Bạn đang ở: Trang chủ / Thế giới / Con đường đến dân chủ hóa ở Trung Hoa

Con đường đến dân chủ hóa ở Trung Hoa

- Mao Vu Thức — published 18/08/2009 00:42, cập nhật lần cuối 18/08/2009 00:42
Phản biện xã hội của một nhà nghiên cứu độc lập ở Bắc Kinh (bản dịch của Nguyễn Quang A)


Con đường đến dân chủ hoá ở Trung Hoa


Một lộ trình đi tới sự chính đáng và hiện đại hoá


Mao Vu Thức (茅于轼)


Trung Quốc đã có được hai thập kỷ hiện đại hoá kinh tế thành công. Thành công đó đã tạo cho chính phủ một nền tảng khả dĩ cho tính chính đáng (legitimacy) dựa trên kết quả -- chứ không phải dựa trên hệ tư tưởng. Nhưng cải cách chính trị là cần thiết để tiếp tục quá trình này hơn nữa. Chính phủ phải để cho các ‎ý tưởng tích cực, xây dựng được lưu thông, nhưng người dân cũng phải có trách nhiệm để tránh làm tràn ngập các cuộc thảo luận công khai đơn thuần với những ca thán. Quá trình dân chủ hoá ở Trung Quốc sẽ cần hàng thập kỷ, nhưng quá trình chậm là có thể chấp nhận được chừng nào nó không dừng lại.


Sự phát triển của cải cách chính trị ở Trung Quốc và hiện trạng của nó


Suốt 160 năm từ Chiến tranh Thuốc phiện, chúng ta đã trải qua vô số đoạn đường quanh co để theo đuổi hiện đại hoá. Hàng triệu người với những lý tưởng cao quý ‎đã hy sinh vì nó ; nhiều người trong số họ đã bị giết hại bởi những người chống lại hiện đại hoá, nhưng còn nhiều hơn đã bỏ mạng vì những cuộc xung đột nội bộ. Tất thảy mọi người đều có những mục đích giống nhau, nhưng vì cách tiếp cận khác nhau, họ đã tiến hành vô số các cuộc đấu tranh ác liệt chống lại nhau, gây ra quá nhiều thương vong. May thay, những cái chết đó không vô ích. Nó dạy nhân dân Trung Quốc một bài học quan trọng. Cuối cùng, sau Cách mạng Văn hoá, người ta từ từ bắt đầu một lộ trình mới đi tới cải cách chính trị. Sau hơn hai mươi năm vật lộn, cuối cùng Trung Quốc đã đạt một trạng thái tương đối bình thường. Hai mươi năm vừa qua này khác với một trăm năm trước đó theo nghĩa rằng cho dù một số người quan niệm hiện đại hoá với con mắt của chủ nghĩa cộng sản chính thống cực đoan và những người khác với con mắt của chủ nghĩa tư bản phóng khoáng cực đoan ; [nhưng] họ đã không đụng độ với nhau như trong quá khứ đơn thuần chỉ vì sự khác biệt ý kiến. Ngược lại, các cuộc tranh cãi giữa họ đã mang tính xây dựng, và cuối cùng đã dẫn họ đến cùng hướng và con đường đúng đắn. Bây giờ chúng ta có một khung khổ sơ bộ của nền kinh tế thị trường, dân chủ và pháp quyền được ghi vào hiến pháp, và quan trọng nhất, cuối năm 2001, Trung Quốc đã được chấp thuận vào WTO, đánh dấu sự chấp nhận của nó đối với các tập quán thông lệ quốc tế và kết nối các đường ray ngang qua các hệ thống khác nhau. Tuy nhiên, liệu Trung Quốc có thể lĩnh hội thấu đáo và thành thục một hiến pháp dân chủ và sự hiện đại hoá hay không ? Vẫn còn quá nhiều bất trắc. Ánh bình minh đã rọi tới chúng ta, nhưng mặt trời vẫn chưa nhô lên khỏi chân trời.

