Bạn đang ở: Trang chủ / Thế giới / Cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ đi về đâu ?

Cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ đi về đâu ?

- Vũ Quang Việt — published 16/09/2008 18:43, cập nhật lần cuối 16/09/2008 18:43
Cảnh báo của tác giả về ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng vào Việt Nam : "Mọi suy nghĩ ở Việt Nam cần phải tập trung vào bảo đảm ổn định, chấm dứt từ từ lạm phát, chứ không thể tiếp tục theo đuổi con đường tăng GDP một cách ấn tượng với các đầu tư phí phạm, trong khi đa số dân chúng có lương không đủ sống. "

Cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ
đi về đâu?


Vũ Quang Việt


Sau khi cứu Bear Stearns, Fed đã phải dồn dập cứu Fannie Mae và Fredie Mac tuần trước, và hiện nay là Lehman, Merrill Lynch, hai công ty tài chính lớn số 4 và số 3 của Mỹ, và công ty AIG, một công ty bảo hiểm lớn nhất Mỹ. Số tiền bỏ ra để cứu nguy vượt hẳn số tiền bỏ ra cứu Bear Stearns. Tình hình nghiêm trọng đã đưa chỉ số chứng khoán vào hôm thứ hai 15/9 xuống hơn 500 điểm, giảm 4,4%.


Fannie Mae và Fredie Mac: hai đại gia cho vay và bảo hiểm nợ mua nhà

Việc cứu Fannie Mae và Fredie Mac là cuộc cứu nạn thuộc loại lớn nhất của nhà nước Mỹ sau thế chiến thứ hai. Hai công ty tư nhân Fannie Mae và Fredie Mac, chủ yếu cho vay và bảo hiểm vay nhà đất, mà hiện nay số nợ của họ đã lên tới trên 5.000 tỷ đô la, lớn hơn một phần ba GDP của Mỹ, và bằng nửa tổng số nợ địa ốc của cả nước. Hai công ty này nguyên là công ty nhà nước được lập ra để bảo hiểm các khoản nợ vay nhà của gia đình nghèo và trung lưu, nhưng sau này được các nhà chính trị nhằm mục đích kiếm phiếu đã cho phép mở rộng, rồi tư nhân hóa, nhưng vẫn được coi là có nhà nước đứng sau lưng trợ giúp. Vì được hiểu ngầm là nhà nước bảo trợ nên hai công ty bành trướng mạnh vào thị trường các loại nợ “rác”, không cần bảo chứng đủ tin cậy, mục đích là làm lợi nhuận nhanh. Các nhà chính trị ủng hộ chúng được tiếng là giúp dân nghèo và trung lưu có nhà cửa, và cũng nhận được tiền ủng hộ ứng cử từ hai công ty trên. Tín dụng thừa thãi, giá nhà lên cao, và bất chấp cảnh báo, Fed vẫn rất nhiều năm giữ lãi suất thấp để bảo vệ thị truờng chứng khoán, và do đó đẩy giá nhà cửa lên mức phi lý. Khi giá nhà đất xuống, đến nay có đến trên 9% số nợ vay trên mất khả năng chi trả, hai công ty trên cũng bị đẩy tới mất khả năng chi trả. Và vì số nợ quá lớn nhà nước phải trực tiếp can thiệp.

