Bạn đang ở: Trang chủ / Thế giới / Fukushima : 100 ngày sau...

Fukushima : 100 ngày sau...

- Tịnh Tâm — published 24/07/2011 11:55, cập nhật lần cuối 24/07/2011 12:01


Fukushima : 100 ngày
sau động đất, sóng thần
và nổ lò phản ứng nguyên tử


Tịnh Tâm



Ngày 18 tháng 6, 2011, là ngày thứ 100 kể từ khi có động đất và sóng thần xảy ra ngày 11 tháng 3 ở ba tỉnh Fukushima, Miyagi, và Iwate ở vùng đông bắc Nhật bản. Cường độ của thiên tai động đất là 9.0 đo trên Ritcher qui mô và sóng thần tsunami cao hơn 14m theo IAEA1) (International Atomic Energy Agency : Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế) hay 38m theo nghiên cứu của Đại học Tohoku. Ngay sau địa chấn và sóng thần thì ba trong bốn lò phản ứng nguyên tử số 1, 2, 3 và 4 ở nhà máy phát điện nguyên tử số 1 của công ty điện lực Tokyo (Tepco) trong tỉnh Fukushima bị nổ do khí hydro, gây ra ô nhiễm phóng xạ trong tỉnh này và những tỉnh kế cận. Cạnh gần nhà máy phát điện nguyên tử số 1 là nhà máy phát điện nguyên tử số 2 của công ty Tepco, gồm lò phản ứng nguyên tử số 5 và 6.


hinh-1

Hình 1. Ảnh chụp từ trên không những lò phản ứng nguyên tử
bị nổ ở nhà máy phát điện nguyên tử số 1
trong tỉnh Fukushima của công ty điện lực Tokyo (Tepco)
2)


Động đất gây ra nhà cửa đường sá bị sập đổ hư hại trong ba tỉnh này. Những vùng đất cận biển ở tỉnh Miyagi lại còn bị thêm nạn nền móng đất bị hạ thấp 70cm nên đường phố nhà cửa hay bị lụt lội mỗi khi có trời mưa. Sóng thần cuốn sạch nhà cửa cây cối và sau khi rút lại về biển thì để lại rác rưới bùn lầy khắp nơi. Phóng xạ gây ra nạn phải di tản dân ở trong vòng đường kính 20km cùa nhà máy phát điện nguyên tử số 1. Những cư dân này có lẽ sẽ không bao giờ có cơ hội trở về ở lại nhà cũ bởi vì bán giảm kỳ (half-life) của chất phóng xạ ceasium 137 là 30 năm. Phóng xạ còn gây ra ô nhiễm :

1) cho đáy biển từ Ibaraki, một tỉnh ở dưới Fukushima, đến tỉnh Chiba ở phía tây nước Nhật. Cá đánh từ những vùng biển này và ở tỉnh Miyagi bị xác nhận có phóng xạ cao và mặc dù ngư dân đang khôi phục lại ngành đánh cá và nuôi cá, rong biển, hàu (oyster), không ai có thể khẳng định được những ngư sản tương lai đó sẽ không vượt quá tiêu chuẩn phóng xạ trong thực phẩm của chính phủ Nhật hay không (500 Bq/kg),

2) cho tro từ bùn ở những cơ sở xử lý nước thải ở thành phố Koriyama, tỉnh Fukushima3). Những tro này đem bán cho những hãng chế tạo xi măng và tỉnh Fukushima đang điều tra những tro đó đang ở đâu. Gần đây đài truyền hình công cộng NHK (Nippon Hoso Kyokai) loan báo là độ phóng xạ của bùn từ cơ sở xử lý nước của thành phố Kawasaki, tỉnh Kanagawa, cách tỉnh Fukushima chừng 300 km, rất cao; và cơ sở này đang gặp khó khăn không biết phải làm thế nào để loại trừ lượng phóng xạ trong bùn,

3) cho rau cải trồng ngoài trời lẫn trong những nhà lồng nylon/PE trong ba tỉnh này và tỉnh Chiba, và cả trà ở những tỉnh xa như Kanagawa, Shizuoka4),

4) cho sữa bò tươi (milk) trong ba tỉnh nói trên.

