Bạn đang ở: Trang chủ / Thế giới / Hổ vẫn gầm, đến bao giờ ? (I)

Hổ vẫn gầm, đến bao giờ ? (I)

- Trần Bình — published 28/12/2009 00:00, cập nhật lần cuối 28/12/2009 19:48

Hổ vẫn gầm, đến bao giờ? (I)



Trần Bình


Chỉ một tuần lễ sau khi Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF) điều chỉnh dự báo tăng trưởng của Trung Quốc (TQ) năm 2009, 2010 lên 8.5% và 9.0% (1) cuối tháng 10/2009, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đã nâng dự báo về mức tăng trưởng của TQ năm 2009 lên 8.4% và 8.7% cho năm 2010 (2). Các thông tin cập nhật này củng cố độ tin cậy của hai dự báo quan trọng khác: Năm 2010 TQ sẽ vượt qua Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ hai, và đồng thời xuất khẩu TQ sẽ chiếm 10% thế giới, là tỷ lệ xuất khẩu nước Nhật đã từng đạt được năm 1986.

Nêu lên những dữ kiện trên đây, Pam Woodall, nhà bình luận kinh tế Châu Á của tờ The Economist đặt vấn đề cho bài viết Con Rồng Vẫn Gầm (3): "Nhưng nền kinh tế của TQ có nhiều nét tương đồng đáng quan ngại với nền kinh tế Nhật Bản vào những năm 1980. Vậy liệu rằng sự phồn thịnh này có thể sẽ suy sụp như đã từng xảy ra cho đất nước Phù Tang?".  Ngày nay, với những chỉ dấu trọng yếu của nền kinh tế TQ, được các tổ chức kinh tế tài chánh hàng đầu thế giới như WB và IMF xác nhận, những luận cứ minh chứng TQ là con hổ giấy đang thưa dần. Các cuộc thảo luận về khả năng duy trì tốc độ phát triển hiện nay, ảnh hưởng và vai trò của TQ trên thế giới là các vấn đề trọng tâm của các cuộc luận bàn.

Trong bối cảnh của cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay, một luận điểm khá mới mẻ cho rằng các nền kinh tế đang lên (emerging markets) dẫn đầu bởi TQ và Ấn Độ là chủ lực trong tiến trình phục hồi nền kinh tế thế giới đang trên đà suy thoái. Ngày nay, những bài bình luận về TQ ngày thêm dày đặc trên các diễn đàn thế giới, vì cũng như các cường quốc kinh tế đứng đầu thế giới Hoa Kỳ-Nhật-Đức, những biến động của nền kinh tế TQ sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến nền kinh tế toàn cầu, có thể cảm nhận được trong đời sống thường nhật của mỗi quốc gia.

Trở thành cường quốc kinh tế, TQ tất nhiên sẽ mở rộng ảnh hưởng chính trị qua việc tăng cường sức mạnh quân sự, gia tăng đầu tư ra nước ngoài, chiếm hữu nguồn nguyên, nhiên liệu chiến lược, thiết lập liên minh kinh tế và quân sự. Mặc dù các động thái này vẫn xảy ra với bất kỳ cường quốc kinh tế nào trên thế giới, và chiêu thức "củ cà rốt và cây gậy" là chiến lược ngoại giao được sử dụng phổ biến trong bang giao quốc tế, song con hổ TQ là một chế độ chuyên quyền, liệu nó có tuân thủ các qui ước quốc tế mới là mối quan ngại của các nhà quan sát chính trường thế giới.

Sự phát triển nhanh chóng của TQ còn là một thách đố đối với công cuộc vận động dân chủ, xây dựng trên luận điểm nền tảng rằng xã hội dân sự và định chế chính trị dân chủ là điều kiện tối ưu cho công cuộc phát triển quốc gia. Với những thành tựu kinh tế, ngày nay TQ đã quy tụ được không ít môn đồ; những nước đang ra sức củng cố thể chế độc tài, hoặc với niềm tin rằng mô hình TQ là khuôn mẫu phát triển hiệu quả, hoặc sử dụng nó như cái phao để bám víu, duy trì quyền lực chính trị và lợi ích cá nhân. Thế giới ngày nay đang dõi theo từng bước phát triển của TQ và Liên Xô, đại biểu cho hai nền kinh tế tư bản hiện đang, hay có khuynh hướng, theo chế độ chính trị chuyên quyền, và hai nền kinh tế Ấn Độ, Brazil, đang phát triển trong khuôn khổ của mô hình chính trị dân chủ.  

