Quân tử và Cô gái
Thong thả sáng chủ nhật
Quân
tử và Cô gái
Phạm Toàn
Việt Nam am hiểu và biết tôn trọng văn hoá lân bang, nói tới “ quân tử ” là nghĩ ngay đến một khái niệm trung tâm trong đạo làm người do nhà triết học thực dụng Khổng Khâu đưa ra.
Bài viết này không định giúp nước bạn nối dài cái “ đạo ” của người quân tử theo hướng tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ đó, để họ nghĩ mình ủng hộ thì cứ bình chân như vại mà tu thân tàm tạm, tề gia tiềm tiệm, trị quốc nhôm nhoam, cốt vươn dài cái vòi bạch tuộc ra mà bình thiên hạ là đủ !
Sở dĩ có bài kể chuyện thong thả này là nhân chuyện bà Rebiya Kadeer, một phụ nữ Tân Cương, tuy bà đã được thả ra khỏi nhà tù rồi và lưu vong ra tới nước ngoài rồi, ấy vậy mà bà vẫn còn bị chư vị quân tử của “ cố quốc ” đuổi theo doạ nạt. Họ còn doạ nạt cả chính quyền nước chủ nhà đang đón tiếp bà Kadeer, và đón tiếp thân tình hơn hẳn cái xứ sở vẫn cho mình là dân chủ hơn thiên hạ cả triệu lần (đồng chí Lenin cũng có nói về vấn đề này rồi).
Mọi tình tiết trong những chuyện kể dưới đây đều lấy từ trang mạng của đài ABC nước Úc, xin công bố để bạn đọc dễ kiểm chứng : www.abc.net.au (họ không đặt tường lửa đâu, vào đọc rất dễ).
Kadeer
Tại cuộc liên hoan phim quốc tế ở thành phố Melbourne nước Úc, mọi người được coi cuốn phim tài liệu về cuộc đời bà Kadeer. Tên bộ phim là Mười điều kiện của tình yêu. Mở đầu phim lại là hình ảnh bà Kadeer ngã vào tay bạn, và khóc nức nở : “ Tôi muốn chết… Tôi muốn chết đi thôi ! ”. Đó là hình ảnh khi bà Kadeer nhận được tin các con trai của bà bị bỏ tù ở Tân Cương, Trung Quốc vào năm 2006. Và cũng từ đó bà càng dấn thân hơn vào hoạt động đòi quyền con người cho tộc Uighur của mình.
Tộc người Uighur đang sống yên lành thì được Quân Giải phóng tới “ giải phóng ” cho ! Cùng với sự “ giải phóng ” là làn sóng di dân người Hán ở khắp nơi tới Tân Cương, dồn người Uighur vào cảnh sống dở chết dở. Tôn giáo và các truyền thống văn hoá riêng bị xoá bỏ vì bị coi là “ lạc hậu ”. Trong cuộc Cách mạng Văn hoá do Mao phát động, gia đình bà Kadeer bị xếp vào hàng “ kẻ thù giai cấp ”. Đất đai bị tịch thu, gia đình bà bị đẩy đi định cư ở nơi khác. Ông nội và cha đẻ bà Kadeer vốn là các chiến sĩ tham gia cuộc cách mạng lập ra nước Công hoà nhân dân Trung Hoa năm 1949, song cũng chẳng vì thế mà được “ chiếu cố ” tí gì. Cả hai cụ đều nhớ lại : “ Ngay từ khi mười sáu tuổi, Kadeer đã bắt đầu nhận ra rằng nguồn gốc nỗi đau khổ là sự đối xử tàn tệ của chính quyền Hán tộc ở Bắc Kinh và cuộc chiếm đóng của người Hán ở Tân Cương ”.
