Cuộc cải cách lương hưu của chính quyền Sarkozy
Sarkozy và vấn đề lương hưu
« Biệt lệ » Pháp
Nguyễn Quang
Người ta thường nói « nước Pháp quả là một biệt lệ », nghĩa là gì ? Thiên hạ thì một nửa chắc phải cười khẩy, còn du khách thì trăm người như một, ai ai cũng nghĩ tới những cuộc đình công và những cuộc biểu tình liên chi hồ điệp, tại sao phải biểu tình thì chắc người ngoại quốc chào thua. Càng khó hiểu hơn là cuộc đấu tranh xã hội mùa thu năm nay, trong vòng hai tháng trời hàng triệu người xuống đường diễu hành tám lần liên tiếp (mà chưa chắc đã hết đâu), trong khi các cuộc thăm dò dư luận cho thấy họ được khoảng 70 % dân chúng ủng hộ ! Mục đích cuộc đấu tranh này ? Là chống lại một cuộc cải cách chế độ lương hưu mà chính phủ Pháp – và các nước khác nữa, ấy là giả dụ thiên hạ còn để tâm tới những chuyện nội bộ cỏn con của người Pháp – trình bày như là cuộc cải cách thiết yếu và không thể nào trốn tránh.
Khía cạnh kĩ thuật
Phe đối lập, ở nghị trường cũng như ngoài đường phố, tập trung sự chỉ trích đạo luật vào ba điều khoản mà họ cho là thoái bộ :
-
tuổi về hưu pháp quy là 62 thay vì 60, biện pháp này sẽ được thực hiện từng bước bắt đầu từ năm 2011 và sẽ hoàn tất vào năm 2018
-
tuổi tối thiểu để có thể hưởng lương hưu mà không bị trừ giảm là 67 thay vì 65, biện pháp này sẽ thực hiện từng bước từ 2016 cho tới 2023
-
thời gian phải đóng tiền vào quỹ hưu trí để được hưởng toàn phần lương hưu là 42 năm thay vì 40, biện pháp này sẽ thực hiện từng bước từ 2011 đến 2020.
Trình bày các biện pháp của đạo luật cải cách như vậy cũng chưa rõ ràng tí nào, cần phải giải thích thêm và ngoại suy như sau :
- điều hai năm rõ mười, là không ai còn được hưởng lương hưu trước tuổi 62 nữa. Người nào trên 62 và dưới 67 tuổi, sẽ được hưởng lương hưu toàn phần nếu đã đóng góp ít nhất trong 42 năm, nếu không lương hưu sẽ tính theo tỉ lệ và bị giảm trừ. Những người trên 67 tuổi sẽ hưởng lương hưu toàn phần nếu đã đóng góp ít nhất trong 42 năm, nếu không sẽ hưởng lương hưu theo tỉ lệ.
- một hệ luận ẩn ngôn nhưng hiển nhiên của đạo luật là đối xử bất công với những người lao động phải đi làm quá sớm (ví dụ những người tập việc) hay quá muộn (trường hợp những người tốt nghiệp đại học), hoặc những người trải qua nhiều thay đổi trong sự nghiệp (những người tích lũy nhiều quy chế hưu trí vì đổi nghề nhiều lần, hay những phụ nữ đã có thời gian không đi làm vì lí do gia đình)
- đạo luật chỉ tính đến tuổi tác và số năm đi làm, lô-gic của nó không đếm xỉa gì tới mức độ nặng nhọc của từng ngành nghề tác động đến tuổi thọ (thống kê cho biết xác suất số năm còn sống sau khi về hưu của giới cán bộ dài hơn giới thợ thuyền tới 7 năm).
- vẫn theo các lô-gic ấy, đạo luật không quy định gì tới nguồn tại chính của quỹ hưu trí, coi như là ngân sách hưu trí sẽ trở lại cân bằng mà chỉ cần kéo dài thời gian người lao động đi làm và đóng góp vào quỹ hưu trí và rút ngắn số năm mà mỗi người được hưởng lương hưu.
- vân vân...
