Bạn đang ở: Trang chủ / Thế giới / Tháng Năm 68

Tháng Năm 68

- Nguyễn Quang — published 26/06/2008 22:13, cập nhật lần cuối 28/06/2008 09:49
Không phải một cuộc vận động chính trị thất bại, mà một cuộc vận động văn hoá thành công (bản dịch đã được bổ sung 0g35 ngày 28.06.08)

40 năm sau

« THỜI ĐIỂM 68 »

NGUYỄN QUANG


« Tôi đã từng hai mươi, và tôi sẽ không chịu
để cho ai nói rằng đó là tuổi đẹp nhất trong đời 
»

Paul NIZAN 



Tháng năm đẹp trời này, với không biết cơ man sách báo, phim ảnh, phỏng vấn, chương trình truyền hình truyền thanh đặc biệt... chẳng còn ai còn có thể không biết rằng, năm 1968, vào tháng năm, đã xảy ra « cái gì đó ». Nhưng đó là cái gì ? Cách mạng hay nổi loạn ? « Công xã » sinh viên hay phong trào đấu tranh xã hội ? Chấn động chính trị hay chỉ là dịp thổ lộ can tràng ? Phải nói : tháng 5.1968 là tất cả những thứ đó, và cộng thêm cả một cái gì khác nữa cơ. 1968 quả là một năm đa dạng đa hình, một khoảng thời gian đã chứng kiến những sự biến đụng độ nhau, mười năm cộng lại cũng không bằng. Một bản nhạc đa âm toàn cầu mà cụm từ tiếng Pháp « Mai 68 » trở thành quá hạn hẹp để thể hiện. Vì vậy, trong bài này, chúng tôi xin tạm gọi là « thời điểm 68 », hay « momen 68 »

Một thời điểm mà suốt 40 năm qua, bao nhiêu phân tích, bình giải, diễn văn, luận chiến vẫn chưa khai thác được hết tính đặc thù, cố nhiên ở đây, chúng tôi sẽ không dám nuôi tham vọng đó. « Thời điểm 68 » là một thứ thiên thạch không thuộc loại hình xác định nào, ta sẽ không tài nào hiểu được nếu chỉ hạn chế nó một cách giả tạo trong khoảng thời gian 12 tháng, tách rời nó ra khỏi bối cảnh lịch sử (xem khung đi kèm). Không có độ lùi, ta sẽ chỉ thấy một mớ « phụ tượng » rời rạc, tản mạn, thậm chí nghịch lí, tỉ như một bức hoạ nhìn quá gần, chỉ thấy muôn vàn những hạt màu. Mà ngay như có đủ độ lùi cũng chưa chắc làm toát ra tính thống nhất (giả sử là có) của một hiện tượng muôn hình vạn trạng như « momen » 68.


« 68/1 »


Hãy lấy ngay thí dụ là cuộc nổi dậy của tuổi trẻ trên toàn cầu, nét nổi bật trong kí ức tập thể về năm 1968. Đó quả nhiên là một sự kiện toàn cầu, nhưng thực chất là những phong trào khác nhau, hầu như không liên quan tới nhau :

* Theo trình tự thời gian thì trước tiến phải kể phong trào thanh niên , bùng lên từ đầu thập niên « sixties », cùng lúc trên hai mặt trận :

    • trên mặt trận văn hoá – hay đúng hơn, mặt trận phản-vănhoá – với trào lưu « pop », hoà bình chủ nghĩa, nụ cười trên môi, hơi « sương khói » của « flower power », với đỉnh cao là cuộc tập hợp vào tháng giêng 1967 tại Công viên Golden Gate (San Francisco) : 40 000 cô cậu « hippies » rắc hoa lên cảnh sát và « tỏ tình » với họ. Trào lưu vô chính phủ và psychedelic này sẽ lan rộng khắp thế giới. Mọi người chắc còn nhớ bài ca của Scott McKenzie, nhan đề San Francisco :  “ There's a whole generation / With a new explanation.” và câu nói khiêu khích của John Lennon : « Chúng ta đừng bao giờ quên ơn CIA và quân đội (Mĩ) đã mang lại LSD [năm 1953, cục tình báo CIA đã mua hợp chất LSD của công ti dược phẩm Sandoz để sử dụng làm vũ khí « kiểm soát tinh thần » (mind control)]. Họ đã phát minh ra LSD để kiểm soát đầu óc chúng ta. Kết quả : họ đã mang lại tự do cho chúng ta ».

    • trên mặt trận chính trị, cuộc đấu tranh cho các Quyền Dân sự đã được Martin Luther King đẩy mạnh. Đường lối của MLK bắt nguồn từ Gandhi, nhưng « khác ở chỗ nó không phải là triết lí bất bạo động áp dụng cho mọi mặt của cuộc sống, mà bất bạo động được quan niệm như kỉ luật tự giác về chính trị, làm phương pháp bất phục tùng dân sự ». Thành tựu độc đáo của MLK là thành lập SNCC, một uỷ ban điều hợp « sinh viên bất bạo động », da trắng và da đen, cả một thế hệ thanh niên đấu tranh chống nạn kì thị chủng tộc, không những trong lãnh vực pháp lí, mà ngay cả trên « thực địa ». Cứ tới mùa hè là các « hành giả của tự do » (freedom riders) lại « hành hương » xuống miền nam Hoa Kì để bất chấp – một cách hoà bình – những cấm kị của « luật Jim Crow » (thí dụ trên xe đò, có những hàng ghế dành cho người da trắng và những hàng ghế dành cho người da đen). Phải dũng cảm lắm bởi vì họ phải chịu đựng mọi sự đe doạ, hạ nhục, hành hung, thậm chí tàn sát (xem phim Mississippi Burning của Alan Parker).

Đầu thập niên 60, những thắng lợi của phong trào giành quyền công dân có thể làm cho người ta lạc quan, Joan Baez có thể cất cao tiếng hát We shall overcome : năm 1964, Đạo luật về Quyền công dân đã chính thức huỷ bỏ nạn kì thị chủng tộc, MLK được trao giải Nobel hoà bình. Nhưng « con sâu đã đục khoét quả chín » rồi : khi MLK muốn triển khai phong trào lên miền bắc nước Mĩ, thì ông vấp phải cái mà ông gọi là sự « thờ ơ » của chính cộng đồng người da đen và gặp phản ứng kì thị của một số cộng đồng sắc tộc khác (Ý, Ba Lan) – những người này sợ ưu quyền (tương đối) của họ bị đụng chạm. Xu hướng bất bạo động lại chịu sự cạnh tranh của phong trào Black Power (Chính quyền Đen) chủ trương cộng đồng người da đen phải tự vệ bằng vũ trang. Và trên thực địa, uỷ ban SNCC phải cạnh tranh với Black Panthers (Báo Đen), phong trào « cách mạng Phi-Mĩ » kết hợp đấu tranh xã hội và đấu tranh vũ trang chống lực lượng cảnh sát. Và ngày 4.4.1968 tại Memphis, MLK bị một phần tử cực đoan người da trắng, James Earl Ray, ám sát. 

Kinh nghiệm thực tế của các « hành giả tự do » chắc chắc đã góp phần vào sự cấu trúc các phong trào sinh viên phản đối chiến tranh Việt Nam và cưỡng lại giới cầm quyền. Chính tại Berkeley, cái nôi của phong trào sinh viên, mà Free Speech Movement (Phong trào Tự do Phát biểu) đã ra đời năm 1964, đòi quyền tự do hoạt động chính trị tại khuôn viên các trường đại học, và năm 1965 « Vietnam Day Committee » bắt đầu hoạt động chống chiến tranh và chủ nghĩa đế quốc Mĩ. Các bài ca phản kháng của Bob Dylan (Blowin’ in the wind, The times they are a-changin’...) vang lên, đánh dấu thời kì sôi nổi này. 1968 là đỉnh cao, mà cũng là sự suy tàn của phong trào phản kháng « sixties ». 1968 là năm Mĩ đưa tới nửa triệu quân sang Việt Nam, con số lính Mĩ chết trận đã vượt mức 20 000, và trên lãnh thổ Hoa Kì, trung bình mỗi ngày có khoảng 30 trường đại học bị chiếm đóng. Cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân (cuối tháng giêng 1968) tiến đánh đồng loạt 140 thành phố và thị trấn, chiếm đóng cố đô Huế và toà đại sứ Mĩ ở Sài Gòn, quả là một cái tát trời giáng vào uy lực của Hoa Kì. Sự thật hiển nhiên là Mĩ không thể đánh thắng trong « cuộc chiến tranh này ». Cuối tháng ba, tổng thống Johnson nhận đàm phán ở Paris và đồng thời rút lui khỏi sân khấu chính trị. Cho dù phải tới năm 1975, khi Sài Gòn ‘thất thủ’ thì cuộc chiến tranh mới chấm dứt, song có thể nói rằng thế hệ ‘sixties’ ở Mĩ đã giành phần thắng lợi trong cuộc đấu tranh chống « cuộc chiến tranh vô đạo ».

