Bạn đang ở: Trang chủ / Thế giới / Hồi kí cố vấn Trung Quốc (5)

Hồi kí cố vấn Trung Quốc (5)

- Dương Danh Dy dịch và hiệu đính — published 09/03/2009 23:02, cập nhật lần cuối 10/03/2009 16:42
Vai trò của Trần Canh trong Chiến dịch Biên Giới (bài thứ hai)


ĐỒNG CHÍ TRẦN CANH
TRONG VIỆN TRỢ
VIỆT NAM CHỐNG PHÁP


Trương Quảng Hoa



Rất nhiều người đều biết công lao hiển hách của đồng chí Trần Canh trong chiến tranh cách mạng Trung Quốc. Nhưng rất ít ai biết đến đồng chí đã có những đóng góp lớn đối với cuộc chiến tranh chống Pháp của Việt Nam.

Sang Việt Nam với cương vị đại diện
Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc


Đầu năm 1950, Hồ Chí Minh Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam bí mật thăm Bắc Kinh, tranh thủ sự ủng hộ cuộc chiến tranh chống Pháp của Việt Nam. Lúc đó, Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai đang ở thăm Moskva, Chủ tịch liền đi ngay sang Moskva, cùng Mao Trạch Đông, Stalin trao đổi vấn đề trọng đại liên quan đến chiến tranh Việt Nam chống Pháp. Stalin nói, tình hình Trung Quốc và Việt Nam gần giống nhau, tiếp giáp lãnh thổ, nhiệm vụ viện trở đấu tranh cách mạng của Việt Nam chủ yếu nên do Trung Quốc phụ trách.

Đây là bài thứ nhì viết về công lao của Trần Canh trong chiến dịch biên giới 1950, cũng là phần thứ 5 của tập hồi kí GHI CHÉP THỰC VỀ VIỆC ĐOÀN CỐ VẤN QUÂN SỰ TRUNG QUỐC VIỆN TRỢ VIỆT NAM CHỐNG PHÁP (nxb Lịch sử Đảng Cộng sản Trung Quốc, Bắc Kinh, 2002, do Dương Danh Dy dịch và hiệu đính). Thắng lợi ở đường 4 đã tạo ra bước ngoặt trong cuộc kháng chiến lần thứ nhất, nối liền Việt Bắc với Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, và qua đó, phe các nước xã hội chủ nghĩa ; vì trước đó một năm, theo yêu cầu của phía Trung Quốc, đã sang biên giới giúp du kích Hoa Nam giải phóng khu Ung – Long – Khâm (xem bài Chiến dịch Thập vạn đại sơn của Võ Nguyên Giáp). Điều có ý nghĩa là tập hồi kí của đoàn cố vấn Trung Quốc, một mặt đề cao tinh thần “đoàn kết quốc tế” của Mao Trạch Đông, mặt khác, hoàn toàn không nhắc gì tới chiến dịch Thập vạn đại sơn cả, Để có một cái nhìn khách quan về Chiến dịch biên giới, cần đối chiếu với hồi kí của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Chương ba GIẢI PHÓNG BIÊN GIỚI, trong ĐƯỜNG TỚI ĐIỆN BIÊN PHỦ, nxb Quân đội Nhân dân, 2001) và của Trung tá Đặng Văn Việt ("hùm xám đường 4") : DE LA RC4 A LA RN4, La campagne des frontières, Ed Le Capucin, 2000 (nguyên tác tiếng Việt : Đường số 4, con đường lửa, 1999 ; Chiến sĩ đường 4 anh hùng, 2005).

Đã xuất bản trên Diễn Đàn :

(*) Phần (1) : hồi kí của La Quý Ba
(*) Phần (2) : Quyết sách trọng đại....
(*) Phần (3) : Đồng chí Vi Quốc Thanh...
(*) Phần (4) : Đồng chí Trần Canh…

