Bạn đang ở: Trang chủ / Thế giới / Giải Nobel hòa bình 2010 : LƯU HIỂU BA

Giải Nobel hòa bình 2010 : LƯU HIỂU BA

- Kiến Văn — published 13/10/2010 23:32, cập nhật lần cuối 14/10/2010 09:50
"Tuyên bố tối hậu" của nhà dân chủ Trung Quốc trước khi bị kết án 11 năm tù


Giải Nobel hòa bình 2010



Lưu Hiểu Ba : « Tôi không có kẻ thù »



Ngày 8.10.2010, Ủy ban Nobel đã công bố quyết định trao giải Nobel Hòa Bình năm 2010 cho ông Lưu Hiểu Ba (刘晓波 / Liu Xiaobo), nhà hoạt động dân chủ đang bị cầm tù ở Liêu Ninh (ông bị kết án 11 năm tù ngày 25.12.2009). Theo lời ông chủ tịch Thorbjoern Jagland, Ủy ban Na Uy muốn vinh danh « những nỗ lực kiên trì và không bạo động vì các quyền con người ở Trung Quốc ».

luuha

Lưu Hiểu Ba sinh ngày 28.12.1955 tại Trường Xuân, Cát Lâm (Jilin). Sau khi đỗ cử nhân văn học ở Cát Lâm, ông lên Bắc Kinh theo học Trường Đại học Sư phạm, đỗ tiến sĩ năm 1984 và được bổ nhiệm là giáo sư văn học tại trường này. Ông đã được mời thỉnh giảng ở các trường đại học Âu Mĩ (Oslo, Hawaii, Columbia). Mùa xuân 1989, ngay khi phong trào dân chủ của sinh viên bắt đầu ở Bắc Kinh, Lưu Hiểu Ba bay từ New York về nước, tham gia phong trào, tuyệt thực tại quảng trường Thiên An Môn. Ông cố gắng tìm ra một giải pháp thỏa hiệp giữa chính quyền và phong trào sinh viên. Về phía chính quyền, xu hướng ôn hòa của ông Triệu Tử Dương muốn đáp ứng, thì bị phe bảo thủ loại bỏ. Về phía phong trào sinh viên, những phần tử cực đoan chỉ trích lập trường "thiếu dứt khoát" của "Lưu giáo sư". Phong trào Thiên An Môn, như ta biết, đã bị đàn áp bằng xe tăng và súng đạn trong đêm 4 tháng 6.1989.

Từ đó, Lưu Hiểu Ba mất chức giáo sư, tác phẩm và bài viết của ông không được xuất bản ở lục địa. Ông đã chọn tiếp tục cuộc đấu tranh bất bạo động vì dân chủ và quyền con người, sống bằng nhuận bút những bài báo được công bố ở Hương Cảng và nước ngoài. Năm 1995 ông bị quản chế, 1996 bị đưa đi "lao cải" ba năm, và vẫn kiên trì cuộc đấu tranh hòa bình : năm 2003, thành lập trung tâm PEN Trung Quốc ; mùa xuân năm 2008, cùng 29 nhà trí thức, ông ra tuyên bố kêu gọi chính quyền Bắc Kinh thay đổi chính sách ở Tây Tạng, đáp ứng lời kêu gọi hòa bình của Đạt Lai Lạt Ma ; rồi phản đối chính sách đàn áp đân tộc Ui-gua ở Tân Cương. Tháng 12.2008, nhân kỉ niệm 60 năm bản Tuyên ngôn Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, Lưu Hiểu Ba tham gia nhóm soạn thảo Hiến chương 08 (đọc toàn văn Linh Bát Hiến Chương ở đây : bản dịch tiếng Việt, bản dịch tiếng Anh, bản dịch tiếng Pháp, nguyên tác Hán ngữ). Một ngày trước khi bản Hiến chương được công bố, Lưu Hiểu Ba bị bắt giam. Ngày 25.12.2009, ông bị kết án 11 năm tù. Vợ ông, bà Lưu Hà, không được phép dự thính phiên tòa. Bài viết gửi cho Lưu Hà mà chúng tôi đăng dưới đây, Lưu Hiểu Ba đã viết một ngày trước khi ra tòa.

Hiến chương 08 được công bố ngày 10.12.2008 với chữ ký của 303 trí thức tên tuổi. Trong gần hai năm qua, số người ký tên đã lên tới mười ngàn (xem bài phân tích của nhà báo Trang Hạ).

