mahomet (năm 2005). Về những tranh biếm họa này, tưởng cũng cần nói rõ : thoạt đầu số báo này không gây ra một chút xao xuyến nào trong thế giới Hồi giáo, thậm chí các bức tranh còn được công bố ở Ai Cập, cho đến khi một phái đoàn giáo sĩ Islam Đan Mạnh đi một vòng các nước Trung Đông để kích động. Phản ứng đầu tiên xuất phát từ phía chính quyền ở Trung Đông, chứ không phải từ dân chúng. Có thể nghĩ rằng các cuộc biểu tình đầu tiên đã được kích động và sử dụng để gây sức ép đối với chính phủ Đan Mạch. Thật vậy, khó mà tưởng tượng ở một nước như Pakistan (là nước hung hăng nhất trong những vụ này), với mức lương tháng trung bình là 105 đô la, người dân có tiền để mua một tờ báo nước ngoài, có học để đọc tờ báo, và có thời giờ để xuống đường. Các cuộc biểu tình những ngày gần đây chống số báo Charlie Hebdo mới ra dường như cũng một tuồng như vậy. Việc cấm phát hành tuần báo Marianne vì hình bìa có vẽ bàn tay của Allah càng cho thấy rõ tính chất chính trị của bộ máy kiểm duyệt Islam.
Trái : Một năm 2015 không có chúng nó
Phải : Biểu tình "chống Charlie ở Alger"
(khẩu hiệu : Tôi là Charlie / Tôi là Mohamed, Hồi giáo, Kouachi, Daech)
-
Bộ máy « công an tư tưởng » trấn áp tinh thần phê phán, triệt tiêu « lý trí Islam »… tự nó cũng không đủ khả năng duy trì sự trường tồn của những chế độ ù lỳ trong một thế giới đang biến chuyển với tốc độ chóng mặt… nếu nó không nhận được sự yểm hộ thụ động và vụ lợi của chính các chế độ dân chủ. Nước Pháp chẳng hạn, kết bạn với « nhà vua » của "chúng ta" (Maroc) vì những lý do địa chính trị , vớiQatar để bán máy bay Airbus, với Arabia Saudi để mua « cứt đái của Quỷ », dầu mỏ. Cuộc cách mạng « mùa xuân Arap » đã cho thấy rõ, phần đông các nước tây phương là xã hội thương nghiệp, giữa bất công và bất ổn, họ chọn lựa theo lợi ích con buôn.
Vậy ta hãy quay trở lại nước Pháp, với lá thư gửi báo Le Monde (13/01) của một độc giả Liban, bức xúc vì thấy vấn đề khủng bố islamisme bị quy giản thành vấn đề hồi giáo, quên khuấy rằng đó cũng là một vấn đề của chính nước Pháp : « Trách nhiệm là ở nước Pháp, đối với tất cả mọi người sinh sống trên lãnh thổ Pháp, chứ không ở nguồn gốc quê quán, có thể xa lắc xa lơ, của những phần tử khủng bố. Bọn người ấy không phải là Hồi giáo, Ki tô giáo hay Do Thái gì hết. Đó là những kẻ đã bị loại trừ ra khỏi một hệ thống đã chủ trương loại trừ, chúng đã hành động theo cách của chúng để chống lại sự loại trừ ấy. Vấn đề là chính nước Pháp phải chứng tỏ rằng mình không phái là cái lò sản sinh ra khủng bố, chứ không phải người Hồi giáo, Ki tô giáo, Do Thái, hay người phương Đông có bổn phận chứng minh là họ không phải như vậy. Chúng tôi là những người đã hội nhập, và hội nhập tốt, vào thế giới phương tây, mà không chối bỏ nguồn gốc của mình. Việc gì chúng tôi phải thanh minh thanh nga về một hành động dã man vừa xảy ra ở Paris ? ». Những ý kiến này còn nguyên giá trị khi ta chuyển từ Paris sang London (2005), là nơi bom nổ giết chết 55 nạn nhân do bốn thanh niên Anh theo đạo Hồi, hay sang Boston (2013), nơi xảy ra vụ thảm sát tại cuộc chạy maratông mà hung thủ là hai anh em người Mỹ gốc Chê-chen. Vẫn biết là đã có cuộc tuần hành 11 tháng 1, nhưng sự thống nhất dân tộc làm bằng những bài diễn văn chan chứa tinh thần cộng hòa vẫn chỉ là trừu tượng, không thể hiểu tại sao những đứa con hư đã quay lại chống mình. Vấn đề xã hội không thể bỏ lơ, dù nó không lí giải toàn bộ vấn đề (dường như các phần tử khủng bố ở London và Boston hội nhập khá tốt vào cuộc sống sở tại) : cần nhắc lại yếu tố loại trừ và chia rẽ vừa nói ở trên ; cũng cần nói rõ là trong những giá trị cộng hòa bị xao lãng, có tính thế tục (laïcité) lẽ ra có thể và phải ngăn chặn được sự lạc lõng chệch hướng, sự cực đoan hóa ; chúng ta hãy hi vọng rằng trong nhiệm vụ hiểm nghèo đang chờ đợi họ – lèo lái giữa một bên là những yêu cầu về an ninh, một bên là tuân thủ các quyền tự do cơ bản – giới chính khách sẽ tỏ ra xứng tầm với khí thế của ngày 11 tháng 1 năm 2015.
