Mùa xuân nhân dân
Cách mạng Arập
MÙA XUÂN NHÂN DÂN
Nguyễn Quang
« Một ngày kia khi nhân dân muốn sống,
thì định mệnh buộc
phải đáp lại nguyện vọng. »
Một bài thơ Tunisia
Có những vận hội hiếm quý trong lịch sử thế giới được mang cái tên gọi đẹp đẽ là « mùa xuân nhân dân ». Đó là năm 1848 khi cách mạng Pháp đã thiết lập nền Đệ nhị Cộng hòa và làm lay chuyển trật tự mà ở Đại hội Vienna năm 1815, các lực lượng đánh bại Napoléon đã áp đặt lên Châu Âu. Rồi tới năm 1989, khi cuộc nổi dậy hòa bình của nhân dân các nước Đông Âu, trong vòng vài tháng, đã san bằng thành lũy của « chủ nghĩa xã hội hiện tồn ». Và bây giờ, phải chăng chúng ta đang sống « mùa xuân Arập » ? Cũng không quá sớm (và cũng chẳng quá muộn) để chúng ta thử xét xem nó sẽ để lại những dấu tích gì trong kho lưu trữ của tương lai, nhưng chính các nhà sử học cũng thừa nhận rằng họ « tiên tri » quá khứ dễ hơn là tiên tri tương lai, nghĩa là nhận chân ra những nguyên do sâu xa có thể « lí giải » được diễn trình của các sự kiện sau khi nó đã xảy ra xong xuôi rồi. Xong xuôi rồi, vì bùng nổ cách mạng vốn là điều bất ngờ, lần này hơn mọi lần khác. Phải nói thẳng rằng chẳng ai có thể đoán trước được những cuộc nổi dậy hay cách mạng đang lật nhào những chế độ độc tài ở hai khu vực Maghreb và Machrek. Ở Tunisia và Ai Cập, hai nhà độc tài đã bị lật đổ, Libya đang chìm trong máu lửa, Syria và Yemen tiếp tục xuống đường biểu tình mặc dầu bị đàn áp, và những chế độ quân chủ vốn nổi tiếng là ổn định, như ở Morocco hay Jordan, cũng bắt đầu rạn nứt...
KHỐI THỐNG NHẤT ARẬP
Cũng phải thú thực là bản thân chúng tôi còn kinh ngạc hơn vì từ ít nhất bốn chục năm nay, « thế giới Arập » dường như đã đứng ngoài Lịch sử. Đầu tiên, cũng nên xác định nội hàm của cụm từ « thế giới Arập ». Về mặt địa lí, người ta vẫn phân vùng khu vực này như sau : trước hết là Ai Cập, nước rộng và đông dân nhất (xem khung kèm theo bài) ; rồi vùng Maghreb (tiếng Arập : Mặt trời lặn) bao gồm Morocco, Algeria, Tunisia và Libya ; tới vùng Machrek (Mặt trời mọc) bao gồm các nước nằm trong Lưỡi liềm màu mỡ (Palestin, Jordan, Irak, Syria, Lebanon) và các nước thuộc bán đảo Arập (Arabia Saudi và các tiểu vương quốc). Về mặt lịch sử, hai khu vực Cận Đông và Trung Đông (trong này có những nước không thuộc thế giới Arập) trong suốt mấy thiên niên kỉ, hơn cả các khu vực khác trên thế giới, đã dao động giữa hai hình thái, một bên là những cấu trúc đế chế (từ Đế chế Assyrian đến Đế chế Ottoman, qua các Đế chế Ba Tư, La Mã, Arập), bên kia là tình trạng chia năm xẻ bảy (nhất là trong vô vàn những cuộc chiến tranh cục bộ thế kỉ 19). Ở đây không phải chỗ kể lại lịch sử hiện đại của « Phương Đông phức tạp », song cũng không thể hiểu được vấn đề khối thống nhất Arập nếu ta không trở lại tình hình vào buổi chiều hôm trước của Thế chiến lần thứ nhất – thời điểm mà nhà sử học Eric J. Hobsbawm đã chọn làm khởi điểm của « Thế kỉ 20 ngắn ». Khi ấy Ai Cập là một nước đặt dưới quyền bảo hộ của Anh. Ở Bắc Phi, Libya là thuộc địa Ý, Algeria thuộc địa Pháp, Morocco và Tunisia đặt dưới quyền bảo hộ của Pháp. Các nước Machrek là chư hầu của đế chế Ottoman, trong đó có hai nước có ảnh hưởng lớn : Hejaz của quốc vương Hussein, xứ sở của những vùng đất thiêng Hồi giáo (Mecca và Medina), và Najd của quốc vương Abdul Aziz (sau này trở thành Ibn Saud, quốc vương Arabia Saudi). Chiến tranh thế giới đã làm thay đổi cục diện toàn bộ khu vực này : năm 1916, Anh đã « tranh thủ » được Hussein bằng cách hứa hẹn thành lập một đại liên bang Arập đặt dưới quyền hai người con trai của Hussein, Abdallah ở phía nam (Palestin) và Faisal ở phía bắc (Irak và Syria bây giờ). Nhân vật chủ chốt của cuộc « khởi nghĩa Sa mạc » chống lại đế quốc Thổ chính là đại tá T.-E. Lawrence, tục gọi « Lawrence of Arabia ». Có lẽ Lawrence thành thật khi ông ta nói lên mong ước thống nhất các nước Arập (1), nhưng khi Thế chiến kết thúc, người ta đã trở về với « Chính trị hiện thực » (Realpolitik). Vương quốc Ai Cập được độc lập năm 1922, sau những lộn lạo đẫm máu, nhưng khu vực Maghreb (Bắc Phi) vẫn giữ nguyên trạng. Ở khu vực Machrek, giữa các giải pháp khác nhau – một quốc gia Arập to lớn, một liên bang gồm những nhà nước nhỏ, hay một loạt lãnh thổ đặt dưới chế độ giám hộ – các cường quốc thực dân đã chọn giải pháp thứ ba, và đã quyết định ngay từ năm 1916 (đế quốc Anh quả là một tay đểu có hạng) với mật ước Sykes-Picot đặt Syria dưới sự giám hộ của Pháp, vùng Lưỡng Hà và Palestin dưới sự giám hộ của Anh. Abdallah thì được một lô an ủi là vùng Transjordan, và Faisal vùng Irak. Còn bán đảo Arabia, lịch sử khu vực này là lịch sử cuộc tranh chấp giữa hai vương quốc Hejaz và Najd kéo dài nhiều năm, mãi đến năm 1928 mới kết thúc với thắng lợi của Ibn Saud và sự thành lập vương quốc Arabia Saudi.