Lúc bấy giờ Trung Quốc mới ra đời, vết thương chiến tranh đầy mình, kinh tế khó khăn chồng chất, nhưng để chi viện cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nước, đảng anh em Việt Nam, và đập tan sự bao vây của các nước đế quốc đối với Trung Quốc, Chính phủ Trung Quốc quyết định chấp nhận yêu cầu của Hồ Chí Minh. Sau khi hai bên Trung Quốc – Việt Nam trao đổi cho rằng, để việc viện trợ của Trung Quốc cho Việt Nam tiến hành thuận lợi, trước tiên cần tổ chức một chiến dịch ở biên giới Trung – Việt, để khai thông tuyến giao thông vận tải giữa hai nước, mở ra cục diện có lợi cho cuộc đấu tranh chống Pháp. Vì vậy, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc vừa tích cực thành lập đoàn cố vấn quân sự do Vi Quốc Thanh làm đoàn trưởng, vừa điện báo cho Trần Canh Phó tư lệnh quân khu Tây Nam, kiêm Tư lệnh quân khu Vân Nam, đi sang trước Việt Nam giúp tổ chức và chỉ huy chiến dịch biên giới.

Sau khi Trần Canh sang Việt Nam với cương vị là đại diện Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, ngày 18/6 Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc chỉ thị rõ ràng nhiệm vụ của Trần Canh đi Việt Nam : “ Ngoài bàn bạc và giải quyết một số vấn đề cụ thể với phía Việt Nam ra, nhiệm vụ chủ yếu nên căn cứ vào tình hình mọi mặt của Việt Nam, vạch ra một kế hoạch quân sự đại thể thiết thực khả thi, để căn cứ vào kế hoạch đó cung cấp các loại viện trợ...”. Sau đó không lâu, Trung ương lại yêu cầu rõ ràng Trần Canh : “ Ở Việt Nam nên giúp các đồng chí ấy đánh mấy trận, mở ra một cục diện tương đối ”.

Ngày 7/7/1950 Trần Canh dẫn đầu Tổ công tác gồm cán bộ quân sự, chính trị hậu cần rời Côn Minh lên đường sang Việt Nam. Đúng lúc giữa hè oi bức, nóng như đổ lửa, có lúc mưa to dầm dề, hằng ngay đi trên đường núi và lội trong ruộng lúa ngập nước, làm cho Trần Canh bị thương nặng hai chân cảm thấy vô cùng khó khăn và vất vả. Đồng chí viết trong nhật ký : “ Sang Việt Nam vào mùa mưa... sáng dậy, mưa vẫn như trút nước ”, “ Thời tiết oi bức, núi cao đường mòn, bùn trơn khó đi, có ngựa cũng không cưỡi được. Xuống núi đến sông Thanh Thuỷ đã mệt nhoài ”, “ Qua cầu, Đảng Cộng sản Việt Nam cử người dựng lều đón tiếp, có các loại thức uống và hoa quả. Đói khát, đến đây ăn như hùm như hổ. Nghỉ ngơi một lát, lập tức ra lệnh cho các đồng chí trong đoàn đại biểu triển khai hoạt động điều tra. Một đêm mưa to, răng đau dữ dội ”.

Trong hai mươi ngày đêm gian khổ đó Trần Canh lê đôi chân bị thương, chịu đựng từng cơn đau răng dữ dội, trên đường đi vẫn cười nói tự nhiên. Đồng chí vừa đi vừa chăm chú điều tra nghiên cứu, nắm vững tình hình liên quan đến tác chiến, xem xét tỉ mỉ vấn đề tác chiến từ nay về sau của quân đội Việt Nam. Ngày 20/7, Trần Canh điện báo Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và La Quý Ba (về sau làm đoàn trưởng đoàn cố vấn chính trị Trung Quốc, Đại sứ Trung Quốc đầu tiên tại Việt Nam) đã có mặt tại Việt Nam và nói : “ Theo tôi tìm hiểu dọc đường đi quân Pháp ở Việt Nam chưa có khả năng tấn công, bọn địch ở Lạng Sơn, Lào Cai v.v. còn khống chế binh lực cơ động tương đối với thuyết hiện thực, quân đội Việt Nam chưa giành được chủ động hoàn toàn, một bộ phận chủ lực quân đội Việt Nam, sau khi qua Quảng Tây, Vân Nam chỉnh huấn trang bị, tinh thần rất cao, nhưng cán bộ tiểu đoàn trở lên phần nhiều là phần tử tri thức mới, khả năng chỉ huy thực tế tương đối ít, phương châm tác chiến ở Bắc Bộ Việt Nam hiện nay nên tranh thủ tiêu diệt bộ đội cơ động của địch trong dã chiến, trước hết, nhổ một số cứ điểm cô lập tương đối nhỏ, giành thắng lợi, tích luỹ kinh nghiệm, nâng cao và củng cố tinh thần bộ đội, tranh thủ chủ động hoàn toàn, từng bước chuyển sang tác chiến quy mô lớn ; phía Việt Nam đã quyết định đánh Cao Bằng trước ; kiến nghị bao vây tấn công bộ đội ở Cao Bằng, đánh chiếm trước cứ điểm cô lập ở vòng ngoài, rút kinh nghiệm, nếu địch ở Cao Bằng ra chi viện, tranh thủ tiêu diệt một bộ phận của chúng ở dã ngoại, tạo điều kiện có lợi cho đánh chiếm Cao Bằng, rồi đánh lấy Cao Bằng sau...”