Tại sao phải đi sâu vào những tình tiết kĩ thuật như thế ? Để tránh sa vào cạm bẫy của những trò xảo trá « truyền thông », nôm na là « hoả mù ». Trong cuộc thảo luận có tính chất cơ bản, liên quan tới tiền đồ của toàn bộ xã hội, các đối tác xã hội (công đoàn, quỹ hưu trí...) đã thể hiện tinh thần trách nhiệm và chịu khó giải thích, ngược lại các đối tác chính trị đã lợi dụng tính phức tạp của vấn đề để tung ra những luận điểm hàm hồ, mị dân. Các chính khách của phe đa số đã đua nhau « khuyến mãi » và « hậu mãi » cho dự án cải cách của Sarkozy. Đây là vài ví dụ :
- về trường hợp những người đã làm việc trong thời gian dài, thủ tướng Fillon đã từng làm bộ trưởng Lao động ắt phải nắm rõ hồ sơ, ngày 3.10.2010, đã tuyên bố trên đài truyền hình M6 rằng họ sẽ « hưởng lương hưu cao hơn », nghĩa là lương hưu được tăng thêm theo số năm đóng góp nhiều hơn số năm tối thiểu : phịa 100 %. Vẫn ông này mới đây còn nói « số năm mà người dân Pháp hưởng cuộc sống hưu trí lớn hơn thế hệ cha mẹ 15 năm » (nhảm, vì theo viện thống kê INSEE, tuổi thọ sau ngày nghỉ hưu tăng 4-5 năm, chứ không phải 15 năm, so với thế hệ trước).
- về mức độ nặng nhọc của các ngành nghề, ông Eric Woerth, bộ trưởng Lao Động, khoe là mình có kinh nghiệm vì thưở trẻ ông đã vào đời trong ngành... xây dựng (đùa dai, năm tốt nghiệp trường cao đẳng thương mại HEC, như mọi sinh viên khác, chàng ta đi thực tập 3 tháng). Giải pháp của đạo luật là biến vấn đề nghề nghiệp thành vấn đề cá nhân, chỉ tính đến trường hợp những người đến tuổi nghỉ hưu có chứng chỉ y học là bị tàn phế 20%, về sau « nới » xuống 10% – để bạn đọc có một ý niệm cụ thể : mức 10% là khi người ta không giơ cánh tay lên ngang vai được...
- về sự thâm hụt ngân sách hưu trí, để thuyết phục dư luận chấp nhận dự án luật, chính phủ đã sử dụng đại bác hạng nặng : hiện nay mỗi năm bị thâm thủng 10 tỉ Euro, tới năm 2020 sẽ lên 45 tỉ, chân trời 2050 là 100 tỉ. Và dám khẳng định rằng với đạo luật này, không cần tăng tiền đóng góp, cam đoan không giảm tiền hưu trí, quỹ hưu bổng sẽ trở lại quân bình vào năm 2018. « Khi luật cải cách được thông qua, người dân có thể tự nhủ không còn mối lo về hưu trí nữa » (N. Sarkozy). Xạo : chỉ tính riêng quỹ hưu trí của công chức, từ nay đến năm 2018, thâm thủng sẽ lên tới 15 tỉ mỗi năm, chính phủ cũng phải thừa nhận điều này vì họ đã dự định bù trừ bằng... bội chi ngân sách, nghĩa là dựa vào công trái !
Nói dối, dối tí ti và dối tổ bố
Quỹ hưu trí đụng chạm tới 13 % PNB của nước Pháp, gắn kết với sự liên đới giữa các thế hệ, nguyên tắc đạo lí bình thường nhất đòi hỏi nhà cầm quyền phải hành xử một cách nghiêm túc. Vậy mà vào mùa xuân, người ta chứng kiến màn kịch « hiệp thương », bộ trưởng Lao động tiếp hết công đoàn này đến nghiệp đoàn kia, nhưng nói theo lối nói nổi tiếng của Sarkozy, « nghe mà không thấu », sau đó dường như nhà cầm quyền chờ đợi làn sóng phản đối sẽ xẹp xuống theo mấy tháng nghỉ hè để sang mùa thu, họ sẽ áp đặt cuộc cải tổ. Cuộc đấu tranh bùng nổ đầu thu hình như đã làm chính quyền bất ngờ. Họ chỉ còn biết quay đi quay lai điệp khúc « tư duy duy nhất » : hệ thống hưu bổng đứng bên bờ phá sản, ngày mai không đủ tiền để trả lương hưu, các nước Châu Âu đều nhất loạt tăng tuổi về hưu... Chúng tôi bác bỏ luận điểm ấy, nhưng sẵn sàng thảo luận từng điểm :
* Phải chăng biện pháp đẩy lùi tuổi về hưu và tăng số năm đóng quỹ hưu bổng là quy luật chung của các nước phát triển ? Không phải vậy. Theo dữ liệu của COR (Hội đồng định hướng hưu trí), ở Nhật Bản, Canada và Bỉ, tuổi về hưu vẫn là 60. Còn độ tuổi để có quyền hưởng lương hưu toàn phần, thì đúng là 65 tuổi ở phần lớn các nước, nhưng ở Đức, tuổi này là 63 nếu người lao động đã đóng 35 năm, còn ở Anh, chỉ cần đóng 30 năm là có thể hưởng lương hưu toàn phần. Ở Đan Mạch, người ta không phân biệt tuổi về hưu tối thiểu và tuổi được hưởng lương hưu toàn phần, và trung bình người Đan Mạnh nghỉ hưu ở tuổi 61,3 nhờ nhiều biện pháp, chủ yếu là nhờ kế hoạch tiết kiệm - hưu trí do nhà nước bảo đảm. Tóm lại, với cuộc « cải cách tiệm tiến, mềm dịu và chậm rãi » (lời E. Woerth), chế độ hưu trí của Pháp sẽ là một trong những chế độ cứng rắn nhất ở Châu Âu.