Tin tức truyền thông cho thấy rằng tổng cộng tổng sản phẩm (GDP : gross domestic products) của ba tỉnh Fukushima, Miyazaki, Iwate chỉ bằng tổng sản phẩm của thành phố Kobe, nơi bị động đất tàn phá ngày 17 tháng 1 năm 1995, khoảng 6% của tổng sản phẩm toàn nước Nhật hay chừng 30.7 tỷ USD. Sự kiện này cho thấy rằng ba tỉnh bị thiên tai (động đất và sóng thần) và nhân tai (lò phản ứng nguyên tử bị nổ) là những vùng nghèo và nguồn lợi tức chính của họ là thủy sản, nông sản và lâm sản mặc dù rằng những nhà máy sản xuất phụ tùng điện tử cho xe hơi, máy điện thoại di động thông minh của các công ty ở Mỹ hay châu Âu đều ở trong vùng đông bắc Nhật này. Tháng năm vừa rồi, công ty điện tử Hitachi đã quyết định dời nhà máy sản xuất phụ tùng điện tử cho xe hơi từ thành phố Minami Soma, tỉnh Fukushima, qua tỉnh Yamanashi bởi vì công nhân sợ động đất và không chịu nổi quá nhiều dư địa chấn (aftershocks of earthquake). Như vậy tỉnh Fukushima và thành phố Minami Soma mất đi một nguồn thuế lợi nhuận. Hiện nay, mặc dù nhiểu căn nhà tạm trú đã được xây cất cho những người tỵ nạn sống tập thể ở những trường trung tiểu học phế thải (vì ít học sinh do nạn giảm dân số của Nhật) hay những trung tâm thể thao thể dục; nhưng có nhiều gia đình không muốn vào ở bởi vì họ không có điều kiện tài chính để trả tiền điện, nước, ăn uống v.v., những khoảng gia chánh mà họ không phải trả tiền khi họ còn ở trong những trại tỵ nạn. Thống kê cho thấy rằng dân số tỉnh Fukushima khoảng 2 triệu, trong đó 52.000 người tỵ nạn vì sóng thần và 128.000 người tỵ nạn vì ô nhiễm phóng xạ. Số người tỵ nạn vì sóng thần ở tỉnh Miyagi là 295.000 người (dân số : 2.3 triệu) và ở tỉnh Iwate là 114.000 người (dân số: 1.3 triệu). Tổng cọng số dân tỵ nạn là 589.000 người. Số tiền trợ quyên trong nước Nhật và trên thế giới rất nhiều (250 tỷ yen). Để đơn giản tính toán, giả sử rằng chỉ có những người tỵ nạn này được nhận tiền và như thế mỗi người tỵ nạn sẽ được trung bình chừng 424.000 yen hay 5.300 USD. Tuy số tiền này khá lớn nhưng những người tỵ nạn này mất việc làm vì hãng xưởng họ làm bị sóng thần cuốn đi mất nên họ không thể sống dài hạn trên số tiền 424.000 yen này. Bởi vậy ta có thể hiểu được tại sao có những người chỉ muốn sống ở trại tỵ nạn. Mãi cho đến thời điểm tháng sáu này số tiền trợ quyên vẫn chưa được phân phối cho những người tỵ nạn.

Kinh nghiệm thiên tai cho thấy rằng động đất và sóng thần vùng đông bắc Nhật lần này mặc dù lớn và khủng khiếp nhưng còn có thể phục hồi như lần động đất ở Kobe hồi 1995. Thiên tai trở thành khó khăn phức tạp khi thêm nhân tai xảy ra ở tỉnh Fukushima do nổ những lò phản ứng nguyên tử ở nhà máy phát điện số 1 của công ty Tepco.

Lò phản ứng nguyên tử số 1 nổ vì hơi hydro ngày 12 tháng 3. Hai ngày sau lò phản ứng nguyên tử số 2 nổ cũng vì hơi hydro. Qua ngày 15 tháng 3, hơi hydro làm lò phản ứng nguyên tử số 3 nổ. Công ty Tepco và Cục An Toàn Nguyên Tử và Công Nghiệp (Japan Nuclear and Industrial Safety Agency) của Bộ Kinh Tế, Thương Mại và Công Nghệ (METI) lên TV trấn an dân chúng rằng mức phóng xạ ô nhiễm không gây tai hại sức khỏe. Sau đó rất nhiều giáo sư với bằng Ph.D. từ những đại học nổi tiếng ở Nhật như Đại học Tokyo, Kyushu, Osaka, Nagoya, Tohoku, Chiba, Đại học Công Nghệ Tokyo ra mặt hàng ngày ở các đài TV tư như Yomiuri, Asahi, Mainichi, Tokyo để ủng hộ những phát biểu của công ty Tepco và những buổi báo cáo hằng ngày của phát ngôn viên chính phủ Nhật. Những ông giáo sư này nói mà không đưa ra một bằng chứng nào để xác nhận phát biểu của họ. Và những phát biểu của họ hoàn toàn sai với sự thật mà công ty Tepco và chính phủ Nhật vừa xác nhận trong báo cáo đệ trình với IAEA thượng tuần tháng 6. Không biết những luận văn Ph.D. của họ có giống như những phát biểu của họ không. Nhìn những ông giáo sư đại học này tôi liên tưởng đến hàng ngũ giáo sư đại học ở Việt nam. Và tôi cũng không ngạc nhiên tại sao những đại học Nhật vừa kể tên ở trên hiện nay sắp hạng thấp hơn các đại học Hương Cảng, Tân Gia Ba (Singapore), Hán Thành (Seoul), Bắc Kinh v.v.

