Bạn đang ở: Trang chủ / Thế giới / Tẩy não tự do

Tẩy não tự do

- Noam Chomsky (Le Monde Diplomatique) — published 19/08/2007 21:44, cập nhật lần cuối 20/08/2007 19:23
Noam Chomsky trao đổi với Daniel Mermet về bộ máy "chế tạo sự đồng ý", nghĩa là bộ máy tuyên truyền, của hệ thống tư bản chủ nghĩa, ngàn lần hiệu quả hơn bộ máy tuyên truyền của các chế độ độc tài, toàn trị.


Hiệu quả hơn cả các chế độ độc tài


Tẩy não tự do


Daniel MERMET trao đổi với Noam CHOMSKY


Ta hãy bắt đầu câu chuyện bằng vấn đề các media. Tháng 5-2005 ở Pháp, trong cuộc trưng cầu dân ý về hiệp định Hiến Pháp châu Âu, đa số các báo chủ trương bỏ phiếu thuận, song 55% cử tri Pháp đã « nói không ». Như vậy khả năng lèo lái, « nhồi sọ » của các media không có gì là tuyệt đối. Qua cuộc bỏ phiếu này, phải chăng người công dân cũng đã « nói không » với báo chí và các cơ quan truyền thông đại chúng ?

Trong công trình Manufacturing Consent ([Chế tạo sự đồng ý], nxb Pantheon, New York, 2002), Edward Herman và tôi không đề cập tới vấn đề các media tác động thế nào lên công chúng. Đây là một đề tài phức tạp, nhưng theo một số nghiên cứu chiều sâu thì thực ra, thành phần có học mới bị media tác động nhiều. Đại bộ phận công chúng dường như không bị ảnh hưởng như vậy.

Ta hãy lấy một ví dụ, về khả năng tiến hành chiến tranh chống Iran : 75 % người Mĩ cho rằng Hoa Kì phải chấm dứt việc đe doạ về quân sự và đặt ưu tiên vào việc đi tìm thoả thuận bằng con đường ngoại giao. Điều tra của những viện thăm dò của Tây phương cho phép nghĩ rằng công luận Iran cũng như công luận Hoa Kì còn gặp nhau trên một số khía cạnh của vấn đề hạt nhân : tuyệt đại đa số dân chúng hai nước đều cho rằng phải cấm chỉ vũ khí hạt nhân, kể cả những vũ khí trong tay quân đội Hoa Kì, trên toàn bộ khu vực từ Israel đến Iran. Nhưng nếu muốn tìm ra những thông tin như vậy trong các media thì rất khó.

Các đảng chính trị lớn của hai nước, thì không có đảng nào bảo vệ quan điểm này. Nếu Iran và Hoa Kì là những nước thực sự dân chủ, trong đó những đường lối chính trị công cộng phải do đa số quyết định, thì hẳn là cuộc xung đột hiện nay về hạt nhân đã được giải quyết xong rồi. Còn nhiều trường hợp tương tự.

Chẳng hạn như trong vấn đề ngân sách liên bang, đa số người Mĩ đều muốn giảm ngân sách quân sự và ngược lại, họ muốn tăng chi tiêu về xã hội, tăng phần đóng góp vào ngân sách Liên hợp quốc, tăng viện trợ quốc tế về kinh tế và nhân đạo, và sau cùng, là chấm dứt chủ trương của tổng thống George W. Bush giảm bớt thuế cho những người giàu nhất.

Trên tất cả các vấn đề kể trên, chính sách của Nhà Trắng trái nghịch hẳn với đòi hỏi của công luận. Song các cuộc điều tra cho thấy dư luận liên tục bất đồng như vậy rất ít khi được các media công bố. Thành ra người công dân một mặt không được can dự vào những quyết định chính trị, mà còn không được thông tin về tình hình dư luận thực sự ra sao nữa.