* Chế độ hưu trí bị thâm thủng ? Chính phủ lợi dụng những dự báo dài hạn của COR để báo động, nhưng các dự báo này đơn thuần là những ngoại suy dựa trên những tham số không có gì chắc chắn như tỉ số tăng trưởng (tỉ số tăng trưởng mười năm, hai mươi năm nữa !). Vả lại, đã nói đến thâm thủng, cũng cần nhắc lại : theo Tòa án kiểm toán, từ năm 2007 đến nay, với một loạt « quà thuế » (cho người giàu), chính quyền đã khoét sâu thêm từ 1/4 đến 1/3 sự thâm thủng chi tiêu công cộng (hiện nay là 150 tỉ), thế mà nay phải đáp ứng những yêu cầu xã hội tăng lên, thì lại không thể tăng chi tiêu công cộng ? Trong thời kì khủng hoảng, bớt chi tiêu công cộng chắc chắn sẽ dẫn tới hậu quả là giảm tăng trưởng và tăng thất nghiệp. Mặt khác, kéo dài thời gian làm việc thì ở « thượng nguồn » tất nhiên sẽ có thêm người thất nghiệp (trong số thanh niên bước chân vào thị trường lao động đang bị dồn ứ) và « hạ lưu » (những người cao tuổi phải đi ra vì bị thị trường chê bai). Nói cách khác, người ta sẽ phải lấy tiền trong quỹ thất nghiệp để cho vào quỹ hưu trí. Nếu chính quyền làm như thế là họ tuân thủ một lô gic tài chính theo đó người thất nghiệp không tốn kém bằng người về hưu.
* Ta hãy thử chấp nhận những tiền đề của COR nhưng trước đó, cũng nên nhận xét là cơ quan này đã tính toán giả lập nhiều lần và lần nào cũng đi tới kết luận là nếu chỉ nâng cao tuổi về hưu và kéo dài thời gian đóng quỹ hưu trí, thì không đủ để chấm dứt thâm thủng – và kết quả này chính quyền đã giấu nhẹm. Kết luận lô gic phải rút ra là phải tác động vào tất cả các tham số, nhất là vào nguồn tài trợ. Có nhiều hướng đi tới :
- người ta biết đôi
chút về 468 cái ổ bớt thuế
cho tư nhân hiện có trong
hệ thống thuế khóa Pháp, mà nhờ đó, theo Toàn án kiểm
toán, hàng năm họ ăn bớt được của nhà nước 75 tỉ.