Sở dĩ chúng tôi nhấn mạnh đến chuỗi sự kiện trên là vì, sau đó, diễn biến tình hình trong thế giới Arập sẽ luôn luôn bị hai hấp lực giằng co : một bên là Arabia Saudi bảo thủ và Hồi giáo, một bên là Ai Cập hiện đại và thế tục. Mô hình Ai Cập còn có một chiều kích thứ ba nữa là xu hướng « liên Arập » : nước Cộng hòa Arập Thống nhất, hợp nhất hai nước Ai Cập và Syria (từ 1958 đến 1961), có thể coi là biểu hiện của giấc mơ thống nhất ấy – cũng như sau này, mưu đồ thất bại nhằm hợp nhất Libya và Morocco của đại tá Gaddafi. Khi phương Tây chống lại chủ nghĩa Nasser, tiếp đó là sự thất bại của chủ nghĩa liên Arập và chủ nghĩa thế giới thứ ba, sự thất bại trước Israel, sự thất bại trong cố gắng giải quyết vấn đề Palestin, tất cả những nhân tố đã khiến cho Ai Cập mất đi vài trò lãnh đạo và thất thế trước sức mạnh của đồng đô la dầu mỏ Arabia Saudi, chúng tôi cho rằng từ lúc đó, thế giới Arập đã đứng bên ngoài lề Lịch sử. Với một hệ tư tưởng lạc hậu như hệ tư tưởng của vương quốc Arabia Saudi – mơ ước quay lại Thời đại Hoàng Kim của đế chế Arập thế kỉ thứ 8 – thì không đời nào nó sẽ trở lại dòng chủ lưu của Lịch sử.
NỖI NHỤC ARẬP
Có dịp trò chuyện với một số trí thức Arập, mới cảm thông được nỗi nhục của họ. Phải nói là hai lần nhục. Đầu tiên là nỗi nhục của một dân tộc kế thừa một nền văn minh kỳ vĩ mấy nghìn năm, nay bị tước đoạt vận mệnh, bị xua đuổi khỏi Lịch sử, phải đứng ngoài lề, thụ động hay bất lực. Thứ nữa là nỗi nhục của nhân dân những nước Arập từ mấy chục năm nay phải sống trong tình trạng chậm tiến, thiếu tự do, chịu sự chà đạp của những chế độ cường quyền phi nghĩa và giới thượng lưu cực kì thối nát. Tổng kết năm mươi năm qua là gì ? Là nghèo nàn, thất nghiệp, di cư, mất độc lập về kinh tế và chính trị, thoái hoá về văn hóa, nạn toàn thống tôn giáo, chính quyền độc đoán, Nhà nước bạo lực, lực lượng đối lập bị tiêu diệt...
Về tính chất phi nghĩa của các chính quyền ấy, khỏi cần nhắc lại những thăng trầm, những cuộc đảo chính, phản đảo chính liên tiếp từ ngày (giành được) độc lập cho đến những chế độ hiện tồn. Cũng chẳng cần nói tới những triều đại thần quyền tự xưng là hậu duệ của nhà tiên tri Mahomet. Còn lại là gì ? Là những « ngài tổng thống » đã được bầu, tự xưng hay do cha truyền con nối, mà thời gian trị vì đo bằng đơn vị thế hệ : Mubarak (Ai Cập) 31 năm ; cha con Al Assad (Syria) 41 năm ; Ali Abdallah Saleh (Yemen) 21 năm ; Gaddafi (Libya) 42 năm ; Ben Ali (Tunisia) 24 năm, tiếp theo 30 năm Bourguiba ; Bouteflika (Algẻia) 12 năm, tiếp theo 37 năm độc đảng FLN... Danh nghĩa duy nhất mà họ trưng ra – ấy là khi họ hạ mình làm chuyện này – để biện bạch là nhân danh sự nghiệp Cách mạng, y hệt những chế độ độc tài Châu Á. Thế hệ người viết bài này có nhớ tới thứ ngôn từ cách mạng thập niên 1970, khi Mặt trận giải phóng dân tộc Algeria (FLN) – và cùng với họ, một số trí thức Pháp và nhiều nước khác – dè bỉu nền độc lập của Morocco và Tunisia vì không giành được qua lò lửa của đấu tranh vũ trang (2). Vậy mà ngày nay, chính Tunisia đã nêu gương giải phóng, còn Algeria thì...
