Bạn đang ở: Trang chủ / Thế giới / Jean Jaures bị ám sát cách đây một trăm năm

Jean Jaures bị ám sát cách đây một trăm năm

- Đặng Đình Cung — published 02/08/2014 00:00, cập nhật lần cuối 03/08/2014 01:04



Jean Jaures bị ám sát
cách đây một trăm năm


ĐẶNG Đình Cung

Kỹ sư tư vấn



Thứ sáu 31 tháng bảy 1914, ở hiệu Croissant, phố Montmatre, Paris, Jean Jaurès ngồi ăn tối với các bạn đồng chí của tờ L'Humanité. Suốt ngày ông đã chạy tới chạy lui gặp các chính khách Pháp để thuyết phục họ không tuyên chiến. Ông ngồi ở phía cửa số, quay lưng ra phố. Thực khách đang thảo luận về một bài báo phản chiến dự tính ngày mai sẽ đăng.


"Một tiếng đôm đốp ngắn gọn, như một tiếng lốp xe nổ, ngắt lời ông, gần như ngay sau đó là một phát nổ thứ hai và tiếng kính vỡ. Trên trần cuối phòng, một kính vỡ tung. Sau một giây phút sững sờ là tiếng ồn đinh tai. Tất cả mọi người trong phòng đứng dậy, mắt nhìn về phía kính bị vỡ : 'Người ta đã bắn vào kính !... ‒ Ai ?... ‒ Từ đâu ?... ‒ Từ ngoài phố !' ... Lúc đó, bà Albert, bà quản lý, chạy ngang qua bàn Ông Jacques. Bà hét to 'Người ta đã bắn Ông Jaurès !'".(Roger Martin du Gard : "L'été 1914", Tập 7 của bộ Les Thibault).


Ông bị đạn ở gáy và chết ngay.


Jean Jaurès là một chính khách sinh năm 1859 trong một gia đình tiểu tư sản thị xã Castres, hạt Tarn, miền Tây ‒ Nam nước Pháp. Mặc dù hưởng thụ đời sống ấm no, thời nhỏ ông cũng tiếp cận những giới thiếu ăn thiếu mặc. Ở trường trung học cơ sở Castres ông là một học sinh xuất sắc được tổng thanh tra giáo dục Félix Deltour chú ý đến. Vào thời buổi đó, chính thể Cộng hòa Pháp quốc vừa mới được thành lập. Với ý đồ tham gia xây dựng một đội ngũ cột trụ cho nền cộng hòa, tổng thanh tra Deltour thuyết phục cha mẹ Jean Jaurès cho con tiếp tục đi học và phát học bổng để ông lên Paris soạn thi vào Grandes Ecoles (một loại trường chuyên nghiệp đào tạo những phần tử ưu tú của nước Pháp) ở trường trung học Louis le Grand, nổi tiếng là có tỷ số học sinh đỗ vào Grandes Ecoles cao nhất nước Pháp. Năm 1878, ông đỗ thủ khoa trường vào Ecole Normale Supérieure (Trường Cao đẳng Sư phạm, trường Grande Ecole giỏi nhất nước Pháp mà GS Ngô Bảo Châu và nhiều đồng bào ta cũng đã theo học), qua mặt luôn cả nhà triết học nổi tiếng Henri Bergson. Học xong, ông được bổ làm giáo viên ở trường trung học phổ thông thị trấn Albi, hạt Tarn, rồi ở trường đại học Toulouse. Ông được phong hàm thạc sĩ và học vị tiến sĩ văn chương.


Về chính trị, Jean Jaurès đã đặt nền móng cho phong trào xã hội chủ nghĩa Pháp, vận động thành lập một số hợp tác xã (HTX) bây giờ hãy còn nổi tiếng và để lại dấu ấn trong những vụ đấu trí về thể chế công hòa và đấu tranh giai cấp.


Khởi đầu, ông là một nghị sĩ không xu hướng chính trị rõ rệt. Ông là một trong những người, như Jules Ferry và Georges Clemenceau, đề xướng những đạo luật củng cố chính thể cộng hòa như là luật giáo dục công cộng, luật tự do lập hội, luật phân tách Giáo hội và Nhà Nước và những luật đầu tiên của Bộ Luật Lao động của nước Pháp. Nhân thi hành nhiệm vụ dân biểu, ông tiếp cận giới công nhân và dần dần hướng sang xã hội chủ nghĩa.


Các năm 1892 đến 1895, ông ủng hộ công nhân mỏ đình công ở Carmaux, gần quê nhà ông, nơi ông được bầu làm nghị sĩ. Ông khám phá thực tế của đấu tranh giai cấp và từ đó ông theo phe xã hội chủ nghĩa. Năm 1905, ông tham gia thành lập đảng SFIO (Section Française de l'Internationale Ouvrière, Đảng bộ Pháp của Quốc tế Lao động) và báo L'Humanité (Nhân đạo). Năm 1920 ở Hội nghị Tours, một số thành viên đảng này ly khai để thành lập Đảng Cộng sản Pháp. Nhưng hai đảng vẫn theo chủ nghĩa Marx và thường xuyên hợp tác để tranh cử và bỏ phiếu chung các đạo luật. Năm 1971 ở Hội nghi Epinay, SFIO và một số đảng có xu hướng xã hội chủ nghĩa không cộng sản hợp nhất thành Đảng Xã hội hiện nay của Pháp. Cho tới nay, tờ L'Humanité vẫn là cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Pháp.