Liên quan đến cải cách chính trị, chúng ta không thể nói rằng chưa có gì cả. Chúng ta có được tự do cá nhân hơn 25 trước rất nhiều, và cũng đã có một sự gia tăng về bảo vệ quyền con người, điều đó dần dần được in sâu vào đầu óc người dân. Ý thức về bảo vệ lợi ích của người dân cũng đã được tăng cường đáng kể. Trung Quốc vẫn còn xa để có nền pháp trị, nhưng pháp trị đã được chú ý rộng rãi. Hệ tư tưởng của người dân không còn giống như xưa nữa. Không có những thay đổi này, thì không thể cải cách kinh tế. Đấy là ánh sáng mà chúng ta thấy lúc rạng đông. Thí dụ, trong quá khứ, các tác phẩm kinh điển Phương Tây về khoa học xã hội đã được dịch với chủ định phê phán chúng. Với thời gian, chỉ các phần nào đó của chúng bị phê phán. Bây giờ đã chẳng còn những lời lẽ cay nghiệt và nông cạn như trước nữa. Thực ra, nếu Trung Quốc tiếp tục như chúng ta đã tiến hành trong 25 năm qua, nền dân chủ và pháp trị có thể được hoàn thành. Điểm cốt yếu đối với Trung Quốc là duy trì trạng thái ổn định hiện nay và tiếp tục cải cách để vượt qua những bất trắc của tương lai, những bất trắc có thể khiến cải cách dừng lại.

Cái gì là trở ngại chính thách thức con đường tiến lên phía trước của chúng ta ? Đó là hệ thống chính trị của đất nước chúng ta. Tuy môi trường chính trị hiện tại là tốt hơn 25 trước rất nhiều, [nhưng] đã không có bất cứ thay đổi cốt yếu nào trong hệ thống. Người dân không biết mình phải đi đâu và làm thế nào để đi đến đó. Bước đi nào là khả thi và an toàn cho tất cả các bên ? Bước đi nào là có hại cho cải cách chính trị và phải tránh bằng mọi giá ? Tuy đã có nhiều thảo luận về cải cách chính trị (hầu hết trên Internet), số lượng ca thán và bất mãn là áp đảo so với cái còn lại cho phân tích tỉnh táo. Một số tầm nhìn thật kỳ vĩ, nhưng thiếu công cụ để thực hiện. Những cái [ý] khác thì tầm thường và có ít tác động mà người dân thường bỏ qua ; tuy nhiên, chúng ta không được quên rằng đôi khi cải cách thực sự bắt đầu với những thứ bề ngoài có vẻ không quan trọng.

Những thứ cốt yếu cho cải cách bao gồm thái độ mà chúng ta phải giữ cho thảo luận, quan hệ giữa nhân dân và chính phủ, và cuối cùng, phản ứng của các quan chức đối với thảo luận của người dân về cải cách chính trị. Cần phải làm rõ các vấn đề này.


Cái Cơ bản cho Cải cách Chính trị đối với Dân chúng là gì ?


Trên hết, tôi tin cải cách chính trị là một sự kiện lớn đối với toàn dân tộc : nó không chỉ liên quan đến chính phủ, mà cả nhân dân nữa. Vì thế nó đòi hỏi mọi người tham gia và bày tỏ các mối quan tâm và ý kiến của mình về cải cách chính trị. Trước khi tất cả các thứ khác có thể xảy ra, đầu tiên chúng ta phải đi đến một sự đồng thuận chung để xác lập cái chúng ta phải làm và cái chúng ta không nên làm. Đấy có lẽ là bước quan trọng nhất và khó khăn nhất. Nếu cuộc thảo luận là bình tĩnh và có lý trí, thì rốt cuộc sẽ đạt mục tiêu này. Như đã nhắc đến ở trước, hơn 20 năm cải cách đã đầy rẫy tranh cãi và khác nhau về ý kiến, nhưng thật may, các vấn đề kinh tế đã khá cởi mở và đã không có bất cứ sự đụng độ quyết liệt nào. Cải cách chính trị cũng không khác. Nếu người dân có thể thảo luận một cách bình tĩnh và hợp lí về cái gì cần phải làm và cái gì nên tránh, thì nhiệm vụ đã được hoàn thành được một nửa rồi. Từ khi ông Đặng Tiểu Bình đề xuất cải cách chính trị cách đây 20 năm cho đến nay, hầu như chưa có cuộc thảo luận nào. Ngược lại, bầu không khí căng thẳng, người này dè chừng người kia. Nếu tình hình này tiếp tục, thì cải cách chính trị sẽ lâm vào bế tắc. Vì thế, chúng ta phải loại bỏ sự căng thẳng như vậy và kiến tạo một bầu không khí thuận lợi cho thảo luận.