Hình 2 cho thấy vị trí của nhà máy phát điện số 1 của công ty Tepco và những vùng bị ô nhiễm phóng xạ5). Chính phủ Nhật đã công nhận vùng nằm trong đường kính 20km từ trung tâm nhà máy phát điện nguyên tử số 1 là bị ô nhiễm phóng xạ trầm trọng không thể sống được nên ra lệnh bắt cư dân trong vùng này phải di tản. Trạm kiểm soát ở biên giới 20km cũng được thành lập để cấm cư dân ra vào. Hồi tháng tư công ty Tepco loan báo là sẽ bồi thường một triệu yen (khoảng 12.500 USD) cho mỗi hộ nhà nằm trong đường kính 20km này và họ đã phân phối giấy tờ cần thiết cho những cư dân tỵ nạn này. Nhưng cho mãi đến thời điểm giữa tháng sáu này vẫn chưa có tin tức nào nói rằng Tepco đã trả tiền bồi thường này.


hinh-2

Hình 2. Phân phối chất phóng xạ ceasium trong tỉnh Fukushima 5)


Khi lò phản ứng nguyên tử số 3 nổ ngày 15 tháng 3, gió đổi hướng từ phía đông qua tây và mang làn phóng xạ lên tới làng Iitate trong tỉnh Fukushima. Ngày hôm đó lại có mưa xuống làng này. Mặc dầu chính phủ Nhật biết độ phóng xạ ở làng này cao nhưng họ không công báo cho dân làng Iitate biết. Rồi thì IAEA cảnh cáo dân làng Iitate nên tỵ nạn tránh ô nhiễm phóng xạ nhưng chính phủ Nhật lại nói rằng dân làng này sẽ không bị ảnh hưởng gì. Lúc đó mọi ông giáo sư đại học bình luận gia nguyên tử nói ở trên đều quả quyết rằng phóng xạ made in Japan an toàn. Bây giờ ông trưởng làng Iitate bắt buộc tất cả mọi người dân làng phải tỵ nạn và thời hạn di tản cuối cùng là ngày 30 tháng 6 bởi vì mức phóng xạ cao hơn số lượng chỉ định bởi chính phủ Nhật là 20 mSv/năm. Bởi vì Cục Khí Tượng Nhật không có dịch vụ cung cấp số lượng phóng xạ theo chiều gió nên sau này mỗi lần đi công tác ở làng Iitate tôi đều phải vào trang web của Cục Khí Tượng Đức (http://www.dwd.de/wundk/spezial/Sonderbericht_kon.png) để tham khảo hướng gió của làn phóng xạ này.

Những ông giáo sư đại học Nhật kiêm bình luận gia nguyên tử nói trên cũng phủ định sự chảy tan (meltdown) xuống đáy lò phản ứng nguyên tử của mấy ngàn ống nhiên liệu uranium trong mỗi lò. Bây giờ, cả chính phủ Nhật lẫn công ty Tepco đều công nhận trong báo cáo đệ trình IAEA ngày 7 tháng 6 rằng không những có hiện tượng chảy tan mà còn có thể có cả chảy qua (melt-through) vách lò phản ứng. Và không một ông giáo sư đại học bình luận gia nguyên tử nào nói trên đính chính những phát ngôn bừa bãi của họ hồi xảy ra tai nạn nổ lò phản ứng nguyên tử.

Lúc xảy ra tai nạn phát điện nguyên tử, chính phủ Nhật gia tăng chỉ số phóng xạ an toàn cho những người làm ở nhà phát điện nguyên tử từ 100 lên đến 250 mSv/năm trong khi đó chỉ số phóng xạ an toàn cho dân chúng là 20 mSv/năm. Không ai biết tại sao lại có hai tiêu chuẩn an toàn phóng xạ khác biệt này. Không lẽ người làm ở nhà phát điện nguyên tử có hệ thống miễn dịch chống phóng xạ tốt hơn những người làm công việc khác?. Vào cuối tháng 5, dân chúng tỉnh Fukushima kéo đến biểu tình trước Bộ Giáo Dục và Khoa Học về chuyện bộ này lập ra quy định chỉ số phóng xạ an toàn 20 mSv/năm cho trẻ nhỏ học cấp tiểu học và trung học (lớp 1 đến lớp 9) và mẫu giáo. Ông Bộ Trưởng bộ này phải xuống nước và đưa ra chỉ số phóng xạ an toàn mới là 1 mSv/năm. Như vậy hiện nay Nhật có ba chỉ số phóng xạ cho người. Đây là những trị số phóng xạ trong không khí. Đất ở sân trường tiểu học, trung học trong tỉnh Fukushima, điển hình là thành phố Koriyama, chứa nhiều phóng xạ, từ 7 đến 20 µSv/giờ (đơn vị phóng xạ thông dụng ở Nhật là sievert (Sv) và becquerel (Bq)). Tỉnh Fukushima và thành phố Koriyama phải cùng nhau bới mặt đất sân trường và thay vào đó đất mới không bị ô nhiễm phóng xạ. Vấn đề là cả tỉnh và thành phố không có tiền để thay mặt đất toàn thể các sân trường học và cũng không biết phải xử lý đất ô nhiễm phóng xạ như thế nào nên chỉ dồn đống lại.