Tục ngữ Pháp có câu, cá ươn từ cái đầu ươn đi, tương đương với thành ngữ Việt Nam nhà dột từ trên nóc dột xuống. Nạn tham nhũng ở đây cũng thế : vấn đề không phải là quyền lực, mà là đồng tiền do quyền lực mang lại trong một chế độ có thể gọi là « chôm trị » (kleptocratie) với cấu trúc những vòng tròn đồng tâm. Ở tâm điểm, nhà độc tài và vợ con họ hàng tha hồ vơ vét. Gia sản của họ, những tạp chí chuyên môn như Forbes, Challenge... cũng như các nhật báo Le Monde, Le Figaro... đã tiết lộ những con số có thể còn phải bàn cãi, nhưng đại lượng của chúng cũng đủ làm cho người ta phải chóng mặt. Cố nhiên có gia tài xây dựng trên mỏ dầu : tiền của nhà vua Arabia Saudi, Abdallah, được ước tính là 14 tỉ € ; của Gaddafi, giấu kĩ hơn, lên tới gần 100 tỉ € (!) ; tiền dầu mỏ Algeria càng khó truy tìm hơn, một số điều tra ước lượng khoảng 30 tỉ € (tương đương với 1 năm GDP của cả nước) do Bouteflika và đám tướng lĩnh kí gửi ở Liechtenstein và Brasil. Ngoài dầu mỏ ra, còn các doanh vụ. Trong những nước không có dầu khí, tập đoàn gia đình Moubarak có khoảng từ 30 đến 60 tỉ € (một kỉ lục), gia đình Ben Ali 5 tỉ €, vua Mohammed VI (Morocco) (tự xưng là « ông vua của những người nghèo) 2,5 tỉ, tổng thống Al Assad 2 tỉ..... Trong vòng tròn thứ nhất, mà người thường gọi là makhzen (tiếng Morocco, có nghĩa là cung điện, triều đình), hay camarilla (tiếng Pháp gốc Tây Ban Nha), đám đại gia kinh doanh bằng sự ủy thác quyền lực. Dòng họ Trabelsi chẳng hạn (đây là dòng họ của bà vợ thứ nhì của Ben Ali) đã thao túng từng mảng lớn của nền kinh tế quốc gia (báo chí, đại lí xe hơi, siêu thị, ngân hành, viễn thông, công ti hàng không, nông trại...), gia tài ước tính khoảng 12 tỉ € (số liệu 2010), nghĩa là hai gia đình Ben Ali và Trabelsi chiếm khoảng một nửa GDP toàn quốc. Vòng tròn thứ nhì là giới nomenklatura, tức tầng lớp thượng lưu nhờ khéo thu xếp hay nhờ thẻ đảng mà giành được ưu quyền. Cứ như thế, từ cá lớn đến cá bé. Nhà sử học Pierre Hasner tóm tắt bản chất của những chính thể này là những « chế độ độc tài thừa kế và tư bản cực quyền ». Vòng tròn tham nhũng càng mở rộng thì quá trình ấy càng phổ biến và pha loãng nhưng tác động của nó trong cuộc sống hàng ngày vẫn hiển nhiên. Như khoản « phụ phí mặt đường » mà cảnh sát đứng thu, như những phong bì phải nộp cho bọn công chức. Và song song, là những chiếc tàu đắm, những đoàn xe lửa trật đường rầy, những cái xe đò bị lật, chỉ vì kỉ cương lơi là hay tham lam vô độ ; những chiếc cầu hay những tòa nhà sập đổ vì vật tư không đúng tiêu chuẩn ; thực phẩm hư ôi, thuốc men giả mạo... Và cũng không phải ngẫu nhiên mà tình trạng này cũng giống như những chế độ độc tài ở Á Đông. Lần nào cũng thế, nạn nhân sẽ bị tố cáo, người phản đối sẽ bị bịt miệng, người biểu tình bị giam cầm. Làm sao không ngạc nhiên khi thấy trong hơn bốn mươi năm trời, dân chúng Arập đã cam tâm chịu đựng biết bao đàn áp, nhục nhằn, hiện tại bị chối bỏ, tương lai bị phủ nhận – đúng như hình ảnh người ta thường nghĩ về « quần chúng » Arập ù lì, cam chịu ?
