Bạn đang ở: Trang chủ / Thế giới / Nga dưới cái nhìn của Trung Quốc

Nga dưới cái nhìn của Trung Quốc

- Fu Ying — published 22/01/2016 11:25, cập nhật lần cuối 22/01/2016 22:08

Nga dưới cái nhìn của Trung Quốc(*)

Bắc Kinh và Moscow gần gụi, nhưng chẳng là đồng minh


Fu Ying


Diễn Đàn : Bà Fu Ying (Phó Oánh), hiện nay là Chủ tịch Uỷ ban Đối ngoại Quốc hội Trung Quốc, cho đến nay bà đã giữ nhiều trọng trách trong bộ ngoại giao Trung Quốc. Bà đã từng làm vụ trưởng vụ Châu Á (2000-2003), và chức vụ cuối cùng trong bộ Ngoại giao là thứ trưởng (2010-2014). Theo Carl Thayer, chuyên gia về Biển Đông, bà là người "nổi tiếng cứng rắn và có tài hùng biện." (theo Wikipedia)

Nhưng ở đây tài hùng biện còn nổi bật hơn khi cái cứng rắn được dấu trong đôi găng nhung của học thuật. Thực vậy, tạp chí "Ngoại giao" (Foreign affairs) là tạp chí Hoa Kỳ có uy tín trên thế giới về ngoại giao, và bài viết này có thể nói là một bài viết ngoại giao bán chính thức xuất sắc, đáng cho chúng ta đọc, đặc biệt các quan chức cấp cao của Việt Nam nên tham khảo. Với những lời lẽ ôn hoà, thẳng thắn, mà gai góc, bà đã bảo vệ mục tiêu chiến lược ba cường quốc "chia ba chân vạc", với Nga và Hoa Kỳ; đồng thời, không ngần ngại đe doạ các láng giềng của Trung Quốc quanh Biển Đông. Liên Hiệp Châu Âu hầu như không được nói tới, có lẽ vì nó nằm ngoài cách nhìn về "cường quốc" của bà Phó Oánh.


Vào lúc quan hệ của Nga với Hoa Kỳ và các nước Tây Âu đang ngày càng nguội lạnh, mối quan hệ tương đối ấm áp giữa Trung Quốc và Nga đã thu hút trở lại sự quan tâm. Các học giả và các nhà báo ở phương Tây tranh luận về bản chất quan hệ đối tác Trung-Nga và tự hỏi liệu liên hệ nầy có phát triển thành một liên minh hay không.

Từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, có hai quan điểm chính định hướng các đánh giá của phương Tây về mối quan hệ Trung-Nga và dự đoán về tương lai của nó. Quan điểm thứ nhất cho rằng liên hệ giữa Bắc Kinh và Moscow dễ bị tổn thương, bất định, và đậm dấu bất ổn - một cuộc "hôn phối dàn dựng" - cụm từ được nhiều người theo lập luận này hay sử dụng, họ nghĩ hai nước này khó sát gần nhau hơn nữa và rất có thể sẽ chia tay. Một quan điểm khác nhận định rằng các yếu tố chiến lược và thậm chí ý thức hệ là cơ sở của mối quan hệ Trung-Nga và dự đoán cả hai nước ‒ cùng nghĩ Hoa Kỳ có thể là trở ngại cho các mục tiêu của họ ‒ rốt cuộc sẽ thành lập một liên minh chống Mỹ, chống phương Tây.

Cả hai quan điểm đều không nắm bắt chính xác bản chất thật của mối quan hệ nầy. Quan hệ Trung-Nga là một quan hệ đối tác chiến lược ổn định và hoàn toàn không phải là một cuộc hôn phối dàn dựng: nó phức tạp, vững chắc, và có cội nguồn sâu xa. Các diễn biến trong quan hệ quốc tế kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh chỉ đưa hai nước lại gần nhau hơn mà thôi. Một số nhà phân tích và các quan chức phương Tây suy đoán (và thậm chí hy vọng) rằng các cuộc xung đột đang diễn ra ở Syria và Ukraine, trong đó Nga đã tích cực can thiệp, sẽ dẫn đến những căng thẳng giữa Bắc Kinh và Moscow, hay thậm chí đổ vỡ. Nhưng điều đó đã không xảy ra.