Con đường đấu tranh của bà Kadeer cũng lạ : nó không bạo động, nó phải tiến hành dần dần từ từ, trước hết bản thân bà phải học giỏi và phải làm kinh tế giỏi, để từ đó tìm đường giải phóng tộc Uighur của mình. Bà sớm trở thành người giàu thứ bảy của Trung Quốc thời hiện đại : và chính vì lẽ đó, năm 1992, giữa cao trào “ đổi mới ” khi “ mèo trắng hay mèo đen đều quý, miễn là bắt được chuột ”… Tuy nhiên, công việc kinh doanh của bà Kadeer cũng không như của mọi loại “ mèo ” khác ! Bà đấu tranh và sống khác hẳn những vị anh hùng khắc khổ trong lịch sử. Bà dùng tiền để nâng cao đời sống người Uighur theo cách riêng : bà chi lót tay hối lộ cho các quan chức để cứu những người tù chính trị, bà xây Cửa hàng Bách hoá chuyên bán quần áo cho phụ nữ Uighur, bà khởi động Dự án Một ngàn Bà mẹ Gia đình, nhằm hướng dẫn chị em tộc Uighur đi vào con đường kinh doanh.[1]
Bà được “ cơ cấu ” vào Quốc Hội nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa… Giá mà bà cứ ngồi yên vị ở đó ngậm miệng ăn tiền thì chẳng sao ! Năm 1997, bà chứng kiến cảnh quân lính Trung Hoa đàn áp tàn sát dân chúng Tân Cương ở thành phố Gulja. Và bà đã có bài diễn văn nảy lửa tại Quốc Hội. Các cán bộ cao cấp Tân Cương biết bà có ý định phát biểu, đã khuyên bà từ bỏ ý định đó, vì việc làm này có thể dẫn bà vào nhà tù. Nhưng bà nói : “ Còn gì phải nghĩ nữa ? Những con người được công chúng biết đến và kính nể như chúng tôi phải có một chọn lựa. Đó là làm cho thế giới biết rõ chuyện gì đang xảy ra, dù biết rằng làm như vậy mình sẽ đưa chân vào tù hoặc ít ra cũng là bị đẩy đi một chốn khác. Nhưng tôi đã lựa chọn lập trường tranh đấu ấy. ”
Con đường tranh đấu vẫn là hoà bình, không bạo động, như chính bà kể lại tại cuộc họp báo ở Úc hồi đầu tháng tám năm nay (2009). “ Tôi tìm cách hoạt động theo đúng luật pháp Trung Hoa. Tôi nghĩ rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ nhận ra mọi việc. Nhưng chính quyền Trung Hoa lại chỉ biết theo dõi tôi, ngăn cản tôi, và tìm cách giam giữ tôi. Có điều là, thật đáng tiếc, những việc họ làm đối với tôi, chỉ sau khi ngồi trong tù tôi mới nhận ra… ” [2]
Năm 1999 (hai năm sau bài diễn văn tại Quốc Hội “ dân chủ ”), bà bị xử tội “ hoạt động chính trị lật đổ ” và bị tù giam sáu năm trong đó có hai năm biệt giam khốc liệt. Năm 2005, áp lực quốc tế giúp bà được tha và qua sống tại Hoa Kỳ. Nhưng trước khi được tha, bà được cảnh báo là phải ngừng mọi hoạt động đòi nhân quyền cho tộc Uighur nếu không các con bà sẽ phải trả giá. Nhưng bà không thể nghe theo họ. Bà tiếp tục lên tiếng vạch trần mọi tội ác của chính quyền Bắc Kinh với tộc người Uighur ở Tân Cương. Kết quả là các con bà bị đánh đập và hai trong số đó bị bỏ tù. Nhưng bà nhìn nhận sự việc như sau : “ Vào thời điểm nguy kịch trong lịch sử một dân tộc, có khi sự hy sinh phải đổ lên đầu một gia đình… đó là một sự hy sinh khủng khiếp, nhưng tôi phải đặt dân tộc lên trên gia đình thôi ”.
Chuyến đi Úc
Các nhà điện ảnh có thiện cảm với bà Kadeer vì nhờ vai trò của bà mà họ biết đến cuộc sống của tộc người Uighur ở Tân Cương. Họ còn thấy cả sự đúng đắn trong cuộc đấu tranh ở đây.