Trên một góc độ khác, dù rằng các nhà đầu tư, các cường quốc chỉ quan tâm đến lợi nhuận và quyền lợi quốc gia, chỉ lên án một cách chiếu lệ các vấn đề nhân quyền và bình đẳng xã hội, song sự phát triển kinh tế đơn thuần sẽ phiến diện nếu như những thành tựu không được phân bố rộng rãi đến các tầng lớp dân chúng, và khi các quyền căn bản của người dân không được tôn trọng và bảo vệ.


I. Tổng Quan:

Mức tăng trưởng GDP của TQ trong ba thập niên qua đạt trung bình gần 10% mỗi năm. Với tốc độ phát triển này, từ một nền kinh tế đứng thứ 10 thế giới 20 năm trước, TQ hiện là nền kinh tế lớn thứ ba trên thế giới, với GDP 4.327 tỷ USD theo số liệu năm 2008. Khoảng cách GDP giữa TQ và nền kinh tế thứ hai Nhật Bản đang thu hẹp dần, các nhà kinh tế dự báo rằng TQ sẽ vượt Nhật trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 vào năm 2010.

Vị thế và tiến trình phát triển kinh tế TQ được biểu thị qua bảng xếp hạng 10 nền kinh tế đứng đầu thế giới dựa theo số liệu của WB và IMF (4), và biểu đồ so sánh sự phát triển của hai nền kinh tế của TQ và Nhật Bản giai đoạn 1985-2010 do nhóm Economist Intelligence Unit thiết lập (5).

 


Các nhà kinh tế còn dự đoán TQ có khả năng vựợt qua Hoa Kỳ trong vòng 20 năm tới. Tuy nhiên, cũng đã từng có những dự đoán tương tự như vậy khi nước Nhật đang ở thời kỳ phát triển sung mãn của những năm 80. Thế rồi cuộc khủng hoảng kinh tế nước Nhật xảy ra, nền kinh tế Nhật suy thoái kéo dài hàng thập niên, và khoảng cách giữa hai nền kinh tế Nhật và Hoa kỳ không thu hẹp mà gia tăng.

Xuất khẩu là nhân tố chính của cán cân thanh toán thặng dư, nguồn chủ lực cho phát triển kinh tế TQ. Ngành xuất khẩu TQ tăng nhanh, chiếm 4% tỷ phần xuất khẩu của thế giới năm 2000, và dự báo sẽ đạt 10% vào năm 2010.

Số liệu từ hai bảng số 4 (6) cho thấy thặng dư cán cân thượng mại của TQ tăng mạnh những năm gần đây. Theo bảng xếp hạng xuất khẩu năm 2008 của The World Fact Book, kim ngạch xuất khẩu của TQ năm 2008 đạt 1435 tỷ USD, gần bắt kịp Đức quốc (1498 tỷ USD) là nước dẫn đầu thế giới (7).

Bảng số 5 biểu thị một góc cạnh quan trọng khác về ngành xuất khẩu của TQ. Các sản phẩm sơ chế và gia công như may mặc (apparel), bàn ghế (furniture), khoáng sản (mineral fuel & oil) tuy vẫn nằm trong số 10 mặt hàng xuất khẩu lớn nhất, song chiiếm tỷ lệ thứ yếu so với các sản phẩm hóa chất, thiết bị, máy móc cơ khí, điện tử và y tế, là các mặt hàng có giá trị gia tăng cao (8).

 

Mức tăng trưởng của ngành xuất khẩu và cán cân thương mại thặng dư cũng là điểm nóng của nền mậu dịch quốc tế vì sự mất cân đối nghiêm trọng trong cán cân thương mại giữa TQ và thế giới, đặc biệt đối với Hoa kỳ. Cuộc khủng kinh tế thế giới làm giảm mạnh mức cầu tiêu thụ trên thế giới, đặc biệt tại các nước phát triển. Liệu TQ có thể duy trì được mức tăng trưởng kinh tế trước sự suy thoái của hoạt động xuất khẩu? TQ sẽ đối phó thế nào trước áp lực gia tăng của các cường quốc kinh tế, đặc biệt Hoa Kỳ, về cán cân thương thặng dư quá lớn?           

