Bạn đang ở: Trang chủ / Thế giới / Châu Á, trung tâm quyền lực mới? - Phần II

Châu Á, trung tâm quyền lực mới? - Phần II

- Trần Bình — published 31/12/2011 23:00, cập nhật lần cuối 29/12/2011 21:39

Châu Á, Trung tâm Quyền lực mới?
- Phần II 

      

Trần Bình


II. Các Nhân Tố


Qua cuộc phỏng vấn do Asia Media Archives thực hiện, ông Kishore Mahbubani, Viện trưởng Đại Học Quốc Gia Singapore, đã nêu lên những nhân tố tạo nên "Sự vươn mình của các nước Châu Á - The Rise of Asian Nations": sự bùng nổ về giáo dục, sự phát triển của tầng lớp trung lưu, và từ bài học cuộc khủng hoảng tài chánh Á Châu năm 1997, các quốc gia này đã tích lũy được nguồn dự trữ ngoại hối rất lớn - sự bảo hiểm trước các biến động của nền kinh tế thế giới.

Toàn cầu hóa kinh tế (globalization) là nhân tố quan trọng khác của mô hình phát triển Châu Á - nhận định của nhóm đại học Harvard, qua tài liệu "Sự trỗi dậy của Châu Á và trật tự kinh tế Mới - The Rise of Asia and New Economic Order".

1. Giáo Dục  


Bài tham luận "Sự vươn mình của các Đại học Châu Á - The Rise of Asia's Universities", đọc trong buổi hội thảo tại Học viện Chính sách Giáo dục bậc Đại học, Yale university, Hoa Kỳ, tháng 2/2010, của giáo sư Richard C. Levin đã nhấn mạnh đến vai trò của giáo dục trong quá trình phát triển của Châu Á  "Sự phát triển nhanh chóng của Châu Á bắt đầu từ sau đệ nhị thế chiến. Các quốc gia phương Đông này đã nhận ra được tầm quan trọng của một nguồn nhân lực được giáo dục là nhân tố của sự phát triển kinh tế, và họ cũng hiểu được tác dụng của nghiên cứu đối với khả năng sáng tạo và năng lực cạnh tranh". Các luận điểm chính của bài tham luận có thể tóm tắt:

  • Động lực - Khi nguồn lao động thăng dự từ nông thôn cạn dần theo tiến trình đô thị hoá tại các nước đang phát triển, thì lợi thế giá lao động rẻ sẽ không còn nữa; khi đó, việc duy trì mức tăng trưởng cao sẽ là điều bất khả thi, nếu không có khả năng sáng tạo và nghiên cứu, tung ra thị trường các sản phẩm và dịch vụ mới. Điều này có thể giải thích vì sao Nhật phát triển rất nhanh so với Hoa Kỳ trong giai đoạn 1950-1990, nhưng mức tăng trưởng lại chậm hơn Hoa Kỳ đáng kể về sau đó.  

  • Thời gian - Việc xây dựng các đại học có đẳng cấp thế giới (world class) cần thời gian. Để có thể sánh ngang tầm với các đại học Oxford và Cambridge của Anh, Harvard và Yale phải mất hằng thế kỷ; Stanford và Chicago mất hơn nửa thế kỷ mới được công nhận đẳng cấp thế giới. Và, Tokyo là đại học Châu Á duy nhất được xếp vào nhóm 25 đại học đứng đầu thế giới.

  • Nhật và Hàn Quốc - Với sự hỗ trợ đáng kể từ chính phủ, ngành giáo dục đại học của hai nước này phát triển mạnh mẽ trong những thập niên 60-90. Tỷ lệ của học sinh ghi danh vào đại học tại Nhật tăng từ 9% năm 1960 lên đến 42% vào giữa thập niên 1990. Tỷ lệ tương ứng của Hàn Quốc trong cùng thời kỳ còn ấn tượng hơn, từ 5% tăng lên 50%.