Thế hệ ấy – nhưng lúc đó, họ không ý thức được điều này – cũng đồng thời thất bại trong cuộc đấu tranh cho một giấc mơ không tưởng. Muốn hiểu được nghịch lí này, ta phải đi ngược lên căn nguyên của thể chế lưỡng đảng của Mĩ. Lịch sử của Hoa Kì là một chuỗi những chu kì « thống trị lâu dài » của luân phiên hai đảng dân chủ và cộng hoà (với thỉnh thoảng cũng có những « ngoặc đơn » ngắn ngủi, không có ý nghĩa gì lớn). Thế hệ « baba cool » vô tình đã kết thúc một chu trình cầm quyền của Đảng dân chủ bắt đầu với tổng thống Roosevelt. Còn tổng thống Johnson, người bị chê trách vì cuộc chiến tranh Việt Nam (chính ông ta thú nhận sự bất lực của mình bằng cách tự ví là người đừng lề đường xin đi quá giang dưới trời mưa), sẽ được ghi nhớ trong lịch sử là nhà cải cách vĩ đại cuối cùng của thế kỉ Mĩ, với dự án Big Society (Xã hội Vĩ đại), với những đạo luật chống kì thị chủng tộc và những đạo luật lớn về an ninh xã hội. Năm 1968, thất bại ở Việt Nam và lỗ trống về quyền lực đã làm thức dậy « đa số thầm lặng » và báo hiệu sự trở về của « trật tự đạo đức ». Gió đã nổi lên rồi, nhưng đó là gió chướng, thổi ngược. Đối diện với ứng viên Cộng hoà là Nixon, đảng Dân chủ xâu xé nhau, những « baba cool » thì ủng hộ Eugene McCarthy, những phần tử « khuynh tả » thì vận động cho George McGovern, còn những ai nuối tiếc huyền thoại Kennedy thì muốn dồn phiếu cho Robert, em trai của tổng thống bị ám sát 5 năm trước đó. Nhưng sáu tuần lễ sau Martin Luther King, tại Los Angeles, đến phiên Robert Kennedy ngã xuống trước nòng súng của Sirhan Sirhan, một người Palestin mắc bệnh tâm thần. Trong cuốn sách bán chạy viết về năm 1968, The Year the Dream died (Năm chết đi giấc mơ), kí giả J. Witcover đã lấy thảm kịch phi lí này làm biểu tượng kết thúc một năm đã « làm rung chuyển thế giới ». Sự khủng hoảng, mất hết phương hướng của phái tả Hoa Kì thể hiện một cách thảm hại trong dịp đại hội của Đảng dân chủ họp tại Chicago vào tháng 8.1968, vài ngày sau khi xe tăng Liên Xô tràn vào Praha. Giới chức của Đảng dân chủ đã đạt được mục tiêu là phó tổng thống Humphrey được đề cử làm ứng viên, nhưng trong suốt sáu ngày, hội trường bị các phần tử cấp tiến vây chặt. Dân chúng Mĩ tá hoả chứng kiến trực tiếp trên màn ảnh TV cuộc đụng đầu giữa người biểu tình và lực lượng cảnh sát : 600 người bị bắt, hơn 100 bị thương. Nhà văn hài hước Art Buchwald bình luận : « Sự tự sát của các đảng viên dân chủ đã gây kinh ngạc trong đám súc vật ở lò sát sinh » (ám chỉ lò sát sinh Chicago nổi tiếng). Đúng là những cuộc nổi loạn tháng 8 đã khơi động phản xạ hoảng sợ có lợi cho Đảng cộng hoà, nhưng quan trọng hơn nữa là sự rạn nứt giữa một bên là giai cấp trung lưu da trắng, tán thành tôn ti trật tự mà cảnh sát và thị trưởng Daley là đại biểu, và bên kia là tuổi trẻ cấp tiến không còn nhận ra mình trong hoạt động chính trị cổ điển. Thế là kết thúc quá trình từng bước tan biến liên minh liberal (hiểu theo nghĩa ở Mĩ, nghĩa là khá phóng khoáng, tiến bộ) đã ngự trị đời sống chính trị, xã hội Hoa Kì từ những năm 30, để nhường chỗ cho liên minh bảo thủ bắt đầu từ năm 1968 với Nixon và chiếm vị trí thống trị vào năm 1980 với Reagan. Liệu tháng 11 tới đây, cuộc bầu cử tổng thống có bắt đầu một chu kì mới hay chăng ? 

* Điểm dãn nhịp (point d'orgue) của « momen 68 » Hoa Kì (mà cũng có thể hiểu như biểu tượng thất bại) – cả thế giới đã chứng kiến trực tiếp từ Mexico ngày 16 tháng Mười 1968 – là khi các lực sĩ chuyên chạy nước rút người da đen Tommie Smith và John Carlos, đứng trên bục vô địch Thế vận hội 200m, chân trần, đầu cúi gằm, tay giơ nắm đấm đeo găng đen lên trời giữa lúc nhạc cử God blesses America (quốc thiều Hoa Kì). Trước sự bàng hoàng của Uỷ ban Thế vận hội (với vụ rước đuốc vừa qua (người ta biết Uỷ ban này coi trọng các nguyên tắc đến mức nào), hai lực sĩ da đen đã chiếm lĩnh một khán đài thể thao, biến nó thành diễn đàn chính trị. Cử chỉ chính trị « nặng hơn ngàn lời » ấy, họ đã phải trả giá, như chính Tommie Smith đã thừa nhận : sự nghiệp thể thao, thậm chí cả cuộc đời của họ.

Thế vận hội Mexico năm 68 cũng đã cướp đi cuộc đời (theo nghĩa đen) của nhiều người trong « cuộc tàn sát ở Quảng trường Ba nền Văn hoá » thuộc khu Tlatelolco. Ngày 2 tháng Mười – đúng 10 ngày trước lễ khai mạc Thế vận hội – công an và cảnh sát, có xe tăng và máy bay trực thăng yểm trợ, bao vây 8000 người biểu tình ở quảng trường và nổ súng, giết chết 300 người. Hai ngàn sinh viên bị bắt, nhiều người bị đánh đập và hạ nhục (diễn tập một phương pháp mà bọn quân phiệt Chile 5 năm sau sẽ áp dụng ở sân vận động Santiago), các thủ lĩnh sinh viên bị bỏ tù, và El Movimiento Estudiantil bị chặt đầu. Để hiểu ý nghĩa biến cố này, cần đi ngược thời gian : trong những năm 60, trong khi nhiều người trên thế giới tưởng lầm rằng Mexico là một nước « tiến bộ » bởi chính quyền luôn miệng nhận mình là người thừa kế của cuộc cách mạng 1919-1920, thì đất nước này đã trải qua nhiều đột biến xã hội quan trọng – đặc biệt là sự tăng trưởng của các giai cấp trung lưu, và sự bành trướng đại học. Trong các trường đại học, các trường cao đẳng kĩ sư, các học viện kĩ thuật, sinh viên khuấy động liên tục chống lại Nhà nước PRI ("Đảng cách mạng định chế"), tình hình tỏ ra nghiêm trọng trong hai năm 66-67, sang năm 68 thì chùng xuống vì thiếu hậu thuẫn. Điều mà chính quyền và dân chúng không chờ đợi, là đến tháng Bảy 68, phong trào lại bùng lên mạnh mẽ sau vài cuộc đụng độ tương đối cũng "bình thường" giữa lực lượng công an và sinh viên thân Castro. Cuộc đàn áp làm bùng nổ cuộc bãi khoá tại các trường trung học và đại học lớn ở Mexico (250 000 sinh viên học sinh bãi khoá, Uỷ ban phối hợp toàn quốc đòi chính quyền trừng phạt cảnh sát, trả tự do cho tù nhân chính trị và huỷ bỏ điều 145 hình luật (trừng trị tội "suy đồi xã hội"). Sự đồng hiện của phong trào Mexico với các diễn biến ở Hoa Kì và Âu Châu giải thích tại sao, giữa tháng 8, nó có thể huy động hàng trăm nghìn người tham gia những cuộc biểu tình (hoà bình). Có thể nghĩ, như nhiều nhà sử học, rằng sang tháng mười chính phủ PRI đã quyết định đàn áp mạnh mẽ để, bằng mọi giá, bảo đảm diễn tiến của Thế vận hội.

