Bạn đang ở: Trang chủ / Thế giới / Khủng hoảng Châu Âu

Khủng hoảng Châu Âu

- Nguyễn Quang — published 15/12/2011 23:43, cập nhật lần cuối 17/12/2011 21:54


Khủng hoảng Châu Âu

                                              

                               

 TỪ 2008 ĐẾN 2011 :
TÀI CHÍNH VÀ CHỦ NGHĨA « TỰ DO »
 

 

 

Nguyễn Quang



NGUYÊN TÁC TIẾNG PHÁP :
De 2008 à 2011 : Finance et libéralisme


Chủ nghĩa tư bản đang làm sao thế này ? Bao nhiêu kẻ thù, nó đã lần lượt đào sâu chôn chặt hết cả rồi. Sự sống dai, khả năng thích nghi, các cuộc thoát thai của nó để khắc phục các tai nạn, đại họa và chiến tranh hầu như đã làm cho người ta quên hẳn lời tiên đoán cách đây hơn một thế kỉ của Marx : hệ thống tư bản chủ nghĩa sẽ tiêu vong bởi chính những mâu thuẫn nội tại của nó. Vậy mà, từ giữa thập niên 1980 trở đi, thuyết khủng hoảng chu kì hầu như đã được thể hiện như một bức tranh biếm họa, bong bóng phồng to rồi khủng hoảng nổ ra theo nhịp độ tăng tốc : khủng hoảng chứng khoán năm 1987 ở Phố Wall, năm 1994 ở Mexico, năm 1997 ở Châu Á, năm 1998 ở Nga, sự phá sản của quỹ hedge fund LTCM cùng năm 1998, sự bại sản của nước Argentina năm 2001… Rồi cuộc khủng hoảng subprime năm 2008 ở quy mô toàn thế giới (1). Ba năm nay, người ta đã rỉ rả với chúng ta rằng cuộc khủng hoảng « ở sau lưng chúng ta rồi », các chuyên gia chỉ còn tranh luận với nhau xem nó kết thúc theo hình chữ U, hay hình chữ V. Thế rồi xem ra lại là hình chữ W, bởi vì từ mùa hè đến giờ, nó lại được tiếp nối bằng khủng hoảng các « món nợ chủ quyền » đang đe dọa cả nền móng Liên hiệp Châu Âu và các nước thành viên.


« Mặt tối của Sức Mạnh »


Cố vấn truyền thông của các chính quyền và những chuyên gia « lề phải » trên các media chỉ biết ca bài « bó tay chấm còm », chúng tôi xin mời bạn đọc đích thân đi tìm đầu đuôi cuộc khủng hoảng thứ n này của chủ nghĩa tư bản. Theo Từ điển bách khoa trực tuyến Wikipedia, « nợ chủ quyền » là khoản nợ của một tác nhân có chủ quyền, hay do tác nhân đó đứng ra bảo lãnh – tác nhân chủ quyền ấy thường là một Nhà nước, có khi là Ngân hàng Trung ương. Khoản nợ ấy gồm có những tín dụng ngân hàng, hay tiền cho vay của Nhà nước khác hoặc của những cơ quan chính thức, phổ biến nhất là những công trái do Kho bạc Nhà nước phát hành và có thể đem ra thương lượng trên thị trường trái phiếu (mọi người đều nghe nói tới những công trái Mĩ). Lãi suất của mỗi công trái được đấu thầu giữa những người muốn mua. Khi món nợ của một nước trở thành xấu, thì lãi suất tăng lên, phản ánh sự gia tăng « rủi ro tín dụng ». Nhưng khi Nhà nước con nợ đã tích tụ quá nhiều sự thâm thủng ngân sách, thì các chủ nợ có thể từ chối, không cam kết ngắn hạn hay dài hạn nữa, thế là nổ ra một cuộc khủng hoảng thanh khoản, có thể trở thành khủng hoảng khả năng thanh toán. Mọi người còn nhớ, các thị trường tài chính đã mở đầu cuộc tấn công vào các món nợ chủ quyền của Châu Âu vào mùa xuân năm 2010 bằng cách tấn công vào khoản nợ của Hi Lạp. Họ đã chọn đúng « con ngựa thành Troy » vì Hi Lạp nợ như chúa chổm (120% GDP ở thời điểm đó), lại làm ăn ma giáo, chẳng hạn như ngụy trang sổ sách chi thu, gọi vốn đầu tư « không nằm trong bảng tổng kết tài sản », để đáp ứng các tiêu chuẩn gia nhập vùng Euro về mặt giấy tờ. Sau mấy cuộc họp thượng đỉnh của Nhóm Euro, của nhóm G20, hết kế hoạch cứu nguy này tới kế hoạch cứu nguy khác (tháng năm 2010, tháng năm 2011, tháng bảy 2011, tháng mười 2011), tình hình vẫn tiếp tục xấu đi, trong khi nạn đầu cơ bùng nổ, lây lan sang cả nước Ý (nền kinh tế số 4 của Châu Âu), đe dọa cả nước Pháp (nền kinh tế số 2 của Châu Âu), đến mức cả khu vực Euro có nguy cơ nổ tung. Câu hỏi, hết sức tự nhiên, đặt ra : tại sao sự thể lại như thế ? Tại sao một vấn đề Hi Lạp nhỏ tí (2% GDP Châu Âu, 4% khoản nợ của cả Châu Âu) lại có thể suy biến, trở thành vấn đề sống còn của Liên hiệp Châu Âu, nghĩa là của khu vực thương mại và kinh tế đứng đầu thế giới (với GDP là 16 000 tỉ Euro), hơn Mĩ (14 600 tỉ) và Trung Quốc (5 700 tỉ) ? Chính quyền cũng như báo chí các nước thường nói tới « khủng hoảng (mang tính) hệ thống » như một con ngáo ộp, mà hiệu ứng đô-mi-nô có thể dẫn tới một « Âu họa khổng lồ ».

Vì những lí do sắp hiển hiện, các nhà bình luận chính thống rất kiệm lời khi nói tới khả năng « khủng hoảng hệ thống ». Trong ngôn ngữ tài chính, theo từ điển Wikipédia, cụm từ này được định nghĩa là : khả năng xảy ra sự trục trặc có thể làm tê liệt toàn bộ một lãnh vực trên cả một vùng rộng lớn (có thể là toàn bộ thế giới !) do những sự cam kết chồng chéo giữa các tác nhân kinh tế có liên quan, giai đoạn này là giai đoạn đầu, trước khi các cuộc phá sản nổ ra theo dây chuyền, dẫn tới sự sụp đổ của toàn bộ hệ thống. Trái ngược với rủi ro không hệ thống xuất phát từ một biến cố ngoại tại (dù to lớn, như chiến tranh), rủi ro hệ thống thể hiện sự thay đổi về quy mô, liên quan tới những suy xét tổng thể về các cơ chế của hiện tượng và của môi trường chung quanh. Mọi người còn nhớ hai cuộc khủng hoảng hệ thống năm 1929 và năm 2008. Không phải ngẫu nhiên mà ngày nay, vẫn ngân hàng là khu vực bị đe dọa vì đã « lộ hàng » đối với nợ nần của Hi Lạp, với cả các khoản nợ chủ quyền của Bồ Đào Nha, Ý, Hi Lạp và Tây Ban Nha, mà người Anh người Mĩ gọi đùa là « Câu lạc bộ Địa Trung Hải » (nhái tên một công ti du lịch ăn uống thả dàn « Club Med »), hay, ác khẩu hơn, là nhóm PIGS (nghĩa là những con heo, đặt tên bằng cách dùng chữ cái đầu tiên trong tên gọi tiếng Anh của 4 nước ấy : Portugal, Italia, Greece, Spain). Mối họa này nghiêm trọng tới mức nào ? Thật khó tìm ra câu trả lời chính xác trong rừng rậm của những con số, những tên tắt, những quy luật kiểm toán (độ lộ ròng, độ lộ thô…), song ta có thể có một ý niệm về đáp án khi xem xét mức độ « lộ hàng » của những ngân hàng lớn của Pháp (nhất là BNP Paribas, Société Générale và Crédit Agricole), mà Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (tức là Ngân hàng Trung ương của các ngân hàng) đã ước tính vào cuối năm 2010 : 400 tỉ đô la. Trong nhóm 10 ngân hàng bị vướng nhiều nhất – danh sách do EBA, Cơ quan quyền lực Âu châu về Ngân hàng, thiết lập – thì BNP xếp hạng vô địch thế giới ! Nói tóm tắt, toàn bộ các cơ sở tài chính đã chứa đầy các khoản nợ chủ quyền như trước đây họ đã tràn đầy các sản phẩm subprime. Điều mà công chúng hiền lành không thể nào hiểu (và chấp nhận) được làm sao các ngân hàng, năm 2008 suýt bị phá sản, đã có thể « năng nhặt chặt bị » nhanh chóng đến như vậy. Chưa đầy một năm sau, họ đã trả trước hạn các khoản viện trợ công, làm ăn sinh lời và thưởng tiền, thưởng « stock options » cho các giám đốc và nhân viên điều hành như thời kì phát đạt nhất. Không ai lại ngây thơ đến nỗi tin rằng sự hồi phục kì diệu ấy không do đầu cơ (chẳng hạn như đầu cơ về khoản nợ của Hi Lạp) về những khoản tín dụng hào phóng mà các nước và Ngân hàng Trung ương Âu châu cung cấp với lãi suất ưu tiên… Bây giờ, khi các nước khó khăn gặp nguy cơ phá sản, sự đầu cơ đang quật lại những kẻ đầu cơ theo kịch bản « gậy ông đập lưng ông ». Nguy cơ đối với các ngân hàng không chỉ ở con số tuyệt đối các khoản vướng nợ, mà ở tỉ lệ của chúng đối với vốn tự có của mỗi ngân hàng : 60% của BNP, 150% của ngân hàng Pháp-Bỉ Dexia (vừa chết). Trên nguyên tắc, theo các lệ luật thận trọng, ngân hàng phải có đủ vốn tự có để thẩm thấu rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường và các rủi ro tác vụ. Chín phần mười các ngân hàng đã « thi đỗ » qua các cuộc trắc nghiệm « stress » dựa trên kịch bản suy thoái kéo dài hai năm ở Châu Âu. Song trong kịch bản ấy, không có sự đổ vỡ của tài chính Hi Lạp – cũng như năm 2007 ở Hoa Kì, các cuộc trắc nghiệm không tính tới sự sụp đổ của các subprime. Nói đến subprime, chúng tôi đã có dịp đặt ra câu hỏi về rủi ro hệ thống (2) : làm thế nào mà cuộc khủng hoảng bất động sản ở Mĩ, « chỉ » liên quan tới 5% GDP của Hoa Kì và Liên hiệp Châu Âu cộng lại, đã có thể truyền nhiễm ra khắp thế giới tài chính, tàn phá hàng chục ngàn tỉ đô la và đe dọa toàn bộ nền kinh tế thế giới ? Câu trả lời : khi có sự can dự của « tài chính bóng tối », thì thang độ rủi ro thay đổi hẳn.

