Trump và cuộc triệt thoái vĩ đại
Trump và cuộc triệt
thoái vĩ đại khỏi
vai trò lãnh
đạo thế giới của Mỹ
Vũ Quang Việt
“Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại” là khẩu hiệu Trump dùng trong cuộc tranh cử vừa qua. Thế thì tại sao lại có thể nói Trump đang khởi động cuộc triệt thoái vĩ đại khỏi vai trò lãnh đạo thế giới?
Nước Mỹ đã từng vĩ đại, ở chỗ nó trở thành nguồn cảm hứng cho các nước trên thế giới về chính các cuộc vận động và phong trào đấu tranh ngay tại nước Mỹ cho tự do ngôn luận, dân chủ, quyền của người lao động, bình đẳng mầu da, bình đẳng giới và kiểm soát quyền lực bằng tam quyền phân lập.
Không chỉ thế, Mỹ đã tốn tiền của để vực dậy kinh tế các nước châu Âu sau thế chiến thứ hai, và lãnh đạo thương thuyết các thể chế thương mại và chuyển giao công nghệ nhằm mở rộng cho toàn cầu hóa. Tất nhiên là Mỹ được hưởng lợi và mọi nước cũng được hưởng lợi. Trung Quốc, với dân số và tài nguyên lớn đã đặc biệt hưởng lợi, thoát thai từ một nước tự làm mình nghèo đói nhanh chóng thành một nước có nền kinh tế phát triển, và rất tiếc đang trở thành một nước đe dọa hòa bình ở khu vực châu Á.
Tuy thế, Mỹ đã không thể lập lại ở Trung Đông và Nam Á cách làm đã đạt thành quả về dân chủ và phát triển cho châu Âu. Có lẽ nền văn minh, gồm tôn giáo và văn hóa ở đó hoàn toàn khác nền văn minh thiên chúa giáo ở châu Âu. Afghanistan, Iraq, Libya, Syria chỉ có chiến tranh và chết chóc dù Mỹ đã tiêu phí có thể hơn 6 ngàn tỷ chỉ đối với chiến tranh Afghanistan và Iraq. Dù thể chế Mỹ có tốt đẹp, Mỹ không thể thành công khi áp đặt một chính thể kiểu Mỹ lên các nước này. Dân chúng Mỹ thấy rõ nên muốn rút lui. Không chỉ Trump mà Obama đã nhận thấy điều này, nhưng Obama hành xử trong tinh thần trách nhiệm. Không biết Trump sẽ hành xử như thế nào.
Ở Trung Quốc, không phải là thất bại nhưng Mỹ đã sản sinh ra mối đe đọa cho chính mình, không chỉ về kinh tế mà còn về chính trị và quân sự. Mở cửa quá nhanh và tạo cơ hội cho TQ, nhằm chống Liên Xô, đã nhanh chóng hút việc làm sang TQ và làm tan hoang các vùng có công nghiệp lỗi thời. Có lúc, ửng cử viên tổng thống độc lập Ross Perot, khi cạnh tranh với Bush và Clinton, chủ trương chống lại toàn cầu hóa và NAFTA, đã tuyên bố là hiệp định NAFTA (được thông qua sau đó năm 1994) sẽ là một cú hút vĩ đại (giant sucking sound) việc làm từ Mỹ sang Mexico. Thật ra, cú hút vĩ đại xảy ra khi Mỹ mở cửa cho TQ vào năm 2004. Perot vì là ứng viên độc lập nên dù thu hút nhiều phiếu chưa từng thấy cũng chỉ đạt được gần 20% phiếu phổ thông. Phải đợi đến Trump, trở thành ứng cử viên chính thức của Đảng Cộng hòa mới có thể thắng cử, với cùng chủ trương.
Trump sẽ thể hiện chính sách như thế nào?
1. Về kinh tế, Trump tuyên bố sẽ đem lại việc làm trong các vùng mà công nghiệp chế biến đã bị lao động rẻ tiền ở TQ, và các nước thứ ba khác, và đặc biệt là công nghệ mới đào thải.
Đây là chủ trương chính làm Trump thắng cử (mà tôi đã phân tích trong bài trước).