Chính quyền Bắc Kinh đưa người Hán ồ ạt vào Tân Cương, bỏ mặc việc giải quyết những bất đồng về văn hoá, bỏ mặc việc xử lý những bất bình đẳng về kinh tế, nhắm mắt trước những bất công về chính trị và xã hội. Do đó, kết quả có thể được báo trước : sự hằn thù giữa hai dân tộc lớn - nhỏ. Chuyện đó đã xảy ra ở Tây Tạng và đã làm bùng phát những cuộc nổi dậy kéo theo là những cuộc đàn áp. Ngay giữa Bắc Kinh mà Đặng Tiểu Bình và Lý Bằng còn ra lệnh cho lính bắn như vãi đạn và cho xe tăng nghiền nát sinh viên biểu tình hoà bình và tuyệt thực để đòi dân chủ, thì hèm gì mà họ không “ mạnh tay ” hơn khi ở xa trung tâm ? (Xin coi video dài 1 giờ 18 phút về cuộc đàn áp Thiên An Môn [3]). Còn ở Nội Mông thì sao ? Bạn hãy tìm đọc cuốn tiểu thuyết Tôtem sói của nhà văn Trung Hoa ký dưới một tên giả Khương Nhung để tránh bị đàn áp : trong tác phẩm dài 800 trang (tiếng Việt do Trần Đình Hiến dịch), tác giả mô tả không cách gì khéo hơn và rành mạch hơn về sự thống trị ngu muội của người Hán với dân tộc Mông [4].
Các nhà điện ảnh đã làm một bộ phim tài liệu về bà Kadeer, và họ mời bà qua Úc, đến tận thành phố Melbourne dự liên hoan.
Chính quyền của các bậc “ quân tử ” đã hành xử thế nào ? Có năm việc điển hình cho hành vi của các bậc quân tử có thể kể ra ở đây :
* một, gọi bà Kadeer là “ kẻ khủng bố ” đã, và quy cho bà ngồi ở nước ngoài để chỉ đạo cuộc nổi dậy của dân Tân Cương hồi tháng 7-2009 vừa rồi ;
* hai, gây ra một vụ xì-căng-đan có tên gọi là gián điệp thương mại và kinh tế và cho tóm luôn người đại diện của hãng Nhôm Rio Tinto của Úc đang thương thảo buôn bán với Trung Quốc;
* ba, yêu cầu chính phủ Úc không cho bà Kadeer vào Úc tham gia liên hoan phim mà bà là một nhân vật quan trọng của cuộc vui đó;
* bốn, yêu cầu chính phủ Úc không cho bà Kadeer phát biểu tại Câu lạc bộ Báo chí; và
* năm, huy động các đồng chí Hoa Kiều (yêu nước) đang sống ở Úc tiến hành chống phá các hoạt động của bà Kadeer ngay trên đất nước đang cho họ tá túc.
Việc gọi bà Kadeer là kẻ khủng bố là một hành vi rẻ tiền, nhưng các ông quân tử vẫn cứ sử dụng, họ chẳng thấy chuyện đó có gì đáng hổ thẹn cả. Cái điều từng được Nam Cao ở Việt Nam mô tả và đặt tên là “ tư cách mõ ” thì cũng đã từng được Lỗ Tấn mô tả vô cùng sinh động trong “ tư cách Khổng Ất Kỷ ” ; đó là một kiểu nhân vật Khổng Nho bị đánh đến què chân vì tội ăn cắp, đi không nổi, đến nỗi phải lết đi trên đường bùn lầy bằng tay, tư cách ấy nên mới có nổi lớp con cháu xứng đáng, biết giấy rách giữ lấy lề, có là Tư Bản thì cũng cứ phải là Tư bản Đỏ cho chính danh quân tử ! Nếu bà Kadeer cứ tiếp tục bán mình cho cái Quốc Hội “ chính danh và đồng thuận ” của họ, thì bà còn tiếp tục là “ bậc nữ lưu anh hùng ”, bà còn tha hồ tới đó mà ngủ gật ; nhưng khi bà đã lên tiếng đấu tranh và đấu tranh quyết liệt cho lẽ phải, khi đó bà sẽ thành tên khủng bố ; hoá ra cái khoảng cách từ Đại Lễ đường Nhân dân Bắc Kinh tới trại giam Bắc Kinh cũng không xa mấy, cách nhau chừng một trang Nhân dân nhật báo là cùng !