Tuy nhiên, Trung Quốc không có lợi lộc gì để thành lập một liên minh chính thức với Nga, hoặc một khối chống Mỹ hoặc chống phương Tây bất cứ kiểu nào. Thật ra, Bắc Kinh hy vọng Trung Quốc và Nga có thể duy trì mối quan hệ của họ hầu tạo nên một môi trường an toàn cho hai nước lân bang lớn để đạt được các mục tiêu phát triển của mình và hỗ trợ lẫn nhau thông qua hợp tác cùng có lợi, đưa ra một mô hình cho các nước lớn quản lý các mâu thuẫn và hợp tác đưa đến củng cố hệ thống quốc tế.


NHỮNG QUAN HỆ RÀNG BUỘC


Trong nhiều thời điểm từ cuối thế kỷ XIX đến giữa của thế kỷ XX, Trung Quốc đã liên minh với đế quốc Nga rồi Liên Xô sau đó. Nhưng lúc nào cũng vậy, các thỏa thuận không lâu bền vì chỉ là sự dàn xếp giữa các quốc gia bất cân đối về sức mạnh. Trong các thập niên sau đó, quan hệ giữa hai nước cộng sản hùng mạnh diễn tiến một cách khập khiễng, đôi khi hợp tác nhưng thường bị chi phối bởi cạnh tranh và ngờ vực. Năm 1989, trong những năm suy tàn của chế độ Xô Viết, rốt cuộc hai nước đã tái lập sự bình thường trong quan hệ. Họ đồng tuyên bố sẽ phát triển mối quan hệ song phương dựa trên "sự tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không gây hấn, không can thiệp vào nội bộ của nhau, bình đẳng và cùng có lợi, và cùng tồn tại hòa bình". Hai năm sau, Liên Xô tan rã nhưng quan hệ Trung-Nga vẫn giữ nguyên tắc "không liên minh, không xung đột, và không nhắm bất kỳ nước thứ ba nào".

Không lâu sau đó, Liên bang Nga mới ra đời đề ra phương thức gọi là liên Đại Tây Dương. Để giành được sự tin cậy và giúp đỡ của phương Tây, Nga không chỉ tuân theo những quy tắc của phương Tây về cải cách kinh tế mà còn nhượng bộ về các vấn đề an ninh quan trọng, gồm cả việc giảm kho dự trữ vũ khí hạt nhân chiến lược. Tuy nhiên, mọi thứ đã không diễn ra như Nga hy vọng khi nền kinh tế chao đảo và ảnh hưởng của Nga trong khu vực suy yếu. Năm 1992, thất vọng với các cam kết trợ giúp của Mỹ và châu Âu, theo họ không được thực hiện, và tức tối trước những bàn tán về việc đông tiến của NATO, Nga bắt đầu chú ý nhiều hơn đến châu Á. Năm đó, Trung Quốc và Nga loan báo hai nước xem nhau là "nước bạn " và đưa ra đồng tuyên cáo chính trị khẳng định "quyền tự do lựa chọn con đường phát triển riêng của dân tộc phải được tôn trọng, và các khác biệt về hệ thống xã hội và ý thức hệ không thể cản trở tiến trình bình thường của quan hệ".

Kể từ đó, quan hệ Trung-Nga dần được cải thiện và trở nên sâu đậm hơn. Trong hơn 20 năm qua, thương mại và đầu tư song phương phát triển ồ ạt. Năm 2011, Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Nga. Chỉ riêng năm 2014, đầu tư của Trung Quốc tại Nga tăng 80 phần trăm ‒ và xu hướng tăng đầu tư vẫn tiếp tục mạnh. Để có một ý niệm về sự phát triển quan hệ kinh tế nầy, hãy xem thương mại song phương hàng năm giữa Trung Quốc và Nga: chỉ khoảng 5 tỷ USD đầu thập kỷ 1990, năm 2014 đã đạt gần 100 tỷ USD. Năm đó, Bắc Kinh và Moscow đã ký một thỏa thuận lịch sử xây dựng một đường ống dẫn dầu đến năm 2018 sẽ chuyển tới 38 tỷ mét khối khí đốt tự nhiên của Nga sang Trung Quốc mỗi năm. Hai nước cũng dự trù nhiều giao dịch quan trọng về điện hạt nhân, sản xuất thiết bị không gian, đường sắt cao tốc và phát triển hạ tầng. Ngoài ra, họ hợp tác về một số thể chế tài chính đa quốc gia mới, như Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á, Tân Ngân hàng phát triển BRICS và Quỹ dự trữ ngoại hối BRICS.

