Bạn đang ở: Trang chủ / Thế giới / Giải Nobel kinh tế 2007

Giải Nobel kinh tế 2007

- Trần Hữu Dũng — published 24/10/2007 23:28, cập nhật lần cuối 25/10/2007 14:48
Giải (Tưởng Niệm) Nobel Kinh tế năm 2007 vừa được Hàn lâm viện Khoa học Thuỵ Điển trao tặng cho ba giáo sư người Mỹ: Leonid Hurwicz (90 tuổi, gốc Nga, giáo sư hồi hưu Đại học Minnesota), Eric Maskin (56 tuổi, hiện là thành viên của Viện Nghiên cứu Tiên tiến ở Princeton, bang New Jersey), và Roger Myerson (56 tuổi, giáo sư Đại học Chicago). Ba ông được tuyên dương do những đóng góp vào “lý thuyết thiết kế cơ chế” (mechanism design theory). Nghe tin này, nhiều đồng nghiệp của các ông đã nói đùa : Nobel kinh tế năm nay sẽ khiến đông đảo nhà báo nhức đầu, vì có mấy ai giải thích được cái thuyết này cho công chúng ? Họ quên rằng có nhà kinh tế kiêm nhà báo Trần Hữu Dũng.


 

Nobel Kinh tế 2007

 

Trần Hữu Dũng

 

 

Giải (Tưởng Niệm) Nobel Kinh tế năm 2007 vừa được Hàn lâm viện Khoa học Thuỵ Điển trao tặng cho ba giáo sư người Mỹ: Leonid Hurwicz (90 tuổi, gốc Nga, giáo sư hồi hưu Đại học Minnesota), Eric Maskin (56 tuổi, hiện là thành viên của Viện Nghiên cứu Tiên tiến ở Princeton, bang New Jersey), và Roger Myerson (56 tuổi, giáo sư Đại học Chicago). Ba ông được tuyên dương do những đóng góp vào “lý thuyết thiết kế cơ chế” (mechanism design theory). Nghe tin này, nhiều đồng nghiệp của các ông đã nói đùa : Nobel kinh tế năm nay sẽ khiến đông đảo nhà báo nhức đầu, vì có mấy ai giải thích được cái thuyết này cho công chúng ?

 

■ Vậy, “lý thuyết thiết kế cơ chế” là gì ?

 

Nhớ lại rằng theo Adam Smith thì thị trường sẽ đem người mua và người bán lại với nhau. Vô số người bán sẽ gặp vô số người mua, “bàn tay vô hình” sẽ “hướng dẫn” mọi giao dịch, người bán sẽ bán hàng của họ ở giá cao nhất mà người mua chấp thuận, ai nấy đều thoả mãn, tài nguyên sẽ được phân bố một cách hữu hiệu nhất.

Nhưng... thực tế hầu như chẳng bao giờ được như thế. Đành rằng thị trường rất là hữu hiệu, song chúng chỉ vận hành tối hảo trong những điều kiện vô cùng khắt khe mà thực tế ít khi (nếu có khi nào !) hội đủ. Chẳng hạn như : người mua và người bán lắm lúc không tìm ra nhau, hoặc một người mua tìm cách đầu cơ, hoặc người bán chính là nhà nước (mà mục tiêu không (chỉ) là lợi nhuận), v.v.  Rồi, nếu thông tin mà người mua hoặc người bán là “riêng tư” (nghĩa là chỉ người ấy biết, ví dụ như chất lượng của món hàng, hoặc mức giá tối đa mà họ có thể chấp nhận (nếu là người mua) hoặc tối thiểu (nếu là người bán)), thì thị trường có thể “thất bại”, thậm chí buôn bán không thể xảy ra.

Ví dụ : công ty nọ có thể nói rằng họ chỉ chấp thuận cung cấp một dịch vụ với giá $200, trong lúc mà thật sự họ có thể đủ lợi nhuận với giá $150. Một công ty khác có thể nói rằng họ chỉ chịu mua dịch vụ ấy với giá $100, dù (trong thâm tâm, không nói ra) họ sẵn sàng trả đến $170. Hiển nhiên, hai công ty này có thể mua bán với nhau nếu giá dịch vụ ấy rơi vào khoảng từ $150 đến $170, nhưng sự buôn bán này có thể không xảy ra bởi lẽ cả hai đều có động lực giữ kín cái “thế” của họ.