Đối với những ai mê bộ phim Star Wars, tài chính bóng tối, hay shadow banking, cũng na ná như « mặt tối của Sức Mạnh ». Cụm từ đã trở thành thông dụng này chỉ chung các hoạt động tài chính không thực sự được coi là hoạt động ngân hàng vì không có sự ký thác, do đó không bị hạn định bởi các lệ luật thận trọng (Thỏa ước Bâle I và Bâle II) liên quan tới vốn tự có. Tác nhân của các hoạt động tài chính bóng tối này là các ngân hành kinh doanh (Lehman Brothers, Bear Sterns, Goldman Sachs…), các quỹ đầu tư (hedge funds), các doanh nghiệp chuyên về « chứng khoán hóa » (titrisation), các công ti « không có bảng tổng kết tài sản » đăng kí ở các « thiên đường thuế má » vân vân – danh sách này chưa kể hết, nhưng cũng đủ để phác họa ra mã DNA của khu vực này. Ranh giới giữa tài chính bóng tối và tài chính « chính thức » không chặt chẽ nghiêm mật bởi vì shadow banking, không có tiền tài kí thác, rút tiền từ luồng trao đổi tay ba : những cơ sở có kho bạc lớn (quỹ hưu bổng, công ti bảo hiểm) ghi mua sản phẩm tài chính của những ngân hàng kinh doanh, còn các ngân hàng này thì cho khách hàng vay hay gạ bán chứng khoán. Mặt khác, rất khó tìm ra tung tích những hoạt động này bởi vì các ngân hàng « phổ quát » (thí dụ ba ngân hàng Pháp vừa kể trên) bao phủ toàn bộ các hoạt động tài chính, dù là những hoạt động theo qui định (ngân hàng lẻ, cho tư nhân hay doanh nghiệp vay tiền) hay không (kinh doanh, đầu cơ về ngoại tệ hay lãi suất, quản lí tài sản…) [Xin lưu ý là đạo luật Glass-Steagall năm 1930 bắt buộc phải tách bạch hai dịch vụ ngân hàng là ký thác và đầu tư. Theo đúng luật, có thể cấm chỉ sự lẫn lộn nói trên. Song chính quyền Clinton đã hủy bỏ đạo luật này trong những năm 1990]. Nếu tính bằng khối lượng các thương vụ và tổng giá trị (năm 2007, Hội đồng Ổn định Tài chính ước lượng là 60 000 tỉ USD, tương đương với GDP toàn thế giới), thì hiện nay tài chính bóng tối ít nhất cũng ngang sức với tài chính chính thức. Thế mà nó lại chứa đựng những vi-rut hệ thống hiểm nghèo. Vi-rút ấy đã hoành hành trong vụ subprime và chắc sẽ hoành hành trong vụ nợ công.


Vi-rút của các vị « quant » thiên tài

tranh
BANQUE : Ngân hàng
VOTRE GOUVERNEMENT : Chính phủ của quý vị
(tranh Willem, báo Libération)

Bây giờ chúng tôi buộc phải đưa bạn đọc đi săn lùng (một lúc thôi) những con vi-rút mà các thiên tài tài chính (giới tài chính gọi họ là « quant », từ chữ « quantitatif » nghĩa là định lượng) đã tạo ra trong ống nghiệm. Có thể nói là « công nghệ tài chính » đã ra đời vào đầu thập niên 1980 với các sản phẩm dẫn xuất. Khởi đầu, đó chỉ là những hợp đồng hai bên nhằm bảo hiểm phòng ngừa các loại rủi ro (giá cả nguyên liệu lên xuống, thời tiết đổi thay, hối suất biến thiên, chi trả thiếu hụt…) về những tài sản gọi là « ngầm » cũng khá đa dạng (thí dụ một khối lượng nguyên liệu, việc thực hiện một biến cố dự trù trong hợp đồng vân vân ; thí dụ kém « cổ điển » : một hối suất, một lãi suất, một công trái, một cổ phần, một chỉ số chứng khoán…). Với tốc độ tăng trưởng hai con số, các sản phẩm dẫn xuất ngày nay đã chiếm phần chủ yếu trong hoạt động của các thị trường tài chính. Thành công của các sản phẩm này tất nhiên là do sự đa dạng của các sản phẩm ngầm (phản ánh óc tưởng tượng gần như vô bờ bến của người sáng tạo), song nhìn từ góc độ của chúng tôi, có lẽ còn có một nguyên nhân nữa : các sản phẩm ngầm ấy có thể là ảo, nghĩa là ở thời điểm giao dịch, chúng chưa tồn tại. Điều này cho thấy tại sao nó có thể dẫn tới sai lệch như thế nào do đầu cơ (bỏ vốn tối thiểu, hiệu ứng đòn bẩy, đánh cuộc về thông lượng…). Đáng chú ý là loại vi-rút đổi gien mang tên là CDS : credit default swap, sáng tạo của những thiên tài phù thủy tập sự thuộc ngân hàng J.P. Morgan Chase. CDS là một sản phẩm dẫn xuất chứa đựng một tín dụng ; đại để đó là một bảo hiểm đối với rủi ro tín dụng của một người phát hành trái phiếu, nói khác đi, đó là một sự chuyển giao rủi ro. Trong sơ đồ cổ điển của hoạt động ngân hàng, thì ngân hàng là người phân tích các rủi ro của mỗi tín dụng và nếu đem cho vay, thì chính ngân hàng phải đảm nhận rủi ro ; nếu ngân hàng sai lầm trong việc quản lí rủi ro thì phải lấy vốn của mình ra bù lỗ. Với CDS, người ta chứng kiến một sự « thay đổi hệ hình » (paradigm shift) : người cho vay không phải hứng chịu toàn bộ các rủi ro, không còn phải tăng cường vốn bảo đảm, nghĩa là trên thực tế, ngân hàng trở thành một người môi giới về tín dụng, nằm ngoài vòng cương tỏa của lệ luật. Thế là rủi ro tín dụng của các ngân hàng đầu tư (đứng đầu là Lehman Brothers) đã ồ ạt được chuyển giao cho các cơ sở tài chính khác như ngân hàng thương mại, quỹ hưu bổng và các công ti bảo hiểm. Thị trường CDS từ 6 400 tỉ USD năm 2004, đến năm 2007 đã lên tới 58 000 tỉ USD. Nhưng cái bong bóng khổng lồ này chứa đựng hai con vi-rút :

  • Vi-rút đầu tiên, gắn chặt với thị trường Hoa Kì, là những subprime (sub : ở dưới ; prime : hàng đầu), tức là những tín dụng thế chấp nhà đất hết sức ma mãnh mà người ta đã chủ tâm bán cho những người đi vay không còn khả năng chi trả (CDS chủ yếu dựa vào số người này). Cũng cần nói thêm : phần ngầm của mỗi CDS không phải chỉ có một tín dụng mà cả một lô tín dụng được cắt thành từng « lát » ABS (asset-backed security) và lắp ráp lại thành một « cỗ xe đặc biệt » (SPV, special purpose vehicle), ở đây là một công cụ nợ được đặt tên là CDO (collaterized debt obligation). Mưu chước này được gọi là « chứng khoán hóa » (titrisation). Xào xáo như vậy xong rồi, các ngân hàng kinh doanh gạ bán CDO cho khách hàng. Một công đôi việc : tống khứ đi được những tài sản độc hại và kiếm được người ghi mua CDS (những sản phẩm dẫn xuất). Dàn dựng kết hợp tinh vi đến đâu chăng nữa, một khi các CDS này dựa trên nền tảng mục nát là các subprime, thì rốt cuộc chúng cũng chỉ là những « kim tự tháp Ponzi » ngụy trang (3). Sở dĩ sự sụp đổ này đã làm lay động toàn bộ hệ thống chính là vì các CDO và CDS đã phát tán độc tố -- Wall Street Journal gọi đó là sự « nhân bản độc tố », mà cho đến hôm nay, người ta chưa lường hết được các di căn.

  • Vi-rút thứ nhì gắn liền với tính ảo (đã nói trên) của sản phẩm ngầm chứa trong một sản phẩm dẫn xuất. Khái niệm CDS đã đưa tới cùng cái lô-gic của tính ảo, bởi vì trong hợp đồng kiểu này, người mua bảo hiểm không nhất thiết phải sở hữu cái sản phẩm mà mình muốn bảo hiểm. Bình thường, không ai có thể đăng kí bảo hiểm xe hơi cho cái xe hơi của hàng xóm. Nhưng với CDS thì được : người kí hợp đồng CDS không có trong tay cái công cụ nợ mà mình mua bảo hiểm rủi ro. Với CDS, ranh giới giữa bảo hiểm và đánh cuộc đã bị xóa mờ. Cơ chế này đã được mô tả tỉ mỉ trong cuốn sách bán chạy của Michael Lewis, The Big Short ([L]), đây có lẽ là cuốn sách phổ thông hay nhất về cuộc khủng hoảng subprime, đọc dễ như một cuốn tiểu thuyết. Tác giả cho thấy cách làm của một nhúm người đầu cơ (đây là người thật việc thật) : tìm ra kẽ hở của hệ thống, họ đã thấy trước xu hướng mất giá, nên đã « đi tắt đón đầu » thị trường bằng cách mua cơ man nào là CDS. Đến khi thị trường đổ sụp, thì họ được hưởng tiền bảo hiểm, lợi nhuận chất cao hơn núi. Song không phải là nhúm người đầu cơ này đã đẩy nhanh sự sụp đổ. Thủ phạm chính là các ngân hàng : bán tống bán khứ CDS cho khách hàng xong rồi, chính các ngân hàng cũng đã tham gia « đi tắt đón đầu » thị trường CDS !

Chúng tôi trở lại tình tiết cuộc khủng hoảng subprime như vậy để thấy rõ cơ chế của quá trình dẫn tới khủng hoảng, vì không nghi ngờ gì nữa, cơ chế ấy đang diễn ra trong cuộc khủng hoảng nợ công hiện nay : thấy một Nhà nước lâm vào tình thế khó khăn, kẻ đầu cơ ký mua CDS ở vị trí « trần trụi » về nợ nần ; số cầu về hợp đồng càng tăng lên thì « thị trường » càng cho rằng nợ chồng chất thêm, thế là « điểm chủ quyền » của con nợ bị giảm đi, lãi suất trả nợ và giá các hợp đồng tăng theo mức độ rủi ro ; lúc đó, kẻ đầu tư có thể đem bán CDS lấy lời, hoặc mua thêm CDS để đẩy Nhà nước vào tình thế không còn khả năng chi trả để họ đòi được tiền « bảo hiểm », với một hệ số nhân có nhiều số không. Tình trạng Hi Lạp đang quay cuồng trong vòng xoáy chỉ có thể cắt nghĩa như thế. Và nếu Hi Lạp không còn trả được nợ, thì cả khu vực Euro sẽ bị kéo vào vòng xoáy. Một mình rủi ro hệ thống không đủ để cắt nghĩa tình hình Hi Lạp. Sự vướng víu của các ngân hàng vào các món nợ chủ quyền (như đã nói tới ở trên) thực ra không thấm vào đâu so với những dính dấp « ngoài bảng » : công trình nghiên cứu của IMF (Quỹ tiền tệ thế giới) tháng 11 năm 2011 ước tính tổng số các hợp đồng CDS được ghi mua về các món nợ này lên tới 37 000 tỉ USD, tức là hơn gấp đôi GDP của Âu Châu ! Tất nhiên đó là số lượng lưu thông, bán đi mua lại nhiều lần trong hoạt động tài chính, nhưng nếu khủng hoảng xảy ra, các tài khoản ấy phải được « thực hiện » thì ôi thôi… Chính cái thang độ « thiên văn » khổng lồ ấy đã cho phép « thị trường » lên mặt với các Nhà nước. Bằng chứng là trong bản thông cáo của hội nghị tối cao G20 tháng 11.2011, có một câu cho thấy các nhà lãnh đạo G20 đã phải thương lượng đôi co rất dữ các ngân hàng mới chịu nhận trừ đi 50% các khoản nợ của Hi Lạp. Tại sao phải thương lượng mà không làm một việc giản dị là tái cấu trúc nợ nần của Hi Lạp (nghĩa là các chủ ngân hàng sẽ mất cả chỉ lẫn chài) ? Đơn giản chỉ vì việc tái cấu trúc sẽ bị các thị trường tài chính coi là « sự cố tín dụng » có thể dẫn tới việc bồi thường các hợp đồng bảo hiểm : đó sẽ là một cuộc khủng hoảng tương tợ như khủng hoảng subprime.