Ý kiến của Trần Canh được Quân uỷ Trung Quốc tán thành. Ngày 26/7, Quân uỷ Trung ương điện trả lời Trần Canh : “ Chúng tôi cho rằng ý kiến của đồng chí là đúng, quân đội Việt Nam nên đánh trận nhỏ trước, từng bước luyện tập, có thể đánh trận lớn hơn một chút. Sau đó mới có thể đánh trận tương đối lớn. Trước mắt chưa nên đánh Cao Bằng, đánh cứ điểm nhỏ trước, đồng thời tranh thủ vây thành chặn viện là thích hợp ”.

Gặp Hồ Chí Minh trong rừng sâu


Hồ Chí Minh và Trần Canh biết nhau ở Quảng Châu ngay từ thời kỳ đại cách mạng Trung Quốc. Ngày 27/7, sau bao nhiêu năm xa cách, họ lại gặp nhau trong rừng nguyên thuỷ Bắc bộ Việt Nam, hai người cảm động ôm chặt lấy nhau, phấn khởi nói : “ Chúng ta lại gặp nhau rồi !

Ngay đêm hôm đến trụ sở Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Trần Canh và Hồ Chí Minh đã tiến hành hội đàm thân thiết. Hồ Chí Minh rất tán thưởng quan điểm của Trần Canh và yêu cầu Trần Canh nhanh chóng ra Bộ chỉ huy tiền phương hỗ trợ chức chỉ huy chiến dịch này.

Ngày 30/7, tức trước ngày Trần Canh rời trụ sở Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, một hôm Hồ Chí Minh mời Trần Canh và La Quý Ba đến gian nhà sàn lợp nan, nơi ở của Chủ tịch trong rừng trúc. Trần Canh nhìn bốn phía xung quanh, trong nhà, chỉ có một chiếc giường, một bàn một ghế, trên giường trải một tấm thảm, trên bàn đặt một máy chữ và mấy quyển sách, đồng chí bất giác quay người nhìn người bạn cũ của mình với tấm lòng trìu mến nói : “ Hồ chủ tịch quá giản dị, thật đáng kính, đáng kính ”. Hồ Chí Minh càng không khỏi nhớ lại tình hình thời kỳ đại cách mạng ở Quảng Châu, thời kỳ chống Nhật ở Diên An. Khi nhắc đến hai người bạn cũ lại gặp nhau trong cuộc sống chiến đấu gian khổ, Hồ Chí Minh thông thạo nói và viết chữ Hán, liền ngâm thơ : “ Cao sĩ nằm trên núi đá lởm chởm, anh hùng đến trong rừng sâu thăm thẳm ”, thể hiện tấm lòng phấn khởi của Người khi gặp lại Trần Canh. Ngày 31/7 Trần Canh cùng đoàn lên đường đến Bộ chỉ huy tiền phương quân đội Việt Nam đóng ở Quảng Uyên.

Khi Hồ Chí Minh đi ra tận bìa rừng để tiễn Trần Canh, nhìn thấy trong tay mỗi người trong đoàn Trần Canh ai nấy đều cầm chiếc ô che mưa mang từ trong nước, bèn chỉ tay vào ô của Trần Canh nói : “ Cái này không được ”. Người nhìn thấy Trần Canh mặt ngơ ngác, lại nói : “ Người Việt Nam chúng tôi đi đường rừng rất ít người cầm ô, để bảo mật và khỏi lộ thân phận, phải đổi trang phục cho các đồng chí ”. Tiếp đó, Hồ Chí Minh tự tay thu lại chiếc ô của Trần Canh, phát cho mỗi người một mũ lá cọ và dặn đi dặn lại Trần Canh, trên đường phải đề cao cảnh giác, chú ý an toàn.

