Thư từ Mỹ, tháng 1-2009
Thử đoán chính sách kinh tế của Barack Obama
Tiểu Hằng Ngôn
Bạn quý mến,
Cho đến khi Barack Obama nhậm chức tổng thống Mỹ vào ngày 20-1-2009 thì khó có ai hoàn toàn biết được chính sách của chính phủ của ông sẽ ra sao, phần lớn là vì chính sách này sẽ tùy vào tình hình kinh tế trong những tháng sắp tới. (Tình hình này có vẻ ngày càng trầm trọng, thí dụ như “vụ ô tô” đột nhiên “bùng nổ” sau khi ông đã đắc cử, và mới đây, sau lễ Giáng sinh thì đến lượt các công ty bán lẻ than lỗ, rục rịch yêu cầu nhà nước giải cứu.) Hơn nữa, chắc chắn là chính sách này sẽ có nhiều lần điều chỉnh trong 4 (hoặc 8) năm nhiệm kỳ của ông. Vì thế, tôi nghĩ, tiên đoán chi tiết những gì ông sẽ làm là thiếu căn cứ. Điều có thể làm được lúc này là thử đoán vài trọng điểm của chính sách ấy, dựa trên những phát biểu của ông khi tranh cử, danh tính những cố vấn thân cận của ông (nên nhớ rằng Obama có hàng trăm “cố vấn”, phát biểu của những người này không nhất thiết là quan điểm của Obama, thậm chí đôi lúc đối chọi nhau – giới ký giả Mỹ có câu “người biết thì không nói, người nói thì không biết!”), và những người mà ông bổ nhiệm sau khi đắc cử.
(1) Ưu tiên số một : công ăn việc làm.
Điều này ông đã lặp đi lặp lại nhiều lần nên không cần đoán. Nó vừa là đối sách khẩn cấp cho khủng hoảng kinh tế Mỹ, vừa phản ảnh một “triết lý” thường gắn liền với đảng Dân Chủ (đảng Cộng Hòa, trái lại, thường đứng về phe doanh nhân, coi việc chống lạm phát là ưu tiên hơn). Obama đã công khai tuyên bố là sẵn sàng chi tiền (có thể đến ngàn tỉ đô la!) để tạo công ăn việc làm cho dân chúng (bài học rút ra từ kinh tế học Keynes). Tuy nhiên cũng nên để ý là về mặt này ông không phải là “nô lệ” của các công đoàn (như đảng Dân Chủ thường bị cáo buộc, và nếu Hillary Clinton mà là tổng thống thì có thể bà sẽ chịu nhiều ảnh hưởng của công đoàn hơn). Vì Obama không “mang ơn” các công đoàn khi tranh cử (so với truyền thống của đảng Dân Chủ, thường nhờ sự ủng hộ của công đoàn về mặt tổ chức cũng như về tiền bạc), ông ít bị ràng buộc hơn.
Liên hệ, vì công ăn việc làm (nhất là của công nhân) là ưu tiên số một của Obama, ông sẽ để ý nhiều hơn đến ảnh hưởng của chính sách thương mại đối ngoại của Mỹ đối với việc làm cho dân Mỹ. Trong thời kỳ tranh cử, ông đã đòi “xét lại” NAFTA (Hiệp định Tự do Thương mại Bắc Mỹ) và chống lại CAFTA (Hiệp định Tự do Thương mại Trung Mỹ), nhưng tôi nghĩ là lập trường của Obama trong các vấn đề này không phải là cứng nhắc (Austan Goolsbee, một cố vấn thân cận của ông, đã “rỉ tai” chính phủ Canada “Chớ lo, Obama thực sự sẽ không “bảo hộ” như ông ấy nói lúc tranh cử đâu!”). Obama cũng thường viện cớ bảo đảm quyền lợi cho lao động các nước khác, nhất là các quốc gia kém phát triển, để “xét lại” các hiệp định tự do hóa thương mại có hại cho họ (như CAFTA).
(2) Độc lập năng lượng.