Thuyết “thiết kế cơ chế” bắt nguồn từ câu hỏi : cơ chế nào là tốt nhất (đối với một chủ thể nhất định, có thể là nhà nước, có thể là công ty, hay bất kỳ một tổ chức nào khác) để phân bố hàng hoá và dịch vụ khi mà mọi người đều (a) có những “thông tin riêng tư”, và (b) hành xử theo tư lợi của mình.

Cần nói rõ là chữ “cơ chế” (mechanism), ít ra vào giai đoạn đầu của dòng lý thuyết này, là do Hurwicz dùng trong một nghĩa cực kỳ chuyên môn. “Cơ chế”, ông định nghĩa, là “một trò chơi trong đó các ‘tay chơi’ gửi ‘thông điệp’ cho nhau hoặc/và đến một ‘trung tâm thông điệp’, và có một quy luật định trước để ghép một hậu quả nhất định (tỷ như một cách phân bố hàng hoá và dịch vụ) đến mỗi tập hợp thông điệp nhận được” . Đấu giá, chẳng hạn, là một “cơ chế” theo nghĩa này.

Dù có tên khá “tối tăm” như vậy, “lý thuyết thiết kế cơ chế” đi vào trung tâm bài toán căn bản nhất của kinh tế học : Làm sao “sắp xếp” những định chế, những luật chơi kinh tế để, khi mỗi người cư xử thuần vì tư lợi, kết quả sẽ tối hảo (theo một nghĩa nhất định) cho mọi người liên hệ. Trong kinh tế học hiện đại, danh từ “cơ chế” thường được dùng một cách “thoáng” hơn trong nghĩa chuẩn xác nguyên thuỷ của Hurwicz. Nó có thể ám chỉ mọi thể chế và “luật chơi” chi phối các sinh hoạt kinh tế, từ Bộ Kế hoạch trong một nền kinh tế chỉ huy, đến tổ chức nội bộ một công ty, đến buôn bán trên thị trường, v.v. 

 

■ Công trình của Hurwicz, Maskin và Myerson


Năm 1972, Leonid Hurwicz đưa vào khoa học kinh tế một ý niệm quan trọng, đó là “sự tương thích động lực” (incentive compatibility). Theo định nghĩa của ông, một tiến trình sẽ có tính “tương thích động lực” khi tất cả những người tham dự tiến trình ấy đạt được mức thoả mãn cao nhất nếu họ thành thực tiết lộ những thông tin tư riêng của họ. Ý niệm này, và nhất là cách nó được “toán hoá” một cách giản dị và cực kỳ “trang nhã” trong tay Hurwicz, là nền móng của toàn bộ lý thuyết thiết kế cơ chế.

Định vị thuyết này trong dòng tiến hoá của tư tưởng kinh tế thì có thể nói rằng Hurwicz (một người gốc Nga, sinh đúng vào năm 1917 của cách mạng Tháng Mười !) bị ảnh hưởng của Friedrich Hayek (Nobel 1974) lẫn đối thủ của Hayek là Oskar Lange về tính khả thi của kế hoạch hoá tập trung. (Nhắc lại : Oskar Lange lý luận rằng những công cụ thị trường có thể được dùng trong kế hoạch hoá tập trung, còn Hayek thì cho rằng việc ấy là ảo tưởng, vì kế hoạch hoá kiểu đó sẽ cần một số lượng thông tin khổng lồ – hầu như vô tận – và, hơn nữa, thông tin, chính chúng, sẽ tiêu tốn tài nguyên). Thật vậy, có thể xem công trình của Hurwicz như tiếp nối nỗ lực của Hayek để chứng minh rằng thị trường là hữu hiệu (theo một nghĩa nhất định) hơn kế hoạch nhà nước trong mục tiêu phân bố nguồn lực kinh tế.