  • Trung Quốc - Tiến rất xa trong lãnh vực giáo dục, đặc biệt từ năm 1998. Trong vòng một thập niên (1997-2007), các cơ sở của ngành giáo dục đại học tăng từ 1022 lên 2263, và số học sinh ghi danh vào đại học tăng 5 lần. Trung Quốc hiện là nước có số sinh viên đại học lớn nhất thế giới. Ngoài ra, số lượng các công trình nghiên cứu của Trung Quốc được ấn hành trên các tạp chí tiên phong về khoa học và công nghệ trên thế giới tăng 4 lần trong giai đoạn 1995-2005. Hiện nay, chỉ có Hoa Kỳ, Anh, Đức và Nhật là những nước có số tài liệu nghiên cứu ấn hành cao hơn Trung Quốc. 

  • Ấn Độ - Kết quả các nỗ lực phát triển ngành giáo dục đại học của Ấn Độ không ấn tượng như Trung Quốc, với số học sinh ghi danh vào đại học tăng từ 7% ở thập niên 90 lên 12%, so với 23% của Trung Quốc. Tuy nhiên, là "đất nước có dân số lớn nhất trong số các nước có thể chế chính trị dân chủ, và được dự đoán sẽ là nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới, sau Trung Quốc vào năm 2050, Ấn đang có một kế hoạch xây dựng nền giáo dục đại học đầy tham vọng, gia tăng tỷ lệ ghi danh vào đại học lên 30% vào năm 2020, tức là khoảng 40 triệu sinh viên". 

    Song, đây vẫn là những con số khiêm tốn so với tỷ lệ học sinh ghi danh đại học tại các nước phát triển: Nhật 58%, Liên Hiệp Anh 59%, và Hoa Kỳ 82%.

  • Phương pháp sư phạm (pedagogy) - Để có thể bắt kịp các nền giáo dục tiên tiến phương Tây, các nước Châu Á còn phải khắc phục một một số vấn đề; trước nhất, và lớn nhất là phương pháp sư phạm.  Phương pháp sư phạm tại Trung Quốc, Nhật, và Hàn Quốc chú trọng vào học thuộc lòng (rote learning). Sinh viên lắng nghe một cách thụ động, và cách giảng dạy nhắm vào sự thấu hiểu vấn đề, hơn là phát triển khả năng tư duy độc lập và phê phán... Sự thụ đắc kiến thức chỉ có giá trị nhỏ trong một thế giới thay đổi nhanh chóng. Các sinh viên cần phải có khả năng thích ứng với tình huống không ngừng biến đổi, đối đầu với sự kiện, và tìm ra phương cách giải quyết một cách sáng tạo... Phương pháp sư phạm và các chương trình giáo dục truyền thống Châu Á có thể hữu hiệu trong việc đào tạo các kỹ sư chế tạo và viên chức nhà nước trung cấp, nhưng có lẽ không thích ứng cho việc đào tạo nhân tài để lãnh đạo và phát minh

  • Chương trình giáo dục (curriculum) - Khác với các đại học phương Tây, nơi mà chương trình của hai năm đầu là các môn học tổng quát trên nhiều lãnh vực, nhằm giúp cho sinh viên có được kiến thức và tầm nhìn bao quát, sinh viên tại các đại học Châu Á chọn ngành ngay khi bước chân vào đại học. "Sự chuyên môn hóa này có thể làm hạn hẹp tầm nhìn của sinh viên".

  • Hệ thống điều hành quỹ nghiên cứu - Các nước Châu Á chú trọng vào R & D (nghiên cứu và phát triển), nhưng thiếu đầu tư vào khoa học căn bản (basic science), là nền tảng cho cho các ứng dụng và phát minh về lâu dài. Các công trình nghiên cứu lại thường được thực hiện bởi các viện nghiên cứu và các phòng thí nghiệm của chính phủ, thay vì tại các trường đại học như các nước phương Tây. Sau cùng, hệ thống phân phối ngân quỹ tại các nước Châu Á thiếu hiệu quả, "không thông qua một tiến trình cạnh tranh mạnh mẽ; qua đó, dự án được xem xét bởi các chuyên gia độc lập, trên tình thần hoàn toàn khoa học".

