Bạn đang ở: Trang chủ / Thế giới / Tôi là Bardo, tôi là Sanaa

Tôi là Bardo, tôi là Sanaa

- Hoà Vân — published 24/03/2015 00:33, cập nhật lần cuối 24/03/2015 00:33
Trở lại hai cuộc thảm sát tuần qua ở Tunisia và Yemen


Tôi là Bardo, tôi là Sanaa


Hoà Vân


Tuần vừa qua là một tuần lễ đen cho thế giới và trước hết là cho những người Hồi giáo.

Hôm thứ tư 18.3 , một bọn khủng bố đã tấn công bảo tàng Bardo ở thủ đô Tunis, dùng tiểu liên kalachnikov bắn xối xả vào khách thăm bảo tàng, làm 21 người chết, trong đó có 18 du khách (nước ngoài). Số nạn nhân không lớn hơn vì lực lượng bảo vệ đã bắn hạ được hai tên khủng bố trước khi chúng kịp bấm nút làm nổ dây lưng thuốc nổ mà mỗi tên đều mang trên người.

Hai hôm sau, thứ sáu 20.3, giữa ngày cầu nguyện, hai nhà thờ Hồi giáo ở hai đầu thủ đô Sanaa (Badr ở phía nam và Al-Hashahush, bắc thành phố) nước Yemen (miền nam bán đảo Arabia), bị đánh bom. Ít nhất 142 tín đồ tử vong, hơn 350 người khác bị thương.

Tổ chức khủng bố tự xưng là Nhà nước Hồi giáo (tiếng Pháp : Etat Islamique, tiếng Anh : Islamic State of Iraq and Syria, viết tắt ISIS) nhận mình là thủ phạm cả hai vụ thảm sát.

Cũng là đồng bọn của chúng đã tấn công toà báo Charlie Hebdo hai tháng trước (7.1.2015), bắn chết 12 người trong đó có 8 nhà báo. Khi đó, có những người đã nói rằng các nhà báo đã có lỗi phần nào khi « xúc phạm » tôn giáo của chúng, khi đăng những bức tranh biếm hoạ nhà tiên tri Mohammed. Ở Tunis, có bức biếm hoạ nào chọc giận chúng ? Ở Sanaa, toàn bộ nạn nhân là những người Hồi giáo đang tiến hành lễ cầu nguyện hàng tuần, trong những thánh đường của đạo mình. Những người dân của đất nước nghèo và lạc hậu nhất trong các nước A-rập, họ có vẽ, viết gì xúc phạm Allah hay Mohammed ?

Câu trả lời cho cả hai câu hỏi là Không. Ở Sanaa, những nạn nhân chỉ có tội là đi lễ ở những thánh đường mà người chủ chiên (Iman) được biết là thuộc một nhánh Shia (tiếng Pháp : Chiite), trong khi ISIS đi theo nhánh Sunni (Sunnite). Đạo Hồi Sunni chiếm đa số trong thế giới Hồi giáo, nhưng đội quân « thánh chiến » ISIS chỉ là một nhúm vũ trang sinh ra từ hỗn loạn chiến tranh ở Irak và Syria, với cuồng vọng « thống nhất » Hồi giáo theo nhánh Sunni, chống lại « phương Tây » - thực ra là chống lại cả thế giới, Thiên Chúa giáo, Phật giáo, Hồi giáo Shia, hay « vô thần ».

Nhưng sẽ là sai lầm lớn nếu tin vào sự khẳng định « niềm tin tôn giáo » này của ISIS. Người Tunisia cũng thuộc nhánh Hồi giáo Sunni, và không thể nói là khách thăm viếng bảo tàng Bardo chỉ toàn là những người nước ngoài. Phản ứng của người dân Tunisia (xem Tunisie : le combat démocratique continue, Le Monde 20.3.2015) cho thấy họ không hiểu lầm mục tiêu của ISIS thực ra là chống lại đất nước Hồi giáo mà tiến trình dân chủ hoá kể từ cuộc Cách mạng hoa nhài là một mẫu mực đáng noi theo đối với người dân các nước Hồi giáo khác trong vùng. Nhà báo Frederic Bobin cũng nhắc lại khung cảnh chính trị này trên Le Monde ngày 18.3 :

Cuộc tấn công này diễn ra khi mà kịch bản chính trị và thể chế có vẻ như đã ổn định sau những bấp bênh tiếp theo sự ra đi của cựu tổng thống Ben Ali. Béji Caïd Essebsi, dẫn đầu liên minh chống chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan Nidaa Tounès, đã được bầu làm tổng thống sau khi thắng cuộc bầu cử lập pháp vào tháng 10.2014. Chính phủ ông thành lập sau đó là một chính phủ liên minh, bao gồm cả một thiểu số thuộc đảng Hồi giáo Ennahda. (Xem thêm, trên mặt báo này, bài : Tunisie, một nền dân chủ giằng được của Mohamed Jaoua).

bia


Ảnh báo Le Monde

Trong tiến trình dân chủ hoá ấy, bảo tàng Bardo còn là một biểu tượng văn hoá không thể không tiêu diệt, dưới mắt những kẻ cuồng tín theo ISIS. Điều đó, một lần nữa đặt lại các cuộc thảm sát nhân danh tôn giáo này vào đúng vị trí của chúng. Những cuộc thảm sát cuồng điên, không có một lý do « tôn giáo » nào có thể bào chữa. Và ngược lại, cũng soi sáng vị trí của cuộc đấu tranh chống lại các cuộc thánh chiến : đó cũng là đấu tranh bảo vệ tự do tín ngưỡng trong ý nghĩa đích thực của nó. Tin hay không tin thuộc về tâm khảm của mỗi người, không kẻ nào có quyền nhân danh một đấng siêu nhiên nào để bắt người khác phải tin giống như mình, để buộc tội người khác là báng bổ thần thánh của mình. Tự do tín ngưỡng đó hoàn toàn không mâu thuẫn với tự do ngôn luận, nền tảng của mọi nền dân chủ đích thực. 

Đó là lý do tại sao, nhớ lại khẩu hiệu của cả thế giới sau cuộc thảm sát ở toà báo Charlie Hebdo, bài này mang tiêu đề

Tôi là Bardo, tôi là Sanaa


Hoà Vân

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us