Để đạt được mục đích trên, Trump chủ trương xây tường ngăn cản người Nam Mỹ vào Mỹ; đòi thương lượng lại, tức là, xé bỏ hiệp ước thương mại Bắc Mỹ (NAFTA). Làm thế Trump tự xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Mỹ.
Ở khu vực Thái Bình Dương, TPP là thể chế mới mà Obama muốn thiết lập để tạo đối trọng với TQ, mở rộng thêm cửa thị trường với thuế nhập thấp cho các nước sẵn sàng hợp tác với Mỹ, tức là tạo ưu thế cạnh tranh cho các nước đồng minh, ngăn chặn TQ.
Trump xóa TPP, xóa NAFTA cũng là tự mình rút về cố thủ, để rộng thế giới cho TQ. TQ chắc là rất “hồ hởi”, mặc dù không nói ra. TQ đang cố gắng xây dựng thể chế riêng nhằm thay thế Mỹ, với đề án Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (Regional Comprehensive Economic Partnership) mà TQ là trụ cột, không có Mỹ. Đề án này nhằm bỏ thuế nhập khẩu ở khu vực Thái Bình Dương, thực chất là nhằm xâm nhập thị trường các nước châu Á Thái Bình Dương vì các nước này không có khả năng cạnh tranh về giá với hàng hóa TQ. Hiệp định này có thể được thông qua trong vài tháng tới. Cùng với việc thiết lập Ngân hàng Hạ tầng, TQ có khả năng mua chuộc bằng tiền để đầu tư trực tiếp của TQ xâm nhập các nước mượn tiền (với điều kiện mượn tiền của TQ thì doanh nghiệp TQ được ưu tiên đấu thầu.)
Đối sách với tình hình trên, Trump chủ trương xây tường cố thủ không chỉ với TQ mà còn với đồng minh của chính mình như Mexico. Phải nói thế này, nếu chỉ tăng thuế nhập khẩu để trừng phạt TQ thì TQ cũng có thể trừng phạt lại bằng tăng thuế nhập. Hai bên cùng thiệt, nhưng TQ sẽ không thiệt nhiều như Trump tưởng. Hiện nay, xuất khẩu của TQ vào Mỹ chỉ bằng 3.8% GDP của TQ, giảm từ cao điểm 8% năm 2006. Nếu kể thêm cả Hồng Kông thì cũng chỉ gần gấp đôi. Nói chung là ảnh hưởng của cuộc chiến tranh thương mại đối với TQ sẽ không phải là thật lớn, trừ trường hợp các đồng minh của Mỹ cùng hiệp lực với Mỹ. Thế nhưng Trump lại chủ trương xây tường, cô lập để tự vệ!
Một giải pháp có lẽ là duy nhất để trợ giúp những người thất nghiệp vì không thể cạnh tranh về lương trong công nghệ cổ điển và trên hết là để đối phó với công nghệ mới dựa vào tự động hóa với trí tuệ thông minh, không cần nhiều lao động ít tri thức là thiết lập mức thu nhập tối thiếu (minimum income) cho mọi công dân do ngân sách nhà nước tài trợ. Điều này đã được thực hiện ở các nước giàu từ dầu lửa ở Trung Đông như Qatar, Kuwait và Bahrain. Chính sách này cũng đang được thử nghiệm với ba ngàn người thất nghiệp ở Phần Lan và những người không có nguồn thu nhập ở Đan Mạch. Đáng tiếc là đề án thu nhập tối thiếu phi điều kiện đã không được chấp nhận ở Thụy Sĩ trong cuộc trưng cầu dân ý vào tháng 6 năm 2016. Và với tình hình chính trị hiện nay ở Mỹ, đề án này chỉ là ảo tưởng.