  • Thu hút nhân tài - Việc thu hút các chuyên viên, nhà khoa học đòi hỏi các cơ sở nghiên cứu trang bị hiện đại, ngân quỹ dồi dào, và lương bổng tương xứng. Trung Quốc và Ấn Độ đã đạt được nhiều tiến bộ trong nỗ lực thu hút du học sinh về nước; song Ấn Độ chưa có được mức đầu tư về ngân quỹ và cơ sở nghiên cứu như Trung Quốc.

    Các nước Châu Á đã ý thức được các khiếm khuyết về phương pháp sư phạm và chương trình giáo dục, đã và đang thử nghiệm các cải cách trên các lãnh vực này. 


Từ góc nhìn khác, một số nhà nghiên cứu phân tích khuynh hướng gia tăng du học sinh từ các nước đang phát triển, đặc biệt Châu Á, trong những thập niên qua. Sean Coughlan, BBC, nêu lên một số dữ kiện quan trọng, qua loạt bài gần đây "Con số kỷ lục du học sinh trên thế giới - International students record numbers" và "Cuộc chiến giữa các cường quốc tri thức - Battle of the knowledge superpowers". 

  • Theo thống kê của Unesco, số du học sinh năm 2009 lên đến 3,43 triệu, tăng 75% từ năm 2000. 

  • Trung Quốc đứng đầu với 440 nghìn du học sinh, kế đến là Ấn Độ (2), và Hàn Quốc (3). 

  • Hoa Kỳ là nước thu hút du học sinh lớn nhất, và Anh thứ 2.

  • Con số "du học sinh tại chỗ", theo học các đại học nước ngoài từ trong nước, ngày một gia tăng. Ví dụ, có đến 340 nghìn sinh viên theo học các trường đại học Anh Quốc, nhiều hơn con số du học sinh hiện trú tại Anh.

  • Số sinh viên tốt nghiệp đại học hàng năm của Trung Quốc (thứ 2) gần bằng con số của các nước Anh, Đức, và Pháp gộp lại; Nhật (3), và Hàn Quốc (6) có số sinh viên tốt nghiệp cao hơn các nước Pháp, Ý.





2. Tầng Lớp Trung Lưu


Trong bài "Sự vươn mình của tầng lớp trung lưu của Châu Á - The Rise of Asia's Middle Class", trên Wall Street Mess, ngày 5/2/2011, Tony D'Altorio viết: Tuy vẫn còn nhiều người ngờ vực các nước đang phát triển Châu Á có thể có được tầng lớp tiêu thụ đáng kể, lớn mạnh từ tình trạng nghèo khó. Song, sự nghi ngờ này đang tan biến dần".

D'Altorio nhận định - tuy tầng lớp trung lưu các nước Châu Á chưa đủ lớn mạnh để trở thành nguồn lực quan yếu cho sự phát triển của nền kinh tế thế giới; song, tầng lớp này đang phát triển nhanh, và sẽ sớm trở thành nhân tố quan trọng cho sự phát triển của Châu Á. 

Sự phát triển mạnh mẽ của một tầng lớp trung lưu mới tại các nước đang phát triển Châu Á, song song với giới trung lưu hiện hữu tại các nước phát triển: Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore and Hong Kong, đang ảnh hưởng ngày một lớn đến nền kinh tế thế giới:  

  • Công ty nghiên cứu và tư vấn Dragonomics dự đoán hiện Trung Quốc có khoảng 23% dân số, hay 300 triệu, có khả năng tiêu thụ đáng kể, cư ngụ quanh các thành phố lớn, dễ dàng tiếp cận các công ty đa quốc gia có qui mô lớn. Công ty tư vấn McKinsey tiên đoán tầng lớp trung lưu của Trung Quốc sẽ tăng từ 29% của 190 triệu thị dân lên 75% của 372 triệu thị dân năm 2025.

  • Theo Ireena Vitta, chuyên viên lãnh vực bán lẻ của công ty McKinsey, Ấn Độ hiện có 14-15 triệu hộ dân cư với lợi tức hàng năm từ 7-10 ngàn USD. Con số này sẽ tăng lên 40 triệu hộ hay 200 triệu người chỉ trong vòng 5 năm tới.

  • Công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor tiên đoán số hộ dân cư tại Indonesia có lợi tức hàng năm 5000-15000 USD sẽ tăng từ 36% lên 58% năm 2020, tạo ra một tầng lớp trung lưu khoảng 100 triệu.  