Thuyết phục cán bộ quân đội Việt Nam đánh Đông Khê trước.


Ngày 14/8, đoàn Trần Canh đến Bộ chỉ huy tiền phương ở Quảng Uyên, gặp Đoàn cố vấn quân sự do Vi Quốc Thanh làm trưởng đoàn đã đến đó trước hai ngày.

Trần Canh không quản mệt mỏi, tranh thủ thời gian cùng Vi Quốc Thanh nghe Tổng tham mưu trưởng quân đội Việt Nam Hoàng Văn Thái và các đơn vị tác chiến giới thiệu tình hình liên quan đến hai bên địch ta, nhất là tình hình cụ thể của chiến trường Đông Bắc. Toàn cảnh của chiến khu Việt Nam tức thì hiện lên trong đầu óc của Trần Canh. Tổng binh lực của quân Pháp ở Đông Dương có khoảng 230.000 người, trong đó bộ đội gốc Pháp hơn 40.000 người còn lại là lính đánh thuê châu Âu, châu Phi và quân nguỵ Việt Nam.

Binh lực ở vùng Bắc Bộ Việt Nam là hơn 70.000 người, 100 máy bay (máy bay chiến đấu và máy bay vận tải mỗi thứ một nửa). Trong tấn công mùa xuân 1950, quân Pháp đánh chiếm các tỉnh Thái Nguyên, Hà Nam và Ninh Bình, cơ bản khống chế vùng sản xuất lương thực đồng bằng sông Hồng. Ở biên giới Trung – Việt tiếp giáp với Quảng Tây, tổng binh lực của quân Pháp khoảng 11.000 người, cơ bản ở thế thủ, lập tuyến phòng ngự trọng điểm dọc quốc lộ 4. Tháng 5/1950 quân đội Việt Nam công kích Đông Khê, cứ điểm nhỏ nằm giữa Cao Bằng, Thất Khê, tuy cuối cùng không công kích được, nhưng thực tế làm cho quân Pháp sợ khiếp vía. Sau đó quân Pháp tăng cường lực lượng phòng thủ cứ điểm biên giới Cao Bằng, Đông Khê và Thất Khê.

Tổng binh lực của Quân đội Nhân dân Việt Nam khoảng 160.000 người trong đó bộ đội thuộc đại đoàn 308 có tất cả hơn 20.000 người do Bộ Tổng trực tiếp nắm, toàn bộ tập trung ở gần Cao Bằng. Quân Pháp ở vùng Cao Bằng chỉ có hơn 2000 tên, quân đội Việt Nam chiếm ưu thế tuyệt đối về số lượng. Đánh tốt, chiến dịch biên giới thì quân đội Việt Nam có thể giành được chủ động về chiến lược. Để tìm hiểu cụ thể tình hình chiến trường, Trần Canh cử người đi trinh sát thực địa Cao Bằng, phát hiện quân đóng giữ Cao Bằng đã tăng thêm 3 tiểu đoàn khoảng 1500 tên, ba mặt là nước, một mặt là núi dễ phòng thủ, khó tấn công, là cục xương rất khó gặm, với kỹ thuật tác chiến và tố chất tâm lý của quân đội Việt Nam trước mắt, tấn công Cao Bằng trước là cả một vấn đề, khó khăn rất lớn.

Trần Canh trầm ngâm suy nghĩ. Đồng chí vừa nghe báo cáo, vừa từ từ đưa ánh mắt lên bản đồ, nhìn qua Cao Bằng dần dần di chuyển xuống đông nam Cao Bằng 45km, rồi ngắm kỹ hướng phía nam, rồi đi qua Thất Khê, Nà Sầm, một lần nữa dừng lại ở Lạng Sơn. Sau một lúc im lặng, cuối cùng Trần Canh phát biểu, đồng chí cất cao giọng nói : “ Tác chiến trận đầu biên giới, đánh từ đâu rất then chốt, vấn đề này cần giải quyết nghiêm túc, đánh trận đầu, phải thắng ! Tôi thấy Đông Khê là nơi thích hợp nhất. Đánh chiếm được Đông Khê thì quyền chủ động của toàn bộ chiến dịch nắm chắc trong tay chúng ta ”.

