Bạn đang ở: Trang chủ / Thế giới / Thư từ Mỹ

Thư từ Mỹ

- Tiểu Hằng Ngôn — published 22/09/2008 00:03, cập nhật lần cuối 22/09/2008 00:19
Obama - McCain, ai sẽ là tổng thống tới của Mỹ? Phân tích của Tiểu Hằng Ngôn một tháng rưỡi trước cuộc bầu cử.

Thư từ Mỹ 

Obama vs McCain


Tiểu Hằng Ngôn


Tháng 9, 2008

Bạn quý mến,


Thế là, trừ khi có biến chuyển hoàn toàn bất ngờ, hai liên danh tranh cử tổng thống Mỹ ngày 4 tháng 11 này sẽ là Barack Obama – Joseph Biden (đảng Dân Chủ) và John McCain – Sarah Palin (đảng Cộng Hòa). Nghị sĩ Obama và McCain đã đến vị trí này bằng hai con đường khá khác nhau. McCain thì từ tháng 4/2008 đã không còn đối thủ nào đáng kể. Đúng ra, cho đến đầu năm 2008 thì dư luận đều cho là cuộc đời chính trị của McCain đã đến đoạn kết vì ông hết tiền, mà lại có vẻ lè phè, không biết tổ chức tranh cử. Nhưng rồi, nhờ những lỗi lầm nặng nề trong chiến lược tranh cử của các ứng cử viên khác (như cựu thống đốc Mitt Romney, cựu thị trưởng Rudy Giuliani, cựu thống đốc Mike Huckabee...), cũng như sự kém cỏi về cá tính của họ (theo nhận định của cử tri), McCain trở thành người sống sót cuối cùng và mặc nhiên là ứng cử viên chính thức của đảng này từ tháng 4/2008, như đã nói.

Khác hẳn con đường của McCain, con đường của Barack Obama đi đến chỗ được đảng Dân Chủ chính thức để cử là khá “trầy da tróc vảy”, mà nguyên nhân chính là bà Hillary Clinton. Trong giai đoạn bầu cử sơ bộ, tuy bà đã bị “xiểng liểng”” ngay từ đầu song thỉnh thoảng cũng thắng ở vài bang quan trọng, và ngày càng quyết liệt chỉ trích Barack Obama (tất nhiên, sau này, phe McCain khoái chí dùng lời của bà để hạ Obama). Mãi đến tháng 6 thì bà Clinton mới chịu đầu hàng, rút lui khỏi cuộc chạy đua. Dù vậy, cuộc tranh đua Obama-Clinton (dù chưa đến độ “tỉ đệ tương tàn”) vẫn để lại một dư vị không mấy ngọt ngào trong nội bộ đảng Dân Chủ, nhất là về phe bà Clinton. Tuy rằng bà đã (ngoài mặt) tuyên bố ủng hộ Obama hết mình song khó biết hậu quả của sự chia rẽ này trong cuộc bầu cử năm nay. Liệu những người ủng hộ “đến chết” của bà Clinton có sẽ bỏ phiếu cho Obama?

Thoạt nhìn, hầu như ai cũng nghĩ là năm nay Nhà Trắng sẽ lọt vào tay đảng Dân Chủ. Điểm lại “thành tích” của chính phủ Bush lẫn đảng Cộng Hòa nói chung, hay là xét về hầu hết vấn đề khác, từ kinh tế, ngoại giao, môi trường, đến chiến tranh Iraq, thì đa số dân Mỹ đều thiên về đảng Dân Chủ. Hơn nữa, về cá nhân, McCain đã khá “trọng tuổi” (72). Nếu đắc cử, ông sẽ là người nhiều tuổi nhất khi bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống trong lịch sử nước Mỹ (Reagan già hơn, nhưng đó là vào nhiệm kỳ thứ hai của ông ta). Song, có lẽ cái gánh “nặng” nhất cho McCain chính là “thành tích” của Bush (và đảng Cộng hòa) trong gần 8 năm qua.

Nhưng... nhưng... theo những cuộc thăm dò ý kiến vào đầu tháng 9 thì McCain là ngang ngửa với Obama trong cuộc đua vào Nhà Trắng, thậm chí một số kết quả cho là McCain đang dẫn đầu. Tại sao McCain lại hấp dẫn như vậy với không ít dân Mỹ?


Thứ nhất là, trong mắt của hầu hết người Mỹ, McCain có một quá khứ “anh hùng” (hơn 5 năm là tù binh ở “Hanoi Hilton”). Thứ hai là (cho mãi đến gần đây) ông được tiếng là thẳng thắn, bộc trực, và có tính độc lập (maverick), không theo bầy đàn. Và thứ ba, ông rất “chịu chơi” với giới báo chí. Hầu hết ký giả đều thích ông, nhất là sau cuộc tranh cử năm 2000 mà ông được tiếng là người nói thẳng, nói thật (và nói chẳng ngừng!). Cũng không nên coi thường sự “khôn ngoan” đảng Cộng Hòa (hoặc, nói khác hơn, “tài phán đoán” của không ít người Mỹ), nhất là khi đảng này có những quân sư cực kỳ “quỷ quyệt” như Karl Rove (mà đồ đệ, Steve Schmidt, hiện là cố vấn số một của McCain).