- Hiện tại : chẳng hạn như Ai Cập, theo số liệu thống kê kinh tế vĩ mô, đây là nước phát triển nhất của Châu Phi, chỉ thua Nam Phi. Vậy thì tại sao vẫn có những cuộc nổi loạn vì thiếu đói, y hệt như ở Cameroun và Sénégal ? Làm sao cứ 10 người dân Ai Cập, thì có 4 người chỉ có mỗi ngày 2 € để sống ? Làm thế nào giải thích được là trong lứa tuổi 15-29, cứ 10 thanh niên thì có 2 người thất nghiệp ? Làm sao cắt nghĩa được rằng, ngoại trừ những điểm du lịch và đô thị lớn, Ai Cập thiếu vắng những cơ sở hạ tầng (vận chuyển công cộng, trường học, nhà ở) ? Và ngay ở các thành phố, một nửa nhà ở không có hệ thống thoát nước, còn ngoại ô thì đầy rẫy những khu nhà ổ chuột ?
- Tương lai : Ở trên đã nói đến nạn thất nghiệp trong giới thanh niên Ai Cập. Tình hình còn đen tối hơn tại Tunisia, « Khu Latin của khu vực Maghreb », nước có nền giáo dục phát triển nhất ở Bắc Phi (ngân sách giáo dục năm 2008 bằng 7,2 % GDP, trong khi ở Algeria là 4,3, ở Morocco 5,7). Ngày nay, khoảng 70% thanh niên tới tuổi đỗ tú tài, mỗi năm 75 000 sinh viên tốt nghiệp đại học bước vào thị trường lao động – theo một số nhà kinh tế học, muốn thu nhận số tốt nghiệp này, thì tăng trưởng kinh tế phải đạt 8% mỗi năm. Còn xa Tunisia mới đạt được tốc độ tăng trưởng ấy, nên kết quả là tỉ số thất nghiệp trong tuổi thanh niên lên tới 32 %, riêng trong giới sinh viên đã tốt nghiệp là 22 % (kết quả điều tra của Quỹ Carnegie năm 2008). Cũng không nên quên rằng đằng sau một thanh niên đi tìm việc là cả một gia đình đã hi sinh chắt chiu nuôi con ăn học. Cả một thế hệ « no future ». Điều đó cho ta hiểu tại sao có những đợt thuyền nhân đi tới đảo Lampedusa (3) với hi vọng đặt chân lên châu Âu.
CÁCH MẠNG ARẬP
Sự tự mãn xấc xược của đám độc tài, là họ lầm tưởng rằng quần chúng đã im lặng suốt nửa thế kỉ thì sẽ đời đời nín thinh. Không có khoa học về cách mạng, nên không ai có thể nói một cách « khoa học » rằng điều gì đã làm cho « nắp nồi » nổ tung. Nói như Hegel, thì « thời thế thế thời phải thế ». Tất nhiên, những luận điểm kinh tế - xã hội thường được nêu ra đều đúng cả. Đầu tiên là tình thế kinh tế : giá nông phẩm tặng vọt, công nghiệp dệt và may mặc bản địa bị suy sụp (ở Tunisia và Ai Cập) từ năm 2005 khi các « hiệp định đa sợi » và các cô-ta xuất khẩu bị bãi bỏ, phải cạnh tranh không địch lại với Trung Quốc... Tiếp theo là áp lực xã hội phát sinh từ nạn thất nghiệp tràn lan, nhất là trong giới thanh niên (xem ở trên) chiếm 40 % dân số ở Maghreb. Trên màn truyền hình, ngay từ các cuộc biểu tình đầu tiên ở Tunisia, người ta có thể thấy những thanh niên trưng ra những tấm bằng đại học như những tờ giấy lộn... Và một quy trình xã hội - chính trị mà chủ nghĩa Marx đã từng phân tích : giai cấp thống trị mất đi tính chính đáng khi các giai cấp trung gian đoạn tuyệt với nó vì cái « thang máy » thăng tiến xã hội bị pan bởi nạn gia đình trị, làm tiền, thiên vị... Lí giải của Emmanuel Todd (4) dựa trên dân số học cũng rất thuyết phục : những cuộc nổi dậy / cách mạng này nổ ra khi tỉ số người dân biết đọc biết viết đã tăng vọt ở các nước Arập, trình độ học vấn của phụ nữ nâng cao, dẫn tới giảm tỉ số sinh đẻ – tóm lại, mô hình dân số học của các nước này tiến dần tới mô hình các nước phương Tây... Tất cả những nhân tố kể trên tạo ra một sơ đồ nhất quán, song ta phải nhìn lại diễn biến ở Tunisia mới thấy rõ cái gì đã châm ngòi. Mọi người còn nhớ : ngày 16 tháng 12 năm 2010, tại Sidi Bouzid, tỉnh lị của một wilaya (tỉnh) miền trung Tunisia, nơi tỉ số thất nghiệp của thanh niên tốt nghiệp lên tới gần 48%, một thanh niên đỗ tú tài phải đẩy xe đi bán rau, anh Mohammed Bouazizi, bị công an tịch thu cái xe, nguồn sống của anh và của cả gia đình (theo tin đồn, thì Bouazizi còn bị một nữ công an bạt tai, nhưng trong phiên tòa mới đây, « nữ chiến sĩ công an » này đã được tha bổng). Ngày hôm sau, Bouazizi quay trở lại tự thiêu trước dinh tỉnh trưởng. Bây giờ được biết đây không phải là một trường hợp cá biệt, đã có những trường hợp phản kháng tương tự xảy ra trong năm 2010, và sau đó năm 2011 vẫn tiếp tục (ở Tunisia, và ở cả Algeria nữa). Điều chắc chắn là vụ tự thiêu này giống như giọt nước cuối cùng làm tràn đầy biển cả ô nhục trong lòng người dân (5). Một cao trào đã dấy lên, xuất phát từ các vùng sâu vùng xa, rồi vượt ra khỏi biên giới Tunisia. Những con người cùng khổ đã đứng lên, khẳng định mình là người. Tại quảng trường Tahrir ở thủ đô Ai Cập, Cairo, bên cạnh khẩu hiệu « Cút đi ! », người ta nghe thấy khẩu hiệu này : « Chúng tôi muốn sống như những con người » – họ dùng chữ bani admin, những đứa con của Adong (và Eva).