Từ khi có cuộc khủng hoảng năng lượng những năm 1970 đến nay thì nhà lãnh đạo Mỹ nào cũng tuyên bố là rất quan ngại việc Mỹ quá lệ thuộc vào dầu hỏa nhập khẩu. Tuy nhiên, đối sách của đảng Cộng Hòa và đảng Dân Chủ rất khác nhau. Đảng Cộng Hòa thì chú trọng đến việc tìm thêm dầu hỏa trong nội địa (gồm cả duyên hải) nước Mỹ, còn đảng Dân Chủ thì thường hô hào những giải pháp khác, trong đó có việc tìm những nguồn năng lượng thay thế dầu, cũng như giảm số cầu bằng cách tăng thuế xăng, hoặc bắt buộc các công ty ô tô sản xuất ô tô xài ít xăng hơn. Ông Barack Obama cũng hô hào những biện pháp truyền thống này của đảng Dân Chủ, nhưng (ngoài vấn đề an ninh cho nước Mỹ) ông còn có hai lá bài mới: Thứ nhất, phải giảm tiêu thụ năng lượng để đối phó với thảm họa biến đổi khí hậu, và thứ hai, các công ty ô tô Mỹ phải cam kết sản xuất xe xài ít xăng hơn, nếu họ muốn chính phủ “giải cứu” họ khỏi những khó khăn tài chính trầm trọng hiện nay.
(3) Thị trường cần điều tiết,
nhưng điều tiết ấy dựa vào chính những đòn bẩy thị trường (thay vì áp đặt những “chuẩn” cứng nhắc). Như hầu hết chính trị gia Mỹ, Obama tôn vinh chế độ thị trường. Tuy nhiên, như những người cấp tiến, ông ý thức những bất toàn của thị trường. Về trách nhiệm của nhà nước đối với thị trường, Obama không đi ngoài lý thuyết kinh tế “chuẩn”, đó là thị trường là chính, tuy nhiên lý thuyết chuẩn này cũng cung cấp những cơ sở lý luận cần thiết để chính phủ can thiệp... Hãy lấy vấn đề chống ô nhiễm môi trường làm ví dụ. Biện pháp của Obama là áp đặt một chuẩn cho chung các chất thải (không riêng cho từng công nghiệp hay từng công ty) nhưng cho phép các công ty buôn bán với nhau những giấy phép thải ô nhiễm, nghĩa là dùng cơ chế thị trường để gián tiếp giảm ô nhiễm. Một thử thách cho Obama sẽ là làm cách nào để điều tiết thị trường tài chính (kể cả bảo hiểm, ngân hàng) là một thị trường mà ai cũng thấy là vì “tự do quá trớn” trong những năm gần đây, đã đẩy Mỹ (và cả thế giới) đến bờ vực thẳm tài chính. Đáng lo là kinh tế học hiện nay chưa có một lý thuyết nào rõ ràng về cách điều tiết thị trường này.
Liên hệ đến những “thất bại” của thị trường là vai trò của nhà nước trong việc cung cấp các loại “hàng hóa công” (mà thị trường không cung cấp được). Obama hình như ý thức rõ việc này và lợi dụng sự suy thoái kinh tế hiện nay để hô hào chính phủ chi tiêu kích cầu (và tạo công ăn việc làm) trong các lãnh vực hạ tầng cơ sở, giáo dục, và công nghệ thông tin.
(4) Công bằng về “phân phối tài sản”.
Trong số các ứng viên tổng thống trong cuộc bầu cử vừa qua thì Obama có lẽ là người nói nhiều nhất đến mong ước thực hiện sự “công bằng” giữa người có thu nhập cao và đại đa số trung lưu của Mỹ. (Ứng viên John Edwards (nguyên thượng nghị sĩ) thì “hăng máu” hơn, song đa số dân Mỹ không hứng thú lắm với ngôn từ “đấu tranh giai cấp” của Edwards.) Thực vậy, quan tâm đặc biệt đến giới trung lưu là một tiêu điểm trong chiêu bài tranh cử của Obama (ông thường nhạo báng McCain là không bao giờ nói đến chữ “trung lưu”). Ngược lại, McCain chỉ trích Obama về ý định “tái phân phối tài sản” của Obama mà McCain cáo buộc là “xã hội chủ nghĩa”. Quan tâm này sẽ phản ảnh trong đề nghị cải tổ thuế của Obama.