* Bên kia bờ Thái Bình Dương, tại Nhật Bản, cuộc nổi dậy của sinh viên cũng kết tinh từ chiến tranh Việt Nam, ghép vào đó là xu hướng dân tộc chủ nghĩa : nước Nhật thất trận bị quân đội Mĩ chiếm đóng, máy bay B-52 cất cánh từ Okinawa sang ném bom miền Bắc Việt Nam, còn hạm đội Mĩ có thể cặp bến ở bất cứ hải cảng nào của quần đảo Nhật. Mũi nhọn của phong trào sinh viên là Zengakuren, liên đoàn các hội sinh viên tự quản Nhật Bản, được thành lập năm 1948 với một cương lĩnh khá cổ điển (dân chủ, quyền tự do đại học, dân chủ hoá giáo dục…), sau đó chiến tranh Triều Tiên và chiến tranh lạnh đã đẩy lại gần Đảng cộng sản Nhật Bản, rồi đi tới phái cực tả triệt để. Về mặt tư tưởng, liên đoàn Zengakuren của những năm 1960 đi theo một thứ chủ nghĩa Marx dung tục, thô thiển, cho rằng với sự liên minh giữa chủ nghĩa tư bản Nhật và chủ nghĩa đế quốc Mĩ, không thể nào có khả năng dân chủ hoá nước Nhật, do đó phải dùng bạo lực để « đỡ đẻ » cho một xã hội khác ra đời. Về phương pháp tổ chức, Zengakuren dựa trên những chuẩn tắc ứng xử của cá nhân trong xã hội Nhật Bản : kỉ luật nghiêm ngặt, hiệu lực nghiệp vụ, tinh thần băng nhóm… và thực sự trở thành một lực lượng can thiệp. Cũng giống như trong phim của Kurozawa (giao tranh giữa hai đội quân võ sĩ đạo), đoàn biểu tình và lực lượng công an, hai bên hàng ngũ siết chặt, giáp chiến một cách bạo liệt và ngoạn mục, trước sự chứng kiến kinh ngạc của thế giới. Những năm 1968-69 là đỉnh điểm của những cuộc giao chiến liên lục và bạo liệt. Liên tiếp nhiều lần trong năm 1968, hàng nghìn Zengakuren đối đầu với các đơn vị công an để ngăn cản không cho hàng không mẫu hạm Enterprise cặp bến Sasebo (tháng giêng), bao vây căn cứ Mĩ Okinawa (tháng hai), chống lại việc xây dựng phi trường Narita (tháng ba). Sang tháng tư (đôi khi với sự ủng hộ của giáo sư và giới nghiên cứu), phong trào lan ra các trường đại học. Trong mùa hè, sinh viên chiếm đóng hoặc tổ chức đấu tranh tại hơn 200 trường, cộng hưởng với sự triệt để hoá của phong trào phản chiến ở Mĩ và sự bùng nổ của phong trào tháng 5.68 tại Pháp. Sang tháng 10, triển khai chiến lược du kích đô thị, Zengakuren tung ra cuộc « tiến công Tokyo », cùng lúc đánh vào Quốc hội, đại sứ quán Mĩ, trụ sở công an và nhà ga Shinjuku. Công nhân cũng tham gia cùng sinh viên, hơn 300 địa phương xảy ra náo động. Sau ba ngày giao chiến thực sự với công an, hàng trăm người bị thương thuộc hai bên, sinh viên mới chịu rút về trường. Hai thành luỹ của « chính quyền sinh viên », là các trường đại học lớn Nihon và Todai, bị công an và các nhóm quốc gia chủ nghĩa tấn công, vẫn cầm cự được tới tháng 11.68 (trường Nihon) và tháng 1.69 (trường Todai). Đàn áp thì đàn áp, cuộc khuấy động tiếp tục không ngừng trong những năm 69-70, ở các trường đại học cũng như trên đường phố. Sang đầu thập kỉ 1970, người ta chứng kiến hai sự kiện : sự bành trướng của nền kinh tế Nhật Bản và sự phân hoá bè phái của Zengakuren (hai hiện tượng này có lẽ không độc lập với nhau). Phát sinh từ những nhóm quân phiệt chủ nghĩa của Zengakuren, tổ chức « Hồng quân Nhật » đã lao vào những phi vụ khủng bố kết thúc tại sân bay Lod (Israel) năm 1972.

 

« 68/2 »

 

 Tại Âu Châu, phong trào phản kháng bắt đầu năm 1965 tại Hà Lan với trào lưu « Provo », theo lời những người chủ xướng thì đây là « đây là một cái gì có hơi hớm vô chính phủ chủ nghĩa và ‘situationniste/tình thế chủ nghĩa’ của Guy Debord ». Provo muốn tạo ra con người ‘du nhàn’ (Homo Ludens) và xây dựng một xã hội « Babylone mới ». Chiến thuật Provo là công kích xã hội tiêu thụ bằng những trò ‘khiêu khích’ (provocation) các giá trị của giới tư sản thị dân, chẳng hạn ngày 10.3.1966, quăng lựu đạn khói vào đoàn xe cưới của công công chúa Beatrix (cố nhiên họ đã ‘thắng to’, nghĩa là giành được ‘15 phút vinh quang’ trên media, nói theo kiểu Warhol). Chừng nào, « tháng ba 66 » của Provo báo hiệu « tháng năm 68 », tuy rằng chính họ lại không được chứng kiến vì họ đã tự giải tán từ tháng năm 1967 vì thấy đã thắng lợi – mà đúng thế, xã hội Hà Lan từ đó đã trở thành một trong những xã hội buông thả nhất.

Đi trước « thời điểm 68 » có lẽ còn phải kể tới văn hoá (hay phản văn hoá) pop Anh, đưa đẩy người « trẻ » nổi loạn chống lại « thế giới người lớn », nhưng các Beatles, Rolling Stones, Who thực ra quá « trúng quả » với chế độ và hệ thống hiện hữu, nên chưa hề đi xa hơn sự mạnh miệng. Sự kiện duy nhất ở London có hơi hớm cuộc nổi dậy của sinh viên là cuộc biểu tình ngày 17 tháng ba 68, tại Grosvenor Square, tập hợp 30 000 người, trong đó có rất nhiều nhân vật tên tuổi để phản đối cuộc chiến tranh Việt Nam trước đại sứ quán Mĩ. Thực ra, « phong trào 68 » ở Tây Âu chỉ tập trung ở ba nước, là Ý, Cộng hoà liên bang Đức và Pháp.

* Tại Ý, « Il Sessantotto » (68) là một thứ 68 thu mình, bò sát. Theo lí thuyết gia thuộc xu hướng « toàn cầu hoá kiểu khác » Antonio Negri, nó trải dài suốt mười năm trời, không có một biến cố sáng lập hay một sân khấu chủ yếu nào, bắt đầu từ năm 1967 (cuộc nổi dậy của công nhân ngành dệt ở Valdagno, gần Venezia) cho đến năm 1977 (phong trào mùa xuân « muộn »). Năm bản lề 1968 ở Ý được đánh dấu bằng hai yếu tố : tình hình quốc tế căng thẳng (chiến tranh Việt Nam), tình hình quốc nội tế nhị (trường đại học tiếp nhận con cái thợ thuyền, nhưng sinh viên tốt nghiệp thì không kiếm ra công ăn việc làm). Mặt khác, sự chuyển biến của xã hội Ý là một hiện tượng tương đối mới : quá trình thoát ra khỏi chủ nghĩa phát xít, theo A. Negri, cũng là quá trình thoát ra khỏi một hình thái « tiền hiện đại ». Nếu phải chọn một thời điểm để đánh dấu, có lẽ nên chọn 1 tháng ba 1968 là ngày hàng ngàn sinh viên tuần hành, đi tới trường đại học kiến trúc Roma, đụng độ với lực lượng cảnh sát. Cuộc đụng độ bạo liệt (hơn 400 người bị thương) gây sốc lớn trong dư luận. Từ thủ đô, phong trào lan rộng khắp nước, nhất là trong giới công nhân. Cũng nên nhấn mạnh đặc điểm của Ý : sự « liên kết » giữa công nhân và sinh viên là do công nhân chủ động, chính công nhân đã chiếm đóng trường sở đại học, thí dụ như công nhân nhà máy hoá chất Porto Marghera đã chiếm trường đại học kiến trúc Venezia. A. Negri giải thích : cơ bản mà nói, « ở bên Ý, đấu tranh thợ thuyền đi trước đấu tranh sinh viên. Xưởng máy là diễn đàn thảo luận, trường đại học là nơi âm hưởng của những kinh nghiệm ở cơ xưởng » (trả lời phỏng vấn của « Monde 2 », tháng ba-tư 2008). Chính sự « nối kết » độc đáo này đã mang lại cho « tháng năm bò sát » của Ý bề dầy và sự lâu dài : nó kéo dài đến cuối năm 69 và trong thời gian ấy, xuất hiện một phương thức hoạt động kiểu mới, vượt ra ngoài khuôn khổ các công đoàn truyền thống (« Chúng tôi muốn mọi thứ ! »), có âm hưởng mạnh mẽ trong các cuộc đình công lớn và các cuộc đụng độ mùa thu 1969 (ở Milano, ở Torino). Sự bạo liệt của các cuộc đụng đầu làm nảy sinh ra ý tưởng đấu tranh vũ trang, dẫn tới việc thành lập những tổ chức vũ trang : chẳng hạn như bên hữu, là Hạt nhân Vũ trang Cách mạng NAR (Nuclei Armati Rivoluzionari), bên tả, Prima Linea (Tuyến Đầu) và các Lữ đoàn Đỏ BR (Brigada Rossa). Bên hữu, khủng bố nhằm làm mất ổn định bộ máy Nhà nước, thí dụ như cuộc đánh bom tháng 12-1969 ở quảng trường suối nước Piazza Fontana (Roma). Phái tả thì chủ trương khủng bố để đối phó với « chủ nghĩa khủng bố của Nhà nước », đồng thời nhằm chỉ dẫn cho giai cấp vô sản con đường giành lấy chính quyền bằng cách « đánh một để giáo dục cả trăm ». Điển hình nổi tiếng của đường lối « tuyên giáo » gớm ghiếc này là vụ BR bắt cóc lãnh tụ đảng dân chủ Kitô giáo Aldo Moro và giết chết ông sau 55 ngày giam giữ ; thi hài ông bỏ trong hòm của một chiếc xe hơi, nằm giữa trụ sở đảng DC (Dân chủ Kitô giáo) và Đảng cộng sản Ý, hàm ý BR cương quyết chống lại chủ trương « thoả hiệp lịch sử » giữa hai chính đảng... Mấy ngàn người đã tham gia các tổ chức khủng bố (số nạn nhân lên tới gần 400 người), quy mô vượt hẳn các nước khác ở châu Âu, khiến cho hình ảnh chung của phong trào « tháng năm » tại Ý bị lu mờ và biến dạng. Đối với nhiều người, « những năm 70 nặng nề như chì » của nước Ý « là sự suy thoái từng bước, thê thảm, chuyển từ các cuộc biểu tình và vận động xã hội nồng nhiệt của những năm 1968-69 sang chủ nghĩa khủng bố và những phòng giam đặc biệt của các nhà tù » (P. Girard).