Sự dối trá của chính phủ Nhật trong chuyện phủ nhận ảnh hưởng xấu của mức độ phóng xạ gây ra bởi nhà máy phát điện nguyên tử số 1, trong chuyện thay đổi liên tục tiêu chuẩn an toàn phóng xạ, trong chuyện phủ nhận làn phóng xạ đã lan tràn đến làng Iitate, và sự thổi phồng chính sách này của chính phủ Nhật của những bình luận gia giáo sư đại học qua truyền hình là biểu tượng rõ ràng nhất của cuốn sách “Why Leaders Lie”(tại sao cấp lãnh đạo nói dối)6) của John Mearsheimer.

Rất nhiều báo chí và người ngoại quốc ca ngợi tinh thần kỷ luật cao của người Nhật trong cảnh hỗn loạn do thiên tai và nhân tai gây ra ngày 11 tháng 37). Tờ Tuổi Trẻ Online8) cũng không hết lời khen ngợi, nào rằng không có trộm cướp, hôi của, hãm hiếp trong thảm họa ở Nhật. Rồi thêm ông cảnh sát Nhật gốc Việt ở tỉnh Saitama cũng lên blog thần thánh hóa đứa trẻ mười tuổi mặc dù trời lạnh bấc chỉ có cái quần đùi và áo thun mà không than vãn đòi hỏi gì cả hoặc là mặc dù rất đói đứa trẻ này không chịu ăn đồ ăn mà ông cảnh sát Nhật gốc Việt đó cho (bài này xuất hiện trên blog của một nhà Hán học nhưng nay không còn nữa).

Chính phủ Nhật dựa vào sự tê liệt của nhà máy phát điện nguyên tử số 1 ở tỉnh Fukushima để đòi hỏi dân chúng và công ty hãng xưởng trên toàn nước Nhật tiết kiệm điện 15% trong mùa hè này so với số lượng điện tiêu thụ cùng thời hồi năm ngoái. Ngay trong thời điểm tháng sáu này không thiếu gì công ty đã tháo 1/3-1/2 số đèn ống trong văn phòng hãng xưởng. Nói cách khác chính phủ Nhật đang đòi hỏi dân chúng Nhật chịu đựng (thắt lưng buộc bụng) như hồi chiến tranh 1940-1945. Có lẽ ông cảnh sát Nhật gốc Việt ở tỉnh Saitama nói trên đang hưởng ứng tích cực chương trình tiết kiệm điện của chính phủ của ông ta. Tôi chỉ muốn nhắc nhở ông Nhật này rằng chính phủ của ông ta đã dùng chiến thuật thắt lưng buộc bụng này ở quốc nội để có phương tiện và lý do để xâm chiếm Việt nam và làm hơn một triệu dân Việt chết đói hồi 19459).

Xã hội nào cũng có hai mặt. Chính quyền (nhất là cảnh sát) Nhật có khuynh hướng tô vẽ đẹp quốc gia nên họ ít cho báo chí và truyền hình biết nhiều tin xấu về Nhật. Trong khi báo chí ngoại quốc nói rằng không có trộm cướp ở những vùng bị thảm họa thì trong một phát thanh của chương trình TV Tackle, giờ phát thanh là mỗi tối thứ hai lúc 9:00 PM trên đài TV Asahi, Beat Takeshi, MC của chương trình, nói rằng trong những tháng ba và tư, số trộm cắp máy đo ETC (Electronic Toll Collection System : hệ thống trả tiền đường xa lộ bằng điện tử) gắn trong xe hơi xảy ra liên tục hằng ngày. Cần chú thích rằng Beat Takeshi là diễn viên khôi hài (comedian) kiêm đạo diễn điện ảnh kiêm họa sĩ có tiếng tăm ở Nhật và Pháp. Chương trình TV Tackle chuyên về chính trị quốc nội Nhật và rất nhiều dân biểu quốc hội của các đảng chính trị cũng như bình luận gia chính trị có mặt mũi tham gia chương trình này.

Những dân đi tỵ nạn của ba tỉnh bị thiên tai và nhân tai để lại nhà trống và đêm xuống thì phố xá đen ngòm bởi không có điện. Bởi vậy nạn trộm cắp rất hay xảy ra cho nên cảnh sát các tỉnh khác đến tuần tiễu trợ giúp cho ba tỉnh này. Mới đây tin tức TV cho biết là trong thời hạn từ tháng ba đến tháng năm, 2011, ở thành phố Hirono (Hình 3) có 312 vụ trộm cướp vì dân đi tỵ nạn để nhà trống và hơn 100 triệu yen, tương đương với 1.250.000 USD trong những ATMs (Automatic Teller Machines) ở chín vùng gần nhà máy phát điện nguyên tử số 1 đã bị mất.