(5) Tự do chọn lựa của người tiêu dùng.
Đây là một mệnh đề căn bản của kinh tế học tân cổ điển. Biểu hiện rõ nhất của nó là trong đề nghị cải cách chế độ bảo hiểm y tế của Mỹ mà Obama đưa ra. Một trong những vấn đề bức xúc nhất của nước Mỹ là số người không có bảo hiểm y tế rất đông (16% tổng số dân năm 2005, và tiếp tục tăng). Trái với đảng Cộng Hòa (luôn cho rằng “thị trường” có thể “giải quyết” bất cứ việc gì), và cũng khác Hillary Clinton, muốn “bắt buộc” mọi người tham gia vào hệ thống bảo hiểm y tế (cái lợi cùa đề nghị này là ai cũng sẽ được bảo hiểm, cái bất lợi là hạn chế chọn lựa của mỗi người), chủ trương của Obama là hạ thấp tiền bảo hiểm để đại đa số có thể tham gia, nhưng sau đó thì mỗi người vẫn có quyền chọn lựa những điều khoản khác.
Tóm lại, có phần chắc là chính sách của Obama sẽ rất khác chính sách của Bush (và đảng Cộng Hòa), nói chung ở chỗ nó không tin vào “thị trường” một cách cực đoan, nhưng cũng không là một chính sách hoàn toàn mới lạ trong lịch sử nước Mỹ. Nhìn theo quan điểm kinh tế học hiện đại, có thể mô tả nó như một chính sách “trung dung”’ (và vì thế những người thiên tả đã bắt đầu hơi thất vọng với Obama!). Đại thể nó vẫn theo lập trường thường thấy của đảng Dân Chủ (cụ thể: nhà nước can thiệp nhiều hơn vào nền kinh tế, ưu tiên là tạo công ăn việc làm cho dân chúng, tương đối bảo hộ kinh tế... ), tuy nhiên “phiên bản” của Obama có thể mạnh hơn về liều độ, do nhu cầu tình thế hiện nay. Song, theo tôi, “tư duy Obama” tương đối nhất quán, có cơ sở trong kinh tế học hiện đại, không quá nặng tính “cơ hội chính trị” . Nhìn từ quan điểm hàn lâm, chính sách của Obama là rất gần Keynes (đúng ra là Keynes và tân cổ điển), so với chính sách của Bush (là hầu như trở ngược lại thời kỳ “tiền Keynes”). Nói theo tiếng lóng của dân trong nghề, Obama có vẻ trở về với nền “kinh tế học nước mặn” (tức là thứ kinh tế học tập trung ở các trường đại học gần bờ biển của Mỹ như Harvard, MIT, Yale, Berkeley... ) thay vì “kinh tế học nước ngọt” (tức là kinh tế học sâu trong nội địa Mỹ, mà “thành lũy” là đại học Chicago).
Tất nhiên, Barack Obama có làm được những gì ông muốn hay không thì còn tùy vào nhiều yếu tố khác. (Chính ông cũng nhìn nhận “90% quyết định của một tổng thống là để đối phó với việc đang xảy ra, chỉ 10% là do kế hoạch định trước.”). Quan trọng nhất là quốc hội, với 535 thành viên (tổng cộng thượng viện và hạ viện), mỗi người một ý. Một dấu hiệu tốt là Obama có vẻ chú ý đặc biệt đến khâu thực thi, đến việc làm sao để các đề nghị của ông được quốc hội chấp thuận. Hai nhân vật chủ chốt mà Obama đã bổ nhiệm là Rahm Emanuel và Tom Daschle là những người dày kinh nghiệm với quốc hội. Ông cũng vận động để dân biểu Henry Waxman thay thế dân biểu John Dingell làm chủ tịch một tiểu ban then chốt ở hạ viện – tuy cùng đảng Dân chủ nhưng Waxman khôn khéo và năng động hơn Dingell -- và “tha thứ” nghị sĩ (phản đảng!) Joe Lieberman vì nghĩ chắc là sẽ cần phiếu của ông này. Về thương mại đối ngoại, sự có mặt của Rahm Emanuel cũng là một dấu hiệu tốt vì chính ông này đã phụ trách việc “đẩy” NAFTA qua quốc hội Mỹ vào thời Clinton. Tân bộ trưởng tài chính Timothy Geithner cũng có nhiều kinh nghiệm quốc tế (ông từng là một viên chức cao cấp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế), nhất là về các vấn đề châu Á.