Ít biết hơn có lẽ là những cái ổ thuế má và xã hội
dành cho các doanh nghiệp :
theo một báo cáo gần đây của
Hội đồng thu tiền nghĩa vụ, khoản này làm cho Nhà nước
bị thiệt mỗi năm 172 tỉ ! Những quy định hiện nay vừa
phong phú, phức tạp và béo bở đối với
những tập đoàn lớn . Nào là chế độ « mẹ-con »
miễn trừ thuế cho một công ti mẹ trên lợi tức cổ
phần của các công ti con (năm 2009, công quỹ bị thiệt
35 tỉ). Nào là « hội nhập thuế »
cho phép các
công ti đa quốc củng cố lời lỗ của các chi nhánh bằng
cách sàng sẩy giữa các quy định khác nhau của các nước
(năm 2008, công quỹ bị thiệt 19,5 tỉ). Nào là cái ổ
gọi là « ổ Copé »
miễn trừ thuế cho các công
ti khi họ đem bán chi nhánh (thiệt hại cho công quỹ : 18,5
triệu trong ba năm). Nào là « tín
dụng thuế nghiên
cứu » dành cho các doanh nghiệp khi họ tiến hành
phát triển – nghiên cứu (thiệt hại năm 2009 : 5,4 tỉ)
– chính phủ rất khoái món này để thổi phồng con số
thống kê về ngân sách dành cho nghiên cứu. Nào là... nào
là... Chỉ cần lấy từ những cái "túi" này mỗi năm vài chục tỉ để cho
vào Quỹ dự trữ hưu bổng (do chính phủ Jospin thành lập) là thừa sức
giải quyết những thâm thủng mà chính quyền rêu rao. Thay vì làm như
vậy, thì họ hứa hẹn gì ? Chỉ "dọn bớt" 22 ổ, mang lại 460 triệu cho
ngân sách năm 2011. Khác nào lấy tăm làm cột nhà.
- còn những hướng khác, mà các chính phủ phái tả vẫn thi hành, như đánh thuế sự chuyển dịch vốn (thuế Tobin), thu nhập cổ phần (điều này, xét cho cùng, cũng hợp lí vì cổ tức trước tiên là do lao động của nhân viên tạo ra), đó là không nói đến thu nhập của tư bản. Một số người đấu tranh cho một « quan niệm khác » về toàn câù hóa (altermondialistes) còn đề nghị đặt ra một thứ thuế độc đáo hơn cả thuế Tobin, gọi là « thuế phấn hoa », đánh vào tất cả các vụ chuyển dịch tài chính, với một tỉ suất rất thấp (1 %). Thuế này đánh vào mọi tác nhân tài chính, tư nhân, nhà tài chính, ngân hàng, doanh nghiệp, tỉ suất tuy rất thấp, nhưng tổng số sẽ rất lớn, có thể thay thế phần lớn các thứ thuế hiện hành, rất tiện lợi.
- Trong một cuộc phỏng vấn, François Chérèque, lãnh tụ công đoàn CFDT, cho biết ông đã đề nghị với bộ trưởng Eric Woerth nên duy trì tuổi về hưu (với lương hưu toàn phần) ở tuổi 65 cho phụ nữ và những người lao động không đủ năm đóng quỹ hưu trí vì bị tai nạn, biện pháp này chỉ tốn 3 tỉ, có thể đền bù bằng cách hạn chế « tiền thưởng » tự động 10 % hưu trí cho những cha mẹ có 3 con ; ông bộ trưởng đã từ chối. Cũng nên nhắc lại là khi còn làm bộ trưởng Bộ ngân sách, E. Woerth đã tặng không mỗi năm 2,4 tỉ cho các chủ nhân quán ăn bằng quyết định giảm thuế TVA (giá trị thặng dư) mà không đòi hỏi « có đi có lại ».
* Rõ ràng chính phủ Sarkozy đã và sẽ không chịu thăm dò những hướng giải quyết nói trên, vì những lí do « chủ thuyết ». Giáo điều Sarkozy đầu tiên là quyết không tăng thuế (sự thực họ đã dấm dúi tăng thuế rồi). Lẽ ra họ đã muốn thông qua đạo luật này ngay từ tháng sáu, trước khi « trình » Hội đồng chính phủ : cuộc cải cách của Sarkozy đè nặng trên đầu, hầu như chỉ trên đầu những người làm công và giới trung lưu, mà theo báo cáo của hội đồng COR, hai thành phần này sẽ bị thiệt thòi thêm một lần nữa vì, trong những năm tới, lương hưu tương đối sẽ bị giảm đi so với lương bổng. « Đây sẽ là một cuộc cải cách lớn. Một cuộc cải cách công bằng ». Tuyên bố dõng dạc như vậy, hẳn là người đứng đầu đảng đa số UMP, Xavier Bertrand nghĩ tới việc nội bộ chính quyền vật vã mãi mới quyết định nâng mức thuế của những người thu nhập cao nhất từ 40 % lên 41 %, từ năm 2011 trở đi (mà vẫn không bỏ cái « khiên đỡ thuế » để họ không bị đánh thuế tổng cộng quá 50 % thu nhập). Biện pháp này, trên nguyên tắc, sẽ mang lại cho công quỹ 230 triệu. Kẻ xấu miệng sẽ liên hệ con số này tới một điều luật bổ sung mà Đảng UMP năm 2009 đã bỏ phiếu thông qua, đánh thuế cả những món tiền bồi thường tai nạn lao động, coi đó là thu nhập bình thường. Quyết định này đang mang lại cho ngân quỹ Nhà nước đúng... 230 triệu.
