Bạn đang ở: Trang chủ / Thế giới / Chiếm phố Wall

Chiếm phố Wall

- Trọng Quang — published 10/10/2011 23:31, cập nhật lần cuối 11/10/2011 10:30
Phong trào CHIẾM WALL STREET bước sang tuần lễ thứ tư


Chiếm đóng Phố Tường,
Occupy Wall Street


TRỌNG QUANG 


ws
Biểu tình ngày 8.10.2011 tại Washington Square, New York

Phố Tường (Wall Street, New York) là đại diện cho tư bản tài chính không chỉ của nước Mỹ mà của cả thế giới. Phố Tường làm gì ? Nó là trung tâm buôn bán chứng khoán, tức là các cổ phiếu công ty. Cổ phiếu lúc đầu là phần hùn người có tiền bỏ vào công ty để nó có vốn hoạt động với hy vọng là công ty có lời, và ngày càng mở rộng, do đó giá trị công ty lớn lên và do đó giá trị phần hùn của họ cũng lớn lên. Phố Tường là nơi tổ chức việc tung ra thị trường các cổ phiếu đầu tiên để gây thêm vốn cho công ty mở rộng sản xuất và cũng là nơi buôn bán lại các cổ phiếu trên. Đơn giản là người có cổ phiếu có nhu cầu bán lại vì đánh giá tương lai không mấy sáng sủa, hoặc vì cần tiền hoặc vì thấy công ty đã lên đỉnh điểm. Làm công việc phát hành cổ phiếu Phố Tường phải tạo ra niềm tin đối với khách hàng  đối với mặt hàng mà họ muốn bán, tức là thông tin về chúng phải hoàn toàn minh bạch.


Ngày trước đây, hoạt động của Phố Tường, chủ yếu gồm hoạt động phát hành cổ phiếu – như đã nói ở trên hay trái phiếu – giấy nợ của công ty hay chính phủ của các công ty tài chính được gọi là ngân hàng đầu tư – investment banks. Các ngân hàng này cho đến năm 1999 theo Luật Ngân hàng Mỹ ra đời năm 1933 không được tham gia ngân hàng thương mại (commercial banks), loại sau nhận tiền ký gửi của khách hàng và cho các khách hàng khác vay, do đó phải chịu quy luật chặt chẽ hơn nhiều để bảo đảm mức rủi ro thấp nhất cho người người ký gửi tiền.  Điều luật phân biệt hoạt động ngân hàng thương mại và ngân hàng đầu tư thường được gọi là Glass–Steagall Act.  Điều luật này đã bị xóa bỏ năm 1999 do Tổng thống Clinton đề xuất với sự ủng hộ rộng rãi của các chính trị gia cả Dân chủ và Cộng hòa. Chính sự xóa bỏ này đã cho phép Phố Tường và các chính trị gia cùng phù phép để đưa đến cuộc khủng khoảng tài chính năm 2008 và kéo dài cho đến hôm nay.

la
Los Angeles


Họ phù phép như thế nào ? Các chính trị gia muốn mọi người đều có nhà dù không có khả năng thu nhập chi trả. Các ngân hàng sẵn sàng gây vốn xây nhà sau đó tiền vay biến thành giấy nợ, gọi là giấy nợ phái sinh (derivatives) đem bán trên Phố Tường cho những ai dại dột. Như thế càng xây và bán nhiều nhà càng được lợi nhiều và mọi rủi ro thì đẩy cho người khác. Nhưng Phố Tường cũng không khôn đến mức như thế,  để làm cho mọi người hăm hở xông vào thì Phố Tường cũng phải có các công ty bảo hiểm rủi ro. Do đó mà khi giá nhà không thể lên tiếp được, những người mua nhà không đủ thu nhập, phải bán, tạo ra sự suy sụp giá hàng loạt. Công ty bảo hiểm mất khả năng bảo hiểm. Công ty đầu tư mua các loại phái sinh mất vốn, và mất khả năng trả nợ tiền vay để mua giấy nợ phái sinh. Nhiều công ty sản xuất cũng tham gia vào các hoạt động này trong đó có General Electric, General Motors, v.v. đưa đến sự suy thoái toàn diện.


Chiếm đóng Phố Tường là nhằm phản đối các hoạt động kiểu như trên.


Đặc biệt điều mà những người chiếm đóng không chấp nhận là việc chính quyền Bush và sau đó là Obama đã bỏ 700-800 tỷ để cứu các công ty nhưng ngay sau khi phục hồi, có chút lời thì những người cầm đầu các công ty trên đem thưởng nhau, có người được cả hàng vài chục triệu. Và đây là những người đã tạo ra cuộc khủng hoảng trên.


Không những thế những người chiếm đóng phản đối việc các công ty lớn chạy theo lợi nhuận đã đưa công việc ở Mỹ sang các nước thứ ba do đó gây nên nạn thất nghiệp trầm trọng ở Mỹ. Ba năm nay tỷ lệ thất nghiệp chỉ giảm một chút từ 10% xuống trên 9% và tương lai cũng không sáng sủa gì. Dù lợi nhuận đã trở lại, các công ty Mỹ vẫn không nghĩ đến đầu tư vì mức nợ vẫn còn rất lớn.