Một điều cần để ý là khi thật sự nhậm chức, Obama phải lập tức đương đầu với những khó khăn ngắn hạn vô cùng trầm trọng. Những giải pháp “chữa cháy” cấp thời này chẳng những sẽ buộc ông hoãn lại các biện pháp đối phó các vấn đề dài hạn (như năng lượng, khí hậu) chúng còn có thể tăng thêm trở ngại cho những dự án dài hạn của ông (ví dụ thâm hụt ngân quỹ sẽ trầm trọng hơn, không cho phép Obama thực thi những cải cách về thuế má, hoặc chi tiêu cho giáo dục, cơ sở hạ tầng, v.v). Rộng ra hơn nữa, ông sẽ đối diện với một “thể chế” kinh tế Mỹ (nhà nước có quyền quản lý nhiều công ty) phức tạp hơn, và có những đặc tính (kể cả cơ hội) khó tiên đoán.
Tất nhiên, khi cầm quyền, Obama sẽ phải nghe nhiều đề nghị tương khắc (ngay trong nội bộ đảng Dân Chủ) cũng như bị sức ép từ những nhóm quyền lợi khác nhau. Người ta cũng quan ngại rằng, dù là người thông minh, trí thức, có óc phán đoán, Barack Obama hầu như không có một kinh nghiệm nào trên bình diện thương thuyết quốc tế. Do đó, quyết định của Obama về mặt này có lẽ sẽ tùy thuộc rất lớn vào ê-kíp thương mại – lao động của ông. Ba người mà ông đã bổ nhiệm (Bill Richardson cho Bộ Thương Mại, bà Hilda Solis cho Bộ Lao Động, và ông Ron Kirk làm đại điện Mỹ trong các thương thuyết thương mại quốc tế) lại có những quan điểm rất khác nhau: Ron Kirk thì thiên về tự do thương mại, Hilda Solis thì cực lực bảo vệ quyền lợi công đoàn Mỹ, còn Bill Richardson thì hầu như trung dung (nhưng có nhiều kinh nghiệm thương thuyết, vì nguyên là đại sứ Mỹ ở Liên Hợp Quốc thời Clinton).
Đến nay thì có thể xem như ê-kíp kinh tế của Barack Obama đã được sắp xếp xong: Hai người chủ chốt là Timothy Geithner (Bộ trưởng Tài Chính), Larry Summers (Trưởng Hội Đồng Kinh Tế Quốc Gia), thấp hơn đó một chút là bà Christina Romer (Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế -- nhiệm sở cũ của Joe Stiglitz thời Clinton). Về hai cố vấn trẻ của Obama trong chiến dịch tranh cử thì Austan Goolsbee (39 tuổi, giáo sư Đại học Chicago) được điều về làm phụ tá cho Summers, còn Jason Furman (38 tuổi, đệ tử của Stiglitz) sẽ về dưới trướng bà Romer. Trong giới kinh tế, Goolsbee và Furman tuy không nổi tiếng bằng Summers, Stiglitz hay Krugman, những cũng được đánh giá là nhiều khả năng, không giáo điều (tuy không “phóng khoáng” như Stiglitz hay Krugman). Có điều là, với bộ tham mưu kinh tế quá nhiều “siêu sao” này của Obama (và có ít nhất là 5 cơ quan: Bộ Tài Chính của Tim Geithner, Hội đồng Kinh tế Quốc Gia của Larry Summers, Hội Đồng Cố Vấn Kinh Tế của Christy Romers, Ủy Ban Hồi Phục Kinh tế của Paul Volcker, và Cục Quản Lý và Ngân Sách của Peter Orszag) nhúng tay vào “làm chính sách”, có người lo ngại là sẽ nảy sinh hội chứng “nhiều thầy thối ma”.
Tương lai sẽ ra sao thì chỉ tương lai mới có thể trả lời!
Tiểu Hằng Ngôn
4-1-2009
Các thao tác trên Tài liệu