Đông Khê là điểm giao nhau từ cửa Thuỷ Khẩu, Quảng Tây Trung Quốc qua cửa Bố Cục đi vào quốc lộ Việt Nam, thị trấn rất nhỏ này là điểm cao nhỏ nhổ lên ở phía bắc thung lũng bốn bề là núi chặn đứng con đường Trung – Việt hướng này, quốc lộ 4 từ tây bắc sang đông nam cũng đi qua thị trấn, phía tây bắc thị trấn là Cao Bằng, phía nam là Thất Khê, tấn công lấy Đông Khê thì chặt đứng ngang lưng hệ thống phòng ngự của quân Pháp trên tuyến này. Vi Quốc Thanh và cố vấn quân sự Trung Quốc nhất trí đồng ý ý kiến của Trần Canh, nhưng có cán bộ quân đội Việt Nam lại không thông. Trần Canh nói, hiện nay quân Pháp ở Việt Nam nói chung trong tình thế bất lợi, từ bản quốc tăng số lớn quân tấn công sang Việt Nam cũng rất khó khăn, trước mắt Quân đội Nhân dân Việt Nam đang từ đánh du kích phân tán chuyển sang đánh chính quy tương đối tập trung, từ đội du kích không tập trung lớn chuyển sang quân chính quy tương đối tập trung, từ đánh tiêu hao chuyển sang đánh công kiên và đánh tiêu diệt, muốn hoàn thành thuận lợi quá trình chuyển biến này, cần phải làm rất nhiều công việc gian khổ tỉ mỉ, chiến dịch trước mắt là mở đầu của chuyển biến này, cần phải bảo đảm trận đầu thắng lợi, theo thực lực của quân đội Việt Nam hiện nay một trận đánh lấy Cao Bằng là rất khó khăn, dù cho dốc toàn lực gắng gượng lấy được Cao Bằng, thì quân đội Việt Nam cũng sẽ tổn thất nặng nề, rất có thể lợi bất cập hại. Nếu đánh Đông Khê trước, nơi địch phòng thủ tương đối yếu, chiếm được Đông Khê, toàn cục chiến dịch sẽ sôi động lên, cũng dễ giải quyết quân địch ở Cao Bằng.

Trải qua bàn bạc cọ xát nhiều lần Trần Canh và Võ Nguyên Giáp cuối cùng đi đến nhận thức chung. Ngay sau đó, ngày 22/8 Trần Canh báo cáo kế hoạch tác chiến cùng với Đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc vạch ra về Quân uỷ Trung Quốc. Lúc này, Hồ Chí Minh cũng đến Quảng Uyên, Bộ chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đồng ý kế hoạch tác chiến của Trần Canh nêu ra, ngày 24/8 Trần Canh lại nhận được điện trả lời : “ đồng ý ” của Quân uỷ Trung Quốc, quyết tâm tác chiến của Trần Canh càng kiên định hơn. Ngày 23-24 tháng 8, Bộ chỉ huy tiền phương quân đội Việt Nam triệu tập hội nghị cán bộ trung đoàn trở lên của các bộ đội tham chiến trong chiến dịch biên giới, Trần Canh được mời tham gia hội nghị. Sau khi Võ Nguyên Giáp tuyên bố xong kế hoạch tác chiến, muốn nghe ý kiến của mọi người. Trung đoàn trưởng trung đoàn 102 Nguyễn Hữu An vẫn chủ trương đánh Cao Bằng trước. Đồng chí nói : “ Lực lượng của chúng ta có hạn nên tập trung binh lực một trận đánh lấy Cao Bằng. Nếu đánh Đông Khê trước, lực lượng bị tiêu hao, thì làm sao đánh được Cao Bằng ? Không đánh được Cao Bằng thì làm thế nào có thể phá vỡ phong toả biên giới của quân Pháp ? ”. Trung đoàn trưởng trung đoàn 88 Thái Dũng cũng nói : “ Nhân lúc quân địch chưa kịp tăng viện nếu chúng ta tấn công Cao Bằng ngay từ đầu, chẳng phải khả năng giành thắng lợi rất lớn hay sao ? Nếu đánh Đông Khê trước bọn địch ở Cao Bằng tăng cường công sự, chẳng phải tăng thêm khó khăn tấn công Cao Bằng hay sao ? ”.