 

  «  CC Quốc »

Như ta thấy, hỏa lực của các thị trường tài chính đáng gờm tới mức người ta ngại xảy ra hiệu ứng đô-mi-nô sẽ xô ngã lần lượt các nước Âu Châu. Mùa thu 2011 các nước PIIGS (thêm một chữ I nữa là Ireland) đều nằm trong tầm ngắm của giới đầu cơ, và có lẽ cả nước Pháp nữa, vì mặc dầu vẫn được cho điểm chính thức là AAA (chúng tôi sẽ trở lại câu chuyện này), Pháp đã tụt hậu so với nhóm các nước phía bắc Châu Âu, nhất là Đức. Chỉ xem sự khác biệt giữa lãi suất dành cho mỗi nước cũng đủ hình dung ra những lực li tâm đang tác động vào khu vực Euro : Đức 1,3%, Pháp 3,04% (cách nhau gần 2 điểm bách phân, điều này chưa từng có), Hi Lạp 45,85% (nguồn : GECODIA). Lãi suất dành cho Hi Lạp thực là quá quắt khi ta biết ý nghĩa của « luật lũy thừa » (xem ở dưới). Mặt khác, giá hàng năm của một hợp đồng CDS năm năm cho 10 000 € công trái Hi Lạp bây giờ đã vượt quá mức 2 000 €, điều đó cho phép ta kết luận rằng « thị trường » đã đánh cuộc là Hi Lạp sẽ không có khả năng chi trả. Ngay nước Đức « đạo đức đầy mình » cũng đang khó ở : tung ra công trái năm năm là 6 tỉ €, mà mới bán được có 3 tỉ €. Cứ như thế này, thì chẳng mấy lúc, các bác sĩ cũng sẽ nhập viện cùng với bệnh nhân trong nhà thương tài chính. Phải nói là nạn đầu cơ đã tấn công vào những nước chưa phục hồi được nền tài chính sau cuộc lấy máu năm 2008, quá trình tái tài trợ các ngân hàng và những kế hoạch khác đã làm nổ tung các giới hạn đặt ra trong « cam kết ổn định » của Châu Âu : trong khi các « tiêu chuẩn hội tụ » của hiệp ước Maastricht quy định nợ công của mỗi nước không được vượt quá mức 60% của GDP toàn quốc (và thâm thủng ngân sách không được quá 3% GDP), thì năm 2011, ngay những nước giàu nhất cũng đã thủng trần : Đức 81,7%, Pháp 85,4% (còn các nước khác : Hi Lạp 162,8%, Ý 120,5%, Ireland 108,1%, Bỉ 97,2%, Vương quốc Anh 84% vân vân ; nguồn : Ủy ban Âu Châu). Một bản ghi chép của IMF còn tiên liệu đến năm 2014, các nước Châu Âu sẽ vượt quá mức như kiểu nước Ý, khoảng 120%. Tưởng cũng nên nhắc lại, ngay từ năm 2004, người ta không còn tôn trọng các tiêu chuẩn Maastricht rồi. Không nên để cho cái cây khủng hoảng che khuất cả khu rừng nợ : thâm thủng ngân sách đã trở thành căn bệnh kinh niên của các nước phát triển.

Bây giờ, xin độc giả kiên nhẫn cùng chúng tôi chuyển sang lục địa khác, bởi vì người bệnh – zero của căn bệnh trầm kha này, người bệnh nhiễm trùng đầu tiên, như mọi người đều biết, là nước Mĩ. Ngày 15.11 vừa qua, nợ công của Hoa Kì đã vượt con số tượng trưng 15 000 tỉ USD, nghĩa là 99% GDP nước Mĩ. Cũng tượng trưng không kém là việc, một tuần sau đó, chính thức giải tán cái « siêu ủy ban » lưỡng đảng của Quốc hội mà nhiệm vụ là soạn thảo kế hoạch tiết kiệm ngân sách 1 200 tỉ USD trong thời gian 10 năm – giải tán mà không đi tới thoả thuận nào. Làm thế nào, chỉ trong vài thập niên, đất nước của « giấc mơ Mĩ » lại trở thành một « credit card nation » (một quốc gia sống bằng thẻ tín dụng) ? Bây giờ có khoảng lùi thời gian, người ta có thể định rõ thời điểm ngã ba đường : những năm Reagan. Ông tổng thống thuộc Đảng cộng hòa đã được trúng cử để đưa đất nước ra khỏi một thập niên 70 mà người Mĩ cảm nhận như đó là một thời kì thoái trào (đồng đô la mất giá, lạm phát, thất nghiệp, vụ bê bối Watergate, đại bại ở Việt Nam, bị làm nhục ở Iran…). Reagan đã đạt được mục tiêu, nhưng với cái giá phải trả là một đường lối chính trị « tân tự do » hung hãn dựa vào các công ti đa quốc gia, dựa vào sự chuyển dịch các nhà máy sản xuất, tiêu thụ đại chúng được kích thích bằng nhập khẩu… và tín dụng. Các phương tiện tiếp thị, các media và giới tài chính suốt ngày ra rả ba tín điều « tiền mặt – nợ – hiệu ứng đòn bẩy », được Alan Greenspan – do Reagan bổ nhiệm trong nhiệm kì thứ nhì làm chủ tịch Quỹ dự trữ liên bang, rồi được Bill Clinton tái nhiệm – thể hiện bằng chính sách cheap money (tiền rẻ). Paul Jorion đã phân tích một cách tinh tế cái triết lí tín dụng được coi là động lực, không những của sự tiêu thụ, mà của toàn bộ hoạt động kinh tế. « Anh ta chỉ kiếm được hàng năm 3 000 USD… nhưng anh ta đáng giá 112 290 USD », đó là một câu trích từ tờ rơi quảng cáo (từ những năm 1930 !), so sánh thu nhập hiện thời của Jim Jones với thu nhập tương lai cộng lại tính theo nguyên tắc cập nhật thời giá. Tờ quảng cáo viết tiếp : « Nếu ngay từ bây giờ Jim có thể sử dụng một phần số tiến đó thì hay quá chứ nhỉ ! ». Có lẽ những câu kệ kiểu đó đã được số đông nhập tâm. Những nghiên cứu tiến hành ở Mĩ cho thấy một hiện tượng rất đáng ngạc nhiên : trong khi mà sự bất bình đẳng giữa thu nhập trong xã hội ngày càng tăng lên (xem ở dưới), thì cho đến cuộc khủng hoảng năm 2008, số liệu thống kê cho thấy sự bất bình đẳng trong tiêu thụ không hề tăng lên một cách đáng kể. Của cải ảo, xây dựng trên tính toán cập nhật theo thời giá, đó chính là cơ chế cốt yếu của các subprime. Jorion nhấn mạnh, từ những năm 1980, thái độ ấy đã lan tràn sang các doanh nghiệp, « với não trạng đặc trưng là vơ vét ngân quỹ của chính mình một cách thường trực : người ta chia cho các cổ đông những lợi tức hiện có đã đành, mà cả những lợi tức vị lai » ([J], tr.64-66). Thí dụ nổi bật là vụ bê bối Enron, một doanh nghiệp Mĩ làm môi giới về năng lượng : Enron đã « phát trước » khoảng một trăm triệu đô la cho ban lãnh đạo, coi đó là lợi tức sẽ thu được trong việc xây dựng một nhà máy điện Ấn Độ, một nhà máy sẽ không bao giờ được xây dựng cả ! Với sự toàn thắng của chủ nghĩa « tân tự do » thập niên 90 trong nền kinh tế các nước phương Tây, credit card nation (quốc gia sống bằng thẻ tín dụng) đã trở thành mô hình phổ biến. Dựa vào cuộc toàn cầu hóa được quảng bá như nguồn hạnh phúc, nó cam đoan sẽ biến mọi người chúng ta thành những người tiêu thụ « ai ai cũng thắng ». Trong tác phẩm về bong bóng kinh tế Mĩ, J.-M. Quatrepoint đã tóm tắt như sau về cái cơ chế tương ứng với tất cả các nước đã tin tưởng vào canh bạc tiêu thụ chủ nghĩa : « Các công ti đa quốc gia di chuyển cơ sở sản xuất sang Trung Quốc và nhập từ Trung Quốc (sang các nước Tây phương) những sản phẩm giá rẻ ; sản phẩm miễn thuế của họ nuôi dưỡng giới tài chính, và nhờ tác động đòn bẩy, nhờ sản phẩm dẫn xuất, giới tài chính có thể « chơi » hàng nghìn tỉ đô la trong dòng lưu thông giao dịch. Sự giảm sức mua thực tế (của người dân ở phương Tây) được bù bằng khối lượng tín dụng (…). Khối nợ chung (của các nước phương Tây), nợ tư cũng như nợ công, cứ thế mà phình lên. Nhưng nó được bù trừ bằng khối lượng tiền xuất siêu mà Trung Quốc và các nước sản xuất dầu khí chuyển hoán (thành công trái). Thế là cái vòng tròn được khép kín » ([Q], tr.37).

Sự tăng trưởng kinh tế có thể nào giúp ta thoát ra khỏi cái vòng luẩn quẩn oan nghiệt đó chăng ? Tăng trưởng cố nhiên là món thần dược của kinh tế chính trị học, bởi vì sự toàn dụng (hầu hết mọi người có công ăn việc làm) xoa dịu các cuộc đấu tranh xã hội và công quỹ dư dả để bảo đảm sự vận hành trơn tru của Nhà nước phúc lợi. Các nước Âu Châu đã trải qua giai đoạn đó, trong « ba mươi năm vinh quang » (đại để từ sau Thế chiến lần thứ hai cho đến cuộc khủng hoảng năng lượng đầu thập niên 70), với tốc độ tăng trưởng 5% hàng năm để bắt kịp Hoa Kì. Chẳng may, tiếp theo « ba mươi năm vinh quang » là « ba mươi năm tồi tệ », tăng trưởng thì ỉu xìu, thất nghiệp trở thành cấu trúc, tình thần xuống dốc trước thành tựu của các nước « đang trỗi dậy », nhất là Trung Quốc. Theo chúng tôi, sùng bái tăng trưởng có một cái gì ngây thơ rất đáng ngạc nhiên :

- một mặt, tốc độ tăng trưởng mạnh trong ba mươi năm quang vinh ứng với giai đoạn bắt kịp (Mĩ), cũng như ngày nay các nước « trồi lên » đang bắt kịp các nước phát triển. Hiển nhiên là dễ tăng trưởng với nhịp độ nhanh khi người ta xuất phát từ một khởi điểm thấp, với những nhu cầu đầu tư vật chất và nhân lực để bảo đảm hoạt động ; thêm một thuận lợi nữa khi người ta bắt đầu « từ đằng xa », cứ nhắm người chạy trước mà đi tới, lại có thể « cóp » hay thích nghi tri thức kĩ thuật và tổ chức. Nhưng tới một trình độ phát triển nào đó, vấn đề là phải sáng tạo ra những sơ đồ và phương thức phát triển mới (thích hợp hay không là chuyện khác nữa). Hoa Kì trong thập niên 70 và Nhật Bản những năm 90 đã phải học bài học chua cay này. Đương nhiên là ngắn hạn hay trung hạn, sẽ tới phiên Trung Quốc.