Đồng thời, quan hệ an ninh cũng được cải thiện. Trung Quốc trở thành một trong những nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất của Nga, và hai nước hiện thảo luận về một số dự án chung nghiên cứu và phát triển vũ khí. Việc mở rộng hợp tác quốc phòng Trung-Nga gồm tham vấn giữa các quan chức quân sự cấp cao và đào tạo cùng diễn tập chung, với hơn một chục đồng diễn tập chống khủng bố trong suốt mười năm qua, thực hiện song phương hoặc trong khuôn khổ Tổ chức Hợp tác Thượng Hải. Trong 20 năm qua, hàng ngàn nhân viên quân sự Trung Quốc học tập tại Nga, và nhiều quan chức quân sự Nga được đào tạo ngắn hạn tại Đại học Quốc phòng Quốc gia Trung Quốc.

Cùng lúc với sự tăng cường các liên kết kinh tế và quân sự, quan hệ chính trị cũng được củng cố. Năm 2008, Trung Quốc và Nga đã giải quyết hòa bình các tranh chấp lãnh thổ cản trở quan hệ hai nước trong nhiều thập kỷ, chính thức phân định biên giới dài hơn 2.600 dặm và qua đó chấm dứt đầu mối căng thẳng lớn nhất ‒ một thành tích hiếm có cho các nước lân bang lớn. Trong những năm gần đây, hai nước đã tổ chức các cuộc họp thường kỳ hàng năm giữa nguyên thủ quốc gia, thủ tướng, những người đứng đầu ngành lập pháp và các ngoại trưởng. Kể từ năm 2013, sau khi trở thành chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình đã đến thăm Nga năm lần và Tổng thống Nga Vladimir Putin đến Trung Quốc ba lần trong cùng thời kỳ. Ông Tập và ông Putin gặp nhau cả thẩy 12 lần, khiến Putin thành lãnh tụ ngoại quốc mà ông Tập gặp thường xuyên nhất kể từ khi nhiệm chức chủ tịch.


QUẢN LÝ CÁC MÂU THUẪN


Cho dù đã tiến triển như thế, các mâu thuẫn vẫn còn tồn tại giữa hai nước lân bang, và họ không phải luôn có cùng trọng tâm trong chính sách đối ngoại. Nước Nga có truyền thống hướng về châu Âu, trong khi Trung Quốc quan tâm nhiều hơn đến châu Á. Phong cách ngoại giao của hai nước cũng khác nhau. Nga nhiều kinh nghiệm hơn trên sân khấu toàn cầu, thiên về những ứng xử mạnh mẽ, năng động, và bất ngờ. Ngoại giao Trung Quốc, ngược lại, nặng phần phản ứng và thận trọng hơn.

Sự trỗi dậy của Trung Quốc đã làm một số người ở Nga chột dạ, khó chấp nhận sự thay đổi trong tương quan lực lượng giữa Trung Quốc và Nga. Ở Nga vẫn có người nhắc đến " hiểm hoạ Trung Quốc", một từ ngữ lưu truyền từ các thời kỳ trước đây. Một cuộc thăm dò do Quỹ công luận Nga (Russia’s Opinion Foundation) tiến hành năm 2008 cho thấy khoảng 60 phần trăm người Nga lo ngại rằng luồng di dân Trung Quốc tới vùng biên giới Viễn Đông sẽ đe dọa sự toàn vẹn lãnh thổ của Nga; 41 phần trăm tin rằng một Trung Quốc mạnh hơn sẽ phương hại đến lợi ích của Nga. Và khi Trung Quốc, qua mưu cầu các cơ hội đầu tư và thương mại mới ở nước ngoài. đã tăng cường hợp tác với các quốc gia cựu Xô viết, Nga lo ngại rằng Trung Quốc đang cạnh tranh ảnh hưởng ở khu vực kề cận mình. Một phần từ đó mà Moscow ban đầu không mặn mà với sáng kiến Vành đai kinh tế Con đường tơ lụa của Bắc Kinh trước khi rốt cuộc ủng hộ năm 2014. Trong khi đó, một số người Trung Quốc tiếp tục ấp ủ những hiềm thù lịch sử đối với Nga. Dù vấn đề biên giới đã được giải quyết, các nhà bình luận Trung Quốc đôi lúc gay gắt nhắc lại việc gần 600.000 dặm vuông lãnh thổ Trung Quốc đã bị nước Nga Sa hoàng thôn tính cuối thế kỷ XIX.