Trên thế giới, dư luận quan tâm tới « hai lần thiếu hụt » khổng lồ của Hoa Kì : thiếu hụt về mậu dịch và thiếu hụt về ngân sách. Hai thiếu hụt ấy sở dĩ tồn tại là vì chúng liên quan chặt chẽ với một thiếu hụt thứ ba : đó là sự thiếu hụt về dân chủ, nó ngày càng nghiêm trọng, không phải chỉ ở Hoa Kì, mà ở toàn bộ thế giới Tây phương.

Mỗi lần người ta hỏi một nhà báo lớn hay một người trình đọc bản tin trên đài truyền hình xem có bị áp lực gì không, có bao giờ bị kiểm duyệt không, bao giờ y ta cũng trả lời là mình hoàn toàn tự do, và chỉ nói lên những gì mình xác tín. Như vậy thì sự kiểm soát tư tưởng vận hành ra sao trong một xã hội dân chủ ? Dưới các chế độ độc tài thì người ta biết rồi.

Khi các nhà báo bị chất vấn, thì lập tức họ trả lời : « Chẳng ai làm áp lực với tôi cả, tôi muốn viết gì thì viết ». Đúng. Chỉ có điều, nếu họ có lập trường trái nghịch với lập trường thống trị, thì họ sẽ không được viết xã luận nữa. Tất nhiên, quy luật này không tuyệt đối : bản thân tôi đôi khi cũng có bài đăng trên báo chí Mĩ, và nước Mĩ cũng không phải là một nước toàn trị. Nhưng người nào không đáp ứng những yêu cầu tối thiểu thì đừng mong được mời làm nhà bình luận có vị trí đàng hoàng.

Đó cũng là một trong những khác biệt lớn giữa hệ thống tuyên truyền của một Nhà nước toàn trị và cung cách làm ăn trong những chính thể dân chủ. Nói cường điệu một chút thì trong các nước toàn trị, Nhà nước vạch ra đường lối và mọi người phải tuân theo. Các xã hội dân chủ thì khác. Không bao giờ « đường lối » được vạch ra một cách hiển ngôn cả, mà chỉ được hiểu ngầm. Người ra « tẩy não » một cách có thể nói là « tự do », thoải mái. Ngay những cuộc tranh luận « sôi nổi gai góc » trên các phương tiện truyền thông lớn cũng diễn ra trong khuôn khổ của những tham số mặc nhiên được chấp nhận, và những quan điểm trái nghịch lại các tham số ấy đương nhiên bị cho ra rìa.

Hệ thống kiểm soát của các xã hội dân chủ rất hiệu nghiệm : nó tiết ra đường lối chỉ đạo tự nhiên như khí trời người ta hít thở. Người ta không còn để ý tới nữa, đôi khi còn tưởng rằng mình đang chứng kiến một cuộc thảo luận rạch ròi. Tóm lại, như vậy hay hơn các hệ thống toàn trị cả vạn lần.

Chúng ta thử lấy ví dụ nước Đức vào đầu thập niên 1930. Người ta thường quên một điều : hồi ấy, nước Đức đi đầu châu Âu, tiên phong trong các lãnh vực nghệ thuật, khoa học, kĩ thuật, văn học, triết học. Thế mà rồi, chỉ ít lâu sau, tình hình lật ngược, Đức trở thành quốc gia hiếu sát, man rợ nhất trong lịch sử.

Việc đó đã được thực hiện bằng cách tiết ra nỗi sợ : sợ bôn-sê-vích, sợ Do Thái, sợ Mĩ, sợ Zi-gan, nghĩa là sợ tất cả những gì mà bọn quốc xã cho là đe doạ tâm điểm của nền văn minh châu Âu, « hậu duệ trực tiếp của nền văn minh Hi Lạp ». Ít nhất, đó là điều mà triết gia Martin Heidegger đã viết năm 1935. Phần lớn các media Đức khi họ nhồi nhét những điều ấy cho dân chúng Đức lại sử dụng các kĩ thuật tiếp thị do các chuyên gia quảng cảo Mĩ tạo ra.