Cũng trong hai tháng ba và tư, công ty Tepco lập ra chương trình cắt điện theo kế hoạch trong tỉnh Tochigi, Gunma, Saitama, Chiba, Yamanashi, Kanagawa, Shizuoka, và Tokyo. Bởi vậy dân chúng trong các tỉnh này ùn ùn đi mua lò bếp nấu bằng gas, pin, gạo, đồ ăn đóng hộp, mì gói, giấy toilet. Rồi có tin sữa bò tươi (milk) và nước dùng hằng ngày bị nhiễm phóng xạ nên dân chúng lại ùn ùn đi mua và dự trữ nước đóng chai làm chính phủ Nhật phải trấn an công chúng rằng những nhà sản xuất đang tăng cường sản xuất nhu yếu phẩm hằng ngày cho dân chúng.

Bởi vì đường xá và các trạm xăng ở vùng bị động đất bị hư hoại nên xăng không thể cung cấp cho vùng này được. Như thế là có trộm xăng ở khu vực bị thiên tai và nhân tai này. Một người bạn Nhật của tôi sống và mở vài ba quán ăn McDonald ở thành phố Iwaki tỉnh Fukushima. Để tránh phóng xạ và từ địa chấn, chị ta lái xe từ thành phố Iwaki qua thành phố Koriyama rồi đến tỉnh Niigata (Hình 3) và sau đó xuống thành phố Kawasaki, tỉnh Kanagawa. Trên đường từ Iwaki qua Koriyama và Niigata, chị ta thấy không biết bao nhiêu xe bỏ trống với những nắp bình xăng bị cậy mở. Trong đó không thiếu gì những xe đắt tiền như BMW, Benz Mercedes, Lexus v.v.

hinh-3

Hình 3. Bản đồ tỉnh Fukushima


Một vấn đề bất ngờ xảy ra là sự kỳ thị những người bị nhiễm phóng xạ nguyên tử. Hồi tháng ba có những người tỵ nạn từ tỉnh Fukushima xuống thành phố Tsukuba ở tỉnh Ibaraki và đã bị dân chúng ở đây đuổi đi vì họ sợ bị lây nhiễm phóng xạ. Sau khi tin này lên TV, ông thị trưởng thành phố Tsukuba lên tiếng xin lỗi và hứa là sẽ đón tiếp những người tỵ nạn. Gần đây lại có tin tức rằng một người đàn ông thành phố Iwaki, tỉnh Fukushima, khi đi hiến máu cho Hội Hồng Thập Tự Nhật Bản ở Tokyo nói dỡn (đùa) rằng anh ta có thể bị nhiễm phóng xạ thì liền bị đuổi về. Sau đó Hội Hồng Thập Tự Nhật Bản lên tiếng xin lỗi và hứa sẽ giáo dục lại nhân viên10).

Có hai văn sĩ Nhật lên tiếng về thiên tai động đất, sóng thần và nhân tai nổ lò nguyên tử. Đó là ông Ishihara Shintaro và Murakami Haruki. Ngay sau khi xảy ra thảm họa ngày 11 tháng 3, ông Ishihara, hiện giờ là tỉnh trưởng tỉnh Tokyo, lên tiếng nói rằng đây là trời phạt nước Nhật (wrath of God, divine punishment). Ông Murakami, khi nhận một giải thưởng ở Tây Ban Nha trong tháng sáu này, phát biểu rằng Nhật bị trời phạt. Ta có thể hiểu rằng hai ông văn sĩ này muốn nói đời sống tinh thần của dân Nhật bị sa đọa bởi vì họ chỉ biết hưởng thụ vật chất rồi phá hoại thiên nhiên để có thể tiếp tục hưởng thụ vật chất. Có lẽ hầu hết người Nhật không để ý đến những tự hối thảm thiết này ngoại trừ một số ít người lớn tuổi đã sống qua thời cực khổ sau khi thế chiến thứ hai chấm dứt.