Hầu hết mọi người coi trở ngại này như vấn đề tự do ngôn luận. Có thể như vậy, nhưng nó không hoàn toàn đúng, bởi vì nó hàm ‎ý rằng chính phủ là sai vì cấm đoán thảo luận và phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, chính phủ có những mối lo ngại riêng của mình. Do ảnh hưởng của sự cai trị hoàng đế ở Trung Quốc suốt hai ngàn năm qua, người dân tương đối kém giáo dục dân chủ. Đa số nhân dân tin vào sự cai trị nhân từ của một đấng minh quân và không coi nền dân chủ hiện đại như quan điểm chính trị tốt. Nếu hoàng đế bạo ngược hay đồi bại, thì nhân dân nổi loạn. Trong lịch sử Trung Quốc, đã chẳng có ai có bất cứ kinh nghiệm nào để là một công dân. Nông dân đã hoặc là ngoan ngoãn vâng lời hoặc là nổi loạn. Ngay các sĩ phu cũng chẳng khác – hoặc tán tụng hoàng đế hoặc phỉ báng chính phủ. Người dân đã thăm dò các phương pháp tìm cách làm thế nào để áp dụng một thái độ có trách nhiệm để thiết lập một lực lượng xã hội tích cực và hữu ích. Người dân hy vọng có tự do ngôn luận và kỳ vọng bắt đầu thảo luận bằng thúc đẩy cải cách chính trị, [chứ] không nhìn hai bên tranh luận. Tuy nhiên, đánh giá từ những gì có thể thấy trên Internet liên quan đến cải cách chính trị, một sự đụng độ rất có khả năng xảy ra. Vì thế, điều kiện trước hết cho quyền tự do ngôn luận là một bầu không khí bình thản và có lí trí cho thảo luận. Khác đi, thì chúng ta chỉ mắc bận với các vấn đề nông cạn và chẳng bao giờ đạt đến tâm của vấn đề.

Sự phê phán phải bắt đầu với các ý định tốt, làm cho những người khác dễ chấp nhận hơn. Ca thán và trút hết cơn giận là một chuyện, nhưng thảo luận nghiêm túc một vấn đề lại là chuyện hoàn toàn khác. Hầu hết những gì chúng ta có thể thấy trên Internet về cải cách [chính trị] là những lời than phiền, thậm chí chửi rủa. Việc trút hết một số bất mãn phải là có thể chịu đựng được, nhưng nếu tất cả mọi người thảo luận cải cách chính trị với thái độ này, thì sẽ trở thành bát nháo, chẳng đi đến đâu cả. Chúng ta phải biết rằng tự do ngôn luận không ngang bằng với bỏ qua các hậu quả. Thừa nhận hay không, mỗi từ có hệ quả riêng của nó. Chúng ta chỉ nên nói những lời tạo ra kết quả tốt, mang lại một chút hòa giải, và dần dần tạo lập sự tin cậy lẫn nhau. Về lý thuyết, với quyền tự do ngôn luận, người ta có thể nói bất cứ thứ gì. Tuy nhiên, để tạo những kết quả hữu ích, ta chỉ nên nói những lời có trách nhiệm, lễ độ, nhất quán với tinh thần dân chủ, và cởi mở cho sự tham vấn. Thảo luận giữa người dân phải dựa trên các nguyên tắc này, và Đảng Cộng sản phải cung cấp chỗ cho các cuộc thảo luận hữu ích và không có hại này.