Vào ngày giờ này, chẳng ai dám liều lĩnh tiên đoán cuộc nổi dậy ở Tunisia sẽ biến thành cuộc (đại) cách mạng của thế giới Arập hay không. Tại Libya, tình hình quân sự còn nhiều bất trắc, nhưng số phận của đại tá Gaddafi coi như đã được định đoạt về trung hạn với việc Liên Hợp Quốc thông qua nghị quyết 1973 cho phép các nước phương Tây can thiệp bằng không quân, nhất là khi bộ ba Pháp-Anh-Mĩ đã công khai khẳng định « xử lí » tên bạo vương sa mạc. Ở những nước khác mà chính quyền độc tài đang bị phản đối, khó mà nói tình hình sẽ diễn tiến ra sao. Hai vương quốc Morocco và Jordan còn có thể tồn tại nếu chịu cải cách để tiến tới chế độ quân chủ lập hiến. Ở Yemen và Syria mỗi này thứ sáu (ngày chủ nhật của Hồi giáo) hàng ngàn người xuống đường, cực kì dũng cảm trước cảnh sát công an nã đạn thật vào đoàn biểu tình. Chính quyền Yemen chao đảo, nhưng tình hình Syria lại khác : Syria đóng vài trò thiết yếu trong mọi giải pháp về Lebanon và Palestin ; bộ máy công an chính trị (moukhabarat) chuyên trị đàn áp ; tập đoàn cầm quyền ở Damascus không ngần ngại dùng bạo lực tàn nhẫn như nó đã đàn áp cuộc nổi dậy ở Hama năm 1982 (số người chết lên tới 10 000 – 20 000). Trường hợp Algeria thì thực là khó hiểu. Đây là một nước có tài nguyên phong phú (dầu khí, nông nghiệp), vậy mà phải chịu đủ mọi thứ tật bệnh của các nước Arập : chính quyền « chôm trị » (xem trên), giới thượng lưu thối nát, nhân dân sống trong nhục nhằn, tuổi trẻ thất nghiệp và « chán đời »... ; năm 2010 đã có 11 500 cuộc nổi dậy (đã được thống kê), năm 2011 có cả chục vụ tự thiêu, song cuộc biểu tình mới đây ở thủ đô Alger để hưởng ứng cách mạng Tunisia và Ai Cập chỉ có 2 000 người dũng cảm tham gia, phải đương đầu với 10 000 công an. Điều này thể hiện chính sách đàn áp hiệu quả của chính quyền hay tình trạng mệt mỏi của dân chúng vừa trải qua cuộc nội chiến (150 000 người chết), có lẽ cả hai.
Còn một ẩn số cuối cùng : lập trường thực sự của quân đội. Mọi người đều biết rằng ở Tunisia cũng như ở Ai Cập, chính quyền độc tài sở dĩ bị lật đổ là vì cuối cùng, các tướng lĩnh chỉ huy quân đội đã từ chối không chịu đàn áp (« Quân đội sẽ không nhả đạn vào nhân dân »). Ở Libya thì ngược lại, và ở Syria chắc cũng sẽ như thế. Cũng không nên quên rằng ở Bahrain, lực lượng đối lập đã bị bịt miệng nhờ viện quân của Arabia Saudi. Một số nhà quan sát nghi ngại về việc Liên đoàn Arập tán thành nghị quyết 1973 của LHQ, họ tự hỏi phải chăng điều nay che đậy một sự « đổi chác » : phương Tây can thiệp ở Libya, Arabia Saudi rảnh tay tiếp tục khống chế vùng ảnh hưởng của mình. Trong khi chờ đợi, ở các nước vừa thoát khỏi chế độ độc tài, quân đội tham gia chính phủ chuyển tiếp : một quân nhân mặc thường phục làm tổng thống, những viên tướng làm tỉnh trưởng, tôn trọng các hòa ước quốc tế, và (nhất là) duy trì vai trò của quân đội trong guồng máy kinh tế... đó phải chăng là cái giá phải trả để « quân đội sẽ bảo vệ cách mạng » ?