Nhưng Hurwicz đi xa hơn Hayek, bởi vì theo ông thì thị trường cũng không thể hoàn hảo. Theo Hurwicz, nhược điểm căn bản,“chết người”, của kinh tế kế hoạch không chỉ là sự vô cùng phức tạp của nền kinh tế (mà không một “trung ương” nào có đầy đủ và kịp thời mọi thông tin), song kế hoạch hoá quy mô là một ảo tưởng vì con người nhận được những khuyến khích “sai” (đối với mục tiêu của kế hoạch), và vì sinh hoạt kinh tế là đầy dẫy những sự “bất đối xứng thông tin” (cụm từ mà thế hệ kinh tế gia sau Hurwicz sẽ phổ cập hoá), nói nôm na là người này biết nhiều hơn người kia về mặt nào đó của giao dịch, và không muốn tiết lộ thông tin ấy cho đối tác. Thị trường tự do, tuy hữu hiệu hơn kế hoạch hoá về nhiều mặt, vẫn còn nhiều hụt hẫng do những vấn đề về thông tin và động lực bất tương thích như thế. Thuyết thiết kế cơ chế của ông là nhằm phân tích các hụt hẫng này, và đưa ra một số tiêu chuẩn để thiết lập và thẩm định những thể chế có khả năng bổ sung thị trường. Nhờ Hurwicz, các lý thuyết gia kinh tế ngày nay biết rằng : khi đi tìm một cơ chế tối hảo để giải quyết một vấn đề nào đó, nhà nghiên cứu có thể giới hạn sự tìm kiếm của mình trong một nhóm cơ chế tương đối nhỏ, nhóm đó được Hurwicz gọi là các “cơ chế trực tiếp” (direct mechanism) thoả mãn điều kiện “tương thích động lực” mà Hurwicz vạch ra.

Roger Myerson, xây dựng trên căn bản lý thuyết của Hurwicz, cho rằng một trong những căn nguyên của sự bất tương thích động cơ là sự “chọn lựa ngược” (adverse selection). Các công ty bảo hiểm y tế, chẳng hạn, bị cái khó khăn này : đa số những người mua bảo hiểm đắt tiền là những người mà sức khỏe có “vấn đề” – tức là loại khách hàng mà các công ty bảo hiểm không muốn có – mà chỉ những người này biết. Nếu công ty bảo hiểm tăng giá bảo hiểm để bù lỗ thì lại chỉ những người có sức khoẻ kém hơn nữa mới mua, công ty lại càng thêm lỗ lã...

Đóng góp nổi bật của Myerson vào thuyết thiết lập cơ chế là về cái gọi là “nguyên tắc biểu lộ” (revelation principle), dùng toán học để đơn giản hoá cách tính những “luật chơi” hữu hiệu nhất để khuyến dụ các cá nhân liên hệ chân thật bộc lộ những thông tin riêng tư của mỗi người. Bài “Optimal auction design” (Thiết kế đấu giá tối hảo) của Myerson là một “hạt giống” kinh điển cho những tiến bộ sau này trong lý thuyết ấy.

 “Nguyên tắc biểu lộ” của Myerson là một bước tiến lớn cho những phân tích về cơ chế kinh tế. Song, còn rắc rối : trong nhiều trường hợp, một cơ chế sẽ đưa đến, không chỉ một “cân bằng” (equilibrium) duy nhất, nhưng nhiều “cân bằng”, có cái “thật tốt”, có cái “không tốt bằng”. Câu hỏi sẽ là : có một cơ chế nào mà mọi cân bằng của nó đều là tối hảo ? Maskin (1977) là người đầu tiên phác thảo đáp án cho bài toán này.

Khám phá của Eric Maskin là cốt lõi của “thuyết thực thi” (implementation theory). Cụ thể, thuyết này soi sáng vấn đề : trong trường hợp nào thì có thể thiết kế một cơ chế mà hậu quả chỉ gồm những “điểm cân bằng” thoả mãn tính “tương thích động lực” của Hurwicz, nghĩa là tối hảo. Maskin cũng là người khám phá một điều kiện trong khoa thống kê gọi là “tính đơn điệu Maskin” (Maskin monotonicity) mà người “ngoại đạo” có lẽ không cần biết làm gì!

 

■ Ứng dụng


 
Nhìn lại, Hurwicz, Maskin, và Myerson (và những người đi sau các ông) phác hoạ một cách thẩm định các “cơ cấu phân bố tài nguyên” trong một thế giới có nhiều nền kinh tế đua chen nhau : từ kinh tế kế hoạch như của Liên Xô cũ, đến kinh tế thị trường, đến những nền kinh tế “được quản lý”. Các ông đưa ra những cơ chế phân bố (allocation mechanism) khác nhau, cho phép các cơ quan điều tiết kinh tế của nhà nước, các nhà quản lý kinh doanh, thấy cái ưu và nhược điểm của từng cơ chế, và chọn lựa thiết kế tối hảo trong một tình huống nhất định nào đó. Từ những năm 1970 thì lý thuyết này ngày càng tinh vi và phức tạp nhờ các tiến bộ của máy tính điện tử và thuyết trò chơi.