Tính chính đáng của Chính phủ Cộng sản


Trong công cuộc giải phóng, tính chính đáng [legitimacy] của chính quyền Cộng sản nằm ở sự thất bại của Trung Hoa Quốc dân đảng [người “quốc gia”] không được quần chúng ủng hộ. Tuy nhiên, trong 30 năm tiếp theo, do chính sách “Đại Nhảy vọt” và chế độ chuyên chính vô sản, khoảng 20 triệu người đã chết đói trong ba năm của nạn đói lớn. Tiếp theo đó, Cách mạng Văn hoá đã đẩy dân tộc đến thống khổ. Tính chính đáng của chính phủ Cộng sản đã cạn kiệt. May thay, năm 1978, ông Đặng Tiểu Bình đã ra lệnh mở cửa nền kinh tế và bắt đầu cải cách. 25 năm thành công này đã thiết lập tính chính đáng của chính phủ hiện hành. Một số người có thể không đồng ý với quan điểm này, nhưng tuy vậy đó là điều quan trọng nhất, bởi vì nó là điểm xuất phát của cuộc cải cách chính trị hiện tại để xác lập liệu Đảng Cộng sản có hợp pháp, có chính đáng hay không. Như bằng chứng về thành công của cải cách và mở cửa, câu trả lời là có. Trải qua một sự thay đổi đầy kịch tính như vậy mà không phạm bất cứ sai lầm nào là hão huyền, không thực tế. Thách thức bây giờ là đi thuyết phục Đảng Cộng sản thừa nhận các sai lầm đó và ngăn chặn các sai lầm lớn trong tương lai. Không ai có thể đảm bảo rằng chắc chắn có thể tránh các sai lầm lớn, nhưng có thể nếu chúng ta có nền chính trị dân chủ hơn.

Hiện nay, vẫn còn nhiều người đo lường tính chính đáng của chính phủ Cộng sản bằng thắng lợi của Chiến tranh Giải phóng đối với Quốc dân Đảng và tâm tính thừa kế từ sự cai trị của Mao Trạch Đông. Đấy là nhận thức sai lầm to lớn. Nếu tính chính đáng dựa vào chính những thứ chúng ta cần thay đổi, thì không thể nào thúc đẩy cải cách chính trị, và dẫn tới sự tự - mâu thuẫn. Nếu chúng ta bị sa lầy vào các lý thuyết lỗi thời như vậy, thì cải cách chẳng bao giờ có thể bắt đầu. Thí dụ, nếu thuê công nhân bị coi là bóc lột, thì ngay cả vấn đề thất nghiệp liệu có được giải quyết ? Hãy lấy một ví dụ khác, hàng ngàn phương châm, khẩu hiệu của Chủ nghĩa Marx, rất ngắn gọn, nói “nổi loạn là có lý”. Nếu đúng thế, thì chúng ta còn cần đến cải cách nữa không ? Nếu những tư duy lầm lẫn như vậy không được vứt bỏ, thì làm sao chúng ta có thể tiến bộ ? Có thể là khó khăn, nhưng cần phải vạch đường tách biệt dứt khoát giữa quá khứ và hiện tại để tiến lên phía trước. Một thí dụ tốt là xem xét lại hiến pháp. Đã có rất nhiều vấn đề trong hiến pháp, nhưng bây giờ việc xem xét lại đã bắt đầu và các điều kiện tương lai đang được thực hiện. Từ từ, nó có thể trở nên lí tưởng.

Chỉ sau khi vấn đề về tính chính đáng được giải quyết thì cải cách mới có thể bắt đầu. Khi đó Đảng Cộng sản sẽ không còn lo ngại và cho phép người dân tham gia vào thảo luận cải cách. Nếu tính chính đáng của chính phủ Cộng sản bị nghi ngờ liên hồi, thì việc thảo luận sẽ chỉ tập trung vào các vấn đề quá khứ và không vào các vấn đề sắp tới. Chúng ta phải xuất phát từ thực tế và cải thiện nó từng bước một. Chỉ với một sự đồng thuận như vậy thì một cuộc thảo luận cải cách chính trị mới có thể được tiến hành. Vì thế, không chỉ tính chính đáng của chính phủ Cộng sản phải được chấp nhận, mà người dân cũng cần hiểu rằng tính chính đáng được tạo ra bởi thành tựu nổi tiếng thế giới của cải cách và mở cửa trong 25 năm qua.