DÂN CHỦ ARẬP
Song những bất định về cuộc cách mạng Arập không thể biện minh cho sự ủng hộ ỉu xìu của các nước phương Tây. Cũng như thái độ dứt khoát hiện nay của bộ ba Pháp-Anh-Mĩ không được làm chúng ta quên đi sự lần lữa ban đầu của họ. Tổng thống Obama thì lúng túng không biết chọn thế đứng ra sao : ủng hộ cuộc đổi thay dân chủ, theo chiều hướng bài diễn văn đọc ở Cairo năm 2009, nhưng không bỏ rơi những đồng minh trung thành ở khu vực này, Ai Cập (đồng minh của Hoa Kì trong cuộc xung đột giữa Israel và các nước Arập) và Yemen (trong cuộc chiến tranh chống Al Qaeda). Khi người dân Tunisia xuống đường biểu tình thì thủ tướng Anh David Cameron chu du Ai Cập để rao bán vũ khí, bà bộ trưởng ngoại giao Pháp Alliot-Marie đề nghị « chia sẻ » với công an Tunisia « tay nghề » của công an Pháp ; còn tổng thống Sarkozy, khi tìm cách sửa sai vào giờ chót đã trở thành trò cười cho thiên hạ khi nói tới cuộc tự thiêu của « ông Sidi Bouzid » (nhầm địa danh Sidi Bouzid với tên người Bouazizi). Còn Liên hiệp Châu Âu, trong suốt thời gian ấy, đã biểu lộ sự « hư vô » của mình về mặt chính trị : chẳng ai thấy « tổng thống » hay « ngoại trưởng » nói lên một câu nghe được, và cho đến hôm nay, dường như Liên hiệp Châu Âu quan tâm tới những người nhập cư chui ở đảo Lampedusa hơn là cuộc khai phóng của quần chúng Arập ở phía bên kia bờ Đại Trung Hải. Sự thật là người phương Tây nói chung (cả chúng quyền lẫn dân chúng) chỉ biết quan ngại hai điều (nói ra hoặc giữ trong bụng) : một là cuộc cách mạng Arập sẽ dẫn tới sự kết án toàn bộ sự ủng hộ các chính quyền tại vị trong suốt mấy chục năm qua ; hai là, công cuộc xây dựng nền dân chủ sẽ trở thành bất an vì bạo động và xáo trộn, với những hậu quả khôn lường, không phải sợ chính quyền sẽ rơi vào tay quân nhân mà vào tay các phần tử Hồi giáo cực đoan.
Song một khi Lịch sử đã cất bước vận động, tại sao ta không cố gắng quan sát, tìm hiểu, mà lại đi lo sợ và hoang tưởng ?
Hãy bắt đầu bằng mối lo đầu tiên : « nguy cơ Hồi giáo cực đoan ». Lập trường mặc nhiên của phương Tây có thể tóm tắt như sau : những người « ủng hộ nhưng mà » thừa nhận tiềm năng dân chủ của cuộc khởi nghĩa nhưng lại lo rằng các nước Arập không có truyền thống dân chủ để có thể đối mặt với tổ chức Huynh đệ Hồi giáo ở Ai Cập, đảng Ennahda ở Tunisia. Và người ta thường viện dẫn tiền lệ Iran năm 1979 : vua Shah bị lật đổ, thì « cách mạng Hồi giáo ». Đây là một lập luận kì quái, vừa sai vừa sợ. Trong những năm trước và sau Thế chiến lần thứ nhì (xem trên), các nước Arập đã có những cao trào tiến bộ, dân tộc và tự do : cuối thập niên 1930, đảng quốc gia tự do chống phát xít Wafd đã thắng cử ở Ai Cập trong khi – có cần phải nhắc lại không nhỉ – phe cực hữu đã thắng thế ở Châu Âu ; sang đầu thập niên 1950, bác sĩ Mossadegh đã lên cầm quyền thông qua bầu cử dân chủ với một chương trình trong đó có dự án quốc hữu hóa các công ti dầu mỏ Anh-Mĩ ; đó là không nói Nasser, cướp chính quyền từ một vương triều thối nát, nhưng sau đó đã nhiều lần được nhân dân Ai Cập bỏ phiếu tán thành vì họ ủng hộ chương trình quốc hữu hóa... Chính các cường quốc Tây phương, vì quyền lợi của phương Tây, đã làm thất bại những công cuộc ấy. Đã nói tới Iran, cũng nên nhắc lại rằng chính CIA đã tổ chức đảo chính lật đổ thủ tướng Mossadegh, nhờ đó quốc vương shah mới thiết lập được chế độ cực quyền của mình, và đến năm 1975, ông ta đã giải tán tất cả các đảng phái chính trị. Chính việc triệt tiêu các lực lượng dân chủ và tiến bộ đã khiến cho các giáo sĩ mollah chiếm độc quyền kháng chiến. Bảo rằng các giáo chủ đã chiếm đoạt cách mạng là cực kì vô lí bởi vì chính họ đã làm cách mạng. Giữa họ và chính quyền độc tài không còn lực lượng nào khác nữa. Vậy mà ngày nay người ta lại vẫn đeo đuổi chính sách vô lí ấy, nghĩa là ủng hộ những chế độ độc tài để « chống lại chủ nghĩa khủng bố », trong khi chính là sự đàn áp các lực lượng đối lập dân chủ đã dọn cỗ cho các lực lượng cuồng tín. Làm sao có thể phủ nhận rằng các cuộc cách mạng đang diễn ra là do toàn dân, đi đầu là giới trẻ có học, chống lại độc tài, và nhân danh những giá trị phổ quát ? Các đài truyền hình đã soi bằng kính lúp để tìm kiếm những « Hồi giáo cực đoan » dẫn đầu biểu tình. Ở Tunisia, họ tìm hoài không ra – à có, sau ngày thắng lợi, một lần người ta có thấy mấy tay râu xồm lên tiếng nguyền rủa, nhưng đã bị đám đông la ó tẩy chay. Ở Ai Cập, tổ chức Huynh đệ Hồi giáo lúc đầu vắng mặt, sau đó dần dần xuất hiện, mang lại kỉ luật và tổ chức hậu cần. Nhưng họ không hề dám trương cờ của họ, cũng không dám hô khẩu hiệu tôn giáo, và đám đông chấp nhận họ « như là một bộ phận dân chúng Ai Cập, như những bộ phận khác, không hơn, không kém » (lời một người biểu tình), coi như không để ý tới đặc trưng riêng biệt của họ.