Đức cũng vậy, « momen 68 » là một « tháng Năm dài ngày », bắt đầu từ mùa xuân 1967 và kéo dài cho tới đầu năm 69. Lộ trình chính trị của đa số các « diễn viên » phong trào bắt đầu với cú sốc khi cảnh sát giết chết sinh viên Benno Ohnnesorg ngày 2.6.67, trong cuộc biểu tình hoà bình phản đối cuộc viếng thăm Tây Berlin của quốc vương Iran. Ngay từ đầu, tương quan lực lượng trên đường phố cũng như trong xã hội phải được hiểu như là sự đối đầu giữa hai thế hệ : thế hệ của chủ nghĩa nazi và thế hệ « baby boom » (đẻ ngay sau 1945). Joshka Fischer (Đảng xanh, nguyên bộ trưởng ngoại giao) gọi đó là sự « đụng độ với quá khứ », một điều tất yếu nhờ sự phát triển của nền dân chủ : « Lịch sử thực sự của 68 tại Đức vẫn chưa được viết thành sách, đó là lịch sử mối quan hệ của thế hệ nazi với con cái của họ và ngược lại [...]. Mối quan hệ với chủ nghĩa quốc xã không phải do 68 đặt ra, mà do thế hệ của tôi, là thế hệ lớn lên trong cuộc phản kháng ấy, ý thức của chúng tôi khác ý thức của lứa các anh các chị chúng tôi. Trong những năm 1950-1960, chúng tôi đã sống trong tình trạng mập mờ hai mặt » (trả lời phỏng vấn của tuần báo Monde 2, ngày 10.05.2008). Song, trong những năm 68, thanh lí sự mập mờ ấy – một việc làm cần thiết – gặp phải ba trở ngại :

- trở ngại trong đầu óc, khi những người trẻ thì bảo : « Họ là thế hệ của trại tập trung Auschwitz, không thể thảo luận gì với họ được », còn những người lớn tuổi thì nói : « Muốn thì cứ sang Đông Đức hay vào trại lao động mà sống », hay, tệ hại hơn nữa : « Sẽ cho chúng bay vào lò thiêu » (J. Fischer kể lại).

- trong chính giới, vì từ 66 đến 69, chính phủ Cộng hoà Liên bang Đức là chính phủ liên minh tả-hữu, đảng SPD (dân chủ xã hội) bị kẹt trong chính quyền, (có lẽ vì thế), không tích hợp được một bộ phận của sinh viên phản kháng. Vả lại, cũng không thể quên rằng chiến tranh lạnh đã cắt đôi nước Đức, chủ nghĩa chống cộng được sự đồng thuận ở Tây Đức, vạch ra một ranh giới mà phái tả Tây Đức không thể vượt qua.

- bộ máy nhà nước (công an, tư pháp...) « luôn luôn phản ứng quá mức [...] và cuối cùng tự chuốc cho mình một hình ảnh ghê tởm mà thanh niên thời ấy chờ đợi ở bộ máy nhà nước » (Gerhart Baum, nguyên bộ trưởng).

Trong phong trào phản kháng, đoàn thể có tổ chức nhất là SDS (Liên đoàn sinh viên xã hội chủ nghĩa) mà hệ tư tưởng chịu ảnh hưởng của Herbert Marcuse, tố cáo những cơ chế thống trị tạo ra « con người đơn kích » (homme unidimensionnel), với thủ lãnh Rudi Dutschke là người có một hấp lực mạnh mẽ. Cũng như ở nhiều nước khác, phong trào Đức bắt nguồn từ các cuộc biểu tình chống chiến tranh Việt Nam. Nhưng phải đến tháng tư, khi « Rudi Đỏ » bị mưu sát ở Berlin, mới thực sự bùng nổ cái mà ở Tây Đức người ta thường gọi là « phong trảo sinh viên » hay « phong trào đối lập ngoài nghị viện », với những cuộc biểu tình đại chúng và các cuộc chiếm đóng những trường đại học. Như đã nói ở trên, Nhà nước phản ứng quá mức, cảnh sát đàn áp thắng tay, toà án tuyên án lia lịa, trong khi ở phe hữu, báo chí thuộc tập đoàn Springer điên cuồng chỉ trích phong trào với những lời lẽ bạo liệt ngày nay khó hình dung.

Từ mùa thu 68 sang mùa đông 69, người ta chứng kiến sự tan rã của phong trào sinh viên. Ngay từ mùa hè 68, thời kì hoài nghi và hoang mang đã bắt đầu : cuộc vận động chống tập đoàn báo chí Springer thất bại, cũng như cuộc vận động chống lại việc quốc hội thông qua các « đạo luật tình trạng đặc biệt » (thí dụ đạo luật về tình trạng khẩn cấp), tác động của việc Liên Xô can thiệp ở Tiệp Khắc... Tháng 10.68, sự thành lập chính phủ dân chủ - xã hội của thủ tướng Willy Brandt, với một cương lĩnh cải cách lớn rộng, đặt những người phản kháng trước một sự lựa chọn cơ bản : một số chấp nhận chiến lược đấu tranh nghị trường, số khác quay về công tác quần chúng, một số khác chủ trương chuyển từ các vấn đề xã hội sang vấn đề môi trường... Cuối cùng những bất đồng về chiến lược và chia rẽ về tư tưởng đã làm nổ tung phong trào phản kháng : một số gia nhập đảng SPD (số đảng viên được kết nạp đạt con số kỉ lục kể từ đại hội Bad Godesberg năm 1959), một số khác quay trở về những mô hình cổ điển theo Lenin, Trotsky hay Mao (năm 69-70, riêng Berlin đã có hơn 200 nhóm tổ chức cộng sản !), lại có một số, lúc đầu ngoài lề, sáng lập ra xu hướng chính trị hoá việc bảo vệ môi sinh... Cũng trong bối cảnh ấy, những nhóm du kích thành thị « chống bạo lực của Nhà nước phát-xít » đã ra đời. Nhóm nổi tiếng nhất là RAF (Rote Armee Fraktion / Chi đoàn Vũ trang Đỏ), nôm na hơn là « băng đảng Baader », với chủ trương chiến lược là « khích » Nhà nước đàn áp, qua đó sẽ biểu lộ thực chất của nó là trấn áp nhân dân : « Những quả bom đánh vào bộ máy đàn áp cũng là những quả bom chúng ta ném vào ý thức của quần chúng ». Rốt cuộc, những hành động khủng bố ngày càng triệt để đã đưa RAF vào lộ trình song song với con đường của đội BR ở Ý, thí dụ như vụ bắt cóc và sát hại chủ tịch giới nghiệp chủ Đức H-M. Schleyer năm 1977. Mặc dầu Nhà nước Đức không tài nào thanh toán được RAF (mãi đến năm 1992, tổ chức này mới ngừng sử dụng bạo lực với những con người, và phải đợi đến năm 1998, nó mới tự giải tán), nhưng về mặt tư tưởng, chính quyền Tây Đức đã vô hiệu hoá được Chi đoàn Vũ trang Đỏ từ đầu thập niên 80... bằng cách đơn giản là nó điều chỉnh lại bộ máy chống khủng bố theo đúng tinh thần tôn trọng Nhà nước pháp quyền. 1980 cũng là năm sáng lập Đảng Xanh (Grünen), có thể nói là nhờ đó, cuộc nổi dậy của sinh viên đã có nơi thể hiện và gia nhập đời sống chính trị của nước Đức.