Đấu tranh giai cấp
Từ đầu bài, chúng tôi đã gọi đạo luật này là « cải cách Sarkozy », đây không phải là mánh lới tu từ học. Chính thể Pháp là chế độ đại nghị, một dự án luật đưa ra trình Quốc hội, lẽ ra phải do Thủ tướng, với sự trợ tá của Bộ trưởng liên quan (trong trường hợp này là Bộ trưởng Lao động). Song mọi người đều biết đạo luật cải cách chế độ hưu trí là do đích thân ông « siêu tổng thống » mong muốn và làm ra. Sau thảm bại trong cuộc bầu cử chính quyền vùng và mấy tháng trời tìm cách nắm lại tình hình (kể cả việc xào xáo món hàng cũ rích « gìn giữ an ninh » (1)) mà vẫn xôi hỏng bỏng không, tổng thống Sarkozy đã tụt xuống mức thấp nhất trong lịch sử nhiệm kì đầu của các tổng thống dưới chế độ Đệ ngũ cộng hòa : 30 % dân chúng tín nhiệm. Về mặt đối ngoại, Pháp sắp tới phiên làm chủ tịch G20, ông sẽ có dịp ngóc lên, nhưng về mặt « truyền thông » đối nội, nhất định phải « chơi một cú ». Có lẽ cũng nên nhắc lại : trong chương trình tranh cử năm 2007 của ứng viên Sarkozy, tuyệt nhiên không có cuộc cải cách chế độ hưu trí nào cả. Đến năm 2008, tổng thống còn nhắc đi nhắc lại là ông sẽ không bao giờ đụng tới tuổi về hưu 60. « Đây không phải là điều mà tôi đã cam kết với nhân dân Pháp (khi tranh cử). Do đó, tôi không được ủy nhiệm làm điều đó » (tháng năm 2008). Vì thế người ta có quyền giả định Sarkozy nhắm mục đích tranh cử khi ông ta khẩn trương muốn biến đạo luật cải cách chế độ hưu trí thành một cái mốc chính trị đánh dấu nhiệm kì tổng thống, biến nó thành « mẹ đẻ của mọi cuộc cải cách ». Vả lại, danh từ « cải cách » trong ngôn từ Sarkozy nghĩa là gì ? Chính xác, phải gọi đó là « bệnh cải cách », một thứ vận động Brown khua tay múa chân, tung ra cùng một lúc nhiều dự án « cải cách », cuối cùng trăm voi chỉ còn chén nước xáo, nước xáo « com », « truyền thông PR ». Ví dụ như việc hủy bỏ « chế độ đặc biệt » của công nhân hỏa xa, rốt cuộc hủy bỏ lại tốn kém cho công quỹ hơn là cứ để nguyên. Rồi đạo luật « dịch vụ tối thiểu » với ý đồ ban đầu là buộc người lao động (thí dụ trong các dịch vụ công cộng như chuyên chở giao thông) muốn đình công thì phải bảo đảm một mức tối thiểu những dịch vụ công ích, cuối cùng chỉ còn một điều : người đình công bắt buộc phải báo trước hai ngày ; rồi cái gọi là « Diên hồng về môi trường » (Grenelle (2) de l'environnement) : mới áp dụng được chưa đầy 18 % các biện pháp (lại là những biện pháp ít ý nghĩa nhất), thì sếp đã thổi còi bằng câu nói xanh rờn « Chuyện môi trường như thế là hơi bị đủ rồi đấy » ; rồi đạo luật mang tên gọi rất kêu là « hiện đại hóa cuộc đối thoại xã hội », mà chúng ta vừa chứng kiến cách thi hành : không đối thoại gì cả, đối thoại xã hội lại càng không... Thay vì liệt kê danh sách ad nauseam (cho tới lúc phải nôn mửa), chúng tôi xin mời độc giả đọc cuốn sách có đầy đủ luận chứng và thông tin của P. Cahuc và A. Zylberberg (3) vạch rõ sự trống rỗng của các cuộc cải cách mà Sarkozy đề xướng. Đọc cuốn sách này, bạn đọc biết thêm mánh khóe ngôn ngữ của chàng là « chôm » một số từ ngữ, chẳng hạn như « cải cách », biến chúng thành những ADM (vũ khí tiêu diệt đại quy mô) : chỉ có những kẻ « cổ lỗ », « sợ rét », « lạc hậu » mới chống lại các cuộc « cải cách ». Mà « cải cách » đây, nào là : quà tặng bớt thuế cho những người giàu có nhất, bãi bỏ những quyền lợi đã sở đắc của những người nghèo khó nhất, mở ra những kẽ hở trong luật lao động, thông qua những