Một nông gia 64 tuổi sản xuất rau cải ở thành phố Sukagawa, nằm dưới thành phố Koriyama (Hình 2 và 3) đã treo cổ tự vẫn chết ngày 24 tháng 3 sau khi chính phủ đảng Dân Chủ của ông Otsuka Kohei, Thứ Trưởng Bộ Sức Khỏe và Phúc Lợi (Health and Welfare Ministry), ra lệnh cấm buôn bán rau cải trồng ở tỉnh Fukushima vì bị ô nhiễm phóng xạ. Một nông gia khác trong tuổi 50 chuyên sản xuất sữa bò tươi ở thành phố Soma, ngay trên thành phố Minami Soma (Hình 2 và 3), cũng đã tự vẫn, để lại những hàng chữ viết bằng phấn trắng : “Ước gì không có nhà máy phát điện nguyên tử. Chỉ có thể chịu đựng đến mức này thôi ”. Bạn người nông gia này khám phá ra thi thể của ông ta ngày 11 tháng 6, 2011, khi họ đi xác nhận sự an toàn của ông ta. Ngay sau những vụ nổ lò phản ứng nguyên tử, cũng chính chính phủ đảng Dân Chủ của ông Otsuka ra lệnh cấm đem bán sữa bò tươi làm ở tỉnh Fukushima vì sữa bị nhiễm phóng xạ. Mặc dầu lệnh được bỏ ngày 21 tháng 4, khách hàng không còn muốn mua sữa bò tươi của tỉnh Fukushima nữa vì sợ nhiễm phóng xạ11).

Trong kỳ họp Đại Hội Đồng lần thứ 64 chuyên về khủng hoảng phóng xạ ở tỉnh Fukushima của Tổ Chức Sức Khỏe Thế Giới (World Health Organization) trong ngày 17 tháng 5, 2011, ông Otsuka tuyên bố rằng cho đến thời điểm buổi họp, vẫn chưa có người Nhật nào chết vì bị nhiễm phóng xạ12). Có lẽ ông Otsuka cho rằng cái chết của người bị ô nhiễm phóng xạ trực tiếp là cái chết do nhà máy phát điện nguyên tử số 1 gây ra, còn cái chết vì đời sống kinh tế khó khăn gây ra bởi sản phẩm bị ô nhiễm phóng xạ thì là không phải do nhà máy phát điện nguyên tử đó gây ra.

Đầu tháng năm tôi lên làng Iitate trồng ngũ cốc (lúa, khoai lang, đậu phụng, rau dền, đậu nành (tương) xanh (green soybean)) để xem xét than do công ty tôi làm ra có thể giảm số lượng phóng xạ hấp thụ bởi ngũ cốc hay không.

Dân số làng Iitate chỉ có 6.500 người và 1.600 hộ nhà nhưng bao gồm rất nhiều núi và hoa dại như anh đào, đằng (wisteria), đào (peach). Cho đến đầu tháng 5, hoa anh đào, hoa đằng và hoa đào vẫn còn nở rực rỡ bên cạnh những con đường vòng vèo trong đồi núi. Bởi cảnh thiên nhiên rất hùng vĩ và nên thơ nên du khách viếng làng Iitate rất nhiều. Bây giờ dân làng phải tỵ nạn nên Iitate trở thành một vùng đất dại.

Chúng tôi cũng qua thành phố Minami Soma làm thực nghiệm cũng dùng than nói trên để giảm hàm lượng muối trong những đồng ruộng bị sóng thần gây ra. Hình 2 và 3 chỉ định vị trí làng Iitate và thành phố Minami Soma. Hình 4 chỉ vị trí đồng ruộng nơi làm thực nghiệm ở khu vực Haramachi, phố Minami Soma. Người nông gia cho thuê đồng ruộng nói rằng nước biển sóng thần tràn lên cả từ phía sông Niida và bờ biển cách xa đồng ruộng chừng ba cây số. Nhưng khi sóng thần rút xuống thì chỉ rút về phía bờ biển. Buổi trưa ngày 11 tháng 3 đó gia đình anh nông gia đang ở trước sân nhà và nhìn thấy sóng biển lên từ phía sông Niida nên liền lên xe hơi lánh nạn và nhờ đó sống sót được.


hinh-4

Hình 4. Địa đồ vùng Haramachi, thành phố Minami Soma, tỉnh Fukushima
(Biển nằm ngoài góc phải ở trên)


Sau khi có vụ nổ lò phản ứng nguyên tử, người Nhật mới rõ rằng số máy đo phóng xạ trong nước không đủ đáp ứng nhu cầu trong nước. Bởi vậy nông trường cho công ty tôi thuê ruộng ở làng Iitate chỉ có thể mua được máy đo độ phóng xạ made in China hồi đầu tháng năm. Số liệu trung bình mức phóng xạ đo trong hai tháng năm và sáu ở nông trường đó là 5,3 µSv/h và ở mặt đất đồng ruộng là 7,1µSv/h. Làng Iitate cũng đo mức phóng xạ ở tòa thị chính của làng. Ký lục của tòa thị chính làng Iitate cho thấy rằng số lượng phóng xạ tăng nhảy vọt từ 0,14 µSv/h lúc 2 giờ chiều lên đến số tối đa 44,70µSv/h đo lúc 6:20 tối ngày 15 tháng 3. Số lượng phóng xạ sau đó giảm dần xuống 28,65µSv/h ngày 16, 21,08µSv/h ngày 17, 21,51µSv/h ngày 18, 21,16µSv/h ngày 19, 16,58µSv/h ngày 20, 11,49µSv/h ngày 21, 9,05µSv/h ngày 27, 7,41µSv/h ngày 31 tháng 3. Qua đến ngày 20 tháng tư thì độ phóng xạ xuống đến 3,59µSv/h. Độ phóng xạ biến động trong giới hạn 3 đến 4µSv/h cho đến ngày 28 tháng 5 và sau đó biến động trong giới hạn 2,5 đến 3,0µSv/h từ cuối tháng 5 cho đến giữa tháng 6. Số liệu độ phóng xạ ngày 15 tháng 3 của làng Iitate xác nhận lời khuyến cáo di tản của IAEA cho làng này như đã nói ở trên.

