Cách mạng Trung Quốc : dân tộc chủ nghĩa trước khi là cộng sản
Báo Le Monde phỏng vấn sử gia Lucien BIANCO
"Tính
chất của cách mạng này là dân tộc chủ nghĩa,
trước khi là cộng sản"
Lucien BIANCO, nhà sử học, chuyên gia về giới nông dân Trung Quốc, giáo sư EHESS (Ecole des Hautes Etudes en Sciences Sociales, Paris) trả lời phỏng vấn của Bruno Philip (Le Monde, 1.10.2009)
Với tư cách một chuyên gia về lịch sử nông dân Trung Quốc, ông có cho rằng chiến lược của Mao Trạch-đông (lấy giới nông dân làm chỗ dựa) là nhân tố chủ yếu của thắng lợi cộng sản ?
Chiến lược nông dân của Mao rất thích đáng và hiệu quả, song nguyên nhân chủ yếu của thắng lợi này là cuộc Thế chiến lần thứ hai : cuộc đại chiến này là một tác nhân quan trọng hơn cả vai trò của Thế chiến lần thứ nhất đối với cách mạng bôn-sê-vích ở Nga. Thế chiến lần thứ hai đã làm cho chính quyền Tưởng Giới-thạch vốn đã yếu kém trở thành vô cùng suy nhược, đồng thời nó đã giúp cộng sản Trung Quốc tăng cường lực lượng một cách đáng kể.
Trong cuộc nội chiến, bộ đội Hồng quân và Đảng cộng sản Trung Quốc có những chủ bài nào là chính ?
Ưu thế về mặt chỉ huy và tinh thần chiến đấu, được hỗ trợ bởi cuộc cải cách thổ địa mang lại ruộng đất cho những nông dân gia nhập hồng quân. Nhưng quan trọng hơn thế là cuộc khủng hoảng của chính quyền (quốc gia) khiến cho nó ngày càng mất đi khả năng đề kháng trước cuộc tiến công của cộng sản. Lạm phát (tương tự như lạm phát dưới chế độ Weimar ở Đức trong thập niên 1920) khiến cho công chức và những người ăn lương làm thuê lâm vào tình thế kiệt quệ, lạm phát lại tăng cường nạn tham nhũng và mở rộng hố ngăn cách giữa chính quyền và dư luận. Nhìn bề ngoài, cách mạng 1949 là một cuộc chinh phục thắng lợi, nhưng đúng hơn, phải nói đó là cả một chế độ đã sụp đổ trong dối trá, phá sản và tham nhũng thối nát.
Chiều hôm trước ngày binh sĩ của Mao "giải phóng" các thành phố, tình hình tư tưởng của người dân thành phố ra sao ?
Hồng quân tiến vào Nam Kinh, Thượng Hải không được vỗ tay hoan nghênh : dân chúng im lặng và dè dặt, như thông tín viên của nhật báo Le Monde hồi đó là Robert Guillain đã cho thấy. Tuy nhiên, họ đã quy thuận khá nhanh chóng : không hẳn là họ trông mong một cuộc sống tốt đẹp hơn mà chỉ hi vọng vào một cuộc sống không xấu như trước, đối với họ những gì họ vừa phải trải qua là tình huống xấu xa tồi tệ nhất. Họ đã nhầm to, nhất là các phần tử trí thức. Lúc đầu, trí thức Trung Quốc có thiện cảm đối với chính quyền mới nhiều hơn là trí thức Nga đối với chế độ bôn-sê-vích. Họ hi vọng là cộng sản sẽ chấm dứt sự suy tàn liên tục của Trung Quốc. Đó cũng chính là điều Mao hứa hẹn : "Nhân dân Trung Quốc đã đứng dậy... Người Trung Quốc sẽ không bào giờ còn cam chịu làm nô lệ". Cuộc cách mạng cộng sản trước hết là một cuộc cách mạng dân tộc chủ nghĩa.
Trước khi các cuộc cải cách 1979 bắt đầu, trong thời kì 1949-79, mặc dầu đã xảy ra những đại hoạ kinh tế của thời Mao, có giai đoạn nào có thể gọi là tích cực đối với Trung Quốc (giảm bớt nghèo đói, xoá nạn mù chữ, nữ quyền...) hay không ?