Người ta có thể phản bác, nói rằng cho dù phong trào hiện thời chủ yếu là hiện đại, hỗn hợp, thế tục (nghĩa là độc lập với các thứ giáo hội), biết đâu, một khi cuộc chơi dân chủ mở ra, nó có nguy cơ bị vô hiệu hóa bởi các tổ chức Islam cực đoan, có tổ chức chặt chẽ và thiện chiến sau bao nhiêu năm hoạt động trong vòng bí mật ? Và người ta có thể dẫn chứng tiền lệ FIS (Mặt trận Islam Cứu rỗi) năm 1990 đã giành thắng lợi trong cuộc bầu cử năm 1990 ở Algeria. Thí dụ này không phải là bằng chứng nghiêm chỉnh : ở Algeria năm 1990, cũng như ở Iran năm 1979, ba chục năm độc tài (của đảng FLN độc quyền) đã tận diệt mọi lực lượng đối lập dân chủ ; riêng ở vùng Kabylia, lực lượng dân chủ còn tồn tại thì họ đã thắng cử. Thực ra, có thể nghĩ rằng nỗi sợ nguy cơ Hồi giáo cực đoan dựa trên một phân tích hoàn toàn lỗi thời về thực tế các nước Arập. Những biến cố mới đây cho thấy thực tế ấy đã biến đổi sâu sắc. Như nhà xã hội học Patrick Haenni (viện Religioscop) đã nhấn mạnh, đúng là xã hội Ai Cập đang Islam-hóa trở lại, nhưng Huynh đệ Hồi giáo càng ngày càng không kiểm soát được động lực của quá trình Islam-hóa này. Một mặt, Huynh đệ Hồi giáo dường như bị vượt qua bởi một xu hướng Islam « nhẹ » không bị luật đạo charia hay Nhà nước Hồi giáo ám ảnh. Mặt khác, khả năng tham gia sinh hoạt chính trị đã khoét sâu mâu thuẫn nội bộ trong Huynh đệ Hồi giáo, giữa một bên là phái cựu trào muốn ưu tiên nhấn mạnh khía cạnh xã hội và duy trì tín điều, còn lứa tuổi 40 thực dụng, được gọi tên là những « phần tử dân chủ phi tự do », sẵn sàng tham gia cuộc chơi chính trị tuy vẫn rất bảo thủ về mặt xã hội - tôn giáo. Một xu hướng thứ ba, thiểu số, đã li khai vào giữa thập niên 90 để lập ra đảng Al Wasat (Trung tâm) « tự do - Hồi giáo », tự nhận theo mô hình đảng Hồi giáo ở Thổ Nhĩ Kì và mô hình của các đảng xã hội Thiên chúa giáo ở Âu Châu. Như vậy, Huynh đệ Hồi giáo vẫn còn là một lực lượng đáng kể, nhưng tiên thiên, không có lí do gì để nghĩ rằng phong trào dân chủ, nhất là với động lực hiện nay, sẽ thua cuộc. Mà cứ giả dụ là họ sẽ thua đi nữa, thì chọn sự đoạn tuyệt với quá khứ bất công, với tất cả những bất trắc bất định, không tốt hơn là bám chặt lấy nguyên trạng, nghĩa là « thà bất công hơn bất ổn » đó sao ? Xét cho cùng, nếu chỉ tính hơn thiệt, thì « mùa xuân nhân dân » năm 1848 đã kết thúc trong sự thất bại, bắt đầu từ tháng chạp 1848 trở đi, các cuộc nổi dậy/cách mạng đã theo nhau bị dập tắt. Nhưng có một điều không bị dập tắt, là quá trình khai phóng dài hơi về mặt xã hội, kéo dài cho đến cuối thế kỉ 19, đã dẫn tới sự « đào sâu nội dung » của chính thể « cộng hòa tư sản » (trên toàn Tây Âu) và công cuộc thống nhất quốc gia (ở Đức và ở Ý).
