Chúng ta không có hành tinh dự phòng
Chúng
ta không có
hành tinh dự phòng
Joseph E. Stiglitz
Những hậu quả của trận động đất ở Nhật – đặc biệt là cuộc khủng hoảng hiện đang diễn ra tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima – vang vọng mạnh vào tai những nhà quan sát cuộc sụp đổ tài chính ở Hoa Kì từng khơi mào cho cuộc Đại Suy thoái. Cả hai biến cố này cung cấp những bài học rõ ràng về rủi ro và minh hoạ cho sự bất lực của cả thị trường lẫn các xã hội trong việc quản lí rủi ro.
Tất nhiên không thể đặt trên cùng một bình diện bi kịch của động đất khiến 25.000 người chết hay mất tích, và cuộc khủng hoảng tài chính mà ta không thể quy trách nhiệm là đã tạo ra những mất mát đến mức độ đó. Nhưng khi nói đến sự chảy tan lò phản ứng Fukushima thì cả hai biến cố đều có những điểm chung.
Các
chuyên gia của nền công nghiệp hạt
nhân lẫn các chuyên gia của nền
công nghiệp tài chính đều đảm
bảo với chúng ta rằng công nghệ
hiện đại đã loại trừ mọi
rủi ro thảm hoạ. Thực tế chứng
minh rằng họ đã sai lầm : không
những rủi ro tồn tại mà hậu quả
của nguy cơ to lớn đến độ dễ
dàng triệt tiêu mọi lợi ích
được giả định của những
hệ thống do các nhà lãnh đạo
công nghiệp quảng bá.
Trước
cuộc Đại Suy thoái, các giáo
chủ kinh tế Mĩ (từ người đứng
đầu Cục dự trữ liên bang đến
các đại gia tài chính) khoe khoang là
đã học được cách khống
chế rủi ro. Những công cụ tài
chính « cách tân » như
các chứng khoán phái sinh và nghiệp
vụ hoán đổi rủi ro tín dụng
(CDS) cho phép phân phối rủi ro trong toàn
nền kinh tế. Ngày nay ta biết rằng họ
chẳng những tự đánh lừa mình
mà còn đánh lừa cả phần
còn lại của xã hội.
Hóa ra là các thầy phù thủy tài chính này không hiểu tính phức tạp của bất trắc, càng không hiểu nguy cơ của những phân phối « fat-tail », một thuật ngữ thống kê để chỉ những biến cố hiếm khi xảy ra nhưng lại có hậu quả to lớn, đôi lúc còn được gọi là những « thiên nga đen »1. Dường như những biến cố được giả định chỉ xảy ra một lần trong một thế kỉ - thậm chí trong cả cuộc đời của vũ trụ - lại xảy ra mỗi 10 năm. Tệ hại hơn nữa, không chỉ tần suất của các biến cố này mà ngay cả những thiệt hại khổng lồ mà chúng kéo theo cũng bị đánh giá thấp một cách nghiêm trọng, tương tự như với những thảm hoạ nối tiếp nhau trong công nghiệp hạt nhân.
Những
nghiên cứu trong kinh tế học và tâm
lí học giúp hiểu sự bất lực
của chúng ta trong việc xử lí các
rủi ro này. Thật khó ước
lượng xác suất xảy ra những biến
cố cực hiếm do dữ liệu thực
nghiệm về chủ đề này vô
cùng giới hạn. Trong những trường
hợp như thế, ta không được
khuyến khích để xét lại cách
nhìn trấn an về tình hình. Ngược
lại việc không phải gánh chịu
hậu quả của những sai lầm bản
thân đưa đến việc tự bịt
mắt mình. Một hệ thống xã hội
hóa các thiệt hại trong khi lại tư
hữu hóa lợi nhuận tất yếu đưa
đến việc quản lí không đúng
đắn các rủi ro.
Quả
thật là những vấn đề người
ủy quyền-người đại diện,
những ngoại ứng2
và các công ti đánh giá cổ
phiếu hoành hành toàn bộ lĩnh
vực tài chính. Các công ti đánh
giá có lí do để đánh giá
cao những chứng khoán có độ rủi
ro cao do các ngân hàng đầu tư
phát hành vì chính các ngân
hàng này tài trợ cho họ. Những
tổ chức khởi xướng những khoản
cho vay nguy hiểm không gánh chịu hậu
quả của sự vô trách nhiệm của
mình và những ai đề xuất những
khoản vay có tính tiêu diệt hay tạo
ra và bán những chứng khoán được
thiết kế để bị thua lỗ đều
tính đến việc tự cách li nhằm
thoát khỏi những sự khởi tố về
mặt dân sự hay hình sự.
Điều này đưa ta đến câu hỏi sau : có chăng những biến cố kiểu « thiên nga đen » đang chờ chực xuất hiện ? Đáng tiếc là một số những rủi ro nghiêm trọng nhất chúng ta phải đối mặt ngày nay có nhiều khả năng là những biến cố không thật là hiếm khi xảy ra. Tin mừng là có thể kiểm soát những rủi ro này với ít hoặc không cần chi phí. Nhưng tin buồn là nếu làm như thế ta gặp phải sự chống đối chính trị vì có người hưởng lợi từ nguyên trạng.