* Ở Pháp, bước vào mùa xuân 1968, « nước Pháp chán đời » (đó là nguyên văn câu chữ bài xã luận nổi tiếng của báo Le Monde ngày 15.03.68). « Chán đời » về mặt chính trị, tất nhiên. Giữa lúc toàn thế giới vang vọng những cuộc nổi dậy của « sinh viên (...) biểu tình, vận động, đấu tranh ở Tây Ban Nha, Ý, Bỉ, An-giê-ri, Nhật Bản, Hoa Kì, Ai Cập, Đức, cả ở Ba Lan nữa ; họ có cảm tưởng phải xông lên phía trước, phải lên tiếng phản đối, ít nhất phải gào thét « phi lí » để cưỡng lại sự phi lí »... Phi chính trị hoá ? Ngày nay nhìn lại, chúng ta có thể nhận ra những vết rạn nứt đang mở ra. Chiều hôm trước của « tháng Năm 68 », nước Pháp là một nước nông nghiệp cổ lỗ đang ở trong thời kì hiện đại hoá tăng tốc, một giai đoạn bành trướng kinh tế mà chính quyền gia trưởng của phái De Gaulle giành lấy công trạng, nhưng lại không làm gì để cải cách một xã hội phần nào tắc tị : tắc tị vì những tôn ti trật tự lỗi thời, do những giới thượng lưu bám chặt lấy quy chế đẳng cấp, vì những bất bình đẳng xã hội và giới tính... Mặt khác, cuộc bành trướng kinh tế cũng đang hết đà : công nghiệp bắt đầu phải tái cấu trúc (thí dụ như trong ngành mỏ than), nạn thất nghiệp ló dạng (450 000 người mất việc !), suốt năm 67 đã liên tục có khuấy động trong giới công nhân và nông dân, đôi khi bạo liệt đến mức giới quan chức phát hoảng (như ở thành phố Mans, khiến viên tỉnh trưởng phải tự hỏi phải chăng đó là cuộc tổng dượt của « ngày cách mạng »). Bộc phá rốt cuộc lại nổ ra từ sinh viên, phản đối một cách triệt để bản chất và chức năng của quyền lực. Năm 1967, sĩ số đại học lên tới 500 000 (tăng 230 % so với năm 1960). Sinh viên chen chúc như cá hộp trong các giảng đường chật hẹp, đối mặt với một giáo giới xu hướng Malthus (muốn hạn chế sĩ số), tác phong thường rất quan cách, phải ngồi nghe thuyết giảng mà không được thảo luận, công việc của mỗi cá nhân sinh viên không được xét tới, và tới cuối năm là những kì thi máy chém... Hầu hết sống nhờ và sống với cha mẹ, đại đa số sinh viên Pháp hoàn toàn không có ý thức chính trị gì cả. Còn những sinh viên ở các cư xá đại học (số này rất ít) thì phải chịu đựng những nội quy khắt khe tới mức ngày nay khó mường tượng. Tác giả bài xã luận của báo Le Monde viết đùa rằng quan tâm chủ yếu của sinh viên vào đầu năm 68 này là « xem nữ sinh ở cư xá Nanterre và Antony có quyền tự do vào phòng nam sinh không, một quan niệm hơi bị hạn hẹp về quyền con người ». Ngoài Wilhelm Reich và mấy đồ đệ của « chủ nghĩa tình thế », lúc đó chẳng mấy ai nhận thức được sức mạnh của khẩu hiệu đấu tranh « tự do chủ nghĩa » này (một khẩu hiệu cũng khá phổ biến trong sinh viên các nước khác ở châu Âu, như ở Đức), và rộng hơn, của khát vọng vươn tới « một cuộc sống khác », mà chính điều này mới giải thích được tại sao, chỉ trong vài ngày, hàng ngàn sinh viên đã ùa xuống đường.

Nhưng, như người ta đã nhiều lần chứng kiến, chính chiến tranh Việt Nam mới là ngọn lửa « đốt cháy cánh đồng ». Những phản ứng đầu tiên ở Pháp chống lại chính sách can thiệp của Mĩ xuất hiện vào năm 1965, khi những nhân sĩ (trong đó có J.-P. Sartre) của Phong trào Hoà bình (gần Đảng cộng sản Pháp) ra tuyên bố lên án những cuộc ném bom miền Bắc Việt Nam (chiến dịch Rolling Thunder). Rồi trong năm 1966, hàng loạt tổ chức tập thể được thành lập, độc lập với phái tả cộng sản, đáng kể nhất là « Comité Vietnam National » (CVN) gần xu hướng trốt-xkít, ra đời sau cuộc mít tinh « 6 giờ vì Việt Nam » tổ chức tại hội trường Mutualité (Paris). Sang năm 1967, cảnh quan chính trị lại thêm những CVB (Uỷ ban Việt Nam Cơ sở / Comités Vietnam de base), xu hướng mao-ít. Sở dĩ chúng tôi đi vào chi tiết xu hướng chính trị khác nhau của các tổ chức này trong toàn bộ phong trào to lớn ủng hộ Việt Nam là vì đến tháng Năm 68, sự ganh đua về mặt tư tưởng giữa họ với nhau trở thành xung đột cao độ. Trước đó, đầu năm 68, để ủng hộ cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân, nhiều cuộc tuần hành liên tiếp đã biến đại lộ Saint Michel (trục đối xứng của Khu Latinh Paris) thành « Đại lộ Việt Nam anh hùng ». Ngày 20 tháng 3, trong một cuộc biểu tình ủng hộ Việt Nam và những người lãnh đạo phong trào da đen ở Mĩ, trụ sở American Express bị đánh phá, một sinh viên Nanterre bị bắt cũng với vài thành viên của CVN. Hai ngày sau, sinh viên Nanterre, do Daniel Cohn-Bendit dẫn đầu, phản ứng bằng cách chiếm đóng tháp cao tầng văn phòng trường đại học, biểu tượng của quyền lực trong ngành giáo dục. Phong trào 22 tháng Ba ra đời như thế đó, bắt đầu với 142 thành viên, không tổ chức, không công đoàn, không chính đảng, vận hành theo nguyên tắc dân chủ trực tiếp – và ngay từ đầu bị báo L’Humanité (của ĐCS) phê phán nghiêm khắc. Sau một tuần khuấy động, khoa trưởng Nanterre chấp nhận cho tổ chức hội họp chính trị trong khuôn viên đại học – lần đầu tiên trong lịch sử đại học Pháp. Ngày 25.04, hội đồng Phân khoa Nanterre quyết định duy trì tổ chức các kì thi, lập ra một « lực lượng trật tự đại học », và tuyên bố các không gian giữa các toà nhà của khuôn viên đại học là « đường phố công cộng » – tức là có thể cho phép công an vào can thiệp. Ngày 02.05, giờ giảng sử học của René Rémond bị sinh viên 22.3 cắt ngang để mở cuộc họp chính trị tại giảng đường. Ngày hôm sau, ông khoa trưởng quyết định hoãn mọi lớp họp « vô hạn định ». Sinh viên Nanterre (ở ngoại ô phía tây bắc Paris) chuyển về Sorbonne (trung tâm thành phố) để họp mít-tinh. Phong trào tháng Năm 68 bắt đầu.

Những gì xảy ra sau đó thì mọi người biết cả rồi, dưới đây chỉ xin kể lướt qua. Người ta thường phân kì như sau : cuộc khủng hoảng sinh viên (cho tới ngày 13.5), cuộc khủng hoảng xã hội (cho tới 27 hay 30.5), từ đó là cuộc khủng hoảng chính trị (chấm dứt bằng cuộc bầu cử quốc hội vào tháng sáu 68) :

- 2-3.5 : sinh viên đóng chốt ở trường Sorbonne, chờ đợi một cuộc tấn công của phong trào cực hữu Occident. Cảnh sát trục xuất sinh viên khỏi trường và viện trưởng ra lệnh đóng cửa Sorbonne. Các cuộc đụng độ bắt đầu.

- 10.5 : đêm chiến luỹ đầu tiên ở Khu Latinh. Hàng trăm người bị thương, 460 người bị bắt.