Tuy nhiên, khó có thể dựa trên những mâu thuẫn này để tiên đoán, như ở phương Tây, là Bắc Kinh và Moscow đang quay lưng với nhau. Giả định này đã có lúc xuất hiện trong các bình luận ở phương Tây trong hai năm qua, khi quan hệ giữa Nga với Mỹ và EU trở nên xấu đi do cuộc khủng hoảng ở Syria và Ukraine. Tuy nhiên, dù có một số mâu thuẫn, Trung Quốc và Nga cùng mong muốn phát triển vững chắc quan hệ song phương của họ và hiểu rằng họ phải chung tay để đảm bảo an ninh quốc gia và phát triển. Sự hợp tác của họ có lợi cho thế cân bằng trong hệ thống quốc tế và có thể tạo thuận lợi để giải quyết một số vấn đề quốc tế. Có khi họ đồng ý với nhau, có khi không. Song họ có thể thừa nhận và kiềm chế các bất đồng và tiếp tục mở rộng phạm vi đồng thuận. Như Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị lưu ý, mối quan hệ Trung-Nga đưa ra một phương thức để thực hiện quan hệ đối ngoại và là một mô hình các nước khác có thể noi theo.

Các cuộc khủng hoảng ở Syria và Ukraine cho thấy rõ cách Trung Quốc và Nga quản lý hiệu quả quan hệ đối tác của họ. Nhiều người ở Mỹ xem thái độ của Trung Quốc đối với cuộc xung đột ở Ukraine là mập mờ hay nghi ngờ rằng Trung Quốc đã đứng về phía Nga. Trên thực tế, sau khi Nga sáp nhập Crimea năm 2014, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã tuyên bố rõ ràng rằng nền độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine phải được tôn trọng. Trung Quốc nhấn mạnh rằng tất cả các bên liên quan trong cuộc xung đột Ukraine nên giải quyết các mâu thuẫn thông qua đối thoại, thiết lập cơ chế phối hợp, tránh các hoạt động có thể làm tình hình trở nên tệ hơn, và giúp Ukraine duy trì ổn định kinh tế và tài chính. Trung Quốc không bênh ai: công bằng và khách quan là những nguyên tắc chỉ đạo của Bắc Kinh trước các vấn đề quốc tế.

Nhưng các nhà ngoại giao và lãnh đạo Trung Quốc cũng lưu tâm đến nguyên nhân cuộc khủng hoảng, trong đó có các "cuộc cách mạng màu" do phương Tây hỗ trợ ở các quốc gia hậu Xô Viết và áp lực trên nước Nga xuất phát từ việc mở rộng về phía đông của NATO. Cũng phải nêu lên các vấn đề lịch sử, dân tộc, tôn giáo và lãnh thổ phức tạp đã có từ lâu giữa Nga với các nước cựu Xô Viết. Khủng hoảng Ukraine là kết quả của tất cả những yếu tố này. Như ông Tập nói, cuộc khủng hoảng "không từ trên trời rơi xuống".

Về Syria, theo quan điểm của Bắc Kinh, việc Nga can thiệp quân sự là theo yêu cầu của chính phủ Syria để chống lại các lực lượng khủng bố và cực đoan. Tuy kêu gọi Tổng thống Syria Bashar al-Assad từ chức, Washington chia sẻ mục tiêu chống Nhà nước Hồi giáo (còn được gọi là ISIS) của Nga. Vì vậy, Hoa Kỳ một mặt chỉ trích sự can thiệp của Nga, nhưng mặt khác, bày tỏ sẵn sàng hợp tác với Nga để chống khủng bố. Động thái của Nga, do đó, không đúng như Hoa Kỳ muốn thấy nhưng cũng không hoàn toàn tệ hại cho lợi ích của Mỹ. Theo quan điểm của Trung Quốc, Nga và Mỹ cùng lợi ích trong việc đối phó đám khủng bố bạo tàn ISIS. Điều Trung Quốc hy vọng là cuộc đàm phán giữa Nga, Hoa Kỳ, Iran, và một số cường quốc khác trong khu vực sẽ đạt được tiến bộ trong việc giải quyết cuộc xung đột.