Dự trữ ngoại hối của TQ lên đến 2.270 tỷ USD, tính đến tháng 9/2009. TQ hiện là quốc gia có nguồn dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới, với lượng dự trữ lớn hơn hai lần dự trữ ngoại hối của nước đứng thứ hai là Nhật Bản, 1.052 tỷ USD (9).

Biểu đồ số 2 dưới đây cho thấy thặng dư cán cân thanh toán (current account) của TQ tăng mạnh những năm gần đây khiến nguồn dự trữ ngoại hối không ngừng gia tăng. Năm 2006, thặng dư cán cân thanh toán hàng năm của TQ đã vượt Nhật Bản, trở thành quốc gia có thặng dư cán cân thanh toán lớn nhất thế giới. Mức thặng dư năm 2008 đạt 426 tỷ USD, chiếm 9.8% GDP (10).

Trong mối giao thương với Hoa Kỳ, từ năm 2000 TQ đã thay thế Nhật Bản là quốc gia mà Hoa Kỳ có thâm hụt thương mại cao nhất. Chỉ riêng năm 2008, thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ với TQ lên đến 268 tỷ USD, chiếm 32.8% tổng thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ (11).               




Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu của công ty Pivot Capital Management cho rằng con số dự trữ ngoại hối trên 2 ngàn tỷ USD và số nợ rất thấp tương ứng với 23% GDP không phản ảnh thực trạng tài chính của TQ. Với khoản nợ chính phủ trên 1000 tỷ USD, giá trị trái phiếu ấn hành để cứu các ngân hàng năm 2003, các khoản bảo chứng nợ ngân hàng, và dòng đầu tư nóng nước ngoài đang rút ra dần, TQ sẽ không có khả năng chi dùng số dự trữ ngoại khổng lồ này (12).

Mặc cho các thành quả và những con số thống kê đầy ấn tượng của nền kinh tế Trung Quốc (TQ), được công nhận bởi các tổ chức kinh tế tài chánh hàng đầu thế giới như World Bank (WB), International Monetary Fund (IMF), Moody's Investor Serivices, không ít nhà kinh tế, nhà đầu tư vẫn hoài nghi thực lực và triễn vọng phát triển của nền kinh tế TQ. Cuộc tranh luận của họ có thể giúp làm sáng tỏ những vấn đề của nền kinh tế Trung Quốc.

(Xem tiếp Phần II)



Trần Bình - tháng 12/2009



(1) IMF Raises 2010 Growth Forecast for Asia - TRENDSnIFF
(2) World Bank Raises Forecast for China's Economy - New York Times
(3) The dragon still roars - The Economist - Dragon
(4) List of countries by GDP - Wikipedia
(5) Dragon
(6) US-China Trade Statistics and China's World Trade Statistics - USCBC
(7) Country Comparison : Exports - CIA The World Factbook
(8) USCBC
(9) List of states by foreign exchange reserves - Wikipedia
(10) Redressing the Global Imbalance - RIETI
(11) RIETI  
(12) China's Investment Boom the Great Leap Into the Unknown

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
Sân khấu Hồng Hạc - Diễn viên hạng ba 03/01/2025 19:30 - 22:00 — Hoạ Sĩ Cà phê | 15 Phan Kế Bính, Quận 1, TPHCM
Sân khấu Hồng Hạc - Nếu anh còn được sống 07/01/2025 19:30 - 22:25 — Nhà Hát Thanh Niên
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Histoire des employés vietnamiens et indochinois de la BnF à travers les archives (1942-1965) 16/01/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - La mémoire vietnamienne en filigrane. Étude de Paris, qu’as-tu fait de nous ? de Pham Van Ky 06/02/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Le développement d’une culture de contestation anti-coloniale publique à Saigon par le moyen d’une presse autonome (1900-1930) 13/03/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - La génération des néologismes sino-vietnamiens dans la circulation culturelle de la sphère sino-graphique sous l’influence de l’Occident au tournant du XXe siècle 03/04/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Sujets et séjournants. Une nouvelle histoire des indochinois en France 15/05/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Transferts du modèle français à la description de la grammaire vietnamienne 05/06/2025 16:30 - 18:00 — BnF site François-Mitterrand | Salle 70 ou via ZOOM
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us