Về việc các bậc quân tử yêu cầu chính phủ Úc không cấp visa nhập cảnh, và sau đó, khi ông bộ trưởng ngoại giao Stephen Smith vẫn cứ cho cấp visa nhập cảnh, rồi khi visa đã có trong tay, bà Kadeer vẫn bị con cháu Khổng (Ất Kỷ) đuổi theo yêu cầu không cho bà phát biểu tại Câu lạc bộ Báo chí. Họ hành xử như thể đang ở Bắc Kinh khi báo chí nem nép đi theo lề bên phải. Tội nghiệp, bà Kadeer vẫn tới được và vẫn nói chuyện trước đông đảo giới báo chí. Một nhân vật cấp cao đã phát biểu như sau : “ Bây giờ thì tôi tin chắc là mình đúng ! ” Đem phiên dịch câu nói vừa rồi, có lẽ sẽ được câu như sau : “ Trước đây mình cũng còn ngờ ngợ, ồ ngộ nhỡ bà chị Kadeer là tay khủng bố thì sao nhỉ ? Nhưng bây giờ, khi thấy bà bị khủng bố như thế, thì mình tin là mình đúng. Bà ta không phải là tay khủng bố. Bọn khủng bố ngồi ở chỗ khác kia ! ”
Chưa hết, đến cái trò mạt hạng này mới hết lời bình luận : do chỗ vé vào coi Liên hoan phim buổi có chiếu phim về bà Kadeer được bán qua mạng, nên các vị quân tử liền lên mạng và tung tiền ra mua vét bằng hết, không cho ai mua ké một tấm nào nữa, cốt sao giữ cho phòng chiếu trống trơn, cốt sao gây được một nỗi hoang mang cho công chúng, thế là họ thỏa lòng. Khi dân mạng mở máy ra để đặt mua vé, họ chỉ thấy một lá cờ, người thì nói nó phất phới bay, người thì nói đó là hình ảnh một cái gì như thể đang nhăn nhở cười…
Trong công việc phá phách này, chư vị quân tử Thiên triều trông cậy rất nhiều vào đám người Hoa sống tản mắt khắp thế giới. Trong lịch sử, thường có câu nói vui : “ ở đâu có cỏ, ở đó có các chú con Trời ”. Nước Úc có cỏ, ở nước Úc cũng có nhiều chú con Trời. Sự lạ không nằm trong cái hiện tượng nhân mãn ấy. Sự là, ấy là kể cả khi bị xua đuổi tàn tệ, các chú con Trời vẫn đầy tinh thần Đại Hán, vẫn thích lấy thịt đè người chống lại những thân phận mảnh mai như bà Kadeer. Chẳng biết họ có hiểu rằng thân phận họ cũng chịu áp bức như bà Kadeer và tộc Uighur ở Tân Cương không ? Chẳng lẽ trong số dăm chục triệu người chết oan trong Cải cách ruộng đất và Cách mạng văn hoá lại không có ai thuộc gia đình, bè bạn, ông cha, đồng bào đồng chí của họ ? Vậy thì sự xua đuổi bà Kadeer họ tiến hành là vì ai và có lợi cho ai ? Suy cho kỳ hết mọi nhẽ, chuyện tâm lý dân tộc vẫn là chuyện vô cùng đau đầu. Ờ thì con không chê cha mẹ khó, chó không chê chủ nhà nghèo. Nhưng bọn Tư bản Đỏ liệu có đáng là cha là mẹ của người dân để đến nỗi phải hy sinh vì chúng ?
Rio Tinto và bản hợp đồng mới toanh
Như đã thủng thẳng kể ở bên trên, đồng thời với việc các ông quân tử gây áp lực chính phủ Úc không cấp visa cho bà Kadeer và ngăn chặn bà nói chuyện tại Câu lạc bộ Báo chí, các ông còn xơi phía Úc một cú : bắt ông Stern Hu, giám đốc quản trị kinh doanh của công ty Rio Tinto vì cáo buộc “ gián điệp thương mại và kinh tế ”5.
Điều quan trọng cần kể lại ở đây, ấy là quân tử thì bao giờ cũng vẫn là… quân tử, dù là cách sống từ thời Khổng Khâu đến cách sống thời Tư bản Đỏ, thì cũng không vượt hơn được cung cách “ quân tử ”. Song chỗ cần rút ra bài học ở đây lại là cách ứng xử của lân bang với các chú quân tử : họ đã gặp một thái độ lịch sự và cứng rắn từ phía Úc. Chính phủ Úc gồm những người có học thật, chứ không phải là những học giả. Ông thủ tướng từng tốt nghiệp Đại học Bắc Kinh, nói tiếng Hoa lưu loát, am tường văn hoá Trung hoa. Nhưng có lẽ vì vậy mà họ cứng rắn được, vì họ có học nên đủ sức để… nói tục mà không cần phiên dịch6.