Chúng ta đừng quên cung cách mà các hệ tư tưởng sử dụng để trở thành thống trị. Dùng bạo lực không đủ, nó phải biện minh bằng cách khác. Cũng như một người (tên độc tài, thực dân, quan liêu, hay ông chồng, ông chủ) muốn sử dụng quyền uy đối với người khác, hắn cần một hệ tư tưởng biện minh, quanh đi quẩn lại, vẫn là : sự thống trị này là điều « tốt lành » cho người bị trị. Nói cách khác, quyền lực bao giờ cũng khoác tấm áo vị tha, vô vị lợi, hào hiệp.

Khi bạo lực không còn đủ nữa

Trong những năm 1930, phương châm tuyên truyền của Đảng quốc xã Đức là chọn lựa những từ đơn giản, rồi nhắc đi nhắc lại, gắn liền những từ ngữ ấy với những xúc động, tình cảm, sợ hãi. Năm 1939, khi Hitler xâm chiếm vùng Sudetes, y giương cao những lí do cao thượng và hỉ xả nhất : cần thiết phải « can thiệp nhân đạo » để ngăn ngừa cuộc « thanh lọc chủng tộc » mà những người nói tiếng Đức là nạn nhân, và để mọi người được sinh sống dưới « đôi cánh che chở » của nước Đức, với sự yểm trợ của quốc gia tiên tiến nhất trên thế giới trong lĩnh vực văn hoá nghệ thuật.

Trong tuyên truyền, đứng về mặt nào đó, từ thời Athina (cổ Hi Lạp) đến nay, mọi sự vẫn chẳng có gì thay đổi, song cũng đã có một số cải tiến. Công cụ tuyên truyền trở nên tinh tế hơn, nhất là, và cũng trớ trêu thay, ở những nước tự do nhất thế giới : Vương quốc Anh và Hoa Kì. Chính tại những nước này, chứ không ở đâu khác, mà trong những năm 1920, công nghệ « quan hệ công chúng » hiện đại, nghĩa là kĩ thuật tạo dựng dư luận, hay tuyên truyền, đã ra đời.

Thật vậy, Anh và Mĩ là những nước đã tiến bộ về các quyền dân chủ (quyền bầu cử của phụ nữ, tự do ngôn luận...) tới mức mà bạo lực của Nhà nước, một mình nó, không đủ để kiềm chế khát vọng tự do. Do đó người ta đã hướng tới những công nghệ « chế tạo sự đồng ý ». Công nghệ quan hệ công chúng có mục đích tạo ra sự đồng ý, chấp nhận và tuân phục. Nó kiểm soát ý kiến, tư tưởng, tinh thần của con người. Đây là một bước tiến lớn so với chủ nghĩa toàn trị : chịu đựng những lời quảng cáo dễ chịu hơn hẳn là bị tra tấn.

Tại Hoa Kì, quyền tự do phát biểu được bảo vệ tới một mức chưa từng thấy ở nơi nào khác trên thế giới. Tình hình này cũng tương đối mới. Trong những năm 1960, Toà án Tối cao đã đặt chuẩn mức rất cao trong việc tôn trọng quyền tự do ngôn luận. Theo tôi, điều này thể hiện một nguyên tắc cơ bản đã được thiết lập từ thế kỉ XVIII qua những giá trị của Phong trào Ánh sáng. Lập trường của Toà án Tối cao là : ngôn luận là tự do, chỉ có một giới hạn là tham gia vào một hành động tội phạm. Thí dụ, giả sử tôi xông vào nhà hàng để ăn cướp, một tòng phạm của tôi cầm súng trong tay, nếu tôi hô : « Bắn ! », thì lời nói đó của tôi không thể được Hiến pháp bảo vệ. Ngoại trừ những tình huống như vậy, phải có những lí do hết sức nghiêm trọng thì quyền tự do phát biểu mới bị đặt thành vấn đề. Toà án Tối cao đã từng tái xác định nguyên tắc ấy cho cả những thành viên của đảng 3K (Ku Klux Klan).