Tuy nhiên đề nghị giảm thuế của Trump không phải là giải pháp; nó chủ yếu giúp cho người giàu và sẽ sinh ra nhiều hậu quả kinh tế không tốt khác. Giảm thuế doanh nghiệp từ 35% xuống 15% sẽ tăng thu nhập của dân có đầu tư chứng khoán lên 20%. Thuế thu nhập cá nhân chỉ còn 3 suất: 10%, 20% và 25%. Chỉ những người có thu nhập dưới khoảng 29 ngàn đôla một năm mới không bị trả thuế. Người có thu nhập trên 400 ngàn một năm trở lên được giảm từ 39,6% xuống 25%. Theo tính toán của Tax Policy Center, thuế Liên bang thu được sẽ giảm 9,5 ngàn tỷ trong 10 năm, tức là mỗi năm giảm 950 tỷ (trung bình 4,0% GDP). Số tiền này tất nhiên chui vào tay người giàu là chính. Người có thu nhập thấp cho đến trung bình thu nhập sau thuế tăng khoảng 1-5%, người có thu nhập cao (275 ngàn USD trở lên) có thu nhập sau thuế tăng 17,5% - 19%. Thiếu hụt ngân sách Mỹ sẽ tăng. Và như thế không hiểu Trump lấy tiền đâu để đầu tư vào hạ tầng cơ sở và tăng cường lực lượng quân sự? Người không có việc tất nhiên không bị trả thuế, có giảm thuế suất cũng không có giá trị với họ.
2. Về quân sự, Trump cũng chủ trương rút lui về tự vệ, để các quốc gia khác tự bảo vệ chính mình.
Trump chủ trương sẽ “xem xét việc rút khỏi các liên minh quốc tế về bảo vệ an ninh”, bởi vì nó “lỗi thời” và “tốn kém”. Trump nói về Liên minh Bắc Đại Tây Dương (NATO), cơ sở bảo vệ hòa bình ở châu Âu sau thế chiến thứ hai “là nó được thiết lập lúc chúng ta là một nước giàu hơn. Bây giờ chúng ta đâu còn giàu. Chúng ta mượn tiền... kể cả mượn của TQ.” Khi bị hỏi có chủ trương giảm ảnh hưởng đối với NATO, Trump trả lời là không muốn thế, nhưng muốn tiêu tiền ít hơn và nước khác tiêu nhiều hơn.
Lãnh đạo Ai Cập, Syria, Iraq, và Yemen đều vui mừng về cuộc thắng cử của Trump. Họ sẽ được thoải mái dùng bạo lực cai trị. Cái gọi là Mùa Xuân Ả Rập sẽ biến khỏi mặt đất. Và có lẽ Trump sẽ cùng với Putin đi thoả ước chỉ nhằm chống ISIS, tức là bảo vệ sự tồn tại của Al-Assad ở Syria.
Vấn đề an ninh ở Biển Đông là ưu tư của người Việt thì thế nào?
Có thể nói rằng ngay cả chính sách chuyển trục của Obama cũng bị các nước ở châu Á có tranh chấp với TQ nghi ngờ về hiệu quả, bởi vì không biết Mỹ sẽ có thể làm gì với các hành động khiêu khích vi phạm luật Biển của TQ.
Duterte, Tổng thống Phi, thấy rõ điều này, nên cũng chuyển trục, ít nhất là thấy cần thương thảo với TQ. Nếu chỉ thương thảo trên cơ sở phán quyết của Tòa án Quốc tế, thì rõ rằng Duterte đã làm một hành động khôn ngoan. Hành động này cũng không khác gì điều mà Việt Nam chủ trương hiện nay.
Khó có thể thấy Trump có thể làm gì hơn chiến lược mà Obama đã theo đuổi, nhất là khi Trump chưa đưa ra được một chủ trương về chiến lược đối phó với TQ.
Điều này cho thấy chỉ khi nào TQ có cái nhìn dài lâu vì hòa bình, thì khu vực châu Á Thái Bình Dương mới có thể có ổn định.
Các nước nhỏ như Việt Nam, không thể cho phép mình đánh cuộc với chiến lược bất nhất của nước lớn, cần theo đuổi chính sách độc lập, thương thảo và hợp tác với mọi nước đồng thời tăng cường khả năng phòng thủ, sẵn sàng bảo vệ lợi ích của mình ở Biển Đông.
Vũ Quang Việt
Các thao tác trên Tài liệu