Để mở rộng nền tảng của tính chính đáng của Chính phủ Cộng sản


Lãnh đạo của chính phủ Cộng sản được nhân dân chấp nhận, nhưng điều này không có nghĩa là Đảng Cộng sản được độc quyền. Đảng viên cũng như những người ngoài đảng phải có quyền bày tỏ ý kiến của mình, tham gia vào thảo luận, và làm công việc nhà nước. Hiện tại, Ban Tuyên truyền của đảng vẫn muốn độc quyền công việc nhà nước, gây khó dễ cho việc bày tỏ bất cứ ý kiến độc lập nào. Bất cứ sự thảo luận nào về tin tức hay bài báo về nhân quyền, bầu cử, tham nhũng, sự độc lập tư pháp, sự kiện 4-6 (Thiên An Môn), hay Pháp luân công, v.v. đều được coi là nguy hiểm. Ngay cả những gợi ý có giá trị học thuật hay các kiến nghị chính sách cũng hiếm khi có cơ hội được công bố. Kênh mà theo đó tiếng nói của người dân có thể đến chính phủ hoàn toàn bị ngăn cản ; điều này là vô cùng bất thuận lợi cho cải cách chính trị. Như một bước khởi đầu, chúng ta cần để cho các gợi ý tích cực, thân thiện, và xây dựng này có cơ hội được công bố. Còn đối với các ý kiến không thân thiện, đối kháng, các phương pháp cũ có thể được dùng cho hiện tại. Cuối cùng, tất cả các ý kiến chừng mực, không lăng mạ có thể được công bố. Tiếp nữa trong lộ trình, có lẽ ngay cả các lời ca thán và oán hận cũng nên có cơ hội được nghe. Nếu cả các ý kiến tốt và xấu đều bị cấm công bố, và tất cả các cuộc thảo luận bị độc chiếm, thì làm sao chúng ta có thể nhận ra nó là một xã hội dân chủ ?

Những người ngoài đảng phải được phép trở thành các quan chức điều hành cấp trưởng [tại các cơ quan nhà nước]. Hiện tại, tỷ lệ các bộ trưởng và thứ trưởng ngoài đảng thậm chí còn thấp hơn thời đại Mao Trạch Đông. Quản lí quốc gia mà cứ như kiểm soát đảng là điều rất không bình thường. Nếu chúng ta không vượt qua điểm này, thì dân chủ và pháp trị chỉ là những khẩu hiệu rỗng tuếch. Quốc gia sẽ tiếp tục bị quản lí như người ta quản lí Đảng Cộng sản, hay chúng ta sẽ theo điều 2 của hiến pháp, theo đó “ tất cả mọi quyền đều thuộc về nhân dân ” ? Điểm này phải được suy nghĩ cẩn trọng mà không có bất cứ sự lập lờ hay lưỡng lự nào. Khác đi thì sẽ chẳng có thể có sự thay đổi nào. Như bước đầu tiên, cơ cấu nhân sự của các [cơ quan] cấp thấp của chính phủ cần được thay đổi. Phải không có sự phân biệt nào giữa đảng viên và những người ngoài đảng trong ba cấp xã, thị và trấn, và mọi người được sử dụng dựa vào công trạng mà không có sự phân biệt. Lãnh đạo của các doanh nghiệp [nhà nước] và các tổ chức phi chính phủ (thí dụ công đoàn) cần được đối xử tương tự. Hiện tại, rất nhiều khó khăn về sắp xếp nhân sự là do sự khu biệt đảng viên không đảng viên. Tỷ lệ đảng viên trong số các đại biểu Quốc hội và Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân cũng dần dần phải giảm xuống. Người ta phải biết rằng phân chia quyền lực cũng có nghĩa là phân chia trách nhiệm. Điều này đến lượt nó cũng mở rộng nền tảng chính đáng, hợp pháp của chính phủ.