NGUYỄN QUANG
01.2015
bản dịch của Kiến Văn
Ảnh của Argyroglo chụp lúc hoàng hôn ngày 11.1.2015 ở quảng trường La République
Gợi nhớ tác phẩm Tự do dẫn đường cho nhân dân của Delacroix
Trái : Mãi mãi đứng thẳng và bất khuất
Phải : Tôi là Charlie, David (Do Thái), Mohamed (Hồi giáo)
Trái : Tôi là Charlie, Tôi là Cớm, Tôi là Do Thái
Phải : Tấn công một tòa báo rồi chết ở một nhà in (ám chỉ hai anh em hung thủ Kouachi),
đúng là Trời có mắt và biết cười
Trái : nói KHÔNG với KHỦNG BỐ
Phải : Chúng muốn buộc chúng ta im lặng. Chỉ được một phút (mặc niệm).
Trái : Tôi là Charlie, Tignous, Ba Sàm, Bọ Lập, Wolinski, Cabu, Hồng Lê Thọ,
Trương Duy Nhất, Charb...
Phải : Tôi là phụ nữ Pháp Hồi giáo. Islam của chúng không phải là Islam của tôi.
1 Trong đó có những người khó có thể nghĩ là họ đến để bảo vệ quyền tự do phát biểu khi ta biết rằng nước họ đứng cuối bảng trong danh sách 180 nước về tự do báo chí (do tổ chức Phóng viên không biên giới xếp hạng) : Ai Cập (156/180), Thổ Nhĩ Kỳ (154), Nga (148), Jordany (141), Algeria (121), Tiểu vương quốc A rập thống nhất (118), Gabon (98), Benin (75), Hungaria (64). Vừa ở Paris về, các nhà lãnh đạo những nước Hồi giáo đã cấm phát hành số báo Charlie Hebdo vừa xuất bản. Cũng nên nói thêm : Việt Nam (174) và Trung Quốc (175) cử đại sứ tham dự cuộc tuần hành.
2 Vậy mà gần một nửa (47%) các nước đều có luật hay chính sách trừng phạt (về mặt hình sự) tội báng bổ (xúc phạm tôn giáo), tội phản đạo (từ bỏ tín ngưỡng) hay mạ lỵ (chỉ trích, phê phán một số tôn giáo cụ thể, hay tôn giáo nói chung), theo một nghiên cứu năm 2011 của Pew research center. Đó là hầu hết các nước Hồi giáo, nhưng năm nước Châu Âu (Đức, Đan Mạch, Ý, Ireland, Hi Lạp) cũng có luật chống báng bổ, dù đạo luật này không được áp dụng (ngoại trừ Hi Lạp).
3 Philippe Tesson nói trên đài phát thanh Europe 1 : « Rối lên như cứt ở Pháp là do người Hồi giáo mang lại ». Nhà sử học Rémi Brague thì phát biểu trên tuần báo Le Point : « Bất dung thứ là tố chất nằm trong gien của Islam ».
4 Sự thực kinh Quran chỉ cấm vẽ hình Thượng đế, không hề cấm vẽ Tiên Tri và con người. Trong giáo phái Shit của Hồi giáo, có rất nhiều tranh vẽ Mahomet, ít nhất cho đến thế kỷ 16. Cái gọi là « nghiêm cấm » chỉ có trong giáo phái Sunnit. Bất luận thế nào, thì lệnh cấm này chỉ áp dụng cho các tín đồ Hồi giáo. Cho nên, các cuộc tranh luận liên tiếp về tranh biếm họa Mahomet hoàn toàn không căn cứ.
5 Tôn giáo khoan hòa nhất (trên lý thuyết) là đạo Cao Đài, phát sinh tại đồng bằng sông Cửu Long. Đạo này chỉ tôn sùng các vĩ nhân lịch sử : Phật Thích Ca, Jesus, và cả Gandhi, Victor Hugo…
Các thao tác trên Tài liệu