- mặt khác, tiên đề tăng trưởng mạnh và kéo dài vô hạn định là một điều không tưởng. Theo định nghĩ của tốc độ tăng trưởng, một sự vật trong quá trình tăng trưởng (một món nợ hay tổng sản lượng GDP) không đi theo quy luật « tuyến tính » (có thể dùng quy tắc tam suất để tính toán tương lai) mà theo quy luật « lũy thừa ». Mà khi xét dài hạn, thì « lũy thừa » với « tuyến tính » cũng giống như xe đưa F1 so với chiếc xe 2CV ! Muốn hình dung ra độ tăng lũy thừa, chỉ cần nhắc lại câu chuyện cái bàn cờ : tương truyền là nhà vua muốn thưởng cho người đã phát minh ra cái bàn cờ, hỏi ông ta muốn thưởng ra sao, ông ta chỉ xin một hạt gạo trong ô thứ nhất, hai trong ô thứ nhì, bốn trong ô thứ ba, tám trong ô thứ tư… Nhà vua ngán ngẩm « người chỉ xin thế thôi ? ». Nào ngờ, đến ô thứ 64 của bàn cờ, thì tất cả mùa màng của vương quốc cũng không đủ. Lấy một thí dụ khác, là Trung Quốc. Tốc độ tăng trưởng 10% hàng năm của Trung Quốc đang làm cho các chính khách thèm rỏ dãi, chúng ta hãy làm một con toán nhỏ : với tốc độ ấy, 7 năm nữa, GDP của Trung Quốc sẽ nhân gấp đôi, 21 năm nữa, GDP của Trung Quốc sẽ lớn gần gấp ba GDP hiện nay của Liên hiệp Âu châu (nếu chỉ tăng « tuyến tính », thì phải mất 70 năm). Đẩy xa thêm chút nữa để thấy cái vô lý của tiên đề tăng trưởng mạnh vô kì hạn : với tốc độ 10%, thì đến năm 2109 (98 năm nữa), GDP của Trung Quốc sẽ lớn gấp 11 389 lần thu nhập hiện nay (còn theo « tuyến tính » thì phải 163 830 năm), nghĩa là tất cả tài nguyên của trái đất cũng không đủ để cung ứng cho nền sản xuất của trung Quốc !

Bây giờ câu hỏi nêu ở trên kia, có thể trả lời : vô nghĩa. Bộ ba « tiền mặt – nợ – tác động đòn bẩy » được đặt ra chẳng qua là để kiếm đường đi tìm Thiên Đường Đánh Mất của sự tăng trưởng. Điều mỉa mai là một trong những người « đi tắt đón đầu » nói ở trên, mà M. Lewis đã có dịp phỏng vấn (xem cuốn sách đã dẫn), đã đề nghị đặt tên cho quỹ đầu tư của mình là « Tác phẩm Milton » (4) khiến cho bao nhiêu khách hàng phải ngẩn mặt ngơ ngác.


Chủ nghĩa tân tự do và « thị trường »


Ở một phần dưới, chúng tôi sẽ trở lại vấn đề trách nhiệm của các quốc gia cũng như của các công dân đã ghiền tăng trưởng như một thứ ma túy, song tất cả những điều vừa trình bày trên đây về cuộc khủng hoảng đều dẫn tới một kết luận lô-gic : phải xét lại hệ tư tưởng « tân tự do » đã chi phối thế giới từ ngày « chủ nghĩa xã hội hiện tồn » sụp đổ. Cái « doxa » (mớ thành kiến) đó là gì ?

Suốt ba chục năm qua, các nền kinh tế phát triển trên thế giới đều dựa trên một cái kiềng ba chân « chủ nghĩa tư bản – kinh tế thị trường – chủ nghĩa liberal (tự do) » khiến cho, vô hình trung, chúng ta đã xếp ba khái niệm ấy vào một phạm trù duy nhất. Sau khi bức tường Berlin sụp đổ, một vài lí thuyết gia của « sự cáo chung của Lịch sử » đã tưởng có thể đưa cả khái niệm dân chủ vào đó. Song :

« Chủ nghĩa tư bản là một hệ thống tái phân phối thặng dư kinh tế (nghĩa là những của cái mới tạo ra) giữa ba nhóm tác nhân chính là : những người làm công (được trả lương), những người lãnh đạo doanh nghiệp (doanh nhân hay nhà công nghiệp) thì nhận được lợi nhuận, các nhà đầu tư hay cổ đông, là người bỏ vốn thì nhận được lãi suất hay cổ tức (5). Kinh tế thị trường là hệ thống phân phối hàng hóa từ người sản xuất đến tay người tiêu thụ, trung gian là người thương gia lấy phần lời (các thương gia là nhóm tác nhân thứ tư). Chủ nghĩa liberal (tự do) là nền chính trị nhằm tối ưu hóa tương quan giữa các quyền tự do cá nhân và sự can thiệp của Nhà nước vào chuyện con người nhằm bảo vệ quyền tự do ấy » ([J], tr.28). Định nghĩa này, phải nói là khá « trung dung », cũng cần phải được nói thêm cho rõ vì, ít nhất từ Thế kỉ Ánh sáng tới nay, « chủ nghĩa tự do » đã mang nhiều ý nghĩa, đôi khi trái ngược nhau. Để tránh đi vào một cuộc tranh luận chẻ tóc làm tư (mà người Pháp gọi là cãi nhau về giới tính của các thiên thần), ở đây chúng tôi dùng cụm từ « chủ nghĩa tự do » trong ý nghĩa thông dụng (ngoại trừ các nước Anh Mĩ) : một triết thuyết chính trị, nhân danh một số quyền tự do như trách nhiệm và quyền sở hữu, muốn giảm thiểu quyền hành của Nhà nước, thậm chí tới mức Nhà nước chỉ đóng vai trò « người gác đêm » ; một tư tưởng kinh tế, vẫn nhân danh các nguyên tắc vừa kể trên, cấm chỉ mọi sự can thiệp của Nhà nước có khả năng làm rối loạn « sự quân bình chung của thị trường », để mặc cho « bàn tay vô hình » chi phối sự vận hành của thị trường.


Trở lại câu chuyện của chúng ta. Chủ nghĩa tự do cho rằng những yêu sách của mình là « thuận lẽ tự nhiên », nhưng không hề nêu ra những tiêu chuẩn để xác định « điểm tối ưu » giữa các quyền tự do cá nhân và hoạt động của Nhà nước. Như P. Jorion nhận xét, trên thực tế, chủ nghĩa tự do tiên thiên loại trừ giả định này : sự can thiệp của Nhà nước đã đạt mức tối ưu, thậm chí, Nhà nước chưa can thiệp tới mức tối ưu. Cho nên nó luôn luôn đòi Nhà nước phải bớt can thiệp, thậm chí nếu cần, Nhà nước phải tiêu vong (như trong đòi hỏi của chủ nghĩa tự do cực đoan, hay của chủ nghĩa tư bản vô chính phủ). Trục xuất Nhà nước ra khỏi thị trường, đó chính là sứ mạng mà chủ nghĩa « tân tự do » thời kì Thatcher-Reagan tự trao cho mình thực hiện, khi nó lên thay đường lối chính trị theo học thuyết Keynes đã thất bại. Từ đó đến nay, các nguyên tắc của nó (ẩn ngôn trong « đồng thuận Washington », xem khung đính kèm) đã hướng dẫn « tư duy duy nhất » về sự cai quản kinh tế thế giới. Như Thiết Bà Thatcher thường nói : TINA. Đây không phải là tên một người phụ nữ giữ hầu bao của thủ tướng Anh, là chữ cái đầu của bốn chữ There is no alternative (Không có cách chọn lựa nào khác). Chủ nghĩa tân tự do đã đẩy tới cùng cái tiên đề « bàn tay vô hình không thể nào nhầm lẫn » : « thị trường » biết tự điều chỉnh, có thất nghiệp là « chuyện tự nhiên », Nhà nước phúc lợi (Nhà nước ban phát) chính là thủ phạm gây ra lạm phát và làm cho các doanh nghiệp mất đi khả năng cạnh tranh… Không có tham vọng trình bày một cách hệ thống, dưới đây chúng tôi sẽ xét từng điểm :

Đọc bài này, bạn đọc tinh ý có thể thấy ngay từ đầu, chúng tôi đã phân biệt thị trường (không để trong ngoặc kép), là nơi chốn hay thiết chế diễn ra các giao dịch tài chính, và « thị trường », cái thực thế mờ ảo nhưng lại hết sứ thần tình mà học thuyết « tự do kinh tế » luôn luôn ca ngợi « khả năng tiên liệu thuần lí ». Điều oái oăm, chính Robert Skidelsky (nhà tiểu sử của Keynes) lại là người đưa ra cách lí giải xã hội học thích đáng về niềm tin « tự do chủ nghĩa » vào sự thuần lí của « thị trường » : « Lịch sử của những sự « tiên liệu thuần lí » gắn liền với tính chất dân chủ của giấc mơ Mĩ. Là đại biểu cho sự phán quyết của hàng triệu cá nhân đeo đuổi mục đích vị kỉ của mình, thị trường đạt tới một sự hiểu biết bao quát hơn, chất lượng cao hơn sự hiểu biết của các chính phủ (…). Những người tin tưởng vào « sự tiên liệu thuần lí » ưa nhấn mạnh tính chất dân chủ của tiên đề « tính thuần lí ». Nó dựa trên quy luật của những đại lượng lớn, theo đó nhóm người càng đông thì sự lựa chọn « trung bình » càng tối ưu. Chính quyền không có cách nào khôn ngoan hơn là đám đông trong toàn khối của nó ». Sự thần tình mà người ta gán cho « thị trường » giả định là « thị trường » biết thế nào là « chân lí giá cả », tức là nền tảng của mọi sự trao đổi, nhưng trên thực tế, nào có ai biết số phôn của « thị trường » để biết « chân lí » ra sao ? »

Có người trả lời bằng những câu nói quanh « A là A », như L. Blankfein, người đứng đầu Goldman Sachs, khi ông ta bị SEC (cơ quan « sen đầm » của thị trường chứng khoán Mĩ) hạch tội gian lận. Được hỏi về vai trò của người trách nhiệm ngân hàng, Blankfein nói chức năng của nhà ngân hàng chỉ là « làm thị trường » (market maker), nghĩa là môi giới thương mại giữa người mua và người bán. Cứ theo lời ông ta thì người môi giới không liên can gì tới chất lượng sản phẩm trao đổi giữa người bán và người mua, vả lại người mua cũng không phải lo lắng gì về chất lượng sản phẩm, bởi vì cái giá mà thị trường quy định là sự đánh giá chính xác rồi. Xét cho cùng, cái mà người mua « tinh tường » bỏ tiền ra mua, chính là cái rủi ro, và trên nguyên tắc, « thị trường » đã sắp đặt để lãi suất gắn liền với sản phẩm phản ánh trung thực mức độ rủi ro. Nói cách khác, người mua và người bán có thể không biết sự thực về giá cả ở thời điểm mà họ thỏa thuận việc mua bán, nhưng sau đó, họ sẽ biết, và lúc đó sẽ biết mình lời hay lỗ. Cùng lắm, Blankfein chỉ chịu thừa nhận là muốn đánh giá đúng các rủi ro, thì thị trường nhất thiết phải minh bạch, phải trong suốt (phái tân tự do bây giờ ưa dùng hai chữ này, thay vì nói tới lệ luật).