Để cứu Fannie Mae và Fredie Mac, và có thể cần phải dùng ngân sách (tức là tiền thuế của dân) ở mức độ lớn, nhà nước phải truất quyền quản trị và quản lý của ban quản trị hiện nay và tuyên bố sẵn sàng bỏ ra 200 tỷ đô la trong việc cứu nạn. Con số này có thể không đủ vì chỉ bằng 4% phần nợ của hai công ty trên (trong khi đó như đã nói, đã có 9% số nợ trên mất khả năng chi trả và tỷ lệ này vẫn còn tăng và nếu bán tháo để lấy lại tiền thì chưa chắc đã lấy lại được một nửa). Đây là hình thức quốc hữu hóa dù thực chất chưa rõ ràng. Vì nếu rõ ràng là quốc hữu hóa, thì khi công ty mất khả năng chi trả, giá trị công ty đã âm (vì nợ lớn hơn tài sản có), giá trị cổ phiếu là zero, nhà nước có thể lấy quyền sở hữu, đuổi ban giám đốc cũ, thay bằng ban giám đốc mới, và có thể trong tương lai sẽ tư hữu hóa trở lại bằng cách bán cổ phần ra thị trường. Làm như thế, các cổ phiếu ưu tiên mà Trung Quốc và Ngân hàng và công ty tài chính của các nước khác mua sẽ bị mất sạch và sẽ gây ảnh hưởng lâu dài. Dường như chính phủ Mỹ vẫn muốn bảo đảm các cổ phiếu ưu tiên này vì kinh tế Mỹ đang phải dựa vào luồng vốn từ nước ngoài đổ vào, từ năm 2004 đã vượt 500 tỷ và hiện nay vào khoảng 800 tỷ; như vậy chỉ có các cổ phiếu thường là mất sạch giá trị. Sắp tới, hình thức quốc hữu hóa như thế nào sẽ tùy thuộc Chính phủ sau Bush quyết định.


Và thêm hai đại gia đầu tư tài chính trên thị trường chứng khoán
và một đại gia bảo hiểm


Một tuần sau khi cứu Fannie Mae và Fredie Mac, ngày thứ hai 15/9/2008, Fed lại đành phải để cho Lehman phá sản và cho phép công ty chứng khoán và đầu tư tài chính Merrill Lynch, có khoản nợ 900 tỷ, sau khi tuyên bố lỗ 40 tỷ đô la, tự cứu bằng cách để cho nhà băng Bank of America mua với giá rẻ một nửa. Còn AIG, một công ty bảo hiểm lớn nhất Mỹ, cũng đang tìm nguồn tài chính tự cứu mình vì những hành động phiêu lưu buôn bán tài chính. Chiều thứ hai cùng ngày, chính phủ Bang New York nơi công ty AIG đặt đại bản doanh đã cho phép nó mượn 20 tỷ từ các công ty con (bảo hiểm ở tiểu bang) để giúp vốn cho hoạt động đầu tư vào chứng khoán rác, còn Fed thì đề nghị hai công ty tài chính lớn là JPMorgan và Golden Sach bỏ ra 70 tỷ cho AIG vay ngắn hạn. Chưa biết họ có đồng ý không.

Không ai có thể tiên đoán được là tình hình sẽ đi đến đâu vì những tiên đoán trước đây cho rằng tình hình đã ổn định đều sai cả. Lehman vào đầu tháng 7 có số nợ là 600 tỷ và tất nhiên là số chứng khoán tương đương là 600 tỷ, đã phải chịu bán lỗ, thu về 30 tỷ (với giá 20 xu đối với mỗi đồng đô la ghi trên chứng khoán), tưởng như có đủ tiền để giải quyết vấn đề nhưng thực sự không đủ và đến hôm nay thì phá sản.


Nguyên nhân bất ổn định hiện nay bắt nguồn từ đâu?


Bất ổn tài chính bắt nguồn từ những “phát minh” về tài chính trong thời gian qua, qua đó thế đứng của ngân hàng đã dần dần bị các công ty kinh doanh tài chính đánh đổ dần, trong lúc Fed chỉ được giao nhiệm vụ kiểm sát hệ thống ngân hàng. Fed đã cứu công ty tài chính Bear Stearns. Dù không thuộc nhiệm vụ của họ, Fed đã vào cuộc với hy vọng là chận đứng được tình hình hoảng loạn tài chính, nhưng thật ra họ đã lầm. Tình hình khủng hoảng tiếp tục mở rộng và Fed không thể đứng ra cứu tiếp, vì đây không phải là nhiệm vụ của Fed, và về mặt chính trị cũng như khả năng vốn, Fed không thể tiếp tục cứu. Các công ty tư nhân này đã đòi quyền tự do kinh doanh tài chính làm giầu, không chịu bất cứ sự kiểm soát nào của Fed, thì Fed không thể lấy thuế của dân để cứu chúng. Bơm tiền cứu sẽ đẩy mạnh thêm lạm phát, hiện nay nếu tính theo 12 tháng chấm dứt vào tháng 7 vừa qua thì lạm phát đã là 5,6%, nhưng nếu tính dựa vào 3 tháng qua thì lạm phát đã ở mức rất cao là 10,6% một năm và đang tăng, và không kể thực phẩm và năng lượng thì mức lạm phát tương đương là 2,5% và 3,5%. Các chuyên gia đều đánh giá rằng lạm phát sẽ tăng trong năm tới. Và như thế khả năng tăng lãi suất cho vay trên thế giới để kiềm chế lạm phát cũng là điều khó tránh. Đây là điều Fed sẽ phải nhức đầu: Tăng tín dụng để cứu nguy các đại gia hay kiềm chế lạm phát?