đạo luật trấn áp, đóng cửa những lớp học, tòa án, bệnh viện, phá vỡ các dịch vụ công cộng... Người ta cứ ngỡ rằng cải cách là đưa ra cái gì tiến bộ, đẩy tới, cải thiện, mang lại những quyền mới, công bằng hơn, tự do hơn, tóm lại là dân chủ hơn. Nếu lấy dân chủ làm thước đo, thì bước tiến duy nhất mà chính quyền Sarkozy đã mang lại, nhân dịp sửa đổi hiến pháp tháng bảy 2008, là quyền đòi tổ chức trưng cầu dân ý khi 1/5 đại biểu Quốc hội được sự ủng hộ của ít nhất 1/10 cử tri trên một vấn đề có lợi ích quốc gia. Hãy tưởng tượng đạo luật ấy được áp dụng vào ngày hôm nay... nếu như nó không bị hạn chế vào những vấn đề... môi trường ! Người ta càng nhận thức được tính chất hết sức phản dân chủ trong phong cách cai trị của Sarkozy : để thực hiện một mục tiêu giấu giếm, vị tổng thống đầy quyền lực đã ra lệnh cho phe đa số nghị viên dưới trướng của mình phải thông qua một chủ trương chính trị do một nhúm kĩ phiệt được đào tạo ở mấy « trường lớn » bàn tính và soạn thảo trong thâm cung ; thế là phe đa số ấy – chỉ giành được một đa số không nhỉnh hơn 50% mấy tí trong một ngày chủ nhật mùa xuân năm 2007 – đã áp đặt trên đầu nhân dân một đạo luật quyết định tương lai mà nhân dân chưa hề được hỏi ý kiến, đến khi 70 % dân chúng biểu lộ ý kiến bất đồng, thì người ta để mặc cho những người năng nổ nhất xuống đường mòn gót giầy trong hai tháng trời, và còn gọi họ là những người « không thể cải tạo nổi ». Ở Thụy Điển, để thông qua đạo luật cải cách về quy chế hưu trí, người ta đã bỏ ra mười năm để thảo luận, hiệp thương.
Không phải chỉ có sự bất chấp nguyên tắc dân chủ. Đúng như nhận xét của nhà xã hội học Alain Touraine, chính sự bất chấp công lí đã gây men cho cuộc náo động xã hội. Nước Pháp là tổ quốc của sự phẫn nộ, và « biệt lệ Pháp », được hun đúc từ thời Cách mạng 1789 đến Hội đồng dân tộc kháng chiến (1943-1945), đã phát sinh từ nỗi đam mê bình đẳng. Chính khát vọng bình đẳng đã mang lại cho dân tộc Pháp cái khả năng khác thường để chống lại những bất công. Chỉ cần so sánh với tình hình nước Anh chẳng hạn : những năm tháng Margaret Thatcher, rồi Tony Blair đã tiêu diệt phái tả, đến mức mà vừa qua, khi thủ tướng bảo thủ đưa ra chính sách khắc khổ khổng lồ (nếu không nói là khủng khiếp), chỉ có mấy trăm mống tới trước Quốc hội biểu tình. Ngay khi Nicolas Sarkozy trúng cử, chúng tôi đã linh cảm rằng nước Pháp sẽ trở thành sâu khấu cho một chương hồi mới của cuộc đấu tranh giai cấp, trong đó « mô hình Pháp » phải chống trả lại cuộc tấn công của phái hữu, một phái hữu không mặc cảm cổ súy cho sự « bất bình đẳng » (4). Ngay buổi tối ngày thắng cử, trong cuộc liên hoan ở đại tửu lầu Fouquet's ăn mừng thắng lợi với bạn bè trong nhóm các đại gia CAC40 (5), tân tổng thống đã không ngần ngại « lật ngửa ván bài » : đứng về phía tiền của. Từ đó đến nay, ông ta đã xác nhận điều đó bằng chính sách mệnh danh là « hiện đại hóa », kiên quyết ủng hộ những thế lực tiền bạc. Trong tác phẩm tập thể do L. Bonelli và W. Pelletier làm chủ biên (6), người ta có thể theo dõi quá trình biến đổi một cách có hệ thống Nhà nước - ban phát thành Nhà nước - quản lý, làm chức năng tổ chức sự bất an xã hội, sự « bấp bênh hóa » kiếp sống, sự « cá thể hóa quần chúng » (từ ngữ của Paul Virilio). Hay trong cuộc điều tra của cặp Pinçon - Charlot (7), người ta có thể hiểu cung cách của tập đoàn thiểu trị (họp mặt ở quán Fouquet's nói trên) đã sử