Minh bạch chính là vấn đề nhiều người nêu ra. Vì không có đầy đủ thông tin, và để tránh tình trạng người có kẻ không (tội được « tay trong » cung cấp thông tin), thị trường đã bày ra việc « chấm điểm », trao cho những công ti mà nghiệp vụ là đánh giá rủi ro, khả năng thất bại bằng những phương pháp khoa học – những công cụ « toán học tài chính » (6) – rồi công bố bảng xếp hạng bằng ba chữ cái đang nóng hổi tính thời sự. Chẳng hạn, một công trái được xếp hạng AAA có nghĩa là xác suất trục trặc trong năm đầu không quá 1 / 10 000, BBB là 1 / 500… Ba công ti chấm điểm, theo thứ tự lớn bé, là Moody’s, Standard & Poor (S&P) và Fitch, cả ba đều đóng đô ở New York, gần như độc quyền làm việc này ; mặc dù họ không hề có một quy chế chính thức nào, các bảng xếp hạng của họ (ratings) vẫn được coi là những lời sấm truyền linh thiêng : người ta trông vào đó để vạch ra giới hạn cho việc mua công trái của các quỹ hưu bổng, của các công ti bảo hiểm, để tính tỉ lệ vốn tự có của ngân hàng, để quy định việc gọi vốn của ngân hàng… và để tăng hay giảm lãi suất các trái phiếu Nhà nước. Mọi người chắc đã được nghe câu nói đùa : « Chỉ có hai lực lượng có khả năng phá hủy nền kinh tế của một nước : không lực Hoa Kì dùng thảm bom để phá sập… và Moody’s bằng cách hạ thấp điểm ».

Tuy « ba mụ phù thủy », xin nhắc lại lần nữa, không có một vai vế chính thức nào cả, nhưng tất cả các đại cường kinh tế trên thế giới, từ Hoa Kì cho đến Liên hiệp Châu Âu, qua các nước đang trỗi dậy, đều thừa nhận uy quyền và run rẩy quy phục phán quyết của họ. Họ đã hạ điểm của Hoa Kì và của một nửa số quốc gia trong khu vực Euro, nửa còn lại được « theo dõi chặt chẽ »… nhưng chính họ đã lầm lẫn nhiều lần, từ vụ bê bối các quỹ tiết kiệm Mĩ, cho tới sự phá sản của tập đoàn Parmalat, và cuối cùng là vụ subprime. Thử hỏi ai đã phong họ làm hoàng hậu (hay phù thủy), nếu không phải là chính các quốc gia đã từ bỏ quyền điều chỉnh và đặt ra các quy định lệ luật và khuất phục « thị trường » ? Rất có ý nghĩa là ý kiến của những người trong cuộc trên thị trường, mà M. Lewis đã ghi lại trong cuốn The Big Short : đối với những người phụ trách giao dịch ở thị trường chứng khoán cũng như đối với các nhà quản lý hedge funds, « tay nào không kiếm ra việc ở Phố Wall thì mới xin vào làm ở Moody’s ». Riêng những nhân viên được trao trách nhiệm đánh giá các trái phiếu subprime thì được xếp hạng từ « trên tồi một chút » đến « cực kỳ xuẩn độn » (tr. 134). « Các phòng thị trường trái phiếu ở Phố Wall, đầy những người thu nhập hàng năm 7 cột số đô la, bèn chọn lựa bọn ngu xuẩn ấy (thu nhập hàng năm chỉ vọn vẹn 5 cột số) vào làm công việc này để chúng xếp những tín dụng ghê tởm nhất vào hạng khá nhất (…). Chẳng mấy lúc, họ phát hiện ra rằng đám người của Moody’s và S&P không những không đánh giá từng khoản vay bất động sản, thậm chí, chúng không thèm nhóm ngó gì tới đó. Bọn chúng và những mô hình mà chúng sử dụng chỉ thấy và chỉ đánh giá các đặc trưng tổng quát của các tổ hợp khoản vay [tức là các CDO]. Moody’s và S&P không đòi các công ti môi giới giao dịch cung cấp chỉ số FICO (đánh giá khả năng chi trả của từng đơn vị) mà chỉ đòi chỉ số trung bình của cả gói ». Chỉ cần bước chân vào trung học, một học sinh cũng hiểu rằng nếu một người ăn lương tối thiểu bay cùng chuyến với tỉ phú Bill Gates, thì trung bình thu nhập của khách hàng chuyến bay có thể biến anh ta thành triệu phú. « Mô hình mà các công ti chấm điểm sử dụng mang đầy những khiếm khuyết như vậy ». Và cứ như thế mà đám « 7 cột số » đã xỏ mũi đám « 5 cột số », làm cho những CDO mục nát nhất được xếp hạng AAA. Có thật là xỏ mũi không ? « Nếu cứ xét theo cung cách hành xử của họ, có thể nói các công ti chấm điểm chỉ cần biết một điều thôi : làm thế nào kiểm điểm được tối đa chứng khoán của các ngân hàng đầu tư Wall Street để ăn hoa hồng » (tr. 202). Xin thêm vài thông tin : năm 2011, hoạt động lợi nhuận của Moody’s là 40%, của S&P (P đây là Poor, tức là nghèo, tội nghiệp !) là 43%, của Fitch là 58%. Những chứng cứ về sự bất cập (môt hình thô lỗ, sai lầm to lớn) và gian tham (chạy đua theo hoa hồng, xung đột quyền lợi) cho thấy chính các công ti chấm điểm cần phải bị mất điểm. Và cuộc chạy đua theo bảng xếp hạng AAA của các nhà cầm quyền (nhất là ở Pháp, với anh chàng sAAArkozy) rất đáng nghi ngờ. Các cuộc khủng hoảng liên tiếp xảy ra đã cho thấy thực chất những lời ca ngợi « bãi bỏ lệ luật », phải chăng ngày nay cái nhãn AAA chỉ là chiếc lá nho chót cùng còn lại để người ta che đậy, nhằm tiếp tục cái gọi là « cuộc cách mạng tự do » trong lòng bộ máy Nhà nước ?


Chủ nghĩa tân « tự do » và xã hội


Đối với các chủ soái của trường phái tân « tự do », từ Milton Friedman đến Friedrich Hayek (7), kẻ thù triết học cần phải triệt hạ là Nhà nước mà vai trò là điều chỉnh và phân phối. Đầu đề một tác phẩm của Hayek, Sự khốn cùng của công bằng xã hội, đủ cho thấy điều đó. Song chúng ta không thể thảo luận nghiêm chỉnh về công bằng xã hội trước khi xét tới những mâu thuẫn tự tại của tiêu ngữ chính thể cộng hòa « Tự do, bình đẳng, bác ái ». Cứ cho rằng hiện nay, tại các nước dân chủ pháp quyền hiện đại (tuy chẳng có nơi nào hoàn hảo cả), các quyền tự do cá nhân đã được thực hiện và được Nhà nước bảo hộ. Vấn đề là trong nguyên tắc tự do, không có nguyên tắc bình đẳng. Vấn đề không có gì mới, vì ngay từ năm 1848, Lacordaire đã phải thốt lên : « Giữa kẻ mạnh và kẻ yếu, kẻ giàu và kẻ nghèo, chủ và đầy tớ, là sự tự do đàn áp và pháp luật cho phép ». Trong một xã hội xây dựng trên nền tảng chủ nghĩa tư bản và kinh tế thị trường, thì sự bất bình đẳng đầu tiên là bất bình đẳng về thu nhập, hay đúng hơn, bất bình đẳng trong sự phân chia giữa những người làm ra thặng dư kinh tế nói ở trên. Thu nhập duy nhất của người làm công là do cho thuê sức lao động. Đừng nhầm với sức lao động với lao động, chính lao động của anh ta đã tạo ra thặng dư, thặng dư này được chia cho ba tác nhân khác : nhà tư bản (cổ tức), nhà kinh doanh (lợi tức) và thương gia (lợi nhuận). Ai còn hoài nghi về khái niệm thặng dư chỉ cần nhìn sang Trung Quốc, « công xưởng của thế giới », là thấy được minh chứng sống sượng nhất của khái niệm này. Trong sự phân chia thặng dư kinh tế, dựa theo tương quan lực lượng, thì nhà tư bản chiếm vị trí thống trị, như tục ngữ vẫn nói « đồng tiền đẻ ra đồng tiền », và cơ chế ấy tự động dẫn tới cái mà người quen gọi là sự tích lũy tư bản (8), nghĩa là khối vốn ngày càng lớn, và tập trung vào tay một số ngày càng nhỏ những nhà tư bản. Trong khi đó thì vị trí của người làm công ngày càng suy yếu đi trong suốt « ba mươi năm tồi tệ » vừa qua ở các nước theo kinh tế « tân tự do ». Sự suy yếu này là kết quả của nhiều nhân tố hội tụ :

- công ăn việc làm tại các nước phát triển trở nên khan hiếm, một phần vì tiến bộ kĩ thuật (tự động hóa, tin học hóa), một phần vì sự di chuyển xí nghiệp sản xuất (toàn cầu hóa khiến cho người ta với tới nguồn dự trữ sức lao động gần như vô hạn, công ăn việc làm do đó trở thành một « biến số điều chỉnh »).

- sự tăng tiến của khu vực thương gia, kết quả của quá trình toàn cầu hóa thương mại (thí dụ điển hình là sức mạnh của mạng lưới « đại phân phối » ở các nước phát triển).

- sự phát triển loại hình mới của chủ nghĩa tư bản, gọi là tư bản cổ đông, gắn liền với nền tài chính, xóa mờ ranh giới nói ở trên giữa giới tư bản và giới doanh nhân, bằng việc ban phát những « stock option » và các « kích thích tố » khác, khiến cho lợi ích của doanh nhân gắn liền với lợi ích của nhà tư bản.

- sự sụp đổ của hệ thống « xã hội chủ nghĩa hiện tồn ». Khối các nước xã hội chủ nghĩa chẳng phải là một « mô hình thay thế » sáng giá gì (thậm chí còn làm người ta ngán sợ), nhưng nó đã đóng vai trò đối trọng trong tương quan lực lượng.