Phát minh tài chính vừa qua là gì?


Đó là việc tập trung tiền cho vay mua nhà, lấy tiền hoa hồng, rồi chia nhỏ hợp đồng vay nợ này thành các chứng khoán (một loại giấy nợ), rồi bán cho người có tiền (các công ty đầu tư tài chính chấp nhận rủi ro cao, quĩ bảo hiểm, quĩ hưu trí và dân chúng), qua đó họ lại ăn thêm hoa hồng. Tiền bán chứng khoán họ đem trả nợ ngắn hạn dùng lúc đầu để cho vay mua nhà. Mọi rủi ro về nợ sau khi bán chứng khoán thuộc về người mua chứng khoán, chứ không phải công ty tài chính. Cái mới là ở chỗ đó: ăn nhiều tiền nhưng mọi rủi ro thì đẩy cho người khác.

Thường thì lãi suất mua nhà là 7%, nhưng vì tình hình vừa qua, chỉ vì muốn tăng lợi nhuận và hoa hồng, các công ty tài chính chẳng cần điều kiện bảo chứng, có thể cho vay tới 100% giá mua nhà với lãi suất 9%. Nếu so với lãi tiền để dành khoảng 2% thì lãi suất trên quả là lớn, lại thêm các khoản dịch vụ phí cho vay đáng kể khác. Và khi người mượn mất khả năng chi trả, thì tất nhiên trong toàn hệ thống số tiền lãi thu được không đủ để chi cho tiền mất vốn này.

Với cách làm trên, các công ty tài chính hy vọng thay thế ngân hàng, bỏ qua sự kiểm soát của Fed, tha hồ mở rộng hoạt động làm giầu, bất chấp các định chế tài chính cần thiết mà Fed áp dụng cho ngân hàng. Trước cuộc đại khủng hoảng năm 1933, các ngân hàng ở Mỹ cũng không chịu sự kiểm soát nào. Nhưng sau này, Fed, một loại ngân hàng trung ương (NHTƯ), ra đời đã thiết lập các định chế về cho vay, dự trữ bắt buộc, bảo hiểm tiền ký gửi, và qua đó kiểm tra chặt chẽ hoạt động của ngân hàng nhằm bảo đảm khả năng chi trả của chúng và tất nhiên nếu cần NHTƯ sẽ đứng ra giải quyết. Vai trò của NHTƯ rất quan trọng bởi vì nếu một ngân hàng thương mại phá sản, tâm lý bày đàn có thể đẩy mọi người có tiền ký gửi rút tiền, đưa đến sự sụp đổ của toàn bộ hệ thống, nếu không được NHTƯ can thiệp.

Về nguyên tắc, cách làm của công ty tài chính cũng không khác gì ngân hàng, tức là làm trung gian giữa người có vốn và người muốn mua nhà, nhưng quá trình thì ngược, nói chung họ phải là vay nóng, ngắn hạn cho vay mua nhà rồi chia nhỏ thành chứng khoán, bán ra thu hồi vốn để trả lại nợ ngắn hạn. Đáng lẽ người mua chứng khoán phải chịu mọi thiệt thòi, nhưng trớ trêu thay, các công ty tài chính đã không thể bán đi hết các khoản nợ để đổ toàn bộ rủi ro cho người khác.