Khoan dung là Cốt yếu của Toàn bộ Quá trình Cải cách Chính trị


Thành công của cải cách chính trị và sự ổn định của công chúng nói chung, cả hai đều phụ thuộc vào sự khoan dung của xã hội. Đổi lấy chính sách “ đấu tranh giai cấp mỗi tháng, mỗi ngày ”, chúng ta đã nhận được 25 năm ổn định. Tuy nhiên, khi so với các nước phát triển, chúng ta còn rất kém khoan dung. Mặt khác, nếu tất cả các bên đều khoan dung và coi trọng bên kia, thì sự kiện 4-6 đã chẳng như vậy. Để thúc đẩy khoan dung, chúng ta cần làm việc theo nhiều cách. Đầu tiên chúng ta phải xác lập điều này trong luật học và đưa nó thành tấm gương. Giáo dục cần phải được nhấn mạnh hơn trừng phạt, sự trừng phạt sẽ chỉ được dùng như công cụ phụ trợ. Chúng ta nên bỏ cách trừng phạt “ càng nặng, càng kịp thời, càng nghiêm khắc ”. Hiện tại, số các phạm nhân bị tử hình hàng năm có lẽ ở khoảng 10.000. Nếu chúng ta ngó tới mức thu nhập và giáo dục của họ, có lẽ đa số họ thuộc tầng lớp dưới. Xã hội phải nhận một số trách nhiệm vì sai phạm của họ, bởi vì không có sự giáo dục thoả đáng, ít sự giúp đỡ cho những người bất hạnh, và sự cảm thông quá mỏng manh. Mặt khác, những quan chức ăn đút lót hàng triệu Nhân dân tệ có thể không bị tử hình. Hiển nhiên có một mối quan hệ giữa sự phạm tội và sự bất công xã hội. Vì sao những người thuộc tầng lớp thấp bị trừng phạt nặmg đến vậy ? Vì sao lại tàn nhẫn đến vậy đối với nhóm người bị thiệt thòi về quyền lợi ? Trừng phạt đến mức tử hình để lại hàng đống vấn đề cho cá nhân. Sẽ chẳng còn ai lo cho con cái hay hỗ trợ cha mẹ. Kết quả là, nhiều người sẽ trở nên khốn cùng suốt phần còn lại của đời họ. Thời Mao Trạch Đông, đã có châm ngôn nói rằng “ nếu tội phạm là có thể, nhưng không nhất thiết phải trừng trị bằng án tử hình, thì hãy cho hắn cơ hội được sống ”. Thế thì ngày nay vì sao chúng ta lại coi tử hình nhẹ tênh như vậy ? Tôi gợi ý cắt bớt dần dần số hình phạt tử hình, cho đến khi chỉ còn một phần mười mức hiện nay hay ít hơn. Người Trung Quốc theo truyền thống là một dân tộc khoan dung, nhưng Cách mạng Văn hoá đã tiêu diệt truyền thống này. Chúng ta có lịch sử văn minh hàng ngàn năm và nên là tấm gương khoan dung cho thế giới.

Trung Quốc đã cải thiện rất nhiều trong đối xử với tù chính trị. Thứ nhất, chúng ta đã loại bỏ cái gọi là các tội phản cách mạng, một khái niệm rất mơ hồ. Thứ hai và quan trọng nhất, đã không còn tội tử hình đối với tù chính trị kể từ khi cải cách và mở cửa. Đấy là sự thay đổi căn bản so với quá khứ. Tuy nhiên, vẫn còn cái gọi là “ những người phạm tội chính trị ”, cho dù chính phủ không công nhận là có. Như bước tiếp theo, chính phủ cần thay đổi thái độ của mình với và cách đối xử với các tù nhân chính trị đã bị kết án chỉ vì các tuyên bố chính trị. Có lẽ họ chưa thể được miễn trừng phạt ngay tức thì, nhưng thời hạn tù có thể và phải ngắn đi rất nhiều. Trong quá khứ, tất cả các tù nhân chính trị đã đều bị kết án nhiều hơn 10 năm tù và một số bị chung thân. Về lý thuyết, không hề được trừng phạt những người phản kháng chính trị. Thay án tử hình bằng án tù đã là một bước cải thiện. Biến án tù dài hạn thành án tù ngắn hạn sẽ là một bước tiến nữa. Và nếu Đảng Cộng sản tuyên bố ân xá cho các tù nhân chính trị, thì tính chính đáng của nó sẽ được nâng cao, vị thế quốc tế của nó sẽ tăng lên, và đặc biệt, một bầu không khí khoan dung hơn cho thảo luận chính trị sẽ được tạo ra.