Trần Canh bình tĩnh nghe hết ý kiến của các đồng chí đó, thừa nhận suy nghĩ của đồng chí đó có lý nhất định. Nhưng Trần Canh kiên nhẫn giải thích nói điểm đột phá đánh trận của chúng ta là gì ? Nhìn bề ngoài, phong toả của quân Pháp đã hình thành từ mấy cứ điểm quan trọng Cao Bằng, Đông Khê, Thất Khê, Nà Sầm, Lạng Sơn v.v.. Nhưng chỉ cần đánh lấy Cao Bằng, thì tuyến phong toả của quân Pháp sẽ sụp. Những cứ điểm của quân Pháp dựa vào cái gì để phát huy tác dụng ? Dựa vào quân đồn trú, kinh nghiệm của cách mạng Trung Quốc chúng tôi là : Tập trung binh lực ưu thế, tiêu diệt sinh lực địch, là quan trọng nhất, trong chiến tranh giải phóng điểm đột phá đánh trận của chúng tôi chủ yếu là tiêu diệt sinh lực địch, ngay cả mấy chiến dịch lớn Liêu Thẩm, Hoài Hải, Bình Tân ở giai đoạn quyết chiến cũng là như thế. Kết quả mỗi một chiến dịch đều tiêu diệt mấy vạn, mấy chục vạn quân địch, toàn quốc tương đối nhanh chóng được giải phóng. Nhân lúc địch phòng ngự sơ hở, bất ngờ tấn công Cao Bằng, hoặc thời kỳ đầu chiến đấu cũng sẽ giành được thắng lợi đó, nhưng chúng ta có thể một đấm đánh gục quân địch được không ? Nếu một đấm đánh trúng nhưng không đánh gục quân địch, nó còn có thể chiến đấu với chúng ta, sau lưng lại có quân địch ở Đông Khê, Thất Khê, Lạng Sơn, thừa thế xông tới, chúng ta sẽ không bị địch đánh ở mấy mặt hay sao ? Nhưng đánh trước Đông Khê thì khác, bọn địch ở Cao Bằng, Thất Khê, Lạng Sơn như chim chết hụt, chúng ta lấy nhàn nhã đối phó vất vả, kẻ nào đưa quân tăng viện thì đấm kẻ đó, tiêu diệt địch ở ngoài công sự, đó là cuộc chiến đấu dễ dàng hơn nhiều ! Cuối cùng Trần Canh cười nói : “ Thay đổi kế hoạch, tất nhiên chúng ta phải nghiêm túc nói rõ nguyên nhân cho bộ đội biết, dù cho số ít người có tâm tư, chỉ cần đánh thắng trận thì có nói gì cũng dễ đánh thắng liên tục, cái giá phải trả lại nhỏ, thì ai còn ý kiến gì nữa ”.

Những lời nói của đồng chí Trần Canh khiến các đồng chí Việt Nam đi sâu thảo luận thêm, cuối cùng đã thống nhất tư tưởng với kế hoạch đánh Đông Khê trước. Sau hội nghị của Bộ chỉ huy tiền phương vào một ngày thượng tuần tháng 9, Hồ Chí Minh nắm chặt tay Trần Canh nói : “ Tôi muốn nhờ đồng chí bao luôn thắng lợi chiến đấu Đông Khê, cũng bao luôn thắng lợi của chiến dịch Biên Giới ”. Trần Canh phấn khởi nói : “ Tôi nhất định sẽ đem hết sức giúp đánh tốt trận này, nhưng đánh trận chủ yếu vẫn dựa vào các chỉ huy quân đội Việt Nam và quần chúng nhân dân ”.

Chiến dịch biên giới giành thắng lợi hoàn toàn


Trung tuần tháng 9, công tác chuẩn bị cho chiến dịch biên giới cơ bản hoàn thành, Trần Canh, Vi Quốc Thanh và Võ Nguyên Giáp từ Quảng Uyên chuyển xuống khu Bản Viễn đông Đông Khê, gần sở chỉ huy tác chiến trận đầu chiến dịch biên giới – chiến đấu Đông Khê.