- 11.5 : tại Trụ sở Nhà Lao động, công đoàn CGT đề nghị với các công đoàn khác (CFDT, FO, UNEF và FEN) tổ chức một ngày đình công và biểu tình toàn quốc để phản đối công an đàn áp. Sau này, tổng thư kí CGT, Georges Séguy, viết trong hồi kí, rằng Đảng cộng sản Pháp hoàn toàn bị các sự kiện « vượt qua » và hầu như đến hồi cuối, ĐCS vẫn hoàn toàn thụ động, ngồi chờ.

- 13.5 (ngày kỉ niệm cuộc đảo chính Alger năm 1958 đưa De Gaulle lên cầm quyền) : khúc ngoặt. Hơn một triệu người (con số của ban tổ chức) xuống đường ở Paris, khắp nơi đình công, dồn chính quyền vào thế thủ. Sinh viên « giải phóng » Sorbonne.

- 14.5 : công nhân hãng chế tạo máy bay Sud-Aviation (gần Nantes) đình công và chiếm nhà máy. Trong những ngày tiếp theo, phong trào lan rộng, đến ngày 17 coi như đã trở thành tổng đình công toàn quốc.

- 24.5 : khúc ngoặt thứ nhì. Loan báo hôm sau sẽ mở ra cuộc thương lượng « tối cao » giữa chính phủ và các công đoàn. Cùng ngày, những cuộc biểu tình bạo liệt biến thành « bạo loạn » ở Paris và các tỉnh, mở ra cuộc khủng hoảng chính trị.

- 27.5 : thoả ước Grenelle giữa chính phủ Pompidou, các công đoàn và giới chủ. Sự thực, đây chỉ là một nghị định thư không mang chữ kí của ai, vì nó sẽ bị bác bỏ ở cơ sở, nhất là ở Renault-Billancourt, « thành luỹ công nhân ». Buổi chiều, mít tinh khổng lồ tại sân vận động Charlety, với sự có mặt của Pierre Mendès-France.

- 29.5 : biểu tình chung của công đoàn CGT và ĐCS Pháp. De Gaulle bí mật rời khỏi Paris để sang gặp tướng Massu, tư lệnh quân đội Pháp đóng tại Đức.

- 30.5 : biểu tình của phe De Gaulle trên đại lộ Champs-Elysées, ít nhất cũng đông bằng cuộc biểu tình ngày 13.5. Trên đài phát thanh, De Gaulle thông báo giải tán Quốc hội.

- Tháng Năm-Sáu, tương quan lực lượng chính trị từng bước đảo ngược, dẫn tới một dạng thức « thoả hiệp cộng hoà » mặc định. Các nhà máy lần lượt làm việc trở lại, với tâm trạng chua chát của nhiều người. Báo Le Monde lên án những « hình thức huỷ hoại » trong cuộc nổi loạn của sinh viên, và cảnh tượng « con tàu say rượu » là trường Sorbonne bị chiếm. Ngày 1.6 Sorbonne bị triệt thoái : kết thúc tượng trưng của « tháng Năm 68 ».

* Bức tranh toàn cảnh của « momen 68 » ở châu Âu sẽ không đầy đủ nếu ta quên nhìn sang phía đông, sang vùng « Mitteleuropa » ngạt thở dưới sức đè của « chủ nghĩa xã hội hiện tồn ». Qua những cuộc xô xát tháng ba giữa sinh viên và công an ở Warszawa, người ta biết rằng Ba Lan có động thái. Nhưng người ta cũng hiểu rằng Ba Lan còn phải đợi thời cơ, 1980 và công đoàn Solidarnosc... « Momen 68 » của Trung Âu là Mùa Xuân Praha, bắt đầu ngay từ tháng giêng 1968, khi Alexander Dubček được cử làm bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Tiệp Khắc với nhiệm vụ tiến hành cải cách phóng khoáng đồng thời củng cố uy tín của đảng. Cương lĩnh của Dubček, « con đường Tiệp Khắc đi lên chủ nghĩa xã hội », được công bố vào tháng tư, sẽ đi vào lịch sử dưới cụm từ « chủ nghĩa xã hội mặt người ». Trong suốt mấy tháng, một ngọn gió tự do nổi lên khắp nước : bãi bỏ kiểm duyệt, tự do báo chí, tự do lập hội... Đó là « Momen 68 » của tất cả xã hội công dân Tiệp Khắc. Nhưng « lằn ranh đỏ » coi như đã bị vượt qua khi chế độ đa đảng được nêu lên cùng với việc công bố bản « Tuyên ngôn 2000 chữ » (ngày 27.6) trên tuần báo Literarni Noviny (cơ quan chính thức của Hội nhà văn) mang chữ kí của trí thức và các nhà thể thao, kêu gọi dân chúng tham gia các « uỷ ban công dân » nhằm đưa Tiệp Khắc ra khỏi « chế độ độc đảng » của ĐCS. Đêm 20 rạng ngày 21.8, sau nhiều lần cảnh cáo, liên quân các nước trong khối Warszawa đã xâm nhập Tiệp Khắc. Bất chấp sự đề kháng thụ động của dân chúng, công cuộc « bình thường hoá » bắt đầu, với êkip Gustav Husak mà nhiệm vụ là « củng cố chủ nghĩa xã hội ». Mùa Xuân Praha đã chính thức kết liễu. 

*

Tháng Năm 68

Bức tranh toàn cầu – không đầy đủ  – dầu sao cũng cho ta thấy rằng « momen 68 » tuy muôn hình vạn trạng trong tiến trình của nó, vẫn đóng khung trong hai biến cố cơ bản, vừa hiển nhiên, vừa sâu sắc : chiến tranh Việt Nammùa Xuân Praha. Cả hai đều tác động mạnh mẽ vào dòng chảy của lịch sử : chiến tranh Việt Nam đã làm biểu lộ tính phi nghĩa của « chủ nghĩa đế quốc Mĩ », và mùa Xuân Praha « chủ nghĩa xã hội hiện tồn ».

68 ĐẠI SỰ KÍ

 

05.01, Tiệp Khắc :  Alexander Dubček được cử làm bí thư thứ nhất ĐCS Tiệp Khắc. Báo hiệu Mùa Xuân Praha bắt đầu.

30.01, Việt Nam : tổng tiến công Tết Mậu Thân. Thất bại quân sự, nhưng thắng lợi chính trị, buộc tổng thống Johnson phải thương lượng.

01.03, Ý : sinh viên và công an đụng độ ở Roma, một trong những đỉnh điểm của « tháng Năm nhún nhường, bò sát » của Ý.

18.03, Ba Lan : ở Warszawa và Krakow, công nhân đình công, sinh viên biểu tình. Sang đầu tháng 4, phong trào này sẽ bị đàn áp.

22.03, Pháp : khoảng một trăm sinh viên Nanterre chiếm đóng tháp cao văn phòng trường và thành lập phong trào 22.3.

04.04, Hoa Kì : Martin Luther King bị ám sát tại Memphis.

11.04, Tây Đức : lãnh tụ sinh viên Rudi Dutschke bị ám sát ở Tây Berlin. Vụ này dấy lên phòng trào phản kháng ở Cộng hoà Liên bang Đức.

03.05, Pháp : sau khi đại học Nanterre bị đóng cửa, phong trào “22 tháng Ba” tràn xuống Sorbonne, mở đầu một chuỗi phản ứng dây chuyền dẫn tới “sự kiện tháng Năm 68” ở Pháp.

06.06, Hoa Kì : Robert Kennedy bị ám sát tại Los Angeles.

21.08, Tiệp Khắc : quân đội khối Warszawa chiếm đóng Tiệp Khắc, chôn vùi Mùa Xuân Praha.

02.10, Mexico : vài ngày trước Thế vận hội, quân đội và công an nã súng vào người biểu tình tại quảng trường Ba nền văn hoá, làm chết 300 người.

16.10, Mexico : trên bục sân vận động, Tommie Smith và John Carlos giơ cao nắm đấm trong khi nhạc cử quốc thiều Hoa Kì.

28.10, Nhật Bản : sinh viên phong trào Zengakuren phát động “ tấn công vào Tokyo ”, đối đầu với cảnh sát chống nổi dậy một cách quyết liệt trong suốt ba ngày.

05.11, Hoa Kì : Richard M. Nixon thắng cử tổng thống Mĩ.

24.12, Trăng : phi đoàn Apollo 8 bay một vòng quanh Mặt Trăng và trực tiếp “ chúc mừng Giáng Sinh ” cho mọi người trên Mặt Đất.