Về chuyện “ gián điệp để moi bí mật ”, ông bộ trưởng ngoại giao Liên bang Úc nhận xét thế này : “ Trung Quốc xếp hạng “ bí mật nhà nước ” hơi bị rộng so với cách xếp của nước Úc, những cái gọi là “ bí mật ” này là tính cả về thương mại hoặc về kinh tế hoặc cả về thông tin nữa ”.
Ông bộ trưởng ngoại giao khi trả lời các báo, đã gắn ba việc với nhau : Trung Quốc giữ ông Stern Hu vì tội “ gián điệp ”, Trung Quốc yêu cầu không cấp visa cho bà Kadeer, và Trung Quốc yêu cầu ngăn cản không cho bà Kadeer phát biểu tại Câu lạc bộ Báo chí. Còn cần gì phải nói rõ hơn nữa ? Bộ trưởng ngoại giao Stephan Smith nói khi được các báo hỏi về cách thức “ lên tiếng ” này : “ Tôi nghĩ là có một điều tổng quát cần nêu ra ở đây. Các sứ quán, các nhà ngoại giao, các quan chức có quyền nói gì thì nói về xã hội Úc. Nhưng khi họ nói ra điều gì, thì điều đó cần phải thích hợp. Họ có thể nói ra mọi điều một cách đanh thép, nhưng cần phát ngôn ra một cách lịch thiệp và thích hợp. […] Tất cả các nhà ngoại giao cần có hành vi thích hợp. […] Và cũng cần nói rõ, khi người ta đưa ra một ý kiến, quan điểm, thì không có nghĩa chính phủi Úc thế nào cũng đồng ý với họ, hoặc nhất thiết người dân Úc phải đồng tình với họ ”.7
Đúng thế, và có lẽ hành vi quân tử đích thực, còn quân tử hơn cả quân tử, ấy là hành động của Úc vừa ký kết mới đây một hiêp định trị giá 50 tỷ đô-la giữa một công ty Úc bán khí hoá lỏng cho Trung Quốc, và hiệp định có giá trị trong hai mươi năm. Người ta đưa tin đàng hoàng : “ Hiệp định giữa hãng ExxonMobil trị giá 50 tỷ đô-la bán khí hoá lỏng cho Trung Quốc là hợp đồng lớn nhất trong lịch sử nước Úc. Đó cũng sẽ là dự án xây dựng đơn nhất nhưng lớn nhất trong lịch sử nước Úc tại đây vào lúc cao điểm sẽ tạo ra 6000 việc làm. ”
Hành động của Úc chỉ ra một nguyên lý việc nào đi việc đó. Các trắc trở trong quan hệ giữa các nước, vừa là giữa các quốc gia vừa là giữa các dân tộc, thì cứ còn đó. Nhân loại suy cho cùng vẫn còn chưa trưởng thành. Nhưng các chính khách nhìn xa thấy rộng thì phải trưởng thành. Họ phải ngồi lại với nhau, họ phải cùng xử lý công việc, họ không được phép làm hại đến một cái vẩy cá thuộc về các ngư dân, họ không được phép đụng vào một cục quặng thuộc về những miền đất mà một tiếng cồng chiêng cũng đủ âm vang đại diện cho cả một nền văn hoá mấy nghìn năm.
Vĩ thanh chẳng vui chẳng buồn
Bà Kadeer vừa lên tiếng, và lên tiếng rất hay tại Câu lạc bộ Báo chí nước Úc8 : “ Tôi đánh giá rất cao sự ủng hộ từ phía chính phủ Trung Quốc trong việc nâng cao hình ảnh cá nhân tôi. […] Tôi làm sao có thể chi hàng triệu đô-la để được quảng cáo như vậy, nhưng nhờ có chính phủ Trung Quốc mà tôi có thể làm cho người Úc thấy được cảnh ngộ tuyệt vọng của đồng bào Uighur chúng tôi […] ”.
Một cảnh ngộ bi thảm được bọc lại bằng những lời lẽ nghịch ngợm.
Loài người sẽ thắng bọn quân tử tạp nham ở khắp các xó xỉnh trên Trái đất, từ Biển Đông tới Tân Cương, từ Gaza tới Osetia, từ Bagdah tới đâu đâu nữa, chỉ vì cái tinh nghịch của bà Kadeer già nửa đời người vẫn còn vui được như một cô gái bé vào giờ ra chơi đang nhảy dây ngoài sân trường.
Phạm Toàn
7 như chú thích (5)
Các thao tác trên Tài liệu