Ở Pháp, Vương quốc Anh, và theo tôi hiểu, ở các nước châu Âu khác, tự do phát biểu được quy định một cách hạn hẹp hơn. Theo ý tôi, vấn đề cơ bản là : Nhà nước có quyền quyết định thế nào là chân lý không ? và có quyền trừng trị những người phủ nhận nó không ? Chấp nhận hai điều ấy vô hình trung là chấp nhận sự trấn áp kiểu Stalin.

Nhiều trí thức Pháp không chịu thừa nhận là họ có thiên hướng như vậy. Song, một khi đã không chấp nhận cách đặt vấn đề như thế, thì không thể bảo lưu này nọ. Không thể để cho Nhà nước có phương tiện trừng trị người nào khẳng định rằng Mặt trời quay quanh Trái đất. Trong nguyên tắc tự do phát biểu có một điều cốt yếu : hoặc là ta bảo vệ nó trong cả trường hợp ta căm ghét những ý kiến được phát biểu, hoặc là ta không bảo vệ nó. Chứ nếu chỉ chấp nhận quyền tự do phát biểu của những ai đồng ý với mình, thì Hitler và Stalin cũng làm như vậy thôi...

Tôi xin nói thêm là hai trăm năm sau Voltaire mà còn phải tranh luận trên điểm này thì thật là đáng buồn và đáng phẫn nộ. Voltaire đã từng nói, như mọi người đều biết : « Tôi sẽ bảo vệ ý kiến của tôi cho đến khi tôi chết, nhưng tôi sẵn sàng hiến cả mạng sống của tôi để anh có thể bảo vệ ý kiến của anh ». Có gì bi thảm hơn là tưởng niệm nạn nhân của cuộc Diệt chủng bằng cách tuân theo chủ thuyết căn bản của bọn đao phủ !

Trong một cuốn sách của ông, ông đã bình luận một câu của Milton Friedman : « Kiếm lời là chính là bản chất của dân chủ »...

Thực ra, kiếm lời và dân chủ là hai điều trái nghịch nhau tới mức chẳng có gì phải nói thêm nữa... Cứu cánh của dân chủ là để cho người ta có thể quyết định lấy cuộc sống của mình và có thể chọn lựa những quyết định chính trị liên quan tới mình. Còn tìm kiếm lợi nhuận là một căn bệnh của những xã hội hiện nay, nó dựa trên những cấu trúc đặc biệt. Trong một xã hội xứng đáng, đạo lí, thì quan tâm tới lợi nhuận phải là một nét « bên lề », thứ yếu. Tôi lấy thí dụ : phân khoa của tôi ở trường đại học M.I.T. : cũng có vài nhà khoa học lao tâm khổ tứ để kiếm thật nhiều tiền, mọi người khác coi đó là những ca « ngoài lề », những trường hợp bệnh hoạn. Tinh thần chủ đạo của giới học thuật là tìm tòi, phát hiện những gì mới, vì thú vui trí tuệ và vì lợi ích chung.

Trong cuốn sách mà nhà xuất bản L'Herne dành riêng về ông, Jean Ziegler viết : « Có ba thứ toàn trị : Stalin, Hitler và bây giờ là chủ nghĩa toàn trị của (cái gọi là) TINA » [TINA : viết tắt của câu tiếng Anh There is no alternative / Không có chọn lựa nào khác của bà Margaret Thatcher để biện hộ cho chủ nghĩa tư bản tân liberal]. Ông có thể so sánh ba chủ nghĩa toàn trị đó chăng ?