Còn bản thân « thời điểm 68 » thì sao ? Edgar Morin gọi nó là « biến cố - nhân sư », bí hiểm như con vật đầu người mình sư tử trong thần thoại. Sự kiện vô cùng phức tạp, có ý nghĩa toàn cầu này đã được vô số chuyên gia phân tích và bình giải, chúng tôi không có khả năng và tham vọng nối điêu. Vả lại, cứ mỗi lần kỉ niệm 20, 30 năm... người ta lại dùng « tư duy duy nhất » để « đọc lại » sự kiện 68, biến nó thành đối tượng đấu tranh chính trị và nhào nặn nó trong kí ức tập thể theo yêu cầu chính trị, thay vì lấy nó làm đối tượng nghiên cứu lịch sử và suy ngẫm triết học. Nhưng lần này, kỉ niệm 40 năm, không thể bỏ qua lời hô hào dõng dạc « thanh toán di sản của tháng Năm 68 » của Nicolas Sarkozy trong cuộc tranh cử tổng thống năm ngoái. Vậy ta hãy bàn về « thời điểm 68 này ». Trong thập niên đầu của thế kỉ 21, luận điểm thời thượng của các nhà bán rong tư tưởng là lên án. Phái hữu đã đành, và cả một bộ phận phái tả. Lên án cái gì ? Lên án một thế hệ « tự do quá trớn », « vô chính phủ chủ nghĩa » (« những nhà sáng lập báo chí [ám chỉ báo Libération], những nghĩa quân vỏn vẹn một tháng, những kẻ tà đạo mà phải đạo », lời của Max Gallo, từng làm phát ngôn nhân của chính quyền Mitterrand, nay ủng hộ Sarkozy), một thế hệ hư hỏng vì được quá nuông chiều (« những món tiền trợ cấp gia đình lớn nhất trong thế kỉ trước, những số tiền hưu bổng cao nhất trong thế kỉ này », lời J.-C. Buisson, trên nhật báo Le Figaro hay tuần báo Le Point), một thế hệ hãnh tiến (« đổi cuốn Sách Đỏ lấy cuốn Who’s Who đồ sộ cùng màu », lời Guimier & Charbonneau) vân vân và vân vân. Bên cạnh những thứ văn chương thoá mạ sặc mùi nôn oẹ ngậm giữ quá lâu trong bụng, phải kể đến nỗ lực giả lí luận, nhằm chứng minh « tháng Năm 68 » là cội nguồn của mọi căn bệnh thời đại. Nào là « sự hội tụ của không tưởng 68 về một thế giới không còn rào cản, với vũ trụ quan liberal cực đoan dựa trên mậu dịch trôi chảy theo đúng những quy luật của thị trường » (Jean Sévilla, báo Le Figaro), « sự hội ngộ lịch sử » giữa tình thần phê phán cực tả - vô chính phủ với chủ trương « cởi nới luật lệ theo hướng tự do chủ nghĩa » kiểu Mĩ mà biểu tượng là việc phái hữu Reagan lên cầm quyền (D.-R. Dufour), vân vân... Chính thứ văn chương lảm nhảm này đã được Nicolas Sarkozy đem ra xào nấu lại trong bài diễn văn tháng năm 2007 đọc tại hội trường Bercy, sau vòng đầu của cuộc bầu cử (lúc đó, coi như nắm chắc thắng lợi) : « Tháng Năm 68 đã để lại di sản là tinh thần xy-níc trong xã hội, trong sinh hoạt chính trị. Hãy nhìn xem các giá trị của Tháng Năm 68 đã thâm nhập thế nào trong sự tôn thờ Tiền Bạc như Vua, trong sự kiếm tìm lợi nhuận ngắn hạn, trong sự suy biến của chủ nghĩa tư bản tài chính. Không còn kỉ cương, không còn đạo lí, không còn tương kính, không còn quyền uy, vậy thì cá mè một lứa cả thôi, ai muốn làm gì thì làm ». Đó là công lao của Henri Guaino, « ngòi bút » của tổng thống (« cây bút chì tưởng mình là ngòi bút mực », theo lời những kẻ xấu miệng), mà các luận điểm đã được trình bày trong cuốn La Sottise des Modernes, xuất bản năm 2002. Tế nhị hơn thứ văn chương này một bậc, là luận đề theo đó « tư tưởng 5.68 » là sự tạp hôn giữa động lực phản kháng và những « lập thuyết » chủ đạo của những năm 75 (Deleuze, Guattari, Foucault...), mà một vài tác giả (Luc Ferry và Alain Renaut, 1985) muốn chứng minh bằng được rằng các triết lí ấy từ bỏ lí tưởng phổ quát chủ nghĩa, tóm lại là « phản – nhânbản ».

Sự thực, trên các chiến luỹ đắp bằng những hòn đá lót đường và bàn ghế tủ giường tháng Năm 68, chẳng có tư tưởng gì ráo trọi. Các khẩu hiệu nổi tiếng của phong trào tháng Năm 68 (« Dưới lớp đá lót đường, là bãi cát », « Cấm không được cấm », « Chạy nhanh lên nào, đồng chí ta ơi, sau lưng ta là Thế giới cũ mèm »...) đều phái sinh từ cảm hứng vô chính phủ, chống lại mọi tín điều. Phải đọc những bài phỏng vấn Cohn-Bendit năm 1968, anh ta tự nhận là « vô chính phủ chủ nghĩa, vì phủ nhận » (nghĩa là phủ nhận chủ nghĩa Marx-Lenin), và nói toạc là trong phong trào 22.3, chưa tới mười mống đã đọc Marcuse, « sẽ là một sai lầm căn bản nếu muốn tìm ra nhà tư tưởng nào gợi hứng hành động cho phong trào sinh viên Pháp ». Đằng sau ngôn từ cách mạng của phong trào tháng Năm 68, không nên tìm cái gì khác hơn là sự quật khởi của đời sống. Có người sẽ vặn lại rằng chính những giá trị tiềm ẩn trong chủ nghĩa cá nhân này là những giá trị « phản – nhânbản » cần phải được « thanh toán ». Tất nhiên, khẩu hiệu tiêu biểu « Sống không thời gian chết và tận hưởng không gông cùm » (Vivre sans temps mort et jouir sans entraves) có thể được hiểu là tuyên truyền cho một chủ nghĩa hưởng lạc vô trách nhiệm, và ngay từ đầu, những người công kích cũng đã dùng luận điểm này để coi phong trào 68 chỉ là cuộc nổi loạn giả tạo của một « bọn trẻ được nuông chiều quá mức, đòi có tất cả, ngay tức khắc ». Giải phóng mọi xung năng + thừa mứa hàng hoá, như thế thôi sao ? Nói như vậy là coi nhẹ sự tố cáo « xã hội tiêu thụ », một trong những chủ đề trung tâm của phong trào phản kháng. Ở trên, chúng tôi đã nói rằng tháng Năm 68 không nhận làm đồ đệ của nhà tư tưởng nào, song chúng tôi cũng nói qua tới Quốc tế tình thế chủ nghĩa (Internationale Situationniste, IS). IS không muốn làm người thầy tư tưởng cho ai cả, nhưng phải nói nó đã có ảnh hưởng ngầm, mà quyết định. Nếu phải « giảng cho Nicolas Sarkozy 68 là gì » (nhái tên cuốn sách của cha con Glucksmann), thì cần nhắc lại nhúm người lập thuyết của IS chung quanh Guy Debord và Raoul Vaneigem (tổng cộng không quá mười mống), tuy không phủ nhận hoạt động thực tiễn, vẫn đặt nó ở một cấp độ khác hơn là đấu tranh chính trị. Họ hoạt động như trường phái Đađa hay trường phái Siêu thực, tạo ra những « tình thế » khả dĩ bóc trần những cơ phận che giấu của xã hội hiện đại. Trước tháng Năm 68, IS chỉ « đột nhập » chủ yếu bằng văn bản, bằng « sự phê phán lí luận cuộc sống hằng ngày một cách xuất thần ». Tuyên ngôn của họ chỉ vỏn vẹn một tập sách mỏng và hai cuốn sách. Tập sách mỏng, in mấy ngàn cuốn, được UNEF (Liên hiệp quốc gia sinh viên Pháp) tán phát trong buổi lễ tựu trường long trọng tháng 11.1966 tại trường Đại học Strasbourg (nghi lễ của một « thời xa vắng », cơ hội lí tưởng để tạo ra một « tình thế »). Nhan đề tràng giang đại hải : « Bàn về sự khốn cùng của môi trường sinh viên xét về các khía cạnh kinh tế, chính trị, tâm lí, tính dục và nhất là trí tuệ, và về một vài phương tiện để chữa trị nó ». Dài thì dài, văn bản này đã được đọc, bình luận và tái bản ở nước ngoài, có lẽ vì đó là văn bản nền tảng không những về hoàn cảnh sinh viên, về cuộc khủng hoảng của nền đại học, mà còn là chứng từ về tính triệt để của tuổi trẻ, về phê phán « hàng hoá văn hoá ». Chính văn bản này đã hạ một câu « Sống không thời gian chết... » để kết thúc lời tuyên ngôn viễn cảm : « Cách mạng vô sản sẽ tới, như là những ngày hội, hoặc sẽ không xảy ra, bởi vì cuộc sống mà nó báo trước tự nó sẽ đặt dưới dấu hiệu của ngày hội ». Cách mạng hay không thì không biết, nhưng rõ ràng là dự báo « thời điểm 68 »... Năm 1967, « Về sự khốn cùng.... » được bổ sung bằng hai cuốn sách : « Khái luận về phép xử thế cho các thế hệ trẻ », kinh nhật tụng của chủ nghĩa cá nhân hiện đại, trong đó Raoul Vaneigem đả kích xã hội tiêu thụ và những hình tượng của nó, không phải vì xã hội tiêu thụ mang lại cho chủ nghĩa tư bản một hơi thở mới, mà vì « sự toàn thắng của đồ vật sẽ hút kiệt máu con người » ; « Xã hội trình diễn », trong đó Guy Debord trình bày ý tưởng cải biến hàng hoá thành (sân khấu) biểu diễn, thông qua sự « vật hoá của cá nhân ». Có thể liên hệ sự phê phán của chủ nghĩa tình thế đối với « sự dối trá về cuộc sống » và phân tích của Jean Baudrillard về « Hệ thống đồ vật » (1968, trước tháng 5), lập thuyết về xã hội tiêu thụ, một hệ thống trong đó đồ vật là những món hàng được trao đổi không trên cơ sở sự ích dụng của chúng, mà trên cơ sở giá trị kí hiệu của chúng, theo quy luật « standing » (sự « sang xịn »). Muốn thấy một ví dụ, cứ nhìn cách ăn mặc của tổng Sarko, với những bộ quần áo Armani, đồng hồ đeo tay Rolex, kính râm Ray Ban..., thiết bị đầy đủ của giới « bling bling ».