Rốt cuộc, tất cả các khái niệm mà người ta vẫn sử dụng để tiếp cận thế giới Arập (chủ nghĩa Islam, nạn khủng bố, bệnh giáo phái, hay ngược lại, sự ù lì, khuất phục, cam phận, nhẫn nhục) đều trở thành bất cập. Đó là chính là cái mới, sâu sắc, của mùa xuân Arập. Không biết mọi người có nhận ra điều này chăng : ngay hai chữ « dân chủ » cũng không thấy trong các khâủ hiệu. Tự do, bình đẳng, nhân phẩm thì có (6). Dân chủ thì không, dường như quần chúng cảnh giác đối với một danh từ nhàm chán đã quá nhiều lần bị đánh tráo, không những bởi các nhà độc tài, mà bởi cả chính những nhà dân chủ. Trong một bài diễn văn đọc tại Tunis năm 1954, Pierre Mendès-France nói thế này : « Một dân tộc, được chúng ta nuôi nấng bằng mùi vị của tự do, đã khổ đau vì cảm thấy bị từ khước những quyền mà chính chúng ta đã rao giảng ». Giờ đây, khái niệm dân chủ đang suy sút ở ngay phương Tây là nơi khai sinh ra nó, khái niệm « bác ái » (tình anh em) bị coi là « hâm », sự bất công được một bộ phận phái hữu biểu dương không mảy may ngượng ngùng, Nhà nước pháp quyền thì thi hành những đạo luật giết hại tự do với sự chấp thuận của một xã hội đang mất phương hướng. Chính lúc ấy, cuộc khởi nghĩa Arập bùng nổ, mang lại minh chứng – hầu như không ai dám trông chờ – rằng khát vọng dân chủ là khát vọng phổ quát « không của riêng ai ». Biểu tượng của tính phổ quát ấy là lời hô : « Cút đi ! » đang làm run sợ tất cả các nhà độc tài trên thế giới. Chúng ta biết rằng ở Trung Quốc, các từ ngữ « dân chủ », « đa nguyên », « diễn tiến hòa bình » từ lâu đã bị kiểm duyệt một cách tự động và có hệ thống. Từ đầu năm nay, song song với việc tăng cường đán áp những người phản kháng, những danh từ « Ai Cập », « Tunisia », « hoa nhài » cũng bị cấm trong các diễn đàn thảo luận trên mạng internet, cũng như « Tahrir » tên quảng trường ở thủ đô Cairo, chắc là vì nó làm người ta liên tưởng tới quảng trường Thiên An Môn ? Khi nói tới Cách mạng Pháp, Kant biện minh cho « một mối đồng cảm gợi hứng gần như là phấn khởi » vì, theo ông, đó là một thời điểm - bản lề, một sự thay đổi không thể đảo ngược trong nhân sinh quan và sử quan của chúng ta. Có lẽ hiện nay chúng ta cũng đang được chứng kiến một thời điểm như vậy.
Nguyễn Quang
nguyên tác tiếng Pháp : bấm ở
đây
(1) "I had dreamed, at the City School in Oxford, of hustling into form, while I lived, the new Asia which time was bringing inexorably upon us. Mecca was to lead to Damascus; Damascus to Anatolia, and afterwards to Baghdad; and then there was Yemen. Fantasies, these will seem, to such as are able to call my beginning an ordinary effort." T-E. Lawrence, lời mở đầu tác phẩm "Seven Pillars of Wisdom"
(2) Chẳng hạn có thể xem cuốn phim Chronique des années de braise / Kí sự những năm tháng cháy bỏng (1975) của Mohammed Lakhdar-Hamina
(3) Dòng người di cư này không những chẳng giảm đi mà còn phình to lên sau khi Ben Ali bị lật đổ, khiến cho nhà « triết học chuyên trách » Alain Finkielkraut đã đưa ra một câu bình luận vừa ngu xuẩn vừa bỉ ổi : « Tự do sao lại bỏ trốn ».
(4) Emmanuel Todd : Le rendez-vous des civilisations / Cuộc hẹn của các nền văn minh (Nxb Seuil, Paris 2007). Trước đây, E. Todd đã từng tiên tri sự « nổ sụm » (implosion) của « chủ nghĩa xã hội hiện tồn » khi ông dùng phương pháp tiếp cận dân số học, phân tích hiện tượng tỉ lệ tử vong của trẻ em ngày càng tăng ở Liên Xô.
(5) Một truyện ngắn của Gogol kể lại câu chuyện những người mujik ở Nga ngu đần cam chịu kiếp sống nông nô, nhưng đến khi nghe tin tên chủ quý tộc boyar đã sắm một cái chậu đi tiểu bằng vàng, thì họ đã nổi loạn.
(6) Trong tiêu ngữ của Cộng hòa Pháp, « Tự do, Bình đẳng, Bác ái », chỉ hai từ ngữ đầu là có từ hồi Cách mạng 1789, từ ngữ thứ ba là do các chiến sĩ cách mạng 1848 thêm vào. Biết nghĩ sao khi mà trên « đất nước của Cách mạng và của các Quyền Con Người », khi nhân dân một nước vừa tự giải phóng, thì phản ứng đầu tiên của chính quyền là dựng rào cản ?
Các thao tác trên Tài liệu