Ngày 16/9, bắt đầu tấn công Đông Khê. Mở đầu rất là thuận lợi, nhanh chóng áp sát công sự chính của địch. Nhưng chiến đấu đến sáng 17, quân địch được không quân yểm hộ phản kích, có đơn vị bộ đội tiến công phía trước đã rút lui khỏi trận địa đã chiếm được. Trần Canh đich thân đến Bộ chỉ huy tiền phương tìm hiểu tình hình cùng với Võ Nguyên Giáp v.v.. nghiên cứu nguyên nhân trắc trở, nêu ra ý kiến tác chiến mới, nhưng do hợp đồng tác chiến kém, đánh đến đêm 17 vẫn không tiến triển rõ rệt. Có bộ đội lại nảy sinh dao động quyết tâm tấn công. Vào giờ phút then chốt này, Trần Canh kiến nghị với Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp cần phải nghiêm khắc ra lệnh cho bộ đội không tiếc bất cứ giá nào, tiếp tục kiên trì, đồng thời kiến nghị điều chỉnh bố trí, thực hiện tấn công bốn mẳttọng điểm ở hai mặt nam, bắc.

Sau khi bộ đội mở lại tấn công lần nữa, rất nhanh phát triển vào sâu trong lòng địch, chiến đấu đến 8g sáng ngày 18, cuối cùng đã tiêu diệt hơn 270 tên địch đóng giữ Đông Khê, thu rất nhiều vũ khí đạn dược và vật tư khác. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử quân đội Việt Nam tấn công tiêu diệt cứ điểm có hai đại đội địch đóng giữ. Sau khi cuộc chiến đấu Đông Khê kết thúc, Hồ Chí Minh thăm dò ý kiến của Trần Canh đối với trận Đông Khê, suốt hai ngày căng thẳng suy nghĩ rất nhiều, Trần Canh chậm rãi nói : “ Trận đánh Đông Khê đã thắng, ý nghĩa rất lớn, nhưng phải nói rằng đó không phải là cuộc chiến đấu thành công, quân ta thương vong hơn 500 người mà tiêu diệt không đầy 300 tên địch, cái giá quá lớn ”. Khi đề cập đến những vấn đề của quân đội nhân dân bộc lộ ra trong chiến đấu, Trần Canh thẳng thắn nói với Hồ Chí Minh : “ Nghiên cứu quá trình chiến đấu, chiến sĩ dũng cảm nhưng điều then chốt là có những cán bộ thiếu kinh nghiệm tác chiến, năng lực chỉ huy kém, không áp sát mặt trận chỉ huy. Từ nay về sau cần lựa chọn đề bạt cán bộ trong số chiến sĩ cũ và cốt cán chiến đấu có kinh nghiệm thực tiễn ”. Hồ Chí Minh nghe gật đầu liên tiếp.

Ngày hôm sau, Trần Canh sốt cao, chẩn đoán là sốt rét ác tính, nằm bẹp trên giường suốt một tuần. Thời gian này bốn tiểu đoàn địch đã tập kết ở Thất Khê. Trần Canh suy nghĩ, theo tình hình chiến đấu ở Đông Khê, quân đội Việt Nam với lực lượng hiện có, đánh chiếm Thất Khê rất khó khăn, vì vậy đồng chí cùng Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp nghiên cứu quyết định, bỏ kế hoạch tấn công Thất Khê trước đấy, thay vào đó mai phục ở nam Đông Khê, để tiêu diệt địch tiến lên bắc Đông Khê. Lúc này quân Pháp ở Thất Khê vẫn án binh bất động, lại tập kết 5 tiểu đoàn binh lực tấn công Thái Nguyên, trực tiếp đe doạ an toàn của cơ quan đầu não Đảng, chính quyền, quân đội Việt Nam. Lúc này một số cán bộ quân đội Việt Nam chủ trương bỏ mai phục, đưa quân về Thái Nguyên.

Trần Canh thấy tình hình đó, kiên quyết trình bày với Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, tấn công Thái Nguyên là âm mưu quỷ kế của đich, mục đích là dụ quân ta rút khỏi Đông Khê, bảo đảm an toàn cho quân địch ở Cao Bằng khi rút chạy xuống phía nam, nhất thiết không được mắc mưu địch. Quả nhiên, không ngoài dự kiến của Trần Canh, ngày 30/9, quân địch ở Thất Khê bắt đầu tiến lên phía bắc, ngày 3/10, quân địch ở Cao Bằng cũng bỏ thị xã chạy xuống phía nam. Hai cánh quân do Lepage và Charton chỉ huy hòng sau khi hội quân ở Đông Khê sẽ chạy về Thất Khê, Lạng Sơn để tránh số phận bị tiêu diệt. Do binh đoàn Lepage từ Thất Khê tiến lên phía bắc, bị quân đội Việt Nam kiên quyết đánh chặn, ngày 4/10 chuyển sang vùng núi Cốc Xá ở tây nam Đông Khê. Trong tấn công ngày 5/10, quân đội Việt Nam bị thương vong khá lớn. Đại đoàn 308 chiến đấu liên tục 4 ngày liền, đứng trước một vấn đề là tạm dừng tiến công hay là kiên quyết đánh tiếp. Vào giờ phút then chốt này Trần Canh nói dứt khoát với Bộ chỉ huy tiền phương quân đội Việt Nam trong máy điện thoại : “ Trận này không đánh thì không có trận nào có thể đánh được ” rồi nói tiếp một cách chân thành thắm thiết : “ Vào giờ phút then chốt của chiến dịch, Bộ chỉ huy dao động sẽ chôn vùi thắng lợi của chiến dịch ”.