  • Hiện nay, mức tiêu thụ xe hơi và điện thọai di động của Trung Quốc đã vượt qua Hoa Kỳ. Nomura Reckons tiên đoán doanh số bán lẻ của Trung Quốc sẽ vượt Hoa Kỳ năm 2014.

Kevin Rudd, qua bài viết "Taking centre stage: the rise of Asia and its implications" còn nhận định rằng tầng lớp trung lưu tại các nước Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam và ngay cả Cambodia sẽ chiếm đa số dân cư trong vòng 15 năm tới.


3. Dự Trữ Ngoại Hối


Đồng quan điểm với giáo sư Kishore Mahbubani, Đại Học Quốc Gia Singapore, hai tác giả Masahiro và Peter trong tài liệu "Vai trò của Châu Á trong cấu trúc kinh tế toàn cầu - Asia's Role in the Global Economic Architecture", Viện Nghiên cứu Ngân hàng Châu Á, nhận định rằng các nước đang phát triển Châu Á đã rút tỉa từ bài học cuộc khủng hoảng tài chánh Châu Á năm 1997, và dựa vào tiến trình toàn cầu hóa kinh tế (globalization), tích lũy được nguồn dự trữ ngoại hối dồi dào: "Cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chánh thế giới đang diễn ra một lần nữa minh chứng việc nắm giữ nguồn dự trữ ngoại hối lớn có thể giúp cho các quốc gia đương đầu hữu hiệu với các biến động kinh tế".

Trên bình diện rộng hơn, các nước Châu Á đang góp phần đáng kể vào nỗ lực của IMF trong kế hoạch gia tăng nguồn dự trữ ngoại hối, nhằm đối phó hữu hiệu hơn các biến động trên phạm vi toàn cầu, với đóng góp của Nhật 100 tỷ USD, Trung Quốc 50, Ấn Độ và Hàn Quốc mỗi quốc gia đóng góp 10 tỷ USD. 

Các quốc gia Châu Á hiện nắm giữ một nguồn dự trữ ngoại hối khổng lồ, giữa lúc nhiều nước phát triển đang vất vả đương đầu với nợ nần. Theo tài liệu của Wiki Foreign-exchange reserves, tính đến tháng 5/2011, Châu Á hiện nắm giữ 3.5 trillion USD, hay khoảng 2/3 tổng số dự trữ ngoại hối trên thế giới. Mười trong số 20 quốc gia đang nắm giữ số dự trữ ngoại hối lớn nhất là các nước Châu Á; gồm có Trung Quốc (1), Nhật (2), Đài Loan(5), Ấn Độ (7), Hàn Quốc (8),  Hongkong (10), Singapore (11), Thái Lan (13), Malaysia (19), và Indonesia (20).


4.  Toàn Cầu Hóa Kinh Tế


Vai trò của toàn cầu hóa nền kinh tế (globalization) đối với sự phát triển của các nước Châu Á được Masahiro Kawai và Peter A. phân tích: "Các nền kinh tế đang phát triển đã dựa vào đầu tư và mậu dịch thế giới để phát triển kinh tế và đã đạt được kể quả rất lớn nhờ vào toàn cầu hoá kinh tế".

Giáo sư Stuart Harris, qua bài viết "Toàn cầu hóa trong bối cảnh Châu Á - Thái Bình Dương - Globalisation in the Asia-Pacific Context" có đồng nhận định: "Việc tự do hóa nền kinh tế cùng với sự gia tăng mâu dịch đã góp phần rất lớn cho sự phát triển kinh tế thành công tại các nước Châu Á Thái Bình Dương. Sự gia tăng trong xuất khẩu và mở cửa thị trường nội địa đã giúp cho nền kinh tế thế giới phát triển nhanh hơn; và điều này đặc biệt đúng đối với các nền kinh tế Châu Á Thái Bình Dương.

*


Chúng ta có thể đi vào kết luận của đề tài này với hai luận điểm quan trọng của Kevin Rudd, nguyên Thủ tướng nước Úc (2007-2010), qua bài diễn văn đọc tại đại học Tasmania, ngày 13/7/2011.