Tình hình đang đi về đâu?


Khó lòng biết tình hình đi về đâu. Nhưng rõ ràng là có một số vấn đề sẽ tiếp tục xảy ra trong nền kinh tế Mỹ:

  • Giá nhà sẽ tiếp tục xuống. Cho đến nay giá nhà ở một số nơi như thành phố New York gần như chưa bị ảnh hưởng. Nhưng với số người trong khu vực tài chính mất việc làm, khả năng xuống giá ở New York là rất cao.

  • Lạm phát trong tương lai sẽ tăng cao dù giá xăng dầu xuống vì mức tín dụng được Fed đẩy mạnh để cứu nguy các công ty tài chính và để nền kinh tế không đi vào suy thoái. Điều có thể xảy ra là nền kinh tế suy thoái hoặc phát triển chậm nhưng lạm phát vẫn cao.

  • Suy thoái ngày càng mang tính toàn cầu. Thị trường chung châu Âu (quí hai giảm 0,1%) và Nhật (quí hai giảm 0,7%) đã đi vào suy thoái, còn Mỹ thì quí hai bất ngờ tăng 3,3% vì tăng được xuất khẩu, giảm nhập khẩu và tăng chi tiêu quốc phòng. Nhưng điều này sẽ không tiếp tục vì đồng Mỹ đang lên giá trở lại và dấu hiệu chi tiêu của dân chúng sẽ giảm mạnh, nhất là vào tháng 8, số thất nghiệp tăng lên 6,1% và thêm 84 ngàn người mất việc.

  • Có thể khủng hoảng tài chính sẽ không xảy ra ở châu Á và châu Âu nói chung, nhưng mất mát tài chính do đầu tư tài chính sang Mỹ sẽ rất lớn, làm ảnh hưởng đến đầu tư nói chung trên thế giới.

Nói chung lạm phát trên thế giới vẫn có khuynh hướng tăng, dù giá dầu tăng hay giảm, vì tình hình tăng tín dụng nói chung. Lãi suất do đó cũng sẽ phải tăng để chống lại lạm phát. Việc thực hiện các hứa hẹn đầu tư rất ấn tượng vào Việt Nam, do các nước muốn chớp thời cơ tranh chỗ sau khi Việt Nam vào WTO, phần lớn là từ các nước Đông hoặc Đông Nam Á như Đài Loan, Mã Lai, Thái Lan, Singapore, Brunei, …cũng có khả năng khó thực hiện trừ các đầu tư vào lãnh vực dầu hỏa vì không có khả năng tìm ra nguồn vốn tài trợ. Mọi suy nghĩ ở Việt Nam cần phải tập trung vào bảo đảm ổn định, chấm dứt từ từ lạm phát, chứ không thể tiếp tục theo đuổi con đường tăng GDP một cách ấn tượng với các đầu tư phí phạm, trong khi đa số dân chúng có lương không đủ sống. Việc tăng lương ở khu vực công là không thể không tăng nhưng phải được tính toán kỹ lưỡng để không tạo ra lạm phát, như vậy là phải đánh đổi với việc giảm thêm đầu tư của nhà nước.

Vũ Quang Việt

Nguồn : Bài đã đăng trên Lao Động số ra ngày 16.9.2008, đây là bản gốc tác giả gửi cho Diễn Đàn

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Indochine: 70 ans après les Accords de Genève 21/11/2024 16:00 - 18:00 — BnF site François-Mitterrand, Quai François Mauriac, 75706 Paris Cedex 13 | Zoom
Yda: Un court-métrage Hanoi - Warszawa 29/11/2024 19:00 - 21:00 — Médiathèque Jean-Pierre Melville, 79 rue Nationale, Paris 75013, M° Olympiades
Les Accords de Genève, espoirs et désillusions au cœur de la guerre froide. De l’indépendance à la division du Vietnam 11/12/2024 16:30 - 18:00 — Bibliothèque François-Mitterrand, Quai François Mauriac - 75706 Paris Cedex 13
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us