Thành thử, của cải tài nguyên do tiến bộ kĩ thuật và toàn cầu hóa tạo ra, toàn bộ xã hội không được hưởng, mà lọt vào vòng tay của một bộ phận những tác nhân kinh tế. Đứng trước sự liên minh ấy, giới làm công chưa bao giờ cảm thấy trơ trụi như vậy, giai cấp trung lưu ngày càng trống vắng « từ phía dưới ». Sự chênh lệch ngày càng tăng trong phân phối thặng dư có thể thấy rõ trong nghiên cứu của Michel Husson (được viện dẫn trong [J]) về lời lãi của các nhóm tư bản lớn ở Pháp trong giai đoạn 1992-2007. Theo nghiên cứu này, khả năng sinh lợi tăng lên chủ yếu là do giảm bớt mạnh mẽ phần tiền lương trong giá trị gia tăng, từ 66,4% xuống 54 ,8%, nghĩa là giảm đi 11,6 điểm bách phân. Còn sự bất bình đẳng, thì cuốn Thời của người giàu ([P]) của Thierry Pech cho ta những thống kê kinh khủng (INSEE, 2008). Chẳng hạn như thu nhập trung vị ở Pháp, nghĩa là mức thu nhập ranh giới, số người có thu nhập cao hơn mức ấy và số người có thu nhập thấp hơn mức ấy là ngang nhau, nghĩa là bằng nửa dân số (đừng nhầm thu nhập trung vị với thu nhập trung bình nói ở một phần trên). Ở Pháp, thu nhập trung vị là 1 600 € /người/tháng (sau khi trừ thuế và cung ứng xã hội). Nếu căn cứ vào Eurostat và định mức thềm nghèo khó là 60% thu nhập trung vị, thì ở Pháp – đứng thứ nhì về kinh tế của châu Âu – số người nghèo là 8 triệu, nghĩa là 13% dân số. Eurostat không định mức giàu tối thiểu, còn INSEE (cục Thống kế quốc gia Pháp) thì gọi người thuộc 10% những người khá giả nhất là người thu nhập cao. Xin nói rõ : đây chỉ nói thu nhập, không tính tới tài sản. Điều đáng ngạc nhiên là mức thu nhập hàng tháng của người thu nhập thấp nhất trong số 10% thu nhập cao ấy là 3 000 € tức là mới gần gấp đôi thu nhập trung vị, nghĩa là không đến nỗi quá đáng. Nhưng đó chỉ là bậc thềm tối thiểu, lên cao hơn, thì thang độ thu nhập sẽ « bùng nổ » đáng sợ : « top 5% » là 5 400 €, « top 1% » là 10 000 € (khoảng 580 000 người), « top 0.01% » là 82 000 € (khoảng 5 800 người). Điều không ngạc nhiên là trong số 5 800 người ở đỉnh cao nhất ấy, 50% là cán bộ chỉ huy tài chính. Đây chỉ nói tới thu nhập công khai. Nói như Pech « người ta không lên tới đỉnh cao của sự giàu có bằng cách leo từng bậc thang đều đặn liên tục, bởi vì thượng đỉnh ở nới cao chót vót, cách biệt hẳn với những bậc phía dưới » ([P], tr.29).

Sự bình đẳng như thế không thể có trong mã ADN di truyền của một xã hội mà có những cá nhân một năm kiếm được một số tiền mà người khác cả đời cũng không kiếm nổi. Nhưng để biện bạch cho sự bất bình đẳng, phái « tân tự do » (hay là nhóm xã hội – tự do kiểu Tony Blair bên Anh) đã có sẵn bài bản trả lời : đó là thuyết « nước suối đổ xuống » (trickle down), mà năm 1971 John Rawls đã trình bày trong A Theory of Justice (Một lí thuyết về công bằng). Đại để J. Rawls nói rằng sự tăng trưởng bất bình đẳng còn ở mức chấp nhận được chừng nào động lực của sự tập trung của cải có thể tạo ra những doanh nghiệp mới, những công nghiệp mới, những tài nguyên mới, và cuối cùng, người nghèo cũng được hưởng theo. Nói bằng hình tượng : của cải từ trên đỉnh kim tự tháp sẽ « tuôn chảy » xuống dưới. Đứng về mặt hiệu quả kinh tế, chúng ta hãy thử bàn xem quy luật « thủy động học » này có đúng không. Nhìn vào biểu đồ tổ chức của sự phát triển các nước giàu, chúng ta thấy gì ? Trái ngược với những lời hứa hẹn « nước suối đổ xuống », thu nhập cao thì càng ngày càng tăng cao trong khi nền kinh tế toàn bộ lại đi xuống : từ 2001 đến 2007, thu nhập của người dân Pháp ở dưới đáy « kim tự tháp » tăng 9%, ở trên đỉnh tăng 40%, trong khi nhịp độ tăng trưởng chung đã giảm 0,7 điểm so với thời kì 7 năm trước đó. Ngược dòng thời gian, tới một giai đoạn dài hơn nữa, nghiên cứu của Thomas Piketty về Thu nhập cao ở Pháp trong thế kỉ 20 (trích dẫn trong [P], tr.49) cho thấy hai cuộc đại chiến thế giới đã « hộ tử những người sống bằng lợi tức », sang « ba mươi năm quang vinh », các thu nhập cao đã tăng tiến, tuy có phần chậm hơn tốc độ tăng trưởng (5,5%) của nền kinh tế quốc dân, nhưng sang « ba mươi năm tồi tệ » thì lại tăng nhanh hơn. Một nghiên cứu khác của Piketty và Saez (sách đã dẫn) cho thấy ở Hoa Kì, tình hình cũng tương tợ : kể từ những năm 1980 trở đi, trong vòng hai mươi năm, sự chênh lệch bất bình đẳng về thu nhập đã tăng lên và bắt kịp tình trạng trước Thế chiến lần thứ nhất. Người ta có thể kết luận một cách hợp lí là sự tích lũy tư bản (theo định nghĩa nói ở trên) làm phá vỡ thế quân bình khá tế vi giữa sản xuất và tiêu thụ mà bất cứ nền kinh tế tư bản chủ nghĩa nào cũng bắt buộc phải duy trì nếu muốn tránh xảy ra lạm phát hay thất nghiệp. Sự tập trung quá mức những khối vốn tư bản sẽ dẫn tới hậu quả là lượng tiền có sẵn sẽ giảm bớt, khối lượng tập trung lớn khiến cho những người chủ đầu tư vào thị trường tài chính, một là để tránh mất giá do lạm phát, hai là trong một nền kinh tế hậu công nghiệp, luồng giao dịch tài chính chung quanh sản phẩm sinh lợi nhiều hơn là chính sản phẩm. Khối tiền ấy nằm ngoài khu vực tiêu thụ, một mặt nó kích thích sự đầu cơ trên giá cả lên xuống, mặt khác nó tạo ra tình huống siêu sản xuất cần phải được ngăn chận bằng một chính sách kết hợp « khuyến khích tiêu thụ » (quảng cáo và tín dụng). Thế nhưng đại bộ phận người tiêu thụ là người làm công, mà một phần thu nhập (đã bị giảm đi một phần, như đã nói ở trên) lại phải dùng để trả lãi, nghĩa là sức mua của họ bị giảm đi… và do đó, sự tập trung tư bản lại tăng lên. Cái vòng lẩn quẩn như vậy đã khép kín, còn câu chuyện « nước suối chảy » nếu có chăng, là chảy ngược lên trên, bất chấp quy luật trọng trường.

Nhiệm vụ của Nhà nước (không nói chi đến Nhà nước phúc lợi, Nhà nước ban phát) là phải điều chỉnh mọi cơ chế có nguy cơ gây ra trục trặc trong sự vận hành của nền kinh tế quốc dân. Chẳng hạn nó phải kìm hãm sự tập trung của cải nói trên bằng một chính sách thuế khóa hiệu quả. Nhưng trong một chế độ « tự do », từ Reagan-Thatcher cho đến Chirac-Sarkozy, thì ngược lại, như ta thấy. Ở đây cũng không cần bận tâm độc giả bằng những con số, vì hiện tượng trung tâm là « sự lơi là thả phanh thuế má đối với người giàu trong hai mươi năm qua là kết quả của những quyết định chính trị, không những đã được thông qua một cách hết sức dân chủ, mà con được dư luận « chống thuế » hưởng ứng rộng rãi. Đây là một mâu thuẫn xuyên suốt xã hội, chẳng qua cũng là một dấu hiệu của thời đại. Nó đụng chạm tới cả những ý tưởng về sự liên đới và sự ganh đua » ([P], tr.13). Danh từ liên đới (đoàn kết) đã thay thế ý niệm bác ái, huynh đệ trong tiêu ngữ của chế độ cộng hòa. Nó từng bước đi kèm sự hình thành « xã hội của người làm công », để ứng phó với kiếp sống bấp bênh của giới vô sản thế kỉ 19, đầu thế kỉ 20 : sự phát triển của pháp luật lao động (hỗ trợ cho người làm công trong tương quan lực lượng chênh lệch đối với người chủ), sự tạo dựng những công cụ bảo hộ lớn (công đoàn, liên hiệp công đoàn), xây dựng chế độ bảo hiểm xã hội (chống lại bệnh tật, tai nạn, thất nghiệp)… tất cả những nhân tố bảo đảm sự « tự lập » của « cá nhân làm công ». Nhưng trong xã hội « tân liberal », « thế quân bình giữa tìm kiếm sự tự lập và hỗ trợ của các công cụ bảo hộ tập thể đã bị phá vỡ, tạo ra một biến thể mới của chủ nghĩa cá nhân » (sách đã dẫn). Hiện thân của xu thế này là nhân vật Bernard Tapie của những năm « tiền, tiền, và tiền », biểu tượng của « chủ nghĩa cá nhân tranh đua » không còn mảy may đạo đức gì nữa, tham vọng làm giầu lấn át mọi ý tưởng về nghĩa vụ xã hội. Thế nào là nghĩa vụ, là món nợ đối với xã hội ? Triết gia Léon Bourrgeois thế kỉ 19 (dẫn trong [P]) định nghĩa nó là « công cụ vật thể và trí tuệ » mà mỗi cá nhân sống trong xã hội sử dụng : nông nghiệp nuôi ăn, nhà cửa là nơi chốn, nhà trường để học hỏi, y học để chăm sóc sức khỏe, tri thức khoa học và triết học nâng cao anh lên trên trình độ của tự nhiên… Ngay từ lúc chào đời, cá nhân xã hội không biết rằng mình đứng trên vai những người khổng lồ đã sống trước mình (nói theo hình ảnh của Newton). Từ cá nhân, nói sang đến doanh nghiệp, cũng có thể thấy rằng, dù đứng ở quan điểm « liberal », sự phát triển kinh tế không khởi đầu từ hư vô, mà dựa trên nền tảng của những cơ sở hạ tầng xã hội của quốc gia, cơ sở ấy cung cấp vốn về con người (giáo dục, y tế) và những thiết chế (thị trường có tổ chức, Nhà nước pháp quyền), nếu không có những thứ ấy, thì tư bản vẫn chỉ là mớ tiền ngủ quên (cứ so sánh Nam Phi và Swaziland cạnh đó là thấy). Tóm lại, cá nhân sống trong lòng xã hội cũng như doanh nghiệp phát triển trong xã hội ấy không thể nào nói là mình không dính dáng gì tới những mối tương tác giữa con người với con người. Vậy mà trong sự tôn thờ sự thành đạt theo chủ nghĩa « tân tự do », có hàm chứa ẩn ý là bất cần sự liên đới xã hội (9). Xã hội « liberal cực đoan » chính là cái xã hội mà Oscar Wilde gớm chiếc, trong đó « cái gì cũng có giá của nó, nhưng chẳng có gì có giá trị cả ».