Từ tháng 3 năm nay, khi tên họ của ông Lưu xuất hiện trong danh sách hơn 200 người được đề cử tranh giải Nobel Hòa bình 2010, Bắc Kinh đã tìm nhiều cách gây sức ép với chính quyền Na Uy. Tháng 9, thứ trưởng Bộ ngoại giao, bà Fu Yin (Phù Dĩnh ?), đã được phái sang Oslo, hù dọa "Na Uy sẽ chịu mọi hậu quả nếu...". Lời đe dọa của cường quốc số 2, với dân số hơn 1 tỉ người, rốt cuộc không có tác dụng đối với một nước 5 triệu dân. Ủy ban Nobel đã quyết định trao giải cho Lưu Hiểu Ba. Thông cáo của Ủy ban còn nói huỵch toẹt : Trung Quốc đã đặt được nhiều thành tựu kinh tế thì lại càng có trách nhiệm tôn trọng các quyền con người.

canhsat

Từ sáng ngày 8.10, khi Ủy ban Nobel công bố kết quả, công an Bắc Kinh đã bao vây chung cư, nhà ở của vợ chồng Lưu Hiểu Ba. Các mạng internet quốc tế đưa tin Lưu Hiểu Ba được giải Nobel hòa bình đều bị tường lửa. Hai ngày sau, nhà cầm quyền quản chế bà Lưu Hà, cắt điện thoại, không cho bà liên lạc với bên ngoài.

tuyengiao

Hướng về Bắc Âu, lời đe dọa của mấy ông bà thiên tử tỏ ra vô hiệu. Nhưng hướng về phía nam, phải chăng nó đã lọt tai vài quan chức. Theo tác giả trang blog Mr Do, trong một bức điện khẩn "cầm đèn chạy trước ô tô" (đề ngày 9.10.2008), ông vụ trưởng Báo chí - Xuất bản (Ban Tuyên giáo Trung ương của Đảng cộng sản Việt Nam), Nguyễn Thế Kỷ (21... trước Công nguyên ?), đã ra lệnh cho báo chí trong nước : "Nếu Giải thưởng (Nobel Hòa bình) được trao cho các nhân vật chống đối chính quyền ở Trung Quốc, Nga hoặc nước là bạn bè, đối tác chiến lược của ta, những nước có phản đối thì ta đưa tin về sự phản đối của họ, không bình luận, không mở rộng thông tin" (xem hình bên).

Kiến Văn


TUYÊN BỐ TỐI HẬU CỦA TÔI

LƯU HIỂUBA

23.12.2009


Tháng sáu năm 1989 là một bước ngoặt quan trọng trong đời tôi. Tôi đã từng là một giáo sư khả kính, một nhà trí thức công cộng, được mời phát biểu ở nhiều nơi, kể cả ở Châu Âu và Hoa Kì. Trước sau như một, tôi luôn luôn tự đòi hỏi mình phải phát biểu trung thực, chịu trách nhiệm về lời nói của mình và giữ đúng phẩm cách – trong cuộc sống cá nhận cũng như trong trước tác. Năm 1989, tôi rời Hoa Kì về nước để tham gia phong trào [sinh viên vì dân chủ, rốt cuộc đã bị đàn áp đẫm máu ngày 4 tháng sáu]. Tôi đã bị bỏ tù vì “ tội tuyên truyền và xúi giục những hoạt động phản cách mạng ”. Thế là tôi mất luôn chức danh giáo sư mà tôi rất gắn bó, mất luôn khả năng công bố và phát biểu công khai ở Trung Quốc. Một giáo sư bị mất chức, một tác giả bị tước quyền phát biểu, một trí thức bị phủ nhận mọi khả năng phát biểu trước công chúng... dù là với tư cách cá nhân hay là để xây dựng một nước Trung Quốc mở cửa ra thế giới và cởi mở với các cuộc cải cách, suốt ba mười năm chỉ vì đã công khai đưa ra những chính kiến khác và đã tham gia một phong trào dân chủ hòa bình, thật là bi ai !