Trong bài viết "Chiếm lãnh trung tâm sân khấu: Sự trỗi dậy của Châu Á và ý nghĩa của nó - Taking centre stage: the rise of Asia and its implications", sau khi nêu lên các dữ kiện minh chứng cho sự tiên đoán về một Châu Á đang vươn mình lớn mạnh, Kevin Rudd cảnh báo các vấn đề an ninh và hợp tác của các nước Châu Á có thể hạn chế đà phát triển của các quốc gia này.

Kể từ đệ nhị thế chiến, thế giới chứng kiến một Châu Á đầy biến động. Chiến tranh Triều Tiên, Việt Nam. Tranh chấp biên giới giữa Trung Quốc với Ấn, Nga, và Việt Nam; giữa Ấn và Pakistan. Cuộc tàn sát đẫm máu, kinh hoàng của Khmer Đỏ. Tranh chấp về hải phận đang diễn ra tại biển Đông giữa Trung Quốc và các nước láng giềng. "Những xung đột và tranh chấp từ nhiều thập niên qua đã tạo mối ngờ vực lẫn nhau giữa các nước trong khu vực".

Trong một bối cảnh như thế, không như Châu Âu, các nước Châu Á hiện vẫn chưa có được một cơ chế chung hầu có thể đối đầu, giải quyết các vấn đề an ninh và hợp tác trong khu vực. Song, điều đáng khích lệ là, các hiệp ước hợp tác thương mại và an ninh đa phương giữa các nhóm quốc gia Châu Á có thể xem là những bước đầu tích cực để tiến tới việc xây dựng một cơ cấu rộng lớn hơn cho cả khu vực. Kevin muốn đề cập đến ASEAN, các hiệp ước an ninh giữa Hoa Kỳ và Nhật, Hàn Quốc, Úc, và Philippines. Hiệp ước an ninh giữa Liên Hiệp Anh, Úc, New Zealand, Malaysia and Singapore.

Ông nhắn nhủ các nước trên thế giới cần phải nhận thức một cách đầy đủ về tầm quan trọng tiến trình chuyển đổi của Châu Á:

"Nước Úc chúng ta bắt đầu hiểu được ý nghĩa của biến chuyển này. Hoa Kỳ chỉ hiểu được phần nào. Và, Châu Âu, e rằng chưa hiểu mấy.

Từ nửa thế kỷ sau của thời kỳ hậu thuộc địa, chúng ta chứng kiến một Châu Á chuyển mình, và hiện đang có vai trò chi phối trên thế giới. Châu Á không còn là đối tượng của các chính sách quyền lợi của các cường quốc phương Tây. Châu Á hôm nay là chủ thể, với năng lực ảnh hưởng (tốt hay xấu) đến tương lai của chính các nước phương Tây.

Không một quốc gia nào, dù lớn hay bé, có thể không hội nhập với tiến trình chuyển đổi trở thành trung tâm kinh tế toàn cầu của Châu Á.

Mọi quốc gia hôm nay đều có quyền lợi trực tiếp và lâu dài với tương lai của Châu Á.

Duy trì được sự ổn định và phát triển của Châu Á là điều tốt đẹp cho tất cả các nước khác.

Một Châu Á bất ổn và suy yếu kinh tế sẽ là tai họa cho cả thế giới - không chỉ riêng Châu Á"



Trần Bình

tháng 12/2010

Xem Phần I

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Indochine: 70 ans après les Accords de Genève 21/11/2024 16:00 - 18:00 — BnF site François-Mitterrand, Quai François Mauriac, 75706 Paris Cedex 13 | Zoom
Yda: Un court-métrage Hanoi - Warszawa 29/11/2024 19:00 - 21:00 — Médiathèque Jean-Pierre Melville, 79 rue Nationale, Paris 75013, M° Olympiades
Les Accords de Genève, espoirs et désillusions au cœur de la guerre froide. De l’indépendance à la division du Vietnam 11/12/2024 16:30 - 18:00 — Bibliothèque François-Mitterrand, Quai François Mauriac - 75706 Paris Cedex 13
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us