Về mặt chống nghèo, có thể nói là số không : năm 1977, tức là một năm sau khi Mao từ trần, thu nhập của nông dân (tức là của 80 % dân số Trung Quốc) chỉ bằng hay thấp hơn thu nhập năm... 1933 ! Mao hô hào chủ nghĩa bình quân nhưng không hề thực hiện. Những lựa chọn chiến lược và sự ngoan cố của Mao đã duy trì dân chúng trong tình trạng nghèo nàn.
Khi mở rộng cho toàn bộ dân chúng những quyền tự do mà trước đó giới trí thức và tầng lớp tư sản đô thị nhỏ bé đã được hưởng, đạo luật hôn nhân 1950 đã cải thiện đôi chút thân phận phụ nữ : trước đó phụ nữ bị cưỡng hôn và thường bị chồng hành hạ, đánh đập, nay họ có quyền đòi li dị. Nhưng việc áp dụng đạo luật này vấp phải sự kháng cự của nếp suy nghĩ cũ, nhất là ở nông thôn, và đảng cộng sản có những vấn đề ưu tiên khác, nên thường du di. Đảng hô nào nam nữ bình quyền, nhưng cũng như các khẩu hiệu mao ít khác, tuyên bố nổi tiếng "phụ nữ là một nửa bầu trời" vẫn chỉ là một khẩu hiệu suông. Cũng như ở Liên Xô, phụ nữ được "giải phóng" là để tham gia lao động, kể cả những lao động nặng nhọc, và hiếm khi nào được trả lương ngang với nam giới.
Ngược lại, ngay từ thời Mao, việc xoá nạn mù chữ và trẻ em đi học đã đạt nhiều tiến bộ ở Trung Quốc. Năm 1949, Trung Quốc có 80 % người mù chữ, ngày nay chỉ còn 8 %, nạn mù chữ về cơ bản đã bị xoá bỏ ngay dưới thời Mao. Về giáo dục, Trung Quốc cũng vượt xa ý đồ của họ : năm 1949, chỉ có 25 % trẻ em ở tuổi đi học được học ở các trường tiểu học, năm 1976 (Mao mất), hơn 95%.
Có thể tổng kết như thế nào về giai đoạn 30 năm vừa qua là thời kì mà Trung Quốc giàu mạnh lên và trở thành một cường quốc trên mặt quốc tế ? Có người cho rằng tính chất cực quyền của chế độ độc đảng là một trong những điều kiện tạo ra sự thành công này, ông có nghĩ như vậy không ?
Về mặt phát triển đất nước và mức sống của người dân, thành tựu của Trung Quốc phải nói là xuất sắc. Chế độ độc đảng đã phát huy vai trò của mình về mặt dân số hơn là dân sinh : chính sách hạn chế sinh đẻ của Trung Quốc vừa hiệu quả vừa có tính cách cưỡng bức. Khoảng 1975, tôi quá chán ngán vì điều kiện nghiên cứu ở Trung Quốc [nên bỏ về], trên đường về tôi đã ngừng lại ở Ấn Độ. Tại đây, đâu đâu cũng thấy những tấm áp-phích to tướng tố cáo cuộc "diệt chủng" của bà Indira Gandhi. Bà thủ tướng cũng muốn kế hoạch hoá việc sinh đẻ, nhưng với những biện pháp ít cưỡng chế hơn Trung Quốc. Sự phản đối ấy, nhà cầm quyền Trung Quốc không gặp phải, cho dù nông dân Trung Quốc tìm mọi cách để lách luật.
Trong lĩnh vực kinh tế, sự thành công của Trung Quốc là do chính quyền đã phải từ bỏ những ý đồ tư tưởng của họ nhiều hơn là do chế độ cực quyền. Họ đã quẳng đi những ảo mộng mao-ít và tìm cách khắc phục sự lạc hậu của Trung Quốc -- chính sự lạc hậu này là nguyên nhân thực sự tạo ra cách mạng Trung Quốc. Quan niệm thực tiễn này đã khai phóng năng lực của người sản xuất. Tôi không tin rằng nền dân chủ sẽ được thiết lập ở Trung Quốc trong cuộc đời còn lại của tôi [ông Bianco sinh năm 1930]. Điều ấy, chế độ Trung Quốc chỉ chịu một phần trách nhiệm, vì rất khó thích nghi nền dân chủ tại một đất nước chưa bao giờ biết dân chủ là gì, mà dân số lại hơn 1,3 tỉ người, đa số là nông dân nghèo và ít học.
bản dịch của Nguyễn Ngọc Giao
Các thao tác trên Tài liệu