Song, hầu như không ai ngờ là ứng cử viên gây nhiều sóng gió nhất, đem lại nhiều ngạc nhiên nhất cho cuộc bầu cử năm nay lại là bà Sarah Palin (thống đốc bang Alaska), một người mà gần như không ai (ngoài Alaska) biết trước khi McCain chọn bà đứng chung liên danh, trong vai phó tổng thống, chỉ ba hôm trước ngày đại hội toàn quốc của Đảng Cộng Hòa khai mạc. Yếu tố quan trọng nhất là bà làm những người cực hữu (nhất là phe truyền giáo “evangelical”, trước đây không mấy “mặn nồng” với McCain) vô cùng phấn chấn. Nó cũng đánh thức sự “bất mãn” của dân Mỹ, phần nào do thái độ “phản trí thức” (“nghi ngờ” những người có bằng cấp cao) của khối dân mà báo chí gần đây “tế nhị” gọi là những người “kém thông tin” (low information): cư dân ở thành phố nhỏ, nông thôn, những người không tốt nghiệp đại học, những “lao động cổ xanh”, những người cao tuổi... nói chung là những người ít theo dõi thời sự. Đáng lo hơn cho phe Obama là, theo vài cuộc thăm dò, bà Palin (có đứa con năm tháng tuổi bị hội chứng Down, và nhiều vấn đề gia đình khác, mà đàn bà Mỹ rất có sự “đồng cảm”) đã thu hút đông đảo phụ nữ Mỹ da trắng, khối cử tri mà trước đây Obama được đa số ủng hộ.

Nhược điểm của Obama chẳng những ông là (lai) da đen (theo một cuộc thăm dò thì có đến ít nhất 6% dân Mỹ sẽ không bao giờ bỏ phiếu cho người da màu), chỉ mới nổi lên trong chính trường quốc gia khoảng 5, 6 năm nay (do đó bị coi là thiếu kinh nghiệm), nhưng còn vì thời niên thiếu của ông khá “khác thường” đối với đại đa số người Mỹ (ông theo mẹ sống nhiều năm ở nước ngoài, vv). Đó là không nói đến những “đòn hiểm” của kẻ thù chính trị của ông (kể cả phe bà Clinton, trong giai đoạn bầu cử sơ bộ của đảng Dân Chủ), như tung tin đồn (hoàn toàn thất thiệt) rằng ông là tín đồ kín của đạo Muslim, rằng ông không thật sự “yêu nước Mỹ” v.v . Thế nên, dù được đại đa số dân trí thức, những người “phóng khoáng” nhiệt tình ủng hộ, Barack Obama vẫn rất khó khăn “bắt tay” được với đa số dân cư ở các bang như Pennsylvania, Ohio, West Virginia, Tennessee, Arkansas... là những nơi mà trong vòng bầu cử sơ bộ của đảng Dân Chủ ông đã bị bà Clinton đè bẹp. Liệu những người này có sẽ bỏ phiếu vì quyền lợi kinh tế của họ (thì Obama sẽ thắng) hoặc vì những “giá trị văn hóa” (mà liên danh McCain-Palin có thể khai thác) mà Obama yếu hơn? Đó là một câu hỏi khó trả lời vào thời điểm này.

Một biến số nữa là tài tổ chức của Barack Obama, nhất là khả năng huy động các ủng hộ viên “trẻ” của ông đi bỏ phiếu. Còn nhớ, năm 2004, John Kerry cũng đã đặt niềm tin vào những cử tri này, nhưng khi đến ngày bầu cử thì, chứng nào tật nấy, họ cũng không kém ... lười đi bỏ phiếu bao nhiêu, so với quá khứ. Ngược lại, những cử tri “có tuổi”, bảo thủ, “thành phần chủ lực” của đảng Cộng Hòa thì lại là khối dân có tỷ lệ đi bầu cao nhất. Liệu tình trạng này có sẽ tái diễn năm nay?

Một điều oái oăm nữa là vì Barack Obama quá hùng biện, đảng Cộng Hòa thường mỉa mai: “Chỉ nói là giỏi!”. Hơn nữa, chính vì ông nói quá hay nên diễn văn nào của ông cũng bị (báo chí) đón chờ như sắp lại được thưởng thức một “kiệt tác”, rồi mỗi lần ông nói “như người thường” thì họ lầm bầm thất vọng! Ngược lại, báo chí Mỹ đánh giá Palin quá thấp (như trước khi bà đọc diễn văn ở đại hội đảng Cộng hòa, ai cũng tiên đoán rằng bà sẽ ấp úng, phơi trần trình độ kém cỏi của bà), rồi khi bà ta vượt hơn cái “sàn” này một tí thôi thì cũng các phương tiện truyền thông này đua nhau “xuýt xoa” về khả năng của bà, đưa uy tín của Palin lên cao hơn! Tôi e rằng việc này sẽ xảy ra khi bà “đấu khẩu” với nghị sĩ Biden tháng tới.


Khi tôi sắp viết xong thư này thì đa số các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy Obama đang vượt McCain trở lại (với những con số gần giống như trước khi đại hội của hai đảng). Có hai lý do: (1) Cái “mới” của bà Sarah Palin dần dần phai nhạt, đồng thời sự “trống không” trong kiến thức của bà, cũng như những lời phát biểu rõ ràng là “không thật” của bà, khiến ngày càng nhiều cử tri “tỉnh ngộ”. (2) “Trận sóng thần” tài chính đang ào lên nước Mỹ, và có cơ lan rộng toàn cầu. Trong quá khứ, đảng Dân Chủ bao giờ cũng “mạnh” hơn đảng Cộng Hòa về mặt kinh tế, nhất là, như chính McCain thú nhận, ông “không rành về kinh tế cho lắm”. Xin hẹn bạn thư sau sẽ viết về cuộc “khủng hoảng” này – đúng là một mớ “bòng bong”.


Quý mến,


Tiểu Hằng Ngôn

Dayton
21/9/2008


(*) vs : viết tắt của từ tiếng Anh "versus", nghĩa là "đấu với"

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us