Dân chủ hoá là một Quá trình Chậm
và Không thể Vội vã Thông qua vì Thành công


Dân chủ hoá phải là một quá trình chậm và cần đến ba bốn thập kỷ. Tuy nhiên, một số nhà hoạt động nóng vội lại muốn quá trình hoàn tất trong chốc lát. Họ nghĩ dân chủ hoá chẳng liên quan gì đến trình độ giáo dục và văn hoá của người dân, và rằng quá trình từ từ chỉ là lí do bào chữa của Đảng Cộng sản để trì hoãn việc phân chia quyền lực.

Nếu giả như quá trình dân chủ hoá được tiến hành nhanh và nhân dân không được chuẩn bị, thì họ có thể chỉ thực hiện dân chủ dưới sự chỉ huy của một lãnh tụ, và cái gọi là nền đại dân chủ sẽ tạo ra cái đã thấy trong quá khứ : chế độ độc tài. Cách mạng Văn hoá đã chính là một trò hề như vậy. Lãnh tụ, Mao Trạch Đông, đã khởi xướng nó, và nhân dân đã tham gia vào. Mọi người đặt trí tưởng tượng và động cơ của mình vào toàn bộ cuộc chơi theo sự chỉ dẫn của ông ta. Mao đã khởi xướng và lãnh đạo Cách mạng Văn hoá, vì thế ông ta phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về nó, nhưng bởi vì hàng chục triệu người cũng đã tham gia vào đó, chúng ta không thể nói quần chúng không có phần nào trách nhiệm. Giả như Mao đã muốn khởi xướng phong trào đó ở Hoa Kỳ, chắc chẳng có mấy hưởng ứng, và có lẽ xác suất của sự thành công của ông ta là bằng không. Điều này cho thấy chức năng của sự hiểu biết của nhân dân về dân chủ sẽ ảnh hưởng đến hành động của họ. Loại hình dân chúng quy định loại hình chính phủ mà họ sẽ có. Vì thế, chính phủ chỉ là cái gương phản chiếu nhân dân. Nhân dân một nước mà chỉ biết răm rắp nghe lời hay nổi loạn thì không thể nào có được một chính quyền dân chủ. Dân chủ hoá là một quá trình học tập triền miên đối với tất cả mọi người. Chỉ có tinh thần khoan dung mới có thể liên kết họ với nhau.

Sự tiến bộ chậm là có thể chấp nhận được, chừng nào nó không dừng lại. Tuy nhiên, sự vật không thể thoái lui. Sự dân chủ hoá của Trung Quốc phải đạt được theo cách này bởi vì không chỉ đấy là quá trình cùng học hỏi, mà cũng là quá trình ít tốn kém nhất và có thể dễ được cả chính phủ và nhân dân chấp nhận. Nếu quan điểm này được tất cả những người liên quan chấp nhận, thì căng thẳng xã hội sẽ được giảm bớt. Tất cả điều này sẽ có lợi cho sự hiện đại hoá và cải cách của Trung Quốc.



Tác giả : Mao Vu Thức (茅于 轼 / Mao Yushi) là thành viên của Viện nghiên cứu độc lập Thiên Tắc (Unirule Institute of Economics), Bắc Kinh. Bài này được công bố trong tạp chí China Review của Viện Thiên Tắc, số tháng Chín 2003.

Nguồn : bản tiếng Anh của Mao Thượng Bân / Shangbin Mao.

Bản dịch tiếng Việt của Nguyễn Quang A (Diễn Đàn biên tập).




Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Yda: Un court-métrage Hanoi - Warszawa 29/11/2024 19:00 - 21:00 — Médiathèque Jean-Pierre Melville, 79 rue Nationale, Paris 75013, M° Olympiades
Les Accords de Genève, espoirs et désillusions au cœur de la guerre froide. De l’indépendance à la division du Vietnam 11/12/2024 16:30 - 18:00 — Bibliothèque François-Mitterrand, Quai François Mauriac - 75706 Paris Cedex 13
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us