Hai mươi năm sau, những oan hồn của đêm mồng 4 tháng sáu vẫn chưa được yên nghỉ. Còn tôi, vì chọn con đường chính kiến khác sau sự kiện 4-6, nên ở trại giam Tần Thành ra, năm 1991, tôi đã bị tước quyền phát biểu công cộng trên đất nước của chính mình ; tôi chỉ có thể phát biểu trên các media ngoại quốc, với cái giá phải trả là bị theo dõi trong suốt nhiều năm, rồi bị quản chế (từ tháng năm 1995 đến tháng giêng 1996) sau đó là bị đưa vào trại lao cải (từ tháng mười 1996 đến tháng mười 1999). Hôm nay, tuổi ngoài 50, một lần nữa tôi bị ấn xuống hàng ghế bị cáo bởi một chính quyền bị ám ảnh bởi ý niệm “ kẻ thù ”. Song dù sao chăng nữa, với cái chế độ đã cướp đoạt tự do của tôi, tôi muốn nói với họ rằng tôi vẫn giữ vững niềm tin mà tôi đã biểu thị trong tuyên bố tuyệt thực ngày 2 tháng sáu hai mươi năm về trước : tôi không có kẻ thù và cũng không căm thù. Những nhân viên công an đã theo dõi tôi, bắt giữ và tra hỏi tôi, những kiểm sát viên đã khởi tố tôi, những quan tòa đã kết án tôi đều không phải là kẻ thù của tôi. Tôi không chấp nhận bị theo dõi, bị bắt giam, bị khởi tố, bị kết án, song tôi tôn trọng nghề nghiệp và nhân thân của tất cả những viên chức ấy, trong đó có những quan chức của viện kiểm sát, ngày 3 tháng chạp mới đây, đã tỏ ra trung thực và tôn trọng đối với tôi.

Bởi vì căm thù có thể làm biến chất trí khôn và sự sáng suốt ; hệ tư tưởng địch-ta có thể làm nhiễm độc đầu óc của nhân dân, kích động những sự tranh giành vô độ, hủy hoại sự khoan hòa và lý trí của xã hội, ngăn cản không cho dân tộc vươn tới tự do và dân chủ. Vì thế mà tôi mong muốn vượt qua số phận cá nhân mình để chú tâm trước hết vào sự phát triển của đất nước, vào tiến trình của xã hội, ứng phó với sự thù nghịch của chính quyền bằng tấm lòng đại lượng để hóa giải căm thù trong tình thương.

Người ta thường cho rằng chính nhờ đường lối cải cách và cởi mở mà đất nước ta đã phát triển, xã hội ta đã tiến hóa. Theo tôi, sự cởi mở đã bắt đầu ngay khi từ bỏ chủ trương “đấu tranh giai cấp là thống soái” của thời Mao. Ngay từ lúc đó, đã tập trung nỗ lực vào sự phát triển kinh tế và hài hòa xã hội. Sự từ bỏ đấu tranh giai cấp, trong chừng mực nào đó, đã dẫn tới một sự khoan hòa nhất định, sự chung sống hòa bình giữa những lợi ích và giá trị khác nhau. Kinh tế đã hướng về thị trường, văn hóa trở thành đa dạng hơn, việc duy trì trật tự đã từng bước tuân thủ pháp luật. Có được những điều ấy là nhờ quan niệm “kẻ thù” đã phai mờ đi. Ngay cả trong chính trị là lãnh vực chậm tiến bộ nhất, chính quyền đã tỏ ra khoan hòa hơn đối với sự đa dạng trong xã hội, đã giảm bớt sự trấn áp đối với những tiếng nói bất đồng và thay đổi tên gọi sự kiện 1989, từ “phản loạn” trở thành “rối loạn chính trị”.

Sự suy giảm quan niệm về kẻ thù phải đánh đổ khiến cho chính quyền từng bước chấp nhận tính chất phổ quát của các quyền con người. Năm 1998, chính phủ Trung Quốc đã hứa hẹn với thế giới là họ sẽ phê chuẩn hai công ước quốc tế lớn của Liên Hiệp Quốc về các quyền con người [trong đó có Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị], đó cũng là một cách tương trưng để công nhận các giá trị ấy. Năm 2004, Quốc hội đã sửa đổi Hiến pháp bằng cách, lần đầu tiên, ghi câu này vào Hiến pháp : “ Nhà nước tôn trọng và bảo hộ các quyền con người”, tỏ ra rằng các quyền con người đã trở thành một nguyên tắc cơ bản của luật pháp Trung Quốc. Đồng thời, chính quyền đã nhấn mạnh sự cần thiết phải đặt “con người ở trung tâm” đường lối chính trị của mình, phải “tạo ra một xã hội hài hòa”, tất cả những điều này là bước tiến trong quan niệm của Đảng cộng sản về chính quyền.