Những năm gần đây ta đã chứng kiến hai rủi ro lớn nhưng lại không làm gì nhiều để giữ chúng trong tầm kiểm soát. Như vậy có thể đánh giá là cách xử lí cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua đã làm tăng xác suất xuất hiện một cuộc khủng hoảng khác.
Từ nay những ngân hàng quá-lớn-để-bị-vỡ-nợ và các thị trường trên đấy chúng tham gia biết rằng sẽ được cứu trợ khi gặp khó khăn. Kết quả của « rủi ro đạo đức »3 này là các ngân hàng này có thể vay với điều kiện ưu đãi cho chúng được một lợi thế cạnh tranh không đặt trên cơ sở thành tựu ưu việt nhưng trên sức mạnh chính trị. Nếu trong một số trường hợp việc nhận lấy một rủi ro quá đáng đã giảm thì các khoản vay mang tính hủy diệt (đối thủ) và các giao dịch mờ ám, không bị những quy định ràng buộc, về những sản phẩm phái sinh tiếp tục diễn ra trên thị trường phi chính thức. Những cấu trúc khuyến khích việc chấp nhận những rủi ro quá đáng hầu như không thay đổi.
Tương tự như vậy, trong lúc Đức đã đóng cửa các nhà máy nguyên tử già nua thì tại Mĩ và các nước khác, ngay cả những nhà máy có cùng nhược điểm thiết kế như ở Fukushima vẫn tiếp tục hoạt động. Chính bản thân nền công nghiệp hạt nhân phụ thuộc vào những trợ cấp công cộng ẩn núp dưới dạng chi phí mà xã hội phải gánh chịu khi có thảm hoạ hạt nhân cũng như chi phí của xử lí chất thải, một vấn đề chưa tìm ra giải pháp cuối cùng. Chủ nghĩa tư bản không bị ràng buộc là thế đó !
Đối với hành tinh, còn có một rủi ro khác mà, giống như hai rủi ro trên, gần như là một điều chắc chắn : trái đất nóng lên và thay đổi khí hậu. Nếu có một hành tinh khác mà ta có thể dọn đến ở một cách ít tốn kém trong trường hợp hầu như chắc chắn được các nhà khoa học dự báo thì có thể nói là cũng đánh liều mà chấp nhận rủi ro này. Nhưng không sẵn có một hành tinh dự phòng như thế.
Chi phí của việc giảm thải cacbon không đáng là bao so với những rủi ro mà thế giới phải đối mặt với việc phát thải khí này. Điều này cũng còn đúng ngay cả khi loại trừ phương án điện hạt nhân (mà chi phí bao giờ cũng bị ước lượng thấp). Chắc chắn là các công ti dầu lửa và than sẽ chịu thiệt và hiển nhiên là những nước lớn gây ô nhiễm như Mĩ sẽ phải trả một giá cao hơn các nước có lối sống ít hoang toàng hơn.
Cuối cùng những người đánh bạc ở Las Vegas thua nhiều hơn là thắng. Xã hội chúng ta, thông qua các ngân hàng lớn và nhà máy điện hạt nhân, đang đánh cược với hành tinh chúng ta. Cũng như ở Las Vegas, một nhóm nhỏ những kẻ may mắn (các ông chủ ngân hàng gây nguy hại cho nền kinh tế và các ông chủ các công ti năng lượng gây nguy hại cho hành tinh chúng ta) có thể khéo thu lợi từ cuộc chơi này. Nhưng theo trung bình và gần như chắc chắn, chúng ta, ở cương vị một xã hội, cũng như tất cả những tay chơi casino, sẽ chịu thua thiệt.
Tiếc là chúng ta tiếp tục không biết đến bài học này của thảm hoạ Nhật Bản và cứ liều lĩnh gánh chịu mọi hiểm hoạ và bất trắc !
Joseph E. Stiglitz (*)
Bản tiếng Việt : Nguyễn Đôn Phước
(*) Giải Nobel kinh tế 2001, là giáo sư đại học Columbia. Tác phẩm mới nhất của ông Firefall : Free Markets and the Sinking of Global Economy được Nguyễn Phúc Hoàng dịch dưới tựa là « Rơi tự do, Nước Mĩ. Các thị trường tự do và sự suy sụp của nền kinh tế thế giới », NXB Thời Đại, Tủ sách Doanh Trí, 2010.
Nguyên tác : Unconventional Economic Wisdom Gambling with the Planet
(Nhan đề tiếng Việt và các chú thích là của người dịch)
1 Có thể tham khảo The Black Swan của Nassim Nicholas Taleb, bản dịch của Cam Thảo và Hoàn Trung, « :Thiên nga đen – Xác suất cực nhỏ - Tác động cực lớn », NXB Tổng hợp TP HCM, 2010 (ND)
2 Có thể tham khảo các mục « Người ủy quyền-người đại diện (mô hình) » và « Ngoại ứng (hay hiệu ứng ngoại lai) » trong Từ điển phân tích kinh tế của Bernard Guerrien, NXB Tri thức, Hà Nội, 2007 (ND).
3 Có thể tham khảo mục « Rủi ro đạo đức » trong Từ điển phân tích kinh tế của Bernard Guerrien, NXB Tri thức, Hà Nội, 2007 (ND)
Các thao tác trên Tài liệu