Số lượng phóng xạ ở đồng ruộng chúng tôi mướn (5,3 µSv/h đo ở độ cao 1m từ mặt đất hay 8,5 µSv/h đo ở độ cao 10 cm từ mặt ruộng) cao gấp 1.8-2.9 lần độ phóng xạ đo ở tòa thị chính làng Iitate. Điều này chứng tỏ sự phân phối không đồng đều của độ phóng xạ trong mỗi làng, thôn, phố (ở Nhật gọi là điểm nóng hay hot spot). Để hiểu rõ hơn tác dụng của độ phóng xạ trên sức khỏe, các trường trung học đệ nhất cấp (lớp 7 đến lớp 9) và tiểu học ở thành phố Date (hình 2 và 3) phân phối cho mỗi học sinh một máy đo tay độ phóng xạ hồi hạ tuần tháng sáu. Và tỉnh Tokyo, Chiba cũng bắt đầu ghi ký lục độ phóng xạ trong từng phố xá trong mỗi tỉnh.

Độ phóng xạ của ruộng chúng tôi mướn ở thành phố Minami Soma thấp hơn ruộng ở làng Iitate, 1.300 Bq/kg vs. 17.000-33.000 Bq/kg. Nhưng độ muối của ruộng ở Minami Soma cao hơn, 4% vs. 0.07%. Lúa trồng ở hai ruộng này sẽ được gặt vào tháng 10 tới và độ phóng xạ trong gạo, trấu, và rơm sẽ được phân tích.

Khi làm ruộng ở vùng Haramachi, thành phố Minami Soma (Hình 4), chúng tôi có dịp đi viếng vùng bờ biển bị sóng thần nhập. Vài ảnh dưới đây sẽ chứng tỏ sức tàn phá của sóng thần.

*

Ảnh 1 là bảng tên người nhà ông Suzuki ở gần bờ biển khu Haramachi. Bảng tên này gắn trên tấm ván trên cửa nhà và đã bị sóng thần cuốn để lại ở bờ ruộng chúng tôi thuê. Gia đình ông Suzuki này chưa tìm ra được nên được xếp loại “mất tích”.

 

anh-1

Ảnh 1. Bảng ghi tên người nhà ông Suzuki bị sóng thần cuốn đi.


Ảnh 2 là nhà của nông gia Sato ở vùng Izumi, khu Haramachi, thành phố Minami Soma, người cho chúng tôi thuê ruộng để làm thực nghiệm. Nhà này bị sóng thần tàn phá khi rút về biển lại. Chiếu tatami bị hư hoại và mức sóng thần có thể thấy ở kính cửa sổ.


anh-2

Ảnh 2. Nhà của nông gia Sato sau khi sóng thần đi qua


Ảnh 3-6 cho thấy những hư hại vật chất nhà cửa do sóng thần gây ra. Ảnh 7 chỉ những khối bê tông cốt sắt bốn chân (tiếng Nhật là tetrapod) nặng hàng trăm ký lô nằm hổn loạn trên bãi biển sau khi bị sóng thần mang đi. Những tetrapod này thường được dùng để chống nạn lỡ bờ biển (Ảnh 8). Nhìn vào hình ảnh dịu dàng của biển (Ảnh 9) không ai có thể nghĩ rằng biển cũng hung dữ đến độ tàn phá hết mọi làng mạc.


anh-3

Ảnh 3. Sóng thần để lại rác rưới và xe tải ở vệ đường dẫn ra biển



anh-4

Ảnh 4. Một xe hơi mới bị sóng thần cuốn đi rồi để lại khi trở về biển



anh-5

Ảnh 5. Nhiều tàu đánh cá bị sóng thần cuốn đi rồi để lại khi trở về biển



anh-6

Ảnh 6. Một căn nhà bị sóng thần tàn phá và sót lại



anh-7

Ảnh 7. Những “tetrapod” bị sóng thần cuốn đi rồi bị để lại nằm hỗn loạn trên bãi biển


anh-8

Ảnh 8. Những tetrapods còn sót lại ở bờ biển vùng Haramachi, thành phố Minami Soma



anh-9

Ảnh 9. Biển vẫn dịu dàng như thủa nào


Ảnh 10 là hình ảnh xe cảnh sát tỉnh Chiba đến tuần tiễu ở vùng biển Haramachi để trợ giúp cảnh sát thành phố Fukushima. Ảnh 11 cho thấy xe Jeep của Lực Lượng Tự Vệ Nhật đang đậu trước cổng tòa thị chính thành phố Minami Soma. Nhật bản không có quân đội chính thức mà chỉ có Lực Lượng Tự Vệ mặc dầu họ có Bộ Quốc Phòng. Bộ này gửi 100.000 ngàn người đến giúp dân trong vùng bị thiên tai và nhân tai trong khi Lực Lượng này chỉ có 140.000 người. Để bảo vệ hải phận và không phận Nhật, quân đội Mỹ ở Nhật phải phụ lực làm công tác này.