dụng kỹ thuật « mạng lưới » (bổ nhiệm chức vụ quan trọng, kết bạn, móc ngoặc) và sử dụng « người của mình ở điện Elysée » để chiếm đoạt guồng máy chính trị - kinh tế ở Pháp như thế nào. Ở đây, đứng ở góc cạnh của bài viết – giới lao động và giới trung lưu là thành phần duy nhất phải gánh chịu hy sinh – chúng tôi chỉ nhấn mạnh tới những bất công hàm chứa trong chính sách thuế má của chính quyền Sarkozy : cái « khiên thuế », các « ổ thuế », việc cắt giảm thuế thừa kế, nhượng tặng... đều là những biện pháp đập vỡ vai trò tái phân phối tài nguyên của thuế khóa. Nhờ cách sắp đặt khôn khéo nhưng khá phổ biến, bà Liliane Bettencourt, người phụ nữ giàu có nhất nước Pháp, nhân vật mà ngày nay, vì nhiều lẽ, công chúng rất biết tiếng, chỉ phải đóng thuế với mức tỉ suất 9 %. Tương tự, có 14 đại gia được hưởng cái « khiên thuế », tài sản lớn hơn 16 triệu Euro (€), nhưng có thể khai – một cách rất ư hợp pháp – là thu nhập hàng năm của họ chưa tới 3 500 €. Trên mặt báo Libération ngày 29.09.2010, một chuyên gia về thuế khóa đã đưa ra một thí dụ « lí thuyết » : một gia đình « ảo », thu nhập 145 000 € mà chỉ phải đóng 13 € thuế thu nhập. Thành thử ngày hôm nay, nước Pháp là nơi cư ngụ của hơn hai triệu nhà triệu phú (hàng thứ 3 trên thế giới) đồng thời cũng là nơi mà số người xếp hàng ở các « Quán ăn Tấm Lòng » và các quán thực phẩm của hội Cứu trợ Công giáo (8) mỗi ngày mỗi dài thêm. Trên mạng internet, người ta có thể đọc thấy câu bình luận này : « Người nghèo được tin mình đang sống ở một nước giàu, chắc sẽ phấn khởi lắm ».
Người ta không thể lừa dối mọi người trong mọi lúc, với cuộc khủng hoảng tiếp tục kéo dài, bách tích nhân dân cũng hiểu ra là bị người ta tung hỏa mù. Một khẩu hiệu nổi bật trong các cuộc biểu tình mùa thu : « Le gouverneMENT » (9) (xem hình bên). Trong cơn khủng hoảng, người ta chờ đợi chính trị mang lại nghĩa lí, nhưng chỉ nghe thấy những « com » tuyên truyền quảng cáo : « Làm nhiều hơn, lương nhiều hơn », « Nước Pháp tần tảo, dạy sớm », « Thiên đường tránh thuế, không còn nữa đâu ! », « Làm lại chủ nghĩa tư bản », « Đạo lý hóa chủ nghĩa tư bản ».... những lời nói đường mật gian dối ấy đã làm mất giá diễn ngôn chính trị, đặc biệt là lời nói của tổng thống (10). Trong phong trào hiện nay, rất dễ cảm nhận ra nỗi phẫn nộ ấn tượng của xã hội, một sự phản kháng mơ hồ nhưng mạnh mẽ, chống lại sự phản bội của giai cấp chính trị, đồng thời chống lại sự vô luân bại lí của những giá trị mà chủ nghĩa « liberal » cực đoan chuyên chở, chống lại sự rệu rã của nhận thức tập thể... Cá tính và phong cách của tổng thống lại càng làm cho sự phản kháng ấy trở thành triệt để hơn, kết tình hơn. Có nước nào trên thế giới mà người ta có thể đọc thấy hàng tít lớn trên trang nhất của những nhật báo quan trọng nhất : « Con người nguy hiểm », « Tên côn đồ của nền Công hòa », « Căm thù » ? Trong cuộc thử cơ bắp này với các công đoàn, chắc Sarkozy sẽ thắng (ông ta không có chọn lựa nào khác nữa). Nhưng còn keo sau, các lực lượng đối lập đã lấy đà tiến tới. Trong khi chờ đợi (chờ đợi cuộc bầu cử 2012), nước Pháp lún sâu vào một cuộc khủng hoảng âm ỉ mà lẽ ra một nhà lãnh đạo quốc gia chân chính có thể tránh khỏi, bởi một nhà lãnh đạo chân chính sẽ có đủ dũng cảm, đôi khi phải biết thúc ép phe ủng hộ mình, để thực hiện khối đoàn kết dân tộc chung quanh một đường lối chính trị đòi hỏi mọi người hy sinh một cách bình đẳng.