Tôi không đặt ba thứ ấy trên cùng một bình diện. Đấu tranh với « Tina » là đối đầu với một chủ thuyết không thể đồng nhất hoá với trại tập trung hay goulag. Và thực tế là chính sách của Hoa Kì đã gây ra sự kháng cự rộng lớn trên toàn cầu. Argentina và Venezuela đã tống khứ Quỹ tiền tệ quốc tế IMF đi. Còn Hoa Kì không còn dám tiếp tục phương pháp cách đây hai mươi năm còn được coi là « bình thường » : đảo chính quân sự ở Châu Mĩ Latinh. Chương trình kinh tế tân liberal mà toàn bộ Châu Mĩ Latinh bị ép buộc phải thực hiện trong những năm 1980 và 1990, ngày nay bị châu lục này bác bỏ. Và sự chống đối quá trình toàn cầu hoá kinh tế này, ta thấy nó triển khai ở quy mô toàn thế giới.

Phong trào vì công lí chỉ được các media rọi đèn chiếu vào dịp họp Diễn đàn Xã hội Thế giới, thật ra nó hoạt động suốt năm. Đây là một hiện tượng rất mới trong lịch sử, có lẽ nó đánh dấu sự bắt đầu của một thứ Quốc tế thực thụ. Nội dung đấu tranh chủ yếu của phong trào là : có một giải pháp thay thế. Vả lại, Diễn đàn Xã hội Thế giới chính là một thí dụ minh chứng rằng có một cách toàn cầu hoá khác. Những media thù ghét diễn đàn thường gọi những người chống lại con đường toàn cầu hoá theo kiểu tân liberal là « phản toàn cầu hoá », trong khi thực ra là họ đấu tranh cho một công cuộc toàn cầu hoá khác, toàn cầu hoá của các nhân dân.

Người ta có thể quan sát sự tương phản giữa hai bên bởi vì, cùng lúc đó, tại Davos, có Diễn đàn Kinh tế Thế giới, mà mục đích là sự hội nhập kinh tế địa cầu, nhưng đối tượng phục vụ của nó chỉ là các nhà tài chính, các ngân hàng và quỹ hưu bổng. Đó cũng là những quyền lực nắm trong tay các media. Quan niệm hội nhập toàn cầu của họ là phục vụ quyền lợi các nhà đầu tư. Đối với các media thống trị hệ thống truyền thông trên thế giới, hội nhập theo cung cách ấy là cách hội nhập duy nhất đáng được gọi là toàn cầu hoá.

Đó cũng là một thí dụ tiêu biểu về cách vận hành của tuyên truyền tư tưởng trong các xã hội dân chủ. Nó hiệu nghiệm đến mức ngay cả những người tham gia Diễn đàn Xã hội Thế giới đôi khi cũng chấp nhận bị gọi là « chống toàn cầu hoá ». Tại Porto Alegre, tôi đã tham luận trong khuôn khổ của Diễn đàn, và tôi tham gia cả Hội nghị nông dân thế giới. Chỉ Diễn đàn và Hội nghị không cũng đủ đại diện cho đa số dân chúng của địa cầu.

Người ta xếp ông vào hạng người vô chính phủ chủ nghĩa, hoặc xã hội chủ nghĩa khuynh hướng tự do. Trong quan niệm của ông về chế độ dân chủ, vai trò của Nhà nước là như thế nào ?

Chúng ta đang sống ở thế giới này, chứ không ở một thứ vũ trụ ảo nào. Trong thế giới hiện tại, có những cơ chế độc tài, đó là các đại doanh nghiệp. Doanh nghiệp là hình thái gần cơ chế toàn trị nhất. Các doanh nghiệp lớn không phải báo cáo gì hết cho công chúng hay cho xã hội ; chúng hành xử như những con chim săn mồi, con mồi của chúng là những doanh nghiệp khác. Để tự bảo vệ, dân chúng chỉ có một công cụ duy nhất là Nhà nước. Mà Nhà nước lại không phải là cái chắn hiệu quả cho lắm, bởi vì nói chung, nó có quan hệ chặt chẽ với những đại doanh nghiệp. Chỉ khác nhau ở một điểm thôi : công ti General Electric không phải báo cáo cho ai hết, còn Nhà nước thi thoảng cũng phải giải trình trước dân chúng.