Bản thân tôi đã cảm nhận những thay đổi ấy từ ngày tôi bị bắt. Tôi vẫn cho rằng tôi vô tội và nói rằng những lời cáo buộc tôi là vi hiến, nhưng trong thời gian một năm qua bị giam cầm, trải qua hai nhà tù và các cuộc thẩm tra của 4 công an, 3 kiểm sát và 2 thẩm phán, phương pháp của họ vẫn tỏ ra kính trọng, không bao giờ họ vượt quá thời hạn hỏi cung và họ không hề ép cung. Thái độ của họ là ôn hòa, chừng mực, thậm chí nhân hậu. Ngày 23 tháng sáu, tôi được chuyển từ nơi quản chế sang Trại giam 1 Bắc Kinh, là nơi năm 1996 tôi đã bị giam giữ, tại đây tôi đã nhận thấy nhà cửa, thiết bị cũng như phương pháp quản lý đã có những cải thiện đáng kể.

Qua kinh nghiệm bản thân, tôi càng tin tưởng rằng những tiến bộ chính trị ở Trung Quốc sẽ không ngừng ở một chỗ. Tôi thực sự lạc quan về sự xuất hiện một nước Trung Quốc tự do trong tương lai, bởi vì không một sức mạnh nào có thể ngăn chận được khát vọng tự do của con người. Trung Quốc cuối cùng sẽ trở thành một Nhà nước pháp quyền, đặt quyền con người lên hàng đầu. Tôi cũng hi vọng rằng những tiến bộ ấy sẽ thể hiện trong việc xử lí hồ sơ của tôi ; tôi mong rằng các hội thẩm viên sẽ tuyên án một cách công chính – một bản án có thể đứng vững trước tòa án của Lịch sử. Nếu tôi phải tìm xem trong hai mươi năm qua, điều gì là trải nghiệm tốt đẹp nhất của tôi, thì đó là tôi đã nhận được mối tình vô tư trong sáng của vợ tôi, Lưu Hạ. Vì vậy mà tôi viết những dòng thư này cho Lưu Hạ :

Hôm nay, em sẽ không được dự phiên tòa xử anh, nhưng anh muốn nói với em, em yêu quý của anh, anh tin chắc rằng tình yêu mà em dành cho anh vẫn không có gì thay đổi. Nhờ đó, em yêu, anh sẽ có đủ bình tĩnh để đối mặt với phiên xử sắp tới, mà không một chút hối tiếc về những chọn lựa của mình, và lạc quan chờ đợi ngày mai. Anh hi vọng rằng một ngày kia, nước ta sẽ trở thành đất nước của tự do ngôn luận, mọi công dân có quyền lên tiếng một cách bình đẳng, mọi giá trị, tư tưởng, tín ngưỡng, chính kiến đều có thể chung sống và thi đua với nhau một cách công bằng. Rằng trên đất nước này, tư tưởng đa số và tư tưởng thiểu số sẽ được bảo hộ như nhau, đặc biệt là những tư tưởng khác với tư tưởng của những người cầm quyền. Rằng mọi quan điểm chính trị đều có thể được trình bày công khai để nhân dân chọn lựa, rằng mọi công dân đều có thể phát biểu mà không phải e sợ, không gặp nguy cơ bị truy bức vì công bố một chính kiến khác. Anh cũng mong rằng anh là người cuối cùng trong cái danh sách dài đặc những nạn nhân vào tù vì trước tác của mình, mong rằng không còn ai sẽ bị kết án vì ý kiến của mình.

Tự do phát biểu là nền tảng của các quyền con người, là cơ sở của mọi tình cảm nhân tính, là mẹ của chân lí. Tiêu diệt tự do phát biểu là chà đạp các quyền con người, là bóp nghẹt mọi tình cảm nhân tính, là bịt miệng chân lí.

Cho dù tôi vô tội mà vẫn bị kết án vì đã làm rạng danh quyền tự do phát biểu được Hiến pháp quy định, vì đã đảm nhiệm tới cùng các nghĩa vụ xã hội của một công dân Trung Quốc, tôi không có điều gì oán thán...

Cảm ơn mọi người !

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Indochine: 70 ans après les Accords de Genève 21/11/2024 16:00 - 18:00 — BnF site François-Mitterrand, Quai François Mauriac, 75706 Paris Cedex 13 | Zoom
Yda: Un court-métrage Hanoi - Warszawa 29/11/2024 19:00 - 21:00 — Médiathèque Jean-Pierre Melville, 79 rue Nationale, Paris 75013, M° Olympiades
Les Accords de Genève, espoirs et désillusions au cœur de la guerre froide. De l’indépendance à la division du Vietnam 11/12/2024 16:30 - 18:00 — Bibliothèque François-Mitterrand, Quai François Mauriac - 75706 Paris Cedex 13
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us