Chủ nghĩa hưởng lạc tiêu thụ như vậy không nằm trong gien di truyền của phong trào tháng Năm 68. Song sự đột nhập của chủ nghĩa cá nhân triệt để vào đời sống dân chủ rõ ràng đã dẫn tới một đòi hỏi mới, kéo theo cuộc khủng hoảng về quyền uy. Mọi chẩn đoán đều gặp nhau ở điểm này : Tháng Năm 68 là một phong trào phản – quyền-uy trên mọi phương diện, nó phản đối tất cả những gì là tôn ti và quan hệ quyền uy ở khắp mọi nơi mọi cấp. Guaino và đồng bọn nhìn thấy ở đó « sự sụp đổ của gia đình, sự suy yếu của Nhà nước, sự tan rã của mối liên hệ xã hội, sự buông thả trong lao động ». Không thể bác bỏ 100 % điều này, vì rõ ràng đã xảy ra những điều thái quá : ca ngợi tuổi trẻ như một giá trị tự nó khác nào biến sự non nớt thành giá trị vĩnh hằng ; chỉ nhìn thấy quan hệ thống trị trong mối tương quan thầy-trò là phủ nhận sự học tập trong tích luỹ tri thức, giai đoạn không thể bỏ qua trong mọi tiến bộ của nhân loại ; coi mọi chuẩn tắc giáo dục là võ đoán, khác nào bứng đi những cột mốc, những điểm quy chiếu đối với trẻ thơ, xếp các cô cậu tí hon ngang hàng với « bồ bố » và « bồ mẹ » (thời đó có một cuốn sách rất thịnh hành, nghĩ lại mà rùng minh, « Những trẻ em tự do ở Summerhill », không biết các « em » ngày nay đã trở thành thứ người gì)... Song đó chỉ là những sự quá trớn, không thể ngăn cấm chúng ta đặt câu hỏi thực chất : « Quyền uy phải chăng là một giá trị tự nó bởi vì nó ngự trị đâu đó ở trên đầu mọi người, hay nó phải chứng minh nó là quyền uy ? » (Joschka Fischer, đd). Trước đó, có một câu hỏi cổ điển về triết lí chính trị : quyền lực thuộc về ai, quyền lực có thể sử dụng như thế nào ? Ít nhất từ thời Khai Minh, đã có câu trả lời dân chủ : quyền lực thuộc về những người chịu sự tác động của quyền lực, chứ không thuộc về một quyền năng siêu phàm nào. Có lẽ cũng nên chép lại toàn văn câu trả lời của Alain Renaut (được xếp là người chống lại « tư tưởng 68 », xin nhắc lại) đối đáp diễn văn Bercy của Guaino viết cho Sarkozy : « Sự tàn rữa của quyền uy là kết quả động lực phát triển của các xã hội dân chủ, là những xã hội xây dựng trên nền tảng các giá trị bình đẳng và tự do. Ngay từ năm 1954, nhà triết học Hannah Arendt, khi bà định nghĩa rất chính xác quyền uy là một thứ « siêu quyền lực » dựa trên tính siêu việt cho phép vượt qua những ý chí riêng biệt, đã đi tới kết luận là trong các xã hội dân chủ hiện đại, không thể tồn tại quyền uy nữa, bởi vì trong các xã hội dân chủ, mỗi con người là đồng loại và bình đẳng với mọi con người. Không gian của sự tranh luận dân chủ triệt tiêu mọi dị biệt về giá trị, thủ tiêu nền tảng của quyền uy là sự thừa nhận tính ưu việt [của một cá nhân đối với cá nhân khác]. [Xem chừng phải] phát cuồng mới nghĩ tới việc « thanh toán tháng Năm 68 ». Chẳng lẽ, như thế, phải thanh toán cả chủ nghĩa cá nhân dân chủ, là điều mà tôi tưởng rằng tất cả chúng ta – ngoại trừ những người cực đoan – đều tuân thủ ? Và thanh toán luôn cả cái điều, cách đây hơn hai thế kỉ, đã khiến chúng ta chọn tự do và bình đẳng thay vì tôn ti đẳng cấp ? Xét cho cùng, những cơn hoài cổ này chỉ có nghĩa rằng cuộc cách mạng bình đẳng – mà 68 chỉ nói lên đòi hỏi một cách tha thiết nhất – chủ yếu vẫn ở trước mặt chúng ta [chứ không phải đã làm xong rồi] ».

Bốn mươi năm sau, giấc mơ không tưởng của 68 dường như đã bị vô hiệu hoá. Chỉ cần điểm lại những đề tài của chủ nghĩa tình thế : xã hội tiêu thụ đã trở thành nền văn minh hàng hoá trong đó chủ nghĩa hưởng thụ đưa đẩy những ẩn ức lên cực độ, các khẩu hiệu của tháng Năm 68 bị những hãng quảng cáo đánh tráo ngôn từ ; cuộc sống bần cùng (nhất là về tinh thần) được đề cao như một giá trị đạo lí, còn nhân dân (people) thì sống « uỷ thác » vào cuộc sống của các nhân vật tiếng tăm trên báo đài, của những « pi-pơn » (« people ») ; lao động trở thành hai lần tha hoá : tha hoá vì khan hiếm – lương bổng bao nhiêu cũng phải cắn răng mà chịu, miễn là có công ăn việc làm – và tha hoá vì sự phi lí của nó – tin học và những sản phẩm phái sinh trở thành xiềng xích buộc chặt người làm công vào chỗ làm của mình, chẳng khác gì người công nhân không chuyên nghiệp trong quá khứ bị trói chặt vào dây chuyền lắp ráp ; một xã hội trong đó, để kiếm sống, người ta phải quên cả sống, sự lừa bịp được đưa lên đỉnh điểm khi người ta lẫn lộn sống còn, sống lây lấtsống... Tuy nhiên, di sản của « thời điểm 68 » vẫn còn đó, từng giây từng phút vẫn truyền máu vào cuộc sống của xã hội, vào đời sống công dân ; và nếu người ta không nhận thức được, chỉ vì cuộc hoá thân đã diễn ra âm ỉ ở chiều sâu, và vẫn chưa hoàn tất. Chỉ nhìn thoáng về quá khứ cũng đủ để đo lường được những tiến bộ đã giành được : những đảo lộn trong phong tục tập quán, những bước tiến trong cuộc đấu tranh đòi nữ quyền, công cuộc dân chủ hoá nền đại học, sự khai phóng ngôn luận (tập thể và cá thể), sự giải thoát khu vực nghe nhìn khỏi sự chế ngự của Nhà nước (cho dù đôi khi thoát ra lại tồi tệ hơn), sự cật vấn đối với các định chế, phong trào chính trị bảo vệ môi trường, các quyền con người... (đây chỉ là một danh sách chưa đầy đủ và hoàn chỉnh). Cho nên, cùng với A. Renaut, ta có thể nói rằng « tháng Năm 68 không phải là một phong trào chính trị đã thất bại, mà là một phong trào văn hoá đã thành công ».

NGUYỄN QUANG

(bản dịch của Kiến Văn)

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us