Trần Canh ngắt máy điện thoại, lập tức cầm bút viết một bức thư ngắn cho Hồ Chí Minh, mong Hồ Chí Minh cổ vũ các chỉ huy tiền phương hạ quyết tâm kiên trì đến cùng, tập trung lực lượng tiêu diệt binh đoàn Lepage trước, sau đó lập tức tiêu diệt binh đoàn Charton giành thắng lợi hoàn toàn cho chiến dịch. Trước những đòn đánh kiên quyết của quân đội Việt Nam, tình hình chiến trường chuyển biến nhanh chóng. Đến ngày 7/10, hai cánh quân địch lần lượt bị quân đội Việt Nam tiêu diệt hoàn toàn, Lepage, Charton và tham mưu của họ và tỉnh trưởng tỉnh Cao Bằng của nguỵ quyền Việt Nam đều bị bắt sống.

Chiến dịch Biên Giới tiêu diệt tất cả 8 tiểu đoàn, hơn 8000 người, toàn bộ phòng tuyến của quân Pháp trên biên giới Trung – Việt sụp đổ, bọn địch ở Đồng Đăng, Yên Đình, Lạng Sơn v.v. tháo chạy tan tác, bọn địch tấn công Thái Nguyên sau khi bị tổn thất hơn 600 tên cũng rút khỏi Thái Nguyên, bọn địch ở Lào Cai, Tây Bắc cũng hốt hoảng chạy, mục đích dự kiến của chiến dịch được thực hiện hoàn toàn.
 

(đăng trên “ Xuân Thu Viêm Hoàng ” số 9 năm 1999,
với tiêu đề là : “ Đại tướng Trần Canh trong
viện trợ Việt Nam chống Pháp ”, 
khi đưa in vào tập sách này, tác giả có sửa chữa đôi chút).



Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
Odéon Théâtre de l'Europe - En janvier à l'Odéon 09/01/2025 - 07/02/2025 — Berthier 17e, Odéon 6e
Black Movie - Festival international de films indépendants Genève 17/01/2025 - 26/01/2025 — Maison des arts du Grütli | 16, rue du Général-Dufour | 1204 Genève
LES LARMES D'ASTYANAX - Olivier Dhénin Hữu 31/01/2025 - 02/02/2025 — Théâtre du lycée Jacques Decour | 12 Avenue Trudaine | 75009 Paris
Festival cinéma - Si loin si proche 2025 06/02/2025 - 09/02/2025 — La Ferme du Buisson, allée de la ferme, 77186 Noisiel - (RER A - Noisiel)
France-Vietnam : un portail entre les cultures - La mémoire vietnamienne en filigrane. Étude de Paris, qu’as-tu fait de nous ? de Pham Van Ky 06/02/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
Inalco : L'économie vietnamienne en 2024 et ses perspectives 06/02/2025 18:00 - 20:00 — 65 Rue des Grands Moulins, 75013 Paris | Amphi 2
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Le développement d’une culture de contestation anti-coloniale publique à Saigon par le moyen d’une presse autonome (1900-1930) 13/03/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - La génération des néologismes sino-vietnamiens dans la circulation culturelle de la sphère sino-graphique sous l’influence de l’Occident au tournant du XXe siècle 03/04/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Sujets et séjournants. Une nouvelle histoire des indochinois en France 15/05/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Transferts du modèle français à la description de la grammaire vietnamienne 05/06/2025 16:30 - 18:00 — BnF site François-Mitterrand | Salle 70 ou via ZOOM
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us