Nguyễn Quang
(1) Việc trục xuất riêng những người Rôm (vi phạm mọi luật pháp của Châu Âu) chỉ nhằm tranh thủ cử tri cực hữu. Kết quả : cả thế giới lên án, Vatican, Liên Hợp Quốc, Ủy ban Âu châu quở trách... Nước Pháp đã phải trả giá quá đắt về mặt hình ảnh và uy tín trên trường quốc tế, chỉ vì một tay tổng thống không ngần ngại làm bất cứ điều gì để được tái cử.
(2) Dưới thời tổng thống De Gaulle, sau cao trào đấu tranh tháng năm 1968, thủ tướng Pompidou đã phải thương lượng với các công đoàn, và nhân nhượng rất nhiều quyền lợi kinh tế và xã hội cho giới lao động. Cuộc đàm phán diễn ra ở trụ sở của Bộ lao động ở số 127 phố Grenelle, Paris (quận 7). Từ đó, thành ngữ « Grenelle (về một lãnh vực nào đó » xuất hiện trong tiếng Pháp, để chỉ một hiệp ước đánh dấu một bước tiến (được coi là) lớn trong một lãnh vực nhất định, được sự đồng thuận của xã hội.
(3) Pierre Cahuc, André Zylberberg : Les réformes ratées du président Sarkozy (Những cuộc cải cách thất bại của tổng thống Sarkozy) , Flammarion, 2009
(4) Xem bài Năm
năm cho một bài học
(5)Nhóm 40 công ti lớn nhất mà cổ phiếu được định giá liên tục ở Thị trường chứng khoán Paris, tạo thành chỉ số chứng khoán. Đó là, theo thứ tự : Total, Sanofi-Aventis, GDF Suez, France Télécom, Vivendi, AXA , BNP Paribas, Danone, Société générale, Carrefour, Air liquide, L'Oréal, EDF, Arcelor-Mittal, Vinci, LVMH, Schneider Electric, Pernod-Ricard, Crédit agricole, Saint-Gobain, Unibail-Rodamco, Bouygues, Alstom, Essilor International, Veolia Environnement, Lafarge SA, Accor, EADS, Michelin, Vallourec, Cap Gemini, Suez Environnement, Lagardère SCA, Alcatel-Lucent, Renault, PPR, STMicroelectronics, Peugeot, Technip, Dexia.
(6) Laurent Bonelli, Willy Pelletier : L'Etat démantelé. Enquête sur une contre-révolution silencieuse (Nhà nước bị tháo dỡ. Điều tra về một cuộc phản cách mạng thầm lặng), La Découverte-Le Monde Diplomatique, 2010
(7) Michel Pinçon, Monique Pinçon-Charlot : Le président des riches. Enquête sur l'oligarchie dans la France de Nicolas Sarkozy (Tổng thống của bọn nhà giàu. Điều tra về tập đoàn thiểu trị ở nước Pháp của Sarkozy), éd. Zones, 2010
(8)Xem bản báo cáo nặng trĩu của Secours Catholique (Cứu trợ Công giáo)
(9)Đây là một kiểu chơi chữ dí dỏm, chính xác (trong chữ xác có chữ ác) : Gouvernement nghĩa là Chính phủ, trong đó có vần ment đã được tách rời ra, có nghĩa : nói dối. Nếu phải dịch thoát, có thể nói Chính phịa, thay vì Chính phủ.
(10) Bạn đọc có thể tìm trên màn ảnh Google, đánh mấy chữ « mensonges Sarkozy » (Sarkozy nói dối). Trong vòng 0,23 giây, sẽ ra 700 000 bài.
Các thao tác trên Tài liệu