Sau vụ Carmaux, năm 1905, ông tham gia ủng hộ thợ thủy tinh đình công ở Carmaux. Để tìm lối thoát cho công nhân, ông vận động quyên tiền thành lập HTX Verrerie Ouvrière d’Albi chuyên sản xuất và kinh doanh chai lọ bằng thủy tinh. Ban đầu HTX này có mục đích làm kiểu mẫu cho mô hình lao động xã hội chủ nghĩa. Bây giờ HTX vẫn còn một nhà máy ở Albi, gần Carmaux, và là một bộ phận của tập đoàn Verallia, số hai thế giới về chai lọ bằng thủy tinh, và tập đoàn này là công ty con của Saint Gobain, công ty số một về vật liệu xây dựng ở Pháp.


Năm 1901, ông tụ họp những tiểu tư sản trồng nho ở hạt Hérault, miền Nam nước Pháp, thành lập Les Vignerons Libres, HTX những người trồng nho đầu tiên. HTX này hoạt động tới năm 2005. Trong suốt hơn một thế kỷ, nó đã là một kiểu mẫu cho các HTX nông nghiệp khác và kiểu mẫu liên hệ giữa các HTX nông nghiệp và các HTX tiêu thụ.


Đấu tranh làm Jean Jaurès nổi tiếng nhất là vụ Dreyfus. Năm 1894, đại úy Dreyfus bị kết tội đã trao tài liệu mật cho Đức, hồi đó là kẻ thù của Pháp. Lúc đầu không ai ngoài gia đình Dreyfus quan tâm đến vụ này. Cả tới chính Jean Jaurès đã còn phản đối ở Quốc hội việc Dreyfus không bị án tử hình vì tội phản quốc. Nhưng, năm 1898, khi thủ phạm thực được trắng án thì sự thật bùng nổ : biện lý công tố đã giả mạo bằng chứng để cáo buộc vì Dreyfus theo đạo Do Thái và có kiến thức sâu rộng về nước Đức. Ngày 13 tháng giêng 1898, nhà báo Emile Zola đăng bài "J'accuse" (Tôi tố cáo) trên tờ L'Aurore vạch trần những sai phạm của tòa án quân sự. Nhưng tòa án này từ chối xử lại vì muốn giữ thể diện cho quân đội. Jean Jaurès vào cuộc, thay đổi ngay ý kiến vận động đòi Dreyfus được xử lại một cách công minh. Ông coi một Nhà Nước cộng hòa phải là một Nhà Nước công bằng và pháp quyền. Do đó, ông không chấp nhận một người bị kết án oan và vào cuộc. Rút cục, sau 13 năm tranh cãi trong quần chúng và giới chính khách, Dreyfus được Tòa Phá Án giải oan và khôi phục quân hàm.


Khi thế giới đi vào thế kỷ XX, ở Âu Châu có hai liên minh quân sự : một bên gọi là Triple Alliance, gồm bởi Đức, Áo Hung và Ý, một bên gọi Triple Entente, gồm bởi Anh, Pháp và Nga. Ngày 28 tháng sáu 1914, hoàng tử đế quốc Áo Hung (Austro ‒ Hungarian Empire), quận công François Ferdinand, và phu nhân bị một tên khủng bố mang quốc tịch Serbia ám sát ở Sarajevo. Áo ‒ Hung muốn tuyên chiến với Serbia để trả thù. Vì những quy định bắt chéo nhau về tương trợ quân sự, cả thế giới lâm vào nguy cơ chiến tranh.


Theo giao ước của Quốc tế Lao động (Seconde Internationale) thì người vô sản không gây chiến lẫn nhau, nếu bị chính phủ họ bắt tòng quân thì bãi công phản đối. Lập trường này là của Karl Marx theo đó giai cấp lao động có nhiệm vụ chống lại chiến tranh vì chiến tranh lấy nguồn từ những tranh chấp quyền lợi của giai cấp tư bản. Jean Jaurès cố gắng ngăn cản chiến tranh bùng nổ bằng cách thuyết phục chính phủ Pháp đứng ngoài cuộc và kêu gọi công nhân Âu Châu tổng đình công.


Ngược đời thay, ngay sau khi Jean Jaurès chết thì tất cả các tổ chức chính trị khuynh tả các nước đều gia nhập liên minh đoàn kết dân tộc của nước họ. Đó là những phong trào do các nhóm hiếu chiến khởi xướng. Chúng thường được biết là Union Sacrée (Liên hiệp Thiêng liêng) ở Pháp hay là Burgfrieden (Xã tắc An khang) ở Đức. Non một tuần sau thì Đệ nhất Thế chiến bùng nổ gây ra tám triệu tử vong, hai mươi triệu thương vong, chưa kể số người chết vì bệnh do điều kiện y tế của chiến tranh gây ra.


Tay sát nhân, Raoul Villain, có thể là một người loạn trí. Hắn bị bắt cầm tù trong suốt thời gian chiến tranh. Năm 1919 hắn được trắng án và đa số dân Pháp coi là một nhà ái quốc. Sau khi được trả tự do hắn đi lang thang đó đây. Năm 1936 tình cờ hắn bị lính của phe Công hòa Tây Ba Nha bắt và xử bắn vì bị nghi làm gián điệp cho phe Franco. Chuyện đó có thực hay không thì không ai rõ.


Jean Jaurès ra đi, để lại một góa phụ, bà Louise Bois, một con gái, Madeleine, và một con trai, Louis Paul sau này tử trận vài tháng trước khi Đệ nhất Thế chiến chấm dứt. Năm 1924, thi thể ông được cải táng vào Panthéon, nơi thờ phụng những vĩ nhân của nước Pháp. Bây giờ các phe phái chính trị Pháp, khuynh tả cũng như khuynh hữu, đều tự coi là thừa kế tư tưởng và sự nghiệp của ông.














Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us