Khủng hoảng euro, hay khủng hoảng Châu Âu,

hay khủng hoảng dân chủ ?


Cuộc khủng hoảng nợ chủ quyền, như chúng tôi vừa trình bày cơ chế của nó, là sự tiếp nối trực tiếp của cuộc khủng hoảng subprime, còn cuộc khủng hoảng subprime phát sinh từ những sự hà lạm tài chính do chính sách tân tự do đã phá bỏ các lệ luật. Song cuộc khủng hoảng này cũng có những mặt đặc thù của Châu Âu có thể gây ra thắc mắc hoang mang.

* Nói một cách chính xác, đây không phải là một cuộc khủng hoảng của đồng euro, vì bản thân nó không bị tấn công trực tiếp. Bao nhiêu tháng qua, từ khi khủng hoảng nổ ra, tỉ giá của đồng euro vẫn xấp xỉ 1,35 $, trong khi mà lúc mới ra đời, tỉ giá của nó chỉ bằng 1,16 $ và có những lúc khủng hoảng, nó tụt xuống dưới mức 0,9 $. Bọn đầu cơ tấn công là nhắm vào khoản nợ công của một số nước trong khu vực euro, bắt đầu bằng những khâu yếu là Hi Lạp hay Ireland. Nhưng đứng về mặt kĩ thuật, nó đã trở thành một cuộc khủng hoảng đe dọa sự tồn tại của đồng euro vì các cuộc tấn công liên tiếp của thị trường đã làm lộ ra những khiếm khuyết về cấu trúc tàng ẩn trong quá trình xây dựng tiền tệ của châu Âu. Câu hỏi then chốt đặt ra là : tại sao có những nước cũng gặp khó khăn như khu vực euro, thậm chí xấu hơn, lại không bị tấn công ? Nợ công của Hoa Kì lên tới 100% GDP vào đúng lúc mà các nghị viên Dân chủ và Cộng hòa xâu xé nhau về vấn đề cắt giảm những chi tiêu xã hội và vấn đề tăng thuế. Còn Nhật Bản, với nợ công kỉ lục thế giới, 220% GDP, vẫn chưa thoát ra khỏi hai mươi năm lạm phát đình đốn (stagflation). Còn ở ngay Châu Âu, nước Anh (cường quốc kinh tế thứ ba) ở tình tạng báo động đỏ về nhiều mặt : nợ 84% GDP ; thâm thủng 9,4% ; thất nghiệp : hơn 8% dân số ; tăng trưởng : 0,6% sau hai năm suy thoái. Công ti Moody’s bớt điểm Hoa Kì và Nhật Bản, và đặt Anh trong tình trạng giám sát. Vậy mà không thấy « thị trường » tỏ ý muốn tấn công vào kinh tế ba nước này. Ngay cái tên gọi « khủng hoảng nợ chủ quyền » cũng không chính xác nếu ta không nói rõ khu vực Euro. Các nước ở ngoài vùng Euro – kể cả Anh – có « vũ khí nguyên tử » là Ngân hàng Trung ương có thể mua lại các khoản nợ trên thị trường thứ yếu, và nếu cần thì in thêm tiền để mua. Cơ chế đó trong biệt ngữ tài chính gọi là « tiền tệ hóa » hay là « nới lỏng định lượng » (quantitative easing), nôm na là… in thêm tiền. Rủi ro nội tại, cũng dễ đoán ra, là sẽ gây ra lạm phát, và nếu guồng máy bất kham, sẽ thành siêu lạm phát, như ở Đức năm 1923-1924, dẫn tới sự sụp đổ của cộng hòa Weimar và đưa đảng quốc xã lên cầm quyền. Dẫu sao, trong trường hợp khẩn cấp, nên chăng chấp nhận rủi ro ấy ? Về phần Kho dự trữ Liên bang Mĩ (FED), đã từ lâu rồi, họ cho máy in tiền chạy thả dàn một cách điệu nghệ. Tại sao Ngân hàng Trung ương Âu Châu (BCE) không làm như vậy ? Bởi vì quy chế của nó (nằm trong hiệp ước Lisboa) không cho phép. Vai trò đầu tiên chính thức của nó (đây hẳn là vì tiền lệ của những năm 1920) là canh chừng lạm phát, thế thôi. Từ khi xảy ra khủng hoảng, BCE có can thiệp vào một việc là giảm bớt lãi suất bằng cách mua lại trên các thị trường thứ cấp, nhưng khả năng can thiệp của BCE bị hạn chế bởi nhiệm vụ « phi tiền tệ hóa » (trong biệt ngữ kinh tế, là reverse repo), nghĩa là, bằng cách này hay cách khác, « trung tính hóa » một khối lượng tiền tệ tương đương với số tiền mà BCE đã bỏ ra để mua lại. Điều này cho thấy rõ cái ngõ cụt mà khu vực Euro tự giam cầm trong đó.

* Đối với người quan sát đứng nhìn từ bên ngoài, giải pháp trước mắt rõ ràng là phải thay đổi quy chế của BCE, cho nó được phép can thiệp bằng « tiền tệ hóa ». Một giải pháp nữa là khả năng phát hành những « trái phiếu Âu Châu » (thay thế công trái của riêng rẽ từng quốc gia), nghĩa là « tương tế hóa » các khoản nợ. Giải pháp mà cuối cùng người ta đã thông qua vào cuối tháng mười 2011 là tái khởi động Quỹ Âu Châu ổn định tài chính (FESF), một cơ quan thành lập từ năm 2010. FESF được sử dùng những quyền mà BCE không được có : ngoài việc mua lại trên các thị trường thứ cấp, FESF có quyền mua công trái của các quốc gia trên thị trường sơ cấp, nghĩa là mua thẳng của các quốc gia ; có thể cho các quốc gia thành viên vay tiền một cách trực tiếp ; FESF sẽ có một « hỏa lực » 1000 tỉ € tài trợ bằng cách phát hành những trái phiếu được sự bảo lãnh của các nước thuộc khu vực Euro, hoặc vay thẳng từ BCE. Là người ngoại đạo, chúng tôi miễn bàn về giải pháp này hay giải pháp kia, mà chỉ nêu ra một nhận xét : cái « nhà máy sản xuất khí đốt » mà người ta vừa lắp ráp như vậy, đến cuối năm 2011 cũng vẫn chưa chạy, mà xây dựng được như vậy cũng phải được quốc hội của 17 nước nằm trong khu vực Euro lần lượt thông qua – xém một chút thì nước Slovakia nhỏ bé đã làm sập tiệm (chỉ vì phe đối lập muốn lợi dụng dịp này lật đổ chính phủ). Điều này biểu lộ một trong những khuyết tật có tính cách cơ cấu trong sự vận hành của Liên hiệp Âu Châu : các quyết định phải được thông qua bằng sự đồng thuận. Đây phải chăng là căn bệnh ấu trĩ của thuở ban đầu hay đã là bệnh già báo hiệu sự tiêu vong ? Trong giai đoạn hiện nay, cuộc khủng hoảng nợ cho thấy rõ đây là khủng hoảng trong cung cách quản trị của Châu Âu. Trong quá khứ, quá trình xây dựng Châu Âu luôn luôn tiến triển thông qua những cuộc chấn động nối tiếp. Chấn động lần này có nguy cơ gây ra tai họa. Dù muốn hay không, khu vực Euro chiếm vị trí trung tâm của Liên hiệp Âu Châu : khu vực này nổ tung thì Liên hiệp Âu Châu sẽ tan vỡ, và kinh tế thế giới sẽ chao đảo, kéo theo một chuỗi dài hậu quả, người ta sẽ quay trở lại những hàng rào biên giới quốc gia cũ, người ta sẽ đua nhau hạ giá đồng tiền quốc gia để cạnh tranh nhau, chiến tranh thương mại sẽ lại tái phát… Nếu có một cơ quan hành pháp, dù chỉ là hình thức, thì ít nhất nó cũng có thể giải quyết vấn đề Hi Lạp trước khi nó suy biến như vậy. Tất nhiên, người cầm lái cũng phải xứng tầm, biết đi về đâu, và có tầm nhìn xa – chứ nhất quyết không phải cái thứ thuyền trưởng Merkozy như ta thấy. Người ta rộn ràng báo tin phen này sẽ « tái kiến tạo Châu Âu », rốt cuộc chỉ thấy « thỏa ước ổn định » được gia cố thành một thứ « liên hiệp ngân sách ». Nghĩa là trước mắt sẽ chẳng có gì, và trung hạn sẽ là một cuộc chạy marathon của 27 quốc hội. Làm sao không đặt ra nghi vấn : phải chăng người ta có những tính toán về chính trị quốc nội. Phải chăng người ta đang nhẩn nha « khẩn trương » sửa lại mái nhà, trong khi ngôi nhà đang cháy !

Không biết cuộc khủng hoảng sẽ kết thúc ra sao, chỉ mong rằng nó không gây ra đại họa cho nhân dân các nước. Song ở thời điểm này, it nhất có cũng gây ra một tác động tích cực : lay tỉnh ý thức chính trị của đại chúng cho đến nay bị chủ nghĩa tiêu thụ gây mê. Được như vậy là nhờ hai nhân tố : cảm nhận về sự bất công trong sự thi hành chính sách « khắc kiệm » ; phẫn uất vì cảm thấy mình bất lực trước « thị trường ».

* Đừng bao giờ coi thường những cảm nhận về sự bất công : cái bánh « brioche » của hoàng hậu Marie-Antoinette hay cái chậu phóng uế bằng vàng của Gogol nhắc ta điều đó (10). Rất có thể là nhân dân các nước đã « quen sống ở mức cao hơn phương tiện của mình cho phép », nhưng có một điều chắc chắn là, không như « những người mua tinh tường » của Blankfein, khi đi bầu, có thể họ không biết đã bỏ phiếu cho những người mà họ không biết đường lối chính sách về tiêu thụ như thế nào. Cứ cho là giải pháp duy nhất (TINA, không có chọn lựa nào khác, mà !) là khắc khổ (người ta dùng chữ khắc kiệm, nghe đạo lí hơn), nhưng ai mà chịu được sự khắc khổ không được phân chia công bằng ! Cuộc khủng hoảng, người làm công phải gánh chịu hai lần : lần thứ nhất là đóng thuế (mà thuế bây giờ không còn là thuế tiệm tiến nữa), lần thứ hai là cắt giảm các cung ứng xã hội. Còn những người có của, thì không những họ được Nhà nước tặng quà (cấp cho họ cái « khiên thuế khóa », những « ổ bớt thuế », giảm bớt thuế chuyển hóa…) mà còn được vuốt ve đủ kiểu, chẳng hạn như vay tiền của họ với những lãi suất cao, làm cho họ đã giàu còn giàu thêm. Mới đây, chính phủ Pháp loay hoay xà xẻo mãi mới kiếm thêm được vài trăm triệu, trong khi mà 500 ổ bớt (trốn) thuế, nếu được dẹp bỏ, sẽ mang lại cho ngân sách quốc gia 145 tỉ Euro, tức là hơn một nửa thu nhập ròng của Nhà nước (báo cáo của Tòa án Kiểm toán). Chỉ cần khai thác cái mỏ thuế ấy là có ngay thang thuốc trị bệnh thay thế cho bài thuốc khắc khổ có nguy cơ ngăn chận khả năng vực dậy nền kinh tế. Bao nhiêu nhà kinh tế đã viết bài và lên đài giải thích : nguyên nhân thực sự của cuộc khủng hoảng là do lương bổng của người làm công bị ngưng trệ do thặng dư kinh tế bị biển thủ (xem ở trên), và không thể giải quyết nạn thu nhập thiếu hụt bằng cách lấy tín dụng thay thế lương bổng. Người dân bình thường bắt đầu cảm nhận thấy điều đó, bắt đầu biểu tình, đình công, tuần này qua tuần kia, chống lại chính sách TINA, ở Hi Lạp, ở Tây Ban Nha, ở Ý, ở Bỉ, và ở cả đất nước của nữ hoàng Anh nữa (trăm năm mới có lần này, shocking chứ nhỉ !)