Trong thực hành, một ứng dụng rất quan trọng là trong việc điều tiết công nghiệp (kể cả điều tiết chống độc quyền), khi mà các công ty không bao giờ muốn tiết lộ tổn phí sản xuất và những thông tin tư riêng khác. Những áp dụng quan trọng nữa là trong các biện pháp chống ô nhiễm môi trường, bán đấu giá các mạng lưới phân phối điện, và đặc biệt là bán đấu giá các dải băng tầng radio. (Paul Klemperer, một đồng sự của Myerson, đã nhận được một số tiền rất “sộp” của Liên hiệp Châu Âu để nghiên cứu những phương án bán đấu giá này). Một ứng dụng nữa là giúp nhà nước nghĩ ra những cách tốt hơn để “cấu trúc” hợp đồng với các công ty cung cấp vũ khí (thường lợi dụng sự thiếu thông tin của nhà nước để bán với giá cao tận mây xanh, ít khi đúng hạn, mà chất lượng thì dưới chuẩn…)

Công trình của ba nhà kinh tế được giải Nobel năm nay cũng có thể được xem như gieo nghi vấn là quyền sở hữu có thể là “quá đáng” trong một nền kinh tế tư bản. Theo quan điểm này, những người sở hữu công ty thường có xu hướng giấu nhau những thông tin về công ty của họ. Myerson cho rằng chính vì lý do này mà các công ty thuê người làm công, bởi những người này (không là sở hữu chủ của công ty) sẽ dễ cộng tác với nhau hơn là những người ngoài mà công ty thuê. Myerson khẳng định : Về những vấn đề dính dáng đến thông tin thì lắm khi ít quyền sở hữu tài sản lại là tốt hơn!

 

■ Vài lời cuối


Tóm lại, thuyết “thiết kế cơ chế” mà Leonid Hurwicz, Eric Maskin và Roger Myerson được vinh danh năm nay, tuy khá trừu tượng, song đã có ảnh hưởng sâu sắc trong cách suy nghĩ của các nhà kinh tế về nhiều vấn đề căn bản trong kinh doanh, quản trị, chính sách….

Đối với những người “quá tin” vào “thị trường”, lý thuyết này là cần thiết như một hồi chuông cảnh tỉnh. Đành rằng thị trường là một thể chế phân bố nguồn lực xã hội một cách “khá tốt”, hầu như không bao giờ nó có thể vận hành tối hảo, dù có được điều tiết. Những người lãnh đạo khôn ngoan, hiểu biết, phải ý thức điều ấy và khiêm tốn hơn trong những quyết định của mình.

Không như nhiều lần trong những năm trước, giải Nobel Kinh tế năm nay ít bị chỉ trích là mang tính chính trị. Có vài than phiền rằng thuyết thiết kế cơ chế là quá vi mô (hiện vẫn chưa có áp dụng đáng kể nào cho kinh tế vĩ mô), và quá “tĩnh” (static).  Dù gì, cách phân tích của các nhà kinh tế này cũng là tiêu biểu của kinh tế học (nhất là kinh tế học vi mô) hiện đại : cực kỳ sáng tạo, nhưng rất “toán”, và lắm khi những tiến bộ là do “tiểu xảo” chứ không là từ một lý thuyết “hoành tráng” như những tiến bộ trong kinh tế ở thế hệ trước… (Một tiểu tiết thú vị : bằng tiến sĩ của cả Maskin lẫn Myerson là về toán ứng dụng, không phải kinh tế).

Ở Princeton, giáo sư Maskin hiện cư ngụ trong ngôi nhà mà Einstein (cũng là một thành viên của Viện Nghiên cứu Tiên tiến vào những năm cuối đời) đã từng sống.

 Trần Hữu Dũng

24-10-07


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Yda: Un court-métrage Hanoi - Warszawa 29/11/2024 19:00 - 21:00 — Médiathèque Jean-Pierre Melville, 79 rue Nationale, Paris 75013, M° Olympiades
Les Accords de Genève, espoirs et désillusions au cœur de la guerre froide. De l’indépendance à la division du Vietnam 11/12/2024 16:30 - 18:00 — Bibliothèque François-Mitterrand, Quai François Mauriac - 75706 Paris Cedex 13
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us