Một khi nền dân chủ được mở rộng tới mức người công dân có thể kiểm soát được các phương tiện sản xuất và trao đổi, tham vào vào sự vận hành và chỉ đạo khung cảnh chung của cuộc sống, thì khi đó, Nhà nước có thể tiêu vong dần dần. Thay vào đó là những hiệp hội với sự tham gia tự nguyện, được tổ chức tại nơi lao động hay nơi cư trú của người dân.

Thế là những xô-viết ?

Trước đây, đó là những xô-viết. Nhưng ngay sau Cách mạng Tháng Mười, việc đầu tiên mà Lenin và Trotski đã làm là giải tán các xô-viết, các hội đồng công nhân và tất cả các thể chế dân chủ. Về mặt này, họ là những kẻ thù nguy hại nhất của chủ nghĩa xã hội thế kỉ XX. Là những người mác-xít chính thống, họ cho rằng một xã hội lạc hậu như nước Nga thời đó không thể nào tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội trước khi phải cưỡng bách đẩy vào con đường công nghiệp hoá.

Năm 1989, khi hệ thống cộng sản sụp đổ, tôi đã nghĩ rằng : thật trớ trêu, nhưng sự sụp đổ này chính là một thắng lợi của chủ nghĩa xã hội. Bởi vì chủ nghĩa xã hội, theo tôi quan niệm, phải hàm ý tối thiểu là sự kiểm soát dân chủ nền sản xuất, sự trao đổi và những chiều kích khác của đời sống con người.

Tuy nhiên, cả hai bộ máy tuyên truyền lại toa rập với nhau để nói rằng cái chế độ độc tài mà Lenin và Trotski đã lập ra và sau đó đã bị Stalin biến thành một quái vật chính trị, chính là « chủ nghĩa xã hội ». Các chính khách phương Tây chỉ có thể phấn khởi khi người ta dùng chữ một cách phi lí và khả ố như thế, nhờ đó trong suốt mấy chục năm trời, họ tha hồ thoá mạ chủ nghĩa xã hội chân chính.

Bộ máy tuyên truyền của Liên Xô cũng phấn khởi không kém, với ý đồ ngược lại, là khai thác cảm tình và sự dấn thân của đông đảo người lao động đối với lí tưởng của chủ nghĩa xã hội chân chính.

Mọi hình thái tự quản theo các nguyên tắc của chủ nghĩa vô chính phủ cuối cùng đều đổ vỡ, có đúng như thế không ?

Không hề có những « nguyên tắc vô chính phủ chủ nghĩa » cố định, không hề có một cuốn « thánh kinh » của chủ nghĩa vô chính phủ. Chủ nghĩa vô chính phủ, ít nhất theo quan niệm của tôi, là một phong trào tư tưởng và hành động nhằm tìm cách nhận dạng ra những cơ cấu quyền lực và thống trị, buộc chúng phải tự biện minh, và ngay khi chúng không tự biện minh được nữa, thì tìm cách vượt chúng.

Do đó, tư tưởng vô chính phủ chủ nghĩa không hề đổ vỡ, mà vẫn « mạnh khoẻ » lắm. Nhiều tiến bộ thực chất đã bắt nguồn từ nó. Những hình thái đàn áp và bất công đã không được chấp nhận ngay khi chúng bị nhận diện, mà không cần phải đấu tranh chống lại. Đó là một thành tựu, một bước tiến cho toàn thể nhân loại, chứ không phải thất bại.


Nguồn : nguyệt san Le Monde Diplomatique, tháng 8.2007

Cuộc trao đổi với Noam Chomsky do Daniel Mermet ghi, sau đó được tác giả đọc lại.Nguyên thuỷ là cuộc phỏng vấn truyền thanh trong khuôn khổ chương trình "Là-bas si j'y suis" do D. Mermet phụ trách trên đài France-Inter của Pháp.

© bản tiếng Việt : Nguyễn Ngọc Giao & Diễn Đàn

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us