« Đồng thuận Washington »


Đó là học thuyết « tự do chủ nghĩa » đang được áp đặt trên toàn thế giới. Dưới đây là bản tóm tắt « không chính thức » gồm 10 điểm, do nhà kinh tế học John Williamson soạn ra trong một bài viết năm 1989 :

1/ Hạn chế thâm thủng công quỹ

2/ Định hướng lại các ưu tiên về chi tiêu công quỹ

3/ Cải tổ chính sách thuế

4/ Tự do hóa tài chính

5/ Quy định một hối suất duy nhất, có tính cạnh tranh

6/ Tự do hóa mậu dịch

7/ Hủy bỏ các hàng rào đầu tư trực tiếp của nước ngoài

8/ Tư hữu hóa các doanh nghiệp công

9/ Bãi bỏ các lệ luật thị trường nhằm hủy bỏ các rào cản đầu vào và đầu ra

10/ An toàn hóa quyền sở hữu.

Tất cả các đề nghị này coi như đã được Hiệp ước Lisboa (2007) thông qua.

* Ở Pháp, người ta còn nhớ năm 2008, bài « diễn văn đọc ở Toulon » đã cho Sarkozy nhảy vọt 20 điểm bách phân trong thăm dò dư luận. Hứa hẹn rất oai là tái kiến tạo chủ nghĩa tư bản : « Từ nay chấm dứt sự độc trị của thị trường ! chấm dứt tài chính man dại ! chấm dứt thiên đường thuế khóa ! ». Ba năm sau, vẫn như cũ, nếu không nói là tồi tệ hơn. Các thiên đường thuế khóa biến khỏi các danh sách « đen » và « xám » vì đã cam kết « hợp tác để tạo sự minh bạch » (giữa họ với nhau !). Tại Mĩ, người ta kì vọng vào Obama, rốt cuộc những trách nhiệm cao nhất của Ngân khố Hoa kì đã rơi vào tay bọn người của Goldman Sachs (như Larry Summers hay Tim Geithner ; có thể xem [Q]). Trên bình diện thế giới, khi hệ thống ngân hàng có nguy cơ sụp đổ, các Nhà nước đã tiếp cứu để rồi ngã theo ; cuối cùng thì các ngân hàng đã leo ra khỏi hố, Nhà nước thì không. Tại Nghị viện Âu Châu, các thế lực lobby đã giết từ trong trứng mọi cố gắng nhằm lệ luật hóa các công ti chấm điểm. Và đến mùa thu năm nay, có thể thấy rõ sức mạnh chính trị của « thị trường » khi nó buộc phải từ chức Thủ tướng Hi Lạp và Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Ý (điều mà hàng chục cuộc tuần hành của hàng trăm nghìn người biểu tình không đạt được). Thủ tướng Hi Lạp Papandréou mang tội gì ? Tội muốn trưng cầu ý kiến nhân dân về một vấn đề hệ trọng đối với tương lai đất nước. Hai chữ « dân ý » đã làm cho các nhà lãnh đạo G20 nổi da gà. Tất nhiên chính phủ Hi Lạp đã chuẩn bị cuộc trưng cầu rất ẩu tả và không đúng lúc (trong những tình thế rối ren, dân chủ trực tiếp thường mang tính chất mị dân), nhưng sự kiện này đã điểm trúng một cái huyệt nhạy cảm : công cuộc xây dựng Châu Âu cho đến nay thiên về kĩ trị hơn là dân chủ -- bằng chứng là hiệp ước Lisboa (xem khung) đã tránh né cuộc trưng cầu dân ý hiến định năm 2005. Berlusconi phải từ chức thì chẳng ai tiếc rẻ, nhưng ai là người kế vị ? Mario Monti, một kĩ phiệt đã từng phục vụ trong công ti Goldman Sachs. Còn tay Mario kia, tân giám đốc Ngân hàng Trung ương Âu Châu ? Mario Draghi, kĩ phiệt, cũng đã từng làm cho Goldman Sachs. Khi mà các chính khách chạy theo đuôi « thị trường », thì nền dân chủ gặp cơn nguy khốn. Có lẽ phải bỏ giới tài phiệt và chính khách vào cùng một rọ. Họ có lí chăng, những người « phẫn nộ », những phong trào công dân chưa có tổ chức đang chiếm đóng những quảng trường biểu tượng của các thủ phủ tài chính để, nhân danh 99% nhân dân (We are the 99) để đòi hỏi « dân chủ đích thực » ?

Ở trên đã nói rõ là chúng tôi không mong muốn rằng cuộc khủng hoảng kết thúc bằng những tại họa mới cho nhân dân các nước. Nhưng nếu trong họa có phúc, thì hồng phúc là ở chỗ oái oăm này : chính chủ nghĩa « tự do » dạy cho chúng ta cách tự tử bằng sự hà lạm của chính mình.

Nguyễn Quang




TÀI LIỆU THAM KHẢO :

[J] Paul Jorion : Le capitalisme à l’agonie, Fayard, 2011

[L] Michael Lewis : Le casse du siècle (The Big Short), éd. Sonatine, 2010

[P] Thierry Pech : Le temps des riches - Anatomie d’une sécession, Seuil, 2011

[Q] Jean-Michel Quatrepoint : La dernière bulle, éd. Mille et une Nuits, 2009





(2) Xem chú thích (1)

(3) « Kim tự tháp Ponzi » hay « dây chuyền Ponzi » : trò ma giáo do Charles Ponzi bày ra ở New York năm 1920. Ponzi đầu tư về tem quốc tế quý hiếm, trả lãi cao cho những khách hàng góp vốn đầu tiên bằng tiền góp vốn của những người đến sau. « Cỗ máy » này chạy trơn tru trong thời gian đầu, nhưng khựng lại rồi đổ sụp khi tiền vốn thu vào không đủ để trả lãi. Trò ma giáo này thực ra không có gì mới : ở các trường học, học sinh cũng hay chơi trò này, gọi là « máy bay » hay « nhảy dù ». Vậy mà gần đây, Bernard Madoff, một nhà tài chính New York, đã dụ khị được hơn 60 tỉ đô la. Từ khi vụ Madoff đổ bể vào mùa thu năm 2008, các đài vô tuyến truyền hình Mĩ đầy những phim bộ ăn khách, với nhân vật chính gợ hứng từ Ponzi và Madoff (phim Damages sang tới mùa thứ ba, Boardwalk Empire mùa thứ nhất…)

(4) John Milton (1608-1674) chính là tác giả trường ca nổi tiếng Paradise Lost (1667) (Thiên đường đánh mất).

(5) Có thể sẽ có vài nhà mác-xít không đồng ý với cách trình bày này.

(6) « Toán học tài chính » là phiên bản hiện đại tân kì của phương pháp « tính toán actuariel » mà các công ti bảo hiểm sử dụng để tính toán các rủi ro. Bộ môn này sử dụng những công cụ tiên tiến nhất của lý thuyết xác suất (quá trình ngẫu nhiên, quá trình Lévy…), nhưng nghi vấn đặt ra là phương pháp này có tương ứng với hiện thặc tài chính không. Bằng chứng là cuộc khủng hoảng subprime, mà các mô hình toán học không hề tiên đoán được. Theo thiển ý của người viết bài này, đây chỉ là những thứ bùa ngài – nói một cách lịch sự -- để người ta nấp sau đó mà đàu cơ trong lãnh vực tài chính.

(7) Cả hai đều được giải Nobel về kinh tế học. Để thấy giải này chỉ có giá trị tương đối, chỉ cần lưu ý rằng có khá nhiều vị được giải Nobel kinh tế học đã lập ra hoặc bảo lãnh những quỹ đầu tư sau này bị lụn bại.

(8) xem chú thích (5).

(9) Cô con gái của bạn tôi, vừa trúng tuyển Trường cao đẳng thương mại (trường thương mại số 1 của Pháp), rất ngạc nhiên thấy có những « xưởng thảo luận » trong đó các nhóm sinh viên công khai tập dượt cách « giết đối thủ » (bằng lời nói). Tương tự, khi được hỏi về những nguy hại của cuộc khủng hoảng, một nhà báo London chuyên về tài chính, đã kể câu chuyện ngụ ngôn như sau : « Một nhóm bạn bè dạo bộ trong rừng. Bỗng nhiên, họ bị một con gấu hung hãn đang đói bụng tấn công. Cả bọn chỉ còn cách chạy thục mạng, nhưng chạy thế nào cũng không nhanh bằng con gấu. Kết luận : vấn đề không phải là chạy nhanh hơn con gấu, mà là chạy nhanh hơn bạn bè của mình ».

(10) Khi người dân Pháp kêu gọi bánh mì, tương truyền hoàng hậu Marie-Antoinette : « Hết bánh mì thì sao không lấy bánh brioche mà ăn ! ». Còn nhà văn Nga Gogol thì kể lại, trong một truyện ngắn, rằng những người nông dân mujik đã nổi loạn khi nghe nói tên chủ nô quý tộc (boyard) vừa sắm một cái chậu phóng uế bằng vàng. Tưởng cũng nên nói thêm là bà hoàng Marie-Antoinette ngày nay đã có một hậu duệ tinh thần là bà Christine Lagarde, nguyên bộ trưởng Kinh tế Tài chính Pháp (nay thay thế DSK làm chủ tịch Quỹ Tiền tệ Thế giới IMF). Giá xăng tăng cao làm nhẹ túi tiền, bà Lagarde khuyên người ta bỏ xe hơi, đi làm bằng xe đạp.




Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Indochine: 70 ans après les Accords de Genève 21/11/2024 16:00 - 18:00 — BnF site François-Mitterrand, Quai François Mauriac, 75706 Paris Cedex 13 | Zoom
Yda: Un court-métrage Hanoi - Warszawa 29/11/2024 19:00 - 21:00 — Médiathèque Jean-Pierre Melville, 79 rue Nationale, Paris 75013, M° Olympiades
Les Accords de Genève, espoirs et désillusions au cœur de la guerre froide. De l’indépendance à la division du Vietnam 11/12/2024 16:30 - 18:00 — Bibliothèque François-Mitterrand, Quai François Mauriac - 75706 Paris Cedex 13
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us