Nhưng khó mà biết được Mỹ và Nga có thể hợp tác đến đâu ở Syria khi không có đồng thuận về những gì sẽ dẫn đến hòa bình và trật tự. Và nhiều người ở Trung Quốc ngạc nhiên khi thấy nhận thức của Hoa Kỳ về Nga vẫn còn bị chiến tranh lạnh chi phối quá nặng nề. Các chính trị gia và bình luận gia Mỹ có xu hướng nói về Nga như thể nước này vẫn là đối thủ bại trận trong Chiến tranh Lạnh. Trong khi đó, các quan chức và quan sát viên Nga thường xuyên chỉ trích hành vi của Washington là kiêu ngạo hay đế quốc. Một số nhà phân tích ở cả hai bên nêu ý kiến rằng sự cách biệt giữa Moscow và Washington về Syria và Ukraine có thể dẫn đến một cuộc Chiến tranh Lạnh mới. Nhưng theo quan điểm của Trung Quốc, các cuộc đối đầu hiện tại giống như tàn dư của cuộc Chiến tranh Lạnh lúc trước nhiều hơn. Chưa biết được Moscow và Washington có nhân cơ hội này dứt khoát gác thù hằn cũ qua một bên hay không.


VƯỢT QUA "TỔNG BẰNG KHÔNG"


Trước các quan hệ chằng chịt giữa Trung Quốc, Nga, và Hoa Kỳ, không thể phân tích thấu đáo quan hệ Trung-Nga nếu không nhìn tình hình hiện nay giữa Trung Quốc và Mỹ. So với quan hệ Trung-Nga, quan hệ giữa Bắc Kinh với Washington rộng lớn hơn và phức tạp hơn. Tính chung, Trung Quốc và Hoa Kỳ chiếm tới một phần ba GDP toàn cầu. Năm 2014, thương mại Mỹ-Trung đạt gần 600 tỷ $, và tổng đầu tư song phương vượt 120 tỉ USD. Ba mươi bảy năm trước, khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thiết lập quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ, không ai chờ đợi sẽ có một quan hệ đối tác mạnh như thế.

Song không thể phủ nhận những khúc mắc nội tại của quan hệ. Vẫn còn những khác biệt sâu xa giữa các giá trị chính trị của Trung Quốc và Hoa Kỳ và giữa hệ thống chính quyền ở hai nước. Và nhiều người Mỹ cảm nhận sức mạnh kinh tế ngày càng tăng và qua đó ảnh hưởng quốc tế lớn hơn của Trung Quốc là một mối đe dọa tiềm tàng đối với vị trí lãnh đạo của Washington trên thế giới. Trung Quốc đã nhanh chóng phát triển thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Khi quân đội Mỹ tiến chiếm Iraq năm 2003, GDP của Trung Quốc vào khoảng một phần tám của Hoa Kỳ. Tám năm sau, khi Mỹ rút khỏi Iraq, GDP của Trung Quốc đã tăng lên bằng một nửa của Hoa Kỳ. Theo nhiều ước tính, GDP của Trung Quốc sẽ xấp xỉ bằng Hoa Kỳ vào năm 2020. Các thay đổi này gây quan ngại ở Washington rằng Trung Quốc và Hoa Kỳ đang trong tiến trình đi đến xung đột. Các tranh chấp về xây cất của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa, ở Nam Hải (Tên Việt Nam là Biển Đông, chú thích của D. Đ.), đã kích thích thêm cuộc tranh luận sôi nổi về việc Hoa Kỳ nên phản ứng ra sao trước điều một số học giả và nhà bình luận Mỹ xem như chủ nghĩa bành trướng. Trong khi đó, Bắc Kinh coi sự hiện diện của tàu quân sự Mỹ gần lãnh thổ của mình ở Nam Hải là một hành động khiêu khích. Một số người lập luận chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc có thể chuyển từ đối thoại xây dựng sang chính sách ngăn chặn.

Các tranh luận nầy là bối cảnh của chuyến thăm Washington chinh thức cấp nhà nước của ông Tập cuối tháng 9 vừa qua. Trong bài phát biểu trong chuyến thăm này, ông Tập trực tiếp đề cập đến quan điểm cho rằng sự phát triển của Trung Quốc thách thức vị trí lãnh đạo của Hoa Kỳ trên thế giới. "Con đường của Trung Quốc là phát triển hòa bình, và Trung Quốc không là đe dọa nào cho các nước khác", ông Tập nói. Sau đó, ông nói thêm, "Mọi người nên từ bỏ khái niệm cũ kỹ ‘ngươi thua, ta thắng’, hay trò chơi tổng-bằng-không, và thiết lập một khái niệm mới về phát triển hòa bình và hợp tác mỗi bên đều có lợi. Nếu Trung Quốc phát triển tốt sẽ có lợi cho toàn thế giới và cho Hoa Kỳ. Nếu Hoa Kỳ phát triển tốt, cũng sẽ có lợi cho thế giới và Trung Quốc".