anh-a

Ảnh 10. Xe cảnh sát tỉnh Chiba tuần tiểu vùng biển ở thành phố Minami Soma


anh-b

Ảnh 11. Xe của Lực Lượng Tự Vệ Nhật đến giúp thành phố Minami Soma


Với nền kinh tế thế giới đang trên đà xuống dốc và với một chính phủ không có kinh nghiệm điều hành quốc gia, tôi sợ rằng dân bị thảm họa ở vùng đông bắc Nhật sẽ khốn đốn lâu dài. Cầu mong trời đất phù hộ cho họ được hồi phục nhanh chóng và tai qua nạn khỏi.


Tịnh Tâm

Những ngày đầu hè 2011



Bị chú


1) Tiếng Việt hiện đại cho từ nuclear là hạt nhân. Bài này dùng cụm từ nguyên tử thay vì hạt nhân. Đây là từ dịch từ tiếng Hán (genshi) trong tiếng Nhật.

2) Tên người Nhật có thứ tự như người Việt nên trong bài này tên những người Nhật đề cập có họ để trước tên để sau.



Tài liệu tham khảo


1) http://www.iaea.org/newscenter/news/tsunamiupdate01.html

2)http://edition.cnn.com/2011/WORLD/asiapcf/06/06/japan.nuclear.meltdown/index.html?htp=hp_pl

3) http://www3.nhk.or.jp/news/html/20110501/k10015660021000.html

4) http://www.channelasia.com/stories/afp_asiapacific/view/1134387/1/.html

5) http://www.iaea.org/newscenter/news/2011/fukushimafull.html

6)http://www.amazon.com/Why-Leaders-Lie-International-Politics/dp/0199758735/Ref=sr_1_1?s=book&ie=UTF8&amp.qid=1307673097&sr=1-1

7) Vĩnh Sính 2011 Suy ngẫm về đặc trưng của văn hóa Nhật Bản

http://diendan.or/the-gioi/suy-ngam-ve-111ac-trung-cua-van-hoa-nhat-ban/

8) http://tuoitre.vn/The-gioi/429072/Vi-sao-canh-cuop-boc-khong-xay-ra-trong-tham-hoa-o-

Nhat.htlm

9) http://japanfocus.org/-Geoffrey-Gunn/3483

10) http://sankei.jp.msn.com/life/topics/life-14940-tl.htm

11) http://edition.cnn.com/2011/WORLD/asiapcf/06/14/japan.farmer.disaster/index.html?

iref=NS1

12) http://www.channelasia.com/stories/afp_asiapacific/view/1129516/1/.html


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
Odéon Théâtre de l'Europe - En janvier à l'Odéon 09/01/2025 - 07/02/2025 — Berthier 17e, Odéon 6e
Black Movie - Festival international de films indépendants Genève 17/01/2025 - 26/01/2025 — Maison des arts du Grütli | 16, rue du Général-Dufour | 1204 Genève
LES LARMES D'ASTYANAX - Olivier Dhénin Hữu 31/01/2025 - 02/02/2025 — Théâtre du lycée Jacques Decour | 12 Avenue Trudaine | 75009 Paris
Festival cinéma - Si loin si proche 2025 06/02/2025 - 09/02/2025 — La Ferme du Buisson, allée de la ferme, 77186 Noisiel - (RER A - Noisiel)
France-Vietnam : un portail entre les cultures - La mémoire vietnamienne en filigrane. Étude de Paris, qu’as-tu fait de nous ? de Pham Van Ky 06/02/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
Inalco : L'économie vietnamienne en 2024 et ses perspectives 06/02/2025 18:00 - 20:00 — 65 Rue des Grands Moulins, 75013 Paris | Amphi 2
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Le développement d’une culture de contestation anti-coloniale publique à Saigon par le moyen d’une presse autonome (1900-1930) 13/03/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - La génération des néologismes sino-vietnamiens dans la circulation culturelle de la sphère sino-graphique sous l’influence de l’Occident au tournant du XXe siècle 03/04/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Sujets et séjournants. Une nouvelle histoire des indochinois en France 15/05/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Transferts du modèle français à la description de la grammaire vietnamienne 05/06/2025 16:30 - 18:00 — BnF site François-Mitterrand | Salle 70 ou via ZOOM
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us