Họ phản đối hệ thống tòa án bị mua chuộc mà cho đến nay đã không xử bất cứ ai trong hàng loạt các công ty lớn như Bank of America và nhiều ngân hàng  khác, cũng như các doanh nghiệp kiểm tra, lừa bịp bằng cách đánh bóng tương lai quá đáng của thị trường để bán giấy nợ, thuê người không biết gì ký với tên giả đánh giá khả năng chi trả của người mua nhà để cho phép họ mua nhà. Cũng thế cho đến nay không một ai hoạt động ở Phố Tường bị đem ra xử vì những mánh khóe không minh bạch nếu không nói là lừa bịp.


Họ phản đối việc các công ty Phố Tường tiếp tục tung tiền cho các chính trị gia để tạo ảnh hưởng, không cho phép nhập các nguồn thuốc rẻ tiền, tiếp tục cho phép công ty gây ô nhiễm v.v.


js
Jo Stiglitz biểu tình ngày 2.10
Và họ phản đối hàng loạt các vấn đề khác nữa.



Đây là một loại phản đối không có tổ chức rõ ràng, không có phát ngôn viên, không có các đòi hỏi rõ ràng về những điều có thể thực hiện được.


Khi báo chí phỏng vấn thì mỗi người trả lời theo cách nhìn của mình. Có người lên án Obama đã bị tư bản Phố Tường mua mất linh hồn. Có người muốn lật đổ chế độ tư bản. Có người kêu gọi phải phục hồi điều luật Glass–Steagall, tức là tăng cường kiểm tra tư bản tài chính, giảm rủi ro
 

Nói tóm lại đây là sự thế hiện thái độ bất tín nhiệm với Phố Tường và các chính trị gia đặc biệt là Obama. Người ta hỏi ông ta cứu Phố Tường nhưng đã làm gì cho những người thất nghiệp ? Người ta hỏi ông ta sẵn sàng thỏa hiệp với Phố Tường và Đảng Cộng hòa nhưng để được gì

Cuộc biểu tình chống Phố Tường bắt đầu từ 17 tháng 9 và sau hơn hai tuần đã lan rộng ra nhiều thành phố lớn ở các bang ở Mỹ. Công đoàn cũng bắt đầu tham gia. Liệu họ có tạo ra được một tiếng nói chung, với một chương trình hành động cụ thể còn là câu hỏi.

Hiện nay nó chỉ là biểu lộ sự bất mãn của dân chúng.   

New York, 10.10.2011

Trọng Quang

Phong trào Chiếm phố Wall đã bắt đầu ngày 17.9.2011, theo lời kêu gọi của tạp chí Adbusters và nhóm Anonymous. Cuộc biểu tình hòa bình này cảm hứng từ Mùa Xuân Arập (Tunisia, Ai Cập) và phong trào Những người phẫn nộ ở Tây Ban Nha.

« Điều duy nhất chúng ta có chung với nhau : chúng ta là 99 % không chịu nổi lòng tham vô độ và sự thối nát của 1 % » (Lời kêu gọi biến Manhattan thành quảng trường Tahrir, OccupyWallSt.org)

Ngày thứ 14, đoàn biểu tình tiến lên cầu Brooklyn, cảnh sát New York bắt 700 người.

Phong trào lan rộng ra các thành phố Boston, Chicago, Los Angeles, Washington, Miami, Portland (Maine), Denver Kansas City.


Ngày 5.10, từ 5 000 đến 12 000 người tuần hành ở khu phố tài chính New York. Phong trào bắt đầu được sự ủng hộ của giới chính trị và giới công đoàn.

Ngày 6.10, biểu tình ở 146 thành phố Mĩ (thuộc 45 bang) và 28 thành phố nước ngoài

Nhiều nhân vật lên tiếng ủng hộ phong trào Chiếm Phố Wall : nhà điện ảnh Michael Moore, diễn viên Tim Robbins, nhà văn Salman Rushdie, học giả Noam Chomsky. Joseph Stiglitz (giải Nobel kinh tế 2001) tham gia biểu tình ngay 2.10 : « Các bạn có quyền phẫn nộ (…) Chúng ta đang phải trả giá cho những sai lầm của các thị trường tài chính. Hệ thống chúng ta đang sống là một hệ thống trong đó những thua lỗ thì toàn bộ xã hội phải gánh chịu, còn những lời lãi thì được tư nhân hóa. Đó không phải là chủ nghĩa tư bản nữa, không phải là kinh tế thị trường. Đó là một nền kinh tế đã bị biến chất ».

Phía những người chống lại phong trào Occupy Wall Street, có thể kể Herman Cain, ứng viên tranh cử ứng cử viên Đảng cộng hòa (tranh cử tổng thống năm 2012) : « Các người đừng trách móc Wall Street và các tổ hợp ngân hàng nữa. Nếu các người không có việc làm, nếu các người không giàu có, là tại các người đó thôi » (AFP, 6.10.11).


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us