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc qui phần lớn sự trỗi dậy nhanh chóng của đất nước họ vào sự hội nhập thành công vào nền kinh tế thế giới. Đối với họ, Trung Quốc hưởng lợi từ trật tự quốc tế, trong đó Liên Hợp Quốc đóng vai trò chính, và ủng hộ mạnh mẽ các nguyên tắc bình đẳng chủ quyền và không can thiệp vào nội bộ của nước khác được ghi khắc trong Hiến chương Liên Hiệp Quốc. Trung Quốc quan niệm sẽ phải tập trung vào phát triển kinh tế và xã hội nội địa trong một thời gian dài và do đó coi trọng việc duy trì một môi trường bên ngoài ổn định và hòa bình. Tuy cương quyết bảo vệ quyền lợi của mình và sẽ phản ứng mạnh mẽ trước các khiêu khích, xâm phạm chủ quyền lãnh thổ, hoặc đe dọa đến quyền lợi và lợi ích của mình, mục tiêu chính của Trung Quốc vẫn là giữ vững hòa bình và ổn định. Và Trung Quốc quyết tâm giữ gìn trật tự quốc tế và trật tự khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cũng như hội nhập sâu hơn vào thế giới toàn cầu hóa.

Cải thiện quan hệ Mỹ-Trung là một phần quan trọng trong nỗ lực ngoại giao của Trung Quốc. Tháng 9 năm ngoái đánh dấu chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của ông Tập tới Washington, nhưng trước đó, kể từ năm 2013, ông và Tổng thống Mỹ Barack Obama đã gặp nhau năm lần và đã ba lần điện đàm. Tháng 6 năm 2013, khi hai nhà lãnh đạo gặp nhau tại hội nghị thượng đỉnh Sunnylands, California, họ đã thảo luận trong hơn bảy giờ. Sau cuộc họp, ông Tập tuyên bố rằng Trung Quốc và Hoa Kỳ sẽ theo đuổi một "mô hình mới quan hệ giữa nước lớn " ông định nghĩa là một mối quan hệ dựa trên không xung đột, không đối đầu, tôn trọng lẫn nhau, và hợp tác cùng có lợi. Từ đó hai nhà lãnh đạo tiếp tục đàm luận về chủ đề đó: tháng 11 năm 2014 tại Bắc Kinh, họ đã tham gia "đối thoại Ngân Thái" (Yintai dialogue) kéo dài gần năm giờ. Và trong chuyến thăm cấp nhà nước của ông Tập, ông và ông Obama dành khoảng chín giờ thảo luận với nhau và cùng tham dự các sinh hoạt. Các buổi họp kéo dài giữa hai nhà lãnh đạo đã giúp họ hiểu về nhau và tránh sự đối đầu mà các nhà phân tích Mỹ cho rằng là không tránh khỏi.

Chuyến thăm cấp nhà nước, nói riêng, rất hiệu quả. Hai bên đã đạt được thỏa thuận trên nhiều vấn đề, bao gồm phối hợp chính sách kinh tế vĩ mô, biến đổi khí hậu, y tế toàn cầu, chống khủng bố, và không phổ biến vũ khí hạt nhân. Ông Tập và ông Obama cũng bàn bạc thẳng thắn về các vấn đề an ninh mạng, một sự kiện đã gây xung khắc trầm trọng giữa Bắc Kinh và Washington; hai nhà lãnh đạo làm rõ ý định của nước mình, đồng ý tổ chức đối thoại chung cấp cao về đề tài này, và cam kết cùng làm việc để thiết lập bộ quy tắc ứng xử an ninh mạng quốc tế. Đây là minh chứng hùng hồn rằng hai nước có thể thúc đẩy hợp tác toàn cầu trên các vấn đề quan trọng.

Tất nhiên, Bắc Kinh và Washington có thể vẫn tiếp tục bất đồng ý kiến về Nam Hải, Đài Loan, nhân quyền, chính sách thương mại và các vấn đề khác. Các ý định liên minh quân sự của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương vẫn là mối quan tâm đặc biệt của Trung Quốc, nhất là từ khi Washington tuyên bố "xoay trục" về châu Á năm 2011. Một số đồng minh của Mỹ trong khu vực đã phủ nhận chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc và xâm phạm quyền hàng hải của Trung Quốc, hy vọng qua ve vãn Washington họ có thể lôi kéo Hoa Kỳ vào cuộc tranh chấp với Bắc Kinh. Đây là một con đường nguy hiểm, làm liên tưởng đến các "chiến lược khối " thời Chiến tranh Lạnh.

Theo một số học giả ở Trung Quốc và nơi khác, nếu Hoa Kỳ khăng khăng áp đặt chiến lược khối lên khu vực, Trung Quốc và Nga phải nghĩ đến trả đũa bằng cách hình thành một khối của riêng mình. Nhưng các lãnh đạo Trung Quốc không tán thành lập luận đó. Trung Quốc không chủ trương lập khối hoặc liên minh, và những thoả hiệp kiểu đó không phù hợp với văn hóa chính trị Trung Quốc. Nga cũng không có ý định lập khối như vậy. Trung Quốc và Nga nên trung thành với nguyên tắc quan hệ đối tác thay vì xây dựng một liên minh. Còn Trung Quốc và Hoa Kỳ nên tiếp tục theo đuổi mô hình mới về quan hệ giữa các nước lớn và ưu tiên cho đối thoại, hợp tác và quản lý các mâu thuẫn.


MỌI THỨ ĐỀU CÓ BA MẶT


Quan hệ giữa Trung Quốc, Nga, và Hoa Kỳ hiện nay giống như một tam giác lệch, trong đó khoảng cách lớn nhất giữa ba điểm nằm giữa Moscow và Washington. Trong tam giác này, quan hệ Trung-Nga tích cực và ổn định nhất. Quan hệ Mỹ-Trung nhiều thăng trầm, và quan hệ Mỹ-Nga đã trở nên rất căng thẳng, đặc biệt vì Nga phải chịu những biện pháp trừng phạt gay gắt của Mỹ. Trong khi đó, cả Bắc Kinh lẫn Moscow phản đối việc Washington dùng vũ lực chống lại và áp đặt biện pháp trừng phạt với các nước khác và sự phân biệt đối xử trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ.

Hoa Kỳ và các đồng minh có thể diễn giải sự sát gần lại giữa Trung Quốc và Nga là bằng chứng của sự khởi sinh một liên minh nhẳm đảo lộn hay thách thức trật tự thế giới do Mỹ chỉ đạo. Nhưng từ góc nhìn của Trung Quốc, mối quan hệ tay ba nầy không nên được xem như một cuộc chơi trong đó hai đấu thủ hiệp nhau chống lại bên thứ ba. Sự phát triển hài hoà của quan hệ Trung-Nga không nhằm mục đích tổn thương Hoa Kỳ, và Washington cũng không nên tìm cách tác động lên nó. Cũng như thế, hợp tác của Trung Quốc với Hoa Kỳ sẽ không bị ảnh hưởng từ Nga, cũng không bị căng thẳng giữa Moscow và Washington chi phối. Trung Quốc không nên hình thành một liên minh dựa trên chiến lược khối và cũng không nên để nước khác lôi kéo làm đồng minh.

Trật tự quốc tế hiện nay là nền tảng của sự ổn định toàn cầu ‒ nhưng không vẹn toàn. Năm 2005, Trung Quốc và Nga đưa tuyên bố chung về "trật tự quốc tế trong thế kỷ XXI" cổ vũ một hệ thống quốc tế công bằng hơn, có tính chính đáng dựa trên các nguyên tắc và chuẩn mực của luật pháp quốc tế. Bản tuyên bố khẳng định Bắc Kinh và Moscow nhận định sự phát triển quan hệ của họ – từ nghi kỵ và cạnh tranh chuyển sang đối tác và hợp tác – là một mô hình quản lý những mâu thuẫn giữa các nước và cộng tác trên các lĩnh vực thỏa thuận cho phép củng cố trật tự toàn cầu và giảm thiểu khả năng xung đột và chiến tranh giữa các đại cường quốc trên thế giới.


Biên dịch: Hà Miên Trường
Hiệu đính: Đỗ Tuyết Khanh



(*) How China Sees Russia; tạp chí Foreign affairs, tháng 01/02-2016



Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us